Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Saturday, October 6, 2012

Phi Thuyền Endeavour


Châu Âu muốn nhờ Trung Quốc đưa người lên vũ trụ
Cuối tuần qua, một biến động trên bầu trời Miền Nam Cali kêu gọi sự chú ý của hàng triệu người. Đó là việc chiếc phi thuyền con thoi Endeavour được chở trên chiếc Boeing 747 hạ cánh xuống phi trường Los Angeles, sau khi bay một vòng từ Nam Cali lên Bắc Cali rồi quay trở lại. Phi thuyền con thoi Endeavour được đem đến Los Angeles để rồi sẽ được đặt trong viện bảo tàng khoa học cho mọi người xem. Những ai không được trông thấy chiếc phi thuyền con thoi được chở trên chiếc máy bay 747 thì cũng đã thấy hình ảnh nầy trên các đài truyền hình hôm thứ Sáu vừa qua. Đó là một hình ảnh tuyệt đẹp trên bầu trời trong xanh của Miền Nam Cali.


Hình ảnh chiếc máy bay khổng lồ chở chiếc phi thuyền bên trên nhắc tôi nhớ đến một hình ảnh tương tự được mô tả trong Thánh Kinh như sau:
Như phụng hoàng khuấy động ổ mình, bay lượn quanh bầy con, dang rộng cánh ra đỡ lấy rồi cõng con trên đôi cánh. Chỉ một mình Chúa Hằng Hữu dẫn dắt dân Ngài, không có thần lạ nào khác ở bên (Phục truyền luật lệ lý 32:11-12)
Đó là lời của lãnh tụ Môi-se, nói về kinh nghiệm của mình khi ông dẫn dắt con dân Chúa ra khỏi Ai-cập, vượt sa mạc để vào vùng Đất Hứa. Sau 40 năm lang thang trong sa mạc, giờ đây đứng bên bờ Đất Hứa, Môi-se nhìn lại, ôn lại và cảm tạ Thiên Chúa về ơn dẫn dắt diệu kỳ của Ngài. Và một trong những hình ảnh Môi-se dùng để so sánh sự chăn dắt của Chúa đối với con dân Ngài là hình ảnh chim phượng hoàng tập cho chim con bay. Phượng hoàng thường làm tổ trên những ghềnh đá rất cao và để tập cho chim con bay, chim mẹ thường rung tổ cho con rơi xuống. Chim con khi bị rơi như vậy không có cách nào khác hơn là phải tung đôi cánh yếu ớt của mình ra để bay. Dĩ nhiên vì còn nhỏ, nó không bay được lâu nên nó sẽ bị rơi xuống đất. Lúc đó con chim mẹ sẽ bay dưới con chim con đang rơi, xòe đôi cánh rộng để cõng con trên đôi cánh. Đó là lời mô tả của Môi-se khi ông nói: “Như phụng hoàng khuấy động ổ mình, bay lượn quanh bầy con, dang rộng cánh ra đỡ lấy rồi cõng con trên đôi cánh.”
Môi-se dùng hình ảnh đó rồi nói: “Chỉ một mình Chúa Hằng Hữu dẫn dắt dân Ngài, không có thần lạ nào khác ở bên.” Môi-se cho thấy rằng như phượng hoàng rung ổ cho chim non rơi xuống để tập bay rồi dùng cánh để cõng con thể nào thì đó cũng là cách Thiên Chúa dẫn dắt và đào luyện con dân Chúa. Phượng hoàng cõng con trên chéo cánh, đó là hình ảnh chiếc máy bay 747 chở phi thuyền con thoi chúng ta thấy hôm thứ Sáu. Hình ảnh nầy nhắc chúng ta về cách Thiên Chúa dẵn dắt con dân Chúa cũng như dẫn dắt cuộc đời mỗi chúng ta. Không ai trong chúng ta lại không gặp phải hoạn nạn, thử thách, khó khăn trong đời sống. Và đó là cách Thiên Chúa dùng để tập chúng ta bay. Con chim phượng hoàng non nớt chắc không hiểu tại sao chim mẹ lại rung tổ cho mình rớt xuống và có lẽ nó cũng không thích nữa. Nhưng chính qua kinh nghiệm đó mà nó có thể bay. Phượng hoàng là loài chim nổi tiếng bay cao và nó bay cao được là những giờ thử luyện tập bay với mẹ khi mẹ lắc tổ cho chim con rơi xuống. Nhưng chim phượng hoàng không chỉ lắc tổ cho con rơi nhưng nó cũng “bay lượn quanh bầy con, dang rộng cánh ra đỡ lấy rồi cõng con trên đôi cánh.”
Đó cũng là cách Thiên Chúa làm cho chúng ta. Ngài không rung tổ để chúng ta rơi xuống đất luôn nhưng Ngài luôn theo dõi, giữ gìn và khi chúng ta không còn sức để bay, Ngài dang rộng đôi cánh để đỡ chúng ta. Thật không có hình ảnh nào đẹp hơn để mô tả ơn chăm sóc, giữ gìn của Thiên Chúa. Nếu chúng ta phải đối diện với hoạn nạn, thử thách thì đó là cách Thiên Chúa dùng để huấn luyện chúng ta, cho chúng ta nên người. Hai bài học chúng ta học được nơi hình ảnh phượng hoàng dạy con bay là:
