Tuy nhiên, những mối dây ràng buộc tôi với
Ba Mẹ chặt chẽ như thế cũng tạo ra mạng lưới nhớ nhà kinh niên vốn vây kín tôi
suốt những ngày đi học xa nhà. Một trong những trở ngại lớn nhất cho một gia
đình sống xa quê hương chính là sự xa cách, vốn thường trở thành một hậu quả phụ
không thuận lợi cho việc giáo dục tốt con cái.
Chuyển từ trạm truyền giáo này sang trạm khác, từ môi trường phục vụ ở hải ngoại
rồi về nghỉ phép tại quê nhà, đã ném chúng tôi vào những bối cảnh giáo dục khác
nhau. Chúng tôi học trường của Anh và Đức tại Giê-ru-sa-lem, rồi một trường của
cộng đồng Mỹ tại Beirut. Có một số lớp thì Mẹ tôi là giáo viên, và có những lớp
thì bà mời thầy dạy kèm đảm trách việc học của chúng tôi.
Khi tôi tới Wheaton, Illinois, để ghi danh vào Học Viện các ngành học trung học
thì họ chấp nhận cho tôi học năm hai mặc dù tôi chưa hề học năm một tại bất cứ
nơi nào. Nhưng để hiểu lý lẽ của họ đằng sau quyết định đó tại Wheaton, thì con
đường lại dẫn tôi trở về Bết-lê-hem.
Càng xa hơn nữa là trở về Giê-ru-sa-lem, nơi tôi đã từng theo học trước đây - ở
tuổi mười một quan trọng - để sống trong nhà truyền giáo với hai nữ giáo sĩ độc
thân. Còn có gì tệ hơn - đúng lúc tôi ý thức được niềm kiêu hãnh phái mạnh của
mình - là bị cấm cung một mình chung với hai người phụ nữ xa lạ?
Số phụ cấp ba mẹ tôi gửi đều đặn từ Dera’a đã tiêu biến nhanh chóng khi mỗi
ngày tôi đều đi tới trạm bưu điện và phòng điện thoại. Những lá thư - viết cho
ba mẹ tôi - cho thấy hi vọng bất diệt của tôi là mong có thể được về nhà sống
chung lại với ba mẹ. Những bức điện tín là những yêu cầu với ẩn ý xin Ba tôi cứu
vớt tôi khỏi tình thế mà tôi cảm thấy không thể chịu đựng được nữa.
Chắc chắn là mấy bà trong nhà truyền giáo cũng không sung sướng hơn tôi về sự sắp
xếp mà Ông Freed đã nhờ họ chăm sóc con trai ông ta. Tôi không cho là họ đã có
kinh nghiệm làm bảo mẫu cho những đứa con trai nhớ nhà, nhưng họ rất cương quyết
về những việc buộc tôi phải làm. Tôi không biết là họ có cảm thấy thành công
khi thường xuyên khó khăn với tôi hay không; nhưng tôi biết chắc họ đã thành
công trong việc khiến tôi khốn khổ liên tục.
Người lớn tuổi hơn trong hai nữ giáo sĩ, là người chính thức lo cho phúc lợi của
tôi, một hôm cho rằng tôi không tắm đủ. Cô ta cũng quyết định nguy hiểm rằng -
vì tôi không đủ tin cậy để tự giữ sạch sẽ cho mình - nên cô ta phải tắm cho
tôi.
Tôi hét to: “Cô không được tắm cho tôi đâu!”
Cô D-- nhấn mạnh: “Có chứ, tôi sẽ tắm cho em.”
Lúc đó Cô L-- trẻ hơn, nhưng cũng cương quyết không kém - bước vào phòng để củng
cố lực lượng đối phương gia tăng.
Cô cảnh cáo: “Paul Freed ạ, tôi muốn em biết là tôi sẽ đứng sau lưng Cô D-- và
tôi cũng sẽ canh để em phải tắm cho xong!”
Khi cô ta cầm chổi đến gần tôi, tôi bỏ chạy. Qua mặt cô ta nhanh như chớp, tôi
nhảy một bước hết mấy bậc thềm, tung cửa trước và tiếp tục chạy ra đường có tường
cao. Khi tôi nhìn lại sau, qua bờ vai mình, Cô L-- đang bước nhẹ sau tôi, vung
chổi trên đầu. Những người Ả Rập ở phố “Street of the Prophets “ né sang một
bên khi cuộc rượt đuổi tiếp diễn, nhìn chúng tôi cách ngạc nhiên và thích thú
trong khi tôi chạy vòng về nhà truyền giáo và trèo vào tường.
Cô ta ngay sau lưng tôi, quât chổi thật mạnh. Tôi nhảy từ tường sang một bên,
chạy ngang qua sân, trèo lên tường phía bên kia. Và Cô L-- lúc nào cũng sát nút
tôi.
Cuối cùng, cô ta hổn hển la to: “Được rồi, chúng ta bàn lại đi.”
Tôi không nhớ câu chuyện ra sao. Nhưng tôi biết là mình tự tắm lấy.
