Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Sunday, July 15, 2012

Tháp Vĩnh Cửu--5


ĐÀI TIẾNG NÓI TANGIER
Vài câu chuyện dường như còn lạ hơn cả tiểu thuyết chỉ vì Đức Chúa Trời đã chen vào và đặt khuôn mẫu của Ngài trên cuộc đời chúng tôi. Tôi thường thấy rằng Đức Chúa Trời sẽ đưa Cơ Đốc nhân tới chỗ hầu như phải tan vỡ, hoặc tới một khủng hoảng tận cùng, rồi sau đó Ngài mới ra tay. Nhiều lần trong lịch sử công tác phát thanh của chúng tôi, tình huống dường như đang diễn tiến tới chỗ bế tắc, thì bỗng nhiên có câu trả lời ngay trước mắt tôi. Tôi tin rằng trình tự này không phải là ngẫu nhiên; tôi tin đó chính là cách hành động của Đức Chúa Trời trong quyền tể trị của Ngài. Tôi tin điều quan trọng trong mọi nhu cầu hằng ngày của chúng ta là cứ làm điều ở trong khả năng Ngài ban cho mình. Sau đó, khi mình đã hết cách, thì Đức Chúa Trời sẽ bước vào.
Hôm ấy là ngày Thứ Bảy - ngày cuối tuần mà Ba tôi đề cập trong điện tín. Lòng tôi thật nặng nề, tâm trí tê liệt. Tôi đã cầu nguyện hầu như liên tục xin Đức Chúa Trời làm một điều gì đó để cho phép “Đài Tiếng Nói Tangier” trở thành hiện thực. Chiều tối có tiếng chuông điện thoại. Đó là Tiến sĩ Charles Stevens, mục sư của Salem Baptist Church ở Winston-Salem, N. C. Ông ở cách chúng tôi khoảng hai mươi tám dặm và đang trên đường về hướng chúng tôi.


“Paul à, tôi sắp đi ngang qua thành phố anh, và không biết anh có thì giờ gặp tôi vài phút hay không. Tôi đi xe lửa Pullman lên miền bắc để mở một hội nghị về Kinh Thánh vào ngày Thứ Bảy.”
Tôi đón ông ở sân ga và nghe ông nói về những buổi họp ông phải tổ chức, về diễn tiến của trường họ, Piedmont Bible College, về tầm quan trọng của Chúa trong đời sống ông. Tôi là bạn tồi đối với ông lúc đó vì chẳng đóng góp được gì nhiều trong câu chuyện. Bóng tối - khi chúng tôi ra khỏi sân ga - là bức màn che thích hợp cho tâm trạng phiền muộn của tôi.
Bỗng nhiên tôi để ý điều Tiến sĩ Stevens đang nói với tôi: “Paul à, tôi tính chờ lúc về mới nói với anh điều này. Nhưng chẳng hiểu sao tôi lại cảm thấy tốt hơn là nên nói ngay bây giờ, trước khi tôi đi.”
Tiến sĩ Stevens có biết công việc phát thanh của chúng tôi đang bắt đầu tại Bắc Phi. Ông quen với Ba Mẹ tôi. Nhưng chắc chắn là ông không thể biết gì về khủng hoảng tài chánh chúng tôi đang đối diện.
“Tôi có cầu nguyện nhiều cho song thân của anh. Hình ảnh họ hiện ra trong lòng và trí tôi nhiều lần suốt tuần qua. Tôi quyết định đề cập họ với hội thánh tôi ngay khi đi họp về trong tuần này. Tôi hi vọng là Salem Baptist sẽ thực sự đảm nhận tài trợ toàn phần cho song thân anh.”
Lúc ông nói, tôi đang nhìn xuống mảng nước đá nằm trên những thanh nối ngang đường rầy xe lửa. Tôi ít dám ngẩng đầu lên trong khi ông nói tiếp.
“Tôi nghĩ là mình nên chờ sau khi xác minh vấn đề với ban trị sự hội thánh, nhưng tôi đã đề cập với họ rồi, và họ tỏ ra muốn giúp. Chúng tôi chưa chính thức hành động. Dường như Đức Chúa Trời đặt điều này trong lòng tôi, và ban trị sự hài lòng với ý kiến này. Tôi vừa chợt nghĩ là mình nên đề cập vấn đề với anh ngay tối nay thay vì chờ sau một tuần mới chính thức thông báo.”


Tôi cho tay vào trong áo khoác và lấy ra tấm điện tín đã từng gấp lại và mở ra nhiều lần của Ba tôi, đưa cho Tiến sĩ Stevens. Tôi chỉ có thể nói: “Ông sẽ không bao giờ biết được điều này có ý nghĩa biết bao đối với tôi!”
Ông nghiêng qua khoác vai tôi và đọc bức điện tín trong khi tàu lửa ầm ầm tiến vào nhà ga. Ông lắc đầu, nói với vẻ hoàn toàn kinh ngạc: “Chúa làm những việc diệu kỳ cho chúng ta!”
Nếu con người này của Đức Chúa Trời chờ một tuần mới cho tôi biết quyết định, thì hẳn đã quá trễ. Ba tôi chắc hẳn đã lên đường về nhà rồi.
Đây chính là người bạn do Đức Chúa Trời đưa tới để cùng đứng với chúng tôi khi hoàn cảnh bế tắc. Người này tiếp nối người khác - những người bạn thật - được Đức Chúa Trời dấy lên trên bước đường để chia sẻ với chúng tôi không chỉ lúc sự việc tươi sáng mà còn khi sự việc tối đen như mực nữa.
* * * * *

Một trong những trung tâm truyền giảng Phúc Âm trên lục địa Âu châu là Beatenberg, Thụy Sĩ. Chính từ nơi đó, lần đầu tiên tôi đến Tây Ban Nha, sáu năm về trước tiếp theo sau hội đồng Youth For Christ. Đó là nơi chúng tôi gặp Hermann Schulte lần đầu tiên. Sau đó, Đức Chúa Trời dẫn chúng tôi đến với những người sẽ là chủ chốt trong các ban tiếng Pháp và Nam tư, Rumani cùng nhiều ban khác, ngay tại cùng một địa điểm. Beatenberg là một làng nhỏ khuất lấp sâu trong vùng Alps Thụy Sĩ, khoảng hai ngàn bộ cao hơn Interlaken, nơi nghỉ mát quốc tế. Quanh năm, Bibelheim, một trường Kinh Thánh Âu châu với hiệu trưởng là Tiến sĩ Wasserzug, đào tạo sinh viên cho những chức vụ giữa vòng dân nói tiếng Đức trên khắp thế giới. Suốt mùa hè, đó là một trung tâm hội nghị Cơ Đốc - nơi lớn nhất trên lục địa, mở ra suốt mười tuần, với số đông các nhà truyền giảng Phúc Âm Âu châu tham dự. Điều hợp lý là chẳng sớm thì muộn, những Cơ Đốc nhân sốt sắng quan tâm rao truyền tin mừng của Chúa Giê-xu Christ qua làn sóng phát thanh, sẽ đến từ nhiều nước khác nhau khắp Âu châu qua ngôi làng nhỏ này.

Chúng tôi đặc biệt cảm động thấy nước Đức sẽ là nơi quan trọng để khởi đầu việc phát thanh càng sớm càng tốt. Chúng tôi đã thường xuyên cầu nguyện xin Đức Chúa Trời dẫn chúng tôi đến với những con người thích hợp, không chỉ là những người có thể cùng đứng với chúng tôi về mặt tài chánh, mà còn là những người sẽ không chịu thỏa hiệp trong việc ủng hộ sứ điệp của Phúc Âm nữa.
Từ lâu trước lúc đa số người khác quan tâm, đã có một người tại Đức quan tâm sâu sắc tới việc truyền thanh Phúc Âm, tới mức anh ta cùng với vài người bạn đã mua số thì giờ bên lề chương trình Phát thanh của Luxembourg. Thực sự đó là thời gian rất tồi tệ. Nhưng cũng đủ làm thí dụ để thuyết phục Hermann Schulte trong việc dùng làn sóng phát thanh đem Lời Đức Chúa Trời đến với hàng triệu người.
Ngay khi nghe hội nghị về “Đài Tiếng Nói Tangier”, ông này liên lạc với Ba tôi tại Beatenberg. Thật lạ lùng là Chúa đã cảm động ông về nhu cầu giúp đỡ. Hermann Schulte hưởng ứng gánh nặng cùng khải tượng của chúng tôi vào lúc chúng tôi cảm thấy mọi việc cần được hoàn tất chồng chất tới mức bản thân chúng tôi là con người không thể nào làm được. Theo cách lạ lùng, ông đã qui tụ được nhiều cấp lãnh đạo cùng thương gia Cơ Đốc nổi bật tại Đức chung quanh chủ đề trọng tâm là làm chứng qua phát thanh.
Ngay từ lần đầu gặp gỡ Hermann Schulte, chúng tôi có ấn tượng ngay đây là một người rất quen thân với Chúa. Có vẻ như ngay từ đầu, người này đã biết cách giúp chúng tôi cất dở gánh nặng. Qua những đối thoại đầu tiên, chúng tôi biết ngay ông sẽ không nói: “Thôi bây giờ các ông cứ đến giúp chúng tôi. Chúng tôi chắc chắn rất vui được các ông thực hiện một loạt chương trình phát thanh cho đồng bào chúng tôi.”
Đây chính là con người - theo ý Đức Chúa Trời - sẽ nói: “Tôi sẽ thực sự mang lấy gánh nặng và cùng nhấc gánh nặng với các ông.”


