CHƯƠNG 1
Những Người Khôn Ngoan Vẫn Tìm Ngài
"Các ngươi sẽ tìm kiếm ta và gặp được khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng". (Giê-rê-mi 29:13)
Những Người Khôn Ngoan Vẫn Tìm Ngài
"Các ngươi sẽ tìm kiếm ta và gặp được khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng". (Giê-rê-mi 29:13)
Hai nghìn năm trước các nhà thông thái Ba-tư quyết định lên đường tìm Chúa Cứu Thế khi thấy ngôi sao Ngài xuất hiện. Mục đích hành trình gian khổ đó chỉ là để được tôn thờ Chúa và dâng lễ vật cho Ngài, cho nên khi đạt được, họ thỏa nguyện trở về. Kể từ đó con người tiếp tục đi tìm…
Ðầu thập niên 50, Mục-sư Billy Graham viết quyển Peace With God (Bình An Với Chúa) mà chỉ trong ít năm đã trở thành một tác phẩm truyền giáo và dưỡng linh quan trọng, không chỉ hướng dẫn thân hữu con đường tin nhận Chúa mà còn giúp vô số tín hữu biết rõ hành trình đức tin của mình. Trong chương đầu tiên ông viết về Cuộc Tìm Kiếm Vĩ Ðại chúng tôi trích đăng sau đây. Xin quí độc giả cho biết ý kiến, nếu có nhiều lời yêu cầu Thông Công sẽ cho đăng những chương kế tiếp.
Ðầu thập niên 50, Mục-sư Billy Graham viết quyển Peace With God (Bình An Với Chúa) mà chỉ trong ít năm đã trở thành một tác phẩm truyền giáo và dưỡng linh quan trọng, không chỉ hướng dẫn thân hữu con đường tin nhận Chúa mà còn giúp vô số tín hữu biết rõ hành trình đức tin của mình. Trong chương đầu tiên ông viết về Cuộc Tìm Kiếm Vĩ Ðại chúng tôi trích đăng sau đây. Xin quí độc giả cho biết ý kiến, nếu có nhiều lời yêu cầu Thông Công sẽ cho đăng những chương kế tiếp.
Cuộc Tìm Kiếm Vĩ Ðại
"Các ngươi sẽ tìm kiếm ta và gặp được khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng" - Giê-rê-mi 29:13
Ngay từ giây phút chào đời, bạn đã khởi sự tham gia vào Một Cuộc Tìm Kiếm Vĩ Ðại. Có lẽ phải nhiều năm sau bạn mới nhận ra rằng không giây phút nào bạn ngừng tìm kiếm, tìm kiếm điều bạn chưa bao giờ có, tìm kiếm một điều quan trọng hơn mọi thứ trong đời. Ðôi lúc bạn cố quên công cuộc tìm kiếm đó đi để vùi đầu vào bao nhiêu việc khác, để không còn thì giờ cho bất cứ cái gì ngoại trừ những công việc phải làm trước mắt. Vì vậy có lúc bạn tưởng mình đã được giải phóng khỏi cái thôi thúc tìm kiếm điều không tên kia; có những khoảnh khắc bạn tưởng hầu như mình đã hoàn toàn loại trừ được nó, nhưng rồi nó vẫn trở lại với bạn, vẫn tiếp tục thúc bách bạn đi tìm.
Trong những giây phút cô đơn nhất trong đời, bạn nhìn người khác tự hỏi không biết họ có đang đi tìm như bạn không - tìm điều họ không thể mô tả nhưng biết mình muốn, mình cần. Một số có vẻ như đã tìm được thỏa nguyện trong hôn nhân và đời sống gia đình. Có người ra đi đạt được danh vọng và giàu có trong những vùng đất khác; có người lại thành công thịnh vượng ngay tại quê nhà. Nhìn những người đó có thể bạn đã nghĩ: Ðây là những người không mất công lao vào Cuộc Kiếm Tìm Vĩ Ðại. Những người này đã tìm được đường đi, biết điều mình muốn và đã đạt được. Chỉ có mình ta lầm lũi trên con đường chẳng dẫn đến đâu. Chỉ mình ta cứ tiếp tục hỏi, tìm, bước đi chệnh choạng trên lối mòn tăm tối và vô vọng không bảng chỉ đường.
