LỜI GIỚI THIỆU
Từ phố xá đô thị cao ngất tới làng mạc xa
xôi, Đài Phát Thanh Xuyên Thế Giới đang được Đức Chúa Trời dùng để đưa con người
từ nghi ngờ tới quyết định làm môn đồ Ngài. Đây là chức vụ bất tận, làm thay đổi
cuộc sống, và hiện đang diễn ra ngay chính giây phút này, vòng quanh địa cầu.
Chương trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới là
một chức vụ phát thanh Cơ Đốc mang tính quốc tế đã từng rao giảng Tin Mừng về
tình yêu không phai tàn cùng sự tha thứ đời đời của Đức Chúa Trời suốt gần năm thập
niên qua. Tổ chức chúng tôi được thành lập năm 1952 do Tiến sĩ Paul E. Freed,
người đã tham dự một hội nghị đặc biệt về truyền giáo cách đó bốn năm tại Thụy
Sĩ và nghĩ rằng mình sẽ làm giáo sĩ tại Tây Ban Nha. Mục tiêu của ông thì đúng,
nhưng Đức Chúa Trời đã thay đổi phương pháp của ông. Thay vì nói trực tiếp và đối
diện với từng người, Tiến sĩ Freed được Đức Chúa Trời hướng dẫn xem xét dùng
ra-đi-ô làm phương tiện để nói cho mọi người về Chúa Giê-xu.
Các chương trình đầu tiên của chúng tôi được
phát sóng đến Tây Ban Nha vào Tháng Hai 1954, bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng
Anh từ một máy truyền tin nhỏ ở Tangier, Morocco. Từ khởi điểm khiêm tốn đó, Chương
Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới đã mở rộng lịch phát thanh hàng tuần lên hơn
1.600 giờ chương trình Cơ Đốc từ 13 điểm phát sóng siêu công suất chính và bằng
vệ tinh. Các buổi phát thanh cũng được truyền qua hơn 1.600 đài địa phương.
Thính giả trên hơn 160 quốc gia có thể nghe Lời Đức Chúa Trời giảng dạy qua hơn
165 ngôn ngữ khác nhau. Ảnh hưởng thật khó tin nổi. Ngày nay, trên 1 triệu rưỡi
cánh thư, “fax,” điện thư, cùng nhắn tin qua điện thoại vẫn nhận được hằng năm,
cho thấy cách Đức Chúa Trời đã dùng các buổi phát thanh để thay đổi những cuộc đời
mãi mãi!
Mục tiêu chính của chúng tôi là tuân phục điều
thường được gọi là “Đại Mạng Lịnh.”
Chúng tôi đã chọn ra-đi-ô làm dụng cụ thực hiện sứ mạng này.
NỘI DUNG
7 Tháp Vĩnh Cửu
Tác giả: Paul E. Freed
Lời Mở Đầu
NHÂN SỰ MIỄN CƯỠNG
HẢI NGOẠI VÔ TỘI
CÀNH CÂY BỊ UỐN CONG
CON NGƯỜI ĐƯỢC THÀNH HÌNH
THƯ CHO MỘT THIẾU NỮ
KHAO KHÁT CHÍNH NGHĨA
VỀ LẠI RỪNG THÔNG
TIẾNG NÓI TANGIER
THĂNG TIẾN
ĐỐI ĐẦU MỚI
PHÉP LẠ Ở MONACO
SẴN SÀNG GHI DANH TỚI MONTE CARLO
NƯỚC ĐỨC DẪN ĐƯỜNG
NÓI VỀ TÂY BAN NHA
BÙNG CHÁY MỐI QUAN TÂM NƯỚC PHÁP
NHỮNG NGƯỜI ĐIỀU ĐỘNG CHO CHÂU ÂU
PHỦ KÍN TRUNG ĐÔNG
KỶ NGUYÊN MỚI CHO PHÁT THANH XUYÊN THẾ GIỚI
LỜI CỦA BETTY JANE
SIÊU CÔNG SUẤT TẠI CARIBBEA
ÂM THANH CỦA SỰ SỐNG
QUÀ TẶNG VÔ GIÁ
LỜI MỞ ĐẦU
Đây là câu chuyện về bước đầu của Chương
Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới, không diễn ra tại một trong những đài phát
thanh của chương trình, mà là trong lòng một con người, Paul E. Freed. Chúa biết
cách Ngài có thể dùng Paul Freed cho bước mạo hiểm truyền giáo lớn lao này và
triển khai trong ông tinh thần truyền giáo say mê ngay từ thời niên thiếu lớn lên
tại vùng Trung Đông. Cha mẹ ông, vốn là giáo sĩ suốt 27 năm tại nơi ngày nay gọi
là Syria, đã mang lại cho cuộc đời Paul một khải tượng truyền giáo sâu sắc, nếu
không thì ông chẳng bao giờ có được khải tượng đó.