Tôi nhớ niềm an ủi lớn lao khi đột nhiên nhận ra rằng ngay tại một trong những vùng mục tiêu quan trọng nhất của chúng tôi tại Âu châu có những Cơ Đốc nhân quan tâm giúp đồng bào mình. Sự hiện diện của mối quan tâm bản xứ như vậy cho chúng tôi lợi thế thành công trong dự án - hơn rất nhiều so với nhiệt tình bên ngoài của chúng tôi đổ vào một thính giả chưa sẵn sàng có thể đạt được.
Ngay tại điểm này tôi bắt đầu nhận biết Đức Chúa Trời không chỉ đang mở cửa. Ngài cho chúng tôi những người sẽ cùng đứng vào chỗ trống với chúng tôi, những con người biết cách giúp chúng tôi cất dở gánh nặng. Khích lệ lớn nhất chính là khi chúng tôi hiểu rằng Đức Chúa Trời có những người của Ngài rải rác khắp Âu châu - những người Ngài sẽ đụng đến khi Ngài muốn dùng họ - những người hoàn toàn tận hiến cho Ngài. Qua suốt công việc, tôi có thể nhìn lại và thấy những con người làm việc ở đây, ở đó, và ở đàng kia. Chẳng phải là số đông trong bất cứ nơi nào. Nhưng vì tận hiến cho việc làm chứng Phúc Âm giữa vòng đồng bào mình, những con người chủ chốt này qui tụ quanh mình những người khác chịu học hỏi tìm hiểu công việc phát thanh.
Ruben Lores, một trong những người cùng chia sẻ trong buổi nhóm cầu nguyện đầu tiên nhìn ra eo biển, đã đảm nhận chương trình nói tiếng Tây Ban Nha ngay. Ngoài nhiệm vụ thường lệ là mục sư của hội chúng Tây Ban Nha địa phương tại Tangier, ông cũng là thành viên bán thời gian trong ban phát thanh ngay khi chúng tôi chuẩn bị lịch phát thanh vào Tháng Hai 1954. Khi kế hoạch của ông thay đổi, buộc ông trở về bản xứ Cuba, chúng tôi nhận ra là mình phải đối diện với việc tìm người thế chỗ trong chính trọng tâm của công tác.


Ba tôi dự tính vào vùng lục địa lần đầu tiên kể từ khi hoạt động của chúng tôi bắt đầu, và ông để lại đài, tên của vài giáo sĩ tại Tây Ban Nha cũng như chỗ khác, là những người có thể giúp chúng tôi những lời đề nghị.
Đến Beatenberg, ông thấy chương trình của Chúa được bày tỏ cách bất ngờ hơn hết. Ba tôi kể lại cách Đức Chúa Trời điều khiển thậy kỳ lạ:
“Tôi đang nói chuyện với một thương gia tiếng tăm và mời ông cùng với tôi cầu nguyện xin một người nói tiếng Tây Ban Nha giúp cho ‘Đài Tiếng Nói Tangier.’
“Ngày hôm sau, ông nói là ông nghĩ có người có thể giúp cho công tác của Tây Ban Nha. Ông có quen một cặp vợ chồng trẻ, gia đình Valbuenas, tốt nghiệp Trường Kinh Thánh Lausanne, Thụy Sĩ, gần nhà ông. Ông biết họ từ nhà ở Barcelonia theo học ở đó. Dù sao tôi cũng đang tới đó để kiếm người, bởi lẽ nhóm theo phái Phúc Âm đông nhất tại Tây Ban Nha đều tập trung tại Barcelonia. Chắc chắn đây là sự lãnh đạo đáng tìm kiếm.
“Khi tôi hỏi về Sr. Valbuena ở Barcelona thì được biết ông đang ở Canada trong ba tháng, dạy Kinh Thánh tại Quebec. Phản ứng đầu tiên của tôi là : ‘Vậy thì thôi!’ Sau khi tìm quanh một hồi, tôi không thấy có ai khác có vẻ đủ điều kiện như vậy.
“Tàu lửa phải rời thành phố lúc 1 giờ chiều. Sáng hôm ra đi, tôi có ấn tượng mạnh mẽ rằng mình phải tìm gặp vợ ông ấy. Chỉ một lần viếng thăm ngắn ngủi, tôi đã có ấn tượng thật thuận lợi về Maria Valbuena, và nói cho bà ấy biết lý do tôi đến Barcelona. Khi tôi từ giã, bà ấy hứa: ‘Tôi sẽ viết thư cho Miguel tại Canada, nói cho ông ấy về nhu cầu của ông.’
“Khoảng mười ngày sau, chúng tôi nhận được thư từ Miguel Valbuena ở Canada: ‘Tôi đã cầu nguyện nhiều cho chức vụ tương lai của mình. Tôi nay đang ở Quebec chỉ để thăm thôi. Chúa đã tác động tôi suy nghĩ rằng tôi không nên làm việc cá nhân tại Tây Ban Nha, nhưng Ngài cần tôi trong một chức vụ rộng lớn hơn. Tôi không biết chức vụ đó sẽ là nơi nào. Khi thư tới, tôi cảm thấy ngay rằng “Đài Tiếng Nói Tangier” là câu trả lời cho tôi.’”
Đầu năm 1955, Miguel và Maria Valbuena cộng tác với chúng tôi tại Tangier. Chẳng những ông ấy đã triển khai một chức vụ mở rộng lớn lao giữa vòng những người nói tiếng Tây Ban Nha ngoài chương trình riêng của ông ta, nhưng ông cũng làm nhiều việc để triển khai những khóa học Kinh Thánh khắp Tây Ban Nha. Maria đưa ra một thời khóa biểu đa dạng về những sinh hoạt có liên quan giữa vòng trẻ em ở Tangier, như là phần cuối cho những chương trình phát thanh cực kỳ hiệu quả dành cho trẻ em.
Tiếp theo những khởi điểm trong tiếng Tây Ban Nha và Đức, chúng tôi có thể xúc tiến những chương trình phát thanh cho Nam tư và Rumani nhờ những tiếp xúc cũng tại Beatenberg. Ba tôi đã được mời nhiều lần dành cả mùa hè chia sẻ tại hội nghị. Một lần nọ ông làm quen với Tiến sĩ Josef Horak, một viên chức chính phủ nổi tiếng trong bộ kinh tế Nam tư. Ông cũng là chủ tịch của Hiệp hội Báp tít Nam tư; nhưng quan trọng hơn, ông là người thật sự của Đức Chúa Trời. Ngay sau đó tôi đi Zagreb, Nam tư, nơi người trẻ cũng như già đều vô cùng sốt sắng về việc truyền thanh cho người khác. Chuyến viếng thăm này là khởi điểm của mối liên kết thực sự của tấm lòng với người dân Nam tư.



Trong một xứ chủ yếu là Chánh thống Hi lạp, và một phần là Hồi giáo, dường như đây là một viễn tượng thành công để nghĩ đến việc gia tăng chức vụ của một tá rưỡi nhà thờ phái Phúc Âm qua sự quan tâm của người này. Tiến sĩ Horak bắt đầu ghi âm cho chúng tôi bằng tiếng Croatia-Serb, và cô con gái lớn của ông hát cho chương trình phát thanh. Các kỹ sư của chúng tôi có thể đi vào Nam tư và đi vòng quanh với Tiến sĩ Horak, ghi âm những ca đoàn cùng sứ điệp của nhiều mục sư. Cuối cùng chúng tôi cung cấp cho ông máy ghi âm bán chuyên nghiệp, và ông đã ghi âm nhiều sứ điệp ngay tại nhà mình. Sau đó những băng ghi âm này được gửi tới chúng tôi để truyền lại cho dân tộc ông tại Nam tư qua hệ thống làn sóng ngắn của “Đái Tiếng Nói Tangier.”

Hình ở trang 76: Hội nghị của ban phụ trách Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới tại hiện trường phát sóng ở Tangier, 1959
Một tiếp xúc khác tại Beatenberg mở cửa cho những chương trình phát thanh được phát sóng vào Rumania. Ông Hodoroaba, một nhà truyền đạo Báp tít tại Rumania, trốn khỏi nước vài năm trước, sang Pháp và tổ chức dân tị nạn Rumania thành một hội chúng Báp tít tại ngoại ô Paris. Một người nhiệt tình tự nhiên, ông lấy làm phấn khởi về đài của chúng tôi ngay khi nghe tin: “Tôi muốn nói trên đài của anh!”
Với sự trợ giúp của bạn hữu tại Đức là những người ủng hộ chức vụ phát thanh của mình, ông trở thành một phần thường xuyên trong chức vụ của “Đài Tiếng Nói Tangier” - cả qua sứ điệp lẫn âm nhạc của ca đoàn hội thánh ông.
Trong trường hợp cả hai chương trình Nam tư và Rumania, chúng tôi thấy đã đến được với nhiều thính giả trước kia từng sống sau Bức Tường Ngăn Cách. Các chương trình tiếng Rumania được phát sóng không chỉ cho nước họ, mà còn cho Tây Âu, nơi có nhiều dân tị nạn. Qua nhiều thư từ gửi tới chúng tôi, cùng những bạn hữu tới đem theo báo cáo, chúng tôi nhận được những câu chuyện tán thưởng ý nghĩa của chương trình phát thanh đối với họ. Những nhóm lớn - không phải chỉ ba hoặc bốn hoặc một chục - tụ tập trong nhà để nghe chương trình phát thanh.