Tiếng Kêu Của Nhân Loại
Nhưng bạn không cô đơn, vì toàn thể nhân loại đang cùng đi với bạn. Mọi người đều đang theo đuổi công cuộc tìm kiếm đó. Mọi người đang tìm giải đáp cho tình trạng rối loạn, đạo đức suy đồi và trống rỗng thuộc linh đang khống chế thế giới. Toàn thể nhân loại đang kêu gào xin được bình an, được chỉ dẫn và khích lệ.
Người ta bảo rằng chúng ta đang sống trong "thời đại âu lo". Các sử gia cho thấy rằng ít có khi nào con người đã phải đương đầu với nhiều sợ hãi và bấp bênh như vậy. Tất cả những cây cột chống đỡ quen thuộc dường như đã bị cuốn trôi. Chúng ta nói về hòa bình nhưng quay đâu cũng đều chỉ thấy chiến tranh. Chúng ta hoạch định bao nhiêu kế hoạch an ninh mà không có an ninh. Chúng ta bám lấy mọi cái phao bập bềnh trôi qua, nhưng vừa khi nắm được, nó lại biến mất. Từ bao nhiêu thế hệ, chúng ta đã bỏ chạy như đám trẻ kinh hoảng, từ ngõ cụt này đến ngõ cụt khác. Lần nào chúng ta cũng đều tự nhủ: "Ðúng rồi đây, đường này sẽ đưa ta đến nơi." Nhưng lần nào chúng ta cũng đều sai.
Con Ðường Tự Do Chính Trị
Một trong những con đường đầu tiên chúng ta chọn có tên là "tự do chính trị", bảo rằng nếu mọi người có tự do thì thế giới sẽ hạnh phúc. Hãy để chúng ta được quyền chọn lựa thành phần lãnh đạo thì chúng ta sẽ có một chính phủ đem lại cuộc đời đáng sống. Ngày nay dù đã đạt được tự do chính trị nhưng chúng ta vẫn chưa có một thế giới tốt đẹp hơn. Hàng ngày báo chí đăng tải đầy dẫy những chuyện tham ô ngay tại những cấp cao trong chính quyền, những chuyện bất công, bè phái, hối mại quyền thế đầy dẫy, không kém mà có khi lại tệ hại hơn tình trạng nhũng lạm trong các triều đình vua chúa ngày xưa. Tự do chính trị quan trọng và rất quí, nhưng không đủ đem lại cho chúng ta cái thế giới chúng ta mong ước.
Nhiều người đặt trọn niềm tin vào một con đường khác đầy triển vọng có tên là "giáo dục". Họ bảo rằng tự do chính trị kết hợp với giáo dục sẽ giải quyết được hết, và tất cả chúng ta đã đổ xô về con đường đó. Ðây dường như là một con đường tươi đẹp, lý thú, đầy ánh sáng. Chúng ta đã vui chân bước đi đầy hy vọng trên con đường này trong một thời gian khá lâu, nhưng nó đã đưa chúng ta đến đâu? Chính bạn đã biết câu trả lời rồi. Chúng ta là những người hiểu biết nhất trong cả lịch sử văn minh nhân loại - nhưng cũng là những người nhiều băn khoăn nhất. Các học sinh trung học của chúng ta ngày nay biết các định luật vật lý của vũ trụ nhiều hơn nhà khoa học lỗi lạc nhất của thời Aristotle. Tuy nhiên, dù đầu óc đầy ắp kiến thức, nhưng tấm lòng chúng ta hoàn toàn trống rỗng.
