Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Tuesday, October 2, 2012

Ngôn Ngữ Tình yêu--1-- Lời Thân Ái


Kính thưa quý thính giả,

Trong những tuần trước, chúng ta đã được giới thiệu về ngôn ngữ đầu tiên để biểu lộ tình yêu, đó là ngôn ngữ của “Lời Khẳng Định”. Lời khẳng định là những lời xác định về giá trị công việc, khả năng nơi người vợ hay chồng của mình và là lời bày tỏ sự biết ơn đến những việc mà người phối ngẫu đang làm. Chúng ta cũng đã học qua về hai phương ngữ của lời khẳng định là lời khen và lời khích lệ. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau học hỏi về một phương ngữ khác của lời khẳng định, đó là lời thân ái (kind words).


Thánh Kinh cho biết “Tình yêu thương hay nhân từ”. Do vậy, khi truyền đạt tình yêu bằng lời nói, chúng ta phải nói những lời thân ái đầy nhân từ. Không những lời nói nhân từ mà cách nói cũng vô cùng quan trọng nữa. Theo tiến sĩ Gary Chapman, thì “cùng một câu nói có thể mang hai ý nghĩa khác nhau, tùy cách bạn nói. Câu” “Anh yêu em”, khi nói cách thân ái và âu yếm, có thể là biểu lộ của tình yêu chân thật. Nhưng còn câu “Anh yêu em?” với dấu chấm hỏi thay đổi toàn bộ ý nghĩa ba từ này. Đôi khi lời chúng ta nói một đàng, mà giọng chúng ta biểu lộ một nẻo. Người phối ngẫu thường giải thích thông điệp chúng ta dựa vào giọng nói, thay vì vào từ chúng ta dùng. Thí dụ như câu nói “Em cảm thấy thất vọng và tổn thương vì anh không đề nghị giúp em tối nay”, nếu được nói cách chân thành và thân ái, có thể là một biểu lộ của tình yêu. Cùng lời đó được diễn đạt lớn tiếng, chói tai, không phải là biểu lộ của tình yêu mà là biểu lộ sự lên án và xét đoán.

“Một nhà hiền triết xưa có nói “Lời đáp êm dịu làm nguôi cơn giận”. Khi người phối ngẫu tức giận, bực bội và tuôn ra những lời nóng nảy, nếu muốn bày tỏ yêu thương, bạn sẽ không đáp trả nóng nảy hơn mà là dịu giọng hơn. Bạn sẽ để cho chàng thổ lộ sự tổn thương, tức giận và nhận thức của chàng về sự việc. Bạn sẽ tìm cách đặt mình vào vị trí của chàng và nhìn sự việc bằng đôi mắt của chàng, rồi sau đó dịu dàng và thân ái tỏ ra thông cảm với lý do và cảm xúc của chàng. Nếu có sai quấy với chàng, bạn sẽ sẵn sàng xưng ra điều sai lầm và xin được tha lỗi. Nếu bạn suy nghĩ khác với chàng, bạn có thể thân ái giải thích động cơ của mình. Bạn sẽ tìm kiếm sự thông cảm, hiểu biết và giảng hòa, thay vì cứ khư khư cho rằng chỉ riêng lý do của mình mới hữu lý. Khi tìm kiếm sự cảm thông, đó mới là tình yêu trưởng thành dẫn đến sự tăng trưởng và hạnh phúc trong hôn nhân.”
Kinh Thánh cho biết tình yêu không lưu trữ những lỗi lầm. Tình yêu không khơi lại những thất bại quá khứ. Tiến sĩ Gary Chapman cũng cho biết:

"Chẳng ai trong chúng ta toàn vẹn cả. Trong hôn nhân không phải lúc nào chúng ta cũng làm điều đúng và hay nhất. Đôi khi chúng ta làm và nói những điều gây thổn thương cho người phối ngẫu. Chúng ta không thể bôi xóa quá khứ. Chúng ta chỉ có thể xưng nhận và đồng ý là mình sai. Chúng ta có thể xin lỗi và cố gắng sửa đổi cách cư xử trong tương lai. Sau khi xưng nhận thất bại và xin lỗi, tôi không thể làm gì hơn để giảm nhẹ tổn thương có thể đã gây ra cho người phối ngẫu. Đôi khi người phối ngẫu sai phạm với tôi và nàng đã đau đớn nhận lỗi cùng yêu cầu tha thứ, thì tôi sẽ lựa chọn công lý hoặc tha thứ. Nếu tôi chọn công lý và tìm cách trả đũa hoặc buộc nàng trả giá cho lỗi lầm của nàng, thì tôi đã tự đặt mình làm quan án còn nàng là tội phạm. Không thể nào có tình thân mật được. Tuy nhiên, nếu tôi chọn tha thứ, tình thân mật có thể phục hồi. Tha thứ là con đường của tình yêu.
Tiến sĩ Gary Chapman cũng nhắc nhở chớ lôi những lỗi lầm cũ vào trong đời sống hiện tại. Ông viết "Có những người cứ khăng khăng đem những thất bại của ngày hôm qua vào ngày hôm nay và khi làm như vậy có thể ô nhiễm cả một ngày có tiềm năng tươi đẹp… Cách tốt nhất chúng ta có thể làm đối những thất bại quá khứ, đó là để cho chúng trở thành lịch sử. Vâng, lịch sử đã diễn ra. Chắc chắn lịch sử đã gây tổn thương. Và có thể nó vẫn còn gây tổn thương, nhưng chàng đã nhìn nhận thất bại của mình và xin được tha thứ. Chúng ta không thể xóa bôi quá khứ, nhưng chúng ta có thể chấp nhận nó như là lịch sử. Chúng ta có thể chọn sống ngày hôm nay không có những thất bại của ngày hôm qua. Tha thứ không phải là một tình cảm; nó là sự cam kết. Đó là sự lựa chọn bày tỏ lòng nhân từ, không bắt lỗi kẻ sai phạm. Tha thứ là một biểu lộ của tình yêu. “Em yêu anh. Em quan tâm đến anh, và em chọn tha thứ anh. Dù rằng tình cảm thương tổn có thể kéo dài, nhưng em không để cho việc đã xảy ra ngăn cách chúng ta. Em hy vọng chúng ta có thể học từ kinh nghiệm này. Không phải vì đã thất bại mà anh không ra gì. Anh là người phối ngẫu của em, và chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục từ đây” Đó là những lời khẳng định được nói bằng phương ngữ những lời nhân ái.”
Trong tuần tới, chúng ta sẽ cùng nhau học một phương ngữ khác nữa trong ngôn ngữ “Lời Khẳng Định” . Xin hẹn gặp lại quý vị.