Khổ vì chiều người yêu thái quá
Nhiều buổi tối mùa đông rét mướt, trong khi những cô gái khác được núp sau một người đàn ông “hộ tống” về tận cửa thì Lan lại một mình co ro phóng xe ngoài đường.
Làm những điều tốt đẹp nhất cho người thương của mình, đó không phải là trách nhiệm mà là niềm vui đối với mỗi người đang yêu. Tuy nhiên, chiều chuộng người yêu cũng là cả một nghệ thuật. Bởi nếu chiều chuộng sai cách và thái quá sẽ trở thành con dao hai lưỡi.
Cọc đi tìm trâu
7h tối, Lan nhấc máy điện thoại gọi Hải: “Anh chưa tới đón em à?” – “Hôm nay anh mệt quá, hay em tự qua đây đi” – “Thôi cũng được!”. Rồi Lan dắt xe, vượt quãng đường 8 cây số tới nhà người yêu. Trời lâm thâm mưa. Đây không phải là lần đầu tiên Lan thương người yêu vất vả nên chấp nhận “cọc đi tìm trâu”. Lan yêu Hải, chẳng bao giờ ngần ngại, nề hà việc gì. Chuyện đòi hỏi người yêu hoặc đưa ra những yêu sách lại càng hiếm. Với Lan, chỉ một câu nói của Hải: “Anh yêu em bởi em không giống những cô gái nhõng nhẽo khác” cũng đủ làm cô ấm lòng.
Có người tỏ ý trách Lan đã quá chiều người yêu, cô chỉ cười và nói: “Khi yêu, cứ cho đi rồi bạn sẽ được nhận!”. Nhưng có lẽ điều ấy không đúng với Lan. Cô càng tạo điều kiện thoải mái, càng cố gắng lược bớt những trách nhiệm cho Hải thì Hải càng vô tư quên đi nghĩa vụ của mình.
|
Tới một hôm, Lan ốm, gọi điện thoại cho Hải, nhận được vài lời hỏi thăm qua quýt: “Thế em sốt có cao không? Uống thuốc vào rồi nghỉ đi cho đỡ mệt” rồi anh bình thản dập máy. Mong chờ một điều hơn như thế, Lan bỗng thấy hụt hẫng, tủi thân. Nghĩ đến mình đã từng lụi hụi hàng giờ trong bếp để nấu bát cháo lúc Hải ốm, hay chỉ cần nghe anh ho một tiếng, cô cũng vội vàng, sốt sắng đi mua thuốc ngay. Rồi những bận Hải đưa bạn bè về uống rượu say xỉn bừa bãi, cô lên tận nhà dọn dẹp sạch sẽ, giặt giũ cho anh từng tấm quần, manh áo…
Giờ cô mới nhận thấy Hải chỉ là một người đàn ông vô tâm, vô tư đến đáng trách.
Công anh xúc tép nuôi cò...
Con nhà giàu lại hiền lành, ga lăng và đặc biệt rất chung tình, mọi người đều đồng ý: “Đứa con gái nào yêu được Hiệp thì sướng phải biết!”. Quỳnh là cô gái may mắn đó. 18 tuổi, ngoan ngoãn, xinh xắn, dễ thương, Quỳnh có nhiều vệ tinh vây quanh. Nhưng chỉ Hiệp trở thành người “đánh nhanh, thắng nhanh”, dành được trái tim người đẹp. Có kẻ nói: “Cưa gái như nó, họa ngu mới không đổ!”.
Điều đó không phải không có lý. Chiến dịch tán tỉnh nàng của Hiệp quả là... “quà đè chết người”. Yêu mới nửa tháng, Quỳnh “thu hoạch” được khá nhiều thứ: từ chiếc điện thoại di động đến những lọ nước hoa hàng hiệu, rồi nữ trang, quần áo, son phấn và chưa kể các đồ vặt vãnh như DVD, cặp tóc, sổ tay… hay những buổi tối lãng mạn bên nến và hoa tại các nhà hàng sang trọng. Với cô gái tuổi mới lớn như Quỳnh, lại chỉ là con nhà trung lưu, “không đổ mới lạ!”. Quỳnh cũng tự thấy mãn nguyện về chàng “Bạch mã Hoàng tử” của mình. Và tình yêu của họ trôi qua đẹp như chuyện cổ tích…
Sau nửa năm yêu Hiệp, Quỳnh thay đổi hẳn, sành điệu hơn, biết chơi hơn, cô nàng càng lọt vào tầm ngắm của nhiều chàng “công tử”. Các “đối thủ nặng kí” hơn xuất hiện khiến Hiệp phải lo lắng. Linh cảm của Hiệp không sai. Giờ trong mắt Quỳnh, Hiệp không còn là “number one”. Cô nàng phát hiện ra quanh mình còn không ít đàn ông hơn thế nữa. Quỳnh lạnh nhạt dần với người yêu. Còn Hiệp vẫn chỉ cố gắng níu giữ người đẹp bằng những món quà đắt tiền.
Đến một ngày, Quỳnh tới gặp Hiệp lạnh lùng nói: “Mình chia tay đi! Em không còn yêu anh nữa”. Hôm ấy, cô đi một chiếc xe LX trắng mới kính coong – thứ mà Hiệp biết chắc gia đình cô không đủ sức để mua. Nhìn nó, Hiệp như đã hiểu ra tất cả. Anh không thể mãi chạy theo các món quà vật chất mà Quỳnh mong muốn. Nhưng phải chăng chính anh đã biến cô bé ngây thơ ngày nào thành người phụ nữ thực dụng kia? Dù rằng, Quỳnh được như ngày hôm nay là do công một tay anh tạo nên...
Viet Bao (Theo Nguoiduatin)