Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Monday, October 1, 2012

Người Đàn Bà Hạnh Phúc --7


Giỏ Đầy Thứ Bảy: THẤP HÈN NƠI ĐỒNG VẮNG
Niềm Khát Khao Sâu Xa Trong Lòng Tôi 
Kho Báu Quý Giá Nhất Của Tôi 
Sự Kêu Gọi Của Ngài

Niềm Khát Khao Sâu Xa Trong Lòng Tôi
“Mẹ à, đừng quá cố sức làm việc. Nếu mẹ ngã bệnh thì phải tốn nhiều tiền hơn đấy.”
Con trai tôi an ủi tôi, nhưng tôi thiếp đi vì liều thuốc tôi uống khá mạnh.
Đã gần được một tháng từ lúc gia đình tôi đến Los Angeles. Chúng tôi sống trong một căn hộ nhỏ. Các con trai tôi đều đi làm, và tôi cảm thấy mình cũng cần phải làm việc. Nhờ người hàng xóm giúp đỡ, tôi kiếm được một việc làm ở nhà máy sản xuất thơm đóng hộp. Việc của tôi là bỏ thơm vào hộp. Đó là công việc đầu tiên trong đời tôi.
Nhưng tôi đã gặp rắc rối. Tay tôi không nhanh nhạy bằng các phụ nữ khác. Tôi làm rớt nhiều thơm ra ngoài hơn là bỏ vào hộp. Tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng lực bất tùng tâm, và thơm cứ tiếp tục chất đống trước mắt tôi.


Đôi chân tôi sưng vù lên vì phải đứng suốt ngày. Tôi thậm chí không thể đi vào nhà tắm. Tôi ngã bệnh chỉ sau bốn ngày làm việc. Lúc tôi bệnh phải nằm trên giường, điều duy nhất mà tôi nghĩ đến là sự hứa nguyện dâng mình của tôi đối với Chúa. Tôi biết nhiều người đi làm để mong kiếm được nhiều tiền, nhưng tôi cầu nguyện xin Ngài giúp tôi có việc làm vì cớ Tin Lành.
Lúc đó, các con trai tôi đứa thì làm bảo vệ, đứa thì bơm xăng về đêm ở khu Trung Nam Los Angeles. Mỗi đêm, khi các con tôi đi làm, tôi cầu xin Chúa gìn giữ chúng được an toàn. Tôi thường cầu nguyện suốt đêm cho đến khi các con tôi về đến nhà vào lúc gần sáng. Rồi tôi đi ngủ cùng lúc với các con. Cũng giống như trước đây, Ngài đáp lời cầu xin của tôi và các con tôi được an toàn. Chúng làm việc rất chăm chỉ.
Nhìn các con đi làm, nhiều lần tôi suy nghĩ giá mà chồng tôi còn sống thì chúng nó không phải làm việc ban đêm như thế. Bảy người trong gia đình tôi sống nhờ vào số tiền mà hai con trai của tôi nhận được từ công việc ban đêm cùng với khoản tiền trợ cấp xã hội của Chính phủ. 
Thỉnh thoảng, tôi thường đi tới tiệm bán bánh kẹp thịt McDonald. Tôi thèm mua một cái bánh vô cùng, nhưng tôi không có tiền. Giá của mỗi cái bánh lúc đó chỉ có 25 xu nhưng trong túi tôi không có gì ngoài chìa khóa của căn hộ và mẫu giấy ghi địa chỉ nhà. Tôi đi ngang qua cửa hàng McDonald và cố giấu đi những giọt nước mắt của mình.
Tôi muốn đi học Anh văn để tận dụng thời gian của mình, nhưng tôi không có tiền, cũng không có phương tiện đi lại. Nỗi xót xa của cuộc sống nghèo khó đã giúp tôi hiểu được tấm lòng của những người nghèo.


