HẢI NGOẠI VÔ TỘI
Không còn nghi ngờ gì nữa! Chia xẻ Phúc Âm
cho hàng triệu người Tây Ban Nha không phải là chuyện nhỏ. Có những lúc tôi cảm
thấy vô nghĩa như đã có lần cách đây nhiều năm trước, khi tôi ở giữa lòng Đại
Tây Dương. Chuyến đi đó đưa tôi từ Southampton ở Anh sang New York City. Lúc ấy
tôi mười bảy tuổi và chán nản. Mỗi tấc tàu Queen Mary là của tôi. Chẳng còn phần
đất nào nữa để chinh phục sau ba ngày ròng rã trên tàu. Và những đường rầy bên
trên đã rào ngăn tôi như những chấn song nhà tù.
Bỗng nhiên một người đi ngang qua. Tôi chú ý tới một khung thật lớn rồi quay lưng
bắt đầu bước theo người đàn ông đi quanh boong tàu. Bỗng ông quay lại nhìn tôi
và hỏi: “Cậu muốn gì?”
Tôi thật hoảng kinh và đỏ mặt nhìn xuống nói lắp bắp: “Dạ, tôi chỉ xem ông
thôi!”
Ngay phút sau ông cư xử với tôi như một người thật cao cả. Ông khéo léo tạo sự
thoải mái cho tôi khi bảo : “Được rồi, cứ đi bên tôi. Cậu không cần phải ở mãi
tít đằng đó.”
Chúng tôi nói chuyện về con tàu, thời tiết, đại dương, con người, thể thao. Và
chúng tôi kết thúc trong phòng giải trí chơi bóng bàn. Ông ta là người chơi
bóng bàn giỏi nhất mà tôi từng gặp - cũng là điều hợp lý khi tôi khám phá ra
ông là nhà Vô địch Bóng bàn Quốc gia của Ái nhĩ lan.
Ông đề nghị: “Nếu cậu muốn xuống phòng tôi, tôi sẽ cho cậu xem cái này.”
Chán nản tan biến ngay khi tôi bước bên cạnh ông trong cảm giác tự hào là mình đã
làm quen được với người hành khách nổi tiếng nhất trên tàu!
Khi đã vào phòng, ông mở va li, và kéo ra một quả cầu lớn bằng sắt có đính sợi
dây xích. Tôi nhận ra đó là loại mà bạn cho xoay quanh đỉnh đầu rồi thả cho
bay.
“Tôi là nhà vô địch ném tạ xích Olympic của thế giới,” ông vừa nói vừa trao cho
tôi.
Tôi thở mạnh.
Ông thật tử tế với tôi. Nhưng ông trông giống như một người thật vĩ đại, và tôi
nhìn ông vô cùng kinh ngạc. Tôi thật hãnh diện có được một người bạn mới như vậy.
Nhưng ý nghĩ vênh vang đó tiêu tan khi tôi cảm nhận được Tiếng Nói bên trong
tôi, bảo:
“Ta muốn con nói với người này. Ta muốn con nói với người về Chúa Giê-xu
Christ.”
Tôi khiếp sợ. Tưởng tượng một bé con chẳng ra gì lại đi nói một điều gì đó cho
nhà vô địch lớn của thế giới. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là hoảng sợ. “Không,
không được đâu. Con không làm được đâu.”
Nhưng Tiếng Nói bên trong vẫn tiếp tục và thầm lặng. Dù sợ phải nói nhưng tôi vẫn
cho tay vào túi tìm cuốn Tân Ước tôi mang theo. Tôi biết mình phải cố gắng tối đa
cho dù có tệ đi nữa. Ít ra tôi cũng có thể đọc câu Kinh Thánh Gi 3:16 cho ông ta nghe.
Giọng nói tôi nghe như vọng lại từ rất xa - như thể phát ra từ bên dưới của một
trong những thuyền cứu hộ.
“Xin lỗi, thưa ông, tôi xin phép đọc cho ông một câu trong sách nhỏ này. Tôi biết
ông bận lắm, nhưng . . . “
Ông ta theo dõi trong khi tôi đọc những lời quen thuộc: “Vì Đức Chúa Trời yêu
thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy
không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”
Chẳng có cách nào biết được ông phản ứng ra sao. Khi tôi đọc xong, ông đặt bàn
tay thật lớn trên vai tôi và nói: “Cám ơn, con trai. Con không biết được câu đó
có ý nghĩa ra sao đối với ta. Ta sẽ nhớ những điều con nói. Và này, cưng à, đừng
bao giờ sợ làm cho người khác chính điều mà con vừa làm cho ta nhé.”
Nhiều lần trong thời tuổi trẻ, tôi cảm nhận được Đức Chúa Trời bảo tôi làm chứng
cho Ngài. Nhưng thời niên thiếu, tôi thường lý luận, tôi nghĩ là mình không thể
làm được. Phải có một cách nào khác - qua nhà truyền đạo, qua cha mẹ tôi, qua lớp
Trường Chúa nhựt. Nhưng …”thưa Chúa, không qua cá nhân con, con không làm được
chuyện đó.”
Nhưng Ngài không bao giờ để cho tôi rớt khỏi lưỡi câu. Đức Chúa Trời liên tục
kéo tôi về lại điểm làm chứng cá nhân cho Giê-xu Christ. Sự kiện trên tàu thời
niên thiếu đã khích lệ tôi. Chúa đã kiên trì dẫn tôi tới chỗ chấp nhận tầm quan
trọng phải nói cho người khác về tình yêu của Ngài.
