Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Sunday, July 15, 2012

Tháp Vĩnh Cữu --10


SIÊU CÔNG SUẤT TẠI CARIBBEA


Thì giờ trôi qua càng nhanh tôi càng biết chắc Đức Chúa Trời có đồng hồ riêng của Ngài!
Khi chúng ta kéo lê đằng sau thời biểu của Ngài, hoặc tìm cách tự đẩy mình tới trước, thì chắc chắn lệnh báo động sẽ cảnh cáo chúng ta. Đó chính là điều xảy ra cho tôi vào ngày Tháng Tám đó, khi Đức Chúa Trời chận tôi lại - cách đột ngột! Tôi tin đó chính là Đức Chúa Trời rung chuông - và vì nhiều lý do: trong số nhiều điều khác, để dạy tôi những lẽ thật sâu xa, và để cung ứng một phương tiện mạnh mẽ để đâm xuyên mọi ngõ ngách xa xôi mà chân lý của Ngài chưa hề được nghe tới.

Tôi cần phải suy nghĩ và có thì giờ cầu nguyện cho chính đời sống mình cũng như cho việc mở rộng thêm việc phát thanh . Vì thế, Ngài đã chận tôi lại.
Trong bịnh viện, tôi không biết mình còn sống được bao nhiêu ngày. Dù sao, tôi cảm thấy vẫn còn nhiều việc phải làm. Việc tôi làm cho Chúa vẫn chưa đủ.
Từ lâu chúng tôi vẫn muốn tìm thêm một địa điểm bổ sung để phát thanh vào Âu châu, và các chuyên gia bảo với chúng tôi là nên đặt tại vùng Caribbea. Bây giờ thì phải bắt đầu tìm kiếm gấp rút. Giai đoạn này của công việc không tiến triển nhanh chóng. Nó bắt đầu với sự cầu nguyện và nhiều giờ tranh chiến, vào thời điểm mà mọi sự đều không chỉ là cố gắng mà là liều lĩnh.

Người vợ thân thiết của tôi vì quá yêu tôi nên không muốn tôi suy nghĩ việc gì cả - đặc biệt là một dự án mới mẻ gây choáng váng! Nhưng tôi lặng lẽ tự biết trong lòng rằng bước tiến này không phải là vấn đề tranh chiến - cho dù tôi có đủ năng lực để xúc tiến đi nữa. Tôi biết những kế hoạch mới phải là những kế hoạch trọn khóa - do chính Đức Chúa Trời đưa ra và nuôi dưỡng, và được khai sinh bằng sự cầu nguyện lâu dài và suy nghĩ khôn ngoan. Tôi cầu nguyện, và Betty Jane cầu nguyện. Và không phải lúc nào chúng tôi cũng cầu nguyện với ý nhấn mạnh giống nhau, bởi lẽ nàng muốn giữ cho tôi được an toàn , còn tôi thì muốn hiến dâng tất cả.

Trong thời gian hồi phục, tôi ý thức được hai lối suy nghĩ thôi thúc trong tôi. Một số ý nghĩ tốt đẹp và trong sáng nhất xuất hiện khi tôi ở một mình. Từ hôm bị cơn suy tim, tôi để ý thấy khi tỉnh dậy sau giấc ngủ trưa thì tâm trí tôi rất sáng suốt về một số việc mà tôi cần xem xét. Nhưng còn về những vấn đề khác thì dường như tôi cần phải đưa tư tưởng mình vào những lời nói lớn tiếng. Những lúc như vậy thì tôi rất biết ơn vợ tôi. Nàng là người rất giỏi nghe - rất quan tâm giúp tôi sắp xếp tư tưởng thành chương trình có hiệu quả. Qua những tháng tìm kiếm và lập kế hoạch cho một địa điểm bổ sung, tôi không đủ lời để nói hết ý nghĩa của việc được trao đổi với nàng và được nàng chia sẻ nhiều gánh nặng cùng ước vọng và nhu cầu chân thành của tôi.

Việc đọc thêm sách báo cũng giúp chuẩn bị tôi. Khi tôi thấy điều Đức Chúa Trời đã làm cho những người khác cũng là môn đồ Ngài, thì tôi có được khải tượng riêng về đời sống mình. Tôi thấy mình thiếu sót. Tôi nhận ra con số gia tăng khủng khiếp những người cần nghe Phúc Âm. Tôi nhớ các chuyên viên kỹ thuật đã thông báo cho chúng tôi địa điểm tốt nhất. Những nhận thức này pha trộn trong lòng và trí tôi. Và thực sự chính trong thời gian ba tháng khi tôi bị cấm làm việc thì đồng hồ của Đức Chúa Trời cho thấy là đã gần tới lúc phải hành động.

Tôi thấy mình ở trong tình trạng thật tế nhị. Trước mặt Đức Chúa Trời, tôi cảm thấy có nhiều việc phải làm. Trước gia đình, tôi cảm thấy mình cần phải cẩn thận theo đúng từng lời căn dặn của bác sĩ. Điều này khiến Betty Jane phải tận hiến và cân nhắc rất nhiều, còn tôi thì phải kiên nhẫn và cầu nguyện nhiều hơn để có thể vạch ra chi tiết cho từng ngày.
Thời gian hạn chế ba tháng vừa mãn ngay sau Giáng sinh 1961. Tháng Hai 1962 tôi lên đường đi Puerto Rico để xem qua những khả năng dựng một đài siêu công suất tại đó. Ben Armstrong cùng đi với tôi. Anh cùng với vợ là Ruth cùng làm việc toàn thời gian với chúng tôi năm 1959. Anh trung tín phục vụ trong vai giám đốc phát thanh, thiết lập được những mối liên hệ cộng tác hiệu quả giữa Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới với nhiều phát thanh viên phái Phúc Âm của Mỹ và Canada. Ben và Ruth cũng phục vụ một năm tại đài phát thanh chúng tôi ở Monte Carlo. Họ rời Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới năm 1966, vì Ben được hội Phát thanh Viên Tôn giáo Quốc gia (National Religious Broadcasters) mời làm thư ký trong ban quản trị.

Lý do để lập thêm một đài khác với công suất mạnh hơn chỉ là vì chúng tôi muốn có thể nói chuyện được với nhiều người hơn, để chúng tôi có thể bao gồm mọi vùng mục tiêu hiệu quả hơn trong những giờ cao điểm với Phúc Âm.


Hình ở trang 164: Lối vào hiện trường phát sóng tại Bonaire
Hình ở trang 165: Bill Mial, giám đốc vùng đầu tiên tại Bonaire


Chuyên gia trong lãnh vực phát thanh quốc tế, các cố vấn tại Geneva, Thụy Sĩ, tại Đại học Edinburgh, tại Darmstadt, Đức, cùng nhân viên của ban phụ trách Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ - tất cả đều nói là chúng tôi cần phải có thêm một địa điểm phát sóng ngoài Monte Carlo, nếu muốn vươn tới các vùng mục tiêu cách hiệu quả hơn..Mọi người đều đồng ý rằng địa điểm bổ sung tốt nhất vẫn là một nơi nào đó trong vùng Caribbea. Từ đó bạn có thể phát thanh ra cho bốn trong năm lục địa trên thế giới với hiệu quả đáng kể. Vài cố vấn tại Geneva gợi ý tôi tiếp xúc với các giới chức Đức về khả năng đặt địa điểm tại một trong các vùng bảo hộ của họ.

Tại Puerto Rico tôi được biết rằng, dù rằng họ cấp phép cho chúng tôi xây đài, nhưng mỗi lần họ chỉ cung ứng hai tần số thôi. Trong việc phát thanh quốc tế, thì điều này cũng phần nào giống như chạy đua băng đồng mà tay chân bị cột lại vậy.
Trong lúc đó, cuộc khảo sát vẫn tiếp tục. Chúng tôi được biết rằng khi công suất phát đi từ Monte Carlo bắt đầu suy giảm trong những giờ buổi tối, thì một đài ở Caribbea - nhờ vị trí của nó - sẽ bắt đầu mạnh hơn trong vài vùng. Đài này sẽ bổ sung cho đài kia, phóng mạnh vào bất cứ vùng mục tiêu nào của chúng tôi, giúp chúng tôi đạt tới những vùng chỉ định ở mức tối ưu. Chúng tôi thấy mình ở vào một trong những địa điểm tốt nhất trên thế giới để gia tăng tiềm năng của mình. Mọi việc nghiên cứu đều được thực hiện cho chúng tôi bởi những kỹ sư tài năng và nhằm quyết định những điểm cụ thể cho các máy phát sóng cùng ăng ten mới của chúng tôi. Cho dù có đặt đài tại nơi nào ở Caribbea thì chúng tôi cũng có thể dùng thông tin này.

