PHÉP LẠ TẠI MONACO
Khoảng thời gian này chúng ta khám phá ra
rằng không bao giờ nên đặt câu hỏi: Tốn bao nhiêu? Đúng hơn phải là: Đó có phải
là ý muốn Đức Chúa Trời không?
Tại Tangier chúng tôi cảm thấy mình đang ở trong nơi Đức Chúa Trời đã chọn, và
Ngài cung ứng mọi nhu cầu cho chúng tôi từ lúc chúng tôi bắt đầu với một máy
phát 2500 watt đã qua sử dụng cho tới giai đoạn cuối khi chúng tôi hoạt động với
hai máy phát 10.000 watt. Dù có nhu cầu nào, chúng tôi cũng được cung ứng đầy đủ.
Bây giờ trong vấn đề ứng trước ở Monte Carlo, chúng tôi cũng kinh nghiệm cùng sự
chăm lo cẩn thận của Ngài cho mọi nhu cầu chúng tôi.
Hầu hết những định nghĩa về ý muốn Đức Chúa Trời đều có một cốt lõi chân lý bên
trong. Vài người bảo rằng sự dẫn dắt của Ngài có thể được xác định qua hoàn cảnh,
một sồ qua lời khuyên của những người tin kính, một số qua chỉ dẫn của Thánh
Kinh, còn những trường hợp khác thì qua những cơ hội rõ ràng đối với chúng ta.
Tất cả những ý trên đều đúng và tốt, nhưng chúng phải trở thành khuôn mẫu nếp sống
Cơ Đốc hằng ngày của chúng ta. Tôi tin rằng mọi điều này đều là kim chỉ nam
giúp chúng ta chọn một cung cách hành động. Nhưng chỉ khi nào chúng ta muốn chọn
lời khuyên của Ngài - ngay trong quyết định nhỏ nhất mỗi ngày - thì chúng ta mới
tin tưởng tiến tới khi Ngài muốn chúng ta tiến, lúc phải đối diện một quyết định
quan trọng. Nếu ngày nay chúng ta cởi mở đối với sự dẫn dắt của Ngài - cho dù
mình đang làm gì chăng nữa, thì ngày mai sẽ mở ra hợp với ý muốn Ngài đối với
chúng ta. Nếu hôm nay chúng ta ở trong ý muốn Ngài, thì ngày mai chúng ta cũng
vẫn sẽ ở đó.
Vậy thì há chẳng hơi táo bạo một chút khi nói rằng: “Tôi tình cờ làm chuyện
này” hoặc “Tôi tình cờ gặp người nọ người kia” ư? Tôi tin rằng những cuộc đời
được Đức Chúa Trời quyết định, thì sự việc không chỉ xảy ra cách tình cờ ngẫu
nhiên. Nếu chúng ta cẩn thận gặp Chúa trong nơi sâu kín của lòng mình, cầu xin
Ngài dò xét chúng ta cùng hướng dẫn chúng ta thì đối với tôi, dường như sự việc
xảy ra - những cơ hội trước mắt chúng ta - phải được nghiêm túc xem như là một
phần trong ý muốn Đức Chúa Trời. Nếu bạn ở trong một vị trí đặc biệt, hoặc tình
cờ gặp một người nào đó, thậm chí nếu bạn đi tới một cửa tiệm hoặc thực hiện một
chuyến đi, thì tất cả mọi điều đó đều được thực hiện với lòng bạn mở ra cho
Chúa, há bạn lại không bị buộc phải cho rằng chính Ngài đang dẫn bạn vào con đường
của ý muốn Ngài hay sao?
Dĩ nhiên, chừng nào mà chúng ta còn bị hạn chế bởi sự hiện hữu trên cõi đời
này, thì đây không chỉ đơn giản là vì Satan cũng đang hành động; tôi biết như vậy.
Nhưng tôi nói những điều này để nêu rõ sự kiện rằng một số trường hợp xảy ra
trong lúc chúng tôi tìm kiếm khắp lục địa một nơi để phát thanh, không chỉ ngẫu
nhiên xảy ra . Giống như khao khát đột ngột của tôi muốn viếng thăm Monte Carlo
ngay đêm tôi cùng với Ba Mẹ cầu nguyện tại Tangier. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời
hướng dẫn tôi cách đó. Khi những cơ hội như vậy đến trước mắt chúng tôi, thì
chúng tôi nghiêm túc xem xét: “Có thể đây là sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời.”
Khi những cánh cửa có vẻ như mở hoặc đóng, thì cách đơn giản là trở về với Lời
của Ngài cùng cầu nguyện để biết chắc.
Quá thường xuyên ngày nay chúng ta nhắm mắt trước những cơ hội Ngài đang cho
chúng ta, đặc biệt là nếu cơ hội đó có vẻ như xa lạ và khó khăn hoặc khác thường.
Điều tối quan trọng cho những Cơ Đốc nhân muốn làm việc với Đức Chúa Trời là phải
tiến tới khi Ngài ra chỉ thị.
Thách thức lớn lao trong truyền giáo trước mặt chúng ta là nhu cầu nối kết những
cánh tay với nhau - tay và lòng - để làm công tác. Chúng ta phải sống theo cách
lớn lao hơn, với khải tượng rộng rãi hơn, nhận biết rằng tiềm năng sẽ vô hạn
khi chúng ta phó thác toàn bộ chính mình cho Chúa Giê-xu Christ . Tôi hết lòng
tin rằng chúng ta hiện đang tụt lại phía sau. Chúng ta nói về “thời đại phản lực,”
về những phép lạ của khoa học hiện đại, về những bước tiến vượt bực trong mọi
lãnh vực học hỏi, nhưng phương cách lớn hơn hết để Cơ Đốc nhân tiến tới vẫn là
sự hoàn toàn phó thác mình cho Chúa Giê-xu Christ , tuyệt đối từ bỏ mình để cho
Ngài sử dụng năng lực chúng ta.
Ngày nay tôi đang tìm một kỷ nguyên hoàn toàn mới trong truyền giáo Cơ Đốc. Vì
tương đối còn trẻ nên tôi sẽ không dám cho ai là đúng hoặc sai. Tôi nhìn thấy
những con người tin kính, kinh nghiệm trong các đường lối của Đức Chúa Trời và
loài người, những bậc lãnh đạo Cơ Đốc vĩ đại, và tôi không thể mạo muội nói cho
ai biết những gì họ nên làm hoặc không nên làm. Nhưng tôi vẫn tin rằng đây là
cao điểm trong truyền giáo, và trong tất cả các loại công tác Cơ Đốc, để chúng
ta chấm dứt sống trong Những Thời Đen Tối. Chúng ta hiện vẫn đang sống trong thế
kỷ quá khứ với nhiều phương pháp của chúng ta.