Trong tất cả các nẻo đường, con đường sáng sủa, mời gọi nhất có tên là "nếp sống cao hơn." Hầu hết mọi người đều cảm thấy có thể tin cậy con đường này sẽ tự động đưa họ vào một thế giới tốt đẹp, vui tươi hơn. Người ta cảm thấy đây là con đường chắc ăn nhất, chỉ cần "bấm nút" là đạt được ngay. Ðây là con đường đưa chúng ta qua bao nhiêu tạp chí quảng cáo đầy mầu sắc, qua bao nhiêu xe hơi lộng lẫy, hàng dẫy tủ lạnh, máy giặt, máy sấy, với hàng hà sa số các mặt hàng tiêu dùng. Những con đường khác có vẻ đã sai lầm, nhưng lần này chúng ta biết là mình đã trúng số, đã chọn đúng đường!
Vâng, nhưng bây giờ chúng ta thử nhìn ra xung quanh. Vào chính giây phút này trong lịch sử, bạn thấy tự do chính trị tại Hoa Kỳ tốt đẹp đến độ ngay cả con người ở nhiều vùng đất văn minh trên thế giới cũng không dám mơ ước đến. Bạn cũng thấy tại đây con người đã thiết kế được một hệ thống giáo dục công lập rộng lớn chưa từng có, và chúng ta đã từng khoe khắp mọi nơi về tiêu chuẩn sống cao vượt bực tại Hoa Kỳ. Khi đề cập đến "nếp sống Mỹ" chúng ta muốn nói đến nếp sống điện khí hóa, hoàn toàn tự động, nói đến nền kinh tế tiêu thụ cao độ, nhưng vấn đề là nó có làm chúng ta hạnh phúc không? Nếp sống đó có đem lại cho chúng ta thoả nguyện, niềm vui, và lý do chúng ta sống cuộc đời đang tìm kiếm không?
Không. Ngay cả khi chúng ta ngồi đây cảm thấy thỏa nguyện và hãnh diện đã thành đạt được quá nhiều điều mà những thế hệ tiền bối chỉ dám ước mơ. Chúng ta đã vượt đại dương tính bằng giờ thay vì phải đi hàng tháng, chúng ta phát minh ra những loại thần dược xóa sạch một số căn bệnh nan y đáng sợ nhất của loài người. Chúng ta đã xây những tòa nhà khiến cho tháp Ba-bên ngày xưa đem so sánh thì chỉ như tổ kiến và khi chúng ta học biết nhiều hơn về những bí mật trong lòng biển sâu, thám hiểm xa hơn vào ngoại tầng không gian, chúng ta có làm giảm bớt đi một mảy may nào nỗi trống vắng trong lòng không? Tất cả những công trình hiện đại này có đem đến cho chúng ta một ý thức mãn nguyện nào và có giải thích cho chúng ta biết tại sao chúng ta có mặt ở đây, và có cho biết chúng ta phải học hỏi những điều gì không?
Hay cái cảm xúc trống vắng ghê gớm đó vẫn gan lì ám ảnh chúng ta? Phải chăng mỗi khám phá mới về tính cách bao la của vũ trụ an ủi chúng ta hay chỉ làm chúng ta cô đơn hơn, thất vọng hơn? Phải chăng liều thuốc giải độc chữa trị nỗi sợ hãi, lòng thù hận và tình trạng suy đồi của con người vẫn còn đang nằm trong ống thử tại phòng thí nghiệm hay trong viễn vọng kính của nhà thiên văn?