Tôi chiêm nghiệm nhiều điều từ những năm tháng khó khăn ấy trong nỗi đau thầm lặng. Suốt ngày tôi chỉ biết làm mỗi một việc là đi rảo xung quanh căn hộ, ngắm nhìn những bông hoa, thở dài và cố quên đi những niềm đau của mình.
Thỉnh thoảng, tôi xin con trai tôi đưa tôi đến bãi biển Santa Monica. Tôi ngồi trên bờ cát trắng ngắm nhìn những đợt sóng đến từ Thái Bình Dương. Chúng làm dậy lên trong tôi nỗi nhớ nhà da diết. “Bên kia bờ đại dương là quê hương mình,” tôi nghĩ. Tôi muốn trở lại quê nhà để thăm bạn bè của tôi.
Tôi bắt đầu học biết về sự cô đơn và khó khăn như thế nào khi phải đối diện với nó. Cuộc sống giàu có ở Mỹ thật lạ lẫm đối với tôi. Tôi không thể giao tiếp với những người xung quanh. Tôi như một con chim bị nhốt trong lồng. Ước mơ của tôi là một ngày nào đó được thoát khỏi lồng và được tự do sải cánh bay đi. Việc tôi sống ở Mỹ giống như việc đem một thân cây 50 tuổi đến trồng ở một vùng đất mới. Thật là khó để nó châm rễ và mọc ổn định.


Tôi đi nhóm ở một nhà thờ Đại Hàn nhỏ. Lần đầu tiên tôi thấu hiểu được tấm lòng của những người không có gì để dâng hiến cho nhà thờ. Chỉ cách đó vài năm, tôi còn có những suy nghĩ không hợp lẽ về những người đến nhà thờ mà không dâng bất cứ thứ gì. Người ta há có thể đến cùng Chúa với tay trắng thôi sao? Bây giờ tôi trở nên nghèo nàn và tôi hiểu được lòng của những người không thể dâng hiến cho Chúa. Tôi hối hận vì trước đây đã không hiểu được họ.
Tôi chết dần chết mòn theo từng ngày. Một thời gian dài, tôi được người ta khen ngợi và tôn trọng. Nhưng lần hồi, Ngài đã lột bỏ lớp áo nhớp nhúa của tôi. Niềm kiêu hãnh và lòng tự trọng giấu kín của tôi được âm thầm hạ xuống trước mặt Ngài. Tôi nhận thấy mình trở nên thấp kém hơn. Tôi là người vô dụng. Tôi không làm được bất cứ việc gì.
Trải qua những nỗi đau và những thời kỳ khó khăn, tôi nhận thấy mình đang được tái sanh một lần nữa. Tôi học cách chết với bản ngã mình và sống với Chúa mỗi ngày. Ngài khởi sự thay đổi con người tôi. Mỗi ngày, tôi trở nên mới từng chút một.


Kho Báu Quý Giá Nhất Của Tôi

Điện thoại reo vào lúc nửa đêm. Đó là con gái đầu của tôi đang sống tại Ohio.
Tại sao con bé lại gọi cho tôi vào giờ này? Linh tính báo cho tôi biết là có chuyện không hay xảy ra. “Mẹ ơi, xin mẹ bình tĩnh và lắng nghe những điều con sắp nói đây. Cậu Lee vừa mới gọi điện cho con từ Los Angeles. Cậu ấy nói con gái út của mẹ, cô Yoonsook, đã chết tối hôm qua trong một tai nạn xe hơi. Cậu ấy không đủ cam đảm báo tin cho mẹ nên gọi điện cho con, là chị dâu của cậu ấy. Sáng mai, con sẽ bay sang Los Angeles. Mẹ! Mẹ có đang nghe con nói không?”


Đột nhiên, tôi cảm thấy choáng váng và khó thở. Khi tôi mở mắt ra, tôi thấy mình đang nằm trong Bệnh viện và ba con trai tôi đang nhìn tôi. Tôi mở miệng và cố nói chuyện nhưng âm thanh cứ nghẹn ứ trong cổ. Tôi nghe đứa con trai út của tôi khóc trong niềm đau đớn tột cùng. Yoonsook và Chonghwan Brian (tên đứa con trai út) rất thân thiết với nhau. Chúng rất mực yêu thương nhau.
Lần đầu tôi đưa Chonghwan đến Ký túc xá của Trường Đại Học, tôi đã không rơi nước mắt nhưng Yoonsook thì khóc suốt trên đường về nhà. Cháu nói với tôi cháu có cảm giác như cháu đang bỏ con ruột của mình ở một nơi rất xa xôi nào đó.
Vào lúc mặt trời mọc, tôi cùng các con trai đã có mặt tại nhà Yoonsook. Mẹ chồng của cháu đang bế đứa con trai một tuổi của cháu. Khi bà trông thấy tôi, bà khuỵu xuống nền nhà và khóc lóc cách cay đắng.
Bao giờ tôi đến thăm nhà cháu, cháu cũng chạy ra đón với một nụ cười rất tươi; cháu thường nắm lấy tay tôi và thốt lên, “Mẹ!” Nhưng giờ đây, cháu không còn nữa. Thay vào đó là bức ảnh của cháu với dải băng màu đen đang nhìn tôi trong căn phòng khách trống rỗng.


