Có những mùa chim
CÓ NHỮNG MÙA CHIM
“Chim trời cá nước” là thành ngữ ở cửa miệng người nhà quê mỗi bận có dịp lên đồng hay ra sông tìm kiếm chút mồi cho đời sống. Chim trời cũng được ngầm hiểu là thế giới riêng, rất riêng, của loài chim mà không ai có thể xen vào đời sống rất tự do trong bầu trời rộng bao la vô hạn định. Cái sướng của một đời sống là cái sống không bị ràng buộc vào bất cứ giới hạn nào của một quyền năng nào từ một môi sinh bên ngoài loài chim muông muôn trùng...
Các nhà khảo cứu về chim muông, không hiếm người đang đi tìm căn nguyên của sự sinh tồn các loài chim cùng thói quen, tập quán và đời sống của chúng . Người ta len lỏi vào tận các cánh rừng Phi Châu, Á Châu và Mỹ Châu để tìm kiếm và thu hình các loài chim. Từ cách kiếm ăn cho chí đến cách làm ổ, ấp trứng và nở con; từ cách sống thành đàn cho đến những cuộc đời riêng lẻ, các nhà khảo cứu về chim muông không bỏ lỡ một chi tiết nhỏ nhặt nào. Tất tất đều được các nhà chuyên môn ghi nhận qua từng chi tiết rất mực chính xác và linh hoạt .
Chẳng hạn, giữa cánh rừng nhiệt đới với mưa dầm và ẩm ướt, các nhà khảo cứu đã cho chúng ta cách kiếm ăn của nhiều giống chim lạ. Và tùy theo hình thái cấu tạo của cái mỏ dài hoặc ngắn mà mỗi loài chim có những kinh nghiệm riêng của mình để kiếm được miếng mồi. Có giống chim với cái mỏ dài như cái lông con nhím như loài chim ruồi thì dễ dàng trong cách kiếm mồi là loại côn trùng nằm sâu trong các thân cây. Chúng chỉ cần lấy cái mỏ dài và rất bén của chúng mà mổ vào vỏ cây tạo thành cái lỗ sâu dần và gắp mồi thật dễ dàng. Ở đó nó biểu hiện sự kiên nhẫn khá bền bỉ. Trái lại, những giống chim khác cái mỏ ngắn ngủn thì lại biết cách chọn lựa cho mình một nhánh cây vừa cứng vừa nhọn và tạo cho mình một dụng cụ như cái chỉa để đâm vào thân cây và rút ra được những con mồi mà mình muốn tìm. Nhưng cái độc đáo của loài điểu thú này là chúng biết lấy đôi chân giữ cái dụng cụ vừa dùng gắp mồi thật tài tình đó để còn dùng lại nhiều lần trong buổi kiếm ăn...
Hoặc vả, ở giữa những cánh rừng khô không tìm được ao hồ hoặc suối nước thác ngàn, có những giống chim biết sử dụng cái mỏ vừa bén vừa cứng của mình mà mổ vào các thân cây mà trong ruột có chứa những dòng nhựa mà loài chim có thể dùng làm nước uống được giữa những cơn khát nước rát cổ . Chúng đã mổ thật bền bỉ và theo một hình thể dường như giống hệt nhau, không lớn không nhỏ theo kích thước khoảng vài ba phân vuông dạng hình chữ nhật và thẳng hàng từ trên xuống dưới tạo thành một mặt võng rất hài hoà đều đặn như một nhà điêu khắc khéo tay nghề. Và từ những ô hình chữ nhật xinh xinh ấy là cả một nguồn nhựa đời tuôn tràn làm mát những chiếc lưỡi của một loài chim lúc nào cũng líu lo giữa những cánh rừng bạt ngàn .
Chim trời là thế và các nhà khảo cứu đã cho loài người thấy được cái sự cần mẫn của chim muông trong đời sống pha với nhiều nét vừa nghệ thuật siêu hạng vừa tài hoa tuyệt vời mà loài người khó bì kịp ...
Nhưng khi nhắc về những mùa chim, có lẽ chúng tôi muốn nhớ về những loài chim của vùng quê tôi, những mảnh đời giang hồ đã một thời cùng với người nhà quê tạo thành bức tranh quê với nhiều nét màu gần gũi thân ái mà không nhà họa sĩ tài danh nào phục chế lại được khi nó đã không còn nữa bằng bàn tay nghệ nhân đa tài .... Nó là của thiên nhiên, của tạo hoá, của chim muông mà loài người không làm sao nói hết được bằng lời, bằng bút tích, bằng sáng tác .
