Vào một chiều thứ bảy, sau khi rảnh rang những công việc thường nhật, tôi và Hạnh, người bạn gái thân thiết từ thuở trung học của tôi, rủ nhau cùng đi mua sắm. Sau đó, chúng tôi ghé vào quán cà phê Starbucks, cách khu shopping không xa lắm, nằm trên một sườn đồi với khung cảnh thật đẹp.
Trong khi Hạnh kiếm một cái bàn ở ngoài vườn, tôi bước vào quầy hàng bên trong quán để gọi hai ly cà-phê sữa nóng và hai cái bánh bông lan vừa mới nướng thơm phức. Bước ra ngoài vườn và tiến đến cái bàn, tôi đặt hai ly cà-phê và hai cái bánh xuống mặt bàn. Ngồi xuống, trong lúc với tay ra để lấy hũ đường đặt bên phía kia bàn, khuỷu tay tôi đã đụng phải ly cà-phê, khiến cà-phê nóng đổ tung tóe khắp mặt bàn. Mọi người ở những bàn xung quanh quay lại, nhìn chúng tôi với cặp mắt thương hại, còn tôi thì thấy thật xấu hổ, ước gì mình mà biết được phép độn thổ, để biến đi ngay lập tức. Ngay trong lúc bối rối, tôi nghe một tiếng nói nhỏ nhẹ:
- Không sao đâu, xin chị đừng lo!
Ngước lên, tôi thấy người quản lý quán đã đến bên cạnh tôi từ hồi nào, nói thật vui vẻ:
- Chị không sao chứ? Để chúng tôi dọn dẹp, xin đừng lo lắng chi.
Rồi anh ta lập tức lau dẹp mặt bàn đổ đầy nước cà-phê, còn tôi trở vào quầy hàng bên trong để gọi một ly cà-phê khác. Trong lúc tôi chờ đợi, người quản lý quán đã bước vào, đến bên cạnh tôi và nói:
- Chị không phải trả tiền cho ly cà-phê chị mới kêu. Quán chúng tôi tặng chị ly cà-phê này. Những chuyện nhỏ nhặt lâu lâu cũng phải xảy ra thôi. Xin chị đừng lo.
Tôi vội đáp lại:
- Tại sao làm như vậy?… Mà thôi, cảm ơn anh nhen!
Hạnh và tôi sau đó cùng thưởng thức ly cà-phê nóng với miếng bánh thơm, kể cho nhau về cuộc sống hằng ngày, ôn lại những kỷ niệm thời hai đứa còn khoác áo dài trắng nữ sinh bên quê nhà. Buổi chiều mùa thu trôi qua thật êm ả và không có sự cố đáng tiếc nào khác xảy ra.
Lâu lâu, tôi ngồi nhớ lại cái tai nạn nho nhỏ “làm đổ ly cà-phê” đó, được người quản lý đền cho một ly cà-phê khác mà không tính tiền; quả thật đây là “chính sách rộng rãi” của quán cà-phê Starbucks này. Tôi chợt thắc mắc là ban quản lý công ty Starbucks đã bàn bạc như thế nào khi quyết định đi đến “chính sách rộng rãi” này. Có thể là buổi họp của họ đã xảy ra như sau:
Đầu tiên là ông Tổng Giám Đốc lên tiếng trước:
- Có người đề nghị khi một khách hàng lỡ làm đổ một ly cà-phê, quán chúng ta sẽ cho họ một ly khác mà không tính tiền. Quý vị nghĩ sao về đề nghị này?
Trưởng Ban Tài Chánh lập tức mở máy tính, vừa tính vừa nói:
- Hả? Cái gì? Chắc giám đốc vừa chỉ đùa cho vui đấy chứ? Đâu, chúng ta hãy thử tính xem, trung bình có khoảng 5 người khách hàng làm đổ cà-phê mỗi ngày ở mỗi quán, giá một ly cà-phê là 5 đô, như vậy tiền thu nhập mỗi quán sẽ hụt mất 25 đô mỗi ngày. Một năm, mỗi quán sẽ hụt mất 9125 đô. Hệ thống của chúng ta có 7102 quán, như vậy công ty sẽ bị thất thoát tới gần 65 triệu đô mỗi năm. Công ty chúng ta không thể để bị thất thoát món tài khoản khổng lồ như vậy được.
Ông luật sư lên tiếng ủng hộ ông trưởng ban tài chánh:
- Còn phản ứng của những khách hàng khác thì sao? Nếu mà công ty chúng ta phải è lưng ra chịu khoảng phí tổn vì khách hàng làm đổ cà-phê, điều này sẽ khiến những khách hàng khác chẳng còn e dè gì nữa. Không những tốn toi một món tiền lớn mà người ta có thể lợi dụng, cố ý làm đổ cà-phê, rồi đòi mình bồi thường vì bị phỏng hay bị trượt té…
Đến đây thì ông Giám Đốc Điều Hành cũng nhảy vào vòng chiến:
- Đúng vậy. Người ta sẽ lợi dụng. Rồi mình phải đăng bảng ghi cho rõ luật lệ. Có thể là cái bảng ghi như thế này: “Cảm ơn vì không làm đổ cà-phê”. Nếu không làm vậy, chắc chắn là sẽ có nhiều lôi thôi lắm.