Ba Mẹ tôi cố gắng hiểu nỗi khó khăn của tôi trong thời gian đó , và cuối cùng để
tôi trở về Dera’a với họ một thời gian. Nhưng việc học không ngừng theo đuổi
tôi và chẳng bao lâu tôi lại thấy mình sống tại Bết-lê-hem trong nhà truyền
giáo chung với Bà Bernice Gibon cùng hai đứa con. Hoàn cảnh ở đây khá hơn, vì
ngoài đứa con gái và con trai của bà, còn có con cái của giáo sĩ sống ở đó, và
bà là mẹ nuôi của tất cả. Dầu vậy tôi cũng vẫn nhớ nhà.
Khi tôi được mười ba tuổi, họ dời nhà truyền giáo ra ngoại ô Giê-ru-sa-lem. Vì
lý do nào đó, cuối cùng tôi lại là đứa con trai duy nhất trong nhóm mà theo trí
óc non nớt của tôi, thì tình trạng đó không thể nào chịu được. Quyết định của
tôi có ít hi vọng, nhưng táo bạo.
Một đêm nọ, tôi viết thư cho vị giáo sĩ đảm trách. Sau đó, trước khi rạng đông,
tôi rón rén ra khỏi nhà rồi gia nhập đoàn người về Giê-ru-sa-lem. Sau khi đánh
điện tín cho ba tôi để yêu cầu ông đón tôi tại Ti-bê-ri-át, Ga-li-lê, tôi gặp
xe chuyên chở công cộng đi về hướng bắc. Suốt đường đi tôi thắc mắc không biết
ông phản ứng ra sao , nhưng lòng tôi rộn ràng vui mừng khi nhìn thấy gương mặt
yêu dấu của ông giữa đám đông khi chúng tôi tiến vào trung tâm Ti-bê-ri-át. Ông
cố gắng thuyết phục tôi rằng tôi đã cư xử sai lầm, nhưng tôi vẫn còn có thể nhớ
là mình cảm thấy đã làm đúng khi tôi tìm cách giải thích: “Ba ơi, con có để lại
cho họ lá thư rồi mà. Bây giờ thì họ biết là con đang trên đường về nhà. Con
không có gì chống đối họ. Con chỉ nhớ nhà kinh khủng, thật kinh khủng. Ba cho
con về nhà, được không Ba?”
Ông lo cho việc học của tôi nhưng cuối cùng ông nói sẽ cho tôi ở nhà nếu tôi hứa
sẽ học chăm.
Tôi chưa bao giờ học chăm trong đời mình, trong bất cứ hoàn cảnh học tập chính
thức nào, như tôi đã học trong năm kế tiếp tại nhà. Tôi tự học nguyên cả năm thứ
nhất trung học một mình, viết những sách thật dài. Tôi viết một sách về những xứ
chúng tôi đã du lịch ở Âu châu - lịch sử, địa lý, chính quyền, xã hội học,
phong tục - mọi thứ tôi có thể gặp gỡ, đều đi vào câu chuyện tôi kể. Sau đó tôi
lục hàng đống hồ sơ và tạp chí du lịch để tìm hình ảnh minh họa cho sách của
tôi.
Khi chúng tôi về Wheaton, Illinois, và đến Học Viện Wheaton thì tôi có mang
theo sách đã viết. Nhân viên phòng ghi danh mới nghiên cứu nghiêm túc các sách
đó và thấy xứng đáng để được miễn một số tín chỉ nên đã cho tôi vào học năm
hai.
Sau năm về nghỉ phép đó, ba mẹ tôi cùng với Ruth và tôi trở lại Trung Đông. Lần
này tôi được gửi đi Beirut, Lebanon, nơi tôi tốt nghiệp Trường Cộng đồng Hoa Kỳ,
được sáng lập bởi ban giảng huấn của Đại học Hoa Kỳ tại Beirut. Chỉ có 100 học
sinh trong toàn trường, và ba người chúng tôi làm thành lớp tốt nghiệp.
Một học viên của lớp khác, Philip Freidinger, và tôi trở thành bạn gắn bó thân
thiết. Anh là con trai của giáo sĩ Hội Trưởng lão tại Lebanon. Sau khi gắn bó đời
mình với nhau thật thân thiết trong những năm trung học cấp II và cấp III- bơi
thuyền, chạy xe đạp, cắm trại, trò chuyện, cầu nguyện chung với nhau - chúng
tôi quyết định cùng nhau vào học Wheaton College. Từ lâu đây vẫn là kế hoạch của
tôi, nhưng đối với Phil thì đó là sự thay đổi khá quan trọng vì anh đã được nhận
vào đại học Oberlin College tại Ohio.
Mùa hè 1936 Phil và tôi rời cha mẹ tại Beirut để đi Wheaton. Một tháng trong
vùng Alps Thụy Sĩ cùng một chuyến chạy xe đạp xuyên qua nước Anh giúp chúng tôi
có được lợi thế ban đầu cho việc học đang chờ đợi chúng tôi tại Wheaton
College.
