KỶ NGUYÊN MỚI CHO CHƯƠNG TRÌNH
PHÁT THANH XUYÊN THẾ GIỚI
Tháng Sáu 1961, chúng tôi từ Pháp trở về Mỹ.
Việc xây dựng trang thiết bị phát thanh lớn lao phức tạp tại Monte Carlo rất
khó khăn, nhưng tôi thấy thách thức đó thú vị hơn cả. Một trong những nan đề của
tôi là - tôi thực sự thích công việc cực nhọc. Việc càng khó, càng thúc ép và
thu hút, tôi lại càng thấy thích thú. Chúng tôi biết Chúa đã giúp chúng tôi. Thật
là một công tác lớn lao và vô cùng căng thẳng. Chúng tôi cảm thấy đã hoàn tất
thành công một điều tốt. Betty Jane và các con cùng tôi về Mỹ bằng tàu để có cơ
hội thư giãn.
Trước mấy ngày trong văn phòng tại Chatham, chúng tôi về thăm song thân Betty
Jane và dự vài buổi nhóm đặc biệt ở North Carolina. Mấy vali chưa kịp mở ra thì
Ben đã gọi đề nghị một ít giờ giải trí. Tôi tóm lấy cơ hội gia nhập Ben cùng một
số bạn đánh một chầu quần vợt ngày Thứ Bảy. Tôi yêu thích môn này - thậm chí đã
từng thắng một số trận thi đấu quần vợt cấp thành phố trong những năm trước
đây. Bốn người chúng tôi thỉnh thoảng vẫn chơi suốt nhiều năm và cũng khá kình
địch nhau. Merle Daugherty, một họa sĩ thương mại từ North Plainfield, là một
người khoảng sáu mươi lăm tuổi. Ý nghĩ đầu tiên của ông ta khi Ben gọi điện ấy
là ông bị tim và có lẽ không nên chơi. Nhưng khi ông nghe chúng tôi đang kiếm
người đánh cặp, thì ông lại để cho sự nôn nóng thắng thế, và ông bảo đảm với vợ,
đánh cặp sẽ bớt căng. Harold Mathisen, người môi giới đầu tư, là láng giềng của
chúng tôi, cũng như là thành viên của Long Hill Chapel, hội thánh mà chúng tôi
dự nhóm.
Harold chơi quần vợt thi đấu, còn Merle là ngựa chiến kỳ cựu trên sân chơi. Anh
có hai vợt - một cái anh nói là cong và anh chỉ dùng khi anh có “máu trong mắt.”
Ben và tôi đấu với Harold và Merle, và chúng tôi đã chơi được hai trận, mỗi người
chúng tôi thắng một trận. Trận thứ ba hoàn toàn khác - chẳng còn là cú vô-lê
thoải mái bình thường như lúc mới bắt đầu nữa. Cuộc chơi trở thành cực kỳ ganh
đua - Harold đánh mạnh banh sít sao vào góc xa, thì Merle đã xớt với cây vợt
chiến thắng của mình. Mỗi cú đánh đều mang tính quyết định. Sau hai mươi hai
ván, trận đấu vẫn hoà. Hễ họ thắng một ván, là chúng tôi thắng một ván. Tôi
không nghĩ là chúng tôi chấm dứt được trận đấu. Bóng tối bao trùm và thế là
chúng tôi phải ngưng vì không còn nhìn thấy được mình đang làm gì.
Tôi thấy hơi mệt trong lúc chơi nhưng lại gán cho sự kiện là vì mình nghỉ chơi
đã lâu. Chủ yếu sức khỏe tôi vẫn tốt. Mới sáng hôm ấy, Paul và Jim nói: “Bố ơi,
trông bố khỏe thật đấy!”
Đúng thế. Tôi gồng cơ bắp cho chúng xem và chúng cười toe toét. Tôi cảm thấy
mình thật bảnh.
Nhưng khi chúng tôi ngưng chơi, tôi biết mình quá mệt. Tôi cảm thấy choáng váng
và khác lạ. Tôi mở cửa ngồi vào xe của Harold trong khi chúng tôi ngưng chuyện
trò dưới ánh đèn đường. Tôi chẳng nói gì nhiều. Ngay cả sau khi Harold và tôi
lái xe ra khỏi sân và qua khỏi bệnh viện, tôi vẫn để anh nói mà khó có thể trả
lời - hoặc thậm chí chẳng nghĩ tới điều gì khác hơn nỗi khốn khổ của riêng
mình. Ý nghĩ chợt loé trong trí tôi ấy là có lẽ tôi phải bảo anh ta dừng tại bịnh
viện thả tôi xuống đó. Có thể là tôi cần kiểm tra sức khỏe.