Và tôi biết chắc rằng gánh nặng của Ngài trong lòng tôi về Tây Ban Nha cuối
cùng sẽ được khích lệ như vậy. Ngọn núi lù lù phía trước sẽ thực sự dời đi nếu
tôi biết tin cậy và không sợ hãi.
CÀNH CÂY BỊ UỐN CONG
Bàn tay dẫn dắt của Đức Chúa Trời đã dệt
nên khuôn mẫu “tin cậy vâng lời” suốt cuộc đời tôi ngay từ những ký ức đầu
tiên. Ba mẹ tôi đã cho anh em tôi mái ấm gia đình tuyệt vời nhất có thể có được.
Trước khi tôi chào đời, một hôm ba mẹ tôi bị thu hút bởi tấm bảng quảng cáo những
buổi nhóm đặc biệt, treo trước tòa thị sảnh cũ trên con đường từ nhà thờ họ đi
nhóm về. Trước đó mục sư đã cảnh báo hội chúng: “Hãy tránh xa mấy người cuồng
tín đó!”
Nhưng Mildred và Ralph Freed vốn hiếu kỳ, và việc họ trở lại tin nhận Đấng
Christ tiếp theo sau đó tại bàn thờ tạm nơi tòa thị sảnh đã thay đổi dòng đời của
tất cả chúng tôi.
Ba tôi là một viên chức làm cho Công ty Máy Tính Burroughs tại Detroit,
Michigan. Hãng này thuê 10.000 người chỉ cho văn phòng quốc nội, còn ba tôi vì
giữ chức quản lý ngoại vụ nên thường xuyên tiếp xúc với những nhà quản trị hàng
đầu.
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời có một kế hoạch khác cho tất cả chúng tôi. Và con đường
dẫn tới Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới khởi đầu vào một buổi sáng rất
bình thường trong văn phòng của Ba tôi. Và đây là câu chuyện ông kể:
“Một người đàn ông làm chung với tôi tại Burroughs - có lẽ lớn hơn tôi độ hai mươi
tuổi - mỗi sáng đem thư tới. Anh cho tôi biết anh là thuộc viên của một hội
thánh; nhưng thực sự thì anh cay đắng chống lại những điều thuộc về Đức Chúa Trời.
Anh có vẻ nghĩ nhiều về tôi - luôn gọi tôi là ‘Ralphie.’ Nhưng thường khi tôi
làm chứng cho anh thì anh bảo: ‘Ralphie à, anh thông minh thế sao lại đi tin mấy
thứ đó.’
Hình ở trang 22: Tiến sĩ Ralph và Mildred
Freed, năm 1954
“Tôi không tranh cãi với anh; tôi chỉ tái
nhấn mạnh điều Đức Chúa Trời đã làm cho tôi. Thế rồi một sáng nọ trong văn
phòng của tôi, sau khi chúng tôi làm xong việc, anh nán lại một phút trước khi
ra về:
“Tôi đang nghĩ tới một chuyện, Ralphie à. Cậu có hứa là sẽ trả lời thẳng thắn
cho tôi không? Cậu nói với tôi về sự cứu rỗi - huyết của Đấng Christ. Cậu cố gắng
bảo rằng không có cách nào khác để đến với Đức Chúa Trời trừ ra Chúa Giê-xu
Christ, nhưng tôi nghĩ là có nhiều cách đến với Đức Chúa Trời, Ralphie ạ. Thế
còn mấy người ở Phi châu và Đông phương và Nam Mỹ, cùng mọi nơi khác chưa hề
nghe về Chúa Giê-xu Christ thì sao?’
“Tôi trả lời ngay: “Bạn ơi, với cả lòng mình tôi tin rằng không có sự cứu rỗi
ngoài Đấng Christ. Kinh Thánh nói: “Chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha
. . .”’
“ ‘Ralphie à, cậu có thật lòng muốn nói như vậy không? Nếu cậu thực sự tin rằng
không có Chúa Giê-xu Christ thì mọi người đều hư mất, và sẽ vào hỏa ngục, theo
cách cậu nói, thế cậu há lại thỏa mãn ngồi ở đây trong văn phòng đẹp đẽ này,
trên chiếc ghế quay êm ái này, yên tâm lãnh lương! Nếu mọi điều cậu nói là đúng
thì tôi xin thưa, cậu là tên giả hình lớn nhất mà tôi từng gặp trong cả đời
tôi.’
“Thật là cú đấm kinh khủng vào lòng tự kiêu của tôi. Nhưng tôi biết anh ta
thành thật, và anh tôn trọng cá nhân tôi. Tôi cám ơn anh rồi anh ra về. Khi về
nhà tối hôm ấy, tôi không ngủ được, vì tôi nghĩ đến mọi hàm ý trong cuộc đối đầu
với anh. Tôi thật hạnh phúc ở Burroughs, có người vợ tuyệt vời với một con
trai. Và cuộc sống hiện tại của tôi có vẻ thành công khi đang trải rộng trước mắt
tôi với tương lai đầy hứa hẹn.
“Nhưng khi tôi trở lại văn phòng sáng hôm sau, nơi đó không còn có vẻ giống như
trước nữa. Chiếc ghế quay dường như không còn êm ái như ngày hôm trước.
“Một năm rưỡi trôi qua trước khi chúng tôi dọn nhà, nhưng khi dọn, chúng tôi
không còn nghi ngờ gì về việc Đức Chúa Trời kêu gọi chúng tôi phục vụ những người
không biết về tình yêu của Chúa Giê-xu Christ trong cuộc đời họ.”
