Chúng ta đang sống trong một thời đại mà nền tảng gia đình bị tấn công và đang lung lay hơn bao giờ hết. Nhiều người ngày nay không còn xem hôn nhân là chuyện quan trọng cả cuộc đời. Vợ chồng ly dị nhau, không chung thủy với nhau, để bỏ nhau một cách thật là dễ dàng. Cũng có người lợi dụng chuyện hôn nhân và cưới gả để làm những chuyện không ngay thẳng, hầu đạt được điều mình mong muốn hay được một lợi lộc vật chất nào đó. Trong những thập niên trước, gia đình người Việt chúng ta ít bị ảnh hưởng của những tệ trạng trong xã hội này. Nhưng ngày nay nền tảng gia đình của chúng ta cũng đang bị lung lay và đổ vỡ cũng đã xảy ra khá nhiều.
Để thấy rõ vấn đề, có lẽ chúng ta cần xét lại xem chúng ta đã thay đổi từ đâu và bởi lý do gì. Ngày trước, trong xã hội Việt Nam, người chồng là chủ gia đình, có toàn quyền trong gia đình. Người chồng đi làm nuôi sống gia đình, cung cấp nhu cầu cho vợ con và quyết định tất cả mọi việc. Người vợ thường chỉ ở nhà, lo công việc nhà và chăm sóc con cái. Vì tùy thuộc chồng về mặt kinh tế, về chỗ đứng trong xã hội và sự bảo đảm an sinh trong cuộc sống, người đàn bà ngày trước tùy thuộc chồng trong mọi phương diện. Ít khi nào người vợ dám nói hay làm điều gì trái ý chồng.
Trong thời trước một số các bà cũng học cao, cũng đi làm việc ở ngoài, nhưng ít ai có một vị trí quan trọng trong xã hội. Khi về nhà, hầu hết những người đàn bà đó vẫn thuận phục chồng. Đó là định luật chung của xã hội Á đông, mọi người đều chấp nhận, không bao giờ đặt thành vấn đề. Thỉnh thoảng cũng có những người vợ lấn quyền chồng hoặc bắt nạt chồng, nhưng những người đàn bà đó thường bị bà con và người chung quanh gièm chê.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là ngày trước tất cả gia đình của chúng ta đều êm ấm, trên thuận dưới hòa. Thật ra, có nhiều ông chồng đã đi quá giới hạn của mình. Không những làm chủ gia đình mà còn cư xử như một lãnh chúa. Có ông xem vợ như là món đồ mà mình đã bỏ tiền ra mua nên muốn sử dụng thế nào tùy ý. Trong trường hợp cha mẹ chồng là người chọn vợ và cưới vợ cho con, người vợ đó có khi trở thành tài sản chung của gia đình chồng và phải hầu hạ mọi người trong gia đình chồng. Vì quan niệm trọng nam khinh nữ, trong nhiều gia đình, người vợ không những phải phục vụ chồng và gia đình chồng, mà còn phải làm theo ý chồng trong mọi sự. Không bao giờ được có một tiếng nói hay ý kiến gì. Nếu làm điều gì trái ý chồng, có thể bị chồng đánh đập mà không ai bênh vực.
Những người đối xử với vợ như thế thật là bất công và tàn nhẫn. Nhưng điều đáng buồn là ngày nay, trong xã hội tự do này, vẫn còn có những người chồng đối xử với vợ, những bà mẹ chồng đối xử với con dâu, cách tàn tệ như trong những thế kỷ trước. Một số những ông chồng khác, tuy không đến nỗi cư xử với vợ quá tàn nhẫn như thế, nhưng cũng vẫn xem vợ là người thuộc giai cấp thấp kém hơn chứ không xem vợ bình đẳng với mình.
Đó là quan niệm sai lầm của văn hóa cũ và xã hội cũ. Ngày nay, sống trong xã hội mới, chúng ta lại chịu ảnh hưởng quá nhiều của văn hóa Tây phương, khiến thứ tự trong gia đình bị đảo lộn và đời sống cũng không hạnh phúc. Trong xã hội mới của xứ người, người phụ nữ được tôn trọng, có giá trị cao hơn trong xã hội cũ. Về mặt kinh tế, người đàn bà không còn tùy thuộc chồng hoàn toàn như ngày xưa. Không những thế, có người còn có những chỗ đứng quan trọng ngoài xã hội hoặc đi làm đem về đồng lương nhiều hơn chồng. Vì lý do đó, một số các bà đã thay đổi, xem thường chồng hoặc không muốn phục tùng chồng nữa.