Khi về tới nhà, tôi chạy vào. Tôi nói với vợ: “Anh thấy khổ sở quá!” tôi nghĩ
là mình bị khó tiêu, tôi đã từng bị vài lần như thế lúc ở trên tàu, và nhiều lần
trước đó, khi tôi bước nhanh.
Betty Jane vòng tay qua ôm lấy tôi và dìu tôi lên cầu thang, vào giường nằm.
Tôi không muốn làm nàng sợ không đáng, nhưng bỗng cơn đau kinh khủng giáng xuống
tôi. Tôi cảm thấy bị đè nặng khiếp đảm như thể một mảng dây thép đang quấn chặt
quanh ngực mình.
Giữa tiếng rên rỉ và những cơn đau nhói, tôi cố gắng nói với nàng: “Đây không
phải là chuyện bình thường, em ơi. Em phải gọi Bob ngay lập tức!” Vợ tôi không
thể tin là tôi thực sự cần bác sĩ, và tôi khó có thể chịu nổi cơn đau mà nói
cho nàng biết. Bác sĩ Robert Francis, người bạn thân thiết và là Cơ Đốc nhân rất
tốt, vừa mới đi nghỉ phép về được năm phút thì Betty Jane gọi điện.
Chỉ mấy phút chờ đợi thôi, cũng có vẻ như cả thiên thu. Tôi tin chắc là mình sắp
chết. Tôi nói với vợ tôi là tôi yêu nàng, và tôi muốn gặp các con. Chúng đang
ngủ nhưng lại thức giấc vì náo nức. Nàng kêu bốn đứa tập họp lại - Paul, Donna,
Jim, và Stevie - trong phòng ngủ, tôi nói với chúng là rất yêu chúng và ước ao
lớn nhất của tôi là mong mỏi chúng sống cho Chúa. Tôi chào giã biệt tất cả. Tôi
đinh ninh kết cuộc là như vậy.
Đội cấp cứu cùng xe cứu thương tới trước cả bác sĩ. Tôi không thở nổi. Mồ hôi
vã ra như tắm. Tôi thấy đau khắp hai cánh tay. Họ chụp ngay ôxy lên mặt tôi, và
tôi nhận biết bác sĩ Bob Francis cũng đang cúi mình trên tôi với mũi kim tiêm
dưới da. Ông chắc chắn đây là trường hợp suy tim. Trong khi họ khiêng tôi xuống
cầu thang, bỏ lên cáng đưa vào xe cứu thương, tôi có thể nhìn thấy các con đứng
một mình lo sợ nơi khung cửa. Tôi biết chắc mình sẽ không bao giờ gặp lại
chúng. Một lát sau tôi được biết cảnh sát trong đội cấp cứu đã quay lại với mấy
đứa nhỏ. Về sau, một bà hàng xóm qua nhà tôi đưa chúng về nhà bà. Betty Jane
theo tôi vào bịnh viện, nhưng tôi không thể trò chuyện với nàng.
Suốt ba ngày tôi ở trong phòng ôxy. Ông bố khỏe mạnh to con vốn tự hào về những
cơ bắp của mình hồi sáng, người xây cất đài phát thanh giàu nghị lực vẫn thường
làm việc mười lăm tiếng mỗi ngày, bảy ngày mỗi tuần, giờ đây đã gục ngã. Bỗng
chốc, tôi còn không thể tự ăn một mình được, thậm chí không giở cánh tay lên nổi.
Tôi nằm rạp giường, và suốt một tháng trường không được rời khỏi giường bịnh viện
đó.
Sau một tuần, xét nghiệm xác nhận là tôi bị suy tim cấp tính - chứng huyết khối
ở động mạch vành - nhưng ít nguy hại vĩnh viễn. Nói thật, tôi thấy khó chấp nhận
sự thật. Tôi thực sự không tin là điều đó có thể xảy đến với tôi. Tôi chỉ mới bốn
mươi hai tuổi và bình thường rất khỏe. Nhưng tôi cứ tự nhủ: “Bác sĩ Francis hẳn
nhiên là đúng. Nếu ông đúng thì tôi phải làm theo lời ông thôi.”
Tôi theo đúng sít sao từng chi tiết những lời dặn dò của ông. Ông thật kiên nhẫn
và thông cảm. Nếp sống cùng lời chứng của ông thật có ý nghĩa biết bao đối với
tôi trong thời gian khó khăn đó. Tôi không bao giờ cố tình mảy may sai lệch khỏi
những hướng dẫn của ông. Trước hết, từ 90 kí, tôi sụt cân còn 72 kí. Sau đó nhờ
chế độ ăn uống đặc biệt, tôi lên được 77kí - mức cân nặng tôi phải duy trì.
Ngay cả cho tới bây giờ tôi cũng không sai lệch chế độ ăn kiêng, và vẫn cố gắng
thực sự nghỉ ngơi nửa tiếng mỗi buổi chiều.
