Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong cao sau bệnh về tim mạch và ung thư. Tại Mỹ, hàng năm có tới 60 vạn người mắc bệnh đột quỵ và tử vong khoảng 16 vạn người.
Nguyên nhân xảy ra đột quỵ
Đột quỵ là hiện tượng ngừng trệ đột ngột dòng máu cung cấp cho não gây nên tổn thương cấp tính vùng não thiếu máu. Sự ngưng trệ đột ngột máu cung cấp cho não (hoặc thiếu hoặc mất hẳn) tức là ngưng trệ cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho vùng não thiếu máu đó, dẫn đến tế bào não bị hoại tử chỉ sau một thời gian ngắn.
Sự thiếu máu nuôi dưỡng một vùng não có thể do bị chèn ép bởi cục máu đông (do tổn thương tim) hoặc do vỡ mạch mãu não gây xuất huyết não (tăng huyết áp kịch phát, xơ vữa động mạch).
Xuất huyết não có thể ồ ạt hay từ từ, tùy thuộc vào vị trí và mức độ mạch máu bị vỡ. Ngoài ra cũng có thể gặp đột quỵ do rối loạn đông máu hoặc ở người bệnh đang dùng thuốc điều trị chống đông máu.
Theo thống kê, có khoảng 22% dân số mắc bệnh tăng huyết áp. Tuy vậy, nhiều người không quan tâm đến bệnh này hoặc do chủ quan cho rằng bệnh tăng huyết áp là bệnh của người già, ai cũng có thể bị, hoặc không có điều kiện để tìm hiểu về căn bệnh mà người ta gọi là “bệnh giết người thầm lặng”. Mùa nắng nóng kéo dài khiến cho NCT đang mắc bệnh tăng huyết áp rất khó kiểm soát, do đặc điểm sinh lý của NCT là mọi chức năng sinh lý đã thuyên giảm, trong đó có chức năng điều tiết của hệ thần kinh trung ương. Đó là chưa kể đến NCT còn mắc một số bệnh mạn tính về tim mạch, tiểu đường, béo phì, bệnh rối loạn chuyển hóa... Mùa hè cũng làm cho chế độ sinh hoạt, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi của NCT thay đổi. Mùa hè đột quỵ dễ xảy ra ở NCT đặc biệt là ở những người có sẵn các bệnh về tim mạch (tiền sử có nhồi máu cơ tim, thiểu năng mạch vành), tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu (tăng cholesterol, triglyceride), đái tháo đường.
Dấu hiệu đột quỵ
Khi NCT đột ngột đau đầu dữ dội, choáng váng, mất tri giác hoặc hôn mê, gọi hỏi không biết gì (trường hợp nặng do xuất huyết não nhiều hoặc bị chèn ép làm tắc nghẽn mạch máu nuôi dưỡng một vùng não), đó là những dấu hiệu báo trước của đột quỵ. Những dấu hiệu nữa là đột ngột tê tay, chân cùng bên hoặc tay chân khó cử động; nói khó, ngọng, phát âm không rõ; một bên mắt nhắm không kín, nhìn đôi, nhìn mờ, nhoè; miệng méo; nhân trung lệch; có thể rối loạn tiểu tiện (tiểu không tự chủ hoặc bí tiểu). Ngoài ra, có thể gặp một số dấu hiệu khác kèm theo như mất thăng bằng, buồn nôn hoặc nôn. Các triệu chứng này có thể tăng dần lên làm cho bệnh cảnh càng trầm trọng. Nguy cơ tử vong ở những người đột quỵ không phát hiện sớm và không xử trí kịp thời có thể chiếm tỷ lệ rất cao (90%) và một tỷ lệ thấp nếu qua khỏi phải chịu di chứng nặng nề hoặc liệt, mọi sinh hoạt không tự chủ, không nói được, lú lẫn... Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp các triệu chứng chỉ xảy ra trong vòng vài ba phút rồi trở lại bình thường. Trong trường hợp này được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua.
Làm gì khi bị đột quỵ?
Chỉ cần có một trong các dấu hiệu cảnh báo là bị đột quỵ là phải hết sức khẩn trương gọi xe cấp cứu ngay, không được chần chừ, cũng không chờ đợi xem còn dấu hiệu nào xuất hiện nữa hay không. Cấp cứu càng sớm càng tốt bởi vì nếu xử trí trước 2 giờ, tối thiểu trước 6 giờ, khả năng cứu sống người bệnh rất cao và ít để lại di chứng, nếu muộn hơn nguy cơ diễn biến phức tạp luôn luôn có thể xảy ra. Trong khi chờ đợi xe cấp cứu đến nên cho người bệnh nằm yên, nghiêng đầu sang một bên ngay cả khi có triệu chứng co giật. Để tránh người bệnh cắn lưỡi cho một chiếc đũa hoặc cán thìa có quấn vải vào giữa 2 hàm răng.
Phòng bệnh đột quỵ ở NCT là phải phòng từ xa có nghĩa là cần được khám sức khỏe định kỳ theo lời dặn của bác sĩ. Khi có bệnh về tim mạch cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ngưng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Khi có bệnh tăng huyết áp hoặc rối loạn mỡ máu hoặc bị đái tháo đường cần kiểm tra huyết áp, mỡ máu và đường máu theo lời dặn của bác sĩ khám bệnh. Tuyệt đối không tự mua thuốc hoặc dùng đơn thuốc của bệnh nhân khác mua thuốc cho mình.