Ngay sau chuyến đi Puerto Rico, trong khi viếng thăm ban phụ trách tại Monte Carlo, tôi dừng lại để điện thoại cho một người bạn đang làm việc cho Công ty Radio Phillips tại Hoà lan. Tôi yêu cầu ông sắp xếp cho tôi gặp một đại diện từ Netherlands Antilles hoặc Surinam. Nhờ uy tín của lời đề nghị ông, tôi xúc tiến bay qua The Hague. Tới nơi, tôi gọi điện cho văn phòng đại diện Netherlands Antilles. 

Người đại diện nói với tôi: “Tôi nghĩ ông có thể làm một việc hữu ích nhiều hơn là gặp tôi, thưa Tiến sĩ Freed. Ngay lúc này Ông I. C. Debroit, Bộ trưởng Văn hóa Giáo dục của Netherlands Antilles đang ở Hà Lan. Ông nói chuyện với ông ấy thì thích hợp hơn.”
Khi tôi điện thoại cho Ông Debroit, ông nói sẽ rất vui gặp tôi trong vòng ba hoặc bốn ngày nữa, nhưng ngay lúc này thì ông phải đi Armsterdam. Tôi giải thích là tôi phải trở về Mỹ ngay nên đề nghị ông xem tôi có thể đi Armsterdam ngay chiều hôm đó để nói chuyện vài phút được không. Ông đồng ý.

Tôi đi năm mươi dặm đến gặp ông Debroit, và vài phút của chúng tôi tăng thành ba tiếng. Ông trở nên nhiệt tình về những khả năng có thể thực hiện cho Quần đảo Antilles qua một đài phát thanh siêu công suất. Ông nhìn thấy được giá trị của loại lắp đặt này đối với toàn vùng, khiến cho khắp thế giới đều biết đến quần đảo này. Ông sẵn sàng tin vào tiềm năng đó đối với cả hai chúng tôi.

Mười ngày sau khi tôi trở về Mỹ, một điện tín chính thức từ chính phủ Antilles giao cho văn phòng tôi. Đó là thư mời sang đảo để hội nghị sơ khởi về đài.
Khi chiếc phản lực KLM bay vào Curacao, trụ sở chính quyền trung ương của Netherlands Antilles, tôi nhận biết không thể tự lo việc này được. Cứ lần nào bắt đầu hành động theo ý riêng, là tôi phải dừng lại vì vấn đề sức khỏe. Tôi biết Chúa đang điều khiển, và bất kỳ tiến triển nào cũng phải là bước tiến của Ngài.
Statius Muller, giám đốc Cơ quan Thông tin, đón tôi tại phi trường và lái xe đưa tôi về Willemstad, thủ đô của đảo. Ngày hôm sau chúng tôi được mời gặp các viên chức chính phủ trong một buổi tiệc tại Pháo đài Nassau xưa, nhìn xuống tỉnh thành và bến cảng theo kiểu Hà lan kỳ lạ.

Các bộ trưởng cực kỳ thân thiện và muốn giúp tôi tiếp tục thảo luận về kỹ thuật với Ông R. H. van Haaren, chỉ huy Bộ Bưu điện, Điện báo và Điện thoại. Ông van Haaren, với sự ủng hộ của chính phủ, cho thấy là họ hoàn toàn cộng tác với chúng tôi - cho phép xử dụng bất cứ số lượng tần số sóng ngắn nào mà không gây trở ngại cho hoạt động của địa phương, và cho phép dùng bất cứ công suất nào trong việc phát thanh trên cả làn sóng ngắn lẫn sóng thường. Cái thứ hai đáp ứng được yêu cầu 500.000 watts khó thực hiện của tôi, vốn là đài AM mạnh nhất tromg Tây Bán cầu, và là một tần số thích hợp cho công suất lớn như vậy. Những đài mạnh nhất tại Mỹ hoạt động chỉ với một phần mười công suất đó - 50.000 watts, vì vậy tôi biết là mình xin khá bạo.
Thủ tướng E. Jonckheer, Quyền Phó Toàn quyền Markos, và Bộ Trưởng Tài chánh Kroon đặc biệt sốt sắng làm mọi việc có thể được để khiến cho địa điểm tại Curacao hấp dẫn đối với chúng tôi. Tôi dự tính chỉ ở Antilles ba hoặc bốn ngày để điều tra sơ khởi. Nhưng mối quan tâm quá sâu sắc, ước muốn quá rõ rệt, cùng những dàn xếp quá rộng rãi khiến tôi lưu lại suốt hai tuần theo yêu cầu của họ.


Hình ở trang 168: Văn phòng cùng tòa nhà phát sóng của Đài Phát Thanh Xuyên Thế Giới tại Bonaire

Trong thời gian đó, trong một hội nghị tư nhân gồm nhiều bộ trưởng, và với những kỳ họp liên bộ, mọt giấy phép được soạn thảo cho phép chúng tôi 1) chọn bất cứ tần số nào hiệu quả trên băng tần AM, 2) được dùng công suất AM lên tới nửa triệu watt, 3) dựng bao nhiêu máy phát sóng ngắn với bất cứ công suất nào cũng được, 4) dùng bất cứ bao nhiêu tần số hợp lý, 5) nhận miễn phí từ chính quyền địa phương một miếng đất cách Willemstad mười dặm để làm điểm xây đài, 6) dùng kinh 2 cho đài truyền hình bất cứ lúc nào trong tương lai.
Trước mặt tập thể những viên chức sốt sắng của chính phủ Curacao trong phòng họp chính của tòa nhà Chính quyền Trung ương, Thủ tướng Jonckheer trao cho chúng tôi giấy phép chính thức để xây đài phát thanh siêu công suất.
Chúng tôi đã hội ý với nhiều chính phủ trong vùng Caribbea - hoặc chúng tôi tiếp xúc với họ hoặc họ tiếp cận chúng tôi - và tôi chờ đợi sẽ mất ít nhất là hai năm mới có được giấy phép từ họ. Thật là phép lạ chỉ trong hai tuần sau khi tôi đến Antilles, chúng tôi đã được phép dựng một đài phát thanh siêu công suất ở Curacao trong Quần đảo Netherlands Antilles Islands.

Chưa bao giờ trước đây trong lịch sử phát thanh lại có một loại nhóm tư nhân nào mà được cấp giấy phép như vậy. Giấy phép đó sẽ giúp chúng tôi nhân lên gấp hàng ngàn lần trong nội địa các quốc gia, hàng ngàn lần con số những người không hề được nghe qua phương tiện nào khác.
Tôi nhớ lại rằng, khi trở về Mỹ, một người trong ban phụ trách hỏi tôi: “Làm sao ông biết là ý Đức Chúa Trời muốn đi một bước khổng lồ như vậy ở Caribbea? Dường như có lằn ranh quá mỏng manh giữa đức tin với giả định dại dột.”
Để trả lời, tôi nói: “Trước hết, chúng ta không thể nhìn vào chi phí. Chúng ta phải xác định ý muốn Đức Chúa Trời, rồi tin tưởng tiến tới bất chấp giá phải trả, vì biết rằng khi chúng ta đã làm theo ý Ngài, thì Ngài sẽ cung ứng phương tiện.”
Dù sao, đây há chẳng phải là điểm then chốt trong nếp sống Cơ Đốc biết tin cậy hay sao? Trước hết, tìm kiếm ý muốn Đức Chúa Trời; sau đó, bước vào ý muốn đó không chút sợ hãi.