Khởi đầu nhỏ với vài lối thoát về ngôn ngữ như thế, công việc tiếp tục phát triển cho tới khi có những chương trình phát thanh theo hai mươi bốn nhóm ngôn ngữ khác nhau. Năm 1956 máy phát sóng cũ được thay thế bằng máy10.000 watt và ngay sau đó, máy phát sóng 10.000 watt thứ hai tăng gấp đôi công suất mới. Hệ thống ăng ten đơn giản cũ mỗi lúc càng phức tạp hơn, khi chúng tôi phát sóng những chương trình đặc biệt cho hầu hết mọi nước tại Âu châu, Bắc Phi, Trung Đông, và sau Bức Tường Ngăn Cách.
Cùng với mối quan tâm gia tăng trong việc phát thanh Phúc Âm bởi những nhân sự Cơ Đốc trong nhiều nước khác nhau của Châu Âu, là nhu cầu cấp bách cần một ban giáo sĩ điều hành thích hợp để thực hiện công tác kỹ thuật, quản trị và văn phòng của “Đài Tiếng Nói Tangier.”
Vào những ngày đầu thời đó tôi thấy khó tìm ra đám trẻ đăng ký phục vụ làm giáo sĩ. Đa số họ chưa hề nghe “Đài Tiếng Nói Tangier,” còn các hội thánh thì chậm chạp trong việc cam kết hỗ trợ một tổ chức giáo sĩ mới. Nhưng chính trong việc này Chúa cũng đã có cách diệu kỳ riêng của Ngài để đột phá sự bế tắc này.
Tại Tangier, Ba Mẹ tôi hằng ngày cầu nguyện xin giúp thêm giáo sĩ. Tôi viết cho Ba tôi, nói rằng trước mắt chẳng có ứng viên nào cả. Một hôm Ba tôi nhận được thư của Anna Lee Erickson, một trong những sinh viên rất nhiều hứa hẹn tại Viện Canadian Bible Institute ở Regina lúc Ba tôi còn dạy ở đó và Mẹ tôi là Chủ nhiệm khoa của Nữ sinh viên.

Hình ở trang 78: Cô Anna Lee Erickson, giáo sĩ Bắc Mỹ đầu tiên được bổ nhiệm tại Tangier
Thư của Anna Lee đại khái như sau: “Qua chức vụ của ông tại Regina, mỗi lúc tôi càng mang gánh nặng về truyền giáo. Tâm trí tôi cứ trăn trở mãi là nên đăng ký vào đoàn thể truyền giáo rộng lớn nào. Không hiểu sao, tôi cứ nghĩ là mình nên phục vụ Chúa trên đồng truyền giáo với gia đình ông Freed hơn bất cứ nơi nào khác. Ông có thể dùng tôi không?” Vì đã biết rõ Anna Lee trong ba năm, nên song thân tôi trả lời ngay cùng ngày: “Chấp nhận.” Tôi tin đây là tiến trình xin việc nhanh nhất trong lịch sử của Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới.

Theo cách diệu kỳ của Đức Chúa Trời, điều này đã thay đổi xu thế, và chẳng mấy chốc, đơn xin việc bắt đầu dồn dập. Lúc đầu chính cá nhân tôi giúp gây quỹ hỗ trợ. Cuối năm năm đầu hoạt động ban điều hành hiện trường truyền giáo của chúng tôi tại Tangier từ hai lên tới hai mươi sáu nhân viên.
Tangier là mặt trận tốt để chúng tôi hoạt động, và nhu cầu về phòng phát thanh cùng giấy phép để nâng cao thêm công suất thiết bị phát thanh giúp chúng tôi lập kế hoạch trước. Điều có vẻ lạ là ngân qũy dự trù cho Tangier không tới. Chúng tôi không hiểu tại sao, nhưng hầu như ngay từ đầu chúng tôi đã tìm kiếm trước những địa điểm trên lục địa.


ĐƯỢC THĂNG TIẾN

Mùa xuân năm 1957, khi từ Mỹ sang Moroco, tôi chẳng có lý do gì để cảm thấy có vấn đề. Mọi việc đều ổn thỏa tại đài Tangier. Nhiều người đang nghe chương trình của chúng tôi phát thanh bằng hai mươi bốn thứ tiếng. Nhưng hầu như trong tiềm thức, Chúa khiến tôi thấy là mình phải xem xét những khả năng để mở địa điểm phát thanh trong lục địa.
Đêm hôm trước khi phải trở về Mỹ, tôi cùng Ba Mẹ chạy xe ở phố Tangier. Chúng tôi đã dừng xe trước Bệnh viện Truyền giáo Bắc Phi để nói chuyện và cầu nguyện - như chúng tôi đã từng làm nhiều lần trước đây - xin Chúa dẫn bước chúng tôi. Chẳng suy nghĩ gì nhiều, tôi nói: “Có lẽ con sẽ về lại Greensboro theo đường Monte Carlo.”
Vừa khi nói lớn như vậy, tôi chờ đợi nghe: “Con ơi, vậy là sai chương trình rồi. Không nên làm vậy.”
Thế nhưng ngược lại, tôi nghe Mẹ nói: “Paul à, Mẹ nghĩ có lẽ con nên tới Monte Carlo. Mẹ tin là Đức Chúa Trời thực sự có trong sự việc này.”
Tôi ngạc nhiên là Ba tôi cũng cảm thấy Đức Chúa Trời đang dẫn dắt theo hướng đó. Niềm xác tin trọn vẹn của họ về sự hướng dẫn của Chúa luôn luôn là nguồn khích lệ lớn cho tôi. Họ không bao giờ do dự khi quyết định. Lúc đã biết chắc Đức Chúa Trời dẫn dắt mình, thì không còn lựa chọn, không còn bàn cãi nữa. Qua nhiều kinh nghiệm tôi tin chắc rằng Đức Chúa Trời không có hai phương hướng cho đời sống chúng ta. Vấn đề chỉ là tìm biết đường lối Ngài, rồi hành động theo đó.
Cả ba chúng tôi lại cầu nguyện. Và sáng hôm sau - vô cùng nôn nóng - tôi chuyển từ chuyến bay New York City sang chuyến bay về hướng Monte Carlo. Nhiều lần trong những ngày trước mặt, tôi phải nhìn nhận lần gặp nửa khuya đêm đó là chứng cớ hướng dẫn chắc chắn của Đức Chúa Trời.
Tại đài, ông E. Bosio , người điều hành đài Phát thanh Monte Carlo, đón tiếp tôi. Ông biết rõ công việc chúng tôi tại Tangier, và khen chúng tôi về công việc phát thanh tốt. Ông đưa tôi lên đỉnh núi nơi đặt những máy phát sóng. Và khi chúng tôi nhìn khắp thành phố, tôi dò ý ông về tính khả thi của việc chúng tôi dời về Monaco, và làm việc qua giấy phép của họ, dựng một máy phát sóng cho chương trình phát thanh Cơ Đốc toàn thời gian. Chúng tôi đề cập loại ăng ten định hướng cần thiết để đến với vùng đó trên thế giới. Sau đó, khi cuối cùng bàn về khả năng tìm một số nhân viên cho đài, thì tôi thấy họ đáp ứng rất tích cực. Họ cũng quan tâm vào thời điểm đó, tôi không nên công khai sự đáp ứng của họ, mà chỉ tiếp tục liên lạc và cùng nhau thận trọng hoạch định thêm chi tiết.