Kính thưa quý thính giả,
Tôi thật tình xin lỗi vì đã phác họa hình ảnh của ông trưởng ban tài chánh, ông luật sư và ông giám đốc điều hành của các công ty như những con người thiếu rộng rãi, tính toán chi li từng chút một, nhưng thực ra đây là cách mà đại đa số chúng ta sẽ phản ứng trước một lời đề nghị về việc tặng cho người khác một ân huệ mà không đòi hỏi điều kiện. Làm ơn, miễn tố, tặng không cho người khác một ân huệ mà chẳng đòi hỏi điều kiện nào kèm theo, là một việc quá lý tưởng và thiếu thực tế. Người ta sẽ lợi dụng thôi, không sao tránh khỏi. Mọi sự sẽ vượt quá vòng kiểm soát.
Đành rằng rộng rãi, hào hiệp với tha nhân là một chuyện tốt, nhưng cần phải có giới hạn, luật lệ hay quy định. Những điều kiện giới hạn này thường được ghi bằng những dòng chữ nhỏ chi chít trong các giấy tờ giao dịch, hay như chúng ta thường nghe nói “conditions apply” hay “áp dụng có điều kiện” sau những mẫu quảng cáo khuyến mãi “mua một, tặng một”.
Được tặng không, được nhận lãnh một ân huệ mà không bị đòi hỏi điều kiện, không những hiếm hoi trong thương trường, mà ngay trong tất cả những hệ thống đạo đức hay triết lý, thậm chí trong tất cả những tôn giáo nữa. Ân huệ, phước lành, sự miễn xá phải cân xứng với công đức tu tập. Muốn có nhiều ân huệ thì ta phải ra sức giữ gìn giới luật, cố gắng làm lành, năng nổ trong việc làm từ thiện, bố thí, tích trữ phước đức. Muốn có nhiều vinh quang trên thiên đàng thì đòi hỏi nhiều chiến tích dưới trần gian để lập công.
Ấy vậy mà, Kinh Thánh là lời của Đấng Tạo Hóa, Đấng tạo dựng và nuôi sống chúng ta mỗi ngày, lại không hề nói như vậy. Toàn bộ Kinh Thánh chỉ thật rõ một điều, ngược hẳn với suy nghĩ thông thường của chúng ta, ngược hẳn với mọi hệ thống triết lý, đạo đức của loài người, ngược hẳn với tất cả những kinh kệ dông dài của tôn giáo. Điều mà Kinh Thánh luôn luôn nhắc nhở và nhấn mạnh, đó là “ân điển”. Đây có thể là từ ngữ mới lạ đối với một số người, vì kinh nghiệm thông thường của chúng ta là “bánh ít đi, bánh quy lại” hay “tiền có trao, thì cháo mới múc”, trong khi đó, “ân điển” là sự ban cho dư dật, đủ các ơn phước từ Trời, đến với một người, cho dầu người đó chẳng xứng đáng về tư cách, đạo đức hay công trạng, tuy vậy người đó vẫn có thể nhận lãnh “ân điển” một cách nhưng không, khi người đó bằng lòng giơ tay lên đón nhận từ Thiên Chúa, có vậy thôi.
Ân điển có nghĩa là, mọi người đều đã vi phạm luật Trời, vô phương cải hoán số phận đời đời đã định trong hỏa ngục, nhưng Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài là Giê-xu, giáng trần để rồi chết thay, lãnh bản nợ thế nhân loại, hầu cho hễ ai tin vào sự chết của Con ấy, không còn bị đoán xét, nhưng được trở lại với Đấng Tạo Hóa mà tận hưởng sự sống đời đời.
Ân điển có nghĩa là chẳng phải do công đức hay việc lành, cũng chẳng do công tu tập, tư cách đạo đức, địa vị, tôn giáo, học thức vv. nhưng khi một người nhìn nhận mình thiếu sót trước tiêu chuẩn thánh khiết tuyệt đối của Đấng Tối Cao, người đó chỉ bằng lòng tin nhận vào sự chết thế của Con Trời, ngay lập tức, người đó được Thiên Chúa tha tội và tên người đó được ghi vào Sách Hằng Sống trên thiên đàng.