Sứ điệp không bao giờ thay đổi từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Cảnh khó nhọc lê
bước đi vào làng mạc, mặt đối mặt gặp gỡ dân chúng, thành lập hội thánh địa
phương, không bao giờ được chấm dứt. Nhưng chúng ta vẫn cần nắm bắt khải tượng
là mình hiện đang bị tụt hậu - từng ngày, từng tuần, từng tháng, từng năm. Phát
thanh Cơ Đốc không phải là giải đáp duy nhất. Đó mới chỉ là một phần nhỏ trong
tổng thể vươn rộng - phát thanh, sách báo, thính thị, hàng không truyền giáo,
phiên dịch, giáo dục theo chương trình, tất cả đều là những cách mới nhờ đó
chúng ta có thể tiến ra theo tỉ lệ hình học. Chúng ta cần một khải tượng đổi mới
liên tục về phương cách đến với người khác. So với những tiến bộ của thế giới
thì tập thể Cơ Đốc đang lê bước với tốc độ của loài ốc. Tôi phải nói rất rõ điều
này rằng chinh phục người khác cho Đấng Christ sẽ đòi hỏi cả hai phương pháp,
tiếp xúc cá nhân và phương tiện truyền thông đại chúng.
Tiến sĩ. V. Raymond Edman, nguyên viện trưởng thân yêu của Wheaton College, thường
nói với chúng tôi trong những buổi nói chuyện ở nhà nguyện: “Đừng bao giờ nghi
ngờ trong bóng tối về điều Đức Chúa Trời đã nói với bạn giữa ban ngày.” Đôi khi
tiếng nói có thể lặng im, gần như lịm tắt, và chúng ta bắt đầu thắc mắc.
Một khi Đức Chúa Trời đã làm sáng tỏ một điều gì đó cho chúng ta, thì điều quan
trọng là chúng ta phải vững vàng tiến tới, không để cho những cái ngẫu nhiên và
lệch lạc trên đường đi ngăn cản chúng ta hoặc khiến chúng ta nhảy chệch khỏi đường
chính theo cách này hay cách khác. Cả cuộc đời chúng ta đều ở trong quyền năng
gìn giữ của Ngài. Vâng, những kinh nghiệm núi cao cũng như thung lũng sâu đều
là chuyện thường tình đối với đa số Cơ Đốc nhân. Nhưng có lẽ Đức Chúa Trời nhìn
điều đó thiên nhiều hơn theo chiều hướng: “Ta đã xếp đặt các ngôi sao; đã giữ
trái đất trong lòng tay ta; tại sao con người nhỏ bé lại không để ta hướng dẫn
họ?” Thực sự là một lầm lẫn, một chệch hướng rõ ràng khi ngày này thì cho rằng
đời sống đức tin hành động cách kỳ diệu, ngày khác thì cho rằng đó là một thất
bại khủng khiếp.
Đúng thế, có những hoàn cảnh khác nhau trong dòng tiến triển của chúng ta, và
có lẽ luôn luôn sẽ là như vậy, nhưng Đức Chúa Trời thì không thay đổi. Đó là lý
do mà tôi chắc chắn điều quan trọng nhất trong đời sống Cơ Đốc là nhờ cậy Ngài
- cho dù vấn đề hoặc quyết định hoặc khủng hoảng có lớn hoặc nhỏ đến đâu cũng vậy.
Đó là chìa khóa của nếp sống kiên định, của một chức vụ kiên định.
Hình ở trang 103: Ánh đèn lung linh trong
trời đêm Monte Carlo
Chính là do phép lạ của Đức Chúa Trời mà
Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới đã đến được với Âu châu. Cho mãi tương đối
gần đây, Âu châu có rất ít hoạt động phát thanh Phúc Âm. Hệ thống phát thanh
công cộng trong nhiều nước không cho phép các nhóm tư nhân hoặc cá nhân mua giờ
phát thanh, dù họ có chia một khoảng thời gian phát thanh miễn phí cho các Giáo
hội chính thức. Luật pháp của nhiều nước cũng không cho phép dựng các đài tư
nhân. Người phục vụ cho Phúc Âm ở bất cứ nước nào tại Âu châu cũng lắc đầu nói:
“Chúng tôi nghe nói ở Mỹ các mục sư có những chương trình phát thanh, nhưng ở
đây thì chúng tôi không có được như vậy.”
Đây chính là bức tranh được Đức Chúa Trời lồng vào Chương Trình Phát Thanh
Xuyên Thế Giới. Mọi người khó có thể tin được. Khi chúng tôi nói chuyện với các
viên chức tại Monte Carlo, họ hỏi chúng tôi: “Các ông sẽ phát thanh cái gì?”
“Những thông điệp từ Kinh Thánh . . . âm nhạc hay . . .” tôi đáp.
“Vậy thì cũng được,” tôi kinh ngạc nghe họ nói.
“Chúng tôi có thể dùng thứ tiếng nào?”
“Các ông muốn nói tiếng nào cũng được.”
Việc Ba tôi dọn tới Beatenberg, Thụy Sĩ, trở thành cơ hội tuyệt diệu để ông gặp
gỡ cấp lãnh đạo Cơ Đốc từ khắp Âu châu, những thuộc viên hội thánh bản địa mà
ông có thể chia sẻ những khả năng lớn lao trong việc khuếch đại lời chứng Phúc
Âm trong xứ họ qua phương tiện phát thanh. Như đã đề cập trước đây, toàn bộ các
chi nhánh tiếng Đức, Pháp, Nam tư, và Ru-ma-ni của chúng tôi đều bắt nguồn từ
việc tiếp xúc hiệu quả do Ba tôi thực hiện được suốt thời gian tương đối ngắn
mà chúng tôi có trong văn phòng của trung tâm tổ chức hội nghị Thánh Kinh thật
lớn đó.
Tôi tin rằng Đức Chúa Trời hành động qua cá nhân - những người nam và nữ hiến
dâng cho Ngài. Tôi tin chắc rằng Ngài đặt gánh nặng giúp đỡ vào lòng của những
cá nhân, ở một thời điểm đặc biệt, vì một lý do đặc biệt. Suốt thời gian ở
Beatenberg, Đức Chúa Trời cảm động người này người kia, dấy họ lên để tập họp
những người khác chung quanh họ. Đây là cách ý nghĩ về Chương Trình Phát Thanh
Xuyên Thế Giới sống dậy giữa vòng cấp lãnh đạo phái Phúc Âm tại Âu châu và và
đã bắt đầu chuyển động. Căn nguyên của mỗi lần mở rộng của chúng tôi đều bắt đầu
với một cá nhân do Đức Chúa Trời đưa đến với chúng tôi.
Luôn luôn là Đức Chúa Trời mở cửa, dấy lên con người, thu vào tiền bạc. Đôi
lúc, không phải là khi chúng tôi làm một điều gì, mà lại là khi chúng tôi không
làm một số việc nào đó thì bước kế tiếp mới được mở ra. Chúng tôi đã cố gắng
chuẩn bị tiến tới và làm công tác trước mặt, nhưng chúng tôi cũng học tập mong
mỏi rằng, khi chúng tôi chờ đợi thì sẽ thấy Ngài hành động. Tôi đã thấy nhiều lần
giống như Môi-se, giơ tay lên được là nhờ có A-rôn và Hu-rơ. Những người của Đức
Chúa Trời đụng đến nhiều nước khác nhau đã thực sự nâng đỡ chúng tôi. Và họ vẫn
tiếp tục cùng đứng với chúng tôi “bất chấp mọi khó khăn.”