* * * * *
Khi Ba tôi nộp đơn từ chức, hãng Burroughs đề nghị cử ông làm giám đốc chào
hàng khắp Âu châu. Họ nghĩ ông có máu thích du lịch khiến ông đứng núi này
trông núi nọ. Họ tưởng ông muốn làm việc ở hải ngoại. Một điều mà họ không thể
tin được đó là ông muốn rời Borroughs. Họ nói, ông có thể lập ra bất cứ tổ chức
nào ông thích, làm bất kỳ điều gì ông cảm thấy cần làm. Họ tặng ông một thẻ trắng
- ông có thể ghi vào đó chi phí riêng. Nhưng Ba tôi cám ơn họ và giải thích:
“Không phải máu thích du lịch đẩy tôi tới những nước mới mẻ xa lạ. Đó là chính Đức
Chúa Trời.”
Một trong những người đứng đầu hãng lắc đầu nói: “Ralph Freed ơi, nếu bất kỳ
lúc nào anh muốn trở lại Burroughs, chúng tôi sẽ rất vui tiếp đón anh. Chỉ cần
gửi cho chúng tôi một điện tín, là chúng tôi sẽ sắp xếp chỗ cho anh ngay - bất
cứ lúc nào; tôi có ý nói bất cứ lúc nào không chịu đựng được nữa, chúng tôi
luôn hoan nghinh anh quay về lại Borroughs.”
Vào lúc ba mẹ tôi rời quê nhà ở Birmingham, Michigan, dọn tới Nyack, New York để
theo học ở Missionary Training Institute (Viện Đào tạo Giáo sĩ) thì em gái Ruth
của tôi mới được ba tháng. Dùng tiền để dành, năm đầu theo học trôi qua êm
xuôi, nhưng qua năm thứ hai thì chẳng còn vốn liếng để sinh sống. Tôi nhớ ba
tôi cọ sàn , vẽ bản đồ, đào mương - làm bất cứ việc gì để nuôi sống gia đình.
Tới một lúc toàn bộ sự việc hầu như không chịu được nữa, và Ba tôi nhớ lại đề
nghị của Burroughs. Cố gắng tối đa của ông vẫn không đủ. Tiền hết, chẳng còn gì
để ăn. Sáng Chúa nhựt, tủ trống trơn và tiếng réo gọi của bao tử, chúng tôi chờ
đợi thư từ với hi vọng Đức Chúa Trời cảm động người bạn nào đó gửi món quà nhỏ
cho mình. Chẳng có thư. Ba tôi chỉ còn đồng tiền năm xu.
Mẹ chuẩn bị xong, tất cả chúng tôi đi bộ xuống phố, Ruth nằm trong xe đẩy. Khi
tới tiệm thực phẩm, Ba tôi rút trong túi ra đồng năm xu cuối cùng rồi đặt lên
quầy hàng. Ông chọn cây kẹo lớn nhất mà đồng năm xu có thể mua được rồi đưa cho
tôi. Tôi ngạc nhiên được ăn kẹo vào giữa ngày khi mà lẽ ra là phải ăn thịt với
khoai, nhưng tôi cũng ăn.
Sau đó khi chúng tôi đi ngang qua văn phòng Western Union, Ba dừng lại, quay
sang nói với Mẹ: “Mildred à, em với anh thì sao cũng vui cả. Nhưng mà khi con
cái chúng ta đói mà chẳng có gì cho chúng ăn - thì thật quá sức chịu đựng! Anh
không thể tiếp tục được nữa. Anh không còn muốn cố gắng làm chuyện ngoài khả năng
của mình nữa. Anh sẽ gửi điện tín cho Burroughs.”
Mẹ tôi trì hoãn để kéo dài thời gian: “Ralph à, mình suy nghĩ thêm một chút đi.”
“Không được,” Ba nhấn mạnh khi bắt đầu bước vào cửa. “Chúng ta không thể tiếp tục
như thế này được. Anh sẽ gửi điện tín ngay bây giờ.”
Tôi không bao giờ quên được vẻ yêu thương và tin tưởng tuy dịu dàng nhưng cương
quyết sáng rực trên gương mặt mẹ khi bà nhìn ba tôi: “Ralph à, chúng ta hãy thử
Đức Chúa Trời một lần nữa xem sao. Chỉ một lần nữa thôi.”
Khi chúng tôi trở về lại căn hộ, ba mẹ đưa chìa khóa cho tôi và tôi chạy trước
mở cửa. Tôi khó tin được điều mình chứng kiến. Căn phòng đầy cả thực phẩm. Khắp
phòng ngổn ngang những túi khoai, bánh, rau, thịt, bột, đường, ngũ cốc, gà,
bánh mì - đủ mọi thức ăn mà bất cứ ai cũng có thể nghĩ ra khi bao tử trống.
Nhưng đó không phải ảo ảnh! Mẹ và Ba tôi, từ sau lưng tôi, nhìn nhau kinh ngạc
và quì xuống cảm tạ Đức Chúa Trời. Cho tới ngày nay chúng tôi cũng không biết cậu
bé giao hàng là ai. Nhưng chúng tôi biết - chính Đức Chúa Trời đã gửi tới.