Đây là sự thật ư? Vậy mà tôi vẫn hy vọng, nhưng niềm hy vọng của tôi chỉ là một giấc mơ. Con gái yêu dấu của tôi! Sự thật là cháu đã chết rồi ư? Làm sao tôi sống được đây? Tôi khuỵu xuống đất và bất tỉnh. Tôi khóc nhưng không ra tiếng, và cũng không có nước mắt. Tôi có cảm giác như một ngọn lửa nóng hực đang thiêu đốt tâm can của tôi, còn thân thể tôi thì đang bị một con dao sắc nhọn cắt ra từng mảnh. Đó là sự đau đớn tột bực mà tôi không tài nào chịu nổi. Trước mắt tôi chỉ là bóng tối, còn lòng tôi thì nóng hực như đang bị đốt trong lò thiêu. Thế mà tôi không thể uống được một giọt nước.
Tôi đã xót xa nhìn con trai đầu lòng của mình chết trong chiến tranh vì thiếu thuốc men, Kyungsook chết lúc chín tuổi, sau đó là chồng tôi. Tất cả những gì tôi sở hữu vuột mất khỏi tay tôi. Nhưng không có nỗi đau nào dày xéo tâm tôi như cái chết của Yoonsook.
Yoonsook yêu dấu của tôi có một trái tim thiên thần. Cháu rất thông minh và nhạy bén. Cháu có năng khiếu về âm nhạc, mỹ thuật và nhiều lãnh vực khác. Cháu là nàng công chúa nhỏ trong nhà tôi. Chồng tôi rất mực thương cháu. Cái chết của Kyungsook khiến chúng tôi rất đau buồn, nên chồng tôi nghĩ chúng tôi đang có một người con gái giống hệt như cháu.


Yoonsook rất đặc biệt với tôi vì ngoài những khả năng vượt trội ra, cháu còn có một niềm tin vững chắc nơi Chúa. Đức tin của cháu khiến chúng tôi rất gần gũi nhau. Bảy năm trước khi Yoonsook lập gia đình, cháu đã ngủ chung với tôi và chúng tôi không ngớt chia sẻ cho nhau về đức tin nơi Chúa. Cháu an ủi tôi về cuộc sống vất vả nơi đất Mỹ. Tôi có thể cho cháu bất cứ điều gì, kể cả mạng sống của tôi.
Khi con gái đầu của tôi từ Ohio đến và thấy tôi âu sầu quá đỗi, cháu nói, “Mẹ à, sao mẹ lại xử sự như một người vô tín thế. Hãy cầu nguyện đi mẹ!”
Tôi đáp, “Đừng nói với mẹ điều đó! Nó là em con, nhưng là con gái của mẹ. Con không hiểu được lòng người mẹ mất con là như thế nào đâu. Làm sao mẹ có thể cầu nguyện đây? Cầu nguyện cái gì bây giờ? Chẳng lẽ mẹ cảm ơn Chúa đã đem con mẹ đi à? Hay là mẹ tranh luận với Chúa và hỏi tại sao Ngài lại bắt mẹ phải chịu đựng nỗi đau khủng khiếp này?”
Tôi sẵn sàng chết cùng với đứa con yêu dấu của tôi. Tôi đấm ngực mình trong nỗi buồn vô hạn. Tôi khóc lóc cách cay đắng và tôi quỳ gối xuống trước Ngài.
Ngay chính lúc ấy, miệng tôi thình lình mở ra và tôi bắt đầu cầu nguyện bằng ngôn ngữ thiên thượng mà chỉ có Chúa mới hiểu được. Một lúc sau, tôi nhận ra rằng tôi đang cầu nguyện bằng tiếng lạ, ngôn ngữ cầu nguyện của tôi.