Vào hè thì công việc ở Tangier tiến triển êm xuôi đủ để Ba Mẹ tôi thực hiện chuyến về nghỉ tại Hoa Kỳ rất xứng đáng với họ. Trên đường về Mỹ, họ quyết định ghé qua công quốc bé nhỏ Monaco. Tôi tự hỏi không biết Mẹ tôi có nghi ngại gì không, khi bà thực sự nhìn thấy Monte Carlo trong toàn cảnh quyến rũ như thế. Tôi chắc chắn phản ứng của bà sẽ là: “Cảnh có phần hơi quá tuyệt vời!”
Ba Mẹ tôi đăng ký vào Khách sạn Majestic hướng ra bến cảng. Ba tôi kể lại, Mẹ tôi ngắm cảnh rồi nói: “Ralph à, em cảm thấy mạnh mẽ rằng Chúa đang ở trong toàn bộ sự việc này.”
Vào tháng Chín 1957, tôi tới nhà em gái tôi là Ruth, ở Ringwood, New Jersey. Betty Jane và tôi đang trong tiến trình chuyển cả gia đình cùng trụ sở của chương trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới từ Greensboro, North Carolina, tới vùng New York - để tiện hơn cho các giáo sĩ tới lui. Vào lúc Ba Mẹ tôi về tới thì chúng tôi đang sống gần Ruth với chồng là Armstrong, hiện đang chủ tọa Hội thánh Cộng đồng tại Ringwood. Thật là tuyệt vời khi tất cả chúng tôi được gặp nhau - Ba Mẹ, con cái và các cháu. Một trong những buổi ăn mừng của chúng tôi là kỷ niệm bốn mươi năm đám cưới của Ba Mẹ, ngày mươì bốn tháng Mười Một. Ba tôi vui có dịp mua quà nhỏ làm vui lòng người yêu của ông. Tất cả chúng tôi đều có thể thấy niềm vui trong cuộc sống chung của họ. Rõ ràng là họ thắm thiết yêu nhau, và mỗi người quan tâm hiểu nhau và làm vui lòng nhau.
Lúc đầu Ba tôi đi giảng, có vắng nhà đôi chút, nên tôi có cơ hội ở nhà với Mẹ - chỉ có hai mẹ con. Tôi còn nhớ vẻ biết ơn thầm lặng của bà, niềm vui sâu xa nhìn thấy đứa con thứ tư của chúng tôi là Stevie được tám tháng vào lúc đó. Một hôm trong vườn nhà chúng tôi, mẹ tôi ngồi trên ghế nơi sân cỏ ngước nhìn tôi, nói với ý nghĩa sâu xa: “Paul à, Chúa làm mọi việc thật tốt đẹp.”
Vào khoảng giữa tháng Mười Một, tôi hẹn giảng tại the Church of the Open Door ở West Coast. Vài bạn đem xe tới đưa tôi ra phi trường. Tôi chào từ biệt gia đình, thì có chuyện lạ xảy ra. Tôi chỉ đi có bốn hoặc năm ngày thôi, nhưng bỗng nhiên cảm thấy thôi thúc mãnh liệt muốn nói chuyện với mẹ tôi. Tôi xin lỗi mọi người, bước vào phòng mẹ tôi, và làm một việc mà tôi chưa hề làm theo cách đó trước đây. Mẹ con tôi vẫn thường rất gần gũi nhau, nhưng lần đầu tiên trong đời tôi - chẳng có lý do nào rõ ràng - tôi để ra khoảng mười phút nói với mẹ rằng tôi yêu mẹ ra sao, ảnh hưởng của mẹ có ý nghĩa biết bao trên cuộc đời tôi. Bà bắt đầu khóc. Nhưng tôi muốn mẹ biết cuộc đời của bà là nguồn cảm hứng lớn lao cho tôi, bà thật dịu dàng với tôi, và tôi cứ tiếp tục nói. Tôi nói với mẹ là tôi rất vui ba mẹ đã trở về Mỹ, và tôi mong chờ được có mẹ bên cạnh suốt năm. Tôi nhớ đã lau nước mắt cho mẹ, và hôn từ biệt mẹ. Rồi tôi vội vã ra xe và đi phi trường, và chẳng bao lâu đã tới bên kia bờ lục địa, ở Los Angeles.
Vì Ba Mẹ tôi về nghỉ ngơi cũng như để nói cho các hội thánh điều Chúa đang làm qua “Đài Tiếng Nói Tangier,” cho nên họ quyết định tốt nhất là nên thuê một nơi ở riêng suốt cả năm.
Trong khi tôi đi vắng, nhân viên nhà đất cho họ xem một căn nhà nhìn ra hồ. Giá cả phải chăng và ngôi nhà có vẻ xinh xắn. Mẹ tôi giống như một bé gái có được búp bê mới.
“Ralph à, biết đâu Chúa lại cho mình có được nơi nhỏ bé xinh xắn này thì sao nhỉ?”
Ánh mắt bà long lanh khi song thân tôi đi bộ khoảng mười lăm phút về nhà Ruth. Bà có vẻ mệt mỏi, nhưng cứ luôn miệng nói cám ơn Chúa vì có được căn nhà riêng xinh xắn. Chúa thật nhân từ biết bao!
Ba tôi để ý thấy mẹ tôi bước chậm hơn bình thường, nhưng bà chỉ mỉm cười nói: “Tôi chỉ mệt thôi.” Trong bữa ăn trưa, họ nói chuyện về căn nhà, và thích thú đề cập chuyện trang hoàng nhà. Mẹ tôi vô cùng biết ơn Chúa về sự nhơn từ của Ngài khi kể lại cho Ruth và Ben việc gặp nhân viên nhà đất hồi sáng, và mô tả việc tìm ra căn nhà nhỏ trên bờ hồ - giống như ngôi nhà trong mộng.
Chiều hôm ấy bà than đau, cộng thêm cảm giác đau bao tử. Bà giải thích, lại khó tiêu nữa rồi, và ra ngoài dạo quanh nhà. Trong mấy năm qua, bà đã bị như thế nhiều lần, nhưng lần này khi bước vào nhà, cơn đau trở nên nặng hơn, và lan qua vai cùng cánh tay trái.
Hồi còn ở biên giới Ả Rập, gia đình chúng tôi đã nhiều lần trông đợi Chúa khi không có bịnh viện cũng chẳng có tiệm thuốc. Chúng tôi không có thói quen mời bác sĩ ngoại trừ bị ốm nặng. Buổi chiều đặc biệt này tại New Jersey, Mẹ tôi tin chắc mọi chuyện sẽ bình thường. Nhưng khi Bác sĩ Duff Brown nghe về cơn đau nơi ngực cùng cánh tay bà thì khuyên nên mời bác sĩ chuyên khoa tim và nên đưa bà đi bịnh viện ngay.
Ben cùng đi trong xe cứu thương với bà tới bịnh viện ở Montclair. Sau này anh nói với tôi là lúc ấy bà vẫn nghĩ là vấn đề tiêu hóa. Cơn đau có thuyên giảm và bà không thấy khó chịu lắm. Họ cười đùa với nhau khi xe bật đèn đỏ bí hiểm luồn lách trong bóng đêm. Thực sự cả nhà đều cho là bác sĩ quá mức thận trọng khi đề cập khả năng bị bịnh tim của bà; sức khỏe bà đang thật là tốt.
Khi xe cứu thương vào tới cổng cấp cứu tại Bịnh viện Mountainside thì đã tám giờ tối. Ben lo ổn định chỗ cho bà qua đêm xong mới về nhà. Ba tôi thức chờ báo cáo trực tiếp đầu tiên. Nhưng sau khi nghe bà khá dễ chịu, thì ông quyết định đi nghỉ để chuẩn bị vào thăm bà lúc sáng sớm.


