Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Tuesday, July 17, 2012

Hôn Nhân Bền Lâu - Bài 4


Đức hy sinh là yếu tố thứ tư trong mười yếu tố làm nền tảng cho một hôn nhân bền lâu. Thi sĩ Hồ Dzếnh có một bài thơ mà có lẽ nhiều người trong chúng ta đều biết. Bài thơ đó có những câu như sau:
Cô gái Việt Nam ơi,
Nếu chữ hy sinh có ở đời,
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực,
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
Khi nói đến hy sinh, người ta thường nghĩ đến hình ảnh người vợ, người mẹ, suốt đời hy sinh cho chồng cho con. Thật ra, chúng ta phải nhận rằng, xưa nay hầu hết người đàn bà Á đông đều sẵn sàng hy sinh cho chồng cho con. Chính nhờ lòng hy sinh, chịu đựng của người đàn bà mà biết bao nhiêu gia đình đã tránh được đổ vỡ.


Ngày nay, trong thời đại văn minh, trong xã hội máy móc này, nơi mà nhiều người chỉ sống cho lợi ích cá nhân, nói đến lòng hy sinh chúng ta thấy như là điều quá xa vời, không thực tế và hầu như không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, theo lời Chúa dạy trong Kinh Thánh, đức hy sinh là một trong những yếu tố căn bản, giúp cho mối quan hệ giữa chúng ta với người chung quanh được tốt đẹp, nhất là trong đời sống vợ chồng.
Gần đây, báo chí có đăng tải chuyện một người vợ hy sinh cho chồng. Đôi vợ chồng này sống tại San Diego, California. Vì người chồng cần phải thay thận nên sau ngày cưới, người vợ đã bằng lòng chịu giải phẫu để tặng cho chồng một quả thận của mình. Đây thật là một chuyện hi hữu và là bằng chứng cụ thể của người sẵn sàng hy sinh cho tình yêu. Nhưng câu chuyện trên là một trường hợp đặc biệt, vì không phải lúc nào chúng ta cũng phải hy sinh những điều quá lớn và quá khó như thế cho vợ hay chồng của mình.

Nói cách đơn giản, hy sinh là quên mình, là nghĩ đến phúc lợi của người khác trước khi nghĩ đến quyền lợi của mình. Theo Lời Chúa dạy, nếu muốn mối quan hệ giữa chúng ta với người chung quanh được tốt đẹp, chúng ta cần làm hai điều: (1) Xem người tôn trọng hơn mình và (2) Đặt phúc lợi của người lên trên phúc lợi của chính mình. Đây là điều khó làm vì đòi hỏi nhiều hy sinh. Thánh Kinh dạy: ”Chớ làm điều chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:3-4). Trong một lá thư khác, sứ đồ Phao-lô khuyên: “Chúng ta là kẻ mạnh, phải gánh vác sự yếu đuối cho những kẻ kém sức, chớ làm cho đẹp lòng mình. Mỗi người trong chúng ta nên làm đẹp lòng kẻ lân cận mình, đặng làm điều ích và nên gương tốt” (Rô-ma 15:1-2).

Nghĩ đến phúc lợi của người và làm đẹp lòng người, đó là hy sinh. Nếu chúng ta phải thực hành hai điều này với những người lâu lâu gặp một lần thì còn dễ, có thể cố gắng được, nhưng làm sao có thể thực hành hai điều này với vợ, với chồng, là người ở bên cạnh chúng ta mỗi ngày? Lắm khi đó lại là những người rất khó chiều và khó thương? Thế nhưng, Chúa muốn chúng ta thực hành Lời dạy của Ngài với người lân cận của mình, tức là những người trong gia đình chúng ta trước nhất, vì Ngài biết đó là nơi chúng ta khó áp dụng Lời Chúa dạy hơn hết.
Trong đời sống vợ chồng, mỗi người đều có những quyền lợi mà người kia phải tôn trọng, những nhu cầu người kia phải đáp ứng. Nếu cả vợ lẫn chồng đều chỉ nghĩ đến nhu cầu của mình và đòi hỏi người kia đáp ứng, hôn nhân đó sẽ là gánh nặng cho cả hai. Hơn nữa, khi nhu cầu không được thỏa đáp, chúng ta sẽ bực bội và phiền giận nhau. Tương tự như thế, nếu trong gia đình, cả vợ lẫn chồng đều chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình và trông chờ người phối ngẫu làm trọn bổn phận đối với mình, hôn nhân đó không khác gì ngục tù hay trại lính, nơi mà mọi người bị bắt buộc phải tuân theo kỷ luật và bắt buộc phải làm trọn bổn phận.