Ngay từ khởi điểm, Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới bắt đầu trong lòng một
người, thì ngày nay đã trở thành nhịp tim trong lòng nhiều người nam và nữ khắp
thế giới. Một số nhân viên tận tụy được nêu tên trong các chương sách này. Tuy
nhiên, những người khác tham gia trong chức vụ Phát Thanh Xuyên Thế Giới từ khi
sách này được viết ra, cũng giữ vai trò thiết yếu trong việc phổ biến công tác đã
bắt đầu từ 1952. Họ là những con người không ai nghe thấy nhưng cuộc đời họ đã
gắn bó với chức vụ của Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới .
Sách này đưa độc giả từ những chặng đầu trong lịch sử Phát Thanh Xuyên Thế Giới,
khởi điểm với “The Voice of Tangier” (Tiếng Nói Tangier), sau đó là đài phát
thanh Monte Carlo, và kết thúc với đài phát sóng của chương trình Phát Thanh
Xuyên Thế Giới tại Bonaire. Từ Bonaire, chương trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới đã
xây dựng những thiết bị phát thanh hoặc dùng các trạm sẵn có khắp thế giới. Với
gần 1.000 giờ của chương trình hàng tuần được phát sóng từ nhiều điểm phát
thanh, Đài Phát Thanh Xuyên Thế Giới đã trở thành từ ngữ quen thuộc đối với nhiều
độc giả hải ngoại.
Đài Phát Thanh Xuyên Thế Giới cũng hiện diện trên khắp năm châu và một tiểu lục
địa. Những cộng tác viên trong nước - những tổ chức tự trị chịu trách nhiệm
phiên dịch, điều chỉnh, và phát sóng hầu hết những chương trình của Đài Phát
Thanh Xuyên Thế Giới theo ngôn ngữ của dân tộc, cũng như đảm trách việc liên lạc
thư từ và thăm viếng chăm sóc - rải rác trên 30 quốc gia. Ngày nay hàng trăm
ngàn lá thư được tiếp nhận mỗi năm từ các thính giả theo dõi các buổi phát
thanh của Đài Phát Thanh Xuyên Thế Giới ; riêng tại Ấn Độ, mỗi tháng có từ
25.000 tới 40.000 lá thư.
Từ đây, Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới sẽ đi về đâu? Chúa sẽ mở những
cánh cửa cơ hội mới nào trong tương lai? Chúng ta không biết được, nhưng có một
điều chắc chắn đó là Ngài vẫn là Đức Chúa Trời Toàn năng đã từng gieo hạt giống
của chức vụ này trong lòng một người nhiều năm trước đây. Tháp Vĩnh Cửu ghi lại
những sự việc do kết quả của hạt giống đó nẩy nở và cuối cùng trổ hoa thành chức
vụ truyền thanh toàn cầu cho vinh quang của Đức Chúa Trời. Nguyện danh Ngài được
ngợi khen.