Chúng tôi dọn về một căn nhà tư nhân gần khuôn viên đại học và ngay tức khắc,
chủ nhà đã nghe tiếng tăm lười biếng của tôi. Tôi không làm những loại công việc
thường lệ của đại học mà hầu hết sinh viên đều làm, nhưng dường như không thích
hợp với tôi. Trong khi Philip làm việc trong phòng ăn, thì tôi bán thiệp hoa
cùng những đồ thủ công Palestine cho cư dân Wheaton cùng những vùng ngoại ô gần
đó. Tôi rất thích Philip, nhưng lại gặp một hoàn cảnh chán nản nhất. Tôi không
bao giờ có thể làm bất cứ điều gì đúng. Cứ mỗi khi làm một điều gì, là tôi cũng
bị hạ một câu: “Sao cậu không làm giống như kiểu Philip đã làm?”
Ngôi nhà kế, nơi tôi sống sau này, lại tỏ ra thái độ khác xa. Bà Stevens, một
góa phụ, biết cách lắng nghe đám con trai chúng tôi va trò chuyện với chúng tôi
cách xây dựng, qua hành động cũng như lời nói. Bà cùng với con trai, Earle, là
những con người được tình yêu của Đức Chúa Trời đụng đến và đã sáng tạo tận hiến
để mở rộng tình yêu của Ngài cho người khác qua thái độ cùng nếp sống hàng ngày
của họ. Mỗi người chúng ta đều quan trọng và được Ngài quí trọng. Điều này giúp
chúng ta tự do mở rộng, phục vụ và học hỏi.
Đó chính là tất cả sự khác biệt trên đời này giữa hai thái độ. Và tôi cảm nhận
được rằng nếu tôi chỉ lo đáp ứng những nhu cầu thường tình của con người cho
chính bản thân mình, thì tôi sẽ chẳng hoàn tất được gì cả, trừ khi tôi sẵn sàng
quan tâm đến người khác trong tinh thần hi sinh.
Bốn năm ở Wheaton thật trọn vẹn. Mối quan tâm đến người khác trong tôi đã đưa đẩy
tôi thành nhà nghiên cứu nhân chủng học, nhưng không có điều gì trong thời gian
đại học làm cản trở sự nghiệp làm giáo sĩ phát thanh, là công việc trong tương
lai của tôi.
Bức tranh tài chánh là một kinh ngạc liên tục. Ba mẹ tôi liên lạc trợ cấp cho
tôi mười đô la mỗi tháng, dĩ nhiên chẳng giải quyết được gì nhiều. Không bao giờ
tôi có thể biết chắc được những chi phí đại học của mình sẽ được thanh toán như
thế nào. Việc chúng tôi theo Chúa qua nhiều năm tháng đã đưa chúng tôi vào một
đời sống tin cậy đơn giản - giống như hoa huệ đồng nội, thay vì cảm thấy an
toàn với tài khoản ngân hàng.
Một hè nọ tôi ở Gary, Indiana, làm việc trong một nhà máy nghiền thép - làm ca
đêm, vì lương cao hơn. Tiền kiếm được tôi đã thận trọng dự tính để dành cho học
phí mùa thu năm sau. Tuy nhiên, sự nhiễm trùng nghiêm trọng chẳng những buộc
tôi phải nghỉ việc nhiều tuần mà còn tốn kém nằm viện khiến bao nhiêu tiền kiếm
được sạch láng. Cuối hè, tôi đi xe nhờ về lại Wheaton chẳng còn một xu cho năm
học sắp tới.
Mọi việc đều êm xuôi cho tới lúc tôi đứng bên bàn tài chánh trong dòng người
ghi danh. Tôi yêu cầu những điều khoản dễ dãi nhất có thể được, và họ nói tôi
không thể nào ghi danh nếu không đóng một trăm Mỹ kim. Ba mẹ tôi hiện cách xa
tôi một phần ba địa cầu. Tôi đã làm việc chăm chỉ tối đa suốt mùa hè qua. Tôi cảm
thấy chắc chắn là mình phải tiếp tục học xong đại học. Tôi cần một trăm Mỹ kim
mà lại chẳng có tới một xu. Tôi không biết quay sang đâu cả.
Có người hớn hở bảo tôi nghỉ học và đi làm trong một khóa. Tôi bước ra khỏi
dòng người ghi danh vào giữa trưa, thế mà lại giống như đang bước đi trong màn
đen nửa khuya. Tôi chưa bao giờ chán nản tới mức như vậy trong đời mình.
Tôi kêu lên: “Lạy Chúa! Chắc chắn Ngài biết rõ nhất. Ngài muốn con làm gì bây
giờ?”
Trong khi tôi đi qua các sảnh đường và xuyên ngang khu đại học, mọi người chào:
“Chào Paul.” Nhưng tôi đang chết đuối trong biển thất vọng bận rộn của mình,
nên chẳng nhận ra ai cả. Chẳng còn gì có ý nghĩa nữa.