Có những mùa chim là một sắp xếp theo tiết trời và theo từng giống loài. Những giống chim vùng rừng tràm có khác với chim ở đồng ruộng , những loài chim trong vườn có khác với chim ngoài rẫy ngoài ngoài lung. Dù không ai cấm cho nó những bờ bãi nhưng tự thiên nhiên đã làm những lằn ranh vô hình cho mọi loài chim . Nó là cái nét đặc thù của chim chóc mà cũng là cái nét riêng của từng môi trường địa lý .
Chẳng hạn chim trong vườn làm ổ vào tháng hè có loài cưỡng, loài nhòng, chim se sẻ, chim dòng dọc, chim trao trảo, chim chìa vôi cùng các loại cu cườm, cu đất, cu ngói... Còn chim rừng tràm làm ổ vào tháng mười âm lịch. Qua tháng mười một thì chim bắt đầu đẻ trứng nở con. Còn chim trên các cánh đồng lúa mùa nước ngập dai dẳng 6 tháng ròng rã thì lại bắt đầu làm ổ tháng bảy, tháng 8 khi lúa trên đồng tròn mình, mưa Ngâu tầm tã. Những chỗ lung sâu lúa dày là những bến bờ lý tưởng cho các cặp vợ chồng chim hủ hỉ những mùa trăng non . Tháng 9, tháng 10 chim nở rộ. Những bầy chim ra ràng bắt đầu tập vỗ cánh chấp chới giữa gió đồng rì rào với những đợt sóng dâng cao của biển lúa ngút ngàn mà cũng là lúc những cánh chim già bắt đầu thay lông thêm một lần trong dòng sông đời nhiều biến đổi ...
chim chìa vôi
Đổi mùa là làm lại một lần đời nhưng có ai ngờ loài chim chóc lại có những vụ mùa tương lân góp sức thú vị biết dường nào ! Loài bồng-bồng thì ít khi làm ổ mà lại đẻ trên ngọn cây cao chót vót . Loài chim này cùng với giống chim le-le có tập quán chung là cả một bầy chẳng cần biết bao nhiêu con cứ tụ hội là đẻ chung trong một cái ổ trên những ngọn cây cao chót vót . Chỉ có khác là loài le-le thì cùng nhau đạp cỏ lót ổ cho mình; trái lại bồng-bồng thì chờ con người lót ổ sẵn và cứ thế rủ nhau từng đàn, từng đàn .
chim le-le
Người ta làm ổ bồng-bồng hình tháp, chiều cao khoảng một thước, đường kính của vòng tròn làm đáy ổ cũng xấp-xỉ bảy tám tấc, miễn sao chỗ càng rộng càng tốt . Đáy ổ lót những nùi rơm khô cho êm và trứng khỏi chài ra ngoài dễ bể . Chung quanh hình tháp lợp bằng lá dừa nước hay loại lá thốt-lốt để che nắng mưa và chừa cái cửa bằng hai bàn tay để cho bồng bồng chun vô chun ra mỗi lần về đẻ trứng. Và người ta hay treo cái ổ bồng bồng trên các ngọn cây gáo, cây sao nơi mà chiều chiều người nhà quê thấy bồng-bồng hay về nghỉ cánh. Sớm muộn gì bồng-bồng sẽ ghé thăm cái ổ lót sẵn này và sẽ cho những chú bồng-bồng con chào đời trên ngọn cây cao chót vót ấy .
Nhưng sự đời đâu có đơn giản như vậy. Người ta làm sẵn cái ổ hình tháp công phu và bò lên ngọn cây cao biệt vụt như vậy là cũng có cái ý dụ cho bồng-bồng về đẻ và họ sẽ lượm trứng chim. Và lâu lâu, người gác ổ bồng bồng sẽ trèo lên trút ổ một lần. Trứng thôi là trứng... Vì có đẻ mà không được ấp trứng nên dần dần loại chim này gần như tuyệt chủng trên những vùng quê có mùa nước lụt hằng năm. Họa hoằn lắm mới thấy vài bầy chim bồng-bồng là nhờ chúng còn biết đẻ ở các bộng cây cổ thụ mà không ham tìm kiếm những cái ổ hình tháp thật hấp dẫn ở rải rác nơi các ngọn cây cao lơ lửng lưng trời....