A. L. Robertson, D. D.
Phó Chủ Tịch Ban Điều hành Phát Thanh Xuyên Thế Giới
NHÂN SỰ MIỄN CƯỠNG
Không bao giờ tôi có thể quên được cái
ngày oi bức năm 1948 đó, khi tôi bước xuống tàu lửa tại Barcelona. Tôi KHÔNG
quan tâm tới Tây Ban Nha. Tôi thà tới hầu như bất cứ nơi nào khác trên thế giới
hơn là Tây Ban Nha. Tôi không biết Tây Ban Nha. Tôi không đặc biệt lưu ý tới người
dân Tây Ban Nha. Tây Ban Nha là nước ít thu hút nhất đối với tôi - sau một thời
thơ ấu thật hấp dẫn trong các xứ Ả Rập. Và tôi không biết mình sẽ làm gì tại
Barcelona.
Bên ngoài sân ga Moorish, tôi được đưa tới một loại phương tiện kỳ dị gọi là
taxi. Nó chẳng giống bất cứ loại xe cộ nào tôi đã đi, chạy bằng lò đốt than ở
phía sau. Mùi khói bốc hôi đến nỗi tôi không biết mình phải thò đầu ra ngoài
hay là ráng chịu đựng bên trong. Thật không phải là một khởi đầu tốt.
Cảnh lá cờ vàng đỏ của Tây Ban Nha phấp phới trên sân ga, khiến tôi thắc mắc
không hiểu tại sao Đức Chúa Trời lại dẫn tôi theo hướng này. Nhớ lại hồi ở
Winona Lake, Indiana, dường như cũng hợp lý để tôi lưu ý lời của Torrey Johnson
khi ông bảo tôi: “Paul Freed à, tôi tin là Đức Chúa Trời muốn anh đi Âu châu.”
Chẳng có gì đáng kỳ vọng ngoại trừ kỳ Hội nghị Quốc tế của Youth For Christ tại
Bearenberg, Thụy Sĩ. Trước đây tôi đã từng xuất ngoại, du lịch khoảng giữa Hoa
Kỳ với môi trường truyền giáo của cha mẹ tôi tại Palestine và Syria. Giờ đây
tôi đã ba mươi tuổi, đã kết hôn, và cho là ổn định rồi; nhưng hình như lại là
thời điểm của Đức Chúa Trời cho tôi phải vượt Đại Tây Dương một lần nữa, dù rằng
không dễ gì để vợ tôi ở lại Hoa Kỳ.
Hội nghị quốc tế tại Thụy Sĩ thu hút các ông từ khắp Âu châu cũng như Mỹ châu.
Nhưng hai chàng thanh niên sốt sắng là đại biểu từ Tây Ban Nha đã trở thành những
mắc xích quan trọng trong sợi dây xích vận mạng đời tôi. Họ nài nỉ ai đó trở lại
Tây Ban Nha để giúp họ mang gánh nặng khổng lồ đem Phúc Âm đến cho 30.000.000 đồng
bào họ.
Cuối cùng tôi nói là tôi sẽ đi - tiếng “vâng” rất yếu ớt, miễn cưỡng - nhưng
tôi đi đúng đường. Tôi không nhận biết rằng Đức Chúa Trời đang lót đường cho
toàn bộ công tác tương lai của tôi suốt những ngày ít ỏi của tôi tại Tây Ban
Nha.
Tuy nhiên khi tôi bắt đầu mở mắt, thì hầu như bị thu hút ngay tức khắc bởi vẻ đẹp
lởm chởm của bán đảo nhiều núi này. Tôi lại càng bị thu hút bởi người dân Tây
Ban Nha - trong những thành phố đông đúc, trong khi nhảy trên những đường rải đá
cuội dẫn tới các thôn xóm có bờ rào đá, khi tôi ghé mắt vào các nhà tối tăm
trong hang đá. Bất kỳ đi tới đâu, tôi cũng bắt đầu cảm thấy bị khuấy động cách
kỳ lạ bởi người dân Tây Ban Nha.