Hơn bất cứ điều gì khác, Ba Mẹ tôi muốn sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Ngài là
trung tâm của mọi lựa chọn, mọi kế hoạch. Đó là lý do khiến gia đình chúng tôi
thật tuyệt diệu, cho dù ở đâu - Detroit, Nyack, Jerusalem, Dera’a. Chúng tôi sống
trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng mối liên hệ giữa Ba Mẹ luôn bền chặt. Họ
yêu nhau đến cùng. Thái độ Cơ Đốc chân thật của Ba Mẹ đối với nhau và đối với
con cái dạy cho chúng tôi rất nhiều về cách sống tích cực. Chẳng có việc gì quá
lớn để không thảo luận với chúng tôi - dĩ nhiên là ở trình độ chúng tôi. Nhưng
em tôi là Ruth, và tôi cảm thấy mình quan trọng, luôn luôn là một phần thực sự
trong cuộc đời ba mẹ chúng tôi. Họ luôn luôn khiến chúng tôi cảm thấy mình được
bao gồm trong những quyết định, những dự án của họ.
Tôi có thể chêm vào ở đây rằng hố sâu giữa bọn trẻ với người lớn, giữa con cái
với cha mẹ, là vấn đề nghiêm trọng trong xứ chúng tôi. Quá thường xuyên, qua
cách cư xử của mình, chúng ta ngụ ý: “Thôi thì chúng còn nhỏ; đừng nên quấy rầy
chúng. Chuyện này quá rắc rối, quá khó đối với chúng - đừng kéo chúng nó vào
làm gì.” Khi nhìn lại, tôi tin rằng yếu tố này - tức yếu tố được bao gồm như một
thành viên hợp pháp trong một tình huống cơ bản nào đó - đã đưa tôi vào những sứ
mạng như việc làm của đời tôi, thay vì khiến tôi chống lại. Thật ra, tôi cảm nhận
được rất nhiều rằng mọi việc có liên quan đến cuộc đời cùng chức vụ tôi, gắn liền
chặt chẽ với những gì trong tuổi thiếu niên của mình, như là con của một giáo sĩ,
với cha mẹ tôi.
Tình yêu cùng lòng tận hiến cho gia đình đã khiến chúng tôi rất gần gũi với
nhau - không chỉ giữa Ba Mẹ, mà còn giữa Ruth và tôi. Cô ấy là, và vẫn là cô em
gái tuyệt vời. Ruth thật rất có ý nghĩa đối với tôi, nhất là lúc còn bé và ở tuổi
thiếu niên khi chúng tôi sống xa quê hương, giữa vòng người Ả Rập. Về sau trong
đại học và trường Kinh Thánh, khi chúng tôi đối diện những thích nghi , cô ấy
và tôi có được nhiều giờ vui vẻ thảo luận niềm vui cũng như giúp nhau trong những
vấn đề bình thường của những năm hình thành nhân cách chúng tôi
Việc ba tôi được bổ nhiệm làm chủ tịch tổng quát vùng Trung Đông cho tổ chức
Christian and Missionary Alliance (Hội Truyền giáo Phúc Âm Liên hiệp) đưa chúng
tôi đến làm việc giữa vòng dân Palestine, Transjordan và Syria. Chúng tôi là
giáo sĩ duy nhất cho 300 ngôi làng khi sống tại tỉnh nhỏ Dera’a ở Hauran thuộc
nam Syria. Theo chúng tôi được biết thì nhà truyền giáo chúng tôi là “ngã tư thế
giới.” Người Ả Rập tự động ghé vào nhà chúng tôi bất cứ lúc nào trong ngày, và
chúng tôi làm mọi thứ theo khả năng mình để giúp họ cảm thấy được chào đón.
Kinh nghiệm đầu tiên của tôi trong cố gắng đưa người khác đến với Đấng Christ
diễn ra lúc tôi được tám tuổi, ngay trong sân sau nhà ở Dera’a, một tỉnh nhỏ gần
biên giới Arabia. Một bé trai Ả Rập, lớn hơn tôi hai hoặc ba tuổi, ghé vào nhà
chúng tôi nói: “Bà ơi, tôi muốn làm việc.”
Cậu con trai này là điều mới lạ với chúng tôi, vì làm việc không phải là điều
mà người Ả Rập thích nhất. Mẹ tôi nói chúng tôi không có việc gì cho cậu làm cả,
nhưng cậu ta cứ nài nỉ: “Xin Bà giúp cho, tôi chỉ cần làm một chút việc vài hôm
thôi.”
Dường như cậu ta có tài thuyết phục nên cuối cùng Mẹ đã đổi ý và nói cậu có thể
ở lại. Tên của cậu là Thani, nghĩa là thứ hai, con trai thứ hai trong gia đình.
Người Ả Rập chỉ tính con trai khi nói về con cái trong gia đình; thí dụ, chúng
tôi có ba con (con trai) và hai gái.
Thani và tôi là bạn khá thân. Đôi khi cậu ta có làm việc, những lúc khác thì cậu
ta suy nghĩ rất khác lạ. Một hôm Mẹ tôi đi vào làng mua thịt. Bà dẫn tôi theo
và để Thani ở nhà một mình. Khi về, gần tới nhà, chúng tôi nghe tiếng kêu la khủng
khiếp. Thani ở trong nhà, khóc lóc thảm thiết.
Cậu ta kêu gào: “Khiếp quá - cái đầu tôi, cái đầu tôi.”
Đầu cậu quấn kín mít khiến chúng tôi phải mất một hồi lâu mới biết đầu đuôi câu
chuyện. Thiếu niên Ả Rập có phong tục để tóc rậm và dài để bảo vệ đầu khỏi nắng
chói chang. Nhưng Thani thì quyết định muốn giống tôi, nên đã lấy kéo của Mẹ tự
cắt tóc lấy. Cậu ta cắt, gọt và xởn - chỗ này một mảng , chỗ kia một mảng.
