Kính thưa quý thính giả,
Trong những tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về lời cảm ơn, lời khích lệ, lời thân ái là ba phương ngữ khác nhau trong nhóm ngôn ngữ đầu tiên để bày tỏ tình yêu thương. Nhóm ngôn ngữ đầu tiên, được tiến sĩ Gary Chapman gọi là “Lời Khẳng Định”, là những lời nói chân thật, xuất phát từ đáy lòng, để xác định về giá trị công việc làm của người phối ngẫu, để bày tỏ sự cảm động và lòng biết ơn về những gì mà người vợ hay chồng làm cho chúng ta.
Trong tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị “Lời Khiêm Tốn” là một phương ngữ khác trong nhóm ngôn ngữ “Lời Khẳng Định”.
Tiến sĩ Gary Chapman trình bày như sau:
“Tình yêu đưa ra lời yêu cầu, không phải mệnh lệnh. Khi tôi ra lệnh, tôi bỗng nhiên trở thành cha mẹ, còn vợ tôi trở thành con cái. Chỉ có cha mẹ mới bảo đứa con mới lên ba nên làm điều gì, thực ra, nó phải làm điều gì. Điều này cần thiết vì đứa bé ba tuổi chưa biết lèo lái trên dòng nước lừa dối của cuộc đời. Tuy nhiên, trong hôn nhân, chúng ta là những người cộng tác trưởng thành và bình đẳng. Chắc chắn chúng ta không toàn vẹn, nhưng chúng ta đã trưởng thành và chúng ta là những cộng tác viên. Nếu muốn triển khai mối liên hệ thân thiết, chúng ta cần phải biết ước muốn của nhau. Nếu muốn yêu nhau, chúng ta cần biết người kia muốn gì.
Tuy nhiên, cách chúng ta biểu lộ ước muốn là điều tối quan trọng. Nếu chúng ta đến với những mệnh lệnh, chúng ta đánh mất cơ hội tạo nên sự thân mật và đẩy người phối ngẫu ra xa. Tuy vậy, nếu chúng ta bày tỏ những nhu cầu và ước muốn của mình như một lời yêu cầu, thì chúng ta đang hướng dẫn, chứ không phải gởi tối hậu thư. Nếu người chồng nói “Em còn nhớ mấy cái bánh chuối em làm chứ? Tuần này em làm vài cái được không? Anh khoái mấy cái bánh đó lắm”. Nếu người chồng nói như vậy là đang hướng dẫn vợ cách yêu chồng và qua đó, tạo tình thân mật. Ngược lại, nếu người chồng nói “Từ hồi có con đến giờ chẳng biết cái bánh chuối là gì. Không biết có ăn được cái bánh chuối nào trong vòng 20 năm tới nữa đây” thì người chồng không còn đối xử như người lớn nữa nhưng lại hành động như một đứa bé chưa trưởng thành. Những lối đối xử như vậy không tạo tình thân mật. Nếu người vợ nói “Anh xem cuối tuần này có thể giúp em dọn máng xối được không?” thì người vợ đang biểu lộ tình yêu bằng cách đưa ra lời yêu cầu. Nhưng nếu người vợ nói “Nếu anh không sớm dọn mấy cái máng xối đó, chúng sẽ rớt khỏi mái nhà đó. Cây cối mọc đầy trên đó rồi”, thì người vợ chẳng còn bày tỏ tình yêu thương, nhưng đã trở thành bà mẹ độc đoán.
