Tác giả:
Nicky Gumbel
Một nữ truyền giáo làm việc
ở giữa vòng các trẻ em ở tại Trung Đông đang lái chiếc xe Jeep của bà xuống một
con đường nhỏ thì xe hết xăng. Trong xe của bà không có thùng đựng xăng, bà chẳng
tìm được gì ngoài một cái bô của trẻ con. Bà đi bộ một cây số rưỡi dọc theo con
đường để đến một trạm xăng gần nhất và lấy đầy xăng trong chiếc bô đó. Khi đã
trở về và đang đổ xăng vào bình, một chiếc Cadillac rất lớn chở đầy các lãnh tụ
Hồi giáo giàu có về dầu hỏa dừng lại. Họ bị mê hoặc hoàn toàn khi thấy bà đang
rót thứ nước chứa trong chiếc bô vào bình xăng xe Jeep. Một người trong số họ mở
cửa sổ và bảo ‘Ôi! Xin lỗi, mặc dầu bạn tôi và tôi không cùng chung tín ngưỡng
với bà, nhưng chúng tôi hết sức khâm phục đức tin của bà!’
Một số người xem việc trở thành Cơ Đốc Nhân như là một bước nhảy mù quáng của đức
tin. Loại đức tin có cần trong trường hợp mong cho một chiếc ô tô chạy được nhờ
thứ nước thường chứa trong một cái bô. Thật ra đức tin là bước cần phải có.
Song đó không phải là một bước nhảy mù quáng của đức tin, mà là một bước đức
tin đặt cơ sở trên bằng cớ vững chắc của lịch sử. Trong chương nầy tôi muốn xem
xét một số những bằng chứng lịch sử đó.
Tôi được cho biết trong một cuốn từ điển tiếng Nga của chủ nghĩa Cộng sản, Chúa
Jêsus được mô tả là ‘một nhân vật huyền thoại chưa hề tồn tại’. Ngày nay không
một sử gia nghiêm túc nào có thể giữ quan niệm đó nữa. Có rất nhiều bằng chứng
về sự tồn tại của Chúa Jêsus. Bằng chứng ấy không những chỉ đến từ các sách
Phúc âm và các tài liệu Cơ Đốc khác, mà còn đến từ các nguồn tư liệu phi Cơ Đốc
nữa. Ví dụ các nhà viết sử La mã trực tiếp (Tacitus) và gián tiếp (Suetonius) ,
cả hai đều viết về Ngài. Vị sử gia Do thái Josephus, sinh năm 37 sau Công
nguyên mô tả Chúa Jêsus và những người theo Ngài như vầy:
Bấy giờ, vào khoảng thời gian nầy, có một người tên là Jêsus, một
con người khôn ngoan, nếu như gọi Ngài con người là hợp pháp, bởi vì Ngài là một
người đã làm những công việc kỳ diệu, là thầy của những người tiếp nhận chân lý
với sự thỏa vui. Ông đã thu hút nhiều người Giuđa lẫn nhiều dân ngoại bang đến
với mình. Ông ta là Đấng Christ; và bởi lời kiến nghị của những kẻ cai trị giữa
vòng chúng ta, khi Philát đã kết án người trên thập tự giá, những kẻ yêu mến
người từ lúc đầu đã không bỏ rơi người bởi người đã sống lại và hiện ra với họ
vào ngày thứ ba, đúng như lời những lời tiên tri của Đức Chúa Trời đã báo trước
các điều đó cùng với mười ngàn điều kỳ diệu khác về người; và vì vậy mà nhóm những
Cơ Đốc nhân đã được gọi theo tên của người cho đến ngày nay vẫn không triệt
tiêu họ được. 8
Như vậy là đã có bằng chứng ngoài Kinh Thánh về sự hiện diện của
Chúa Jêsus. Ngoài ra, những bằng chứng của Tân Ước là rất mạnh mẽ. Đôi khi người
ta nói ‘Tân Ước đã được viết ra từ lâu rồi. Làm sao để chúng ta biết những gì họ
viết lại không bị mai một qua năm tháng?’
Câu trả lời là chúng ta thực sự biết, rất chính xác qua ngành khoa học nghiên cứu
của sự phê bình bản văn, về những gì các trước giả Tân Ước đã viết. Điều chủ yếu
là chúng ta càng có nhiều bản văn, thì chúng ta càng ít nghi ngờ bản gốc. Cố
Giáo sư F.F.Bruce (là giáo sư Rylands của môn phê bình và chú giải Kinh Thánh ở
tại Trường Đại Học Manchester) trình bày trong tác phẩm Những Tài Liệu của Tân
Ước có Đáng Tin Cậy không ? (Are the New Testament Documents Reliable ?) sự
phong phú thế nào của Tân Ước trong việc chứng thực bản thảo bằng cách so sánh
các bản văn với các tác phẩm lịch sử khác.