chim dòng dọc
Nói đến chim chóc sống thành đàn dường như loài nào cũng có cái tính tương ái tương thân. Cùng loài với nhau chúng thường rủ nhau tha cỏ khô lót ổ vần công. Các loài cu, chim dòng dọc, sáo sành, sáo sậu, cưởng, nhòng, chìa vôi, chích chòe, trao trảo, le-le, gà nước hay còn gọi cúm núm, trích cồ, cò, diệc ... thường gánh vác chuyện hàng xóm như chuyện nhà mình. Và đặc biệt, khi tha những cọng cỏ khô về lót ổ cho dù sơ sài như ổ cu, các loài chim cũng đã phải kén chọn những cọng cỏ khô rất kỹ . Chúng tôi đã nhiều lần bắt gặp sự lựa chọn chất liệu cho một cái ổ lý tưởng của các loài chim này . Chúng cắn cọng cỏ lên rồi nhả ra, lại lựa cọng cỏ khác rồi lại nhả ra, có đến vài ba lần, chúng mới chọn được cọng cỏ khô thật vừa ý rồi mới ngậm cho thật chắc và bay vụt về hướng chúng đang làm nhà ...
Chim dòng dọc là loài chim làm ổ kỹ nhứt, cầu kỳ nhất và có lẽ đẹp nhất. Chim mái có loại ổ riêng. Vì cần phải giữ trứng cho khỏi bị mưa dông làm ướt ẩm và khỏi rơi rớt ra ngoài, nên cái ổ chim dòng dọc mái như cái túi hình đáy chuông, ngang hông cái tuí ấy chúng đan dính liền một hình ống tròn tròn giống như cái cánh tay áo căn phồng dài chừng vài ba tấc buông thòng về hướng mặt đất để làm cái cửa mỗi lúc chúng vô ra cho tiện bề đẻ trứng ấp con mà không quản ngại gió bão ngoài trời . Còn cái ổ của mấy chàng chim dòng dọc trống thì đơn giản hơn. Chỉ là một cái lồng nhỏ treo lơ lửng với những lá sậy được tướt nhỏ thành từng sợi bện lại thành chiếc cầu để chim về nghỉ chân hay đêm đêm chim ngủ mà không ngại mưa nắng làm cho đời thêm vất vả.. Tất cả được gia tộc loài chim dòng dọc này treo trên những nhánh cây nhỏ nơi bụi mây gai hoặc nơi các tàn cây cao cạnh bờ sông như cây sao, cây bần, cây gừa, cây da, cây sộp đong đưa theo gió như một cuộc triển lãm những tác phẩm nghệ thuật giữa không trung tuyệt hảo.
Đời sống dường như riêng tư mà ranh giới lại ngầm ngăn cách nhưng không vì thế mà các loài chim lại hiềm khích ganh tị nhau. Nếu có ai thích thú hiếu kỳ thử ngồi nhìn vài bận cảnh những loài chim lót ổ giúp nhau, chừng đó con người mới vỡ lẽ ra rằng chim muông vậy mà sống cho nhau hết mình. Chim le-le giúp nhau đạp cỏ để có chỗ chứa những cái trứng nõn nà. Chim se sẻ giúp hàng xóm tha những cọng cỏ vào cái bộng tre bên hè lẫm lúa ríu rít niềm vui. Loài cu làm ổ đơn sơ nhất mà cũng giúp nhau tha những cọng cỏ khô sắp xếp ở một lùm cây um tùm hay nơi lùm tre gai êm vắng tiếng người ...
Cái đời sống vì nhau của loài điểu thú làm cho nhiều lúc chúng tôi ngồi nghĩ ngợi miên man... Ngay ở nơi chốn xa này, nơi mà chim muông được có cả bầu trời để bay nhảy ... Có một sáng nắng ấm, chúng tôi bắt gặp chú chim ra ràng khoác bộ lông cánh màu xanh lợt vừa đủ bay, giống như loài chim trao trảo bên nhà, đứng trên ngọn non bộ nhỏ nằm cạnh bờ ao bông súng đang phơi mình trong nắng sớm... Chúng tôi đến gần và đưa nhẹ bàn tay ra bắt lấy con chim non thật dễ dàng. Ngay lặp tức, từ bốn hướng bìa rừng, cả một đàn chim cùng loại túa ra kêu inh ỏi và bay rào rào trên đầu vây lấy chúng tôi như phản đối một việc làm không hợp với đặc ân của thiên nhiên dành cho các loài chim chóc là bầu trời bao la kia. Chúng tôi giật mình và không khỏi bối rối khi tiếng kêu la của cả bầy chim lớn nhỏ vây quanh lấy chúng tôi càng lúc càng đông... Chúng tôi để yên cho con chim non trong cái lồng đang nuôi hai con “parakett” gốc gác Úc châu treo sẵn trên nhánh tùng. Và bầy chim trao trảo xứ lạ này không chịu thua và cứ réo gọi nhau inh ỏi như vừa phản đối loài người vừa cầu cứu đồng loại.