Suốt thời gian tĩnh lặng này Chúa đã dò xét tôi. Tôi chưa bao giờ có được nhiều
giờ ở bên Ngài như vậy - đọc Lời Ngài, lắng nghe Ngài, trò chuyện với Ngài, và
đọc những tác phẩm của những người hiểu biết Ngài sâu nhiệm. Trước đây, tôi vẫn
nghĩ mình điều khiển sự việc. Tôi thường tưởng tượng nếu không có tôi để nhúng
tay vào mọi chuyện trong công việc phát thanh, vào một ngày nào đó, hẳn sẽ có
chuyện kinh khủng xảy ra. Bây giờ thì tôi nhận ra rằng nếu có chuyện gì xảy ra,
thì thậm chí tôi cũng chẳng biết nữa, chứ đừng nói là để bàn thảo và tìm ra giải
pháp! Bỗng nhiên tôi nhận biết rằng chẳng ai - bất cứ ai - là không thể thiếu đối
với công việc Đức Chúa Trời. Và tôi ý thức được rằng công việc Đức Chúa Trời sẽ
vẫn cứ tiếp tục mà không cần có ai trong chúng ta cả. Điều duy nhất không thể
thiếu được đối với Cơ Đốc nhân ấy là phải đặt ý muốn Đức Chúa Trời làm trọng
tâm cho đời sống mình.
Sau khi xuất viện tôi không đứng lên nổi. Tuần lễ đầu tiên tôi chỉ có thể đi một
hoặc hai bước là phải ngồi xuống nghỉ ngay. Suốt trọn một tháng tôi bị giam
trong nhà, tháng kế tiếp tôi được đặc ân ra khỏi nhà. Sau đó bác sĩ thực sự thức
tỉnh tôi khi bảo rằng tôi không được lái xe trong ba tháng! Tôi thật không tin
được chuyện đó! Nhưng bác sĩ nhìn chằm chằm tôi, nói: “Không có cách nào khác,
Paul ạ. Thế thôi!”
Tôi lắp bắp: “Nhưng mà ai lái xe chứ?”
Ông thản nhiên đáp: “Vợ anh lái.”
Tôi than phiền: “Nhưng cô ấy làm tôi lo lắm!”
Vừa cười tôi, ông nói: “Vậy thì anh cứ việc lo thôi.”
Tôi sẽ không bao giờ quên được lần đầu tiên khi vợ chồng tôi đi ăn tiệm sau
kinh nghiệm nằm bịnh viện. Kể từ đó tôi mới nhận ra rằng nơi mà chúng tôi chọn,
là tiệm ăn rất yên tĩnh. Thế nhưng khi tôi bước vào, thì âm thanh rì rào nghe
như tiếng gầm của Thác Niagara đập xuống tôi. Tôi không chịu nổi, và sau mười
hoặc mười lăm phút, tôi hết cố gắng được nữa, nói với Betty Jane là chúng tôi sẽ
phải về nhà.
Tôi thoáng nghĩ là mình sẽ không bao giờ có thể đối diện người khác được nữa.
Tôi đã bị cách ly quá lâu. Hồi ở bịnh viện chẳng có khách nào được phép viếng
thăm - chỉ có hai hoặc ba ngoại lệ. Về nhà thì chỉ có gia đình riêng của tôi. Một
trong những điều khó nhất tôi phải đối diện là chia sẻ trước công chúng trở lại.
Khi đã dần dần lấy lại sức, tôi nhận lời chia sẻ tại một hội thánh nhỏ không xa
nhà tôi. Tôi thực sự sợ muốn chết! Bình thường tôi rất thích nói chuyện với đám
đông. Tôi đã từng chia sẻ vô số lần bằng tiếng Anh và qua thông dịch viên tại
nhiều xứ. Được đứng trước mọi người và làm chứng về Chúa là điều mà lúc nào tôi
cũng thích làm. Nhưng lần này tôi lại sợ là mình không làm được. Tôi sợ mình sẽ
té xuống, sợ rằng tôi sẽ quên điều mình đang nói, sợ rằng có điều gì đó - tôi
không biết là điều gì - sẽ xảy ra.
Chúa tỏ cho tôi biết rằng tôi phải nghĩ đến Ngài - đừng nghĩ đến chính mình.
Khi đứng lên, tôi có thể trình bày một sứ điệp đơn giản ngay từ chính lòng
mình. Thật vui mừng và khích lệ không tả xiết khi biết rằng tôi có thể làm công
việc đó như xưa. Từ đêm đầu tiên đó, tiếp tục là chuyện dễ dàng cho tới khi cuối
cùng mọi sự có vẻ như bình thường trở lại.