Ngài phán với tôi, “Đức Giê-hô-va có quyền ban cho và Đức Giê-hô-va có quyền lấy lại. Tại sao con cứ khăng khăng cho rằng Yoonsook là của con? Tại sao con sầu khổ đến như thế? Con có nhiều con cái. Con chỉ mất một con trong số đó. Con buồn rầu vì chuyện đó chăng? Nếu như Ta đem tất cả các con của con đi thì sao?”
“Thưa Chúa, Ngài nói đúng,” tôi đáp. “Trước đây, Ngài đã nhiều lần bảo con rằng con không có gì trong thế giới này cả. Thế mà con nghĩ con gái của con thuộc quyền sở hữu của con. Ôi Chúa của con, Chúa là Đấng dựng nên loài người và con chỉ là một trong những tạo vật nhỏ bé của Ngài. Một giờ trong tương lai thậm chí con cũng không biết trước. Ngài đã yêu thương con đến nỗi đã đến thế gian đổ huyết ra cho con một cách vô điều kiện. Giờ đây, con đã nhận ra sự dại dột của mình. Chúa là Đấng duy nhất con yêu thương.”
Tôi xưng ra sự rồ dại của mình và cầu nguyện trong nước mắt. Đúng vậy, chính Ngài đã ban cho tôi Yoonsook và cũng chính Ngài đã đem cháu về với Ngài. Chúa biết điều gì tốt nhất cho con gái tôi. Việc Ngài đem cháu đi nằm trong thời điểm và sự khôn ngoan của Ngài; và đó là điều tôi không nên lấy làm buồn bã.
Lòng tôi không còn là lò lửa nóng hực nữa, nhưng ngập tràn sự an ủi, sự bình an và niềm vui trong Ngài. Điều gì sẽ xảy đến cho tôi nếu như Ngài không cứu tôi bằng ân điển của Ngài? Cuộc hành trình tang tóc kéo dài tám giờ đồng hồ trong bóng chết của tôi đã chấm dứt. Nếu người ta không biết Ngài, họ sẽ phải đời đời chìm đắm trong bóng tối của sự đau đớn. Làm sao tôi có thể không nói cho người khác biết rằng Chúa là đường đi, là sự sáng và là niềm hy vọng vĩnh cửu của chúng ta.


Sự hiện diện của Ngài trong tôi và tình yêu của Ngài đã khiến tôi hồi tỉnh. Tôi bảo con tôi đem nước cho tôi uống và nói rằng chúng tôi sẽ ăn sáng cùng với nhau. Các con tôi nắm lấy tay tôi và nhìn tôi một cách lạ lùng. Chúng nghĩ tôi không còn tỉnh táo khi nhận thấy rằng tôi không còn đau buồn nữa mà trông thật bình an và đầy tràn niềm vui.
Chúng lay người tôi và kêu, “Mẹ, hãy tỉnh lại. Xin hãy tỉnh lại đi mẹ.” Nhưng tôi an ủi chúng vì chúng vừa mất đi người chị, người em yêu dấu của mình. Tôi nói, “Mẹ khỏe rồi! Yoonsook yêu dấu của mẹ đi ở với Đấng mà nó hằng ao ước gặp mặt. Vậy thì tại sao chúng ta lại đau buồn? Chúng ta hãy lau khô nước mắt và ca ngợi Chúa.” Khi nghe tôi nói như thế, các con tôi thậm chí còn khóc lớn hơn nữa. Con gái tôi khóc và nói khẽ vào tai tôi, “Mẹ, đây mới đúng là người mẹ thật sự của con.”