Hầu như ngay sau khi tôi về Mỹ, chúng tôi bắt đầu sắp xếp xây các máy phát sóng, toàn bộ hệ thống ăng ten, và nhà máy phát điện. Trang thiết bị phải là hiện đại nhất trên mọi phương diện, cải tiến hơn nữa các hệ thống sử dụng bởi đài Tiếng Nói Hoa Kỳ. Các ăng ten phải được thiết kế để có thể phát đi mọi hướng với công suất và hiệu năng tối đa. Các máy phát sóng phải có hệ thống làm mát hơi nước hiện đại nhất cùng với những đặc trưng hiện đại khác. Chúng tôi phải cố gắng tối đa về kỹ thuật để đến với từng người một có thể được.

Vài công ty tại Hoa Kỳ, Hà Lan, Thụy Sĩ, và Đức có khả năng đảm nhận công việc của chúng tôi, nhưng chúng tôi giao hợp đồng cả về máy phát sóng lẫn hệ thống ăng ten cho Continental Electronics tại Dallas, Texas. Họ đã từng có kinh nghiệm xây trang thiết bị phát thanh lớn nhất trên thế giới cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, và cho các đài thật mạnh khác như là mấy đài ở Okinawa và Munich, Đức. Thầu xây nhà máy phát điện chạy bằng dầu được giao cho Alco-Westinghouse tại Schenectady, N. Y.
Giám đốc Loomis của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ nói: “Phát thanh viên khắp thế giới đang gia tăng công suất lẫn giờ làm việc trên không. Những làn sóng phát thanh chen chúc muôn vàn tiếng nói tranh giành sự chú ý của thính giả”.

Loomis kết luận: “Sự trông cậy duy nhất mở ra cho Đài VOA (Tiếng Nói Hoa Kỳ) là gia tăng công suất thay vì cạnh tranh trên cùng tần số, và biết linh động hơn trong việc dùng các tần số. Đây là cuộc chiến rừng. Phần thắng thuộc về kẻ mạnh, khôn, và nhanh.”

Để cạnh tranh trong “rừng âm thanh” này - để đụng tới những linh hồn không hề chết của những người nam và nữ với sứ điệp Phúc Âm - chúng tôi biết mình phải ngang bằng - hoặc thậm chí vượt trội - siêu công suất của các đài thế tục. Chúng tôi biết rằng những người nam và nữ thuộc nhiều vùng khắp thế giới sẽ không biết đến Chúa Giê-xu Christ nếu không gia tăng phước hạnh qua việc phát thanh siêu công suất hiện đại.
Sau khi hợp đồng về trang thiết bị cần thiết đã ký xong, chúng tôi bắt đầu tự hỏi - mình đã quên điều gì, có bỏ sót điều gì, có phạm lầm lỗi nào chăng? Chúng tôi đã bỏ ra nhiều tháng lo soạn thảo loại hợp đồng thích hợp với Continental Electronics và Alco-Westinghouse, và chúng tôi thấy rằng công tác lớn nhất là sự trao đổi liên tục cần thiết giữa ban phụ trách Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới với các chuyên viên kỹ thuật của Continental. Cần có những thay đổi và điều chỉnh. Các quyết định không bao giờ có thể được thực hiện chỉ dựa vào cơ sở kỹ thuật, vì chúng thường có được chỉ là nhờ vào sự thường xuyên ôn lại những mục tiêu truyền giáo của chúng tôi. Chúng tôi luôn biết ơn ban phụ trách tại Monte Carlo, những người khác trong lãnh vực phát thanh Cơ Đốc, những học giả cùng chuyên viên kỹ thuật trong các vị trí chiến lược, luôn sẵn sàng cố vấn và cùng làm việc với chúng tôi.
Kết quả lạ lùng cuối cùng của ba tháng hoạch định đó là có thật ít - không phải nhiều - điều sai trật! Các công ty chính mà chúng ta cùng làm việc, cực kỳ lịch sự trong giao tế với chúng tôi. Chúng tôi thấy họ là những công nhân chân thật, sẵn sàng cùng thay đổi với chúng tôi khi cần thiết.


Hình ở trang 171: Xây máy phát sóng ở Bonaire

Toàn bộ công tác điều phối và xúc tiến dự án ở phần này vô cùng phức tạp và phiền hà. Tôi cảm thấy cần phải có sự giúp đỡ kịp thời. Nhân vật xuất hiện ngay lúc đó cần được đề cập là Bill Mial, cùng với vợ là Joan, đã giúp Ba tôi thật xuất sắc trong việc thi hành chức vụ phát thanh tại Monte Carlo. Thật khó cho tôi mô tả hết được sự đóng góp của Bill trong năm kế tiếp, khi anh cùng gia đình dọn về Chatham, New Jersey, để giúp trong văn phòng quê nhà và cùng làm việc bên cạnh tôi trong bước xúc tiến lớn này.

Trong khi đó, tại Curacao, Doug và Betty Griffin đã dọn về một trong những căn nhà nhỏ trên miếng đất do chính phủ cho chúng tôi. Vừa từ Monte Carlo tới cũng như đã dày dạn kinh nghiệm trong ban phụ trách Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới tại Tangier, ông bà Griffin làm việc xa nhà, biết lập kế hoạch xây cất, kiểm tra vật liệu, và đánh giá những nan đề.

Khi đã quen thuộc với đảo san hô cận nhiệt đới cách xa bờ biển Venezuela này rồi, thì họ cùng với nhiều người khác trong chúng tôi bắt đầu thấy trước những trở ngại nghiêm trọng. Các kỹ sư, của chúng tôi và của chính phủ, nhìn vào những tình tiết phức tạp của đài siêu công suất, bắt đầu lo ngại rằng chúng tôi xây quá gần phi trường phản lực cơ tại Curacao. Càng xem xét, chúng tôi càng sợ sự gần gũi này. Sợ không chỉ vì những vấn đề chúng tôi sẽ đối diện , mà còn vì những vấn đề có thể xảy ra do chính chúng tôi gây cho máy bay trong tương lai nữa.
Vào lúc này tôi nghe bạn tôi là Markos, đã từng là Quyền Phó Thống đốc Curacao, vừa được Nữ hoàng cử làm phó Thống đốc đảo Bonaire kế bên. Tôi bắt đầu suy nghĩ có lẽ mình nên xem qua tình hình ở đó ra sao. Vì vậy tôi mời Doug cùng tôi thám hiểm sơ qua Bonaire.

Anh trở về hoàn toàn phấn khởi. Ở Bonaire có ít người hơn ở Curacao. Không có phi trường cho phản lực cơ. Và những ruộng muối thật lớn cho chúng tôi những điều kiện dường như ưu thế về kỹ thuật. Khi tôi tiếp cận ông Markos cùng các viên chức hàng đầu của đảo, họ tỏ ra quan tâm và đồng ý ngay khả năng xây một đài phát thanh truyền giáo rộng lớn tại đó.

Dù không dễ cho họ làm điều đó, nhưng các viên chức của Curacao thật rộng lượng không đòi hỏi giấy phép - chẳng tốn đồng nào cả. Chúng tôi chẳng phải đầu tư thứ gì. Theo thời khóa biểu thì còn hai tuần nữa là bắt đầu xây cất. Toàn bộ kế hoạch cho tới thời điểm này hoàn toàn có thể chuyển sang Bonaire.
Curacao là cánh cửa mở cho chúng tôi vào Caribbea. Nếu chúng tôi đi Bonaire trước, để xem xét tiềm năng xử dụng, thì nó sẽ có vẻ như một đảo bất khả thi đối với chúng tôi. Chỉ có 112 dặm vuông đá san hô, nhô lên thành một dãy núi thấp ở đầu phía bắc. Gió thổi liên tục xuyên qua nhiệt độ nhiệt đới. Tọa lạc ngay phía đông Curacao, và lớn vào hàng thứ nhì trong nhóm đảo Leeward Antilles. Nhưng chúng tôi khám phá về mặt kỹ thuật thì không thể có bất cứ địa điểm nào khác trên thế giới tốt hơn nơi đó- Bonaire chủ yếu là những ruộng muối, nước muối vây quanh bốn bề, cung ứng sự dẫn điện tuyệt vời, muối ướt là chất dẫn điện tốt nhất sau kim loại! Nhiều chuyên gia nói, đặt đài ở đó cũng giống như tăng công suất lên gấp đôi vậy.