Cảnh sát Tây Ban Nha nổi tiếng là kỷ luật sắt, kiểm soát những con đường quê
theo từng đôi. Nông dân nam và nữ của Andalusia làm việc cạnh nhau trong những
rừng ô-liu. Trong các rừng cam chăm sóc cẩn thận, trong những ruộng lúa ngập nước
tới đầu gối, trong bóng của cánh cửa trước nhà - may vá, thêu thùa, làm ren hoặc
lưới đánh cá - khắp nước mọi người đều làm việc nhiều giờ và chăm chỉ để kiếm sống.
Trong những hang động đục từ đá mềm dọc theo con đường trên cao bên trên
Alhambra là nơi ở của đám lưu lãng, đã từng sống lâu đời tại Tây Ban Nha đến nỗi
chẳng ai còn nhớ chính xác họ bắt đầu xuất hiện từ khi nào. Nhưng diện mạo da
màu đẹp đẽ, váy viền ren, cùng những vũ điệu vui tươi của họ đã trở thành một
phần trong truyền thống Tây Ban Nha.
Bất cứ nơi nào chúng tôi đi tới trong vùng quê Tây Ban Nha, chúng tôi cũng được
dân chúng lịch sự mời ăn bất kỳ món gì họ đang ăn. Tôi được dạy cho câu trả lời
thích hợp đó là: “Cám ơn. Chúc phát tài.”
Trong một vùng ngoại ô chúng tôi gặp những thanh niên mặt mày nghiêm nghị được đào
tạo cho nghề đấu bò nguy hiểm. Suốt cuộc đấu, các cô gái đội khăn vuông làm đẹp
cho đấu trường. Các bàn nhỏ trong những quán giải khát bên đường vẫy gọi chúng
tôi ngồi xuống trong khi những kẻ bán dạo vây quanh - bán tôm, khoai chiên, cua
luộc, vé số, và những thứ khác. Giới thượng lưu mặc áo lông thú và đeo ngọc quí
thì ngồi ăn trong những nhà quán sang trọng sáng rực ánh đèn chùm bằng thủy
tinh.
Là kẻ mới xuất hiện giữa vòng người Tây Ban Nha, tôi thấy mình thích hợp với vẻ
lịch sự, tính tò mò thân thiện, phong cách, cùng sự tôn trọng của họ đối với những
giá trị nơi con người. Có lẽ chính tác động của tất cả những phẩm tính này ngấm
qua tôi, tạo nên sự đáp ứng sâu xa nơi tôi đối với người Tây Ban Nha. Dọc theo đường
phố đông nghẹt những bà già mặc đồ đen bán gà với trái vả cùng hạt dẻ và tiêu,
tôi nghe tiếng lách cách của xe do la kéo. Tôi ngửi thấy mùi hoa cam và mùi tôm
chiên nóng. Tôi cảm thấy mối quan tâm không giải thích được đang gia tăng trong
lòng tôi.
Xuyên qua những cổng bông sắt phức tạp tôi có thể nhìn thấy những vua gia súc,
những trùm ô-liu, những vua cam và bần đang nhấp nháp rượu, ngả người trong những
ghế bành nệm êm, vô cùng cách biệt với đám đông ngoài phố. Bên ngoài trên những
đừơng đá cuội, “phân nửa kia” chen lấn tôi - nông gia, chủ cửa tiệm, dân quê,
công nhân bến tàu, hành khất, dân lưu lãng, trẻ con, kẻ bán dạo - những con người
mảnh dẻ và nhanh nhẹn, hiểu biết và hoài nghi, thế nhưng lại thu hút tôi với đôi
mắt đen và nụ cười bất chợt của họ.