Ngoài những cuộc đời được thay đổi do kết quả đều đặn từ những chương trình
phát thanh, thì phước hạnh lớn nhất đối với tôi qua toàn bộ công việc, chính là
chứng cớ về những người đứng lên để đáp ứng nhu cầu thuộc linh của đồng bào họ.
Đáp ứng của họ không dựa vào điều mà chính cá nhân họ sẽ thu lại được, vì mỗi lần
như vậy đều hàm ý là họ phải hi sinh. Họ là những người mà Chúa Giê-xu Christ
không chỉ là thật, mà còn là Chúa của họ. Cho nên nhiều lần tôi ra đi để chọn
người cho công việc, là tôi sai lầm; nhưng Đức Chúa Trời lúc nào cũng có người
thích hợp cho chúng ta đúng vào thời điểm của Ngài.
Cách phát triển của công việc tại Monte Carlo thật lạ lùng - phép lạ này theo
sau phép lạ khác. Trước hết, miền Cote d’Azur xinh đẹp - sân chơi của vua chúa,
vùng nghỉ mát nổi tiếng về cờ bạc - dường như khó có thể là trung tâm cho chức
vụ Phúc Âm. Toàn cảnh đều có vẻ xa vời, không làm gì được. Chúng tôi không thấy
có nguồn thu nhập nào khi bắt đầu nói chuyện với ban điều hành đài Phát thanh
Monte Carlo. Chúng tôi nhìn quanh mình dẫy đầy những vương miện hoa giấy, cẩm
chướng, cây lá, cùng những khóm hoa, nhìn sòng bạc nổi tiếng, và lấy làm lạ là
tại sao mình lại có mặt ở đây. Lý do duy nhất chúng tôi xúc tiến chỉ là vì
chúng tôi tin rằng đây chính là điều Đức Chúa Trời muốn được thực hiện ở đây.
Vì thế chúng tôi chờ đợi Ngài sẽ làm việc đó.
Chúng tôi thấy chứng cớ đầu tiên về điều này ngay trong phép lạ ngân phiếu
83.000 Mỹ kim, do các bạn Na Uy dâng cho việc đăt cọc. Nhưng vẫn còn năm lần
chi trả nữa xấp xỉ 83.000 Mỹ kim mỗi lần, trả trong vòng chưa tới một năm. Chỉ
nghĩ tới những món chi trả khổng lồ đó là đủ để choáng váng rồi!
Lần trả 83.000 Mỹ kim thứ nhì dường như lại càng khó thực hiên hơn lần đầu.
Chúng tôi mường tượng mình phải có tiền mặt trong văn phòng ở New Jersey vào
khoảng trưa một ngày nào đó để chuyển sang ngân hàng Monte Carlo vào trưa hôm
sau, khi tới kỳ hạn. Đây là thời hạn chót nhân viên ngân hàng định cho tôi để
thi hành thương lượng đúng lúc. Chúng tôi đã cầu nguyện nhiều cho việc này; nhiều
bạn hữu quan tâm đã gửi quà tặng. Nhưng khi kiểm lại tổng số tiền vào buổi sáng
ngày cuối cùng, chúng tôi thấy còn thiếu 13.000 Mỹ kim so với số qui định. Toàn
ban phụ trách gặp nhau tại văn phòng trước của trụ sở tại Chatham, New Jersey.
Tất cả chúng tôi đứng loanh quanh, nhắc lại kết quả diệu kỳ của 70.000 Mỹ kim đã
được rót vào. Ngay cả trước khi mở thư từ buổi sáng, chúng tôi cầu xin Đức Chúa
Trời làm một việc gì đó - chúng tôi trình bày nhu cầu rất cụ thể trước mặt
Ngài. Đó là buổi nhóm cầu nguyện tin cậy với đức tin chân thật. Là Cơ Đốc nhân,
chúng ta cần nhớ rằng Đức Chúa Trời không phải là cái gì xa vời, hoặc chỉ do tưởng
tượng. Chúng ta có thể đem những tình huống có thật đến cho Ngài. Ngài rất đỗi
gần gũi- là Đấng thực sự quan tâm.
Chúng tôi cầu nguyện rồi sau đó thư ký mở thư. Thình lình cô ta la lên.
“Xem cái gì đây này!”
Trong một phong bì đơn giản với chỉ một con tem thường, cô ta thấy có ngân phiếu
5.000 Mỹ kim. Sau đó tất cả chúng tôi đều tin sẽ còn có chuyện khác nữa xảy ra.
Buổi sáng trôi qua. Thư từ đã mở vàsắp xếp cả rồi, nhưng không có thêm món quà nào.
Đã 11 giờ 30, và tôi nói với những người làm việc chung quanh: “Vậy thôi. Bây
giờ tôi phải đi ngân hàng, nếu không thì lỡ việc.”
Không đóng được lần này là bị phạt nặng - giống như phải trả thêm một món mười
phần trăm số tiền phải đóng. Càng quan trọng hơn nữa, tôi nghĩ tới điều khoản
được ghi trong hợp đồng, đó là bất cứ khi nào tiền trả không đúng theo qui định,
thì Monte Carlo sẽ có quyền hủy bỏ toàn bộ hợp đồng.
Khi tôi lên xe bắt đầu đi ngân hàng thì còn thiếu 8.000 Mỹ kim. Trên đường đi
tôi thấy một trong những nhân viên của chúng tôi đang đi trên đường. Khi anh vẫy
tay, tôi tấp vào lề đường
Anh nói: “Đây có một thư tôi mới lấy ở Bưu điện, chẳng còn gì khác.”
Tôi nhét vào túi quần rồi tiếp tục lái xe tới ngân hàng. Sau khi đậu xe, tôi rạch
mở phong bì. Tôi khó tin điều mình thấy - thêm một ngân phiếu 5.000 Mỹ kim
khác.
Ông giám đốc cùng với hai viên chức ngân hàng đã biết vụ thương lượng Chương
Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới đón tôi khi tôi bước vào. “Mọi việc sao rồi?”
“Khá tốt,” tôi nói, đỏ mặt kinh ngạc và nghĩ đến số tiền trong hai tấm ngân phiếu,
chẳng hiểu sẽ có chuyện gì sau đây.
Ông giám đốc mỉm cười hơi chế giễu: “Tốt lắm, nhưng rất uổng là anh sẽ không giải
quyết được vụ thương lượng này, vì anh vẫn còn thiếu 13.000 Mỹ kim.”
“Ồ không, thưa ông, chúng tôi không thiếu.” Tôi vội giải thích. “Chúng tôi chỉ
thiếu 3.000 Mỹ kim. Tôi có hai ngân phiếu vừa nhận được sáng nay - mỗi tấm
5.000.”
Mấy người đó há hốc miệng. “Lạ lùng thật!” Họ thấy khó tin. Họ hầu như cũng phấn
khởi như tôi. Chúng tôi có gần đủ tiền đóng rồi. Mọi người đều cố gắng nghĩ ra
cách nào đó để bù thêm con số còn đang thiếu, tương đối nhỏ nhoi đó.
“Chúng ta không biết tính sao đây! Chỉ còn thiếu bấy nhiêu thôi, mà vẫn không tạo
được ngạc nhiên cho mình.”