Đối với những mục đích thực tế thì tôi đã chết hôm tôi bị suy tim, bởi lẽ tôi
chắc chắn là mình sẽ không còn sống nữa. Bác sĩ đã nói chắc về tình trạng
nghiêm trọng của tôi, và đối với tôi, như thể đó là kết cuộc đời mình. Những
ngày sau đó trở thành thời gian tái đánh giá, xem lại những việc đáng phải làm
mà chưa làm. Lúc đầu tâm trí tôi chưa được giải phóng khỏi ý nghĩ liên tục:
đáng ra tôi phải làm điều này, đáng lẽ ra tôi phải làm việc đó chăm chỉ hơn,
sao tôi lại không làm cho xong việc kia? Nhưng khi tôi cầu nguyện và đọc Lời Đức
Chúa Trời, thì một ý nghĩ thường xuyên xuất hiện nổi bật hơn cả là: “Mỗi ngày
có được phó thác một trăm phần trăm cho Chúa Giê-xu Christ không? Cuộc đời tôi
có đặt đúng trọng tâm ý muốn Ngài đối với tôi không?” Tôi thường nghĩ: “Đáng lẽ
ra tôi phải xây một đài phát thanh lớn hơn. Có lẽ ban phụ trách phải đông hơn.
Có lẽ tôi phải tổ chức công việc theo cách khác.” Với những ý nghĩ đầu tiên
thoáng qua này, vấn đề thực sự cô đọng lại là - sự cam kết mới của tôi với Chúa
mỗi ngày.
Sau này bác sĩ đặt vấn đề với tôi là có thể tôi phải thay đổi toàn bộ cách sống
của mình. Điều này khiến tôi ý thức được rằng có lẽ mình sẽ không còn làm gì được
nhiều - có lẽ Đức Chúa Trời thậm chí còn cần tôi trong một chức vụ hoàn toàn
khác, và điều khiển công việc phát thanh mà không cần đến tôi. Một lần nữa tôi
thấy sự cam kết toàn vẹn cho Ngài mới là thiết yếu, và trong khi đang hồi phục
tôi có được hiểu biết mới về sự phó thác đời mình cho Ngài. Điều này dẫn tới một
quyết định thực sự quan trọng - sự nhận biết rằng mọi việc phải phát xuất từ Đức
Chúa Trời, không phải từ chính mình. Kết quả là, tôi có thể nói rằng Đức Chúa
Trời đã làm điều đã được thực hiện trong công việc này, và chúng ta càng nhờ cậy
Ngài thì Ngài có thể hoàn tất được càng nhiều hơn.
Tuy nhiên, tôi nghĩ thực sự lầm lẫn nếu ai đó nhìn quanh rồi nói: “Từ hồi đó tới
giờ tôi đã làm chính xác điều tôi hứa nguyện với Chúa.” Qua kinh nghiệm riêng
tôi biết rằng chúng ta là con người, chúng ta yếu ớt. Và tôi sẽ vô cùng miễn cưỡng
nói rằng tôi đã hoàn toàn phó thác mình cho Ngài trước điểm bước ngoặc đó trong
bịnh viện. Dù sao, mỗi ngày tôi vẫn ý thức được một điều cần cho từng ngày của
tôi: tôi phải dâng ngày đó cho Ngài; tôi phải tập trung vào ý muốn của Ngài
dành cho tôi.
Kinh nghiệm phải từ bỏ quyền kiểm soát bản thân cùng công việc của mình đã thay
đổi lối suy nghĩ của tôi rất nhiều. Nó dạy tôi phải tìm kiếm Lời Ngài, không dựa
vào sức lực thể xác riêng, mà vào Lời Đức Chúa Trời làm thức ăn. Tôi có hiểu biết
mới về ý nghĩa thế nào là nhờ cậy, không phải vào bản thân, mà vào Chúa. Nhiều
người trong chúng ta là Cơ Đốc nhân đang làm những công việc thú vị quan trọng
đối với mình, tin rằng thành công chỉ là vấn đề tiến tới trước. Phục vụ bằng
môi miếng, tôi luôn luôn nói: “Chúng ta phải tin cậy Chúa trong việc này, và Đức
Chúa Trời giúp chúng ta việc kia.” Nhưng tôi không thực sự cư xử như thể hoàn
toàn nhờ cậy Ngài là chính yếu.
Trong kinh nghiệm bịnh viện này tôi cũng học được một điều về thái độ của mình
đối với người khác.Tôi vẫn thường cho rằng vấn đề là phải làm việc mười, mười
hai, thậm chí mười lăm tiếng mỗi ngày, bảy ngày mỗi tuần. Mối lo quan trọng nhất
của đời tôi là làm việc, liên tục chuyển động, đẩy mình làm xong hết việc này tới
việc khác. Bất cứ ai làm kém hơn tôi đều bị tôi cho là chểnh mảng. Tôi thiếu
thông cảm, thiếu độ lượng. Cuộc sống không được giao cho chúng ta để chơi, tôi
lý luận như vậy, chúng ta cần phải làm việc. Ở tuổi bốn mươi hai, bị cơn suy
tim đột ngột quật ngã, tôi dần dần thay đổi quan điểm. Tôi bắt đầu độ lượng đối
với năng lực cùng tài năng của người khác, về những quyết định của người khác.