Tây Ban Nha có một ngàn gương mặt. Một số thì nghiêm nghị và hằn nếp nhăn vì lo
âu, những mặt khác thì sáng sủa và vui tươi. Đó là một xứ của dân quê chăm chỉ
làm việc, tự trọng, của dân lưu lãng sặc sỡ, của binh lính dẻo dai, của nghệ sĩ
và tu sĩ và thương gia và quí tộc. Đó là một xứ đa dạng về địa lý - những đỉnh
núi tuyết phủ, những ngọn đồi trơ trọi, những đồng ruộng xanh rờn phì nhiêu, những
thảo nguyên cằn cỗi, và những đồng bằng duyên hải cận nhiệt đới.
Lịch sử cũng để lại nhiều dấu ấn khắp nước. Những mái vòm cong duyên dáng của một
ống dẫn nước của La Mã vẫn tồn tại suốt hai mươi thế kỷ. Được đúc kết không cần
hồ vữa hoặc xi măng, những tảng đá hoa cương hoàn toàn ăn khớp nhau, và cho mãi
tới gần đây, nước vẫn còn chảy qua ống dẫn. Những đổ nát cùng cấu trúc xưa được
lưu giữ cẩn thận trên khắp bán đảo, đã ghi dấu những bàn chân đi qua của người
La Mã, Visigoths, và Moors.
Alhambra, cung điện pháo đài trải rộng được hoàn tất suốt thế kỷ mười bốn bởi
người Moors, vẫn là đồn lũy của người Hồi giáo Phi châu cho tới khi Ferdinand
và Isabella tái chinh phục Granada trong cùng năm Columbus vượt biển về hướng
tây với lời chúc của họ.
Tại Madrid nhịp sống hằng ngày gia tăng nhờ nhiều thiết bị hiện đại. Ngoài những
đại lộ rộng lớn chạy dọc hai bên là những nhà chọc trời, Madrid mang những dấu
hiệu khác khiến nó trở thành hiện đại - đèn nê-ông, trạm xe điện ngầm, nạn kẹt
xe, những quán rượu. Trên bờ Địa Trung Hải, Barcelona quá nhộn nhịp với doanh
nghiệp và thương mại hiện đại đến nỗi khó hiểu được đã có lần Julius Caesar ở đó
suốt ba năm!
Ra khỏi thành phố vào các làng, tôi bị quấy rầy bởi đám trẻ con giật mạnh áo
khoác tôi ngoài đường. “Tengo hambre ! Tôi đói!” Một số rách rưới, một số đi
chân không, một số chẳng mặc áo quần gì cả - tôi chưa hề chứng kiến cảnh nào giống
như vậy. Tôi nhìn lướt qua từng gương mặt, đọc được từng khao khát rõ rệt trong
những ánh mắt lấp lánh của chúng. Tôi thấy khó chịu khi thấy những thân thể gầy
guộc, nhưng tôi mải mê nhìn chúng vì nhận biết những con người bé bỏng đó cần sự
an ủi, che chở, cùng tình yêu của Chúa. Xuyên qua mạn che nghèo khổ tả tơi của
chúng , thậm chí tôi - một khách lạ miễn cưỡng giữa vòng chúng - cũng có thể thấy
được sức mạnh của một di sản kiêu hùng. Người Tây Ban Nha theo cá nhân chủ nghĩa,
tôi phải học biết điều đó. Triết gia Miguel de Unamuno viết về đồng bào mình:
“Thật khó mà cai trị một nước có hai mươi hai triệu vua.”
Ngay sau khi từ Thụy Sĩ tới, tôi tham dự buổi thờ phượng đầu tiên tại nhà thờ.
Tôi được mời vào một phòng cao nhỏ bé và được yêu cầu chia sẻ cho Cơ Đốc nhân địa
phương qua thông dịch viên. Khi bắt đầu nói, tôi xem xét gương mặt họ - nhiều nếp
nhăn vì nhu cầu lẫn khó khăn, thế nhưng thật ấm áp hi vọng là điều dường như
không thấy có ngoài đường phố.