Khi tôi trở về khách sạn tại California sau buổi nhóm, trên bàn có giấy nhắn gọi cho tổng đài ở New Jersey. Khi nối xong đường dây liên lạc, vợ tôi báo là có tin khó nói: “Mẹ bị suy tim, Paul à. Nhưng bác sĩ nói bà khỏe lắm rồi.”
Thật là cú sốc nặng nề cho tôi. Lúc lần lữa từ biệt tôi không mảy may nghĩ tới vấn đề gì. Tôi nghĩ tới nhiều lần khác Đức Chúa Trời thực sự đã gặp mẹ tôi. Một lần nọ tại Trung Đông, Ngài đã làm phép lạ đỡ bà dậy khỏi tình trạng giống như là phút lâm chung. Tôi tin chắc là Đức Chúa Trời sẽ cho bà ở với chúng tôi chừng nào mà Ngài còn cần tới bà tại nơi này. Trước đây đã có nhiều lần tôi nghĩ tới việc bà qua đời. Tôi biết bà sẽ ra đi khi Chúa muốn bà đi, nhưng tôi thấy lòng nặng nề lúc gác máy điện thoại. Tôi bước ra đường vào quãng trường. Tôi cầu xin Đức Chúa Trời bày tỏ ý muốn Ngài trên đời sống bà như Ngài đã làm suốt nhiều năm nay. Khoảng 2 giờ sáng tôi trở về phòng và ngủ thiếp đi. Mới bốn giờ sáng, tôi bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại chói tai.
Giọng Betty Jane nghe thật gần khi nàng nói: “Anh yêu, anh có bình tĩnh không đó? Mẹ vừa từ giã chúng ta về với Chúa rồi, Paul à.”
Dù rằng câu nói của Betty Jane là cú giáng khủng khiếp khiến tôi sững sờ, nhưng tôi vẫn nghe giọng Mẹ vang bên tai: “Chúa đang điều khiển cuộc đời chúng ta, Paul à. Và Ngài làm việc đó theo cách riêng của Ngài.”
Cái chết đột ngột của bà cũng khiến bác sĩ phải kinh ngạc. Bác sĩ chuyên khoa tim được mời vào ngay. Mẹ tôi đã ngủ ngon và ăn sáng. Các biểu đồ theo dõi bà trong thời gian ngắn ở bịnh viện cho thấy bà vẫn khỏe. Mọi thứ có thể làm đã được hoàn tất. Nhưng sau bữa điểm tâm, khi bình thường Mẹ vẫn đi tới đi lui, thì y tá nghĩ là có sự yên lặng bất bình thường. Cô ta mở cửa phòng để kiểm tra thì thấy Mẹ đã lặng lẽ qua đời. Đây là cơn suy tim thứ hai.
Ba tôi thường nói: “Mẹ con là tấm gương và nguồn cảm hứng lớn cho ba, đặc biệt trong những lúc thử thách, ba biết phản ứng của mẹ là không nhìn lui, mà là nhìn tới để học điều Chúa muốn dạy chúng ta qua kinh nghiệm của mình. “Được ở với Đấng Christ là điều tốt hơn rất nhiều’ giống như một loại dầu thơm xoa dịu lòng đau đớn của ba. Câu này là niềm an ủi lớn, và ba thường xin Đức Chúa Trời cho ba ân sủng để biết rằng điều đó là tốt hơn cho mẹ rất nhiều.”
Mẹ tôi lúc nào cũng nghĩ tới người khác. Bà là loại người hoàn toàn quên mình. Cả cuộc đời bà có thể được thu gọn trong từ “cầu nguyện.” Lúc nào bà cũng lo cho Ba tôi, và gia đình, và công việc phát thanh, không bao giờ lo cho mình. Về sau chúng tôi được biết là chỉ vài phút trước khi qua đời bà đã nói về ơn lành của Chúa trên chức vụ phát thanh tại Tangier.
Vào tám giờ cùng buổi sáng đó (giờ California) tôi đang trên máy bay từ Los Angeles trực chỉ hướng đông về với gia đình. Suốt chuyến bay, sự thực hữu của những điều tôi từng giảng biết bao nhiêu lần tại nhiều nước lại đến với tôi. Lần đầu tiên trong đời, cá nhân tôi kinh nghiệm được sự thực hữu của sự kiện vinh quang ấy là sẽ có ngày tôi gặp lại Mẹ, mặt đối mặt. Tôi tin chắc điều này môt trăm phần trăm khi bay ngang bầu trời và xem xét lại toàn bộ ý nghĩa món quà cứu rỗi của Đức Chúa Trời cùng sự sống đời đời qua Chúa Giê-xu Christ. Gặp Ngài và gặp Mẹ tôi một ngày kia đã trở thành một thực tế và chắc chắn tuyệt đối trong trí lẫn trong lòng tôi.
Dù bị chết lặng với tin sửng sốt đó, nhưng đồng thời tôi cũng có thể hiểu vài điều cách rõ ràng không thể lầm lẫn được. Tôi không thể chỉ nghĩ đến sự mất mát thể xác. Tôi không thể loại trừ Đức Chúa Trời ra khỏi sự thật là mẹ tôi đã chấm dứt cử động nói năng theo chiều của chúng ta. Mẹ tôi đã liên tục sống với Chúa. Và mọi người quen biết đời sống ngọt ngào của bà đều nhận biết đó là kết quả của mối liên kết giữa bà với Ngài. Việc bà xa cách tầm với của chúng ta không phải là kế hoạch của con người - đó là kế hoạch của Đức Chúa Trời để đưa bà vào trong hiện diện với Ngài.
Chúa đã giúp tất cả chúng tôi khi trải qua mọi khó khăn mà mọi người phải đối diện lúc chết. Tại New Jersey chúng tôi chưa quen biết nhiều, nhưng chúng tôi mong ước tìm được người đủ thân với chúng tôi và thực sự yêu Chúa để làm lễ tang. Tiến sĩ Charles Stevens, người mà Đức Chúa Trời sai tới đáp ứng nhu cầu của chúng tôi trong cơn khủng hoảng tài chánh những ngày đầu tại Tangier, xuất hiện trước tiên trong trí tôi. Tôi gọi điện cho ông tại Winston-Salem, N. C., ông vừa trở về sau một loạt hội họp đặc biệt tại Florida. Ông rất mệt, nhưng ông muốn chia sẻ với chúng tôi trong cơn đau buồn theo bất cứ cách nào có vẻ là tốt nhất. Tôi hỏi ông có thể đến làm lễ tang được không, thì ông nói: “Tôi xem đó là đặc ân.”
Ông biết rõ cả Ba Mẹ tôi. Thật sự, chính hội thánh ông đã hỗ trợ cho Tangier. Ông đã đi sáu trăm dặm hôm ấy để giúp chúng tôi, và tôi không bao giờ có thể nói hết được ý nghĩa sự hiện diện của ông. Đích thân ông chỉ nói với tôi có vài lời, và trong chính buổi lễ, mối liên kết gần gũi vốn ràng buộc Cơ Đốc nhân với nhau, thật hiển nhiên cách nồng nàn và chắc chắn.


Mẹ tôi không hề trở về trong suy nghĩ hoặc giấc mơ của tôi theo cách dị thường hoăc kỳ lạ. Trí và lòng tôi liên tục tin tưởng tuyệt đối rằng mẹ tôi không còn ở đây nữa, vì bà đang ở với Chúa. Tôi không biết những người khác sẽ làm gì, nhưng tôi thì có trở lại nghĩa trang hai hoặc ba lần kể từ ngày tang lễ của bà. Không phải là tôi cố tình tránh né. Tôi có thể đi bất cứ lúc nào. Nhưng Mẹ tôi đâu có ở đó, bà đang ở với Chúa.
Mặt khác, mẹ tôi hiện nay vẫn là một thực hữu sống động như khi bà còn sống ở đây. Bước đi giữa bà với Chúa, vinh quang của cuộc sống hằng ngày với Ngài, đều là những thực tại có thực đối với tôi ngày nay. Cuộc sống của bà vẫn tiếp tục với tôi; cùng một lúc bà đang ở với Chúa, nơi mà chúng tôi sẽ cùng sống với bà sau này. Với sức mạnh khó tin, kinh nghiệm này về sự chết giúp tôi biết thực tại đích thật của sự sống, sự sống đời đời của chúng ta qua Chúa Giê-xu Christ


Tôi không có cảm giác: “Bây giờ tôi không sống được nữa - cuộc sống đã mất hết tất cả.” Cuộc sống chẳng mất gì đối với tôi. Chính ngày Chúa nhựt sau đó tôi đã có thể giảng tại hội thánh có hẹn trước, và cảm thấy đó chính là nơi bà muốn tôi tới. Mẹ tôi muốn chúng tôi cứ tiếp tục nói cho mọi người biết về cùng một Đức Chúa Trời mà bà đã biết và yêu mến.
Tôi nhớ có lần Mẹ đến với tôi sau khi nghe tôi đề cập bà như một minh họa trong bài giảng. “Con Paul à, bây giờ con phải để ý một chút. Đừng có đề cập mẹ trong bài giảng. Chỉ đề cập Chúa Giê-xu Christ thôi.”
Tôi yêu mẹ sâu sắc, và tình yêu chúng tôi kinh nghiệm được đã biến thành sức mạnh cho cuộc sống hằng ngày kể từ khi bà qua đời.
Có lẽ sự chết dạy chúng ta một bài học trong sự quân bình của nếp sống Cơ Đốc - quân bình giữa việc biết rằng mình là những tạo vật được tái sanh trong thế giới thuộc linh, với việc biết rằng chúng ta là những con người đang sống trong sự hiện hữu trần thế mỗi ngày. Việc chúng ta nhấn mạnh vào sự sống đời đời cùng hi vọng của chúng ta trong Đấng Christ phải bao gồm mối quan tâm thành thật muốn sống trọn vẹn tại nơi mình đang sống. Cả cuộc sống thường ngày ở trần gian lẫn thực tại vinh quang của quyền công dân thiên quốc của chúng ta đều là những sự kiện cơ bản trong Kinh Thánh. Cuộc sống của Mẹ giữa vòng chúng tôi minh chứng quá rõ rằng cả hai điều đó là những nhấn mạnh chủ yếu trong nếp sống Cơ Đốc quân bình.
Nhờ biết được địa vị của mình với Đức Chúa Trời là chắc chắn và bảo đảm một trăm phần trăm trong Chúa Giê-xu Christ, nên bà mới có được sức sống dư dật trong thời biểu hằng ngày, bất cứ bà sống nơi đâu. Cuộc đời của bà là cuộc đời vươn lên Chúa, và vươn ra những người cần có Ngài.
Betty Jane sau này tâm sự với tôi rằng nàng tự hỏi có thể cái chết của Mẹ là nguyên nhân làm chậm lại hoặc ngưng trệ toàn bộ công việc hay không.
Nàng cười, nói tiếp: “Tuy nhiên, trong lòng em vẫn biết là không phải như vậy đâu, Paul à.”