Đồng thời tôi cũng học biết được sự thiếu sót của thái độ tôi đối với người
khác - và đối với chính tôi - tôi không làm được gì nhiều để ngăn chận bánh xe
tư tưởng cứ liên tục quay trong tâm trí tôi. Ngay cả vào ngày thứ ba sau cơn
suy tim - trong lúc vẫn còn trong trại thở ôxy, trí tôi mở tốc lực phóng tới
trườc để triển khai những kế hoạch nới rộng Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế
Giới qua việc mở thêm đài chiến lược ở vùng Caribbea. Lúc đó tôi được bảo cho
biết là mình sẽ phải nằm bẹp ít nhất một tháng, cho nên tôi nhờ Ben cùng nhiều
người khác làm tay, làm chân thế cho tôi. Thật ra chúng tôi có nghe tin vui về
một máy phát sóng được rao bán tại Cincinnati, Ohio. Được điều khiển bởi WLW
cho Văn Phòng Thông Tin Chiến Tranh của chính phủ Hoa Kỳ, máy này đã đóng vai
trò mạnh mẽ trong tâm lý chiến suốt Thế Chiến II. Đây là một trong những dụng cụ
chính được dùng để phát câu chuyện Hoa Kỳ sang đất địch nhằm phản công lại lời
tuyên truyền dữ dằn của Đức Quốc Xã. Hitler biết quá rõ tầm quan trọng của máy
truyền tin này - cùng sự thiệt hại do máy gây ra cho chính nghĩa của mình - đến
nỗi đặt tên cho nó là “Tên Nói Láo Cincinnati.”
Chúng tôi mua máy đó chỉ bằng giá một phần nhỏ giá trị ban đầu của máy. Tuy
nhiên, trước khi đem xử dụng, thì chúng tôi lại bán máy để mở đường cho một
trang thiết bị tốt hơn, mới hơn. Như vậy, dù đài này không bao giờ được xử dụng,
dường như bàn tay của Chúa vẫn làm việc vì cớ chúng tôi qua việc có được nó.
Chính sự chuyển động này đã lăn bánh xe để thành lập một đài siêu công suất bên
ngoài lục địa Âu châu.
Tâm trí chúng tôi - của Betty Jane và của tôi - không hề nghi ngờ về việc mọi
hoàn cảnh của cơn suy tim đều do Đức Chúa Trời sắp xếp. Tôi không thể diễn tả
nên lời ý nghĩa của vợ tôi đối với tôi trong những ngày đó. Nàng cùng nếm trải
với tôi mọi chuyện, khích lệ tôi trong từng chi tiết nhỏ nhặt, nâng đỡ tôi về
thuộc linh vào lúc mà tôi tha thiết cần sự thông cảm. Không phải là chuyện dễ đối
với một con người tích cực hoạt động bị hoàn toàn cắt đứt khỏi công việc do
chính người đó sáng lập và nuôi dưỡng, hoàn toàn hạ xuống thành con số không.
Nhưng đó chính là điều đã xảy ra cho tôi. Tôi vẫn thường có khuynh hướng chạy
trước, thúc đẩy sự việc tới kết cuộc sau cùng để mình có được niềm thỏa mãn
nhìn thấy nó diễn ra. Nhưng bây giờ thì tôi học tập chính chân lý ngược lại qua
cơn suy tim: “Hãy yên lặng và biết rằng Ta là Đức Chúa Trời.”
Betty Jane túc trực bên tôi một trăm phần trăm lúc đau yếu cũng như khi mạnh khỏe.
Tôi không nghĩ là công việc này có bao giờ trở thành hiện thực, cũng như tôi
không thể vượt qua được những điều đã qua, nếu không nhờ lòng tận tụy Cơ Đốc
sâu sắc của người vợ và cũng là người mẹ của năm đứa con ngoan ngoãn của chúng
tôi. Vợ tôi cho rằng Đức Chúa Trời đã sắp xếp mọi chi tiết của buổi tối quan trọng
đó để cứu lấy mạng sống tôi. Nàng hoàn toàn tin chắc, và không mảy may tin bất
cứ ai có thể nói ngược lại điều đó. Nàng thực sự tin trận đấu quần vợt đó đã cứu
vớt đời tôi. Bác sĩ cho chúng tôi biết rằng tôi đã sống với tốc độ khủng khiếp.
Nàng cảm thấy nếu tôi không bị cơn suy tim qua việc dùng năng lực trong trận đấu
quần vợt thì tình trạng sẵn có trong tim tôi dần dần sẽ tồi tệ hơn, tạo nên một
cơn suy tim nặng hơn và có lẽ là gây tử vong sau đó.