Mùa hè, NCT nên uống đủ lượng nước cần thiết và không phải chờ đợi khi có biểu hiện khát mới uống. Nếu nghiện thuốc lá, thuốc lào thì cần hạn chế và tốt nhất là bỏ hẳn. Những người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường không nên uống bia, rượu. Nên tăng cường uống nước cam, chanh và quả tươi.
Mùa hè cũng cần vận động cơ thể một cách hợp lý. NCT nên tập các bài tập nhẹ nhàng hợp với sức khỏe của mình, không nên tập khi mặt trời lên cao, nhiệt độ ngoài trời đã tăng. Mỗi lần ra nắng cần đội nón, mũ rộng vành. Nên mặc quần áo mỏng, thoáng mát.
NCT nên ăn nhiều rau, ăn đủ chất. Những NCT có bệnh cần ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ nhưng không nên kiêng khem quá mức vì có thể đưa đến suy dinh dưỡng.
PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU
Khi bị đột quỵ tuyệt đối không nên đấm bóp
Huyết áp tăng cao bất ngờ sẽ dẫn đến tình trạng đột quỵ não và nhồi máu cơ tim, để tránh cho bệnh nhân tử vong cần biết cách chăm sóc người bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh khi đã bị đột quỵ não, nhồi máu cơ tim thì bị đau không thể tưởng tượng nổi. Người bệnh đau thắt, đau bóp, đau đến tức ngực mà không thể chịu đựng nổi. Sự thiếu máu cơ tim đã làm cho tim gần như bị suy sụp chức năng.
Hoặc là nhịp tim nhanh lên hoặc là nhịp tim chậm xuống và nguy hại hơn là huyết áp tụt xuống không thể cung cấp đủ máu. Nếu không cấp cứu nhanh thì người bệnh hoàn toàn bị tử vong. Vào lúc này, mọi nhất cử nhất động sai đều không thể cứu vãn nổi tình thế.
Vì thế nếu 2 biến cố trên xảy ra cần:
- Bất động bệnh nhân hoàn toàn. Không vật lộn bệnh nhân, không đấm bóp người bệnh, như thế sẽ làm cho bệnh nặng thêm. Đặt người bệnh lên một ván cứng và chuyển nhanh đến cơ sở y tế gần nhất, dù đó là trạm xá vì sẽ được sơ cứu ban đầu để bảo toàn tính mạng. Nếu cứ cố tình chuyển lên tuyến trên cho “xịn” thì người bệnh có thể tử vong trước khi kịp nhận được sự điều trị. Thời gian cấp cứu vàng là 3 giờ tính từ khi đột quỵ não xảy ra.
- Không cho người bệnh uống, ăn bất cứ thứ gì, kể cả đó là nước đường, cháo hay sữa. Việc cho ăn uống lúc này báo hại hơn là giúp lợi cho người bệnh.
Để tránh xảy ra các biến cố nguy hiểm, người bị bệnh huyết áp không quên uống thuốc theo lịch đã định hàng ngày. Trong bệnh tăng huyết áp việc uống thuốc là vô cùng quan trọng. Vì có khi chỉ một hôm quên không uống thuốc thôi là có thể hỏng cả một quá trình chữa bệnh trước đó.
Buổi sáng dễ bị đột quỵ hơn
TS -" Vào buổi sáng bạn có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn tất cả thời gian khác trong ngày. Vì nhịp sinh học của con người có liên quan đến huyết áp, nhiệt độ, và chức năng khác của cơ thể, nên vào buổi sáng khi huyết áp cao hơn thì nguy cơ bị đột quỵ cũng gia tăng", một nghiên cứu đã cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập những số liệu từ 735 người đã bị đột quỵ lần đầu tiên, và trong số những bệnh nhân này có đến 45% đã bị đột quỵ từ 6 giờ sáng đến trưa. Còn với 431 bệnh nhân bị đột quỵ do chứng thiếu máu cục bộ có 5% xảy ra giữa đêm đến 6 giờ sáng, 42% là từ sáng đến trưa, 30% là từ trưa đến 6 giờ chiều và 23% là từ 6 giờ chiều đến nửa đêm. Thêm vào đó, những bệnh nhân lớn hơn 70 tuổi thường bị đột quỵ từ 6 giờ đến trưa nhiều hơn so với người trẻ.
"Chúng tôi không phải là người đầu tiên đưa ra kết luận này. Nhưng cũng cần biết một số thời điểm mà chu kỳ sinh học có tác động đến chức năng của cơ thể. Theo đó thì huyết áp thường cao vào buổi sáng và một số chức năng của cơ thể cũng thay đổi vào buổi sáng và đó có thể là điều dẫn đến việc làm gia tăng nguy cơ bệnh đột quỵ", bác sĩ Mitchell S. Elkind của trường ĐH Columbia cho biết.
Mức phổ biến của chứng đột quỵ vào buổi sáng tương tự nhau ở cả đàn ông- phụ nữ da đen và da trắng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mà các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát.
Đ.TÂM (Theo HealthDayNews)