Chẳng biết nói gì, tôi nhún vai và nói: “Tôi tin chắc chắn sẽ có chuyện xảy
ra.”
Vào lúc này chúng tôi đang ở trong văn phòng giám đốc, và điện thoại reo. Ông
giám đốc suýt đánh rơi điện thoại. Sau đó ông gác lại ống nghe lên máy rồi nhìn
tôi với vẻ không tin: “Làm sao trên đời có chuyện này được?”
“Sao, ai vậy?” Tôi cố lắp bắp.
“Western Union, tiến sĩ Reed ạ. Một điện tín vừa mới tới, nạp thêm vào tài khoản
của Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới tại đây cho Công ty Tín dụng Chatham
- với số tiền 3.000 Mỹ kim.”
Ông hạ giọng vào cuối câu nói, cho nên tôi hầu như tưởng tượng ra con số hơn là
nghe chính ông nói. Rồi ông nói tiếp, khi ngồi ngay lại trên ghế, và nhìn thẳng
vào tất cả chúng tôi.
“Tôi chắc chắn mong là mình biết được ai đã gửi tiền!”
Tôi tự nhủ thầm: “Vâng, tôi biết ai gửi. Chính Đức Chúa Trời gửi!”
Ông nghiêng qua bàn về phía tôi: “Anh nói ai?”
Vẫn lắc đầu, tôi lặp lại: :”Chính Đức Chúa Trời gửi.”
Ông ta vẫn chưa hiểu. “Tôi chưa nghe rõ. Người đó tên gì?”
Lần này tôi quay sang ông, và cố tình chậm rãi nhắc lại: “Đức Chúa Trời Toàn
năng đã gửi.”
Bây giờ tới lượt ông giám đốc ngân hàng lắc đầu, và nói hầu như không nghe được:
“Anh biết đấy, tôi tin là anh nói đúng.”
Vào lúc này phép lạ lớn lao đã bắt đầu lún sâu trong tâm trí tôi. Tôi đứng dậy
la to:”Thưa quí vị, tôi biết là tôi nói đúng.”
Đúng là kỳ lạ. Khi chúng tôi bàn về 83.000 Mỹ kim thì có thể là 83.000.000 hoặc
40.000 hoặc 117.000. Chúng tôi chẳng có đồng nào cả. Nhưng số tiền là 83.000.
Và bây giờ chúng tôi có chính xác số tiền này để đóng nộp. Chính xác từng đồng!
Lúc này thì chúng tôi được tự do nói cho mọi người biết nhu cầu theo đủ mọi
cách. Mặc dù chính sách tài chánh riêng của Ba tôi đòi hỏi sự tin cậy Chúa mà
không nói cho ai cả, nhưng cả hai chúng tôi đều tin rằng trong công việc Chúa,
thì người khác muốn biết sự việc diễn tiến ra sao, họ muốn biết những tiến triển,
họ muốn chia sẻ trong mọi nhu cầu.
Truyền giáo thời hiện đại có vẻ như phóng tới trước để thách thức các hội thánh
dâng hiến nhiều hơn họ có trước đây. Thanh niên đặc biệt cảm thấy rộn ràng vì
phương tiện truyền thông đương thời. Chúng tôi tin Đức Chúa Trời đang đòi hỏi
chúng ta tiến vào các phương tiện hiện đại khi chúng được hoàn thiện - không phải
để thế chỗ cho mọi đường dây truyền giáo cổ truyền, mà là để hỗ trợ thêm. Chúng
ta cần phải sẵn sàng ra đi để bước vào khải tượng thực sự khi Đức Chúa Trời mở
cửa. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta không được sợ điều mới mẻ, sự xa lạ trong việc di
chuyển sang những vùng chưa quen thuộc. Một hội thánh, đã từng dâng 55.000 Mỹ
kim cho truyền giáo hằng năm, cảm động trước sự trình bày về điều có thể thực
hiện được qua việc phát thanh đến nỗi trong một lần cuối tuần, lại hứa dâng
thêm 8.000,00 nữa. Chúng tôi không năn nỉ hoặc xin xỏ, nhưng chúng tôi tin rằng
người khác phải được có cơ hội cùng đứng với chúng tôi. Và khi dự án Monte
Carlo tiến hành, thì sự giúp đỡ tiếp tục đến với chúng tôi từ mọi phía.
Một số phát thanh viên nổi tiếng người Mỹ và Tây Âu đã quan tâm và đóng góp nhiều
số tiền khác nhau trong chi phí phát thanh với chúng tôi. “Trở về với Thánh
Kinh,” “Giờ Quyết định,” “Giờ Phục hưng Lỗi Thời,” “Ánh Sáng và Giờ của Sự Sống,”
Thời đại Đền thờ,” cùng nhiều chương trình chính qui khác đã gia tăng trả những
khoản tiền lớn giúp chúng tôi đáp ứng những nghĩa vụ nặng nề suốt một năm chuẩn
bị trước khi chúng tôi thực sự phát sóng. Nhiều chương trình đã tự túc tiến
hành bằng đức tin trong những ngày đầu phát thanh.
Nguồn tài chánh vào bằng nhiều cách - hầu như phần lớn từ Âu cũng như từ Mỹ
châu. Cá nhân gửi quà, và hội thánh gửi quà. Và rồi có những khoản cho vay, đa
số về sau biến thành quà tặng. Chúng tôi cảm nhận được một cơn sóng lớn phước hạnh.
Tính chân thật của kế hoạch, niềm tin vào nhu cầu Phúc Âm lớn lao của Âu châu
đã thu hút mọi người nam nữ khắp nơi. Chúng tôi chỉ nói với họ về những gì có
trong lòng mình, và họ đã nắm bắt được khải tượng rồi bước ra cùng đứng với
chúng tôi.
Các anh em người Đức đặc biệt sẵn sàng đảm nhận phần quan trọng trong việc tài
chánh cuả chương trình phát thanh sẽ đâm xuyên Bức Tường Ngăn Cách. Ba tôi đã gặp
Hermann Schulte tại Thụy Sĩ một tháng trước khi hợp đồng dự kiến với Monte
Carlo được chấp thuận. Họ bàn về hợp đồng đó rồi cùng cầu nguyện - hai vợ chồng
ông và Ba tôi. Ông yêu cầu chúng tôi đánh điện cho ông biết ngay khi ký xong hợp
đồng, và ông sẽ đi làm việc để kiếm tài trợ ngay cho chúng tôi. Ông tin rằng
mình có thể thu phục sự quan tâm của những Cơ Đốc nhân theo phái Phúc Âm - những
doanh nhân cùng cấp lãnh đạo hội thánh tại Đức. Nghe thật tuyệt và chúng tôi rất
tin tưởng ông, dựa vào sự hỗ trợ thành công của ông cho công việc ở Tangier.