Sau một giờ đồng hồ lang thang vô định, tôi quyết định điều duy nhất mình có thể
làm là quay về làm việc lại tại nhà máy cán thép. Tôi nghĩ mình phải tìm miếng
ăn trước khi bắt đầu lại, nhưng tôi cảm thấy khốn khổ đến nỗi không biết mình
có nuốt nổi hay không.
Bỗng nhiên giữa những gương mặt cùng âm thanh mờ nhạt vì ướt sũng , tôi nghe gọi
tên mình: “Ê, Paul, cậu không nghe loa gọi tên cậu à? Có người muốn liên lạc với
cậu đó.”
Khi tôi tới phòng ghi danh, Tiến sĩ Enoch Dyrness nói với tôi: “Paul à, tôi biết
là anh muốn ghi danh học. Tôi có một món chắc là anh đang chờ đợi. Một món quà
nặc danh được gửi vào tài khoản của anh. Đó là ngân phiếu một trăm đô la.”
Miệng tôi há hốc và tôi cảm thấy nước mắt xốn xang dưới mi. Tôi thấy lại hình ảnh
căn hộ tại Nyack với thực phẩm chất đống trên sàn, trên ghế, trên bàn. Tiến sĩ
Dyrness có lẽ không thấy được mọi điều đang diễn ra trong trí tôi khi ông mỉm
cười và nói: “Đó há không phải là cách hành động của Đức Chúa Trời sao?”
Nhiều năm sau tôi mới biết ai đã gửi quà đó. Một giáo sĩ tại Trung hoa có nghe
nói về tôi, qua một số sinh viên tại Wheaton. Một hôm tên tôi cứ xuất hiện mãi
trong trí ông. Dường như Đức Chúa Trời phán với ông: “Con phải giúp cho Paul
Freed.” Không thể gạt bỏ ý nghĩ đó, ông đã vâng phục và từ món tiền rất ít mình
đang có, ông đã trích ra một trăm đô la để gửi cho tôi. Đức Chúa Trời đưa món
tiền đó vượt 10.000 dặm đúng lúc để chận đứng sự tuyệt vọng của tôi. Nếu tiền tới
trễ một hôm, chắc hẳn tôi đã lên đường trở về nhà máy cán thép rồi.
Ngoài việc làm mùa hè khác - một năm tại Công ty Pontiac Motor tại Michigan, và
một năm khác làm quản lý kinh doanh cho chuyến Du lịch Xứ Thánh - tôi bắt đầu
làm dây nịt như một ngành kinh doanh nhỏ mới mẻ cho riêng mình. Càng ngày tôi
càng thấy khó làm việc cho người khác mà có thể giữ được thu nhập quân bình với
chi tiêu. Còn một điều nữa cần phải làm. Và tôi bắt đầu thiết kế dây nịt từ những
vật liệu khác lạ.
Tại Chicago tôi tìm ra những công ty cắt ra những mảnh đồng phục nhỏ từ vỏ quả
hạch, gỗ, dây gai, nhựa, kim loại, da. Được cung ứng dây da và dây thừng màu chắc
chắn, tôi một mình bắt đầu làm nịt ngay tại bàn nhà bếp. Sau khi nhận quá nhiều
đơn đặt hàng, tôi chẳng biết phải làm sao, tôi tìm người giúp mình. Những sinh
viên muốn sau này có được việc làm từng phần đã cộng tác với tôi với tiền công
hiện hành trong đại học cho tới khi chúng tôi chiếm trọn tầng hai của một ngôi
nhà tại Wheaton. Trước hết chúng tôi tiếp thị sản phẩm mới của mình qua nhiều cửa
hàng khác nhau. Nhưng ngay sau đó chúng tôi nhận ra mình không thể bán ra thị
trường với cách đó được.
Tôi tới New York City và tiếp cận với Công ty J. C. Penny. Khách hàng đặc biệt
nói chuyện với tôi là một trong những người lịch sự nhất tôi từng gặp. Ông ta
say mê câu chuyện của tôi đến nỗi giao cho công ty tìm cách bán vài mẫu nịt của
tôi. Họ bán chạy đến nỗi cuối cùng chúng tôi có nhiều đơn đặt hàng quá sức giải
quyết của mình. Từ đó chúng tôi bán hàng vạn dây nịt rộng rãi khắp 1600 cửa
hàng của J. C. Penny.
Công việc tiếp tục tại Wheaton suốt hơn hai năm, và lợi tức từ dây nịt mới của
Công ty DuPage Craft không chỉ giúp tôi học xong đại học cùng Học viện Đào tạo
Giáo sĩ, mà còn giúp nhiều sinh viên khác đáp ứng nhu cầu của họ nữa.
Mùa thu năm 1942, tôi ghi danh vào Nyack - cùng ngôi trường ba tôi theo học hai
mươi năm về trước. Việc học của tôi về sau tại Nyack tương đối dễ dàng hơn và
tôi hoàn tất khóa học ba năm tại Missionary College trong hai năm.