Sau cùng chúng tôi đành phải bắt con chim non trả lại nơi cái ngọn non bộ bên bờ ao bông súng cũ. Và chúng mừng quá, cả bầy chim sà xuống bên cạnh chú chim non hỏi thăm ríu rít và rồi cùng nhau ùa bay lên cây mà còn văng vẳng tiếng kêu chưa dứt của một biến cố thật bất ngờ như thầm trách móc loài người...
Tôi lại nhớ đến cặp chim “parakeet” mà tôi đã nuôi có đến hơn hai năm. Ngay chiều hôm ấy, cánh cửa lồng có lẽ do chú sóc nhỏ hay phá phách kiếm mồi và đã đẩy nhẹ lên làm cho cặp “parakeet” bị chăm sóc quá kỹ vội len kịp bay tuốt ra ngoài ... Mãi đến gần tối, chúng tôi mới hay cái lồng chim trống lổng, và cặp chim thì cũng bay đâu mất biệt tự hồi nào. Và chúng tôi cứ mở cửa lồng cho cao lên với hy vọng chúng sẽ trở lại vì cái lồng này đã quá quen thuộc với đôi chim hiếm này. Ngoài ra còn có thức ăn, nước uống và cả những tiện nghi mà loài người bày biện ra cho chúng, lẽ nào chúng không nhớ để quay về.
Tôi cứ chốc chốc lại nhìn vào cái lồng chim trống không và qua một đêm, rồi một ngày, đôi chim quen thân không bao giờ ngoái nhìn lại cái chốn mà loài người cứ nghĩ rằng vàng son êm ấm ấy ... Loài người lầm hay ít ra không muốn nhớ bài học về những chữ:
“chim lồng, cá chậu”. Nó bi thảm lắm mà cũng trả giá đắt lắm !!!
parakeet
Vào sáng sớm hay mỗi bận chiều về, tôi hay ra ngồi nơi cái băng đá cạnh bờ ao nhìn cảnh chim chóc thường rủ nhau ra cái ao nước tắm mát , tôi lại nghĩ cặp chim “parakeet” của tôi không biết chúng có biết nơi đây vào mùa hè trời ấm và đẹp không thua gì vùng nắng nhiệt đới gió mùa, nhưng vào mùa đông thì thời tiết khắc nghiệt vô cùng. Và vào khoảng tháng 10, tháng 11 dương lịch là các đàn chim rủ nhau bay về phương nam tránh cái lạnh mùa đông đang trở mình . Còn cặp “parakeet” của tôi rồi chúng sẽ bay về đâu hay lại phải chịu chết dưới cái lạnh của mùa đông xứ này ?!?
parakeet
Chim trời, có lẽ chúng cũng biết theo đời mà sống và chúng chắc cũng biết tháp tùng theo những đoàn di cư tìm một chút nắng ấm để sinh tồn. Tôi không rành về những tôn ti trong thế giới chim chóc, nhưng có điều khi phải di tản từng đàn như vậy có đến hằng ngàn, hằng ngàn cánh chim bay rợp trời, chúng tôi thấy chúng đã bay thành những đội hình mũi tên, có con đầu đàn, nhiều con hộ tống và những anh chị hữu tình nhịp cánh bay cao nhưng không ra ngoài đội hình của một anh chị nào đó trong bầy chim đã sắp đặt....
geese flying formation
Cái trật tự đó là một thứ kỷ luật của trời ban bố cho chúng dù chúng không học hỏi ở bất cứ từ một nền văn minh nào, từ bất cứ một trường đại học danh tiếng nào, mà cách nào đó chúng đã thể hiện được cái mơ ước mà loài người phải học mới có . Dĩ nhiên, nơi tôi ở, không phải tự nhiên mà người ta khi vào một nơi công cộng nào cần có thứ tự ưu tiên như phi trường, sân vận động hoặc tiệm quán, xe buýt, xe lửa, rạp hát, sở thú, viện bảo tàng, thư viện... là phải xếp hàng chờ đến lượt mình. Nếu có ai bỏ hàng vượt lên trên với cá tính riêng, không ai nói gì nhưng người ấy cũng không dám vì tự lấy làm xấu hổ với chính mình và với những người chung quanh... Có được cái thói quen tốt ấy, loài người phải học và học liên tục từ trường học đến trường đời qua hằng ngàn năm....