Hôn nhân của người tin Chúa không thể giống như thế, vì chúng ta sống với nhau theo tiêu chuẩn của Thánh Kinh. Tiêu chuẩn đó dạy chúng ta không nên làm điều gì vì lợi ích riêng hay để thỏa mãn những ham muốn ích kỷ của mình. Trái lại, chúng ta không chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình nhưng cũng nghĩ đến phúc lợi của người bạn đời. Nếu cần, chúng ta cũng nên sẵn sàng quên quyền lợi của mình để mang lại hạnh phúc cho người mình yêu.
Vốn bản tính mềm mại, sẵn sàng chịu đựng gian khổ để đem niềm vui đến cho chồng cho con nên các bà thường là người hy sinh cho gia đình nhiều hơn các ông. Chúng ta đã thấy có biết bao nhiêu người vợ hy sinh đi làm để nuôi chồng ăn học đến nơi đến chốn. Có người sẵn sàng hy sinh miếng ăn, giấc ngủ; sẵn sàng chịu thiệt thòi, đau khổ một mình, để chồng vui, con sung sướng và gia đình êm ấm. Có người hy sinh những niềm vui riêng tư như bỏ qua những dịp về thăm cha mẹ, gặp gỡ bạn bè cũ để chồng vui lòng và hạnh phúc gia đình không bị tổn hại. Có người gánh hết công việc nhà, lo cho con cái để chồng có thể góp mặt với xã hội. Có những bà vợ dù có thể học thêm để tiến thân nhưng sẵn sàng hy sinh, nhường cho chồng đi học. Cũng có người sẵn sàng không nhận những việc làm lương cao nhưng chỉ đi làm bán thì giờ để có thể ở nhà lo cho chồng cho con. Đó là những gương hy sinh thật cao quý.
Các bà sẵn sàng hy sinh cho chồng cho con, nhưng còn các ông thì sao? Nhiều khi chúng ta thấy hình như có một sự bất công nào đó, vì người ta thường chỉ nói đến sự hy sinh của người vợ, người mẹ mà ít khi nói đến sự hy sinh của người chồng, người cha. Trong mối quan hệ nào cũng cần có sự hỗ tương, hai chiều. Người này hy sinh cho người kia thì người kia cũng phải nghĩ đến phúc lợi của người đã hy sinh cho mình.
Chúa biết tấm lòng sẵn sàng hy sinh của người phụ nữ nên trong lời dạy về bổn phận vợ chồng, Ngài không bảo người vợ phải hy sinh. Trái lại, Chúa nhắc nhở các ông phải hy sinh cho vợ. Thánh Kinh dạy: ”Chồng phải yêu vợ như Chúa Cứu Thế đã yêu Hội Thánh, hy sinh tính mạng vì Hội Thánh” (Ê-phê-sô 5:25, BDY). Chúa Cứu Thế đã hy sinh tất cả cho con dân Ngài, tức là Hội Thánh, và Ngài bảo các ông chồng cũng phải yêu vợ và hy sinh cho vợ giống như vậy. Chồng phải hy sinh cho vợ, đây là một lời dạy đặc biệt mà chúng ta chỉ tìm thấy trong Kinh Thánh.
Các ông hy sinh cho vợ như thế nào? Có ông nói với vợ: ”Tôi phải đi làm vất vả suốt ngày để nuôi vợ con, đó là hy sinh rồi, bà còn muốn tôi làm gì nữa?” Thật ra, đó mới chỉ là chu toàn trách nhiệm của người chủ gia đình chứ chưa phải là hy sinh. Hy sinh là sẵn sàng không hưởng điều ta đáng hưởng và vui lòng làm điều ta không phải làm, để đem phúc lợi đến cho người khác. Ví dụ, sau một ngày dài làm việc, người chồng về đến nhà vừa mệt vừa đói nên chỉ muốn ngồi đọc báo hay xem ti-vi chờ đến giờ cơm. Ngồi đọc báo chờ cơm là quyền của người đã đi làm suốt ngày. Nhưng, nếu người chồng thật lòng thương vợ với tình yêu hy sinh, sẽ không đọc báo chờ cơm, tức là không hưởng điều mình có quyền hưởng nhưng VUI VẺ vào bếp giúp vợ, tức là làm điều mình không phải làm. Chữ ”vui vẻ” ở đây rất quan trọng vì nếu giúp mà cằn nhằn không vui thì sự giúp đỡ đó không còn ý nghĩa!