NHỮNG ĐỐI ĐẦU MỚI

Một trong những điều Mẹ tôi muốn tôi có đó là bằng tiến sĩ. Chẳng phải là tôi không muốn lấy, đúng hơn là vì có một điều khác lúc nào cũng chiếm chỗ ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch của tôi. Giờ thì Mẹ đã ra đi, ký ức về ao ước của bà đối với tôi tạo nên lực thúc giục mà tôi đang cần để đẩy nhiệm vụ này lên đầu bảng danh sách. Tuần lễ sau khi bà qua đời, tôi bắt đầu lăn bánh và thực sự tham dự một trong những kỳ thi lớn nhất trong chương trình Tiến sĩ của tôi.
Trường School of Education tại New York University giúp làm sáng tỏ luận án ba-ngành của tôi: bang giao quốc tế, truyền thông đại chúng, và giáo dục tôn giáo. Tựa đề thật là dài và bao gồm: “Công trình Nghiên cứu về Phạm vi của những Mục tiêu được đề ra trong các Chương Trình Phát thanh Tôn giáo do Hoa Kỳ sản xuất, được Soạn sẵn để Phát sóng tại Âu châu, sẽ được Thực hiện Tùy Theo Cấp Lãnh đạo Tôn giáo của Pháp, Đức và Tây Ban Nha.”
Nhiều nhà truyền giảng Phúc Âm nói với tôi rằng Cơ Đốc nhân không thể theo học đại học thế tục mà không thỏa hiệp trong lời chứng của mình được. Họ nói, không thể nào thực sự đứng về phe Đấng Christ trong hàng ngũ những cây cổ thụ đã được công khai thừa nhận về học thuật. Kinh nghiệm cá nhân của tôi tại New York University buộc tôi phải vội vàng binh vực những người bảo trợ tôi. Điều kiện đã rõ ràng, và điều cần thiết cho nhà trí thức Cơ Đốc, cũng như nhà tìm hiểu thuộc phái bất khả tri, ấy là phải đáp ứng điều kiện trước khi được công nhận là nhà nghiên cứu chân thật. Tuy nhiên, nếu một người thực sự nghiên cứu hợp lý để lấy bằng cấp, nếu người ấy chịu khẳng định chính xác tiền đề của mình, nếu người ấy ngay thật về những qui định ranh giới của công trình cùng việc nghiên cứu mình đã thực hiện, nếu người ấy chịu thận trọng xác định đầy đủ những điều kiện của mình, nếu người ấy có kiến thức để bảo vệ luận án của mình, thì người sẽ có được sự tôn trọng về học thuật từ những người trong ngành, bất chấp niềm tin của mình. Cho nên điều đòi hỏi duy nhất nơi chúng ta chính là chúng ta phải theo đúng thủ tục khoa học thông thường, dùng những văn kiện chứng minh có cơ sở, và có những mẫu mực tư duy hợp lý.


Trong đại học này tôi thấy mình rất có thể khởi đầu với tiền đề cho rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời. Đại đa số mọi người ở đây không tin là như vậy; nhưng tôi hoàn toàn có quyền với tư cách học giả, khẳng định điều này như là một trong những tiền đề của mình. Bước học thuật đầu tiên trong một luận án chính là giải thích một số tiền đề và phạm vi ranh giới, phải xác định một số điều kiện. Và sau khi thực hiện xong những điều đó, thì trường đại học chờ đợi những thủ tục và kết luận hợp lý từ những tiền đề cơ bản. Tôi thấy những người biết suy tư thì không chỉ trích hoặc xem thường công việc của chúng ta. Họ không có cơ sở để cho là chúng ta bất hợp lý một khi chúng ta đã khẳng định rõ ràng tiền đề bảo rằng có một Đức Chúa Trời, và Kinh Thánh là Lời Ngài phán với con người.
Hai năm rưỡi học tập và khảo cứu để lấy bằng Tiến sĩ đã giúp chúng tôi chuẩn bị mở rộng công việc trong lục địa Âu châu. Những chỉ dẫn chính từ luận văn của tôi cung ứng thông tin hữu dụng trong chương trình phát thanh truyền giáo của chúng tôi. Một điều kiện quan trọng nổi bật hơn cả trong khi tôi lập bảng kê và đánh giá những kết quả việc khảo cứu của mình. Những mẩu ý kiến ngẫu nhiên thâu băng, trực tiếp, qua câu hỏi điều tra, với những nhóm đại diện dân bản địa, qua việc nghe chương trình phát thanh cho chín trung tâm chính tại Âu châu - tất cả đều cho thấy rõ một yếu tố quan trọng để thành công trong việc truyền thông. Chương Trình phát thanh phải gắn liền với kinh nghiệm sống hằng ngày, với cuộc sống đời thường, với nan đề mỗi ngày. Chìa khóa của nếp sống Cơ Đốc không nhất thiết phải là sự xuất hiện ngoạn mục của Đức Chúa Trời trong bụi gai cháy, mà là sự hiện diện trường cửu của Ngài trong những thất vọng, những tranh chiến, những niềm vui của gia đình, của sở làm, của cửa tiệm, của xưởng đúc, của đấu trường thể thao. Giáo lý đúng trong những chương trình của chúng tôi là nền tảng thiết yếu, nhưng chúng tôi cũng muốn bảo đảm cung ứng chỉ dẫn cách sống cuộc đời Cơ Đốc nhân nữa.


Suốt thời gian làm luận văn tại Đại học New York, tôi có liên lạc thư từ với ông Bosio và ghé qua đài ở Monte Carlo vài lần để duy trì vấn đề mở rộng chương trình. Đôi lúc tôi tự hỏi không biết toàn bộ công việc có là lãng phí thì giờ hay không. Chúng tôi đang làm tốt tại Tangier vào lúc đó. Thật ra, ngay giữa thảo luận với Monte Carlo, chúng tôi gần đi tới việc lập kinh phí thực sự để mở rộng những phương tiện tại Tangier. Bây giờ khi nhìn lại thì rõ ràng là nơi mà chúng ta trước đây thường muốn sấn tới với những kế hoạch mở rộng của mình thì bây giờ chúng tôi lại cảm thấy muốn chậm bớt lại. Chúng tôi bàn tính mua thêm đất và gắn hệ thống ăng ten lớn hơn. Nhưng Đức Chúa Trời kéo chúng tôi chậm lại.
Bỗng nhiên Morocco được độc lập và bức tranh chính trị bắt đầu thay đổi nhanh chóng. Một thông báo từ chính phủ khiến cho sự trì hoãn của chúng tôi tại Tangier hoàn toàn rõ ràng: mọi việc phát thanh trong nước đều phải quốc hữu hóa vào cuối 1959. Lúc này là tháng Tư. Cảnh có vẻ đen tối như nửa khuya khi ban điều hành tại Tangier nghe tin vào lúc đầu. Ba tôi đọc thông báo của chính phủ cho nhóm cầu nguyện chiều Thứ Tư. Thật là một cú giáng choáng váng nhưng chẳng một người nào nói: “Thôi thì có lẽ chúng ta phải về nhà thôi.”


Tất cả chúng tôi biết rằng xuyên suốt các Eo Biển có dẫy đầy những máy phát thanh - ước lượng khoảng 80.000.000 cái vào thời đó. Và chúng tôi biết rằng không có đài phát thanh Phúc Âm nào hoạt động toàn thời gian trên vùng lục địa. Cho nên chúng tôi chờ đợi Đức Chúa Trời hành động. Có sự cầu nguyện ráo riết và những ngày căng thẳng đó đầy ắp những tình cảm xúc động và chờ mong.
“Lạy Chúa, Ngài dành cho chúng con điều gì đây? Nếu Ngài đóng cửa này, xin chỉ cho chúng con công việc kế tiếp.” Cả nhóm đều đồng thanh cảm nhận được rằng Đức Chúa Trời sẽ mở một cơ hội phát thanh khác.
Khi thông báo của chính phủ Morocco tới trụ sở trung ương chúng tôi tại Chatham, New Jersey, chúng tôi cảm thấy như thể mọi chuyện đều sụp đổ. Nhưng Chúa lại nhanh chóng quay chúng tôi sang một hướng khác. Trong vòng hai mươi bốn tiếng, tôi đáp chuyến bay từ New York tới Monte Carlo. Chúng tôi không có được bảo đảm cụ thể nào về bất kỳ điều gì đang triển khai ở đó, và tôi cũng sẽ không đẩy mạnh một hợp đồng nào trước đó dù là có khả năng. Tất cả chúng tôi trong công tác đều cảm nhận chắc chắn trong lòng rằng chúng tôi vừa khởi đầu thật tốt trong việc phát thanh Phúc Âm, và chúng tôi tin chắc một cách kỳ lạ rằng Chúa sẽ thực hiện môt điều gì đó vì cớ chúng tôi. Tìm cho ra một nơi tại Âu châu để có thể dựng một máy phát sóng cho việc phát thanh Cơ Đốc toàn thời gian, có vẻ là việc làm khó nhất trong lãnh vực phát thanh. Nhiều cấp lãnh đạo Cơ Đốc khác cũng thấy rõ ràng là như vậy. Tất cả những châu lục khác đều đã có những máy phát sóng như vậy, nhưng còn Âu châu - với sự tập trung đông đảo nhất những máy phát thanh bên ngoài nước Mỹ- thì chẳng có cái nào. Chúng tôi đã tìm khắp nhiều nơi trong châu lục để đặt một đài mới, nhưng theo như tôi được biết thì Monte Carlo thực sự là khả năng duy nhất.
Suốt những lần thương luợng đầu tiên của chúng tôi tại đó, nhu cầu đài phát thanh chưa cấp bách. Vào lúc nhu cầu trở thành cấp bách, thì Monte Carlo đã quyết định. Ngay tại điểm khủng hoảng của chúng tôi, họ sẵn sàng đề cập cụ thể những điều khoản của hợp đồng. Vâng, Đức Chúa Trời đã đình chỉ việc mở rộng”Đài Tiếng Nói Tangier” trong một thời gian vì Ngài có một việc lớn hơn trong kế hoạch tổng quát của Ngài. Ngài không muốn chúng tôi phung phí sức lực hoặc tiền bạc của Ngài, mở rộng một dự án phải chấm dứt trong nay mai. Đức Chúa Trời có cách định thời điểm thật diệu kỳ trong mọi sự!
Tôi đã có thể thực hiện được ngay những thương lượng tại Monaco và tin tưởng xúc tiến cách mạnh mẽ. Đó là Tháng Tư 1959 khi chúng tôi bắt đầu đặt ra những kế hoạch vững chắc để Đài Phát thanh Monte Carlo được quyền hoạt động. Ba tôi với tôi cầu nguyện thật nhiều cho việc sắp xếp với ban phát thanh, và cuối cùng - với cân nhắc kỹ lưỡng - chúng tôi quyết định ứng trước cho họ 50.000 Mỹ kim. Chúng tôi không biết mình sẽ kiếm đâu ra khoản đó, nhưng cảm thấy nếu hứa ít hơn thì sẽ khiến họ thấy bị tổn thương.
Tuy nhiên, khi tôi nói chuyện với ông Bosio, thì ông hỏi: “Ông có muốn Ban Giám Đốc chấp thuận hợp đồng này không? Ông có thể đặt trước bao nhiêu tùy ý, ông biết đó. Nhưng nếu ông thực sự muốn thông qua việc này thì có lẽ ông nên chuẩn bị ứng trước một khoản bao trọn chi phí tổng cọng cho việc lắp đặt. Vậy là khoảng nửa triệu Mỹ kim. Tôi nghĩ đó là cách duy nhất để họ chấp thuận hợp đồng.”
Dường như ông Bosio cố gắng giúp chúng tôi hiểu được tầm quan trọng phải đề nghị một khoản tiền hấp dẫn đối với Ban Giám Đốc - một đề nghị mà họ không ngại ngùng chấp nhận. Ông nhắc khéo rằng đó sẽ là cơ hội ngàn năm một thuở, không nắm lấy là mất trắng.
Chúng tôi biết Ban Giám Đốc đã tính chi tiết những khoản phí lắp đặt của hệ thống ăng ten lớn với máy phát sóng 100.000 watt chúng tôi sẽ cần tới. Chúng tôi không có