Bài viết trong một nhật báo của Netherlands Antilles nói: “Chính phủ Trung ương (của toàn quần đảo Antilles) không chống đối việc cấp phép dựng lên đài này tại Bonaire. Ông R. A. van Haaren, giám đốc của Lands-Radio, viếng thăm Bonaire để xem xét những kế hoạch và dự án. Ông thấy mọi sự đều đâu vào đấy. Chính quyền Bonaire sẽ cùng làm việc sát cánh với Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới ở mức tối đa. Máy phát sóng này đặt tại Antilles là điều tốt.
“Nhiều công nhân Bonaire tìm được việc làm nhờ dự án này. Tiến sĩ Freed rất biết ơn sự đón tiếp nồng hậu và trợ giúp nhiệt tình ở đó. Cùng với ban phụ trách, Tiến sĩ Freed hoàn toàn tin vào sự kêu gọi rõ ràng của Đức Chúa Trời, phải mang Phúc Âm cho toàn cầu. Mặt khác, lời kêu gọi này của Đức Chúa Trời đã được đáp ứng theo kiểu kinh doanh nổi tiếng của Hoa Kỳ.”

Đức Chúa Trời đã cho chúng tôi một nhóm người cùng phục vụ trong Ban Giám Đốc. Những con người tận hiến này là rường cột của Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới suốt cả dự án, cũng như trong nhiều mặt khác của chức vụ chúng tôi. William Haynes, A. L. Robertson, và R. B. Turney đã trung thành phục vụ trong ban ngay từ lúc khởi đầu Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới. Weaver Futrell, Milton G. Frazier, Paul Grube, Milton Klausmann, George W. Lynch, và James O. Buswell III từng phục vụ nhiều năm trong ban. Trong những năm gần đây, sự có mặt của Leroy Webber, Milton Klausmann và John Hallett đã giúp tăng cường năng lực cùng sức sống cho ủy ban.


Hình ở trang 174: Ban Giám Đốc của Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới:
Trái qua phải, hàng đầu: A. L. Robertson, William P. Haynes, Paul E. Freed, Ralph Freed, Milton G. Frazier;
Hàng thứ nhì: Weaver Futrell, Milton Klausmann, R. B. Turney, John C. Hallett;
Hàng thứ ba: Thomas Sanders, Leroy C. Webber, George W. Lynch, Hermann Schulte, James O. Buswell III.


Những người này xuất thân từ nhiều nẻo đường đời khác nhau. Vài người là mục sư, những người khác phục vụ Chúa trong thế giới doanh nghiệp, trong khi những người khác có tài năng đặc biệt thì tạo thành một nhóm lãnh đạo đầy năng lực cho Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới. Họ không chỉ giúp đề ra chính sách, mà còn tỏ ra vô cùng mong muốn nâng đỡ Ba tôi và tôi cùng toàn ban phụ trách trên nhiều phương diện. Họ đã cùng đứng với chúng tôi trong niềm vui cùng nỗi buồn, trong chiến thắng lẫn thất bại, khi được khen ngợi cũng như lúc bị chỉ trích, và trong đắc thắng sau cùng của kế hoạch cùng mục đích của Đức Chúa Trời. Giá trị của họ không thể đo lường theo cách loài người mà chỉ có cõi đời đời mới cho thấy ảnh hưởng toàn vẹn trong sự lãnh đạo tận tình của họ.

Đức Chúa Trời cũng ban cho chúng tôi một ban nhân sự tận tụy và tài ba làm việc tại trụ sở chính của chúng tôi ở Chatham, New Jersey. Trong lãnh vực hành chánh, Bob Dickinson mang lại sự trợ giúp vô giá. Anh không chỉ có năng lực và tài ba, mà còn là người tận hiến thuộc linh sâu sắc. Ted Bleich, uỷ viên tài chánh của chúng tôi, là con người phục vụ hiệu quả và không mệt mỏi trong công tác quan trọng nhất. Anh thật độc đáo trong cách tỏa ra tình cảm thuộc linh sâu sắc khi tiếp xúc với nhân sự của Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới cùng công chúng trong công tác chuyên môn bình thường này.

Đức Chúa Trời dẫn chúng tôi từng bước một cho tới khi Ngài đưa chúng tôi đến chỗ Ngài muốn chúng tôi đến, vào chính xác thời điểm trên đồng hồ của Ngài. Suốt đường đi, Ngài ban cho chúng tôi sự bình an lớn. Bước diễn tiến chậm chạp và vững chắc, và sự yên tịnh sâu xa khiến chúng tôi không còn chỗ để nghi ngờ là mình có theo đúng thời biểu của Chúa hay không. Thậm chí khi muốn tiến bước nhanh hơn, chúng tôi cũng không tự hỏi là mình có đi đúng hướng hay không. Đây là chương trình của Đức Chúa Trời, và chúng tôi cảm thấy vui được dự phần trong đó.
Các viên chức chính quyền Bonaire tạo sự dễ dãi tối đa cho chúng tôi vạch ra những chi tiết trong việc xây cất đài trên đảo của họ. Họ cho chúng tôi gần một dặm vuông đất bên ngoài Kralen dijk, thủ đô, cộng thêm một miếng đất nữa trong trung tâm thành phố. Họ cho chúng tôi biết là họ sẽ lát đá các con đường và lắp đặt mười đường dây điện thoại giữa thủ đô, nơi có xây các phòng phát thanh, với hiện trường phát sóng bên ngoài thành phố. Họ dự tính dọn sạch miễn phí vùng đất cho chúng tôi, tô điểm phong cảnh và tạo những khu giữ xe ở cả hai địa điểm, và giao mọi thứ đá san hô chúng tôi có cần . Mọi trang thiết bị phát thanh họ đều hứa sẽ cho nhập miễn thuế. Dịch vụ phát thanh tốt hơn liền được xem xét. Và chính phủ bảo đảm cho vay để xây bất cứ tòa nhà nào chúng tôi muốn dựng lên.

Các nhân viên trong Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới của chúng tôi là Dan Harvey và Dick Olson, về sau có thêm Jack Stoner và Bob Schultz cùng những người khác, bắt đầu xây cất dưới sự giám sát của Doug Griffin. Đã có kinh nghiệm với các đài tại Tangier và Monte Carlo, nên Doug Griffin tin chắc Đức Chúa Trời sẽ hướng dẫn việc lắp đặt này cũng diệu kỳ như Ngài đã làm ở những nơi khác. Máy phát sóng cùng các tỏa nhà chứa dầu được xây trước tiên theo thời biểu. Việc xây cất bắt đầu Tháng Chín 1963. Khi kiến trúc sư nghe chúng tôi sắp tự xây lấy, ông thiết kế lại toàn bộ. Về sau, khi ông tới nơi để xem sản phẩm làm xong, ông cười và lắc đầu: “Các ông không bao giờ có thể nhờ nhà thầu mà làm được việc đâu!Và hơn nữa, các ông vẫn còn sớm tới hai hoặc ba tháng theo thời biểu cơ mà.”

Vào khoảng đó, một toán từ Continental Electronics bắt đầu đặt nền cùng những đường dây cung cấp thiết bị cho ăng ten. Tháp AM, được dựng ở độ cao hơn hai trăm thước, gây nhiều rắc rối. Ở độ cao xấp xỉ một trăm thước, những cơn gió mạnh về hướng xích đạo thường thổi dữ dội ngang qua Bonaire với tốc độ năm mươi tới sáu mươi dặm. Điều này tạo ra tình trạng khó chịu nổi đối với công nhân khiến cho một toán phải bỏ cuộc rời khỏi công tác. Continental, tìm một nhóm công nhân chịu khó hơn, xuất hiện với nhóm xuất sắc trong công việc - một đội ngũ vừa mới hoàn tất một vụ lắp đặt phức tạp trong vùng Phương Đông. Với trang thiết bị tốt hơn và nhiều kinh nghiệm hơn, họ đã có thể hoàn tất công tác.

Khi tới lúc chúng tôi phải bắt đầu xây cất tòa nhà phát thanh cùng khu nhà ở, Đức Chúa Trời lại dành cho chúng tôi một sự ngạc nhiên khác. Gerhard Puppel, một Cơ Đốc nhân Đông Đức đã di cư sang Mỹ, có mở một doanh nghiệp xây cất thành công những ngôi nhà đẹp tại Michigan. Trong giai đoạn phát triển công việc, ông nghe được câu chuyện về Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới và đã bán hết mọi thứ, cùng gia nhập với chúng tôi tại Bonaire. Ông cùng với vợ đã đóng góp rời rộng giúp chúng tôi khởi đầu tại Caribbea, và câu chuyện tận hiến của họ đã khuấy động một hội thánh Báp Tít độc lập trong cộng đồng quê hương họ khiến các thuộc viên đảm nhận toàn bộ việc tài trợ ông bà Puppel.