Ân điển là món quà vô giá, được tặng không, đến từ Thiên Chúa, như lời Kinh Thánh khẳng định: “Vậy anh em được cứu nhờ ân phúc Thượng Đế, do đức tin nơi Chúa Cứu Thế. Sự cứu rỗi là tặng phẩm của Thượng Đế, chứ không do anh em tự tạo. Không phải là kết quả của công đức anh em, nên chẳng ai có thể khoe khoang” (Ê-phê-sô 2:8,9)
Ân điển khiến người tích lũy nhiều công đức cảm thấy khó chịu, nhưng khiến kẻ mạt hạng vui mừng. Ân điển đem mọi người ngang nhau trước mặt Thiên Chúa; đó là trước khi có thể nhận lãnh ân điển, người đó phải nhìn nhận mình chỉ là tội nhân trước mặt Chúa mà thôi và rất cần ân điển của Ngài.
Tuy ta nhận ân điển không điều kiện, nhưng Thiên Chúa đã phải trả cái giá đắt nhất, đó chính là sự chết đau thương và nhục nhã trên cây thập tự cách đây khoảng 2000 năm của Con Một của Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Ân điển được cho không, vậy người ta có lợi dụng ân điển không?
Một người đang là tội nhân, nay nhờ ân điển mà được trở lại làm con của Đấng Tối Cao, gọi Ngài là Cha. Một người biết chắc mình sẽ đi đến địa ngục cực kỳ khổ sở, nhờ ân điển mà được đổi địa chỉ đến nơi thiên đàng phước hạnh muôn đời. Một người từng sống chán chường vô mục đích, nay nhờ ân điển, đang sống ngập tràn trong niềm vui và hy vọng. Ai đã kinh nghiệm ân điển của Thiên Chúa qua món quà Giê-xu, thì tấm lòng tràn đầy sự biết ơn, sẵn sàng dấn thân vào những việc tốt lành một cách tự nguyện, chứ không do bị luật lệ ép buộc hay quản thúc, như sứ đồ Phao-lô có kể lại về chính bản thân của ông như vầy: “những điều trước kia tôi cho là lợi thì bây giờ tôi xem như lỗ vì Chúa Cứu Thế. Ngoài ra tôi xem mọi điều như lỗ khi so với điều tuyệt vời trong sự hiểu biết về Đấng Cứu Thế Giê-xu, Chúa của tôi. Vì Ngài, tôi mất tất cả. Tôi xem mọi thứ như rơm rác để tôi có thể nhận Chúa Cứu Thế” (Phi-líp 3:7-8)
Quý thính giả thân mến,
Tôi rất ngạc nhiên, nhưng rõ ràng là, một số đại công ty, thí dụ như Starbucks chẳng hạn, đã khám phá ra điều quyến rũ trong ân điển diệu kỳ của Thượng Đế, đó là chính sự rộng rãi và lòng nhân từ, sẽ thay đổi một người trở nên tốt lành, chứ không phải dùng luật lệ để cưỡng bức, dọa nạt hay khống chế. Mục tiêu của công ty Starbucks là làm sao để khách hàng trở lại uống cà-phê, còn chương trình của Thượng Đế là muốn chúng ta trở nên giống như Ngài, tức là trở nên tràn đầy tình thương, lòng nhân từ, rộng rãi, tốt lành, công chính, bình an và vui mừng mãi mãi và Ngài biến đổi chúng ta từ trong ra ngoài qua dòng ân sủng tuyệt vời của Cứu Chúa Giê-xu.
Như vậy, cuộc họp của ban quản lý công ty Starbucks có thể đã xảy ra như sau:
Ông Tổng Giám Đốc sau khi nghe ý kiến của mọi người, bèn nói:
- Cảm ơn những ý kiến của quý vị, tuy vậy khi chúng ta đối xử một người thật tử tế và lễ độ, họ sẽ trở nên những khách hàng trung thành. Những khách hàng trung thành này sẽ mang đến cho công ty hơn 65 triệu đô mà mình quý vị sợ mình bị lỗ. Đó là chưa kể điều đó đem đến thanh danh cho Starbucks.
Lúc này, mọi người đều đồng thanh:
- Ý kiến rất hay, thưa Tổng Giám Đốc. Tại sao chúng ta không hề nghĩ tới điều này nhỉ? Điều này sẽ khiến công ty giàu to. Vậy chúng ta hãy áp dụng chính sách rộng rãi này ngay mới được.
Kính thưa quý thính giả,
Có thể cuộc họp của ban giám đốc đã không thực sự xảy ra như vậy, như một điều tôi biết chắc, đó là Hạnh và tôi đã trở lại quán cà-phê Starbucks một lần nữa, rồi một lần nữa, rồi một lần nữa, để thưởng thức những ly cà-phê sữa nóng thơm ngon, dịu ngọt đến tận tâm hồn.
Thân chào quý vị và các bạn
Phỏng theo “Raspberry Lattes & Grace” by Monte Wolverton – Tùng Trân