Chim trời có cái dở là dễ bị dụ khị. Người ta hay dùng chim cùng loài làm mồi lẫn nhau và chúng lại hay bị chim mồi dụ chúng về lung, nơi mà nhiều bận chúng cùng nhau uống nước mò cua bắt cá. Những anh chàng được làm mồi thì thật ra chúng cũng đâu có biết mình sẽ hại bạn mình, bởi chúng đâu có ai dạy cho chúng cách phân biệt lẽ phải trái ở đời. Cứ quen sống thành bầy thành đàn hễ gặp nhau là xúm xít bên nhau cùng chỉ cho nhau những vùng lung vũng ấm êm, những bầu trời lý tưởng. Nhưng có ngờ đâu lại cùng gặp nạn giữa đường. Nghĩ mà thương cho chim ngoài trời mà cũng đáng thương cho những chàng chim mồi với sợi dây buộc chặt nơi cái chân chai cứng phong sương cùng những chiếc móng dạn dày gió bụi .
Internet: thợ bẫy chim
Loài chim muông thường hay tìm đất lành để nghỉ cánh. Những rừng cây hoang vu hay những rặng tre làng là những chốn tạm gọi là đất lành. Ở đó có thức ăn ngoài đồng trống, có chỗ ngủ vào ban đêm. Ngày kiếm ăn tối về các rừng cây để dừng bước lãng du sau một ngày lặn lội trên đồng . Rồi hằng năm tới mùa đẻ trứng nở con chúng lại rủ nhau hội tụ về một nơi nào đó thật yên bình giữa một khu rừng tràm, rừng tre bạt ngàn để lót ổ, những nơi mà hằng ngàn, hằng ngàn các loại chim qui tụ về rần rần như vậy loài người gọi là những sân chim. Nghĩ cũng ngồ ngộ. Sao người đầu tiên không gọi những nơi chim quây quần như vậy là xóm chim, làng chim hay rừng chim mà lại gọi là sân chim. Có phải để phân biệt giữa chim và người, giữa xã hội và thiên nhiên, giữa nhà cửa và rừng hoang đồng vắng chăng? Hay loài người lại phải theo cái trật tự cũ từ thời chữ Nho thịnh hành mà không rời khỏi hai chữ “điễu đình” có từ đời xửa đời xưa ấy ?!?
Hồi đời trước, ông bà xưa có kể lại nhiều sân chim một thời nổi tiếng khắp vùng rừng tràm như sân chim Rạch Thứ nhứt, Kinh Dài, Thầy Quơn, Chắc Băng, Đầm Dơi, Cái Nước, Bà Hính thuộc Cà Mau, Bạc Liêu (1), sân chim Đồng Tháp, sân chim Long Hậu. Các vùng rừng tràm miệt Tri Tôn, Luỳnh Huỳnh xưa không có những sân chim nhiều như vậy nhưng chim chóc cũng quy tụ khá nhiều về các cánh rừng hoang vắng ấy .... Nay thì những địa chỉ các sân chim một thời ấy giờ chỉ còn lác đác một ít người vui miệng nhắc nhau nghe sau những buổi vất vả ngoài đồng cày sâu cuốc bẩm... Trời đất còn đổi thay huống gì mọi sinh vật sống trên mặt đất ấy !!!
Chúng tôi không biết từ đâu mà có cách gọi tên các loài chim chóc . Theo cảm tính, như vùng quê tôi thì chúng tôi được biết phần lớn người ta phân biệt loài chim này với loài chim khác để mà đặt tên cho chúng là căn cứ vào tiếng kêu . Chẳng hạn mấy giống chim quen như cu, sáo, cò, vạc, quạ, chim khách, se sẻ, cúm núm, trao trảo, trích, quốc, chim ụt, chim cú, chim heo, le le, bồng bồng vân...vân... là căn cứ vào các tiếng kêu của các loài chim ấy. Nghe các giống chim này kêu như thế nào, người ta đồ lại cái âm giống như vậy mà gọi tên . Ngoài ra, một vài loài được người đời nhìn vào cái hình dáng của chúng mà đặt tên như gà đãi, gà nước, bánh ít, thằng bè, áo dà, manh manh, ốc cao, thằng chài ... Gà đãi vì loài chim này có cái bầu vều khá lớn giống như cái túi chứa cá của dụng cụ dùng để đãi tép cá. Gà nước vì loài chim này vóc dáng và bộ lông giống như gà kiếm ăn trong các mẫu ruộng hoặc lung vũng ngập nước. Chim bánh ít vì hình dáng màu sậm, tròn tròn trông giống cái bánh ít . Chim áo dà có bộ lông màu áo dà...