Có nhiều người đến dự lễ tang. Tôi hôn lên mặt Yoonsook những cái hôn vĩnh biệt. Cháu mặc chiếc áo đầm trắng, trông tựa như một nàng công chúa đang nằm ngủ. Tôi nói với cháu, “Yoonsook, con ra đi và yên nghỉ với Ngài trước mẹ. Mẹ sẽ gặp con trên đó. Rồi chúng ta sẽ hội ngộ trong niềm vui mừng.”
Tôi cảm tạ những người đến dự lễ tang và an ủi những người quá đau lòng trước sự ra đi đột ngột của Yoonsook. “Kính thưa anh chị em yêu dấu, hôm nay là một ngày vui mừng. Kể từ hôm nay, mọi nỗi đau đớn và sự buồn bã của Yoonsook đã chấm dứt. Hôm nay cũng là buổi lễ mừng cháu bước vào thiên quốc để ở cùng với Chúa Giê-xu cho đến đời đời. Xin đừng khóc nữa mà hãy vui mừng cho cháu.”
Bầu trời Los Angeles vào đầu tháng Năm sáng trong và xinh đẹp. Vào ngày an táng Yoonsook, Ngài mở mắt tôi để tôi thấy một cách sống động các từng trời đang mở ra và Yoonsook đang được Ngài ôm trong lòng, bên cạnh Ngài là Kyungsook, cháu về với Chúa lúc chín tuổi. Kyungsook cười rất tươi khi cháu đón em của mình!
Thiên đường tràn ngập hương hoa và dìu dặt âm thanh của những bản thánh ca tuyệt vời không thể tả. Đó là bức tranh đẹp nhất mà tôi từng chiêm ngưỡng và giờ đây tôi vẫn có thể hình dung ra nơi đó. Tôi cảm thấy thiên đàng gần với tôi lắm, vì tại nơi đó kho báu quý giá vô ngần của tôi đang chờ đợi tôi.”
“Vì của báu các ngươi ở đâu, thì lòng các ngươi cũng ở đó.”


Những lúc tôi quá thương nhớ Yoonsook, tôi đem một bó hoa tới bên mộ cháu và nói với cháu, “Yoonsook, con gái yêu của mẹ, mẹ nhớ con nhiều lắm.”
Chính vào ngày tôi phải chịu đựng nỗi đau cay đắng ấy cách đây 17 năm, Ngài đã đến đem cho tôi nguồn an ủi vô biên từ thiên thượng. Ngài đã cho tôi niềm hy vọng. Tôi thật sự biết ơn Ngài.
Ngài khiến chúng ta từng trải những nỗi đau và những hoàn cảnh khó khăn, rồi bằng năng lực của Ngài, Ngài giúp chúng ta vượt qua những thử thách đó. “Vì của báu các ngươi ở đâu, thì lòng các ngươi cũng ở đó.” Những lời này đem đến cho tôi niềm an ủi và hy vọng khi Ngài cầm tay tôi và đưa tôi đi trong niềm hạnh phúc, sự bình an và sự trông cậy nơi Ngài.


Sự Kêu Gọi Của Ngài

Tôi đang rửa chén dĩa trong bếp của nhà thờ sau buổi lễ thờ phượng sáng Chúa Nhật thì có một cô gái đến hỏi tôi, “Trước đây bà có làm việc trong nhà hàng ở Đại Hàn không?” Tôi không có câu trả lời. Tôi chỉ mỉm miệng cười với cô.
Hội Thánh của Ngài luôn cần nhiều sự giúp đỡ. Nhà thờ nơi tôi nhóm có một sự quan tâm đặc biệt đối với các thanh niên đang thi hành chức vụ giữa vòng sinh viên Đại học. Phục vụ thanh niên làm tôi cảm thấy được trẻ lại và tươi mới. Giấc mơ chưa có kết thúc của tôi về sứ mạng giữa vòng các Trường Đại học vẫn luôn canh cánh trong lòng tôi.
Mục sư Quản Nhiệm và một số thuộc viên Hội Thánh hiệp cùng nhau thành lập một chương trình truyền giáo thế giới cho giới sinh viên Đại học. Phụ nữ chúng tôi được chia ra từng nhóm để phục vụ bữa ăn cho họ trong những buổi huấn luyện. Tôi cầu nguyện với họ và hết lòng hỗ trợ họ. Tôi tin rằng những sự phục vụ này sẽ mở mang nước Chúa và tương lai của chúng tôi phụ thuộc vào tương lai của những con người trẻ tuổi ấy.
Một ngày kia, một vài phụ huynh đến than phiền về các công tác truyền giáo. Họ nói rằng các sinh viên đã dành quá nhiều thời gian để làm việc nhằm gây quỹ cho những chuyến đi truyền giáo ngắn hạn, và đương nhiên họ không có đủ thời gian cho việc học. Các phụ huynh muốn vị Mục sư cân nhắc lại kế hoạch đã đưa ra. Tôi cũng nghĩ rằng việc tổ chức những chuyến đi truyền giáo thường xuyên là một trở ngại cho việc học của các sinh viên. Tôi có con và tôi hiểu được tấm lòng của bậc làm cha mẹ. Các sinh viên cần được tổ chức một cách tốt hơn. Tôi kể mối lo âu của tôi cho vợ của vị Mục sư kia và nhờ bà nói với ông rằng tôi có thể hợp tác với họ để có thể tổ chức các chương trình theo hướng khả quan hơn. Nhưng ngày hôm sau, Mục sư gọi điện cho tôi và nói rằng, “Chấp sự Yoo, tôi là Mục sư của nhà thờ này. Tôi nắm được hết các vấn đề và tôi sẽ đứng ra lo liệu mọi chuyện. Xin bà đừng khiến những người ở đây gây nên xào xáo trong nhà thờ nữa.”