Hình ở trang 92: Hệ thống ăng ten sóng ngắn cuả Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới trên đỉnh Mount Agel bên trên Monte Carlo
con số chính xác nhưng ông Bosio đã ước tính tổng số sẽ là khoảng nửa triệu đô la. Chúng tôi cũng biết là Ban Giám Đốc sẽ không quan tâm đầu tư ngân quỹ riêng của họ. Tất cả đều sẽ phải do nhóm nhỏ chúng tôi đài thọ. Ông Bosio đề nghị chúng tôi phân tổng số tiền thành sáu lần trả góp, lần trả thứ nhất là ngay lúc họ chấp thuận dự án. Năm lần kia sẽ trả trong vòng một năm giữa lúc lắp đặt máy phát và ăng ten.
Còn một tháng nữa thì tới kỳ họp Ban Giám Đốc theo dự kiến, và chúng tôi cảm thấy mình đang lên cung trăng. Ngay cả con số một phần sáu để đặt cọc 83.000 đô la nghe cũng đủ là hoang tưởng rồi!


Trong khi tất cả chúng tôi lúc đầu đều phấn khích với khả năng dời hoạt động phát thanh về Monte Carlo, thì phản ứng thứ hai của chúng tôi lại khác hẳn. Một đợt sóng kinh hoàng đập vào tôi, và tôi thực tình không biết mình có mất trí hay không. Trong khi chúng tôi đang phác thảo hợp đồng, thì tôi với Ba tôi dành hàng giờ chuyện trò và cầu nguyện. Chúng tôi phải “đập khi sắt còn nóng,” và chúng tôi chẳng còn ai để nhờ vả, ngoại trừ Đức Chúa Trời. Thảo luận vấn đề cách công khai hoặc thậm chí với những cá nhân khác sẽ gây hại lớn cho những khả năng hoàn tất hợp đồng. Việc vạch ra từng chi tiết và quyết định, đã đem Bố con tôi lại gần nhau và gần Chúa hơn. Nhưng nửa triệu Mỹ kim thì nghe hầu như vô vọng!
Ông Stanley Clark, một giám đốc của Ngân hàng Barclay cho toàn vùng Trung Đông, từng là bạn thân với Ba Mẹ tôi suốt nhiều năm. Tuy không thể giúp tài chánh cho dự án Monte Carlo, nhưng ông là khích lệ lớn cho chúng tôi khi chúng tôi đưa vào hợp đồng - chỉ bằng đức tin - việc trả góp gấp mười lần số chúng tôi từng mong đợi. Ông Clark ủng hộ chúng tôi một trăm phần trăm, giúp cố vấn, đưa chúng tôi tiếp xúc những người thích hợp, ngay cả gặp gỡ một số viên chức thay cho chúng tôi. Một bậc thủ lãnh người Anh, với lời chứng Cơ Đốc thực sự giữa vòng nhóm Plymouth Brethren. Ông Clark đã có lần được bổ nhiệm làm Thống đốc của United Nations International Conclave tại Israel. Ông thường tiếp đón và chiêu đãi những nhân vật như Hoàng đế Haile Selassie cùng Phu nhân tại nhà riêng, nhưng ông có vẻ cũng thoải mái với chúng tôi. Ông không ngừng cho chúng tôi thấy sự hiệu quả của một đời sống thực sự hiến dâng cho Chúa. Nếp sống của ông là bản dịch từng ngày của đức tin cá nhân sang hành động có ý nghĩa.
Cùng lúc đó chính quyền tại Monte Carlo yêu cầu hợp đồng đã đề nghị phải được giữ kín trong khi chờ đợi, họ cũng yêu cầu đặt cọc 83.000 Mỹ kim mà đối với chúng tôi, nghe như thể là 83.000.000 vậy!
Hợp đồng là một thử nghiệm nghiêm trọng những ý định cùng khả năng hoàn tất những nghĩa vụ tương lai của chúng tôi. Thiết bị mà họ phải lắp đặt hoàn toàn thuộc về Đài Phát thanh Monte Carlo, nhưng họ lại không tài trợ. Vì vậy, hợp đồng xác định rằng chúng tôi phải trả nửa triệu - tổng chi phí của việc lắp đặt ứng trước - cho chúng tôi thuê phương tiện phát thanh toàn thời gian trong mười năm với số lần gia hạn vô định. Vốn đầu tư ban đầu của chúng tôi sẽ dần dần lấy lại được qua những phí tổn thuê mướn và hoạt động.


Chúng tôi phải đối diện một chuyện thật khắc nghiệt! Một luật sư Thụy Sĩ, trong lúc kỹ lưỡng xem xét hợp đồng, có vẻ giận dữ cho tới khi chúng tôi giải thích rằng Đài Phát thanh Monte Carlo không đến yêu cầu chúng tôi cộng tác với họ tại Monaco, mà là ngược lại. Đây là đài phát thanh duy nhất trong khắp Âu châu chịu cứu xét - với bất cứ giá nào - cho chúng tôi đặc quyền phát thanh Phúc Âm toàn thời gian. Đó là sự thật vào Tháng Tám 1959 khi chúng tôi đang soạn thảo hợp đồng. Cho tới ngày nay cũng vẫn là như vậy. Vì cớ chúng tôi tha thiết cần cơ hội được phép hoạt động, cho nên việc chấp nhận bảng giá đính kèm thật cao cũng chẳng có gì là không hợp lẽ.
Trước đó có lần Ba Mẹ tôi đi Anh, viếng thăm Keswick với vài bạn người Anh. Trong thời gian này Mẹ tôi bị viêm phế quản; sau đó lại viêm phổi, phải vào bịnh viện London. Đó là thời gian thử thách đối với Ba tôi, ông thắc mắc không hiểu tại sao kế hoạch của mình bị thay đổi và ngày về lại Tangier bị trễ khoảng sáu tuần. Một chiều nọ, chán nản và sốt ruột, ông tự nhủ: “Sao mình không thử nghe ‘Đài Tiếng Nói Tangier’ xem sao?” Ông nhìn lên chiếc ra-đi-ô cũ kỹ và định sau khi ăn tối sẽ mở chương trình phát thanh bằng Anh ngữ. Khi nghe điệu nhạc cùng giọng nói quen thuộc, ông thích thú đến nỗi chạy ra sảnh đường Nhà Nghỉ Truyền giáo, kêu gọi: “Qua đây nghe này!”
Khoảng hai mươi người chạy qua. Trong số đó có một Cơ Đốc nhân trẻ người Na Uy qua Anh học và trau dồi cách dùng tiếng Anh.
Anh rất chú ý chương trình phát thanh và hỏi: “Các ông nghĩ là có thể sắp xếp chương trình này sang tiếng Na Uy được không? Ở Na Uy chúng tôi chỉ có phát thanh của nhà nước thôi. Đây là ý kiến hấp dẫn - chương trình phát thanh như thế này có thể được nghe trong xứ chúng tôi.”
Ba tôi nói: “Tôi không hiểu tại sao lại không được!”
“Vậy sao mình không làm?”
“Vì mình cần có người biết chuẩn bị chương trình và chuyển ngữ. Và chúng ta cũng cần có người giúp chi phí phát sóng nữa.”
“Tôi nghĩ là tôi biết đúng người quan tâm chuyện này.”
“Được thôi, cho tôi tên và địa chỉ đi, tôi sẽ viết thư cho người ấy.”


