Kính thưa quý thính giả,
Ai ai cũng mến người khiêm nhường và ghét kẻ kiêu ngạo, như ca dao Việt có câu:
“Nhún nhường quý trọng biết bao,
Khoe khoang kiêu ngạo, ai nào có ưa”.
Tuy biết vậy, nhưng tất cả chúng ta, không loại trừ một ai cả, ít nhiều đều có tự hào kiêu căng, ít nhiều cũng vướng vào tình trạng “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”, ít nhiều cũng mang cái bản chất thật vô lý và đáng ghét này, được thể hiện qua vô số lời nói, hành vi và cử chỉ mỗi ngày.
Chúa Giê-xu chính là Thiên Chúa Ngôi Hai, đã tự nguyện giáng trần làm người cách đây hơn hai ngàn năm, để thực thi chương trình cứu chuộc nhân loại ra khỏi sự đoán phạt đời đời do tội lỗi.
Ngài có mười hai người môn đệ thân tín cùng đi khắp nơi với Ngài để loan báo về chương trình trọng đại này của Đấng Tối Cao.
Thánh sử Mác 9:33-34 có ký thuật sau một chuyến đi với nhau, “Chúa Giê-xu và các môn đệ về thành Ca-bê-nam. Khi vào nhà, Chúa hỏi: “Dọc đường các con bàn cãi gì với nhau đó?” Họ không dám trả lời, vì khi đi đường, họ tranh luận với nhau xem người nào lớn nhất trong các môn đệ”.
Khi Chúa Giê-xu hỏi họ đã bàn về chuyện gì dọc trên đường đi, sở dĩ họ im lặng không dám trả lời Ngài, là vì họ cảm thấy thật xấu hổ, khi người nào cũng ra sức tranh cãi, không ai chịu nhường ai hết, nhưng cứ khăng khăng cho mình là cao quý nhất trong bọn họ!
Chúa Cứu Thế Giê-xu đã dành thật nhiều thời giờ để giảng dạy cho mười hai môn đệ một cách riêng tư, nhiều hơn cả thời giờ Ngài tiếp xúc với công chúng. Mặc dù mười hai môn đệ này được trực tiếp học hỏi thật tỉ mỉ và sâu rộng từ vị Giáo Sư Lớn đến từ Trời, được sống gần gũi với con người Giê-xu mẫu mực về tính khiêm nhường, nhưng tất cả đều còn tính tự tôn, tất cả đã cãi vả dữ dội, tất cả đã nhảy vào cuộc khẩu chiến gay gắt không một chút nhượng bộ, để tranh giành địa vị cao trọng nhất về cho chính bản thân mình!
Chúa Giê-xu nhìn thấu rõ tấm lòng của từng người trong họ, cũng như Ngài đang nhìn thấu rõ tấm lòng của mỗi quý vị và tôi ngay lúc này. Ngay lập tức, Ngài đi thẳng vào vấn đề tham vọng ích kỷ này.
Thánh sử Mác 9:35 ghi tiếp: “Chúa ngồi xuống, gọi mười hai sứ đồ lại gần, bảo: “Ai muốn làm lớn, phải chịu phận nhỏ, làm đầy tớ người khác.”
Tại đây, Chúa Cứu Thế Giê-xu đã bật tung đến tận gốc rễ định nghĩa của thế gian về địa vị cao trọng. Trong khi mọi người, trong đó có quý vị và tôi, từng cho rằng cao trọng là khi nắm được uy quyền, sở hữu nhiều của cải, có tiếng tăm lừng lẫy, đạt được địa vị chót vót và có thể ra lệnh bắt nhiều người khác phục vụ mình, nhưng Con Một Thiên Chúa khẳng định rằng, hễ càng khiêm tốn, càng hạ thấp, càng phục vụ nhiều người hơn, thì trước mặt Đấng Tối Cao, đó là người cao quý hơn.
Ngay lúc đó, các môn đệ vẫn chưa thể thấu hiểu được tái định nghĩa quan trọng này và cho đến ngày nay, cũng không có được mấy ai thấm nhuần nguyên tắc quan trọng này của Đấng Tạo Hóa.
Có hàng ngàn quyển sách viết về quyền lãnh đạo, nhưng chẳng có mấy quyển sách nói về tinh thần phục vụ. Ai cũng muốn lãnh đạo, ai muốn làm người đứng đầu, chứ chẳng ai “dại” gì đi làm đầy tớ cho người khác. Bạn và tôi chỉ thích làm “tướng”, chứ ai mà muốn làm “binh nhì”. Nhưng tái định nghĩa của Chúa Cứu Thế Giê-xu khẳng định, những ai muốn trở nên cao quý thật sự trước mặt Đấng Tạo Hóa, thì người đó phải hạ mình thật thấp, phải trở nên khiêm nhường và sẵn sàng phục vụ tha nhân.