Lúc nào tôi cũng quan tâm vấn đề truyền giáo, nhưng chắc chắn trong trí tôi thì
những hoạt động về sau chịu ảnh hưởng lớn bởi nhiệt tình truyền giáo tại Nyack.
Nhìn xuống dòng Hudson River, trường - vốn là Trường Kinh Thánh lâu đời nhất tại
Bắc Mỹ - được các cựu sinh viên trìu mến gọi là “núi cầu nguyện và phước hạnh.”
Suốt thời gian trong đại học, tôi học về truyền giáo trực tiếp từ các giáo sĩ,
ngay tại công trường phục vụ của họ, và học nhiều về Lời Đức Chúa Trời qua việc
nghiên cứu Kinh Thánh có hệ thống. Tuy lúc đó tôi không hoàn toàn hiểu hết giá
trị của chương trình nhưng bây giờ tôi biết là Chúa đang phán với tôi về “những
miền xa xăm” qua môi miệng cùng đời sống của những giáo sư tin kính như Tiến sĩ
Harold Boon, Mục sư Gilbert Johnson, và Tiến sĩ Thomas Moseley; và qua những
chính khách truyền giáo như Samuel Zwemer, chuyên gia có uy tín về thế giới Hồi
giáo, và Clarence Jones, người tiên phong về chương trình phát thanh truyền
giáo từ HCJB tại Quito, Ecuador.
Song song với việc học, tôi cũng mở một số hội thánh, quản lý kinh doanh dây nịt
vẫn còn trụ sở chính tại Wheaton, Illinois, và học thêm vài môn tại Columbia
University.
Lễ Giáng sinh trước kỳ tốt nghiệp có tổ chức một loạt giới thiệu gây ảnh hưởng
trên quãng đời còn lại của tôi. Một số trong chúng tôi muốn làm một việc khác lạ
nhưng không biết đi đâu. Trong buổi trò chuyện thân mật, chúng tôi quyết định sẽ
mua rồi sửa chữa và bán nửa chục xe Ford Model A, và lái về phía nam. Chúng tôi
gom hết mọi phiếu mua xăng, pha chế ra một công thức nhiên liệu đặc biệt, dùng
nước rửa - và tôi quên mọi thứ khác - rồi lái xe tới Durham, North Carolina. Tất
cả xe đều bán hết trong khu bán đấu giá và chúng tôi được một kỳ nghỉ hè vui vẻ.
Vì lý do nào đó, tôi có đủ tiền trước mấy người khác, cho nên tôi trở lại
Nyack; nhưng Eugene Evans, bạn cùng phòng, vẫn còn ở lại vài hôm. Khi về lại,
anh nói ngay: “Thật uổng quá, Paul ạ. Chúng tôi đi dự một tiệc Giáng sinh ở nhà
thờ, và gặp nhiều người rất vui, lẽ ra anh phải có ở đó. Tôi gặp bạn gái của
Clarence. Cô ta cũng được lắm đấy! Đáng lý ra là anh phải ở lại. Cô ta được lắm,
cô ta đúng là mẫu người mà anh vẫn thường đề cập!”
Hình ở trang 44: Tiến sĩ Paul và Betty
Jane Freed
Tôi không quan tâm. “Tôi không hiểu tại
sao anh lại đi nói với tôi về bạn gái của người khác!”
Tôi cũng đã tình cờ hẹn hò với một vài cô, nhưng chưa có gì là nghiêm túc.
Nhưng Gene Evans không chịu bỏ qua đề tài về cô gái mà anh gặp ở Durham. Tôi phản
đối: “Gene ơi, tôi mong anh đừng nói nữa. Sao anh lại cứ quấy rầy tôi về một cô
gái đã từng cặp với bạn mình chứ?”
Anh lặp lại: “Ừ thì tại tôi thấy cô ấy rất là được.”
Tôi nổi nóng: “Anh làm ơn im đi cho, được không?”
Nhưng Gene không nản. Anh hít hơi thật dài rồi tiếp: “Tôi muốn nói hết với anh,
Freedly ạ, tôi đã từng chịu đựng anh suốt hai năm ở trường đây, và tôi biết ý
thích của anh, tôi biết loại các cô mà anh thích, và tôi muốn anh nghe tôi bây
giờ nếu chẳng bao giờ muốn nghe nữa. Đúng là cô ta rồi! Tôi tuyệt đối biết chắc
đó là người thiếu nữ dành riêng cho anh. Nếu gặp cô ta, tôi bảo đảm là anh sẽ đồng
ý ngay!”
Tôi dịu bớt chút đỉnh và đáp trả: “Thôi được rồi, Gene ạ, cứ cho cô ta là như vậy.
Nhưng mà tôi nghĩ là anh thật điên khùng khi nói với tôi một chuyện quan trọng
như thế dựa vào chứng cớ hời hợt như vậy. Tôi không nghĩ là anh hợp lý chút
nào. Nhưng cho dù cô ấy đúng như vậy, thì cô ấy cũng đang cặp bồ với Clarence,
mà anh ấy cũng là bạn của tôi. Và tôi không hề có ý muốn hạ anh ta vì một cô
gái mà tôi chưa hề để mắt tới!”