Bạn bè và bà con theo dõi sự việc nói với tôi rằng dù là cơn suy tim chủ yếu
không thay đổi trọng tâm chức vụ tôi, nhưng có vẻ đã đặt toàn bộ công việc
trong một viễn tượng mới - viễn tượng của cõi đời đời. Lần đầu tiên, khía cạnh
dài hạn của công việc phát thanh xuất hiện rõ nét. Theo quan điểm phương hướng
thì chẳng có gì thay đổi về vật chất - chúng tôi vẫn tiếp tục theo đưổi cùng hướng
đó - nhưng công việc thì mang tính cấp bách mới mẻ, lệ thuộc Đức Chúa Trời cách
mới mẻ. Dường như chúng tôi được đưa vào một kỷ nguyên mới.
LỜI CỦA BETTY JANE
Vì vợ tôi cảm thấy Đức Chúa Trời cũng đã dạy
nàng những bài học quan trọng qua thời gian tôi đau ốm, nên Betty Jane xin được
mượn vài trang ở đây để gửi một thông điệp quan trọng cho những người làm vợ và
làm người yêu.
“Chúa có dành cho tôi một bài học qua cơn suy tim của Paul. Hồi năm 1948 tôi thấy
khó để cho Paul đi một mình sang Thụy Sĩ. Chúng tôi chưa hề xa nhau, và tôi
không thích ý nghĩ đó chút nào. Đó là lúc tôi tranh chiến lần đầu với việc thực
sự dâng hiến chồng mình cho Đức Chúa Trời.
“Tôi đã làm chuyện này nhiều lần trước những chuyện khác. Vấn đề không khó ở chỗ
là mình thiếu cái này hoặc cái khác, mà là ở chỗ khi bạn yêu một người nào đó
thật nhiều, rồi được kêu gọi phải từ bỏ người đó - thì thật là một thử nghiệm
chua cay. Để cho người đó vuột khỏi tầm tay mình, chính là kinh nghiệm xé lòng
nhất đối với người phụ nữ. Tôi thấy việc dâng chồng mình cho Chúa là việc khó
nhất mà tôi đã làm - thực sự rút tay lại khỏi cuộc đời anh ấy, sẵn sàng xa cách
anh ấy, chấp nhận cho anh xa rời tôi. Tôi cho rằng thực sự nỗi khó khăn là ở chỗ
phải nhìn nhận rằng tôi không chiếm vị trí ưu tiên trong cuộc đời anh ấy. Dĩ
nhiên, tôi sẽ luôn luôn nói rằng tôi muốn Chúa là ưu tiên đối với anh, nhưng
nói và làm cách nhau hàng đại dương.
“Chuyến đi của anh ấy sang Beatenberg ngay sau đám cưới chúng tôi chỉ là một thử
nghiệm bé nhỏ so với mọi chuyện xảy ra sau đó. Nhưng trong cuộc đời non trẻ cũng
như trong con tim mềm yếu của tôi lúc đó thì việc chấp thuận sự xa cách nhau là
một chuyện lớn lao kinh khủng. Qua nỗi đau cách biệt nhau, Chúa dạy tôi bài học
mà mọi người chúng ta đều phải học - đừng bám quá chặt vào những điều thân
thương nhất mà Ngài đã cho chúng ta. Kể từ đó, chuyện của tôi xoay hướng theo
bài học đó - cứ để cho Paul đi. Tôi đã học biết rằng những gì mình dâng cho Đức
Chúa Trời không bao giờ là nhiều hơn Ngài cho chúng ta. Cho dù mình có dâng gì
đi nữa, thì Ngài cũng cho lại nhiều hơn - luôn luôn như vậy.
“Đêm Paul bị cơn suy tim, tôi như thể bị Đức Chúa Trời gọi ra để khiển trách.
Tôi có thực sự ngụ ý điều tôi đã nói nhiều năm trước đây hay không? Dù sao, Đức
Chúa Trời có quyền đem anh ấy đi - bởi lẽ tôi đã dâng anh ấy cho Ngài rồi. Tôi
tin chắc Ngài sẽ không lầm lẫn trong trường hợp Paul. Ôn lại lịch sử cuộc sống
chung, tôi đã đối diện với việc mất anh ấy. Tôi hầu như chẳng ngủ được trong
đêm đầu tiên chồng tôi ở trong bịnh viện. Tôi không thấy được tại sao Đức Chúa
Trời lại muốn rước anh về khi anh quan trọng đến thế đối với nhiều người chúng
tôi trong gia đình và trong công việc. Nhưng rồi tôi cũng biết rằng không có ai
là thiết yếu cả. Cuối cùng, suy nghĩ của tôi tập trung vào giao ước chính bản
thân tôi đã thực hiện với Chúa trước đây - ý Ngài được nên, dù với bất cứ giá
nào.