Bảng liệt kê dưới đây tóm tắt những sự kiện và cho thấy phạm vi của bằng chứng
Tân ước.
F.F. Bruce tỏ rõ rằng đối với tác phẩm Gallic War của Caesar chúng ta có chín
hoặc mười bản sao và bản cổ nhất đã được viết khoảng 900 năm sau thời của
Caesar. Đối với tác phẩm Roman History của Livy chúng ta có chưa đến hai mươi bản
sao, bản sớm nhất của nó có từ khoảng năm 900 S.C. Trong mười bốn sách lịch sử
của Tacitus chỉ có hai mươi bản sao còn tồn tại; trong mười sáu sách sử biên
niên của ông, mười phần thuộc hai tác phẩm lịch sử quan trọng của ông lệ thuộc
hoàn toàn vào hai thủ bản, một thuộc thế kỷ thứ chín và một thuộc thế kỷ thứ mười
một. Sách lịch sử của Thucydides được biết đến hầu hết hoàn toàn là nhờ tám thủ
bản vào khoảng năm 900 S.C. Sách lịch sử của Herodotus cũng tương tự như vậy. Tuy
nhiên, không một học giả cổ điển nào nghi ngờ về tính xác thực của các tác phẩm
ấy, mặc dù khoảng thời gian từ bản gốc đến bản viết tay là rất dài và số các bản
viết tay tương đối ít.
Còn về Tân Ước chúng ta có một lượng tài liệu thật phong phú. Tân Ước có lẽ đã
được viết ra vào khoảng từ giữa năm 40 S.C đến 100 S.C. Chúng ta hiện có các thủ
bản đầy đủ hoàn toàn của toàn bộ Tân Ước đã bắt đầu có từ năm 350 S.C (một khoảng
thời gian chỉ có 300 năm), các thủ bản bằng chỉ thảo bao gồm phần lớn các tác
phẩm của Tân Ước có từ thế kỷ thứ ba và cũng có cả một phần rời của sách Giăng
có từ năm 130 S.C. Có hơn 5000 thủ bản viết bằng tiếng Hy lạp, hơn 10.000 thủ bản
tiếng La tinh và 9.300 thủ bản khác, cũng như hơn 36.000 phần trích trong các
tác phẩm của các giáo phụ thuộc HT đầu tiên. Là một trong các nhà phê bình bản
văn vĩ đại nhất từ trước đến nay F.J.A.Hort đã nói: ‘Về tính đa dạng và đầy đủ
của các bằng chứng mà trên đó Tân Ước dựa vào, thì bản văn Tân Ước vươn thẳng
lên hoàn toàn và các tác phẩm văn xuôi cổ không thể bì lại với văn phẩm Tân Ước.’
9
F.F.Bruce tổng kết các bằng chứng bằng cách trích dẫn lời của Ngài Frederic
Kenyon, một học giả chủ đạo trong lãnh vực nầy:
Như vậy khoảng cách niên đại của tác phẩm gốc với bằng chứng sớm
sủa nhất hiện là quá nhỏ và thật sự không đáng kể, và cơ sở được xem là vững
vàng nhất để người ta dựa vào đó mà nghi ngờ nguồn gốc của Lời Kinh Thánh từ
khi được viết ra, được lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến thời của chúng ta, đến
nay đã bị loại bỏ. Cả tính xác thực lẫn tính nhất quán chung của các sách trong
Tân Ước cuối cùng có thể được coi là đã được xác minh’. 10
Từ những bằng chứng bên ngoài và bên trong Tân Ước chúng ta biết
Chúa Jêsus đã từng hiện diện trên đất.11 Nhưng Ngài là ai? Tôi nghe Martin
Scorsese nói trên ti vi rằng ông ta đã làm bộ phim Sự Cám Dỗ Cuối Cùng của Đấng
Christ ( The Last Temptation of Christ) để chứng tỏ rằng Chúa Jêsus là một con
người thật. Tuy nhiên đó không phải là vấn đề tranh cãi lúc nầy. Ngày nay rất
ít người nghi ngờ rằng Chúa Jêsus hoàn toàn là một con người. Ngài đã từng mang
thân thể của loài người; đôi khi Ngài cũng mệt mỏi (Giang 4:6) và đói (Mat 4:2). Ngài có những cảm xúc của con người,
Ngài đã nóng giận (Mac 11:15-17), Ngài yêu thương (Mac 10:21) và Ngài đau buồn (Giang 11:35). Ngài đã
có những từng trải như loài người; Ngài đã bị cám dỗ (Mac 1:13), Ngài đã học hỏi (Lu 2:52), Ngài đã
làm việc (Mac 6:3)
và Ngài đã phục tùng cha mẹ mình (Lu 2:51).