Anh vẫn cứng rắn: “Tôi không cần biết cô ấy đang cặp bồ với ai bây giờ. Dù sao
thì họ cũng chỉ hẹn hò thôi. Và tôi đã gặp cô ấy, tôi biết đúng là cô ấy rồi!”
Sau vài hôm anh ấy êm bớt và quên bẵng câu chuyện. Nhiều tháng trôi qua và tới
ngày tốt nghiệp. Đúng vào buổi sáng cuối cùng ở trường, tôi đang ở bưu điện kiểm
tra thư từ. Môt chị quen với tôi đứng đọc thư bên cửa ra vào. Khi chào từ biệt,
chị bảo vừa mới nhận được thư của bạn gái em trai chị từ Durham, N. C. Một điều
gì đó chợt lóe trong trí tôi. Chị này là chị của Clarence; em trai chị chính là
anh chàng lâu nay vẫn hẹn hò với cô nàng mà người cùng phòng với tôi đề cập hôm
Giáng sinh. Tôi nghiêng đủ gần để liếc nhìn phong bì nơi tay chị. Đúng rồi!
Đúng với tên mà người cùng phòng tôi khăng khăng nhắc tới mùa đông vừa qua, Betty
Jane Seawell.
Chẳng suy nghĩ, tôi nghe mình hỏi: “Chị xé cho tôi xin nắp phong bì đó được
không, chị Eva?”
Tự nhiên chị ấy xé nắp phong bì đưa cho tôi. Tôi nhét vào ví rồi quên luôn.
THƯ CHO MỘT THIẾU NỮ
Mùa hè tôi dọn tới Greenville, S. C. để lập
một hội thánh. Vừa mới xong được một năm ở đó, một hôm tôi xếp lại ví da. Tôi
khám phá một nắp phong bì tam giác đã bạc màu, và tính ném vào giỏ rác thì nhớ
lại mẩu đối thoại cách đây mười tám tháng. Được thúc giục, tôi quyết định làm một
việc mà tôi chưa hề làm trước đây - viết thư cho tên được ghi trên tấm giấy bạc
màu này.
Tôi không nhớ là mình vừa mới viết thư cho một thiếu nữ. Lúc nào tôi cũng nghĩ
là mình phải vui vẻ với những người mình đang sống chung, thay vì tách mình ra
, chui vào một góc để liên lạc với những người mình không thể gặp được. Triết
lý hiện tại của tôi dường như là: vui với những người đang hiện diện với mình,
và khi không còn ở chung với họ nữa thì hãy vui với những người mình mới gặp. Bạn
có thể thấy đó, tôi không bao giờ thích viết thư cho lắm.
Thật ra, hẳn tôi đã không giữ mảnh giấy này nếu Gene Evans không làm ầm ĩ như
thế về cô này! Bây giờ tôi không biết nói gì với cô ấy trong thư. Thấy mình thật
quá khùng! Tôi chưa hề gặp cô ta, thậm chí cũng chưa thấy nữa. Thế mà bây giờ lại
cố gắng viết một lá thư nghe cho hợp lý để gửi cho một thiếu nữ mà người bạn
cùng phòng với tôi đã gặp vào một tối cách đây một năm rưỡi. Tôi không biết
hoàn cảnh hiện tại của cô ấy ra sao. Có vẻ đây là một việc làm điên rồ. Nhưng
dù sao thì tôi cũng viết xong.
Trong ba tuần nữa, tôi phải tham dự một hội đồng mục sư cách tỉnh nhà cô ấy
không xa lắm. Cho nên trong thư tôi hỏi xem mình có thể ghé qua gặp cô ta được
hay không vì cô là bạn tình cờ của người cùng phòng với tôi ở Nyack.
Tôi không nhận được trả lời, và phân vân không biết có nên đi tàu hỏa thẳng tới
hội đồng, hoặc lái xe để có thể ghé ngang nhà cô ấy ở Carthage hay không. Buổi
sáng cuối cùng tôi đã soạn đồ đạc xong xuôi. Tôi bỏ xe trong khu đậu xe rồi đi
bộ tới nhà bưu điện kiểm tra thư từ. Chẳng có thư nào cả. Tôi xách va li theo
và đi về hướng nhà ga. Bỗng nhiên tôi bị một người đàn ông chận lại, nói: “Ông
Freed ơi, tôi phải nói chuyện với ông. Tôi gặp nan đề kinh khủng lắm.” Tôi chỉ
nhớ mặt anh này. Tôi mỉm cười và nói: “Được rồi, tôi sẽ cầu nguyện cho anh.”
Anh giải thích: “Không, còn quan trọng hơn thế nữa kia. Ông phải giúp tôi ngay
bây giờ. Tôi đang gặp rắc rối.”