Khi yêu cầu người phối ngẫu với lời yêu thương, tức là bạn đang khẳng định giá trị cùng khả năng của người đó. Thực chất là bạn chứng tỏ rằng nàng có giá trị hoặc có thể làm một việc có ý nghĩa và đáng giá với bạn. Tuy nhiên, khi ra mệnh lệnh, bạn không còn là người yêu, nhưng đã trở nên bạo chúa. Người phối ngẫu của bạn sẽ không cảm thấy được khẳng định mà là bị xem thường. Lời yêu cầu chứa đựng yếu tố lựa chọn. Người bạn đời của bạn có thể chọn đáp ứng lời yêu cầu của bạn hay khước từ, vì tình yêu luôn luôn là sự lựa chọn. Chính điều đó làm cho tình yêu có ý nghĩa. Biết được rằng người phối ngẫu yêu tôi đủ để đáp ứng một trong những yêu cầu của tôi, giúp tôi cảm nhận được nàng quan tâm đến tôi, tôn trọng tôi, ngưỡng mộ tôi, và muốn làm điều vui lòng tôi. Chúng ta không thể có được tình cảm yêu thương bằng cách ra lệnh. Thật ra khi ra lệnh, người phối ngẫu có thể tuân theo sự đòi hỏi của tôi, nhưng đó không phải là biểu lộ của tình yêu. Đó là hành động sợ hãi hoặc lỗi lầm hoặc một tình cảm nào khác, chứ không phải tình yêu. Như vậy, lời yêu cầu tạo khả năng biểu lộ tình yêu, trong khi ra mệnh lệnh bóp nghẹt khả năng đó.”
Kính thưa quý thính giả,
Lời khẳng định là một trong năm ngôn ngữ căn bản để biểu lộ tình yêu. Trong ngôn ngữ “Lời Khẳng Định” này có nhiều phương ngữ khác nhau, như lời cảm ơn, lời khích lệ, lời thân ái, lời khiêm tốn mà chúng đã vừa học qua. Tất cả những phương ngữ trên, mặc dầu được sử dụng với những từ ngữ khác nhau, nhưng chỉ để khẳng định những giá trị về những công việc làm và sự quan tâm của người phối ngẫu đối với chúng ta. Nhà tâm lý học William James nói, có lẽ nhu cầu sâu xa nhất của nhân loại là nhu cầu được quý trọng. Lời khẳng định sẽ đáp ứng được nhu cầu đó trong nhiều cá nhân. Người Việt thường nói “Lời nói không mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Tuy lời nói không mất tiền mua thật, nhưng đòi hỏi chúng ta nhiều công sức để học hỏi và trau giồi, nhứt là đối các bạn không phải là người khéo ăn nói, và nếu lời khẳng định không phải là ngôn ngữ yêu thương chính của bạn, nhưng lại là ngôn ngữ số một của người vợ hay người chồng của bạn. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, tiến sĩ Gary Chapman đề nghị bạn nên giữ một cuốn sổ tay, để khi gặp một bài viết hay hoặc sách nói về tình yêu, thì bạn hãy ghi lại những lời khẳng định mình đọc được. Khi nghe một bài nói chuyện về tình yêu hoặc nghe một người bạn nói điều gì tích cực về ngườI khác, hãy ghi lại lời đó. Lần hồi, bạn sẽ thu thập được một bảng liệt kê khá đầy đủ những lời có thể dùng truyền đạt tình yêu cho người phối ngẫu.
Bạn cũng có thể tìm cách nói những lời khẳng định gián tiếp, tức là nói những điều tích cực về người phối ngẫu khi người ấy vắng mặt. Cuối cùng, người nào đó sẽ kể lại cho người phối ngẫu của bạn, và bạn sẽ được yêu thương trọn vẹn. Hãy nói cho mẹ vợ bạn biết là vợ bạn thật giỏi giang. Khi mẹ vợ bạn đem kể lại với nàng, lời bạn nói sẽ được phóng đại, và bạn sẽ lại càng được điểm nhiều hơn. Cũng hãy khẳng định người phối ngẫu mình trước mặt người khác khi chàng và nàng hiện diện ở đó. Khi bạn được khen ngợi công khai về một thành quả, hãy nhớ chia xẻ công trạng với người phối ngẫu. Bạn cũng nên tự tay viết ra những lời khẳng định, vì lời viết ra có lại là sẽ được đọc đi, đọc lại nhiều lần.
Kính thưa quý thính giả,
Trong tuần tới, để kết luận về lời khẳng định, tiến sĩ Gary Chapman sẽ chia xẻ với chúng ta một câu chuyện thật của gia đình Bill và Betty Jo, bằng cách nào, những lời khẳng định đã đem lại sinh khí và hạnh phúc về dưới mái ấm của họ. Xin hẹn gặp lại quý thính giả trong tuần tới.