chim gà nước
Riêng ở vùng bắc Mỹ, có giống chim lại mang những tên không giống tiếng kêu của nó. Có lẽ ở đây người ta có những nghiên cứu về chim muông rất kỹ nên tên của các loài điểu cầm này cũng mang tính khoa học hơn là cảm tính từ tiếng kêu . Chẳng hạng như giống chim có tên “Ptarmigans” (2) còn gọi “gà gô” có bộ lông như lông loài gà sao bên Việt-Nam, mỏ ngắn, lông cánh dài màu trắng, chân thấp, móng đen, chúng cao khoảng từ 3 tấc 3 cho tới 4 tấc là tối đa, mà có tới ba loại tên khác nhau : Willow Ptarmigan còn gọi Lagopus lagopus, Rock Ptarmigan còn gọi Lagopus mutus, White-Tailed Ptarmigan còn gọi Lagopus leucurus.
Trong ba loại chim cùng giống ấy, tương cận về hình dáng cùng sắc lông nhưng có tiếng kêu khác nhau hoàn toàn. Loài Willow Ptarmigan có tiếng kêu rất lạ như xua đuổi các giống khác ra khỏi vùng chúng đang ngụ cư . Tiếng kêu của chúng được các nhà khảo cứu ghi âm lại “go-out, go-out”. Nhưng chim trống lại gọi đàn “know, know”, “tobacco, tobacco” và chúng cũng kêu nhau ríu rít “go-back, go-back”... Loài Rock Ptarmigan trái lại với giống vừa nêu, chúng trầm tư hơn, họa hoằn lắm chúng mới gọi “croaks”, “cakles”, nhưng thường chúng sống trong trạng thái im lặng kéo dài ... Còn loài thứ ba White-Tailed Ptarmigan chúng có tiếng kêu “clucks, clucks” giống như tiếng của loài gà lôi trống hay kêu lúc hứng thú...
Willow Ptarmigan bird
Ngoài ra, tưởng cũng ghi nhận thêm một loài chim khác tên Kinglet mà nhỏ con, có bộ lông giông-giống chim dòng dọc bên mình. Trên đầu có lông màu vàng, mỏ ngắn, đuôi hơi dài và thường cất lên như cái bánh lái gio của phi cớ. Không biết có phải giống chim này người Việt mình hay gọi “chim hoàng tước” ? Chúng cũng được phân làm hai loại : Ruby-Crowned Kinglet với tên khoa học Regulus calendula, và Golden- Crowned Kinglet còn gọi tên khoa học Regulus satrapa. Và dù cùng giống nhưng hai loại này có tiếng hót khác nhau khá xa . Giống Ruby-Crowned Kinglet thì lúc cao hứng hay gọi đàn như một khúc nhạc thánh thót , chậm và ngân dài : “tee tee tee-tew tew – ti-dee, ti-dee....” Còn giống Golden-Crowned Kinglet tiếng hót cất cao, sau mỗi lần hót xong rồi ngừng lại một chút và tiếp tục hót tiếp với giọng hót líu lo vang rừng.
Ruby-Crowned Kinglet
Ngay như giống chim ưng hay một loại diều hâu với bộ lông vằn thường thường người ta cũng chỉ nói chung là diều hâu nhưng cũng có tới hơn mười loài khác nhau do một vài đặc tính rất độc đáo riêng của mỗi loại, nhưng các nhà nghiên cứu phân biệt rõ nhất là tiếng kêu của chúng.
Chẳng hạn với loài Red-Tailed Hawk có tên khoa học Buteo jamaicensis có tiếng kêu líu ríu như người bị hen suyễn “keeer-r-r”. Còn giống Swainson’s Hawk có tên khoa học Buteo swainsoni lại kêu the thé “kreeeeeeeer”. Ngoài ra có một loại diều hâu khác tên là Red -Shoulderred Hawk với tên khoa học Buteo lineatus thì tiếng kêu chỉ gọn lỏn với hai âm ghép lại :”kee-yer”, “kee-yer”; nhưng với loại diều hâu mang tên Broad -Winged Hawk có tên khoa học Buteo playtypterus chúng thường kêu lớn inh ỏi với giọng rất cao “pweeeeeee”. Ngoài ra, trong các loài diều hâu này còn có thêm cả chục tên gọi khác nữa và dĩ nhiên mỗi loại đều có bộ lông khác nhau đôi chút và đặc biệt là tiếng kêu khác nhau rất xa. Phải chăng đó là tiếng nói rất riêng của chúng mà chính vì thế mà chúng đã biểu lộ đước cái cá tính của mình...