“Tôi rất tiếc, xe lửa chạy lúc 10giờ30, và tôi sẽ bị trễ tàu, nếu dừng lại nói
chuyện với anh bây giờ. Mình hãy hẹn nhau tuần tới, sau khi tôi trở về đi nhé?”
Anh ta có vẻ nghiêm nghị. “Tôi không biết phải nói với ông thế nào. Tôi biết chắc
chuyến tàu của ông rất quan trọng. Nhưng tôi không thể tưởng tượng được chuyến
tàu của ông - cho dù có đưa ông tới đâu - lại có thể cấp bách hơn điều tôi đang
cần ông giúp. Ông không hiểu được sao? Cuộc sống đã kết thúc với tôi rồi. Tôi
tiêu rồi. Đời tôi thật vô vọng. Không có lối thoát. Tôi cần được giúp đỡ.”
Tới lúc này thì tôi cũng quẫn trí như anh ta: “Nhưng tôi đang bận đón tàu . .
.”
“Tôi cần giúp đỡ.”
“Có thể người khác sẽ giúp anh.”
Anh ta chận lại và lặp lại: “Không, tôi chỉ - . Ông - ông chính là người phải
giúp tôi!”
“Anh có ý nói là cho dù tôi có bị trễ tàu ư?”
“Đúng! Ông không hiểu được sao? Tôi cần được giúp . Và tôi muốn ông cùng đi với
tôi ngay bây giờ để giúp tôi.”
Tôi xách va li lên, khoác tay anh, rồi quay về chỗ tôi đã đậu xe.
Thôi được, nếu vấn đề thực sự quan trọng như vậy thì tôi nghĩ là mình không thể
chọn lựa. Tôi sẽ làm điều mình có thể làm để giúp anh.”
Tôi chở anh ngang qua tỉnh, tới nhà thờ của tôi. Thực sự đây là một cửa hàng được
cải tạo lại, nhưng bên trong thật đẹp. Chúng tôi tự đóng lấy ghế ngồi. Ánh sáng
phản chiếu êm dịu, sàn đều trải thảm. Chúng tôi bước vào và ngồi xuống. Anh bắt
đầu trút đổ tâm sự và cho biết cuối cùng anh đã bị rượu sai khiến ra sao.
“Tôi tiêu rồi. Chẳng còn lý do nào để tiếp tục sống nữa. Tôi có người vợ rất tốt.
Nhưng bà ấy nói không thể chịu đựng tôi được nữa. Bà ấy đã chấm dứt với tôi rồi,
bà ấy đã chịu đựng tôi tới mức tối đa, và tôi không trách bà ấy. Tôi về nhà say
mèm, đánh đập con cái. Chúng khiếp sợ tôi, thường chịu đói. Tôi chẳng ích lợi
gì cho ai cả. Vợ tôi nói với tôi: ‘Ông ra khỏi nhà đi, và đi luôn đi. Tôi hết
tình nghĩa với ông rồi.’ Thật ra là tôi cũng hết tình với chính bản thân mình.
Tôi đang nghĩ cách phải chấm dứt như thế nào đây.”
Tôi nói với anh là thực sự có một Đức Chúa Trời yêu thương anh bất chấp tình trạng
bê bối khủng khiếp đó của anh, rằng Chúa Giê-xu Christ có thể thay đổi cả cuộc
đời anh. Thánh Linh hiện diện với tôi sáng hôm ấy, và trong chẤn Động của lời
thú tội tuyệt vọng nơi người đàn ông này, vẫn là sự bảo đảm về tình yêu cùng sự
tha thứ của Đức Chúa Trời. Nguyện vinh quang thuộc về Đức Chúa Trời, tôi muốn
nói rằng người này đã được cứu cách kỳ diệu. Chúng tôi cùng cầu nguyện xin Đức
Chúa Trời thay đổi cách sống đồi trụy của anh.
Tôi đưa anh về với gia đình sau khi đã nói chuyện và cầu nguyện, và vợ anh lắng
nghe câu chuyện anh kể lại. Chị nói: “Đây là điều kỳ diệu nhất mà tôi từng được
nghe,” rồi chị cũng dâng lòng mình cho Chúa Giê-xu. Lệ lăn dài trên má của cả
hai, khi họ cầm tay nhau và chị nói: “Tất nhiên là nếu ông ấy nghiêm túc thì
tôi muốn ông ấy quay về. Tôi muốn gia đình mình đoàn tụ hơn bất cứ điều gì
khác!”
Nhiều ngày sau đó, khi từ North Carolina quay lại, tôi thấy anh thực sự kinh
nghiệm sự cứu rỗi . Anh nghiêm túc với Đức Chúa Trời, anh đã bỏ uống rượu. Gia
đình Cơ Đốc đầm ấm của họ tiếp tục minh chứng rằng việc lỡ chuyến tàu buổi sáng
Tháng Tám 1945 hôm ấy thật đáng giá - dù rằng tôi thật đã ương ngạnh trong chuyện
đó. Đúng là thời điểm của Đức Chúa Trời, và tôi suýt chận đứng đồng hồ của
Ngài!