Nhưng tôi không thể không thắc mắc về khả năng thực hiện của ông, về mức độ mà
ông có thể làm. Không có tiền lệ đối với người Âu châu trong việc đóng góp hỗ
trợ máy phát sóng Phúc Âm toàn thời gian, bởi lẽ trước đây chẳng có ai làm như
vậy cả. Hermann Schulte cùng những người ông liên lạc đều hứa hỗ trợ thật nhiều
cách thường xuyên. Khi họ nhận ra bước khổng lồ mình đã đạt được, thì có sự lo
lắng. Thật ra, cứ mỗi hai tháng, khi tới ngày phải đóng tiền, thì họ lo lắng và
cầu nguyện. Nhưng Hermann Schulte là người của Đức Chúa Trời tại Đức, và mọi
người bắt đầu nói: “Công việc này là làm cho chúng ta! Nó sẽ giúp tiếp xúc thêm
được nhiều đồng bào chúng ta. Chúng ta cần ủng hộ công vệc này và giúp đỡ họ.”
Trước khi mọi thiết bị phát thanh được hoàn chỉnh, người Đức không ngờ đã gom
được trên một phần tư triệu Mỹ kim cho những buổi phát thanh Phúc Âm mới mẻ
này.
Tinh thần truyền giáo dường như xoay chuyển theo hình vòng tròn. Tại Đức, Cơ Đốc
nhân rất nôn nóng xúc tiến làm một việc gì đó để tiếp xúc được càng nhiều đồng
bào càng tốt. Tội ác của chế độ Đức Quốc Xã cùng toàn bộ cuộc tàn sát người Do
Thái đặc biệt khiến cho việc sống với Đức Chúa Trời là điều cấp bách đối với họ.
Một khi đã gặp Cứu Chúa, họ nôn nóng muốn làm tất cả trong khả năng mình để bày
tỏ Chúa Giê-xu Christ cho người khác.
Tôi kinh ngạc khi nhìn lại những tháng ngày lạ thường đó. Mỗi lần trong sáu kỳ
trả góp đều xuất hiện qua một phép lạ thực sự. Thí dụ, một kỳ trả góp nọ, cần
khoản tiền nhiều hơn các lần khác. Khi nguồn tài chánh được rót vào cho kỳ trả
thứ ba là 93.000 Mỹ kim, chúng tôi gửi đến Barclay’s Bank để đưa dần vào tài
khoản của chúng tôi, thay vì chờ gom đủ nguyên một cọc.
Mọi việc có thể làm đều đã xong. Nhiều cá nhân đã dâng hiến. Những món tiền khổng
lồ đến từ Âu châu - phần lớn từ Tây Đức bằng đồng mác Đức. Nhưng khi tính toán
lại, vào chiều hôm trước kỳ hạn phải đóng, chúng tôi còn thiếu 1500 Mỹ kim. Thật
quá gần số đang cần! Thế nhưng chúng tôi không thấy mình có thể làm gì thêm được
nữa.
Sáng hôm sau tại Barclay’s Bank, người phụ trách tài khoản chúng tôi nói: “Chẳng
có nguồn tài chánh nào khác rót vào. Nhưng xin ông cảm phiền vài phút, tôi muốn
tính lại xem.”
Người ấy quay lại với nụ cười bí hiểm: “Ông có đủ rồi!”
Tôi hỏi: “Anh nói sao, chúng tôi có đủ rồi hả?”
“Chắc ông không bao giờ tin đâu, nhưng giá trị của đồng mác Đức tăng vọt kể từ
lúc chúng tôi tính tổng số tiền hôm qua - cộng thêm được cho ông chính xác 1500
Mỹ kim sai biệt!” Anh ta chỉ vào con số trên tờ giấy đang cầm. “Vậy là nâng tài
khoản của ông lên tới 93.000 Mỹ kim!”
Đối với tôi đây là một phép lạ khác. Trong lúc tôi nghiêng mình tới trước để nắm
bắt sự việc, tôi tự hỏi tại sao chúng ta lại thấy khó tin mỗi khi một chuyện
như vậy xảy ra? Tôi nghĩ lại thời thơ ấu của mình cùng túp lều hai gian nhỏ bé tại
Nyack tràn ngập thực phẩm. Tôi không thể hiểu nổi phép lạ của Đức Chúa Trời. Thậm
chí với những chứng cớ sững sờ như vậy đan kết qua kinh nghiệm cá nhân, tôi phải
công nhận
Hình ở trang 111: Chương Trình Phát Thanh
Xuyên Thế Giới có văn phòng và phòng phát thanh ở bốn tầng trong tòa nhà Monte
Carlo này
rằng đức tin của tôi yếu ớt. Nan đề cùng
thử thách xảy đến thế là tôi quên ngay rằng chúng ta có một Đức Chúa Trời lắng
nghe và sắp xếp điều tốt nhất cho chúng ta. Nhưng biết Đức Chúa Trời tức là nhớ
lại sự nhân từ đã qua của Ngài và biết Ngài có thể làm dư dật trổi hơn mọi điều
chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng. Cuối cùng, chính Đức Chúa Trời đang điều khiển
công việc này kể từ ngày Ngài hướng tôi tiến vào Tây Ban Nha cách miễn cưỡng từ
năm 1948. Và Ngài vẫn là chuyên gia làm phép lạ kể từ khi tạo lập thế gian.
CHUẨN BỊ KÉO TỚI MONTE CARLO
Suốt năm xây dựng và chuẩn bị tại Monte
Carlo, Betty Jane và tôi quyết định rằng tốt nhất là chúng tôi nên dọn sang Âu
châu. Một số bạn bè cảm thấy có bổn phận phải nói cho chúng tôi biết dọn nhà
như vậy là tốn kém khủng khiếp; nhưng tôi thì lại biết sự thật ngược lại. Tôi
không thể đài thọ đi lại suốt thời gian dài như vậy nếu không đem gia đình cùng
đi. Ở chung với gia đình sẽ giúp tôi tập trung thoải mái hơn vào công việc đang
làm. Vợ tôi có thể ở bên cạnh tôi trong tình yêu, thông cảm và cầu nguyện. Bọn
trẻ được theo dõi từng bước của tòa nhà. Và cả gia đình được cùng đi với tôi tới
nhiều “nước mục tiêu” - sáu người trong chiếc Volkswagen nhỏ bé.
Một trong những điều ý nghĩa nhất thời thơ ấu của tôi ấy là ba mẹ tôi sẵn sàng
cho em gái cùng tôi dự phần trong mọi lãnh vực của cuộc sống họ. Khuôn mẫu đó
đang được lặp lại ở mức tối đa trong gia đình tôi. Tôi muốn các con mình nhớ
không chỉ giờ đọc Kinh Thánh và cầu nguyện của gia đình, mà còn là chơi bóng,
câu cá, bơi lội, du lịch, làm việc, thả bộ - làm mọi thứ với nhau. Chúng tôi rất
cởi mở với gia đình.
Dù là như thể tôi đi khá nhiều và chịu trách nhiệm nhiều buổi nhóm, nhưng tôi cố
tình sắp xếp thời khóa biểu để tránh vắng nhà lâu dài. Đôi khi cũng khó cho người
khác hiểu con cái quan trọng đối với tôi như thế nào. Chẳng hạn, khi một hội
thánh mời tôi đến dự một loạt kỳ họp liên tục, tôi thường trả lời: “Tôi có thể
tới vùng của bạn vài buổi tối, nhưng sau đó cần phải về nhà.” Dĩ nhiên họ biết
nếu tôi đến ở suốt kỳ họp thì ít tốn kém hơn. Nhưng tôi phải trả lời cách lý luận
đó như sau: “Các bạn không thể mua giá trị cuộc đời của những đứa con tôi!”
