Tiến sĩ Harry Ironside là một nhà truyền giáo danh tiếng khắp Hoa Kỳ vào những năm của thập niên 1930. Giảng đường của nhà thờ Chicago nơi ông quản nhiệm, Chúa Nhật nào cũng không còn một chiếc ghế trống, với khoảng trên 4000 người nô nức tìm đến để được nghe Tiến sĩ Harry Ironside giảng luận.
Vì quá nổi tiếng như vậy, nên nhà truyền giáo này có lần tỏ ra lo sợ rằng, mình có thể trở nên kiêu ngạo và đánh mất đi đức tính khiêm nhường quý giá và cần thiết. Biết vậy, người anh ruột của ông đưa ra lời khuyên như vầy: “Em hãy làm hai tấm bảng, trên đó có ghi những câu Kinh Thánh nói về chương trình cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Em mang hai tấm bảng này, một tấm ở trước ngực, tấm kia ở sau lưng, rồi em đi khắp các nẻo đường của thành phố Chicago cả một ngày cho mọi người nhìn thấy; vừa đi em vừa hô vang những câu Kinh Thánh này cho mọi người nghe”.
Đây là một điều có thể làm mất “sĩ diện” của nhà truyền giáo danh tiếng này, tuy vậy tiến sĩ Harry Ironside chấp nhận làm theo lời đề nghị của người anh, như một liều thuốc đắng, để giảm thiểu thái độ tự hào kiêu ngạo đang có đà bộc phát, khi có quá nhiều người đang ngưỡng mộ tài giảng luận của ông.
Sau một ngày tỏ ra hạ mình khiêm nhường, mang hai tấm bảng đi vòng vòng khắp các đường phố Chicago, tiến sĩ Harry Ironside về nhà, chỉ vừa mới tháo hai tấm bảng ra, ông bỗng buột miệng nói: “Tôi dám đánh cá rằng, cả thành phố này, không có ai dám làm giống như tôi!”
Quý thính giả thân mến,
Bản tính kiêu ngạo thật là tinh quái và xảo quyệt, núp sẵn trong mỗi con người chúng ta, chờ chực được trổi cao trong tất cả các cơ hội.
Cũng giống như nhà truyền giáo Harry Ironside, khi quý vị và tôi vừa ra sức thực hiện được một điều gì khiêm nhường, thì ngay sau khi đạt được điều khiêm nhường đó, lòng tự hào vì mình đã tỏ ra khiêm nhường lại nổi lên, khiến chúng ta cứ bị trói buộc mãi trong cái vòng lẩn quẩn của tính tự cao, khiến bạn và tôi cứ bị giam hãm mãi trong cái bẫy của kiêu ngạo.
Trong tuần vừa rồi, chúng ta đã bàn về tính tự tôn của mười hai môn đệ của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Trên đường đi, họ tranh cãi với nhau sau lưng Ngài, xem ai lớn hơn hết. Sau đó, hai anh em ruột Giăng và Gia-cơ tự cho mình là cao quý nhất trong mười hai môn đệ, nên chẳng ngần ngại công khai xin Chúa Giê-xu cho họ được ngồi bên phải và bên trái của ngôi Ngài trong nơi vinh quang.
Mặc dù Chúa Giê-xu đã dành thật nhiều thời giờ dạy dỗ và hướng dẫn họ thật tỉ mỉ, nhiều hơn cả thời giờ mà Ngài tiếp xúc và dạy dỗ công chúng, cũng như chính Ngài là tấm gương khiêm nhường toàn hảo gần gũi với họ mỗi ngày, nhưng không môn đệ nào có thể thoát được bản tính tự tôn cố hữu trong mỗi con người.
Như vậy, bên cạnh lời giảng dạy thật sâu sắc về tính khiêm nhường và gương sống thật khiêm nhu nhún nhường của Chúa Cứu Thế Giê-xu, các môn đệ của Ngài, cũng như tất cả chúng ta, còn cần một điều gì thật quan trọng nữa, mới có thể thoát được bản tính tự cao để trở nên khiêm nhường thật sự?
Quan trọng hơn hết và đầu tiên hơn hết, mười hai môn đệ, cũng như mỗi chúng ta, cần được Chúa Cứu Thế Giê-xu cứu chuộc và giải thoát ra khỏi ách nô lệ của tội lỗi.
Quan trọng hơn hết và đầu tiên hơn hết, mỗi quý vị và tôi, cần được Con Trời phóng thích ra khỏi cái bẫy kiêu ngạo tinh quái.