Sau khi rời nhà họ, tôi lái xe trở lại bưu điện. Lần này có thư trong thùng thư
của tôi, và một trong những thư này là của Betty Jane Seawell, cô ghi tên trên
nắp phong bì! Đó là một thư ngắn điềm đạm nói: “Ba tôi sẽ vui đón tiếp anh . .
.”
Vì thế tôi lái xe đến Carthage. Từ lúc tôi dừng tại ngôi nhà và thấy Betty Jane
ra đón mình, tôi biết Gene Evans đã nói đúng. Có thể nói là nếu không nhận được
thư cô ấy sáng hôm đó, chắc hẳn tôi sẽ không tìm cách liên lạc lại.
Đó là ngày Đồng minh chiến thắng Nhật bản và toàn thế giới đều vui mừng về sự kết
thúc Thế Chiến II. Chúng tôi nghe tin báo cả nước sẽ có hai ngày nghỉ. Ông
Seawell chắc chắn khúc quanh của biến cố này sẽ thay đổi kế hoạch của hội đồng,
cho nên khăng khăng bảo tôi dùng điện thoại của ông để kiểm tra trước khi ra
đi. Ông nói đúng. Toàn bộ hội đồng hoãn lại, nên tôi quyết định trở về nam.
Ba của Betty Jane chận tôi lại: “Ồ, không đâu! Cậu đã lái xe quá xa tới đây. Tốt
hơn cậu nên ở chơi mấy ngày lễ với chúng tôi trước khi quay về.”
Tôi cảm nhận ngay đây là những Cơ Đốc nhân có lời chứng mạnh mẽ cho Chúa Giê-xu
Christ. Ông Seawell là một luật gia Cơ Đốc nổi bật có ân tứ hiểu Kinh Thánh sâu
sắc cũng như dí dỏm khác thường trong văn nói và viết mà ông vẫn thường dùng
trong công việc Chúa. Bà Seawell đã về với Chúa hôm 5 Tháng Mười 1965, là một
giáo viên dạy Kinh Thánh tài ba, không hề bỏ qua việc làm chứng và đứng về phía
Chúa Giê-xu Christ. Mọi người thường nói: “Khi Jane Seawell trò chuyện với bạn
thì chắc chắn là bà sẽ nói về Chúa của bà và Cứu Chúa Giê-xu Christ.” Ngày nay
tại Carthage, North Carolina, Nhà Nguyện Phúc Âm là đài kỷ niệm lời chứng trung
thành và không mệt mỏi của Chub và Jane Seawell - cũng là Bố và Mẹ của tôi.
Lúc ở lại Carthage tôi không cho là gia đình Seawell biết gì về tầm quan trọng
của thời gian đó đối với Betty Jane và tôi sau này. Nhưng khi chúng tôi kết
hôn, chỉ bảy tuần sau đó, thì mọi người đều thấy rõ ràng rằng không phải chỉ từng
ngày mà là từng giờ đều ở dưới sự tể trị của Đức Chúa Trời để thực hiện kế hoạch
của Ngài đối với Betty Jane và tôi.
Chúng tôi không thể nói rõ cách Đức Chúa Trời đã giữ chúng tôi cho nhau. Ngài
đã đưa chúng tôi vào kinh nghiệm biết rõ thật sống động - khiến cho tình yêu giữa
chúng tôi rất nghiêm túc, sâu sắc, chân thành và vị tha. Thật Ngài đã kiên nhẫn
gìn giữ cô ấy cho tới khi tôi sẵn sàng chịu lắng nghe.
Betty Jane nói với ánh long lanh trong đôi mắt nâu của nàng với mọi người: “Tôi
cho rằng Đức Chúa Trời đã dành sẵn người này cho tôi. Tôi muốn mọi người trẻ
khác cũng hoàn toàn tin chắc như vậy. Tôi thực sự tin là họ phải biết chắc là Đức
Chúa Trời đã lực chọn chính xác người bạn đời cho họ, và họ sẽ chỉ gây rối cho
đời mình nếu đi trước ý Chúa và kết hôn trước thời điểm của Ngài. Và nếu không
có ai trong kế hoạch của Ngài, thì tốt hơn là không nên kết hôn.”
Betty Jane lúc nào cũng quan tâm chia sẻ câu chuyện của chúng tôi cách chính
xác với đám trẻ, vì cả hai chúng tôi đều cảm thấy một khoảng thời gian tương đối
dài hơn thường cần thiết cho việc đặt một nền tảng vững chắc cho hôn nhân. Trường
hợp của chúng tôi không phải là khuôn mẫu để bắt chước cách hời hợt. Trong trường
hợp chúng tôi, thực sự chẳng có lý do để chờ đợi. Cả hai chúng tôi đều đã học
xong. Tôi đã để dành được đủ tiền. Cả hai chúng tôi đều biết chắc Đức Chúa Trời
đã đưa chúng tôi lại gần nhau và hôn nhân của chúng tôi là kế hoạch của Ngài.