Những người chuyên nghiên cứu đời sống gia đình của người tị nạn Đông dương cho biết rằng, nói chung, người đàn bà Việt Nam hội nhập với nếp sống của xã hội mới dễ dàng hơn và mau chóng hơn các ông. Trong khi các ông phải vất vả tìm một chỗ đứng trong xã hội thì các bà, vốn bản tính kiên nhẫn và chịu khó, đã thành công một cách dễ dàng. Vì thành công về mặt kinh tế, các bà muốn được tự lập và không cần đến sự bảo bọc của chồng nữa. Một số các bà còn đi xa hơn, muốn được tự do và bình quyền với chồng. Những người vợ này không xem chồng là chủ gia đình và cũng không muốn vâng phục chồng.
Ích Lợi Của Vâng Phục
Hầu hết các ông được Chúa ban cho tính bộc trực, nghĩ gì thì nói ra ngay. Các ông cũng thường chỉ để ý những việc lớn và nhìn vấn đề một cách tổng quát. Các bà trái lại, hay để ý đến tiểu tiết và ít khi nóng nảy, bày tỏ ngay những điều suy nghĩ trong lòng. Nói chung, các ông can đảm và thẳng thắn nhưng lại hay nóng tính và thiếu kiên nhẫn. Các bà thì thường trầm lặng, tế nhị và kiên nhẫn hơn, nhưng lại nhút nhát và ít dám thử những điều mới lạ.
Khi vợ chồng tôn trọng ý kiến của nhau và vâng phục nhau thì sẽ bổ khuyết, bù đắp cho nhau trong nhiều phương diện. Nhờ đó có thể giúp ý kiến cho nhau và giúp nhau tránh những lỗi lầm trong đời sống. Nếu một người vợ không vâng phục chồng sẽ dễ có những quyết định sai lầm trong việc giao tiếp với bên ngoài, trong những vấn đề lớn lao. Còn nếu người chồng không nghe theo ý kiến của vợ sẽ dễ vấp váp trong những vấn đề tế nhị và dễ làm mất lòng người chung quanh.
Có một bà vợ kia vì có cửa hàng buôn bán nên rất là vất vả. Khi thấy con cái đã lớn, bà xin chồng cho hai đứa con gái lớn nghỉ học để phụ giúp bà. Ông chồng không đồng ý, bảo rằng phải để cho con học hành đến nơi đến chốn. Bà vợ hơi buồn vì nghĩ rằng chồng không thông cảm với nỗi vất vả của mình. Dù vậy bà vẫn vâng lời chồng, tiếp tục lo việc buôn bán một mình. Sau một thời gian, khi các con đã học thành tài và có việc làm tốt, nghĩ lại bà thấy chồng nói đúng. Trong khi bà chỉ nghĩ đến nhu cầu hiện tại trước mắt, chồng của bà đã có cái nhìn xa hơn, rộng hơn. Ông nghĩ đến chuyện về lâu về dài, đến tương lai của con cái. Bây giờ bà cảm tạ Chúa vô cùng, vì Chúa đã giúp bà vâng lời chồng và thuận phục ý chồng. Nhờ đó các con của ông bà đã không bị dở dang việc học hành.
Nguyên tắc chung để đời sống gia đình được êm ấm là: ”Kính sợ Chúa Cứu Thế mà vâng phục nhau.” Chữ ”nhau” nói đến sự hỗ tương, hai chiều, có qua có lại. Theo nguyên tắc trên, người này vâng phục người kia, thì người kia cũng vâng phục người này. Mạng lệnh này Chúa truyền cho mọi người, trong mọi hạng tuổi. Không những vợ phải vâng phục chồng và con cái vâng phục cha mẹ, nhưng cũng có lúc chồng cần nghe theo ý kiến của vợ và cha mẹ cần nghe theo lời con cái. Mọi người trong gia đình vâng phục nhau trong tinh thần kính yêu Chúa và vâng lời Ngài.