Red-Tailed Hawk
Riêng loài chim họa mi cũng năm bảy thứ họa mi với mỗi thứ mỗi màu sắc nhưng màu nào cũng thanh tao dịu dàng với vóc dáng thon thon, đôi chân mạnh, lông đuôi dài mà vẫn biểu lộ cái nét đẹp mạnh mẽ với tiếng hót thánh thót tuyệt diệu . Trong các giống họa mi này, có loài tên Brown Thrashers mà tên khoa học gọi là Toxostoma rufum, chúng hót với giọng khàn khàn vang âm “chack, chack”. Nhưng cùng giống họa mi, lại có tên khác Sage Thasher mà tên khoa học là Oreoscoptes montanus với mỏ ngắn, mắt có viền vàng, nhỏ con, đuôi ngắn, mỗi con có chiều dài khoảng hai tấc, chúng hay cất tiếng hót trong ngần với âm cuối cùng vọng lại “chuck, chuck”... Ngoài ra, chúng tôi thấy còn có nhiều loài họa mi với các tên gọi khác như giống California Thrasher, tên khoa học Toxostoma redivivum với mắt nâu, giọng hót kéo dài và dứt mỗi dòng nhạc tận cùng bằng âm vọng lại hơi khô “chak”, đôi khi chúng để lại tiếng chim trong gió nghe văng vẳng “g-leek”. Hoặc như vài giống họa mi khác như Crissal Thrasher (tên khoa học Toxostoma crissale), Le Conte’s Thrasher (tên khoa học Toxostoma lecontei), Curve-Billed Thrasher (tên khoa học Toxostoma curvirostre), Bendire’s Thrasher (tên khoa học Toxostoma bendirei) ...., hầu hết chúng đều khác nhau về giọng hót, loài thì tiếng hót kéo dài, loài lại thường ngắt nhịp đôi, nhịp ba nhưng bốn giống này có chung một điểm là đôi mắt màu cam hoặc màu vàng và tiếng hót thì trong trẻo như nhau.
California Thrasher
Trong các loài chim thường loài nào hót ra khúc nhạc nấy, nhưng đôi khi người đời cũng bắt gặp vài loại chim biết nhái tiếng như giống chim Northern Mockingbird với tên khoa học Mimus Polyglottos. Giống này hình dáng trông rất giống chim họa mi và bắt chước tiếng hót rất tài tình. Chúng thường có giọng ấm với âm “tchack” hoặc “chair” mà mỗi lần hót chúng phát âm liên tục khoảng 6 lần hoặc kéo dài thêm trước khi đổi giọng. Trong các loài chim quen ở đồng ruộng không thiếu vài giống nhái được tiếng người như sáo, nhòng, cưỡng sau nhiều ngày nuôi dưỡng và lột lớp lưỡi dày, cho ăn chút ớt hiểm cay cay, vài con bồ cào châu chấu cẳng cao lêu nghều, vài trái chuối lá xiêm chín muồi, chút cơm nguội và dạy chúng, chúng sẽ nói trôi chảy như giống vẹt lông xanh mỏ đỏ ... Chợt dưng chúng tôi bỗng nhớ tới chữ dùng của Nguyễn Tuân trong một tùy bút trước năm 1945 :”đôi tri kỷ gượng”.
Petrosaurs
Các nhà khảo cứu cũng đã mang lại cho loài người nhiều thích thú khi đã tìm ra loài chim thỉ tổ (Archaeopteryx) chính là một động vật có xương sống và thuộc loại bò sát . Đó chính là con thằn lằn bay (Petrosaurs)(3) và tính tới ngày nay nó đã có mặt từ 190 triệu năm về trước. Hình dáng của con thằn lằn bay này với cái đầu nhỏ, cần cổ hẹp, mỏ nhọn. Trên đầu có cái sừng dựng xuôi theo thân nó giống như cái mào của các giống chim . Thân thằn lằn bay mới nhìn giống như một loại rắn mối với các vẫy xếp thành từng khoan như khoan con rắn mái gầm với hai màu đen và vàng xen kẻ. Cặp giò của thằn lằn bay giống như hai cái đùi ếch với những bắp thịt chắc nịch và mỗi bàn chân có năm ngón chân với móng dài , khác với các loài chim thường thường chỉ có bốn móng. Đặc biệt, đôi cánh dài khoảng hơn 7 thước (23ft) với lớp da mỏng, không có lông, trông giống như cánh con dơi và ở mỗi cánh có cặp xương như xương vai và nhô ra mỗi cánh một bộ chân ba móng dài như bàn tay dùng để bám vào các thân cây lớn khi cần.