Một ví dụ khác là khi vợ mới sinh còn yếu, tối phải thức lo cho con, ban ngày cũng không được nghỉ ngơi vì phải lo cơm nước cho gia đình hoặc lo cho những đứa con khác. Trong trường hợp đó, người chồng nên giúp vợ lo cơm nước, chăm sóc con cái, hoặc thay vợ thức dậy nửa đêm lo cho con. Khi người chồng sẵn sàng làm những việc đó, dù không phải là trách nhiệm của mình, đó là người có lòng hy sinh. Ngoài ra, nếu vì bận lo chăm sóc con mà người vợ không trọn bổn phận với chồng, người chồng cũng nên thông cảm chứ đừng phiền giận vợ. Đó mới thật là người chồng người cha biết hy sinh cho vợ con.
Có một ông chồng kia, đi làm ”ca” hai nên tối nào về đến nhà cũng đã nửa khuya. Thế nhưng đêm nào bà vợ cũng phải thức dậy, hâm cơm và dọn ra bàn cho ông, nếu không thì ông giận và không ăn. Một ông chồng khác thì nói với vợ rằng suốt tuần ông đã đi làm vất vả nên cuối tuần phải cho ông đi chơi với bạn bè. Và cứ đến cuối tuần, người chồng đó đi nhậu nhẹt say sưa, không để ý đến việc nhà, cũng không dành thì giờ cho gia đình. Đó là những người ích kỷ, không biết hy sinh cho người khác.
Cũng có những ông chồng vì quá bận rộn với công việc nhà thờ, hoặc với các sinh hoạt của hội thánh mà quên gia đình và không chu toàn bổn phận người chồng, người cha. Trong trường hợp này, người vợ thường không dám nói gì vì sợ là mình ngăn cản chồng lo công việc nhà Chúa. Tuy nhiên, các ông cũng cần cẩn thận để không lấy cớ lo việc Chúa mà bỏ bê gia đình. Sứ đồ Phao-lô cho biết: ”Nếu có ai không biết cai trị nhà riêng mình thì làm sao cai trị được Hội Thánh của Đức Chúa Trời?” (I Ti-mô-thê 3:5). Tương tự như thế, chúng ta có thể nói, nếu một người không phục vụ trong gia đình làm sao có thể phục vụ trong Hội Thánh? Có lẽ người đó phục vụ để được tiếng khen chứ không thật lòng quan tâm đến công việc Chúa.
Thánh Kinh dạy: ”Chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy. Vì chẳng có người nào ghét chính thân mình, nhưng nuôi nấng, săn sóc nó như Chúa Cứu Thế đối với Hội Thánh” (Ê-phê-sô 5:28-29). Nếu một người chồng yêu vợ như Chúa yêu Hội Thánh và yêu vợ như chính bản thân, người đó sẽ không quá yêu mến công việc hoặc hưởng sung sướng một mình để vợ con phải chịu thiệt thòi. Người đó sẽ không đưa bạn về nhà mỗi tuần để vợ phải lo nấu nướng, phục dịch. Khi có tiền, người đó cũng không đi chè chén với bạn bè, vui hưởng những món ngon vật lạ một mình và không nghĩ gì đến vợ con.
Dù Kinh Thánh không trực tiếp khuyên các bà phải hy sinh cho chồng mà chỉ khuyên các bà phải vâng phục chồng như vâng phục Chúa, chúng ta thấy lời dạy này cũng ngầm khuyên các bà phải hy sinh. Thật ra, đối với các bà, điều khó không phải là chịu khổ để lo cho chồng, nhưng là phải vâng phục chồng trong mọi sự. Khi vâng phục chồng trong mọi sự là các bà phải hy sinh cái tính muốn điều khiển chồng và muốn cầm quyền trên chồng. Có những bà vợ sẵn sàng chịu cực khổ, vất vả để giúp chồng thành công nhưng không sao bỏ được tính lấn lướt chồng. Có bà dùng sự khôn ngoan, khéo léo để buộc chồng phải làm theo ý mình. Cũng có người hy sinh cho chồng nhưng sau đó cứ kể lể, than van, nhắc đi nhắc lại sự vất vả của mình, khiến chồng rất là khổ tâm.

