Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Tuesday, October 2, 2012

Ngôn Ngữ Yêu Thương--1--Lời Khích Lệ


Kính chào quý thính giả,

Trong tuần vừa rồi, chúng ta đã tìm hiểu lợi ích của những lời khen tặng. Những lời khen tặng chân thành từ đáy lòng sẽ đem đến sự hứng khởi, không khí gia đình đầm ấm và là động cơ thúc đẩy mạnh mẽ hơn là những lời cằn nhằn. Ngôn ngữ đầu tiên để bày tỏ tình yêu là lời khẳng định - tức là những lời của chúng ta để xác định về những giá trị công việc mà người yêu hay người phối ngẫu đang làm. Khen tặng là một phương cách của lời khẳng định. Trong tuần này, chúng ta sẽ cùng nhau học hỏi về một phương cách khác của lời khẳng định, đó là “Lời Khích Lệ” (Encouraging Words).
Tiến sĩ Gary Chapman cho biết:
“Từ ‘khích lệ’ ngụ ý truyền can đảm. Tất cả chúng ta đều có những lãnh vực mà mình cảm thấy bất an. Chúng ta thiếu can đảm, và sự thiếu can đảm đó thường cản trở chúng ta hoàn tất những điều tích cực mà mình thích làm. Người bạn đời của bạn có những khả năng tiềm ẩn, nhưng còn đang do dự và có thể đang mong chờ một lời khích lệ từ bạn”

Tiến sĩ Gary Chapman kể lại một câu chuyện thật để minh họa như sau:
“Allison là một phụ nữ thích viết văn từ lâu. Khi gần xong đại học về môn lịch sử, chị theo học vài khóa về báo chí. Chị nhận ra ngay là mình thích môn viết hơn là môn lịch sử là môn chuyên ngành của chị. Lúc ấy đã quá trễ để chuyển ngành, nhưng sau khi học xong đại học và đặc biệt là trước khi có con, chị có viết vài bài báo. Chị nộp bài cho một tạp chí, nhưng khi nhận được thư khước từ, chị không bao giờ có can đảm nộp bài kế tiếp. Khi các con đã lớn và chị có nhiều thời giờ hơn để suy gẫm, Allison viết trở lại”

“Keith là chồng của Allison, vì bận rộn với nghề nghiệp riêng, nên trong những năm đầu hôn nhân, anh không chú ý đến công việc viết lách của chị. Tuy nhiên, sau đó, anh nhận ra rằng ý nghĩa sâu xa nhất của cuộc sống không phải là những thành quả nhưng là những mối liên hệ. Anh dành nhiều thời giờ và bắt đầu quan tâm đến sở thích của vợ hơn. Một tối kia, anh cầm lấy một bài viết của Allison và đọc. Đọc xong, anh vào phòng làm việc, nơi Allison đang đọc sách. Đầy nhiệt tình, anh nói “Anh không thích cắt ngang việc đọc của em, nhưng anh phải nói cho em biết chuyện này. Anh vừa đọc xong một bài viết của em. Allison à, em là nhà văn xuất sắc. Bài này em phải cho xuất bản thôi! Em viết thật rõ ràng. Lời văn của em vẽ nên những bức tranh anh có thể hình dung được. Văn phong của em thật cuốn hút. Em phải nộp bài này cho một số tạp chí mới được.”

Allison ngần ngại hỏi:” Anh thật sự nghĩ vậy sao?”
Keith nói: “Anh biết chắc là như vậy. Anh nói cho em biết, bài này hay lắm đó.”
“Khi Keith rời phòng, Allison thật sự xúc động. Tuy vậy, chị cũng nhớ lại lá thư từ chối cách đó vài năm. Nhưng chị lý luận là bây giờ chị đã đổi khác và có thêm kinh nghiệm. Allison thực hiện một quyết định. Chị sẽ nộp bài mình viết cho một số tạp chí và chờ xem sao.”
“Kể từ lời khích lệ của chồng cách đây đã mười bốn năm, Allison đã có nhiều bài được đăng và có một hợp đồng viết sách. Chị là một nhà văn xuất sắc, nhưng cần những lời khích lệ của chồng để thêm can đảm, hứng thú và chủ động trong tiến trình cam go đăng bài viết của mình lên báo.”

Kính thưa quý thính giả,
“Có lẽ người phối ngẫu của bạn có tiềm năng chưa được khai thác trong một hay nhiều lãnh vực của cuộc sống và đang chờ những khích lệ của bạn. Lời nói khích lệ của bạn có thể truyền can đảm cần thiết để thực hiện bước đầu đó.
Tiến sĩ Gary Chapman cũng nhấn mạnh rằng lời khích lệ khác với chuyện gây áp lực, buộc người phối ngẫu làm những điều bạn muốn. Thí dụ, một số ông chồng ép vợ phải giảm cân. Mặc dầu ông chồng nói “Tôi khích lệ bà ấy” nhưng bà vợ nghe giống như một lời kết án.

“Khích lệ đòi hỏi sự đồng cảm và phải nhìn từ góc độ của người phối ngẫu. Trước hết chúng ta phải tìm biết điều gì quan trọng đối với người phối ngẫu của mình. Đến lúc đó chúng ta mới khích lệ được. Với lời khích lệ, chúng ta cố gắng truyền đạt: “Em biết. Em quan tâm. Em ở bên anh. Em giúp được gì cho anh nào?” Chúng ta cố gắng tỏ ra mình tin tưởng nơi chàng và nơi khả năng của chàng.”

Tiến sĩ Gary Chapman cũng nhắc nhở như sau:
“Đa số chúng ta có nhiều tiềm năng hơn khả năng mình đã phát huy. Điều cản trở chúng ta thường là thiếu can đảm. Người phối ngẫu đầy yêu thương có thể cung ứng chất xúc tác đó. Có thể bạn thấy khó nói lời khích lệ vì đây không phải là ngôn ngữ yêu thương chính của bạn. Có thể bạn phải cố gắng nhiều để học thứ ngôn ngữ mới này. Điều này lại càng đúng hơn nếu bạn đã có thói quen chỉ nói chỉ trích và lên án, nhưng tôi có thể đảm bảo với bạn là cố gắng của bạn sẽ đáng giá vô cùng.”
Tuần tới chúng ta sẽ học thêm một phương ngữ khác trong nhóm ngôn ngữ “Lời Khẳng Định”. Xin hẹn gặp lại quý vị.