Hình ở trang 177 (Trên): Cung hiến Đài Phát Thanh Xuyên Thế Giới tại Bonaire năm 1964 với sự hiện diện của Vương Phi Beatrix của xứ Netherlands
(Dưới): Vương Phi Beatrix và Tiến sĩ Freed xem qua các tiện nghi của Bonaire

Khi gần tới lúc chúng tôi bắt đầu phát sóng, tôi bị quấy rối vì một vấn đề không thể bỏ qua được. Trước đây trong thời khóa biểu, chúng tôi có chọn tần số cho máy phát sóng AM 500.000 watt. Chúng tôi thực sự chọn bất cứ tần số nào sẽ không gây nhiễu nghiêm trọng cho vô số đài ở Bắc và Nam Mỹ. Sau khi nghiên cứu kỹ, chúng tôi hạn chế lựa chọn vào hai địa điểm khác nhau trên bản chỉ kênh. Cuối cùng chúng tôi chọn một và bám chặt điểm đó, bởi lẽ máy phát sóng cũng như tháp phải được xây chính xác theo một tần số đặc biệt nào đó.

Chúng tôi cảm thấy 800 trên bản chỉ kênh là tần số tốt nhất cần xem xét cẩn thận vì hai lý do. Trước hết, có ít nhất gấp ba lần số người quay sang địa điểm ngay giữa bản chỉ kênh hơn là số người quay sang những đài ở hai đầu. Thứ hai, ở Mỹ không có đài nào tại điểm 800 sau khi mặt trời lặn. Thật ra, đó là tần số duy nhất không được dùng tại Mỹ vào ban đêm. Nhiều điều khác nữa cũng khiến cho 800 kí lô chu kỳ có vẻ thuận lợi cho chúng tôi.

Nhưng có một vấn đề quan trọng. Tại Maracaibo, thành phố lớn thứ nhì của Venezuela, chỉ cách Bonaire 150 dặm, có một đài phát thanh địa phương thật mạnh, phát thanh với công suất 25.000 watt ngay tại điểm 800 trên bản chỉ kênh AM. Tất cả chúng tôi đều biết rõ điều này. Chúng tôi cũng nhận biết có mối liên hệ thân thiện giữa Venezuela với Netherlands Antilles, cũng như giữa Venezuela với Hoa Kỳ. Bình thường và hợp lý thì đây là nước cuối cùng mà chúng tôi muốn xen vào. Nhưng ngoài nan đề về Maracaibo, thì trong trí tôi không hề nghi ngờ gì về việc 800 phải là sự lựa chọn đúng. Nhiều chuyên gia tha thiết khuyên chúng tôi đừng chọn tần số này.
Khi không thể nào trì hoãn được nữa, tôi nghe mình nói với các viên chức rằng 800 sẽ là tần số tốt nhất cho chúng tôi. Tôi nghĩ hẳn mình đã mất trí khi hoàn toàn hủy bỏ Maracaibo như vậy, và có lẽ là cả mối liên hệ giữa chúng tôi với Venezuela.

Sau khi lắp đặt các máy phát sóng - chỉ còn hai tuần nữa là chúng tôi sẽ oang oang khắp vùng lục địa Nam Mỹ - một chuyện mà chúng tôi vẫn còn thấy khó tin. Bỗng nhiên chúng tôi thấy mình chẳng còn nhận được tín hiệu nào từ Maracaibo nữa. Chúng tôi nghĩ hẳn là có trục trặc nào đó họ mới tạm thời im lặng như vậy. Nhưng sau vài ngày không có phát thanh, chúng tôi điều tra mới biết đài Maracaibo bị phá sản và vĩnh viễn ngưng phát thanh!

Vì Maracaibo để điểm 800 bỏ ngỏ cho chúng tôi, nên chúng tôi có thể dời tới một điểm có sẵn thính giả, với những kết quả phi thường hầu như là trực tiếp từ thính giả Venezuela và Colombia. Nếu chúng tôi bắt đầu sớm hơn, trong khi Maracaibo vẫn còn phát thanh, thì hẳn chúng tôi đã áp đảo các chương trình của họ nghiêm trọng đến nỗi họ có thể đã gây áp lực mạnh buộc chúng tôi phải bỏ tần số của mình. Tại đây một lần nữa, chúng tôi đã đi một bước mà theo con người có vẻ như dại dột, thế nhưng tôi biết là đúng. Đó chính là địa điểm của Đức Chúa Trời và thời điểm của Đức Chúa Trời đối với chúng tôi.

Ngày 1 Tháng Mười 1964, chúng tôi tổ chức chính thức khai trương khu liên hợp phát thanh mạnh mẽ của chúng tôi cho các viên chức hàng đầu trên đảo. Đài được cung hiến vào ngày 25 Tháng Hai, 1965, để trùng hợp với chuyến viếng thăm của Vương Phi Beatrix từ Hà Lan. Vào lúc này, các phát thanh viên Cơ Đốc, thành viên trong ban điều hành Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới, cùng các bạn hữu đều bay tới Bonaire để thông công trong hai ngày với ban phụ trách phát thanh, lúc ấy đã lên tới hai mươi lăm người. Chúng tôi có thể biểu tượng hóa sự vươn rộng của đài mới này qua việc giới thiệu với Vương Phi một bé gái Bonaire mười tuổi - tặng một bó hoa cho Vương Phi - đại diện cho hàng triệu người trên khắp thế giới sẽ nghe những buổi phát thanh từ Netherlands Antilles.

Bill Mail, người từng làm việc gần gũi với tôi tại Chatham khi chúng tôi hoạch định những chi tiết của trung tâm phát thanh Caribbea, bây giờ đang cùng gia đình cư trú tại Bonaire. Trong vị trí quan trọng là giám đốc đài, Bill đã thực hiện xuất sắc và hiệu quả vai trò điều phối một ban phụ trách tận tụy và đầy tài năng.
Vào Tháng Tám 1964, việc soạn chương trình thường xuyên trở nên sôi nổi nhất với sự đáp ứng từ Canada tới Tierra del Fuego trên mũi cực nam của Nam Mỹ. Những người trong chúng tôi đi trong nước Mỹ chẳng bao giờ đè nén được niềm háo hức mở các buổi phát thanh bằng Anh ngữ từ “The Island of Flamingo” (Đảo Flamingo) khi rà ra-đi-ô của mình tới 800 ở Miami, Chatham hoặc Los Angeles. Còn các buổi phát thanh tiếng Tây Ban Nha thì thực sự phủ kín hết các nước Châu Mỹ La tinh cho tới miền nam với Phúc Âm.

Máy truyền tin sóng ngắn cỡ lớn 260.000 watt bắt đầu phát đi bốn phương những chương trình bằng nhiều thứ tiếng vào mùa xuân 1965. Với những trợ cụ mới cho việc phát thanh bằng sóng ngắn - tức mạng lưới ăng ten hiệu ứng cao, máy phát sóng siêu công suất, và dữ liệu đều được đưa vào máy tính - Bonaire đang dự phần thực hiện Mathiơ 28: “Hãy đi dạy dỗ muôn dân.”
Từ ngày chúng tôi quyết định cùng đi với Bonaire, con đường đó không hề có điểm dừng!