Nếu có ai gọi điện thình lình hoặc từ Los Angeles tới trong lúc tôi đang ăn tối
ở nhà, thì tôi phải hành động theo cách cho thấy rằng tôi xem buổi hẹn với gia
đình cũng quan trọng ngang bằng với bất cứ cuộc hẹn nào khác trong công việc.
Tôi tin rằng bậc làm cha Cơ Đốc có bổn phận và đặc quyền hiếm có là phải dành
thì giờ cùng sức lực để tìm biết và hiểu con cái mình. Từ con trai thiếu niên
18 tuổi cao hơn một thước tám của tôi là Paul David, với khả năng thể thao và
lãnh đạo thực sự, cho tới con trai út 5 tuổi cao hơn một thước là Daniel
Herbert, chúng tôi đều cùng nhau chia sẻ sở thích, chuyện trò, học hỏi với
nhau. Với con gái duy nhất là Donna Jean 16 tuổi, James Philip 14 tuổi và
Stephen Ernest 11 tuổi cũng vậy.
Betty Jane và tôi cám ơn Chúa vì mỗi đứa con đều đã riêng tư tiếp nhận Chúa
Giê-xu Christ làm Cứu Chúa ngoại trừ Danny, mới 5 tuổi. Tôi mong mỏi và tin rằng
chúng sẽ sống cho Ngài; nhưng nói thật, tôi không biết Ngài có chương trình gì
cho mỗi đứa trong nghề nghiệp của chúng. Tôi sẽ không quá sửng sốt nếu chúng chọn
công việc làm khác với việc phát thanh. Nhưng dĩ nhiên, tôi sẽ hài lòng nếu
chúng quyết định chỗ đứng của mình là trong việc phát thanh truyền giáo. Tôi phải
công nhận mình cũng là con người như bao nhiêu người khác! Tôi cho rằng mình có
ý muốn đưa các con qua Âu châu năm đó là để cho chúng có cơ hội nhìn thấy công
việc như thế nào. Nhưng chúng tôi sẽ cảm thấy hài lòng nhìn thấy con mình đảm
trách hầu như bất cứ công việc nào mà đời sống chúng làm vinh hiển Chúa. Tôi mạnh
mẽ tin rằng truyền giảng Phúc Âm là một công tác hoàn toàn phải được thực hiện
toàn thời gian bởi toàn bộ tập thể tín hữu bất chấp người tín hữu làm nghề gì.
Một trong những lý do khiến chúng ta trong hội thánh sống tồi tệ trong thế gian
ấy là vì chúng ta đã hạn chế chức vụ này cho một số ít người mang danh là người
phục vụ Cơ Đốc.
Chương trình phát thanh từ Tangier tiếp diễn cho tới ngày 31 Tháng Mười Hai,
1959, tuy là chúng tôi vẫn duy trì ban phụ trách nòng cốt tại Monte Carlo hầu
như từ ngày ký hợp đồng vào Tháng Chín trước đó. Kế hoạch chính của Chương
Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới mới hình dung ra tám vùng mục tiêu cho các
chương trình phát thanh: 1) Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha; 2) Quần đảo Anh; 3)
Scandivania; 4) Liên Xô; 5) Các nước Xã hội chủ nghĩa; 6) Trung Âu; 7) Nam Âu;
8) Trung Đông và Bắc Phi.
Chúng tôi có ý định xây hệ thống hạng sang để những buổi phát sóng từ Monte
Carlo có thể tự động vang tới các nước mục tiêu. Chúng tôi có được vị trí chiến
lược thật cao trên những dốc đứng của dãy Alps phía Nam, nhìn xuống Địa Trung Hải.
Từ đó, càng tập trung phát sóng đúng định hướng, chúng tôi sẽ càng có thể thâm
nhập từng vùng của những ngôn ngữ trên hữu hiệu hơn.
Hệ thống ăng ten của chúng tôi tại Tangier rất đơn giản nên chúng tôi không thể
điều khiển chương trình của mình được hữu hiệu như ý muốn. Bây giờ, tại Monte
Carlo, chúng tôi thực hiện còn nhiều hơn là nhân gấp bốn lần công suất phát
sóng, và dựng được những màn ăng ten phức tạp, với những tháp khung thép lớn
cao tới 175 bộ. Mỗi ăng ten của Monte Carlo sẽ bao gồm bốn tháp, với “màn” hoặc
mạng lưới dây kim loại, treo lơ lửng giữa hai cặp tháp. Một vật phản quang làm
bằng dây kim loại hoạt động như tấm gương soi, khiến phần lớn điện năng cùng
qui về một hướng, ngăn ngừa thất thoát ra sau. Các ăng ten của chúng tôi được sắp
xếp theo kiểu vòng tròn với lý do đơn giản là các vùng mục tiêu của chúng tôi
trải rộng từ đài, theo hình hơi vòng cung.
Trong lúc xây dựng ăng ten, những chiến đấu mà thỉnh thoảng công nhân đương đầu
chính là sự thử nghiệm khắc nghiệt. Từ lâu trước lúc khởi công xây dựng, chúng
tôi đã biết rằng một việc làm cho Đức Chúa Trời có tầm lan rộng như cỡ này sẽ
không thoát khỏi sự chú ý của Satan. Mọi thứ đều phải vận chuyển từng phần lên
đỉnh Núi Agel. Hai mươi mốt tháp phải xây, cân nặng trên chín mươi tấn kim loại,
và khi hoàn tất, chúng sẽ chiếm khá lớn vùng thích hợp kế cận tòa nhà phát
sóng. Một hôm, khi các công nhân chuyển phần nọ tới phần kia trong gió tuyết, một
người trong họ thực sự bị dính thịt vào kim loại giá lạnh. Suốt mùa đông, ngay
cả trong vùng Riviera ngập nắng, thì vùng núi cũng lạnh gay gắt. Một lần khác,
một trong những xe tải chạy lọt ra ngoài lề đường, xe bị hư hại và tài xế bị
thương tích.
Hệ thống đã hoàn chỉnh của chúng tôi cung ứng một màn ăng ten vào sâu vùng
Trung Đông; một vào Quần đảo Anh; một vào Scandinavia, một vào Nga; một ăng ten
có hai mặt, một mặt hướng tới Tây Ban Nha, còn mặt kia về các nước Đông Âu. Tất
cả đều được trang bị vật phản quang để thêm điện năng cho hướng muốn tới. Ngoài
ra, chúng tôi còn gắn nhiều bó ăng ten hai cực, với vật phản quang và điều khiển,
giúp chúng tôi đẩy mạnh công tác vào các nước gần hơn. Một trong những ăng ten
này hướng vào nước Ý, một vào Đức, và một vào Pháp.