Trông cậu ta thật ngộ nghĩnh! Và cậu luôn miệng kêu gào: “Ôi, tôi xấu xí quá!”
Giữa tiếng thổn thức, cuối cùng chúng tôi cũng nghe được: “Bà ơi, con nghĩ là
trong lúc bà đi vắng thì con cố gắng làm cho phòng bà xinh xắn. Con nghĩ mình
có thể vẽ vài hình đẹp lên tường.”
Thì ra Thani đã lấy sơn màu xanh nhạt vẽ đủ thứ hình khắp nơi.
“Trông khiếp quá! Con đã phá hỏng nhà bà rồi. Và con đã làm hỏng cả cái đầu
mình nữa. Con thấy mình xấu quá! Con là một đứa tồi tệ. Lòng con có điều gì đó
bất ổn.”
Tôi biết Mẹ là Cơ Đốc nhân thật, nhưng dấu hiệu yêu thương hôm ấy thật nổi bật
nơi Mẹ khi bà an ủi Thani: “Đừng khóc về chuyện đó nữa, Thani. Chúng tôi sẽ
giúp em sửa lại. Đừng lo.”
Sau một hồi dỗ dành cậu ta hết khóc, tôi cùng Thani đi ra sân - chỉ toàn đá
cùng bụi đất với vài con gà đang bới đất.
Thani rên rỉ: “Lòng tôi nặng nề quá, tôi xấu quá!”
Tôi choàng tay ôm cậu ta, nói: “Anh không xấu hơn tôi đâu. Nhiều lúc tôi cũng xấu
như anh vậy đó. Chỉ có một Đấng duy nhất có thể giúp chúng ta. Đó là Chúa
Giê-xu. Ngài có thể bước vào lòng anh và ban cho anh lòng mới như Ngài đã ban
cho tôi vậy.”
Và ngay tại đó, trong sân nuôi gà nhỏ bé của mình, tôi được đặc ân dẫn Thani đến
với Chúa Giê-xu. Vài hôm sau Thani nói với Mẹ tôi: “Bà không biết là con sung sướng
biết bao từ lúc Chúa Giê-xu ngự vào lòng con. Nhưng con đang nghĩ tới ba mẹ con
trong làng. Họ không biết Chúa Giê-xu và các anh chị em con cũng không biết
Ngài. Tất cả bạn hữu con trong đó, họ chưa hề được nghe về Ngài. Con mừng cho
chính mình, nhưng còn đồng bào con thì sao? Con phải nói cho họ biết về Chúa
Giê-xu Christ. Con phải trở về làng.”
Đêm hôm đó Thani dọn hết đồ đạc gói trong một tấm khăn lớn. Sáng hôm sau - với
gói đồ và bữa ăn trưa - cậu ta nhập với đoàn người đi lạc đa, theo con đường
ngang qua nhà chúng tôi, mang lúa mì và ngũ cốc vào làng, cách ba mươi dặm
trong vùng Hauran.
Ba tôi đã bắt đầu chức vụ nơi đó tại Jebeib, ngôi làng Thani đang sống, khi vào
đó lần kế tiếp, người có dẫn tôi theo. Nhiều tuần trôi qua kể từ ngày Thani
cùng đoàn người lê bước trên đường và từ khi chúng tôi dọn tới Jebeib trong chiếc
xe Ford Model A cũ kỹ. Chúng tôi đậu xe nơi bìa làng rồi đi bộ vào tỉnh qua những
con đường hẹp, đất lún. Sau lời chào hỏi thường lệ, hai hoặc ba người lãnh đạo
trong làng bắt đầu nói với chúng tôi về Thani: “Cậu thiếu niên này từ nhà ông
trở về khác hẳn. Bây giờ cậu ta thật tốt và sống ngay thẳng, lúc nào cũng nói về
Chúa Giê-xu Christ.”
Thani là cổng chính cho Phúc Âm vào với dân làng Jebeib, và lời chứng của cậu
là yếu tố thúc đẩy lập nền tảng cho hội thánh Cơ Đốc trong làng mình. Cậu kinh
nghiệm được tình yêu của Đức Chúa Trời trong gia đình chúng tôi, rồi từ tập thể
yêu thương đó, ra đi chia sẻ điều mình đã nhận được với những người mình yêu thương
tại quê nhà. Đức Chúa Trời đã chiếm ngự lòng cùng đời sống của cậu bé, và mọi
người đều có thể thấy rõ sự thay đổi. Nhấn mạnh cơ bản của tôi ngày nay vào việc
truyền giáo có liên quan trực tiếp với Thani. Cậu ta là người đầu tiên khơi dậy
mối quan tâm cá nhân của tôi trước nhu cầu của người khác. Cậu ta là người đầu
tiên cho tôi thấy sự thay đổi do quyền năng Đức Chúa Trời trong một con người.
Một chuyến đi với ba tôi vào làng là tin vui nhất đối với tôi trong những ngày
chúng tôi sống cách biệt sâu trong vùng nội địa Syria. Tinh thần tiên phong dường
như đẩy tôi xa rời những tiện nghi hợp lý của gia đình, thúc đẩy tôi nhận biết
rằng công tác truyền giáo là đáp ứng nhu cầu của những con người tại nơi họ đang
sống.