Như đã trình bày ở trên, hy sinh không chỉ có nghĩa là từ bỏ quyền lợi của mình nhưng cũng có nghĩa là nếu cần, sẵn sàng quên đi nhu cầu của mình nữa. Người nam và người nữ đều có những nhu cầu khác nhau. Nhu cầu nào cũng chính đáng và cần được đáp ứng. Ví dụ, các ông thường có nhu cầu nhiều hơn về vấn đề chăn gối, trong khi đó, các bà cần được chăm sóc, an ủi, vỗ về hơn là tình dục. Nếu muốn đời sống vợ chồng ngọt ngào hạnh phúc, chúng ta không chỉ nghĩ đến nhu cầu của mình và trông mong người kia đáp ứng. Trái lại, chúng ta nên nghĩ đến nhu cầu của vợ và nhu cầu của chồng trước.

Nhiều khi chúng ta cố gắng làm vừa lòng nhau hay hy sinh cho nhau những chuyện lớn nhưng lại làm buồn lòng nhau vì những chuyện nhỏ nhặt. Trong đời sống gia đình, những thái độ, những cử chỉ không đẹp, hay những lời nói thiếu tế nhị trong những vấn đề nhỏ nhặt thường dễ sinh ra nan đề, lắm khi đưa đến những bất hòa lớn. Vì thế vợ chồng không những nghĩ đến nhau và chiều nhau trong những việc lớn, nhưng cũng cần cẩn thận và tế nhị với nhau trong những chuyện nhỏ nhặt.
Một ví dụ thực tế là khi chồng mới đi làm về, người vợ không nên trút ngay những bực dọc trong ngày cho chồng, nhưng hãy ”hy sinh”, chăm sóc hỏi han chồng trước. Rồi khi chồng đã được nghỉ ngơi, ăn uống xong, lúc đó các bà mới nên kể cho chồng nghe những điều xảy ra trong ngày. Có nhiều bà khi chồng đi làm về, vừa bước vào cửa là đã than phiền bao nhiêu chuyện. Nào là con cái nói không nghe, ống nước bị nghẹt, máy giặt bị hư, v.v... Khiến chồng không kịp thở hoặc quá chán nản đến nỗi muốn quay trở ra xe đi đến một chỗ nào khác cho được yên thân.
Các ông cũng vậy, sau một ngày dài đi làm, khi về đến nhà gặp lại vợ, đừng than van những việc ở sở, cũng đừng hạch hỏi vợ về công việc trong nhà hay than phiền cơm nước chưa dọn sẵn, nhưng hãy hỏi thăm vợ trước, vì có thể người vợ có điều chất chứa trong lòng và đang mong chồng về để chia xẻ với chồng. Khi chồng hay vợ lỡ quên điều gì làm hỏng việc của mình, hay lỡ làm điều lầm lỗi, chúng ta cũng không nên cằn nhằn hay nhắc đi nhắc lại làm người đó khổ tâm. Trái lại, chúng ta nên suy nghĩ cách tích cực, làm những gì mình có thể làm được, để cứu vãn tình thế và giúp cho người kia bớt áy náy, khó chịu. Đó mới thật là hy sinh cho nhau.
Minh Nguyên