Chim trời có lẽ cũng không biết mình có loài thỉ tổ là con thằn lằn bay, nên chúng không bao giờ tự hào và bỏ công tìm về cái nét “chính thống” của chúng. Nhưng chúng biết chúng khi cùng chủng loại thì có những màu sắc giống nhau, những tiếng kêu cùng giọng hót giống nhau để đến gần nhau chung sống thành đàn, thành bầy, nhưng chúng không bao giờ phân biệt giữa chim lớn với chim nhỏ, chim bằng với chim cưu, giữa phượng hoàng với quạ, giữa loại hồng tước với loài chim sẻ, chim ruồi, giữa cò ma và gà đãi .... Cái may của loài chim là chúng có cả một bầu trời , những đồng cỏ, những khu rừng nhiệt đới gió mùa với mưa rừng và chúng tự lực cánh sinh nên không biết tương sát tương tàn . Một vài loại chim giờ không còn nữa trong dòng sống của nó, một phần do sự tuyệt chủng của các loài sinh vật trong sự tuần hoàn của vũ trụ và phần khác do con người gây ra .
Mỗi lần những mùa chim lót ổ trở về chúng tôi nghe lòng mình bâng khuâng lạ. Nhớ tuổi thơ xưa, nhớ cánh đồng rạ khô, nhớ những mùa mưa cúm núm kêu rền đồng, nhớ mùa nhạn đất vờn quanh một láng trống để biết cá linh đang quây quần dưới bóng râm của chòm bông súng, nhớ trứng chim rải rác những vạt lung, nhớ những đàn chim dừng lại nơi rặng tre nơi cuối xóm thả tiếng cười trôi theo gió lộng ... Đôi lúc, chúng tôi mường tượng một thế giới với tràn ngập những mùa chim chóc rền vang tiếng hót giữa những cánh đồng đầy lúa vàng hay nơi vạt rừng trầm mặc nào đó, lúc bấy giờ đời có lẽ thú vị biết bao nhiêu !!!
Lương Thư-Trung
(1)Theo “Bạc Liêu xưa và nay” của Huỳnh Minh, do Bách Việt tái bản, năm 1994, Hoa Kỳ .
(2) Sưu tập qua các tạp chí, đài truyền hình, các websites liên quan đến các loài chim .
(3)Theo quyển “The New Encylopedia of American Birds” của David Alderton, nhà xuất bản Hermes House, Luân Đôn, 2004
Có một loài được coi là “diva” của thế giới chim muông, những con chim này có bộ lông dài thướt tha, sặc sỡ…
Truyền rằng, chim Thiên đường là một con chim thần, sống ở trên thiên đường, ăn mật hoa, uống giọt sương. Khi múa sẽ vang lên tiếng nhạc mê hồn. Người ta gọi nó với nhiều tên khác như: chim cực lạc, chim Mặt trời, chim Phượng…
Phần lớn chim Thiên Đường được tìm thấy tại khu rừng rậm nhiệt đới tại đảo Papua New Guinea (Ghi-nê), một số loài thì sinh sống trên đảo Moluccas của Indonesia và phía đông Australia. Chim Thiên Đường có khoảng 40 loài, các con đực được biết đến nhiều hơn bởi có bộ lông dài, sặc sỡ, kéo dài từ mỏ, cánh hoặc đầu.
Chim Thiên đường đầu có màu vàng chanh, khoác bộ lông vũ tuyệt đẹp, nhất là chiếc đuôi dài xòe rộng, càng rực rỡ. Chân của chim rất ngắn, khi bay, chân giấu trong bộ lông nên người ta không nhìn thấy.
Chim Thiên đường màu lam khi gọi bạn tình, vẫn thường ngửa đầu, cong lưng, dựng bộ lông màu vàng kim ở cạnh sườn, hoặc treo ngược trên cành cây, rũ toàn bộ bộ lông gấm hoa diễm lệ của mình ra để hấp dẫn bạn gái. Các loài chim dòng họ nhà Thiên Đường là một trong những loại chim biết hót cổ xưa nhất.
Chim Thiên đường màu lam khi gọi bạn tình, vẫn thường ngửa đầu, cong lưng, dựng bộ lông màu vàng kim ở cạnh sườn, hoặc treo ngược trên cành cây, rũ toàn bộ bộ lông gấm hoa diễm lệ của mình ra để hấp dẫn bạn gái. Các loài chim dòng họ nhà Thiên Đường là một trong những loại chim biết hót cổ xưa nhất.
Chim Thiên Đường là biểu trưng của Papua New Guinea, cả quốc kỳ và quốc huy, hàng không và các vật kỷ niệm đều thấy hình ảnh của chim Thiên đường.