Tất nhiên còn nhiều con đường khác nhiều người đang theo đuổi trong chính giờ phút này. Có những con đường danh vọng và giàu sang, con đường lạc thú và quyền lực. Tất cả những con đường đó không đưa đến đâu hết, chỉ kéo con người chìm sâu hơn xuống vũng lầy. Chúng ta bị sa vào vào bẫy là chính mạng lưới tư tưởng của mình, bị sập bẫy một cách tinh vi và toàn diện đến nỗi không thể thấy được cả nguyên nhân hoặc phương thuốc trị liệu căn bệnh đã làm chúng ta thống khổ. Nếu đúng như điều người ta nói "bệnh nào cũng có thuốc chữa" thì chắc chúng ta đã đi tìm ngay phương thuốc đó. Thời gian đang trôi nhanh và nếu có con đường nào đưa chúng ta đến với ánh sáng, nếu có cách nào phục hồi lại sức khỏe tâm linh thì chúng ta không được phép để mất dù chỉ một giờ…
Công Cuộc Ði Tìm Giải Pháp
Trong thời gian khủng hoảng này nhiều người đang cố sức vùng vẫy để thấy rằng những nỗ lực đó không nâng họ lên mà lại kéo họ chìm xuống sâu hơn trong hố thẳm. Trong thập niên 80, tỉ lệ tự tử đã tăng vọt. Trong vòng 10 năm, số thiếu niên quyên sinh trong lứa tuổi từ 10 - 14 tăng lên gấp ba. Tạp chí Leadership ước tính hàng năm có đến nửa triệu người toan tự vận, trong đó 50,000 trường hợp đã chết. Trong năm 1981 số người chết vì tự sát nhiều hơn số người bị mưu sát. Trong năm 1983, hàng ngàn người Mỹ, trong đó có nhiều thiếu niên vì không tìm ra giải đáp, dù là một giải đáp sai, nên đã thà quyên sinh còn hơn là tiếp tục lang thang vô định trong khu rừng nhân tạo mà người ta gọi nền văn minh.
Trong nhiều thập niên qua tỉ lệ ly hôn trong xã hội Mỹ và ngay cả trong hội thánh cũng leo thang. Cứ hai cuộc hôn nhân thì một kết thúc trong tan rã. Kể từ năm 1900 đến nay, tỉ lệ ly dị đã tăng 100%. Người Mỹ đã tiêu rất nhiều tiền mua những con búp bê đặc biệt với hình thức như là "nhận con nuôi" từ các cửa hàng đồ chơi, trong khi chính trẻ con Mỹ trở thành nạn nhân của tình trạng lạm dụng hay ngược đãi trẻ thơ hoặc trở thành nạn nhân của tệ nạn kinh khủng là in ấn các tranh ảnh gợi dục dùng trẻ nhỏ. Chúng ta cũng nghe nói về những nhu cầu đòi phá thai, về nhu cầu "làm mẹ thuê" (surrogate motherhood), tức là nuôi bào thai thay cho những người không muốn mang thai và sinh nở sợ sẽ làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp của thân hình hay sức khỏe, về sự hiện hữu của các "ngân hàng tinh trùng", v.v... Ðịnh chế gia đình của chúng ta đang rơi vào khủng hoảng với đủ các loại lạm dụng, sai lầm, thác loạn.
Như vậy bạn sẽ hỏi, "Chúng ta hiện đang ở đâu và sẽ đi về đâu?" Tôi sẽ cho bạn biết chúng ta đang ở đâu và chúng ta sẽ ra sao. Chúng ta là một dân tộc với những con người trống rỗng. Trí óc chúng ta đầy ắp kiến thức, nhưng trong linh hồn chúng ta là một khoảng trống tâm linh mênh mông. Trong quá khứ chúng ta than phiền rằng tuổi trẻ của đất nước này đã mất hết động lực và ý muốn hoạt động để vượt lên hàng đầu. Hàng ngày chúng ta nghe cha mẹ than trách không hiểu tại sao con cái họ không muốn làm việc mà chỉ muốn có sẵn mọi thứ. Các bậc cha mẹ dường như không nhận ra rằng những đứa con của họ tuy được nuôi dưỡng chu đáo, được học hành tới nơi tới chốn, nhưng bên trong hoàn toàn trống rỗng. Bên trong chúng nó không có cái tinh thần làm chúng nó vui thích trong công việc. Bên trong chúng nó không có một quyết tâm khiến cho nỗ lực vươn lên trở thành niềm vui. Tại sao tâm hồn con cái chúng ta trống vắng như vậy? Bởi vì chúng không biết mình đến từ đâu, tại sao ở đây và rồi sẽ đi đâu.
Những người trẻ của chúng ta hôm nay đang thắc mắc về hướng đi và về viễn ảnh tương lai. Họ đang đi tìm mục tiêu và những gương mẫu để noi theo. Họ giống như những dãy xe hơi bóng lộn, tốt đẹp hoàn toàn nhưng bình xăng trống rỗng. Ngoại diện thì đẹp, nhưng không có năng lực gì bên trong cho nên họ đành phải đứng yên, phải ngồi đó, ủ rũ, rỉ sét vì buồn chán.