1. Hoạn nạn, thử thách, khó khăn Thiên Chúa cho phép xảy ra trong đời sống chúng ta là để mang lợi ích cho chúng ta, để giúp chúng ta mạnh hơn, không phải để cho chúng ta đau khổ.
2. Khi hoạn nạn, thử thách, khó khăn xảy ra và chúng ta thấy như lâm vào ngả đường cùng, đừng quên rằng đôi cánh toàn năng của Thiên Chúa lúc nào cũng dang rộng để đỡ chúng ta lên.
Khi ôn lại quãng dường dài 40 năm trong sa mạc, lãnh tụ Môi-se nhắc lại cho con dân Chúa nhớ những điều như sau. Ông nói:
Ngài đã dẫn anh em đi xuyên qua hoang mạc mênh mông khủng khiếp, vùng đất khô cằn không có nước, đầy rắn lửa và bọ cạp. Ngài khiến nước từ tảng đá rất cứng tuôn ra cho anh em. Trong hoang mạc Ngài cho anh em ăn ma-na, thức ăn mà tổ phụ anh em chưa từng biết, cho anh em nếm trải đói khổ và thử thách để cuối cùng ban phước hạnh cho anh em (Phục truyền luật lệ ký 8:15-16)
Đường đời chúng ta đi qua cũng không khác với con đường sa mạc con dân Chúa phải đi qua ngày xưa: khô cằn, nguy hiểm, nhiều đe dọa, nhiều nhu cầu. Ngoài những trở ngại thiên nhiên, con dân Chúa cũng nhiều lần đối diện với quân thù tấn công dọc đường. Giữa những nguy hiểm và đe dọa đó, con dân Chúa luôn được lời hứa và cũng trải nghiệm ơn dẫn dắt của Ngài. Từ trụ mây che nắng ban ngày đến trụ lửa soi sáng ban đêm. Từ dòng nước mát chảy ra từ vầng đá đến bánh ma-na từ trời sa xuống và đàn chim cút trong sa mạc nuôi sống con dân Chúa. Nhưng đến cuối cùng của cuộc hành trình, Môi-se cho con dân Chúa thấy rằng dù họ có những nhu cầu vật chất, chính sức mạnh tâm linh đã nuôi sống họ suốt 40 năm trong sa mạc. Môi-se nói với con dân Chúa trong cuối cuộc hành trình những lời như sau:
Hãy nhớ lại suốt chặng đường trong hoang mạc mà Chúa Hằng Hữu đã dẫn anh em đi trong 40 năm nay. Ngài hạ anh em xuống, khiến anh em gặp cảnh đói khổ rồi cho anh em ăn ma-na… để dạy anh em biết rằng loài người sống không chỉ nhờ bánh nhưng nhờ mọi lời phán từ miệng Chúa Hằng Hữu (Phục truyền luật lệ ký 8:2-3)
Con dân Chúa nhờ có bánh ma-na để sống còn trong sa mạc, nhưng Môi-se cho biết, đó chỉ là thứ yếu. Thức ăn thật sự con dân Chúa đã có để mà sống là lời phán của Thiên Chúa. Đó là các mạng lệnh Thiên Chúa truyền dạy mà nếu tuân giữ, họ mới kinh nghiệm được ân phúc của Ngài. Chúa Cứu Thế Giê-xu đã dùng chính câu Thánh Kinh nầy để chiến thắng khi Ngài bị cám dỗ hóa đá thành bánh để ăn cho đỡ đói. Quý vị và tôi ngày nay đang băng qua sa mạc của trần gian nầy cũng cần đến Lời của Thiên Chúa để sống như vậy. Chúng ta có nhu cầu cơm áo, nhu cầu được bảo vệ nhưng trên hết chúng ta cần có Lời của Thiên Chúa và sống theo Lời của Thiên Chúa để sống còn.
Chiếc Boeing 747 cõng chiếc phi thuyền con thoi Endeavour nhắc chúng ta hình ảnh chim phụng hoàng tập cho chim con bay, cõng chim con trên cánh và cũng nhắc chúng ta hình ảnh Thiên Chúa cõng chúng trên cánh của Ngài khi Ngài cho phép những hoạn nạn thử thách, khó khăn xảy ra trong đời sống. Thiên Chúa đang chăn dắt chúng ta đi qua cuộc đời đầy sóng gió nầy và Ngài chúng ta nhớ rằng nhu cầu lớn nhất của đời sống không phải là cơm ăn, áo mặc hay nhu cầu nào khác hơn là chính lời phán dạy của Ngài. Lắng nghe tiếng Chúa, tuân thủ, làm theo, chúng ta sẽ kinh nghiệm ơn dẫn dắt và cứu chuộc của Ngài. Chúa Giê-xu phán:
Ta là Bánh Của Sự Sống. Ai đến với Ta chẳng hề đói, ai tin Ta chẳng hề khát (Phúc Âm Giăng 6:37)
Mục sư Nguyễn Thỉ