ÂM THANH CỦA SỰ SỐNG

Từ Argentina tới Canada, từ Cuba tới Ấn Độ, thư từ đổ về Bonaire, đem khích lệ cho giám đốc đài là Bill Mial cùng ban phụ trách toàn thời gian của ông, hiện lên tới năm mươi lăm người lớn. Suốt ba tuần sau khi mở khu liên hợp phát thanh của Antilles, 1200 cánh thư bay về chứng tỏ các chương trình đang được nghe trong năm mươi tám nước khác nhau - tại Âu châu, Phi châu, Trung và Nam Mỹ, cùng Hoa Kỳ. Bắt đầu từ 4giờ sáng mỗi ngày, những động cơ chạy dầu khổng lồ - mỗi động cơ lớn bằng đầu máy xe lửa - rộn rã chuyển động. Chương Trình đầu tiên phát đi bằng tiếng Bồ Đào Nha, phát tới Ba Tây, sau đó các chưong trình khác phát đi Trung và Nam Mỹ bằng Anh ngữ, Tây Ban Nha và Hà Lan; rồi tiếp tục trong ngày cho tới nửa khuya, các chương trình trong hai mươi thứ tiếng khác nhau lướt bay trên không trung với tốc độ ánh sáng để rồi được bắt lấy qua những máy xách tay, những ra-đi-ô gắn đồng hồ định giờ, những ống nghe, cùng những ra-đi-ô để bàn trên khắp thế giới.

Từ Oslo, Na Uy, một sinh viên triết học hai mươi mốt tuổi, viết: “Tôi muốn nhân cơ hội này cám ơn các ông về những chương trình phát thanh từ đài mới mở tại Bonaire . . . nhờ việc phát thanh truyền giáo này mà mắt tôi mới nhìn thấy được Đức Chúa Trời chân thật của chúng ta.”
Một thính giả từ Anh mô tả tín hiệu là “vĩ đại . . . chưa bao giờ được nghe điều gì giống như vậy từ vùng châu Mỹ La tinh.”

Từ Jamaica, có người nói: “Tôi đã nghe các buổi phát thanh Phúc Âm của các ông chín tháng rồi . . . và bây giờ tôi quyết định phục vụ Chúa và hoàn toàn tin cậy Ngài.”
Rồi ở Curacao gần đó, một thính giả viết rằng bà cùng với một nhóm bạn và láng giềng tập họp mỗi chiều Thứ Hai trong nhà bà. Bà giải thích: “Các chương trình của các ông đã làm việc lớn trong lòng nhiều người từng sống trong tối tăm, nay đã tiếp nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa của họ.”
Vào kỳ nghỉ ở Florida, một cặp vợ chồng viết: “Chúng tôi đăng ký sớm vào một khách sạn xa lộ chỉ cốt yếu để thư giãn. Chúng tôi cầu xin Đức Chúa Trời một phước hạnh đặc biệt . . . và trong khi rà đài trên máy ra-đi-ô xách tay nhỏ bé của mình, chúng tôi bắt được chương trình của các ông rất rõ . . . cám ơn các ông về ‘sức sống’ thuộc linh do chương trình đem lại cho chúng tôi.”

Được dịch từ tiếng Bồ Đào Nha, một thư từ Ba Tây viết: “Mỗi tối chúng tôi nghe từ nửa khuya cho tới ba giờ sáng. Đối với những người làm việc suốt ngày, thì ban đêm là lúc nghỉ ngơi . . . nhưng tôi hi sinh ba giờ của giấc ngủ ngon để được đền bù lớn lao là nghe những thánh ca thật hay . . . hôm nay, nhiều bạn cùng tham gia với chúng tôi trong niềm vui này.”
Một thanh niên Cuba viết: “Thanh niên Cuba rất quan tâm tới tôn giáo. Tôi có thể nói với các ông như thế vì chính bản thân tôi là một sinh viên hai mươi lăm tuổi.”
Từ Ba Lan: “Tôi nghe những buổi phát thanh của các ông hằng ngày . . . nghe tốt lắm. Trong Tháng Bảy, vợ chồng tôi đi Nga thăm con gái . . . Dân chúng ở đó cũng nghe những buổi phát thanh của các ông. Chúng tôi thăm nhà của một một anh em trong Đấng Christ có máy ra-đi-ô . . . tất cả láng giềng đều tới nhà anh để cùng nghe các buổi phát thanh.”

Một thư khác từ Ba Lan viết: “Cám ơn những buổi phát thanh của các ông, tôi đã dứt khoát đặt niềm tin nơi Chúa . . . Tôi muốn đọc sách báo Cơ Đốc để nói cho người khác về Đấng Christ. Xin các ông gửi cho tôi một ít.”
Từ Bahamas: “Tôi viết để báo cho các ông biết nhiều người tại Nassau hiện đang nghe chương trình của các ông . . . đi tới đâu, các ông cũng sẽ nghe người ta nói về Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới . . .
Từ Barbados: “Tôi mười tuổi và tôi thích học hỏi thêm về Chúa Giê-xu. Lời giảng của các ông cảm động lòng tôi đêm nay. Cám ơn các ông đã mở lòng tôi cho Đức Chúa Trời.”
Từ Nam Tư: “Những buổi phát thanh của các ông mang lại nhiều an ủi tâm linh. Trước đây tôi chưa bao giờ biết cầu nguyện như bây giờ. Qua các buổi phát thanh, các ông đã chạm đến tâm linh tôi thật sâu xa. Tôi đã trở thành một con người khác hẳn và thấy được sự thay đổi trong đời sống mình. Xin hãy nhận lòng biết ơn chân thành của tôi.”

Các thư khác cho thấy những buổi phát thanh được nghe rõ ràng tại những nơi như Czecholovakia, Latvia, Ấn Độ, Phần lan, Tích lan, Nam Phi, Ghana, và trên các tàu vượt biển. Ngay cả tại Úc châu, số thính giả cũng gia tăng. Các giáo sĩ tìm cách tiếp cận với quần chúng, viết thư bày tỏ niềm vui của họ. Một vị nói: “Qua công tác lớn lao này, hàng ngàn linh hồn được đụng đến. Chúng tôi viếng thăm các gia đình ở đây tại Venezuela, hoàn toàn được nghe Phúc Âm qua các sứ điệp đầy quyền năng của các ông, và khi chúng tôi đưa lời mời, thì nhiều người đã đầu phục Đấng Christ.”
Một giáo sĩ từ Colombia bày tỏ sự biết ơn và kể lại thật sinh động cho chúng tôi câu chuyện có thật sau đây: “Sau nhiều năm Phúc Âm bị bóp nghẹt ở đây, thật là phước hạnh hằng ngày được nghe phát thanh rõ ràng như thế. Một mục sư người Colombia của chúng tôi nói với tôi rằng trong tỉnh của ông ở Guajira, ông có thể đi ngoài đường vào lúc sáng sớm và nghe chương trình của các ông hầu như từ mọi nhà. Một vùng xa, nơi chúng tôi thường viếng thăm trước đây, nay được thăm trở lại vào cuối tuần qua và chúng tôi thật vui thấy một trong những chướng ngại cho công việc ở đó hầu như đã bị cất bỏ, vì chính nhân vật dính líu trong đó, hằng ngày lắng nghe thật nhiều các sứ điệp tuyệt vời trong các buổi phát thanh của các ông.”

Chức vụ của các mục sư bản địa được bổ sung và cơ hội của họ được mở rộng. Một người Colombia tại Medillin viết: “Qua công tác phát thanh, các ông thực sự đã hoàn thành được điều bất khả thi đối với chúng tôi trước đây . . . đó là việc thâm nhập hàng ngàn gia đình trong thành phố này với Lời Đức Chúa Trời . . . Tôi để ý thấy những người trước đây từ chối nghe chúng tôi, bây giờ lại thích thú đáp lời chúng tôi, bảo rằng: ‘Các ông biết không, tôi thích cách giảng này của họ cùng với những bản thánh ca họ trình bày trên đài Bonaire.’”
Từ Paraguay, một thính giả viết bằng tiếng Nga: “Có thể các ông không biết được việc Chúa đang làm qua các ông đâu. Tôi thật được phước nhờ chương trình của các ông đến nỗi phải viết thư này . . . nhiều tín hữu đang nghe và những người khác đang quay về với Chúa . . . Mới đây tôi đã làm báp têm cho bảy người tin Chúa.”
Dân số thế giới đang gia tăng nhanh chóng. Con số sẽ tăng gấp đôi vào cuối thế kỷ này. Khi Đấng Christ nhìn thấy các đoàn dân đông, Ngài động lòng thương xót. Có thể nào chúng ta lại quan tâm kém hơn như thế đối với số phận đời đời của họ ngày nay sao?