Chúa Cứu Thế Giê-xu, hay chính là Đấng Tạo Hóa hạ mình giáng sinh trong thân xác con người, đến thế gian này, không chỉ sống để dạy dỗ, không chỉ sống để nêu gương khiêm nhường phục vụ, nhưng cũng để hy sinh mạng sống mình, để cứu chuộc và giải thoát chúng ta ra khỏi ách nô lệ của tội lỗi, mà trong đó tội kiêu ngạo là đứng đầu và là cốt lõi của mọi trọng tội khác.
Chúa Cứu Thế Giê-xu xác nhận sứ mạng cứu chuộc của Ngài, như Thánh sử Mác 10:45 có ghi: “Các con nên theo gương Ta, vì Ta đến trần gian không phải để cho người phục vụ, nhưng để phục vụ người, và hy sinh tính mạng cứu chuộc nhiều người”.
Ngày nay, từ ngữ “cứu chuộc” có thể trở nên xa lạ, khiến chúng ta chỉ liên tưởng trong những phim ảnh ly kỳ, có con tin bị bắt cóc và đòi phải trả giá chuộc. Nhưng trong thời kỳ Chúa Giê-xu, trong bối cảnh văn hóa của người Do-thái, người La-mã và người Hy-lạp, từ ngữ “cứu chuộc” rất quen thuộc, vì ai ai cũng biết đó là một món tiền rất cao hay một khoảng tài sản rất lớn, cần phải trả để phóng thích một người nô lệ, hay để trả lại tự do cho một tù nhân bị bắt trong chiến tranh hay để tha bỗng một tử tội.
Từ ngữ “cứu chuộc” cũng hàm ý rằng, người được chuộc, đang ở trong một tình trạng tuyệt vọng, không có tài sản, bị tước mất mọi quyền tự do, không thể tự định đoạt về số phận của chính mình và do vậy, tuyệt đối chẳng có thể làm gì được để tự cứu mình ra khỏi tình trạng tuyệt vọng đó.
Chúa Cứu Thế Giê-xu sử dụng từ ngữ “cứu chuộc” để nói lên tình trạng vô vọng của mỗi chúng ta trong ách nô lệ của tội lỗi.
Bạn và tôi chẳng có thể tự cứu mình ra khỏi nanh vuốt của tội lỗi.
Mỗi chúng ta chẳng có thể tự giải thoát mình ra khỏi cái bẫy kiêu ngạo đầy tinh quái, đang ẩn núp thật khéo léo dưới mọi hình thức thật tinh vi.
Do vậy, mỗi chúng ta đều cần Chúa Cứu Thế Giê-xu, là Thiên Chúa Ngôi Hai đến từ thiên đàng, là Đấng Vô Tội nhưng bằng lòng gánh tội thế cho muôn người, hy sinh chính mạng sống của Ngài để trả thay món nợ tội cho bạn và tôi, để giải thoát chúng ta khỏi xích xiềng của tội lỗi.
Chỉ do công ơn cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu, bạn và tôi mới thực sự được giải thoát khỏi vòng trói buộc của tội lỗi, mà trong đó có tội kiêu ngạo đi đầu.
Chỉ khi nào được giải thoát khỏi ách tội lỗi và cái bẫy kiêu ngạo, bạn và tôi mới có hy vọng thấu hiểu được những chân lý về tính khiêm nhường của Ngài; mỗi chúng ta mới có hy vọng đủ sức làm theo được gương khiêm nhu hạ mình của Ngài đã để lại.
Kính thưa quý thính giả,
Trên con đường đi đến thủ đô Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-xu có nói trước về những điều đang chờ đợi Ngài tại nơi đó, như Thánh sử Mác 10:33-34 có ghi: “Lên đến Giê-ru-sa-lem, Ta sẽ bị phản bội, bắt nộp cho các thầy trưởng tế và dạy luật, họ sẽ lên án xử tử Ta, rồi giao nộp Ta cho người La-mã. Người La-mã sẽ chế giễu, phỉ nhổ, đánh đập và giết Ta, nhưng ba ngày sau, Ta sẽ sống lại.”
Tuy vậy, các môn đệ lúc đó chẳng ai hiểu, cũng chẳng ai ngờ và do vậy cũng chẳng có ai quan tâm đến cái chết đau thương đầy sĩ nhục mà Thầy mình sắp phải gánh chịu. Lúc đó, họ chỉ đinh ninh Ngài sắp lên làm vua và họ sắp thừa hưởng bao vinh hiển sau những năm tháng gian khổ đi theo Ngài. Vì vậy, họ bận rộn tranh cãi với nhau, xem ai là người xứng đáng nhất để hưởng được địa vị cao quý nhất bên cạnh ngôi vua cao sang sắp tới.