Chiều Rộng Của Nỗi Buồn
Người ta bảo rằng Hoa Kỳ là nơi có tỉ lệ buồn chán tính trên đầu người cao nhất thế giới! Chúng ta biết như vậy là vì tại đây có con số những thú tiêu khiển và trò giải trí nhiều nhất và đa dạng nhất. Con người đã quá trống rỗng đến nỗi họ không thể tự giải khuây mà phải trả tiền cho người khác giúp vui và đem lại cho họ vài giây phút vui vẻ, thoải mái, ấm áp, để cố xua đi cái cảm xúc trống vắng ghê gớm, đáng sợ, cái cảm giác kinh khủng, hãi hùng trong lúc cô đơn lạc lõng trên đường vắng.
Có thể bạn cho buồn chán là chuyện nhỏ nhặt, vì ai mà chẳng có lúc buồn và đó là điều tự nhiên. Nhưng để tôi nói thêm cho bạn điều này về nỗi buồn, về cái tình trạng lãnh đạm nguy hiểm đang lan rộng cả nước, chụp phủ trí óc và tâm hồn mọi người. Con người là tạo vật duy nhất của Ðức Chúa Trời có khả năng biết chán mặc dù tôi cũng đã thấy có nhiều con vật trong sở thú trông dáng vẻ rất buồn chán. Không một loài sống nào trừ con người biết buồn chán với chính mình hoặc với môi trường xung quanh. Ðiều này rất quan trọng vì Ðấng Tạo Hóa không bao giờ làm gì vô mục đích cho nên nếu Ngài phú ban cho con người khả năng buồn chán thì chắc hẳn Chúa có mục đích cho việc đó.
Buồn chán là một trong những cách chắc chắn nhất đo lường mức trống rỗng nội tâm. Ðó là cái hàn thử biểu rất chính xác về thực tại trống rỗng tâm linh của bạn. Một người chán nản toàn diện là người sống và làm việc trong khoảng chân không. Con người sâu kín bên trong cũng là khoảng chân không, trong khi đó không có gì thiên nhiên ghét hơn là khoảng chân không, vì vậy một trong những qui luật bất di của vũ trụ này là tất cả mọi khoảng chân không phải được lấp đầy và lấp đầy tức khắc.
Một Dân Tộc Trống Rỗng
Chúng ta không cần phải trở lại thời cổ đại mới có thể thấy được những gì đã xảy ra cho một dân tộc có tâm hồn trống rỗng, vì ngay trong lịch sử cận đại của nước Ðức và nước Ý chúng ta có thể thấy điều kinh khủng đã khiến cho thiên nhiên nhanh chóng lấp đầy khoảng trống mênh mông trong chúng ta. Chủ nghĩa Quốc xã Ðức và Phát xít Ý không thể nào tìm được chỗ đứng trong lòng và trong linh hồn một người được đổ đầy Thánh Linh của Ðức Chúa Trời, nhưng những lý tưởng sai lầm sẽ dễ dàng tràn ngay vào những tâm trí và tấm lòng trống rỗng đang khắc khoải đợi chờ. Thiên nhiên rất ghét khoảng chân không nhưng mỗi cá nhân sẽ là người quyết định sẽ đổ đầy những khoảng chân không nội tâm đó bằng thứ gì.