QUÀ TẶNG VÔ GIÁ

Năm chuyến đi của tôi qua các nước sau Bức Tường Ngăn Cách cho tôi thấy tận mắt vài khó khăn đặc biệt chúng tôi phải đối diện trong việc phát thanh. Bức Tường Ngăn Cách không dễ đâm thủng. Nó chạy dài hàng nhiều dặm ngang qua trung tâm toàn bộ lục địa Âu châu. Nhưng Lời Đức Chúa Trời cũng có thể được phát sóng vào phần này của thế giới - nhờ những làn sóng phát thanh di chuyển với tốc độ của ánh sáng!
Tôi sẽ không bao giờ quên lúc được phép viếng thăm một nông trại tập thể gần Irkutsk, Siberia, phía bắc Ngoại Mông. Giám đốc của nông trại đưa tôi đi một vòng, quanh nhiều tòa nhà, và để ý thấy vẻ ngạc nhiên của tôi khi chúng tôi tới một nhà thờ nhỏ được sửa chữa tuyệt đẹp. Cảm nhận được sự khó hiểu của tôi khi thấy nhà thờ trong một nông trại vô thần, giám đốc mời chúng tôi quan sát tòa nhà. Tiền sảnh trông giống như lối vào của bất cứ nhà thờ nào, nhưng khi chúng tôi bước qua những cửa của điện thờ, tôi lấy làm sửng sốt. Chính nơi mà Đức Chúa Trời đã có lần được thờ phượng thì nay lại là chỗ ấp trứng gà của nông trại!

Nỗi thất vọng trên vẻ mặt tôi khiến ông giám đốc cười toét tới mép tai. Ông cười nói: “Chẳng ai đi nhà thờ trong nông trại chúng tôi cả. Tôi thà say khướt vì rượu còn hơn đi nhà thờ.”
Sau đó, bước ngang qua một trong những căn nhà nhỏ khiêm tốn công nhân đang sống, nỗi thất vọng của tôi biến thành hi vọng khi tôi thấy một ra-đi-ô đặt ngay giữa phòng khách. Đối với tôi, ra-đi-ô đó tiêu biểu cho hi vọng tâm linh của Liên Xô. Con số ước đoán dè dặt là có khoảng hai mươi hai triệu máy ra-đi-ô tại Liên Xô - ít nhất 92 phần trăm có băng tần sóng ngắn. Điều này cho chúng tôi có khả năng lớn đâm thủng Bức Tường Ngăn Cách đến với hàng chục ngàn thính giả ra-đi-ô, mang theo sứ điệp chân lý cùng sự sống qua Chúa Giê-xu Christ.

Với khoảng 225 triệu người tại Liên Xô mà không hề có một Trường Chúa nhựt! Tưởng tượng “Trường Chúa nhựt Phát thanh” hẳn phải có ý nghĩa biết bao đối với những người nghe được. Phụ huynh Cơ Đốc vô cùng biết ơn các chương trình phát thanh cho thiếu nhi và thanh niên, cung ứng sự đào tạo và giáo dục Cơ Đốc.

Chúng tôi đã ở Liên Xô vài lần để điều tra nhu cầu, tìm hiểu thói quen nghe của người dân ở đó, và để thử tín hiệu phát thanh do chúng tôi phóng vào Nga cùng các nước vệ tinh. Ấn tượng tức thời của chúng tôi gồm hai mặt: 1) do việc dùng phổ biến các máy làn sóng ngắn, nên không có trở ngại cho thính giả, và 2) dân chúng cực kỳ nôn nóng muốn nghe các chương trình từ phương Tây. Ngay từ đầu, chúng tôi không hề nghi ngờ rằng soạn chương trình phát thanh hằng ngày cho Nga là việc đúng cần làm, cho dù có tốn kém tiền bạc và công sức đi nữa. Ngay từ những ngày đầu ở Tangier chúng tôi đã có thể đi vào các nước vệ tinh với mười một ngôn ngữ khác nhau, và vào khoảng 1960 chúng tôi đã thực hiện được khá nhiều các chương trình của thời khóa biểu tại Monte Carlo.

Hiện nay tám nhân viên làm việc tòan thời gian tại Monte Carlo đang soạn ra những chương trình tiếng Nga với phạm vi mở rộng. Nick Leonovich, trưởng ban tiếng Nga, cùng vợ là Roz, với sự phụ tá của Earl và Pirkko Poysti - Earl thuộc gốc Siberia, Paul và Betty Semenchuk đến từ Ukraine, với Ông và Bà Paul Naidenko. Vài người trong họ đã theo học các trường Cơ Đốc tại cả Âu châu lẫn Hoa Kỳ. Tất cả đều là những nhân viên có tài và chuyên môn cao.

Peter Deyneka, Jr., thuộc Hội Slavic Gospel Association, có bình luận: “Tôi thật khó tin được một đài lại có thể đi sâu vào việc soạn chương trình thích hợp với nhu cầu thực tế của người dân Nga như Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới đã làm.” Người Nga báo cáo rằng ban phụ trách Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới đang tiếp cận đồng bào họ thật tuyệt vời tại Liên Xô. Riêng tại Moscow, chúng tôi được biết là dân chúng lắng nghe tính theo hàng vạn.
Có sẵn quá ít Kinh Thánh đến nỗi mọi người đói khát kinh khủng việc dạy Kinh Thánh. Một mục sư từ Nga, đến Czechoslovakia, nài nỉ chúng tôi kiếm cho ông một cuốn Kinh Thánh. “Chúng tôi có tất cả là ba người đi giảng trong các làng. Nhưng lại chỉ có một cuốn Kinh Thánh. Vì vậy, chúng tôi đã chia Kinh Thánh thành ba phần, rồi đổi cho nhau nên mỗi người chỉ có được một phần để giảng.”

Hình ở trang 187: Nick Leonovich (giữa), giám đốc ban tiếng Nga tại Monte Carlo, với hai nhân viên người Nga

Hàng ngàn thư vẫn tiếp tục đến từ sau Bức Tường Ngăn Cách. Nhiều linh hồn được cứu, Cơ Đốc nhân được vững mạnh nhờ việc rao giảng Lời Đức Chúa Trời, và tín hữu được khích lệ làm chứng tích cực về đức tin của mình trong Đấng Christ.
Mới đây, một thiếu niên sống tại Moscow viết: “Tôi mười sáu tuổi và học về khoa học. Trước đây tôi thờ lạy cây tri thức, nhưng các ông - qua tiếng nói của các ông - đã bắt đầu gieo hạt giống đức tin trong tâm hồn tôi.”

Một thiếu niên sống tại Đông Đức bình luận về các chương trình của thanh niên mới khởi sự phát sóng vào nước này như sau: “Tôi tin rằng giảng Phúc Âm qua ra-đi-ô sẽ tiếp cận được nhiều thiếu niên từng bị quên lãng trong quá khứ. Tôi vui vì các ông đã bắt nhịp cầu qua khoảng cách cuối cùng này. Nhiều bạn tôi đang nghe chương trình của các ông.”

Các chương trình tiếng Nga của chúng tôi cũng đến được với nhiều vùng xa xôi hẻo lánh. Một nông gia Siberia viết: “Mỗi ngày chúng tôi rời đồng ruộng thật sớm để khỏi bị lỡ chương trình Phúc Âm của các ông. Tất cả chúng tôi đều ăn mặc đẹp đẽ quây quần bên máy ra-đi-ô để thờ phượng Đức Chúa Trời.”
Đối với Cơ Đốc nhân Nga, các chương trình này giống như một ốc đảo trong sa mạc - được nghe Phúc Âm bằng tiếng nước mình, trong chỗ riêng tư của gia đình mình, tuyệt đối là một món quà vô giá.
Rào cản hiện diện khắp nơi trên thế giới. Các giáo sĩ cựu chiến binh đồng ý rằng một trong những cánh đồng truyền giáo khó nhất trên đất chính là Israel và các nước Ả Rập. Chưa hề có một giáo sĩ Cơ Đốc nào từng đặt chân lên Medina, Ả Rập Saudi, Thành Thánh của Hồi giáo; nhưng Phúc Âm vẫn được rao giảng tại đó với quyền năng và trong sáng qua ra-đi-ô.