Khi vợ chồng vâng phục nhau, cả hai đều thấy mình có giá trị, có thể giúp ích cho nhau và sẽ vui vẻ cùng nhau gây dựng hạnh phúc chung. Ngược lại, nếu trong gia đình chỉ một mình người vợ hay người chồng có quyền nêu ý kiến và quyết định mọi việc, người kia sẽ buồn chán, thấy mình không có giá trị gì vì tiếng nói hay ý kiến của mình không được để ý đến.
Hậu Quả Của Không Vâng Phục
Trong lối sống theo quan niệm nam nữ bình quyền, nề nếp gia đình dễ bị lung lay vì không còn thứ tự trên dưới. Vợ chồng không tôn trọng nhau và không cần đến nhau. Không những thế, trong nhiều gia đình vợ chồng còn cạnh tranh, ganh đua nhau hoặc tranh giành ảnh hưởng với con cái và người chung quanh. Có một ông chồng kia than với bạn: ”Tôi không muốn vợ tôi đi làm nữa, vì từ khi đi làm đem tiền về, cách nói năng của bả đã đổi khác.” Đây thật là điều đáng tiếc. Thay vì dùng sự đầy đủ và tự do để củng cố hạnh phúc gia đình, chúng ta đã để những điều đó phá hủy hạnh phúc gia đình chúng ta.
Chúng ta thấy rằng ngày trước, dù biết mạng lệnh của Chúa hay không, người đàn bà Việt Nam thường vâng phục chồng và ở dưới sự hướng dẫn của chồng. Nhưng trong xã hội mới ngày nay, nhiều người không muốn vâng phục chồng nữa. Đó chính là nguyên nhân đưa đến những nan đề trong gia đình. Một số các ông chồng than: ”Bà vợ tôi từ hồi qua Mỹ đến giờ thay đổi nhiều quá, tôi nói gì cũng không nghe, nhiều lúc còn lý luận, cãi lại hay bắt bẻ tôi nữa.” Có ông thì nói: ”Bây giờ qua đây đàn bà có giá hơn đàn ông, các bà muốn nam nữ bình quyền thì mình phải chịu thôi chứ biết làm sao!”
Văn hóa là sản phẩm của con người, có ưu điểm nhưng cũng nhiều khuyết điểm. Khi chúng ta áp dụng văn hóa vào đời sống, dù là văn hóa Đông phương hay Tây phương, chúng ta sẽ không thấy thỏa lòng và cũng không đạt đến hạnh phúc thật. Nguyên tắc thông thường mà ai cũng biết là: muốn sử dụng một cái máy cho đúng hiệu năng và được lâu bền, chúng ta phải theo lời chỉ dẫn của người chế tạo ra cái máy đó. Tương tự như thế, để đời sống quân bình, gia đình hạnh phúc, chúng ta phải sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa, là Đấng đã thiết lập hôn nhân.
Khi Đức Chúa Trời tạo dựng con người, Ngài dựng nên người nam và người nữ, thuộc hai phái tính khác nhau chứ không phải hai đẳng cấp khác nhau. Thánh Kinh cho biết Chúa tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh của Ngài và ban cho cả hai quyền quản trị muôn vật trên đất. Trước mặt Chúa, đàn ông và đàn bà có giá trị như nhau.
Chân lý này được ghi lại trong sách Sáng thế ký như sau: ”Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời. Ngài dựng nên người nam cùng người nữ. Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất. Hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất” (1:27-28).
Quan niệm trọng nam khinh nữ là sai lầm mà quan niệm nam nữ bình quyền cũng không đúng. Đối với Chúa, người nam và người nữ có giá trị ngang nhau, nhưng được Chúa ban cho những thẩm quyền khác nhau. Đàn ông và đàn bà đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng được Chúa ban cho những tài năng và bản tính khác nhau, để nhận lãnh những trách nhiệm khác nhau. Trong gia đình cũng như ngoài xã hội, người nam và người nữ được Chúa đặt ở những vị trí khác nhau, với những vai trò khác nhau. Những vị trí và vai trò đó thích hợp với những đặc điểm mà Chúa đã ban cho mỗi phái tính.