“Cho dù đối diện với khả năng rất chắc chắn là Paul sẽ phải chia tay với tôi
trong đêm đó, tôi vẫn cảm nhận được bàn tay vỗ về của Chúa trong tất cả mọi sự.
Tôi biết Ngài chắc chắn sẽ thực hiện ý muốn của Ngài.
“Mấy tuần kế tiếp đưa tôi vào một loại thử nghiệm khác. Paul đã thoát hiểm đêm
đó, và có vẻ như Đức Chúa Trời chưa có ý định đem anh đi vào thời điểm này. Anh
đang nằm bẹp, và bác sĩ nói anh sẽ phải nằm như vậy ít nhất là một tháng. Nhưng
không, Paul không thể nằm ở đó, chỉ hài lòng với việc lành bịnh! Ngày thứ ba là
anh đã bắt đầu nói tới việc mở một đài phát thanh khác - một đài tại Caribbea!
Anh nhờ người khác đi thăm dò và nghiên cứu. Nhưng thực sự là Paul đang thúc đẩy
việc mở rộng hầu như trước cả lúc anh ngưng dùng thuốc an thần!
“Điều này khiến tôi - theo xác thịt - tức giận! Tôi nghĩ: ‘Bộ chưa đủ hay sao
chứ? Nằm đó, trên giường suýt chết như vậy mà còn nói tới chuyện mở thêm một
đài mới. Bộ anh ấy không quan tâm tới chúng tôi hay sao? Chúng tôi cũng cần anh
ấy chứ.’
“Tôi cực lực phản đối chuyện Paul nghĩ tới công việc - nằm đó trong bịnh viện,
tuần lễ sau cơn suy tim. Nằm bẹp thế mà vẫn còn bận rộn. Anh ấy không được lo lắng.
Anh ấy phải hoàn toàn nghỉ ngơi. Thế nhưng anh lại bắt đầu lăn bánh, lo tìm ‘một
đài riêng cho mình’ - theo cách anh ấy gọi. Tại Monte Carlo chúng tôi đã cho
thuê các máy phát sóng và ăng ten. Tôi không thể hiểu được tại sao mọi chuyện
này phải diễn ra ngay lúc này. Sao không chờ năm năm sau? Tôi thực sự cảm thấy
chuyện này bao hàm tính mạng của anh ấy.
“Không phải tôi chống đối việc dựng thêm một đài mới, vì chính tôi cũng muốn
anh có được một đài riêng thật mạnh ở Caribbea. Nhưng tôi phản đối thời điểm.
Tôi thực sự xem việc khởi đầu một dự án khổng lồ khác như là cái chết của Paul.
Về sau, một lần nữa, tôi lại thấy đây cũng là vì tôi không chịu dâng hiến Paul
- cùng với những ý kiến cao xa của anh, và bể chứa khát vọng của anh - hoàn
toàn cho Đức Chúa Trời.
“Đây là một tranh chiến cam go đối với tôi, và suốt ba hoặc bốn tháng, tôi tìm
đủ mọi cách làm nản lòng Paul trong khảo cứu mới của anh. Bởi lẽ dường như tôi
chẳng làm được gì nhiều với anh, nên tôi quyết định tốt hơn là đem nói với
Chúa. Cuối cùng tôi đi tới chỗ có thể nói: “Thôi được rồi Chúa ơi, nếu đây thực
sự là điều Ngài muốn, có thể là bao hàm cả tính mạng của anh ấy, nhưng vẫn là
con đường sẽ phải chấp nhận thôi.’
“Bất chấp mọi thiệt thòi cá nhân thấy trước, cuối cùng tôi phải đối diện với sự
thật rằng trước hết, Paul là người của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời là Đấng
chỉ thị từng bước của anh. Lúc đó tôi bắt đầu một lần nữa cùng sát cánh với chồng
tôi. Từ đó, tôi thấy dễ phó thác cho Chúa mọi diễn tiến khi chúng tôi bước vào
các giai đoạn chuẩn bị cho đài tại Caribbea.
“Thúc đẩy chính tiến tới việc hoàn tất đài mới xuất phát từ niềm tin của Paul
cho rằng có thể anh không còn sống được bao lâu nữa. Suy nghĩ đó khiến anh sống
trong tình trạng khẩn cấp - mọi việc phải được thực hiện ngay tức khắc. Chúng
tôi thường nói về việc Chúa tái lâm, và chúng tôi phải làm việc cấp bách ra
sao. Nhưng chúng ta sẽ không cảm nhận thực sự điều đó cho tới khi mình thấy rằng
cuộc sống sẽ chấm dứt bất cứ giây phút nào. Thật sự là chúng ta không thể biết
được gì sau nhịp tim kế tiếp của mình; đặc biệt là tính bất trắc của sự sống là
điều chung cho mọi người. Nhưng cơn suy tim biến hiểu biết này thành sự nhìn nhận
thực tế - đó là chúng ta chỉ cách bờ vĩnh cửu có một nhịp tim. Paul và tôi liên
tục sống trong sự chờ đợi một cơn suy tim khác. Nhiều đêm chẳng ai trong chúng
tôi ngủ được vì anh ấy thấy đau đớn, và chúng tôi tự hỏi phải chăng đã tới lúc.