Tôi cảm thấy cổ họng mình bị nghẹn lại trong khi nói chuyện với những con người
can đảm đó: “Tôi không thể nói gì. Xin lỗi quí vị, tôi không muốn nói gì. Xin
quí vị nói cho tôi nghe. Quí vị biết Đức Chúa Trời không giống như cách tôi biết
Ngài. Tôi xin phép ngồi dưới chân quí vị được không? Tôi muốn nghe quí vị nói.”
Mọi người im lặng nhìn nhau. Cuối cùng, một ông tóc bạc đứng lên nói: “Nếu có điều
nào thực hữu trong đời sống chúng tôi - thì đó là Chúa Giê-xu Christ có ý nghĩa
đối với chúng tôi hơn bất cứ điều gì khác trên đời.”
Chắc chắn là ông có ý nói điều mình vừa nói. Tôi thấy mình đang kêu la với Đức
Chúa Trời xin Ngài cũng có ý nghĩa nhiều như vậy đối với tôi.
Họ phải cùng xem chung với nhau số thánh ca và Kinh Thánh ít ỏi mình đang có,
nhưng tôi chưa hề gặp những môn đồ Cơ Đốc ở bất cứ nơi nào giống như tôi đã gặp
ở Tây Ban Nha. Và tôi tự hỏi biết đâu có thể là Ngài sẽ phải khiến sự nặng nề
và khó khăn đến với tôi trước khi tôi có thể yêu Ngài như họ đã yêu Ngài.
Rất thành thật mà nói, dường như điều mạnh mẽ thúc giục tôi giúp Cơ Đốc nhân
Tây Ban Nha chính là sự vững vàng trong người tín hữu mà tôi gặp bất kỳ nơi nào
tôi viếng thăm - từ những làng Pyrenees miền bắc, cho tới Andalusia ngập nắng
trên bờ Địa Trung Hải. Có vẻ như Đức Chúa Trời đang bảo tôi giúp họ nhân lên
các phước hạnh thuộc linh của mình để đem sứ điệp Phúc Âm tích cực đến với kẻ
khác trong đồng bào mình. Dần dần tôi nhận ra rằng chính trong những con người
mà trước đây cá nhân tôi chưa hề quan tâm tới, đang trĩu nặng với nhu cầu cũng
lớn lao như của người Ả Rập mà tôi đã cùng lớn lên và khao khát được phục vụ.
Tôi đi từ thành thị tới thôn xóm - phần lớn là để gặp các nhóm Cơ Đốc nhân và tổ
chức truyền giảng. Bất kỳ nơi nào tôi đến cũng có sự quan tâm sâu sắc, và toàn
bộ thời gian tôi ở đó, chưa hề có lần nào tôi nói chuyện với một chỗ ngồi trống.
Thật ra, ghế thường được bỏ đi để có thêm chỗ cho tấm lòng đói khát. Cho dù nơi
nào tôi đến, nhu cầu cũng thật là cấp bách.
Đức tin nơi Chúa Giê-xu Christ không hề là sự cam kết hững hờ. Ngài là chìa
khóa cho sự can đảm sôi nổi của họ. Có người nói với tôi rằng người Tây Ban Nha
được tạo thành do hai phần - lòng sùng đạo vàsự vui tươi. Trong Cơ Đốc nhân Tây
Ban Nha, đây là sự kết hợp đầy thuyết phục đã giúp họ vượt qua những hoàn cảnh
không thể tin được. Tôi chưa hề thấy có gì giống như thế. Họ hết lòng yêu Ngài,
và sau khi tôi giảng suốt hai ba tiếng đồng hồ, họ hỏi: “Hết rồi sao? Ông không
thể nói thêm cho chúng tôi về Chúa Giê-xu Christ sao?”