Ngày nay những người kiêu ngạo, muốn chống lại thẩm quyền của Đấng Tạo Hóa đang tìm cách đi ngược lại những điều Chúa đã định. Họ cố gắng lãnh những công việc, đóng những vai trò đi ngược lại với bản chất tự nhiên mà Chúa đã định cho người nam và người nữ. Có người hãnh diện vì cho rằng mình đã phá đổ được truyền thống phân biệt nam nữ. Họ thành công trong việc tranh đấu cho các bà những công tác của các ông, tranh đấu cho các ông những trách nhiệm dành riêng cho các bà. Nhưng xã hội ngày nay đang bắt đầu gặt lấy những hậu quả tai hại vì con người cố tình đi ngược lại chương trình và ý định của Đấng Tạo Hóa. Bằng chứng rõ ràng nhất là gia đình đổ vỡ, con cái hư hỏng, nền đạo đức chung ngày càng suy đồi.
Để hôn nhân được vững bền, chúng ta cần sống theo tiêu chuẩn mà Đấng thiết lập hôn nhân đã đặt ra. Tiêu chuẩn đó là:
1 Vợ vâng phục chồng như vâng phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào Chúa Cứu Thế là đầu hội thánh.
2 Chồng phải yêu vợ như Chúa Cứu Thế yêu hội thánh, phó chính mình vì hội thánh.
Nói như thế có nghĩa là, Chúa đặt người chồng làm chủ gia đình. Vợ phải vâng phục chồng, nhưng chồng phải yêu thương vợ và hy sinh cho vợ. Theo một chỗ khác trong Kinh Thánh, Chúa dạy: Vợ vâng phục chồng và chồng vâng phục Chúa. Sứ đồ Phao-lô viết: ”Dầu vậy, tôi muốn anh em biết Chúa Cứu Thế là Đầu mọi người; người đàn ông là đầu người đàn bà, và Đức Chúa Trời là Đầu của Chúa Cứu Thế” (I Cô-rinh-tô 11:3). Một người chồng vâng phục Chúa là người yêu vợ như Lời Chúa dạy truyền.
Áp Dụng Nguyên Tắc Vâng Phục
Có nhiều ông khi biết Chúa dạy vợ phải vâng phục chồng thì về nhà bắt nạt vợ, đòi hỏi và bắt buộc vợ phải vâng phục mình trong mọi chuyện. Cũng có những bà khi biết Chúa dạy chồng phải yêu thương và hy sinh cho vợ thì đòi hỏi chồng phải yêu thương chiều chuộng, làm theo ý mình trong mọi sự. Nếu cả vợ lẫn chồng đều đòi hỏi người kia phải vâng theo Lời Chúa dạy trước, có thể khiến vợ chồng phiền giận nhau hơn là thuận thảo với nhau.
Các ông và các bà có những nhu cầu khác nhau nhưng bổ khuyết cho nhau, vì thế cả hai cần đến nhau. Các ông thì muốn được vợ tôn trọng và kính phục, còn các bà muốn được chồng yêu thương và chiều chuộng. Chúa biết rõ nhu cầu đó nên Ngài phán: ”Thế thì, mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình, còn vợ thì phải kính chồng” (Ê-phê-sô 5:33).
Dù sống ở Việt Nam hay bất cứ nơi nào, nếu gia đình chúng ta áp dụng tiêu chuẩn của Chúa, vợ vâng phục chồng, chồng yêu thương vợ, chúng ta chắc chắn sẽ có hạnh phúc. Tuy nhiên, các ông không thể đòi hỏi vợ vâng phục trước rồi mới yêu thương. Các bà cũng không thể đòi hỏi chồng yêu thương mình trước rồi mới vâng phục. Trái lại, cả hai người đều kính sợ Chúa mà vâng phục nhau, tức là cả hai đều hết lòng làm trọn bổn phận của mình trước.