Bước nọ dẫn tới bước kia, giúp chúng tôi tiếp cận được những người hàng đầu trong phong trào hoạt động tích cực của những người ngoài hàng giáo phẩm ở Na Uy: ông Vaagen, ông Eikli, và ông Haanes cùng với con trai là Leif. Mối quan tâm nhiệt thành của họ trong việc phát thanh Phúc Âm đã cho chúng tôi giải đáp về lý do sáu tuần chậm trễ tại London. Tiện nghi rất tồi tệ - bị gió lùa và lạnh lẽo, nhưng Mẹ tôi không hề nao núng, cứ khăng khăng cho rằng Chúa có mục đích trong việc này. Câu chuyện tiếp theo cho thấy mục đích này đã trở nên rõ ràng ra sao.
Giữa việc soạn thảo hợp đồng với lần họp của Ban Giám Đốc là chưa tới một tháng. Tôi lên lịch đi chuyến đầu tiên sang Nga và đồng thời để đích thân xem có thể làm được gì qua việc phát thanh Phúc Âm cho xứ này. Trên đường đi tôi ghé qua Oslo và gặp những người Na Uy đã từng náo nức vì đài “Tiếng Nói Tangier” dạo hè năm trước.
Tôi được mời đến nhà Ông Bà Vaagen. Tối đó một vài người bạn kể cả gia đình Haanes, họp lại cầu nguyện. Ông Haanes, chủ một công ty đóng tàu thật lớn cùng một số doanh nghiệp thành công khác, là một Cơ Đốc nhân phục vụ Chúa xuất sắc. Tôi cũng được biết rằng, trước khi đám cưới, bà Haanes đã từng là giáo sĩ cho Phi châu, một lý lịch tạo thêm kinh nghiệm cho mối quan tâm sâu sắc của họ trong việc truyền giảng Phúc Âm. Con trai của họ là Leif cũng là thành phần trong nhóm cầu nguyện.
Mối thông công cầu nguyện của chúng tôi thật giản dị và ngọt ngào. Họ cầu xin Đức Chúa Trời ở với tôi tại Liên Xô. Điều đặc biệt quan trọng đối với tôi là đây không phải chỉ là chuyến đi ngắm cảnh. Tôi chưa bao giờ cảm nhận được quyền năng Đức Chúa Trời trọn vẹn hơn hoặc biết chắc là Ngài sẽ hoàn thành mục đích riêng của Ngài cách toàn vẹn hơn tôi cảm nhận tối hôm đó. Tôi cảm thấy dứt khoát được Đức Chúa Trời hướng dẫn tỏ cho họ biết ngay lúc đó về khả năng của Monte Carlo, và yêu cầu họ đừng nói gì với ai về điều đó.
Đây là những con người đầy thế lực, tài năng, yêu mến Chúa và đặt Ngài lên hàng đầu trong cách sống của mình. Giữa vòng Giáo hội Lutheran tại Na Uy, Đức Chúa Trời đã âm thầm làm việc, chạm đến ông này, bà kia. Sự thức tỉnh thuộc linh trong đời sống của nhiều người thường đã tạo thành một cộng đồng tín hữu có mối ưu tư khác thường tại Na Uy. Khoảng 2.000 nhà cầu nguyện đã được lập ra vào thời điểm đó để cầu nguyện và học Kinh Thánh. Việc Đức Chúa Trời mở trí và lòng này đưa họ tiến xa hơn để thấy những cơ hội phục vụ có thể xúc tiến rao giảng Phúc Âm cho người khác. Trong khi họ đang bảo trợ một số dự án truyền giáo ở nước ngoài, thì lại cảm nhận gánh nặng phát thanh mà tôi chia sẻ với họ. Ở dưới phố Oslo hiện nay họ có một tòa nhà trụ sở điều khiển mọi nhà cầu nguyện cùng dự án truyền giáo. Tôi chưa bao giờ cảm nhận được sự hiện diện của Chúa gần gũi hơn tôi cảm nhận được tối đó tại Oslo khi cùng cầu nguyện với các thành viên trong the Norwegian Laymen’s Movement (Phong trào của Người Thường Na Uy).


Nhóm cầu nguyện nhỏ của Na Uy, người bạn Đức Hermann Schulte, cùng khoảng năm người khác ngoài gia đình chúng tôi là những người duy nhất biết về thách thức mới lớn lao của chúng tôi. Chính quyền Monte Carlo đã yêu cầu chúng tôi đừng công khai hóa những cuộc thương lượng và chúng tôi cũng thấy thiếu khôn ngoan nếu làm như vậy cho nên chúng tôi không công khai phổ biến nhu cầu của mình. Thật ra chúng tôi còn phải làm ngược lại - chúng tôi có đặc quyền kỳ diệu là chỉ cần an nghỉ trên lời cầu nguyện trong suốt tháng chiến lược đó.
Vào khoảng cùng thời gian đó, Tháng Chín 1959, chúng tôi quyết định mở một văn phòng cho chương trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới trên lục địa. Chúng tôi mời một cặp vợ chồng phụ trách tương đối mới, Burt và Sonja Reed, cùng đi với ba tôi để mở một văn phòng tại Beatenberg. Các mục tiêu đã rõ: một, chúng tôi cần chấm dứt căn cứ hoạt động tại Tangier như là trụ sở; hai, chúng tôi muốn đặt cơ sở cho hoạt động phát thanh tại Monte Carlo.


Công việc Ba tôi đã làm tại Tangier thật thiết yếu để mang lại hiệu quả cho những buổi phát thanh của chúng tôi. Tuy nhiên, việc soạn các chương trình, việc theo dõi

Hình ở trang 97: Tòa nhà phát sóng trên đỉnh Mount Agel bên trên Monte Carlo
chăm sóc, điều phối ban phụ trách mỗi lúc càng gia tăng, khiến còn ít thời gian cho một mặt cực kỳ quan trọng của dự án tổng quát - tức liên lạc với cấp lãnh đạo phái Phúc Âm trong toàn vùng mục tiêu của Âu châu. Đây là giấc mơ cho tới nay vẫn chưa thực hiện được là bao.
Hai tuần sau khi tới Beatenberg cùng với gia đình Reed, Ba tôi đi Monaco để gặp Ban Phát thanh Monte Carlo. Điều không thể có đã xảy ra! Món tiền 83.000 Mỹ kim đang nằm chờ ở đó! Sau buổi cầu nguyện tại Oslo, gia đình Haanes quyết định rằng Đức Chúa Trời muốn họ tự thực hiện bước đầu này. Họ vét sạch tài khoản ngân hàng và thấy được phép lạ ngân phiếu cho Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới. Người con trai là Leif Haanes từ Na Uy tới nơi với món quà và có mặt để ký vào hợp đồng.
Stanley Clark cũng đến với đài để thương lượng. Một con người đặc biệt với khải tượng và khát vọng, ông lấy làm ngạc nhiên nhìn thấy bước đức tin của chúng tôi trong việc dời hoạt động tới Monte Carlo. Nhưng ông Clark đã quen bạo dạn bước ra với đức tin để thực hiện những kế hoạch hành động riêng, cho nên ông sẵn sàng hoàn toàn ủng hộ chúng tôi trong buổi họp Ban Giám Đốc.
Vào lúc này tôi đã từ chuyến thăm dò Nga trở về Chatham, và đang trông tin của Ba tôi qua điện thoại.


Vào buổi sáng gặp gỡ Ban Phát thanh Monte Carlo, Ba tôi, Ông Clark, và Leif Haanes họp nhau cầu nguyện. Sau đó, họ lên núi xem qua các thiết bị. Đài đã được xây trong chế độ Đức Quốc Xã để làm đài tuyên truyền. Đó là một cấu trúc vĩ đại, đẹp đẽ, đồ sộ, bằng đá - vừa mới hoàn tất nhưng chưa lắp đặt thiết bị nào vào cuối cuộc chiến khi người Đức trở về nước. Thực sự là tôi cảm thấy ớn lạnh xương sống khi nghĩ đến Phúc Âm sẽ được giảng ra hằng ngày từ chính cấu trúc mà Adolph Hitler đã thiết kế nhằm phổ biến tuyên truyền cho Đức Quốc Xã.


Trong khi ba người trong nhóm đang ở độ cao 2500 bộ trên thành phố xem xét các thiết bị phát sóng thì ông Bosio gọi điện cho Ba tôi ở đó.
“Tin mừng cho anh! Tôi sẽ không chính thức kể cho anh đâu, vì ông Solamito, giám đốc của chúng tôi, đáng phải kể cho anh nghe. Nhưng tôi chắc là anh có thể đoán được. Ông ấy muốn gặp anh ngay bây giờ.”
Sáng hôm sau, cuộc thương lượng thực sự diễn ra và Leif Haanes - cùng với ba tôi bên cạnh - trao ngân phiếu 83.000 Mỹ kim để đặt cọc vào tài khoản Đài Phát thanh Monte Carlo.
Lúc điện thoại reo, tôi đang trong phòng làm việc ở nhà. Tôi cảm thấy tim muốn vỡ tung vì xúc động trong lòng. Tôi nín thở như thể sắp nghe tiếng Đức Chúa Trời. Tiếp theo là giọng Ba tôi: “Paul à, Đức Chúa Trời đã làm việc đó!”