Một người bản xứ Medina viết: “Tôi cảm động sâu xa vì chương trình về sự cứu chuộc cùng sự hi sinh của Đấng Christ. Xin các ông vui lòng gủi cho tôi một bản sao chương trình được không? Sao các ông không tăng thêm giờ cho chương trình, hoặc phát thanh thêm nhiều chương trình mỗi tuần?”

Một thính giả tại Giê-ru-sa-lem, rất quen thân với những đường phố cùng lối mòn Chúa Giê-xu đã đi qua, viết cho chúng tôi, nói rằng anh bắt đầu hiểu tin mừng về tình yêu của Đức Chúa Trời trong Chúa Giê-xu Christ. “Sau một thời gian nghe chương trình phát thanh của các ông, tôi có thay đổi trong tâm trí và tình cảm. Xin vui lòng gửi cho tôi trọn bộ Thánh Kinh có Tân Ước vì tôi muốn biết thêm về Chúa Giê-xu.”

Mỗi ngày đều nhận được báo cáo về sự tiếp nhận Chúa Giê-xu Christ. Một thính giả tại Colombia viết: “Có hai mươi lăm người quay về với Đấng Christ nhờ phương tiện máy thu tôi đang có. Tôi mời họ bước vào nghe ra-đi-ô của tôi. Bây giờ họ cảm tạ Chúa vì đã được nghe và tiếp nhận Lời của Sự Sống.”
Một thư khác của vợ người này nói rằng bà đã quay về với Chúa khi đang nghe Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới từ Bonaire.
Giáo sĩ ở nhiều nơi khác nhau thuộc Châu Mỹ La tinh nói với chúng tôi rằng Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới đóng một vai trò quan trọng trong chức vụ của họ. Các máy thu, đặt ở những trạm truyền giáo xa, bảo đảm việc rao giảng Lời Đức Chúa Trời ngay cả khi vắng mặt giáo sĩ.

Các báo cáo cho thấy tín hiệu của chúng tôi cực kỳ mạnh trên khắp vùng đảo Caribbea kể cả Cuba. Một thính giả tại Matanzas, Cuba, viết: “Tôi có giới thiệu chương trình của các ông cho nhiều bạn tôi, và tôi có thể thành thật nói với các ông rằng chương trình đó giống như tia sáng chiếu xuyên lớp mây dày đặc đang bao trùm đất nước tôi. Tôi luôn luôn nghe Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới khi đi làm về và các ông không thể tưởng tượng được chương trình đó đã tăng cường sức mạnh tâm linh cho tôi ra sao. Tại Cuba đây, các chương trình đó nghe rất rõ.”

Ba tôi và tôi thường đề cập nhiều phép lạ chúng tôi được chứng kiến suốt mười hai năm qua. Thế gian vẫn thường nhạo báng mục đích diệu kỳ của Đức Chúa Trời. Chúng tôi thường nghe những lời nói đầy nghi ngờ: “Không thể làm được” - nhưng Đức Chúa Trời đã làm điều không thể làm được. Bắt đầu với một ước mơ - một khải tượng trong lòng người - trước tiên Đức Chúa Trời cung ứng một đài nhỏ tại Tangier, sau đó là những máy phát sóng khổng lồ của Monte Carlo trên chính lục địa Âu châu, và bây giờ là trang thiết bị siêu công suất tại Bonaire. Đức Chúa Trời đã thực sự làm điều không thể làm được!

Đức Chúa Trời cũng đã làm điều không thể làm được trong việc triệt hạ những rào cản do con người tạo ra. Hằng ngày, ánh sáng của Đấng Christ tràn vào những góc tối của trần gian với sứ điệp cứu rỗi ban sự sống qua Chúa Giê-xu Christ.
Phải cần thêm một cuốn sách nữa mới kể hết được điều Đức Chúa Trời hiện đang làm qua các buổi phát thanh Phúc Âm vào Liên Xô cũng như các nước Đông Âu khác. Hàng ngàn và hàng ngàn cánh thư cùng sự tiếp xúc cá nhân làm chứng cho cơn đói khát trào dâng cao độ, cho những tâm hồn có nhu cầu quay về với Cứu Chúa chúng ta. Chúng tôi biết điều này có thật, ở mức độ lớn lao, do những hi sinh rất lớn của mọi người khắp thế giới.

Khi tôi ở Ba Lan, hai thanh niên Cơ Đốc dắt tôi đi qua các con đường bụi bặm của một ngôi làng gần Warsaw để gặp một góa phụ Cơ Đốc. Bà này sống một mình trong một túp lều sơ sài, một gian nhà thiếu hẳn niềm vui trần thế, nhưng vẻ mặt rạng rỡ của bà bảo với tôi rằng bà là con của Vua.
Khi các bạn tôi giới thiệu tôi là giám đốc Đài Phát Thanh Xuyên Thế Giới, bà nói: “Ồ, tôi biết Đức Chúa Trời sai ông tới đây. Tôi cầu nguyện cho ông từ lâu rồi. Tôi muốn kể cho ông điều Đức Chúa Trời đã làm cho tôi.”

Bà dắt tôi ra cửa rồi chỉ xuống đường: “Ông có thấy căn nhà nhỏ đằng kia không? Một tối nọ, vài người bạn mời tôi tới nhà họ, ngồi xuống trước máy ra-đi-ô. Lần đầu tiên trong đời, tôi được nghe về Chúa Giê-xu Christ. Con trai và con gái tôi cũng nghe nữa. Tôi không thể nói hết được niềm vui chúng tôi có được khi cùng quỳ gối sau buổi phát thanh và tiếp nhận Chúa Giê-xu Christ làm Cứu Chúa của riêng mình tối hôm ấy.”

Khi nhìn quanh phòng nhận thấy rõ cảnh nghèo nàn và biết cuộc sống bà khó khăn ra sao, tôi nói: “Tôi thấy tội nghiệp bà quá.”
Câu trả lời của bà thật đơn sơ, nhưng sâu xa: “Tội nghiệp cho tôi hả? Đừng tội nghiệp. Tôi là người phụ nữ hạnh phúc nhất trên đời. Tôi có tất cả - tôi có Chúa Giê-xu Christ.”
Khi chúng tôi sắp từ giã, bà chạm vào tay tôi và nói: “Tuy nhiên, có một điều khiến lòng tôi nặng nề. Ba mươi triệu người trong nước tôi cần Chúa Giê-xu Christ! Sao lại chỉ có một buổi phát thanh Phúc Âm ngắn ngủi mỗi tuần cho ba mươi triệu người? Tại sao chỉ có một buổi?”
Tôi nghĩ câu trả lời thật hiển nhiên. Tôi nói: “Vì chúng tôi không có tiền để đưa thêm chương trình.”

“À, ra vấn đề là vậy sao? Đó là vấn đề sao?”
Mặt bà ngời sáng trong khi bước tới góc phòng. Tôi theo dõi trong khi bà kéo một thùng gỗ nhỏ từ trong tường. Bà cầm lên một phong bì lấy từ dưới đáy thùng và đem đến cho tôi.
“Thưa ông, đây là tất cả điều tôi có. Hãy dùng nó để phát thanh thêm chương trình ngõ hầu nhiều đồng bào của tôi ở Ba Lan đây cũng được nghe về Chúa Giê-xu Christ như tôi vậy. Xin ông nhận cho.”
Tôi nhìn vào phong bì và thấy vài tờ tiền giấy với đồng kim loại. Có thể là tổng cọng được một đồng rưỡi Mỹ kim. Tôi lắc đầu nói: “Không, tôi không thể nhận được.”
Tôi biết đây là tất cả những gì bà có, có lẽ là điều giữ cho bà khỏi chết đói.

Bà nhìn thẳng vào tôi, và với phong cách của một nữ hoàng, bà nói: “Thưa ông, tôi không dâng cho ông. Tôi dâng cho Chúa Giê-xu Christ.”

Lời kết của Tiến sĩ Billy Graham.
“Chức vụ của Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới cực kỳ quan trọng trong việc đưa thế gian về với Đấng Christ. Tôi xúc động biết bao khi thấy Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới đã có thể bao trùm nhiều phần trên thế giới với Phúc Âm mà không ai khác có thể làm được. Và khi chúng tôi tới đó, thì nhiều người sẵn sàng đáp ứng, nhờ đã được nghe Phúc Âm trên đài Phát Thanh Xuyên Thế Giới.”