Tôi phải nói với Mục sư như thế nào đây? Thế là tôi đi khỏi nhà thờ nơi tôi đã phục vụ trong hai năm và rời xa các sinh viên mà tôi đã chăm sóc như con ruột của mình. Tôi ra khỏi nhà thờ và trở về căn hộ của mình.
Đêm ấy, tôi quỳ gối cầu nguyện với Chúa. Một hình ảnh hiện ra từ trong ký ức của tôi. Đó là lúc chồng tôi công khai tuyên bố tình yêu của ông đối với một phụ nữ khác bên lề cuộc hôn nhân của chúng tôi. Tôi còn nhớ lúc đó tôi đã đi lên núi và gào khóc, “Chúa ơi, con không thể chờ đợi được nữa. Con muốn để lại phía sau chồng và con cái của con cùng tất cả mọi sự. Con chỉ muốn vào Đại Chủng Viện học Lời Chúa và hầu việc Chúa mà thôi.”
Tôi nghĩ trong lòng rằng việc tôi cam đoan tận hiến đời mình cho Chúa chắc sẽ khiến Ngài vui lòng. Nhưng đột nhiên, Ngài phán với tôi cách lặng lẽ, “Ta không dùng một tôi tớ như con.”
“Tại sao không, thưa Chúa?” Tôi hỏi Ngài, lòng chất đầy sự ngạc nhiên và tò mò.
“Ta bảo con vác thập tự giá mình và theo Ta. Ta không bảo con từ bỏ thập tự giá đó. Ta không cần một đầy tớ như con.” 


Bao giờ Chúa tôi cũng đúng cả.
Tôi đáng lẽ phải nhẫn nhục hơn đối với việc ngoại tình của chồng tôi, nhưng tôi đã không làm được. Như thế, tôi đã tìm kiếm một nơi an toàn để thoát khỏi những rắc rối của mình. Và việc học tại Đại Chủng Viện cũng là một giải pháp. Điều này nghe có vẻ hay nhưng nó không xuất phát từ tình yêu thật của tôi đối với Ngài. Tôi chỉ đi tìm sự vinh hiển cho riêng mình và quyết định của tôi chẳng liên quan gì đến Ngài cả.
Ngài luôn nhìn vào tận trong sâu thẳm của lòng tôi. Tôi cúi đầu trước Ngài và nhắc lại lời hứa nguyện của mình, “Thế thì thưa Chúa, khi các con của con khôn lớn, con sẽ dâng mình trọn vẹn cho Chúa và đi theo Ngài."


Tôi đi xuống núi và tiếp tục vác cây thập tự của mình, đó là thực hiện bổn phận người vợ, người mẹ của những đứa con còn nhỏ dại. Tôi hứa nguyện với Ngài nhiều lần là tôi sẽ mang lấy thập tự của mình. Việc ấy xảy ra đã lâu lắm rồi. Sau 40 năm, tôi hoàn toàn quên lửng sự hứa nguyện của mình.
Tôi nhìn lại chính mình và nhận thấy rằng đứa con út của tôi vừa rời khỏi nhà để đến sống trong Ký túc xá. Tôi quỳ xuống trước Ngài và bắt đầu thấy tia sáng của niềm hy vọng mới lóe lên trong tim mình khi Ngài nhắc tôi nhớ lại lời hứa về sự dâng mình của tôi.