Đám con trai trong làng lúc nào cũng tụ tập quanh xe, và nhiệm vụ của tôi là
canh chừng xe trong khi Ba tôi bận nói chuyện với dân làng. Bọn trẻ không xấu,
nhưng chúng đầy bản năng con trai. Và vì dốt nát với hiếu kỳ cho nên chúng có
thể gây nhiều thiệt hại - như là lấy đá sắc bén viết lên lớp sơn sáng bóng của
xe. Suốt một thời gian chúng tôi cảm thấy bực bội về những bài toán cùng bài tập
viết cào sướt khắp cả xe, nhưng Ba tôi học biết rằng nước sơn của xe có thể hi
sinh được, chừng nào mà chúng tôi vẫn có thể chạy xe để đem Phúc Âm đến cho dân
làng.
Chiếc xe trở thành phương tiện học tập cũng như vận chuyển đầu tiên đối với
tôi. Con trai Ả Rập thán phục người Mỹ và nôn nóng muốn biết thêm về chúng tôi
cùng những máy móc có công suất lớn của chúng tôi. Chính nhờ những mẩu đối thoại
thông tin qua chiếc xe mà tôi học được từ vựng địa phương và cuối cùng có thể
nói giỏi tiếng Ả Rập đủ để nói về Chúa Giê-xu Christ cho đám trẻ. Vào lúc chúng
tôi chuẩn bị rời làng thì thường có tới hai mươi trẻ con Ả Rập đánh đu theo xe!
Bậc thềm lên xuống xe, hãm xung, mui xe, chắn bùn, tất cả đều chật nghẹt. Nếu
không xua được chúng bước xuống, thì chúng tôi phải cho chúng dạo một vòng - mỗi
lúc càng tăng tốc đô cho tới khi chúng phải xin dừng lại để leo xuống vì đã đi
quá xa nhà chúng.
Những lần phiêu lưu như vậy đã tạo cho tôi ngay từ thời ấu thơ một định hướng
cho những lần tiếp xúc với người khác về sau, và tôi lớn lên, cùng chia sẻ công
việc với ba mẹ tôi, và càng nhận biết rõ ràng hơn ý nghĩa của chức vụ đem Phúc
Âm cho những người đang cần ở những vùng tiên phong.
Cho một chuyến đi nhiều ngày thường chúng tôi phải trang bị cắm trại trong xe để
có thể tự nấu ăn. Bảng liệt kê của chúng tôi gồm khoảng bảy mươi lăm món kể cả
diêm quẹt, nồi hầm, dầu hôi, nước, cùng nhiều nhu yếu phẩm khác. Chuyến đi như
thế này cho tôi có cơ hội thực tập những phong tục Ả Rập như là bắn ná làm bằng
lông lạc đà hoặc uống từ bình bằng đất.
Mỗi nhà Ả Rập đều có một bình nước ngay tại cửa nhà để giải khát cho người qua
lại. Do cách uống của họ đòi hỏi phải khéo léo để thành vòi cách xa miệng nên
bình nước ít ra cũng giữ được vệ sinh tương đối cho mọi người khát. Tuy nhiên,
bạn có thể tưởng tượng những lần thực tập ướt át, vui nhộn của chúng tôi trước
khi thành thạo trong nghệ thuật uống từ xa như thế.
Con trai Ả Rập dạy tôi cách dùng loại ná mà Đa-vít dùng để giết Gô-li-át. Chúng
tôi khám phá Đa-vít không phải là bé bỏng gì để chơi món đó đâu. Ná của người
Palestine xưa chính là vũ khí thực sự, dùng đá gần bằng cỡ quả trứng gà để đánh
nhau. Đá có thể được bắn đi thật chính xác cách xa hơn 100 thước. Ná được làm bằng
lông lạc đà, bện chặt dài khoảng một thước.“Bọc” cũng được bện , lớn cỡ bàn tay
người. Chúng tôi bỏ viên đá vào khoảng giữa dây tóc bện, rồi quay tròn trên đầu
mình, và phóng đi với tiếng kêu vút khủng khiếp giống như tiếng quất roi. Dĩ
nhiên, chạy lấy đà ba bốn bước trước khi bắn sẽ tạo thêm lực đẩy thật lớn. Tôi
nghĩ dùng ná là cách chơi thể thao tốt, nhất là khi tôi đạt tới chỗ có thể bắn
trúng cột điện thoại khá đều đặn ở cách xa 50-70 thước.
Đôi khi chúng tôi được mời ở lại đêm khi đi thiếu chuẩn bị. Người Ả Rập hiếu
khách, và tiện nghi trong nhà thật đơn giản. Tôi thấy vui khi sống với dân bản
xứ, ăn thực phẩm của họ, ngủ dưới sàn, dù rằng sàn thường có bọ chét. Thường
thú vật cũng ở chung trong nhà với người.
Khi có người lạ tới, dân làng thường muốn nghe người đó nói. Chủ nhà chúng tôi
thường mời láng giềng vào uống cà phê. Đây là thức uống đắng, đậm đặc, màu đen,
được giã trong cối gỗ với cái chày dài. Ông lý trưởng với bộ râu dài đen đong đưa
trong tách, sẽ uống hớp đầu tiên, sau đó chuyền cho chúng tôi. Chúng tôi biết
trước thế nào mình cũng phải uống để tỏ ta chấp nhận lòng hiếu khách của ông
ta.