Ðó chính là chỗ đứng của chúng ta hôm nay - là quốc gia với những con người trống rỗng. Chúng ta đang cố gắng đổ đầy tâm trí bằng khoa học và giáo dục, bằng lạc thú và cuộc sống khá hơn với bao nhiêu thứ chúng ta tưởng rằng mình mong muốn. Trong một thái cực, chúng ta ngày càng làm suy đồi chủ nghĩa tư bản, và ở thái cực kia chúng ta tấn công chủ nghĩa cộng sản vô thần, dầu vậy, chúng ta vẫn hoàn toàn trống rỗng. Tại sao chúng ta trống rỗng? Vì Ðức Chúa Trời đã tạo dựng chúng ta cho Ngài cho nên chúng ta sẽ không bao giờ tìm được sự viên mãn và đầy trọn ở ngoài mối tương giao với Ngài.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 2 tháng 11, 1983 nhà báo Công Giáo danh tiếng Michael Novak nói về tình huống chúng ta như sau: "Chủ nghĩa xã hội là một hệ thống dành cho các thánh... chủ nghĩa tư bản dân chủ dành cho tội nhân." Ðó chính là lý do ông thấy tại sao chủ nghĩa xã hội không thành công trong thế giới này.
Từ thế kỷ đầu, Chúa Giê-xu đã dạy chúng ta rằng, "Loài người sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi" (Lu-ca 4:4), nhưng chúng ta không nghe. Chúng ta đã cố ý không nghe. Chúng ta không thể chịu nổi cái trống vắng kinh khủng bên trong, chúng ta không thể nào nhìn tới con đường cô đơn hoang vắng phía trước. Chúng ta mệt mỏi, tuyệt vọng đến rã rời về những hận thù và tham dục đầy ứ bên trong nhưng không làm sao trút bỏ đi để thay vào bằng những điều tốt lành hơn. Sir Walter Scott từng bảo rằng "Thời gian và thủy triều không chờ bất cứ ai." Các phương tiện để hủy hoại toàn diện đã được đặt trong tầm tay chúng ta. Chúng ta không thể đi lạc thêm một lần nữa, chúng ta không còn thì giờ khám phá những nẻo đường chưa biết, chúng ta không được phép để bị lạc vào bất cứ một ngõ cụt nào nữa. Chúng ta không còn nhiều thời gian! Vì thế hệ chúng ta đã thành đạt được những điều các thế hệ khác mới chỉ thử làm, hay mới chỉ mơ tưởng trong những phút điên cuồng liều lĩnh hơn hơn hết. Chúng ta đã hoàn thành được những vũ khí đem lại sự hủy diệt toàn diện. Chúng ta đang chứng kiến cao điểm cơn điên loạn của nhân loại, đó là một cuộc tàn sát trong tương lai bằng vũ khí hạt nhân.Ma quỉ chắc đã cười lớn khi thấy những con người thông minh nhất trên trần gian làm việc cật lực ròng rã bao nhiêu năm để thành đạt được nỗi kinh hoàng này!
Người ta đã phân ly được nguyên tử để tạo ra sức nổ hạch tâm! Chia cắt và chinh phục! Cắt rời, hủy diệt, đập vỡ, chà nát, bóp vụn! Tên đại bịp đã thành công và con người đang nỗ lực hỗ trợ nó. Chúng ta thấy trước mắt kiệt tác của Sa-tan, cái lưỡi lửa giả mạo thật khéo léo. Cái khối lửa này của Sa-tan và lửa Ngũ tuần đều từ trời xuống, đều chiếu sáng, đều biến đổi mọi thứ gì nó chạm vào nhưng với hiệu quả thật khác biệt, khác biệt như địa ngục khác với thiên đàng!
Một Thế Giới Ðảo Ngược
Chúng ta đang sống trong một thế giới đảo ngược với tất cả mọi sự đều hỗn loạn, nhưng đây là sự hỗn loạn có hoạch định, theo kế hoạch của Sa-tan! Kinh Thánh cho biết Sa-tan là tên đại bịp đã dồn hết nỗ lực cho việc khiến con người tự dối mình trong phạm vi cá nhân cũng như phỉnh gạt giữa các quốc gia trong bình diện thế giới. Sa-tan đã khiến cho chúng ta tin rằng mọi sự ngày càng khá hơn khi trong thực tế tình trạng ngày càng tệ hại hơn.
Tất cả chúng ta đều nhận rằng thế giới đã đổi thay tận gốc rễ kể từ khởi đầu thế kỷ 20. Chúng ta biết được nhịp độ thay đổi ngày càng gia tăng, biết tinh thần của cuộc cách mạng đang quét đi những chứng tích và truyền thống tốt đẹp, biết tốc độ thay đổi thể hiện trong sự thay đổi ngôn ngữ, thời trang, phong tục, nhà cửa, lối sống và nếp suy nghĩ.
