Người kia đi đường, gặp một em bé đứng
khóc. Hỏi ra mới biết em đánh mất 5 đồng, tiền của em dành dụm bấy lâu. Ông cảm
thấy thương hại, an ủi vỗ về em, rồi lấy trong ví cho em lại số tiền đã mất. Em
bé mừng rỡ cám ơn ríu rít. Rồi bỗng như suy nghĩ điều gì, lại òa lên khóc nữa.
Ông khách đã bước được mấy bước, nghe em khóc, vội quay lại, lấy làm lạ, gạn
hỏi, em càng khóc thảm thiết hơn. Lòng ông khách bối rối, chẳng biết mình đã
làm điều gì không đúng! - Khi đã bĩnh tình, em thưa: “Cháu tiếc quá mà khóc,
nếu không làm mất 5 đồng kia, thì bây giờ cháu đã có được 10 đồng rồi!”
Người ta thường không
bao giờ hài lòng với hiện tại. Trong một số lãnh vực thì như thế là tốt, chẳng
hạn không thỏa lòng về học vấn, về đức hạnh, về kiến thức v.v…. Nhưng trong
lãnh vực vật chất thì cần phải có tinh thần của sự thỏa lòng. Người ta hay tiếc
nuối về những gì không thể cải thiện được, hoặc ước ao những gì không bao giờ
thực hiện được. Nuôi dưỡng ước vọng là điều tốt, nếu đó là những ước vọng đúng
đắn, nhưng nuôi dưỡng ước vọng để bất mãn với hiện tại, đau khổ, chán chường và
chối bỏ những niềm vui trước mắt, thì thật là sai lầm. Không thỏa lòng đồng
nghĩa với sự vô ơn đối với những gì Chúa đã dành cho chúng ta.
Erskine Mason nói: “Nếu một người không
thỏa lòng tình trạng hiện tại của mình, cũng sẽ không thỏa lòng khi ở trong
tình trạng sắp tới.” Và như thế, con người mải lao về phía trước, đuổi theo để
tìm kiếm một cái gì đó mà họ sẽ không bao giờ nhận được, vì họ không bao giờ
cảm thấy thỏa mãn với những gì đang có. Hãy chấp nhận hiện tại và nhìn thấy trong
đó ân phước của Đức Chúa Trời dành cho bạn. Có thể bạn không hài lòng lắm với
tình trạng ấy, nhưng Chúa có kế hoạch của Ngài cho cuộc đời bạn, nó chính là
môi trường Ngài rèn luyện đức tính thỏa lòng của bạn. "Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi
lớn"
“…Tôi đã
tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng
biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu
dư hay thiếu cũng được.”
Phi-líp
4:11-12.