Tất cả mọi người đều tò mò về người khách mới tới, và vây quanh nhóm lửa nhỏ
vào cuối ngày như là cách tiêu khiểu tốt sau công việc đồng áng. Họ đặt câu hỏi
và ba tôi trả lời. Tôi nhớ nhiều nhất khi ba tôi ngồi bên ánh lửa đội khăn trùm
đầu của người Ả Rập, nói cho dân làng về Chúa Giê-xu Christ - và thực sự đụng đến
lòng họ
Sau này khi gánh nặng về Tây Ban Nha càng gia tăng trong lòng tôi, tôi hồi tưởng
một số sự kiện đó trong xứ Ả Rập đã từng khơi dậy mối quan tâm trong tôi đối với
kẻ hư mất. Ngay cả thời đó tôi cũng cảm thấy bị hạn chế, chỉ làm chứng được cho
từng một hoặc hai người. Chúng tôi chỉ đến được với vài người khi ngồi quanh
nhóm lửa trong làng. Và câu hỏi bắt đầu thành hình trong trí tôi: “Thế còn những
người khác chưa hề có cơ hội thì sao?”
Thỉnh thoảng có phản đối giữa vòng thính giả Ả Rập, nhưng thường xuyên hơn, họ
tỏ ra thực sự cởi mở. Những người hiểu và dâng lòng mình cho Chúa đã thay đổi
toàn bộ cách sống của họ. Nhìn thấy họ đổi từ chết qua sống nhờ quyền năng của
Phúc Âm đã để lại ấn tượng không hề phai mờ trong tôi. Có quá nhiều thay đổi -
nói dối, gian lận, ăn cắp, đa thê.
Ba tôi không bao giờ tranh cãi với họ về những hành động tội lỗi của họ. Ông
cho họ thấy niềm vui cùng phước hạnh của việc quay về với Chúa. Tuy nhiên, lúc đầu
ông thấy đề tài “dâng hiến” là vấn đề tế nhị. Khi Chúa thành lập những nhóm nhỏ
tín hữu đó đây, người cảm thấy tới lúc phải nói cho họ biết về phần thưởng của
việc dâng hiến. Ông cảm thấy áy náy biết rằng tổng số thu nhập hàng tháng của hầu
hết Cơ Đốc nhân tính theo tiền và mặt hàng chỉ hơn mười đô la cho mỗi gia đình.
Họ sống nhờ ăn bánh mì không, với một chút sữa chua và một ít dầu ô-liu để chấm
bánh mì. Còn thịt ư? Chỉ cần một miếng thịt cừu đã là cả một bữa tiệc Giáng
sinh rồi! Ba tôi thường hỏi chúng tôi: “Đó, những con người như vậy làm sao
mình bảo họ dâng hiến cho Chúa được?”
Khao khát của ông là muốn họ dâng hiến do lòng yêu mến Chúa Giê-xu Christ -
dâng rời rộng để biểu lộ tấm lòng tận hiến của mình.
Có một lần trong khi ông đang còn học tiếng, một thanh niên Ả Rập rất yêu mến
Chúa thông dịch cho ông. Trong bài giảng, Ba tôi đề cập việc dâng hiến thì một
người Ả Rập quay sang nói với ông bằng tiếng Anh: “Nhưng thưa ông Bạn Freed ạ,
ông không được bảo mấy người này làm chuyện đó.”
Ba tôi giục anh tiếp tục: “Anh cứ nói tiếp.”
“Nhưng mấy người này cực nhọc lắm mới sống được đạm bạc như vậy. Làm sao ông, một
người Mỹ - với nhiều tiền của, có thể lại bảo những người này dâng tiền được?”
Đương nhiên là anh này không dịch tiếp thêm nữa. Cho nên Ba tôi chỉ nói: “Chúng
ta sẽ thảo luận sau.”
Suốt nhiều tuần và tháng nói chuyện và cầu nguyện với thanh niên Cơ Đốc người Ả
Rập này tiếp theo sau sự việc trên, anh này mới tin rằng cách bày tỏ tình yêu
thương cụ thể như thế này chính là tín lý cơ bản của Tân Ước. Cuối cùng anh
công nhận sự kiện bảo rằng dâng hiến cách vui vẻ, dâng hiến trong tinh thần hi
sinh, là một chức vụ, một đặc ân của người tín hữu. Anh cũng tin rằng việc dâng
bao nhiêu trong số mình có thể dành dụm được, không quan trọng, mà chỉ là Đức
Chúa Trời muốn thử chúng ta cùng tình yêu chúng ta dành cho Ngài qua sự đo lường
vật chất - bất chấp tình trạng tài chánh của chúng ta.
Hình ở trang 33: Tiến sĩ Ralph Freed, tổng
giám đốc Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới , 1952-1973
Trong gia đình, chúng tôi tin chắc là Chúa
bù đắp lại mọi khoản phần mười cùng dâng hiến của chúng tôi - ngay cả khi khó
dâng nhất - không chỉ trên phương diện vật chất mà theo nhiều cách khác nhau.
Ba tôi quan tâm tới người Ả Rập vì ông thành thật tin là mình bất công với đám nông
dân nghèo, vì họ là những tín hữu tốt, nếu ông không dạy họ nguyên tắc dâng hiến.
Và ông đúng. Chúng tôi không ngừng thấy chứng cớ của sự kiện là khi Chúa Giê-xu
Christ bước vào lòng người nào, thì một trong những dấu hiệu đó là mở rộng ví
tiền của mình.