Chỉ mới cách đây ít năm, trẻ con còn cảm thấy hồi hộp mong được ra nhà ga xem xe lửa nhưng bây giờ chúng hầu như lãnh đạm ngay cả với các phi thuyền không gian. Có bao nhiêu người biết khi nào là lần phóng tới và những phi hành gia nào sẽ bay trên chuyến đó? Chúng ta từng ngạc nhiên thấy máy vô tuyến viễn ký hoạt động nhưng bây giờ lại hoàn toàn thản nhiên trước máy vô tuyến truyền hình, là một phát minh kỳ diệu hơn máy vô tuyến viễn ký rất nhiều. Cách đây không lâu, có những bệnh tật con người cho là nan y, vô vọng nhưng ngày nay chúng ta có những loại thuốc hiệu nghiệm đến độ nhiều chứng bệnh lâu đời đã bị quét sạch. Hiển nhiên là chúng ta đã thành đạt được rất nhiều.
Nhưng với tất cả những tiến bộ này, nan đề căn bản của nhân loại vẫn chưa giải quyết được. Chúng ta có thể xây dựng những tòa nhà cao nhất, chế tạo những máy bay nhanh nhất, xây những cây cầu dài nhất. Chúng ta cũng đã thành công trong việc thám hiểm những khoảng không gian xa xôi và chinh phục những vùng chưa từng biết, nhưng chúng ta vẫn không thể làm chủ chính mình hay sống với nhau trong hòa bình và bình đẳng!
Chúng ta có thể sáng tạo những trường phái âm nhạc và nghệ thuật mới, chúng ta có thể khám phá những loại sinh tố mới hơn, tốt hơn, nhưng tất cả những nan đề của chúng ta không có biến chuyển gì mới. Chúng là những nan đề con người vẫn từng có từ bao lâu nay, nhưng ngày nay lại dường như lớn hơn và nhiều hơn. Chúng có vẻ tấn công chúng ta bằng những phương thức mới, và dường như làm cho nỗi đau đớn của chúng ta sâu hơn, nhức nhối hơn. Nhưng tựu chung, chúng ta vẫn phải đối diện với cùng những cám dỗ, thách thức, trắc nghiệm mà con người trong muôn thuở luôn luôn phải đối đầu.
Cho đến muôn đời kể từ cái khoảnh khắc bi thảm ở vườn Ê-đen, lúc con người loại bỏ ý Chúa để làm theo ý mình, thì con người đã vướng mắc vào đủ mọi nan đề mà nguyên nhân được ghi trong sách Sáng Thế Ký chương 3 với những điều kiện kinh khủng gây ra những nan đề đó có liên hệ với chương đầu của thư Rô-ma, trong khi tin lành của Chúa Cứu Thế Giê-xu đưa ra giải pháp cho chúng ta. Chính tội lỗi và bản chất suy đồi đã khiến con người ngập tràn thù hận, ganh gổ, tham lam và ghen tương. Sự rủa sả của tội lỗi đổ trên thân xác khiến con người muôn đời bị ám ảnh bởi nỗi sợ chết không nguôi. Tài năng đầy sáng tạo giúp con người thay đổi mọi thứ trừ chính mình, vì vậy dù người ta có khoe khoang ồn ào về những "tiến bộ" của thời đại bao nhiêu đi nữa, con người vẫn không có gì thay đổi, vẫn y nguyên như những ngày đầu.
Tội lỗi vẫn y nguyên mặc dù con người đã nỗ lực hết sức để thay đổi. Chúng ta đã cố gắng đặt cho tội lỗi những cái tên mới. Chúng ta đã dán nhãn mới lên những chai thuốc độc cũ. Chúng ta đã cố gắng sơn phết căn nhà hư mục làm bộ như nó còn tốt hay còn mới! Chúng ta đã cố gọi tội lỗi là "sai sót", là "nhầm lẫn" hay "kém phán đoán", nhưng dầu vậy tội lỗi vẫn y nguyên. Dù có cố gắng xoa dịu lương tâm đến đâu đi nữa, chúng ta thừa biết rằng con người vẫn là tội nhân và hậu quả của tội lỗi vẫn là bệnh tật, thất vọng, vỡ mộng, chán chường và chết chóc.