Nhưng qua mọi sự, chúng tôi luôn có sự bình an sâu xa tin rằng cuộc đời chúng
tôi ở trong tay Chúa.
“Cuộc chạm trán với tử thần cũng khiến nhiều điều nhỏ nhặt không thiết yếu
trong đời sống chúng tôi, cũng đổi khác đối với tôi. Chẳng hạn , bây giờ chúng
tôi thưởng thức nhạc, đi đây đó và cùng làm việc chung với nhau. Có thể bạn bảo,
bây giờ chúng tôi làm thì cũng chưa quá trễ, thay vì chỉ bàn tới chuyện cùng
làm. Có một điều, tôi không còn tiếp tục rửa chén khi có thể cùng ngồi lắng nghe
và trò chuyện với nhau nữa!
“Thật ra là hình như anh ấy càng làm nhiều hơn và còn bận rộn nhiều hơn trước
đây. Nhưng bây giờ anh ấy bận rộn theo cách hay hơn - anh tự điều chỉnh để cắt
giảm căng thẳng , và tôi cảm thấy mình có bổn phận phải giúp anh điều này . Anh
không còn có thể lo nhiều tới chuyện gấp rút cho kịp giờ một buổi hẹn nào đó -
chính phút giây mà anh tiết kiệm có thể tạo căng thẳng dẫn tới một cơn suy tim
khác. Anh cũng dành nhiều thì giờ hơn cho các con - giúp chúng làm bài tập, hoặc
chơi bóng chày và bóng đá, ở bên cạnh chúng và làm những việc thực sự có ý nghĩa
đối với chúng, những việc sẽ để lại ký ức bền lâu trong chúng. Trước đây, anh
thường nói: ‘Đừng quấy rầy Bố, bố đang bận điện thoại.’ Bây giờ thì anh lắng
nghe nhiều chi tiết nhỏ nhặt rất quan trọng trong cuộc đời chúng; anh dành thì
giờ khuyên nhủ chúng. Trên một phương diện, khi dâng hiến anh cho Đức Chúa Trời,
chúng tôi đã gặp lại anh.
“Sức làm việc của Paul thật khủng khiếp. Đôi lúc điều này tạo thành gánh nặng,
chán nản, thậm chí đau lòng cho những người gần gũi anh và muốn theo kịp anh.
Tôi không hiểu bằng cách nào mà anh tiếp tục được. Tôi đã giạt qua một bên từ
lâu rồi.Tất cả những gì tôi thực sự có thể làm là giữ cho bếp lửa gia đình vẫn
cháy. Anh luôn nói với tôi, đó chính là điều anh cần - biết chắc là tôi vẫn thầm
lặng và tin tưởng sát cánh bên anh. Điều đó giúp anh tiếp tục công việc với tin
tưởng và bình an trong lòng cũng như trong tâm trí.
“Anh ấy thường bảo tôi: ‘Em à, nếu trong gia đình không có bất hoà, nếu em
không bực dọc và cáu giận và hiểu lầm, thì giúp ích cho anh rất nhiều.’ Đó có
phải là điều quá lớn để làm cho người thân yêu nhất trên đời đối với tôi không?
“Mọi hiểu biết mới mẻ này giúp tôi nhìn đời cách mới mẻ hơn. Mỗi khi cần có sự
lựa chọn, thì dường như lúc nào tôi cũng tự hỏi: “Liệu tôi có mong là mình đã
làm điều này khi biết mình sẽ không bao giờ có cơ hội làm lại không? Hay là tôi
sẽ lấy làm vui là mình đã không làm?” Khi biết được câu trả lời thì tôi cứ tiến
tới hành động theo đó. Tôi phân tích mọi việc mình làm để khỏi lãng phí thời
gian cùng sức lực vào điều không cần thiết. Tôi muốn mọi thứ đều có giá trị đối
với Chúa. Hầu như là bây giờ tôi nhìn đời từ góc độ kết thúc thay vì từ khởi điểm
- một loại hồi tưởng. Điều này giúp tôi hiểu được điều Đức Chúa Trời muốn tôi
làm.”
Hình ở trang 160: Gia đình Tiến sĩ Paul
Freed, Chatham, New Jersey, giữa thập niên 1960.