Rời bỏ quê hương đến sống ở xứ người, chúng ta phải đương đầu với nhiều thay đổi. Một trong những thay đổi lớn hơn cả là giá trị và vị trí của mỗi người trong gia đình. Chúng ta phải thức thời trước những thay đổi đó và tôn trọng nhau như Lời Chúa dạy thì mới có thể giữ vững hạnh phúc gia đình.
Nếu vì hoàn cảnh, người chồng của chúng ta không còn uy quyền hay địa vị cao ngoài xã hội, chúng ta vẫn kính phục vì người đó vẫn là chồng, là chủ gia đình chúng ta. Nếu vì nhu cầu và nhờ khả năng, người vợ được thành công ngoài xã hội và có thể đóng góp tài chánh cho gia đình nhiều hơn chồng, trong gia đình người đó vẫn là vợ, vẫn ở dưới quyền của chồng, vẫn cần được chồng yêu thương và chăm sóc. Sở dĩ gia đình chúng ta có nan đề là vì chúng ta đã đi vượt ra ngoài giới hạn của mình hoặc không sống đúng với vai trò mà Chúa đã định cho chúng ta.
Thật ra, người vợ nào cũng sẵn sàng vâng phục chồng nếu được chồng yêu thương và người chồng nào cũng sẵn sàng yêu thương vợ nếu biết rằng vợ luôn luôn vâng phục mình. Không những thế, các ông sẽ tự nhiên được vợ kính phục nếu các ông sống đúng với vai trò người chồng. Các bà cũng sẽ tự nhiên được chồng yêu thương khi các bà sống đúng với vai trò người vợ.
Khi các bà mềm mại, thuận phục, các ông không nên lấy uy quyền bắt nạt nhưng hãy thương vợ và nghĩ đến phúc lợi của vợ. Tương tự như thế, khi được chồng yêu thương chiều chuộng, các bà cũng không nên lấn quyền chồng nhưng cứ đặt mình dưới sự hướng dẫn của chồng. Lúc đó người vợ sẽ vui vẻ thuận phục chồng hơn và người chồng lại càng yêu thương vợ hơn nữa.
Có nhiều ông thường hay muốn làm theo ý mình, đi đâu làm gì không cho vợ biết, nhưng vợ đi đâu làm gì thì phải xin phép. Như thế là hơi bất công. Có ông thì muốn mời bạn về nhà lúc nào thì mời, không cần biết vợ mình có khoẻ hay có thì giờ hay không. Nhiều người nghĩ rằng làm như thế mới oai, mới chứng tỏ mình là người có quyền trong gia đình. Thật ra, trong mọi chuyện vợ chồng hỏi ý nhau là điều phải chứ không có gì là đáng xấu hổ. Người làm như thế chứng tỏ mình là người biết điều và đáng kính.
Một ví dụ khác, chẳng hạn nếu cần về thăm cha mẹ, người vợ có thể tự ý lấy xe đi nhưng vì tôn trọng chồng và vâng phục chồng, người vợ nên hỏi ý chồng. Trong trường hợp đó, nếu ông chồng là người thương vợ và nghĩ đến phúc lợi của vợ, sẽ vui vẻ để cho vợ đi. Khi vợ chồng đối xử với nhau như thế, người vâng phục chồng không thấy mình bị thiệt thòi mà người chiều vợ cũng không thấy mình bị vợ lấn quyền. Ngược lại, nếu vợ xem thường chồng hay lấn quyền chồng, làm việc gì cũng tự ý, người chồng sẽ bực bội khó chịu và sẽ dùng quyền làm chồng áp chế vợ. Tương tự như thế, nếu người chồng thiếu yêu thương và không tế nhị trong cách cư xử với vợ, người vợ sẽ thấy rất khó vâng phục chồng.
Cũng như lòng chân thật và tha thứ, tinh thần vâng phục trong hôn nhân phải là điều hỗ tương. Không phải chỉ người đàn bà phải đặt mình dưới quyền của chồng, nhưng người đàn ông cũng đặt mình dưới quyền của Chúa, sẵn sàng yêu thương và tôn trọng người bạn đời của mình. Vâng phục là một trong những yếu tố giúp chúng ta gây dựng một gia đình hạnh phúc bền lâu (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chươ
Chươ