Sự đau khổ cũng không thay đổi. Từ khi A-đam và Ê-va đau đớn nhìn cái xác không hồn của A-bên là đứa con bị giết thì họ đã hiểu sức nặng nghiền nát của sự đau khổ là gì. Cứ thế cho đến hôm nay, sự đau khổ vẫn là ngôn ngữ phổ thông của con người. Không ai thoát mà mọi người đều kinh nghiệm khổ đau. Ðối với một người bạn của Gióp, sự đau khổ còn dường như là mục đích cuộc đời khi bảo rằng, "loài người sinh ra để bị khốn khó, như tia lửa bay chớp lên không" (Gióp 5:7).
Sự chết cũng vậy, vẫn y nguyên dù con người đã cố gắng thay đổi bộ mặt của nó. Chúng ta đã đổi tên "đám ma" thành "hậu sự." Chúng ta đặt xác chết trong "linh cửu" thay vì bỏ vào "hòm." Chúng ta có "nhà quàn" thay vì "nhà xác" với "nghĩa trang" thay cho "nghĩa địa." Chúng ta cố làm nhẹ tính chất thô thiển của những nghi thức tang lễ, nhưng dù chúng ta gọi là gì đi nữa hay cố gắng tô điểm cho người chết đến đâu thì cái thực tại cứng, lạnh, tàn khốc của sự chết vẫn không thay đổi suốt cả lịch sử nhân loại. Cả ba sự kiện này đã tạo thành lịch sử đích thật của con người: quá khứ đầy ắp tội lỗi; hiện tại tràn ngập đau buồn và điều chắc chắn nhất trong tương lai là cái chết.
Kinh Thánh tuyên bố, "Theo như đã định cho loài người phải chết một lần..." (Hê-bơ-rơ 9:27). Ðối với một người bình thường, đây quả thật là một tình huống nghiệt ngã và vô vọng. Hàng trăm triết thuyết và hàng chục tôn giáo đã được con người sáng lập với nỗ lực lẩn tránh lời trên của Ðức Chúa Trời. Các triết gia hiện đại và các nhà tâm lý đang cố gắng khiến cho con người tưởng rằng ngoài con đường là Chúa Giê-xu vẫn còn có những lối thoát khác. Nhưng người ta đã thử đi vào tất cả những con đường đó và nhận ra rằng không con đường nào dẫn họ tới đâu trừ ra là đi xuống! Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến đem giải đáp cho tất cả ba nan đề dai dẳng trên, tội lỗi, đau khổ và sự chết. Duy chỉ có một mình Chúa Giê-xu là Ðấng bất biến, "hôm qua, ngày này và cho đến đời đời không hề thay đổi" (Hê-bơ-rơ 13:8), như lời bài hát của Henry F. Lyte: "Con thấy khắp xung quanh đầy đổi thay, tan rữa, nhưng xin Ðấng không hề biến dịch ở mãi bên con."
Dù tất cả đổi thay, nhưng Chúa Cứu Thế Giê-xu không hề thay đổi. Giữa tất cả những xao động không ngừng của biển tham dục con người, Chúa Cứu Thế Giê-xu vẫn đứng bình lặng, vững vàng như thạch trụ, sẵn sàng cứu vớt những ai quay lại với Ngài để tiếp nhận phước lành bình an. Vì chúng ta đang sống trong thời đại ân sủng có lời hứa của Ðức Chúa Trời rằng bất cứ người nào muốn đều có thể đến tiếp nhận Con Ngài. Nhưng xin nhớ rằng thời kỳ ân điển này sẽ không kéo dài vô tận và thời gian chúng ta đang sống cũng chỉ là số thời gian vay mựợn.