Khi thực sự bắt đầu phát sóng, chúng tôi lại gặp những nan đề khác. Đúng hướng
bắc là hướng phát sóng khó nhất của chúng tôi vì phải dọn sạch đỉnh núi. Do việc
này khiến cho góc bắn tia phát sóng đi sai, cho nên tín hiệu rõ nhất vào
Scandivania đòi hỏi việc xây dựng một ăng ten bên kia núi, cách khoảng một phần
ba dặm, hoàn toàn một mình. Trong nhiều thứ lắp đặt này, đây là vấn đề thử nghiệm
cho tới khi chúng tôi tìm ra sự phối hợp tốt nhất để tạo ra tín hiệu tuyệt hảo
vào vùng chỉ định.
Ngay từ đầu chúng tôi nhận ra rằng công tác lập chương trình sẽ rắc rối. Vì cho
dù đã nâng công suất từ 22.5 kí lô watt tại Tangier lên tới 100 kí lô watt tại
Monte Carlo, ở đây chúng tôi chỉ bắt đầu với một máy phát sóng. Điều này có nghĩa
lúc đầu xấp xỉ 500 chương trình mỗi tháng được gửi đi qua ba máy phát tại
Tangier sẽ phải sắp xếp lại bây giờ để có thể được phát trên một máy. Việc này
đòi hỏi loại bỏ một số chương trình để có thể tập trung vào việc phát thanh những
chương trình hiệu quả nhất. Tuy nhiên, sau này có thêm được một máy phát
100.000 watt thứ hai.
Ngày 16 Tháng Mười, 1960 chúng tôi thực sự phát thanh. Chúng tôi khó có thể tin
rằng chỉ mới mười ba tháng kể từ ngày chúng tôi ký hợp đồng với Monte Carlo!
Burt Reed và Bill Mial mang băng ghi âm tới phòng thu thanh trong đêm phát
thanh đầu tiên đó.
Burt nói về đêm đầu tiên: “Tôi sẽ không bao giờ quên kinh nghiệm đó chừng nào
mình còn sống. Chúng tôi ở đó với vài viên chức từ Monte Carlo, và chúng tôi chỉ
đứng loanh quanh la hét như hài nhi.” Đã chín tháng trôi qua kể từ buổi phát
thanh cuối ở Tangier. Mọi người đều làm việc trối chết - và rồi cuối cùng bây
giờ đã thành công! Những nhân viên khác của Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế
Giới hiện đang ở nhà Bill nơi chúng tôi tập họp sau các chương trình phát thanh
để cảm tạ và ngợi khen.
Hình ở trang 117: Giáo sĩ Dan Harvey tại bảng
điều khiển phát thanh
Kết quả bắt đầu lộ rõ ngay tức khắc. Trong
năm đầu, 18.000 thư bay về đài khích lệ lòng chúng tôi; 800 thư yêu cầu giúp đỡ
thuộc linh. Kết quả dường như tương xứng với số lượng mọi người trong các nước
đã dâng hiến và làm việc để giúp việc phát thanh Phúc Âm có thể thực hiện được
trong ngôn ngữ của mình. Chính sách của Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới
đã được đặt ra nhiều năm trước.
Người ta thường hỏi chúng tôi: “Các ông có người tại Monte Carlo để nói đủ hai
mươi bốn thứ tiếng sao?” Không, chúng tôi không hề có chính sách như vậy. Điều
này sẽ có nghĩa là một ban phụ trách rất hạn chế, có lẽ chỉ một người thôi, phải
làm hết mọi chương trình cho nhóm ngôn ngữ của mình. Chúng tôi muốn giới thiệu
nhiều tên tuổi cùng giọng nói và thể thức chương trình khác nhau cho bất cứ nước
nào đã chỉ định, và cách hay nhất để làm điều này là làm ngay một chương trình
tại nước đó khi có thể được. Theo cách này, ban phụ trách bản xứ của địa phương
có thể chịu trách
Hình ở trang 118: Ban phụ trách Chương
Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới tại Monte Carlo
nhiệm cung ứng xướng ngôn viên cùng nhạc sĩ
khác nhau, những nhà truyền giảng Phúc Âm từ khắp các vùng, từng được thính giả
địa phương biết tiếng và kính nể.
Thí dụ, O. Hallesby, người Na Uy có những sách bồi linh nổi tiếng về nếp sống
Cơ Đốc được dịch sang nhiều thứ tiếng, là một diễn giả thường xuyên của Chương
Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới tại Monte Carlo. Là một người tài năng rất được
kính trọng, Tiến sĩ Hallesby dạy tại Free University ở Na Uy cho tới lúc qua đời.
Ông đã không bao giờ có thể bỏ vị trí của mình tại trường Đại học để tới Monte
Carlo. Nhưng cũng hoàn toàn khả thi đối với một kỹ sư Na Uy bước vào phòng làm
việc của Cơ Đốc nhân này mỗi tuần một lần để ghi âm các sứ điệp của ông dùng
phát thanh sau này từ Monte Carlo. Chương Trình này được bổ sung bởi phần ghi âm
của các ca đoàn từ hội thánh và Trường Kinh Thánh địa phương. Sắp xếp như thế
cho chúng tôi cả chất lượng lẫn ảnh hưởng mà chúng tôi không bao giờ có thể đạt
được bằng cách cố gắng tự làm hết chương trình một mình tại một địa phương. Qua
cách giới thiệu những diễn giả với sứ điệp Phúc Âm rõ ràng, tức những người nổi
tiếng và được yêu mến, tự động chúng tôi đã mở đường cho một tập thể thính giả
đông hơn , dễ tiếp thu hơn. Và suốt nhiều năm tháng, sự hỗ trợ địa phương cứ đều
đặn gia tăng cho tới 1965, phân nửa sự ủng hộ chúng tôi là do người Âu châu thường
xuyên đáp ứng.
NƯỚC ĐỨC DẪN ĐẦU
Nước Đức, sau khi đảm trách ủng hộ tài
chánh lớn lao cho các chương trình phát thanh riêng của mình, bắt đầu cảm thấy
quan tâm đến người dân của những nước khác. Cơ Đốc nhân Đức sớm tài trợ những
chương trình phát thanh truyền giáo cho Tây Ban Nha, Trung Đông, cùng các vệ
tinh của Bức Tường Ngăn Cách.
Hermann Schulte, người từng mang gánh nặng truyền giáo qua phát thanh ngay từ
buổi đầu, vẫn tỏ ra là người chủ chốt liên tục. Vốn là doanh nhân tài ba, ông
không chỉ điều hành doanh nghiệp riêng mà còn mở một tiệm sách Cơ Đốc và nhà
in. Điều này cho ông có đặc quyền trở thành nhà sản xuất đầu tiên - bây giờ là
lớn nhất - những sản phẩm thu băng Phúc Âm tại Đức. Ông bị cuốn hút trong toàn
bộ dây chuyền của sự kiện mới mẻ này đến nỗi hầu như bỏ lửng việc làm ăn riêng
để lo cho những phương tiện chia sẻ đức tin mới này trong Đấng Christ được
thành công. Là con người rất có tài, rất sâu sắc về thuộc linh, và là thành
viên của nhóm Plymouth Brethren, ông cũng là lời chứng ngay tại gia đình mình.