Quý thính giả thân mến,
Sau cuộc cãi vả gay gắt giữa các môn đệ để tranh ai là người cao quý nhất, thì chẳng bao lâu sau đó, lại xảy ra một sự việc khác, cũng để tranh giành địa vị cao trọng nhất về phía mình.
Hai anh em ruột, Gia-cơ và Giăng, là hai môn đệ thân cận của Chúa Giê-xu, đầy tự tin và đầy tự hào, đến với Ngài để yêu cầu được nhận lãnh điều mà họ nghĩ rằng họ xứng đáng nhận lãnh hơn người khác.
Thánh sử Mác 10:35-37 ký thuật rằng:
“Gia-cơ và Giăng, hai con trai của Xê-bê-đê đến xin Chúa Giê-xu, “Thưa thầy, chúng con muốn xin thầy làm cho một điều.”
Chúa Giê-xu hỏi, “Các con muốn ta làm điều gì cho các con?”
Họ thưa, “Xin cho chúng con một đứa ngồi bên phải, một đứa ngồi bên trái thầy, trong vinh quang của thầy.”
Sở dĩ Gia-cơ và Giăng yêu cầu điều này, là vì vào thời điểm đó, Chúa Giê-xu và các môn đệ đang trên đường đi đến kinh đô Giê-ru-sa-lem; cả mười hai môn đệ đều đinh ninh rằng Ngài sắp sửa thiết lập một vương quốc mới, rằng Ngài sẽ cai trị với sức mạnh quân sự hùng mạnh và với quyền thế chính trị vô song. Hai anh em ruột Gia-cơ và Giăng tự cho rằng, trong mười hai môn đệ, chỉ có họ là xứng đáng nhất để chung hưởng vinh quang tột đỉnh với thầy mình trong vương quốc mới. Họ muốn Ngài thừa nhận trước mặt mọi người rằng, anh em họ là cao trọng nhất, bằng cách cho một người được ngồi bên phải và một người được ngồi bên trái, bên cạnh ngôi vua cao sang của Ngài trong vương quốc sắp tới.
Khác với lần trước, các môn đệ cãi vả tranh giành sau lưng Chúa Giê-xu, thì lần này, anh em Gia-cơ và Giăng công khai lên tiếng trước mặt Ngài, không hề giấu diếm nỗi tự hào đang cao ngất trong lòng họ. Hai anh em Gia-cơ và Giăng hoàn toàn không đề cập đến vinh dự được chia sẻ gian khổ hay cùng làm việc với Chúa Giê-xu, nhưng họ nói thẳng ra điều mà lòng họ nung nấu và thèm khát. Đó là danh tiếng, địa vị, uy quyền, phẩm giá và sự tôn trọng. Khi tấm lòng kiêu ngạo trỗi cao, thì người thầy yêu quý Giê-xu của họ, bỗng dưng trở nên chỉ là một phương tiện, để cho họ vươn tới những tham vọng riêng tư cho chính mình mà thôi.
Mười môn đệ khác thật sự cũng chẳng khiêm nhường chút nào, vì thánh sử Mác 9:41 có ghi: “Khi mười môn đệ kia nghe chuyện ấy thì bất bình với Gia-cơ và Giăng”.
Qua hình ảnh các môn đệ của Chúa Cứu Thế Giê-xu, quý vị và tôi chắc cũng nhận ra chân dung thật của chính mình trong đó. Chúng ta có thể không tranh cãi ồn ào trên đường đi như họ, nhưng trong mỗi bước đi của cuộc đời, trong suy nghĩ mỗi ngày của bạn và tôi, là những trận chiến để tự nâng mình lên địa vị cao quý nhất. Chúng ta có thể không lên tiếng đòi hỏi một cách công khai như Gia-cơ và Giăng, nhưng khi cơ hội đến, bạn và tôi vẫn muốn chứng tỏ bản thân mình là quan trọng hơn người khác.
Với thái độ kiên nhẫn và nhân từ, Chúa Giê-xu gọi tất cả các môn đệ lại và hướng dẫn họ một lần nữa về một điều mà họ thiếu thốn trầm trọng trong đời sống.
Thánh sử Mác 10:42-44 có ký thuật:
“Ngài gọi họ lại và dạy rằng, “Những người cầm quyền của dân ngoại quốc thích cai trị dân, còn các đại quan thì thích tỏ quyền hành trên dân chúng. Nhưng đối với các con, thì không nên như thế. Ai muốn làm lớn trong vòng các con, thì phải làm tôi tớ. Ai muốn làm đầu trong các con phải như nô lệ vậy”.