Phải đối diện với cái chết gần kề trong nỗi cô đơn cùng cực, lại phải đối diện hằng ngày với bản tính tự tôn và tình trạng cạnh tranh của các môn đệ thân tín, nhưng Chúa Giê-xu vẫn không lưỡng lự hay ngần ngại, Ngài vẫn hăng hái đi đầu, tiến về thủ đô Giê-ru-sa-lem, bằng lòng đón nhận cái chết, để thực thi chương trình cứu chuộc nhân loại, như Thánh sử Mác 10:32 có ghi:“Trên đường lên thủ đô Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-xu đi trước, các môn đệ theo sau”.
Tại kinh thành Giê-ru-sa-lem trong một ngày thứ Sáu thê lương, cách đây khoảng hai ngàn năm, Chúa Giê-xu đã bị bắt, bị xử án chết, bị đánh đập tàn nhẫn, bị đóng đinh và bị treo trên cây thập tự cho đến chết.
Trên cây thập tự, Thiên Chúa Ngôi Hai vô tội, Con Trời trong thân xác con người, đã bằng lòng gánh món nợ tội cho muôn người, hứng chịu trọn cơn thịnh nộ của Đấng Tối Cao trút đổ trên mình, đón nhận bản án chết thay cho nhân loại, để giải thoát các môn đệ và tất cả những ai tin nhận Ngài, ra khỏi vòng kiềm tỏa khôn cùng của tội lỗi, trong đó tội kiêu ngạo là đứng đầu và cốt lõi của tất cả những tội lỗi khác.
Sau khi tình nguyện chịu chết trên cây thập tự, bị chôn trong mồ, ba ngày sau Chúa Cứu Thế Giê-xu phục sinh sống lại, hiện ra với các môn đệ và nhiều người. Sau cùng Ngài thăng thiên về trời.
Nhưng cũng từ đó, các môn đệ của Chúa Giê-xu bỗng trở thành những con người được hoàn toàn biến đổi.
Gia-cơ ngày nào tự hào quá đáng, bỗng trở nên nhún nhường, chấp nhận bao gian khổ và sĩ nhục để rao giảng tin vui cứu chuộc cho nhiều người. Gia-cơ đã trở nên người đầu tiên tử vì đạo, như sách Công Vụ 12:1-2 có ghi: “Vào thời ấy, vua Hê-rốt thẳng tay khủng bố một số người trong Hội thánh. Vua sai chém đầu Gia-cơ, anh của Giăng”.
Giăng ngày nào tự tôn quá đáng, cũng trở nên nhún nhường để phục vụ, chịu bắt bớ và đày ải. Tâm hồn của Giăng đã thấu hiểu nguyên tắc khiêm nhường và đời sống của ông học theo gương khiêm nhu của Chúa Giê-xu, như lời ông có viết trong 1 Giăng 3:16 rằng: “Chúa Cứu Thế đã nêu gương yêu thương khi Ngài hy sinh tính mạng vì chúng ta. Vậy chúng ta cũng phải xả thân vì anh em trong Chúa”.
Chỉ trừ một môn đệ bội phản, còn các môn đệ còn lại, sau sự chết hy sinh cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu, tất cả đều trở nên nhún nhường, xả thân để phục vụ, đến nỗi tất cả đều tử vì đạo.
Quý thính giả thân mến,
Tôi có dịp được nghe một vị tu sĩ đọc hai câu thơ thật hay như sau:
Nhạn quá hàn đàm,
Nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh.
tạm dịch là:
Nhạn lướt mặt hồ,
Nhạn đi mà hồ không nắm bắt hình ảnh.
Vị tu sĩ này có giải thích, người quân tử cũng phải như cánh nhạn, dù xinh đẹp đến đâu, nhưng cũng phải tỏ ra khiêm nhường hết mình, quyết không lưu lại một dấu vết khoe khoang trên mặt hồ sau khi đã bay qua.
Đây thật là một vầng thơ tuyệt tác, lại chứa đựng một ý tưởng khiêm nhường tuyệt vời.
Tuy vậy, ý tưởng vẫn chỉ hoài là ý tưởng, cho đến khi một người thật sự nhận ra mình vô phương tự cứu mình ra khỏi ách tội lỗi, biết được mình vô vọng trong cái bẫy kiêu ngạo tinh quái, bằng lòng tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu vào trong tâm hồn, để được Ngài giải thoát khỏi vòng kiềm tỏa khôn cùng của tội lỗi cùng bản tánh kiêu ngạo.
Sự hy sinh cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu trên cây thập tự là tất cả những gì bạn và tôi cần có, để mỗi chúng ta có thể thoát khỏi bản tánh tự tôn cố hữu, để có thể trở nên khiêm nhường thực sự và do vậy, được Đấng Chủ Tể xem là cao trọng và trân quý cho đến muôn đời.
Thân chào quý vị và các bạn.
Tùng Tri--Australia