Một bà cụ tôi gặp trong làng nọ là một Cơ Đốc nhân thật tốt. Tôi nói với bà về
vẻ đẹp sớm mai cùng cảnh ngoạn mục của đồng quê Tây Ban Nha. Nhận xét của bà là
lời cáo trách đối với tôi: “Pablo ơi, ông lại lạc đề nữa rồi. Tại sao ông lại lạc
đề chứ? Sao ông không nói với tôi về Chúa Giê-xu? Tôi thích nói về Chúa Giê-xu
hơn bất cứ điều gì khác.”
Đức tin vững vàng như của bà cụ cũng hay lây - mối thông công giữa Cơ Đốc nhân
Tây Ban Nha không phải là một truyền thống tĩnh lặng. Chúa Giê-xu Christ đã đầy
dẫy đời sống họ đến nỗi tràn ra ngoài, và tình yêu Đức Chúa Trời tuôn đổ để sưởi
ấm và thuyết phục người khác. Khi đến với nhau, họ thường đem thêm người mới -
người láng giềng, người bạn, người bà con, một người nào đó đang đói khát điều
vĩnh cửu. Tôi không thể nhớ ra là có bao giờ nói chuyện ở Tây Ban Nha mà không
có người mới đến với Chúa.
Câu hỏi: “Làm sao để có thêm người được nghe về sự nhơn từ của Đức Chúa Trời?”
liên tục quấy rối suy nghĩ của tôi từ lúc thức dậy theo tiếng gà gáy trên vùng
cao nguyên Andorran, trong lúc tôi đi ngang rừng mờ tối của Alhambra lịch sử và
nghe điệu hót hiếm hoi của chim họa mi. Trong những nơi ở trần thấp của hang động
đục từ những thảo nguyên khô cằn, trong những thôn xóm của người chăn với tường
rào bằng đá, băng qua mạng lưới những vườn nho mênh mông, xuyên ngang vùng biển
xanh rì cây ô-liu, tôi bước theo nhịp điệu thầm lặng của một đất nước khao khát
Đức Chúa Trời.
Rất lâu sau ngày trở lại với cuộc sống tương đối tiện nghi ở Greenboro, N. C.,
tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi nhịp tim của một xứ sở mà hàng triệu người chưa hề được
nghe tin mừng thực sự về Chúa Giê-xu Christ. Người chủ cối xay mặc áo khoác đen,
dân sống lang thang, những người dắt la, người đấu bò, những thiếu nữ đội khăn
vuông, trẻ em chập chững trong rách rưới, những cậu bé đánh giày, những nông
dân choàng khăn - tất cả cứ lảng vảng ra vào, tới lui dưới mắt nội tâm của tôi.
Trong khi chia sẻ với thiếu niên Cơ Đốc, khuyên nài những người trung niên
ngoan cố, cầu nguyện cho trẻ em ngang bướng cùng cha mẹ điếc của chúng tại Hoa Kỳ
- một đất nước dẫy đầy hàng ngàn nhà thờ, tôi phải thú nhận trong chỗ riêng tư
trước mặt Đức Chúa Trời rằng: tôi là tù binh của Tây Ban Nha và của niềm khao
khát Chúa Hằng Sống trong lòng họ.
Hình ảnh thật linh động, thế nhưng phức tạp. Trong một xứ nhiều núi thứ hai của
Âu châu, miền đất Tây Ban Nha len lỏi chen chúc với những cộng đồng khó tiếp
xúc. Ba mươi triệu người xâu xé lòng tôi. Trong trí tôi chỉ có một lời giải đáp
cho vấn đề: Phát thanh. Không giống bất cứ thứ gì, phát thanh có thể bao trùm cả
nước từ đỉnh núi xuống thung lũng, từ nội địa Madrid tới duyên hải Cadiz. Tôi
chưa có một xu hỗ trợ nào, tôi không biết phải đi những bước nào. Nhưng tôi biết
chắc một điều - hẳn nhiên Chúa đã liên kết lòng tôi với lòng của Tây Ban Nha.