Trong lời dạy dỗ này, Chúa Giê-xu đã đem vào thực tế trước mắt lúc bấy giờ, là người ngoại quốc La-mã đang nắm quyền hành, hống hách kiêu căng, tham lam ích kỷ, cai trị và vơ vét dân Do-thái, như một hình ảnh trái ngược với lòng khiêm nhường, nhu mình, sẵn sàng hạ mình phục vụ để đem lợi ích đến cho tha nhân.
Một điều tuyệt vời trong lời dạy dỗ này là Chúa Cứu Thế Giê-xu không chỉ trích, cũng không cấm đoán khi một người có ước vọng trở nên “lớn”, hay muốn trở nên “cao quý”.
Thay vào đó, Ngài định lại chiều hướng cho ước vọng đó, thay đổi lại định nghĩa thế nào là “cao quý” thật sự. Muốn trở nên “lớn” trước mặt Đấng Tạo Hóa, thì “phải” làm tôi tớ cho người khác. Muốn trở nên thật sự “cao quý” trước mặt Đấng Tối Cao, thì “phải” sẵn sàng hạ mình làm nô lệ cho anh em mình.
Từ ngữ “phải” ở đây nêu lên điều kiện cần và đủ cho một người muốn trở nên lớn lao và cao quý thật sự trước mặt Thiên Chúa.
Chúng ta nên nhớ rằng, nhân vật đưa ra tái định nghĩa quan trọng này, là Chúa Cứu Thế Giê-xu, là Thiên Chúa Ngôi Hai tự nguyện giáng trần, là Đấng Tạo Hóa tình nguyện mang lấy hình hài của loài thọ tạo, là Con Một Thiên Chúa tự bỏ ngôi trời cao sang, giáng sinh nơi chuồng chiên máng cỏ nghèo hèn, mang thân phận làm người đầy tủi nhục ê chề, để thực thi chương trình cứu rỗi nhân loại, chấp nhận cho loài người chà đạp khinh bỉ và xử chết treo trên cây thập tự, để làm giá chuộc tội cho muôn người.
Khi đưa ra lời tái định nghĩa về sự cao quý, thì chính Ngài đã là mẫu mực cao trọng nhất của bản tánh khiêm nhường phục vụ, như thánh sử Mác 10:45 có ghi lại lời Ngài tự xác nhận liền theo sau lời dạy dỗ, như sau: “Cũng như Con Người đến không phải để được người khác phục vụ mình, mà để phục vụ người khác và hi sinh mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.”
Quý thính giả thân mến,
Nhận định về lời tái định nghĩa của Chúa Cứu Thế Giê-xu, học giả Kinh Thánh William Lane cho đây là “sự đảo ngược của tất cả những suy nghĩ của con người về phẩm giá cao quý”.
Thật vậy, trong một thế giới tội lỗi, đầy giả dối và kiêu ngạo, cao trọng đồng nghĩa với chiếm hữu nhiều quyền lực, của cải và tiếng tăm, thì bạn và tôi phải chấp nhận “bị đảo ngược”, phải biết hạ thấp, biết khiêm nhường, biết phục vụ vì lợi ích của người khác, nếu chúng ta mơ ước được trở nên “cao quý” trước mặt Đấng Chủ Tể của hoàn vũ này.
Thật ra, thấu hiểu được tái định nghĩa “đảo ngược” của Chúa Giê-xu cũng chưa có thể khiến bạn và tôi khiêm nhường thực sự được.
Thậm chí, nhìn vào tấm gương nhu mì khiêm nhường của Ngài và tự cố gắng làm theo, cũng không có gì bảo đảm là bạn và tôi có thể hạ mình, cũng chưa chắc khiến chúng ta có thể từ bỏ bản chất kiêu ngạo cố hữu, để khiêm nhường và sẵn sàng phục vụ tha nhân.
Bạn và tôi cần một điều gì khác nữa, vô cùng quan trọng và có tính quyết định để nhờ đó, chúng ta mới có thể thật sự trở nên khiêm nhường, để được Đấng Tạo Hóa yêu quý, thương xót và đổ đầy ơn phước.
Dĩ nhiên điều này phải đến từ Vua Khiêm Nhường là Chúa Cứu Thế Giê-xu, chứ không thể từ ai khác!
Thế nhưng điều đó là điều gì?
Kính mời quý vị và các bạn cùng khám phá với chúng tôi về điều vô cùng hệ trọng này trong chương trình Phát Thanh Hy Vọng tuần tới.
Thân chào quý vị và các bạn.
Tùng Tri