Khi họ lớn lên trong tình yêu cùng ân sủng của Cứu Chúa, chúng tôi vui mừng dự
những bữa tiệc yêu thương thật với những nông gia Cơ Đốc suốt mùa gặt. Trên sân
đạp lúa, họ chất hai đống - chín lường cho riêng mình và một lường nén thật chặt
và tràn trề cho Chúa. Đây là lời chứng chân thật về điều Chúa đang làm cho họ
khi họ mang “đống của Chúa” qua nhà nhóm nhỏ bé và đổ ra trên sàn. Kết quả của
việc dâng hiến vui vẻ này là họ đã có thể gửi những người truyền giảng Phúc Âm
sang các tỉnh lân cận để giảng Phúc Âm. Những tín hữu này nổi tiếng khắp thế giới
Ả Rập là những gương nổi bật về sự dâng hiến hi sinh của những con người nghèo
nhất. Họ là nguồn cảm hứng cho các giáo sĩ ở những nơi khác đến thăm, hoặc nghe
đồn, về cơn phục hưng sâu sắc giữa vòng nông dân Ả Rập của chúng tôi.
Hiệu quả trong chức vụ của Ba Mẹ tôi hầu như chắc chắn là do đời sống cầu nguyện
của Mẹ tôi. Lúc nào bà cũng đi trước chúng tôi một bước trong sự tận hiến và
trung tín. Bà đã dành bao nhiêu thì giờ cầu nguyện cho Ba tôi cùng các con, thì
chúng tôi không bao giờ biết được. Câu Kinh Thánh được bà ưa thích: “Các bước của
người thiện do Đức Giê-hô-va định liệu,” được lồng vào đời sống cầu nguyện của
bà. Nhưng câu đó đã được nhân cách hóa qua lời ghi chú tiếp theo của bà: “Lạy
Chúa, xin biến Ralph thành người thiện đó, hoặc Paul, hoặc Ruth.” Lúc nào bà cũng
tin là Cha Thiên thượng đang chăm sóc chúng tôi. Cách bà trò chuyện với Ngài thật
đơn giản và chân thành. Bà không quan tâm bất kỳ ai nghĩ gì, bà chỉ nói - giống
như chúng ta nói chuyện với bà - một cuộc đối thoại thoải mái. Bà luôn luôn chủ
trương xem mọi chuyện là bình thường.
Bà thường nói: “Chúng ta có một Đức Chúa Trời lắng nghe và đáp lời cầu xin; và
chúng ta đến với Ngài qua Chúa Giê-xu Christ. Chỉ đơn giản thế thôi. Nếu Đức
Chúa Trời nghe lời cầu nguyện, và thật Ngài có nghe, và Đức Chúa Trời là Đấng
Toàn năng, thì chúng ta cứ việc đến với Ngài và xin Ngài thôi.”
Một trong những ký ức vui nhất về thời thơ ấu của tôi có liên quan tới niềm tin
của Ba Mẹ tôi vào sự kiêng ăn cầu nguyện. Mỗi chiều và tối thứ sáu là Ba Mẹ tôi
dành riêng cho mục đích này. Nhưng tôi nghĩ điều tạo ấn tượng trên tôi nhiều nhất
khi còn bé chính là Ruth và tôi không bao giờ cảm thấy mình phải kiêng ăn với
Ba Mẹ. Thật sự, vào những tối kiêng ăn cầu nguyện Mẹ tôi thường ra sức chuẩn bị
cho chúng tôi bữa ăn ngon nhất. Bà thường để cho chúng tôi tự quyết định muốn ăn
gì tùy ý vào tối Thứ Sáu. Ắt hẳn phải là một cám dỗ lớn đối với bà khi chuẩn bị
bánh mì nóng hoặc cơm gạo quế, và khi nhà bếp tràn ngập mùi thơm ngon vào những
buổi tối bà chẳng ăn gì cả. Chứng cớ này của tình yêu, cộng thêm việc họ để
chúng tôi tự chọn thay vì ép chúng tôi làm giống như họ, đã thúc đẩy chúng tôi
lớn lên trong ân sủng, khao khát học tập bước theo Đấng mà Ba Mẹ chúng tôi theo
sát cánh. Tới ngày hôm nay, trong sự kiêng ăn cầu nguyện của mình, tôi vẫn liên
tưởng tới một thời hạnh phúc khó quên đã qua.
Cơm gạo quế vào những đêm kiêng ăn cầu nguyện, những câu chuyện quanh bếp lửa Ả
Rập, những ná lông lạc đà, cùng những bình đất sét dùng uống nước, tất cả đều
chồng chất trong tâm trí non trẻ của tôi khiến tôi tự mình nhờ cậy Cứu Chúa, và
thúc giục lòng cùng trí tôi chia sẻ Ngài cho người khác. Khát vọng truyền giáo
của tôi phải trải qua sự thanh lọc và trưởng thành, nhưng không bao giờ bị chệch
khỏi dòng chính đã định sẵn từ thới ấu thơ của tôi. Gia tài lớn nhất của tôi
chính là cuộc đời của Ba Mẹ tôi vốn chứng minh Chúa Giê-xu Christ cho tôi qua
những chứng cớ yêu thương thường ngày của họ. Toàn bộ cuộc sống chung những
ngày đầu tiên đã đặt nền móng cho lòng trung thành của riêng tôi đối với Đấng
Christ.
Câu chuyện chúng tôi sẽ kể qua cuốn sách về phép lạ của Đức Chúa Trời trong việc
thành lập chức vụ phát thanh của chúng tôi chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng
của những ảnh hưởng đã từng khuôn đúc nên cuộc sống trẻ thơ của tôi.