Tại đây, ông sốt sắng hướng dẫn gia đình đọc lời Đức Chúa Trời và cầu nguyện,
không chỉ trước mỗi bữa ăn, mà còn thường xuyên sau đó nữa.
Dâng hiến một phần thời gian đáng kể mà không hề hưởng thù lao, ông Schulte đã
tổ chức một chi nhánh Phát Thanh Xuyên Thế Giới của Đức tại Wetzlar, nước Đức.
Bằng cách kể lại câu chuyện phát thanh cho từng cá nhân Cơ Đốc , cho các hội
thánh, cho bất cứ ai chịu lắng nghe, dần dần ông đã thu phục được sự quan tâm,
lời cầu nguyện, quà tặng, cùng sự phục vụ của một nhóm Cơ Đốc nhân Đức không ngừng
gia tăng.
Một trong những thanh niên Đức đã giúp ông Schulte là Helmut Gaertner, người suốt
nhiều năm đứng đầu lực lượng văn phòng tại Wetzlar. Vốn là thành viên trong ban
phụ trách ở Tangier, Helmut đã học tiếng Tây Ban Nha thật thành thạo và muốn
làm việc trong ban tiếng Tây Ban Nha. Tuy nhiên, khi ông Schulte bắt đầu ban tiếng
Đức, thì ông hỏi chúng tôi có nghĩ đến việc gửi Helmut Gaertner sang giúp ông
hay không.
Thật khó diễn đạt bằng lời, nguyên cả một chuỗi sự kiện đã dẫn Helmut trở về
quê hương, bởi lẽ nó bao gồm sự hướng dẫn qua điều có vẻ như bi kịch mà chúng
tôi không bao giờ có thể hiểu hết được với khả năng lý luận hữu hạn của mình.
Helmut có cô vợ trẻ xinh đẹp đột ngột qua đời khi sinh con đầu lòng. Chúng tôi
cảm thấy đây hoàn toàn là bi kịch đối với anh, và chúng tôi cùng chia sẻ với
anh trong sự mất mát đó. Chị là một thiếu nữ tận hiến tuyệt vời và chẳng ai
trong chúng tôi có thể hiểu nổi việc chị được cất đi quá nhanh như vậy.
Vào lúc chị qua đời tại Tangier, dường như việc gửi Helmut về lại Đức ít ra vài
tháng, là điều nên làm. Anh không bao giờ tránh né nhiệm vụ - anh không chỉ sẵn
sàng ở lại với đài “Tiếng Nói Tangier,” mà còn tỏ ra muốn ở lại tiếp tục công
việc. Nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy anh nên về quê hương ở với song thân một thời
gian - để có đủ thời gian điều chỉnh sự mất mát lớn vừa rồi. Đúng ngay giữa thời
gian phục hồi đó tại Đức mà Hermann hỏi ý chúng tôi để dùng Helmut.
Và bỗng nhiên Helmut Gaertner, như là cánh tay mặt của Schulte, trở thành chìa
khóa thực sự cho toàn bộ sự phát triển ban tiếng Đức. Sau đó Đức Chúa Trời cho
anh một thiếu nữ xinh đẹp khác làm vợ kế và trung thành giúp anh trong công việc
tại Đức. Ban tiếng Tây Ban Nha tiếp tục phát triển kỳ lạ tại Tangier dưới sự
lãnh đạo của Miguel và Maria Valbuena người Tây Ban Nha.
Helmut Gaertner dự phần quan trọng trong việc phổ biến và lắng nghe Chương
Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới khắp nơi sinh trưởng của anh. Người kế nhiệm
anh, Wilfried Mann, một giám đốc doanh nghiệp, chịu trách nhiệm giải quyết
40.000 Mỹ kim mỗi tháng (năm 1967) đến từ thính giả cảm động muốn chia sẻ hỗ trợ
tài chánh để phát thanh Lời Đức Chúa Trời cho đồng bào mình. Vốn bản thân làm
việc chăm, ông hướng dẫn một ban phụ trách gồm bốn mươi bốn nhân viên làm việc
toàn thời gian.
Không có nơi nào tôi được thấy cách Đức Chúa Trời chuẩn bị những kẻ Ngài lựa chọn
cho chức vụ của Chương Trình Phát Thanh Xuyên Thế Giới nhiều hơn trong đời sống
của vị giám đốc chương trình ban tiếng Đức. Vào cuối Thế Chiến II, một thanh
niên tên Horst Marquardt, đang sống ở Vùng Đông Đức, trở thành người hăng say
nghiên cứu triết học. Vì nhìn thấy những khác biệt giữa tư duy triết học với thực
tế, nên Marquardt bắt đầu đọc Tân Ước. Qua việc nghiên cứu Kinh Thánh, anh tin
nhận Đấng Christ. Ngay sau đó anh tìm đường sang Tây Đức. Về sau anh được thụ
phong tại một Nhà thờ Phúc Âm Giám lý và trở thành mục sư tại Berlin. Sau nữa,
anh sang Vienna, nước Áo, làm giáo sĩ.
Trong chuyến viếng thăm Vienna năm 1957, Ba tôi gặp Marquardt, tỏ ra rất quan
tâm chức vụ phát thanh của chúng tôi. Năm 1960, anh gia nhập Evangeliums
Rundfunk, ban tiếng Đức, nơi những tài năng xuất chúng của anh được Đức Chúa Trời
đại dụng và ban phước lành.
Các thành viên tài ba của khoa soạn thảo đưa ra nhiều chương trình trong chi
nhánh Wetzlar - những sứ điệp Phúc Âm, những bài giảng, những chương trình kịch
Cơ Đốc, chuyện tích, chương trình thanh niên và nhi đồng, những loạt hỏi đáp -
tất cả nhằm giúp tạo và duy trì một tập thể đông đảo thính giả giữa vòng dân tộc
Đức, cả Đông lẫn Tây. Khởi đầu bằng cách cam kết tài trợ chi phí phát sóng ba
chương trình, nhóm tại Wetzlar đã tiếp tục gây quĩ tài trợ cho mười lăm chương
trình phát thanh truyền giáo mỗi tháng. Phần lớn những chương trình này được
phát sang các nước phía sau Bức Tường Ngăn Cách, trong nhiều thứ tiếng khác
nhau.
Ông Schulte báo cáo: “Chính từ Vùng Đông Đức mà chúng tôi nhận được khích lệ
nhiều nhất cho chức vụ bằng tiếng Đức. Dân chúng ở đó tỏ ra vô cùng biết ơn qua
từng sứ điệp phát thanh và kể lại nhiều đời sống được thay đổi. Có một lần
chúng tôi muốn xác định mức hiệu quả của giờ phát thanh trưa thực sự ra sao, và
xem thử có nên tiếp tục hay không. Chỉ trong hai tuần, có trên 2000 thư và thiệp
gửi tới, nói: ‘Xin đừng ngưng phát thanh - hãy tiếp tục. Chúng tôi cần các
chương trình đó.’”
Hình ở trang 123: Cấp lãnh đạo khởi đầu
ERF (Evangeliums-Rundfunk) và chia sẻ trách nhiệm trong những năm đầu. Từ trái
qua phải: Hermann Schulte, Horst Marquardt, và Wilfred Mann