Ước có dâu ngoan
Chọn gái thành thị, nhà giàu, có học thức hoặc gái miền quê hiền lành, dịu dàng về làm dâu thì với cô nào mẹ chồng sẽ đỡ khổ và an toàn hơn?Bà Vân (ở quận 10-TPHCM) sau 40 tuổi mới sinh được quý tử nên bà rất cưng chiều, giữ rịt con bên mình và chăm lo từng tí từ lúc bé xíu cho đến giờ.
Dâu sang muốn làm chủ
Anh Kim, con trai bà Vân, thông minh lại học giỏi, vừa nhận bằng thạc sĩ từ một trường đại học quốc tế có tiếng trong nước. Với khả năng của mình, cộng với sự quen biết của mẹ, Kim thẳng tiến trong sự nghiệp, nhanh chóng từ trưởng phòng lên phó giám đốc. Bà Vân rất tự hào về con trai và chọn dâu cũng rất kỹ. Bà muốn con dâu phải xứng “tầm”, phải “sang” không kém con trai mình vì đàn ông thành đạt phải có người vợ thông minh, hiện đại. Vì thế, bà đã khéo chọn sẵn cho con một bạn gái mà bà rất ưng ý, luôn vun vào để sớm về làm dâu nhà bà.
Trong mắt bà Vân, Hân đúng là con dâu “công dung ngôn hạnh” thời hiện đại, khiến bà luôn hãnh diện với mọi người. Trở về sau tuần trăng mật ở châu Âu, Hân dắt về nhà một phụ nữ khoảng 50 tuổi. Bà Vân hỏi ra mới biết cô thuê giúp việc mà không bàn với bà một câu nào. Bà định rầy con dâu nhưng Kim cản: “Chỉ vì cô ấy sợ bố mẹ vất vả thôi”. Có người giúp việc, Hân không mó tay vào việc nhà. Sáng sớm, bố mẹ chồng đã ngồi vào bàn mà chẳng thấy bóng nàng dâu, Kim phải gọi, Hân mới bước ra khỏi phòng.Về nhà chồng chưa đầy 2 tháng, Hân báo bố mẹ chồng cắt suất điểm tâm và ăn trưa của vợ chồng cô để hai người đi ăn riêng. Ăn tối là bữa duy nhất cả nhà sum họp mà Hân lại đi về thất thường khiến mọi người luôn phải chờ cơm. Hơn thế nữa, khi bố mẹ chồng đi về quê dự đám cưới người thân và ở chơi vài tuần, Hân tự ý mua vật liệu, kêu thợ về đập sửa và thay một loạt vật dụng trong nhà cho… “trông mới, đẹp và hiện đại hơn”! Khi trở về, bố mẹ Kim giận suýt phải vào viện. Khi ông bà bảo ban cách hành xử thì Hân một mực cho mình làm đúng, không có gì phải sửa sai!
Đến nước này thì không biết phải nói gì nữa, ông bà Vân bắt đầu sống khép kín, chỉ cười méo xệch khi hàng xóm khen con dâu giỏi giang. Còn Kim thì chán nản khi luôn là “đầu mối” cho bố mẹ càm ràm nhưng góp ý, bảo ban gì thì vợ để ngoài tai!
Dâu quê chưa chắc hiền
Bà Quyên (quận Tân Phú-TPHCM) rút kinh nghiệm từ cô con dâu thứ nhất là dân thành phố, con nhà giàu chẳng biết quán xuyến việc nhà nên nhất quyết chọn nàng dâu cho con trai kế phải là dân quê, thật thà. Tháng đầu mới cưới dâu về, đi đâu bà Quyên cũng khen nức nở: “Con Trân, vợ thằng Ba, tuy không đẹp nhưng ăn nói lễ phép, dịu dàng và làm việc chăm chỉ”. Thế mà chưa đầy một năm, bà Quyên cứ than thân trách phận vì… Trân làm bà tức chết hơn cả con dâu thứ nhất. Tối đó, Trân thủ thỉ với mẹ chồng xin cho cháu được lên ở nhờ để thi đại học. Bà chưa trả lời thì hôm sau, có 4-5 người đến “trọ”. Để thoải mái cho cả hai bên, bà Quyên viện cớ sang chơi nhà con trai lớn.
Nhà nước phóng đường, nhà bà Quyên được đền bù gần 200 triệu đồng, bà đưa cho chồng Trân cất giữ, định bụng khi đường làm xong, căn nhà đang ở có giá cao hơn sẽ bán và hùn thêm tiền đền bù để mua nhà khác rộng hơn. Chẳng biết Trân thủ thỉ thế nào mà chồng đưa hết tiền cho vợ về cất nhà mới cho ông bà nhạc. Khi cần tiền đặt cọc, mọi chuyện mới vỡ lở, Trân hứa sẽ trả góp dần nhưng không rõ đến khi nào mà trước mắt, bà Quyên hụt mua căn nhà vừa rẻ vừa ưng ý!
Hãy nhìn vào chính đối tượng Ngoan hiền, lành tính, biết cư xử… hay không là do nền nếp, giáo dục của gia đình và sự học hỏi, hành xử của chính mỗi người. Không nên từ cái chung mà nhận định về cái riêng và cần tránh những suy nghĩ phiến diện đã được lên khuôn, kiểu như: Người xuất thân từ gia đình sang trọng, học ở trường danh giá sẽ biết hành xử đẹp, có giáo dục; là con gái rượu gia đình giàu có thì chẳng biết làm việc nhà, chẳng biết quan tâm người xung quanh…; hoặc gái quê thì luôn ngoan hiền, chất phác, đảm đang chuyện nhà… Điều quan trọng là hãy nhìn vào chính con người ấy để tìm hiểu thì mới hiểu rõ, hiểu đúng và không bị bất ngờ hoặc hụt hẫng khi sống chung. Hoàng Minh (Công ty Tham vấn Tân Trí Việt) |