Vấn đề mà nhiều người ngày nay đang nói đến là Chúa Jêsus chỉ là một con người,
là một giáo sư tôn giáo vĩ đại. Diễn viên hề Bily Connolly đã thay mặt cho nhiều
người khi ông bảo rằng ‘Tôi không thể tin vào Cơ Đốc Giáo, nhưng tôi nghĩ Chúa
Jêsus là một con người tuyệt vời’.
Có bằng chứng gì để cho thấy Chúa Jêsus còn hơn một con người kỳ diệu hay chỉ
là một giáo sư luân lý vĩ đại mà thôi? Câu trả lời, như chúng ta sẽ thấy đó là
có một lượng bằng chứng dồi dào. Bằng chứng nầy hỗ trợ cho luận điểm Cơ Đốc cho
biết Chúa Jêsus đã và chính là Con độc sanh của Đức Chúa Trời. Thật vậy, Ngài chính
là Đức Chúa Con, ngôi Hai trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời.
Ngài tuyên bố gì về chính mình?
Có người bảo ‘Chúa Jêsus chưa hề xưng mình là Đức Chúa Trời’. Thật ra, đúng là
Chúa Jêsus không đi khắp nơi và nói câu ‘Ta là Đức Chúa Trời’. Song khi nhìn
vào mọi điều Ngài đã dạy dỗ và xưng nhận, thì chẳng còn nghi ngờ gì Ngài là một
người rõ ràng mang chân tính của Đức Chúa Trời.
Việc dạy dỗ tập trung vào chính mình Ngài
Một trong những điều lạ lùng về Chúa Jêsus đó là phần lớn sự dạy dỗ của Ngài tập
trung vào chính mình Ngài. Ngài thực sự đã phán cùng mọi người rằng ‘Nếu các
ngươi muốn có mối quan hệ với Đức Chúa Trời, các ngươi cần phải đến cùng ta’
(xem Giang 14:6).
Chính nhờ có mối quan hệ với Ngài mà chúng ta mới gặp gỡ Đức Chúa Trời được.
Có một nỗi khao khát sâu xa bên trong tấm lòng của con người. Các nhà triết học
chủ đạo của thế kỷ hai mươi nầy thảy đều công nhận điều đó. Ông Freud nói rằng
‘Con người đang khao khát tình yêu thương’. Jung nói rằng ‘Con người đang khao
khát sự an ổn’. Adler thì nói: ‘Con người đang khao khát những gì có ý nghĩa’.
Chúa Jêsus phán ‘Ta là bánh của sự sống’ (GiGa 6:35). Nói khác đi: ‘Nếu các ngươi muốn
thỏa mãn cơn đói khát của mình, hãy đến cùng ta’
Nhiều người đang bước đi trong tối tăm, buồn chán, trong tâm trạng vỡ mộng và
tuyệt vọng. Họ đang tìm phương hướng. Chúa Jêsus phán: ‘Ta là sự sáng của thế
gian. Người nào theo ta sẽ chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự
sống’ (Giang 18:12).
Có người đã nói với tôi sau khi họ tin nhận Chúa Cứu Thế: ‘Cứ như là ánh sáng
thình lình đã chiếu rọi và lần đầu tiên tôi thật sự nhìn nhận được các sự việc’.
Nhiều người rất sợ sự chết. Một phụ nữ nói với tôi rằng nhiều khi cô không ngủ
được, nửa đêm thức giấc, lạnh toát mồ hôi vì sợ hãi sự chết, bởi vì cô không biết
điều gì sẽ xảy ra khi mình chết. Chúa Jêsus phán ‘Ta là sự sống lại và sự sống,
người nào tin ra thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin ta thì
không hề chết’ (Giang 11:25-26).
Có rất nhiều người đang gánh những gánh nặng vì lo âu, khắc khoải, vì những nỗi
sợ hãi và mặc cảm phạm tội. Chúa Jêsus phán ‘Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng,
hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ’ (Mat 11:28). Họ không biết chắc phải sắp đặt
cuộc đời mình như thế nào hoặc phải đi theo ai. Tôi còn nhớ, trước khi tin
Chúa, tôi thường bị gây ấn tượng bởi một con người nào đó và muốn trở nên giống
như họ, rồi lại bởi một nhân vật khác thường nào đó và làm theo họ. Chúa Jêsus
phán ‘Hãy theo ta’ (Mac 1:17).
Ngài phán ai tiếp nhận Ngài là đã tiếp nhận Đức Chúa Trời (Mat 10:40), ai
đón rước Ngài là đã đón tiếp Đức Chúa Trời (Mac 9:37) và ai thấy Ngài tức là đã thấy Đức
Chúa Trời (Giang 14:9).
Lần nọ, một đứa bé vẽ một bức ảnh và mẹ em hỏi em đang vẽ gì đó. Đứa bé trả lời:
‘Con đang vẽ hình Đức Chúa Trời’. Mẹ em bảo: ‘Đừng ngốc nghếch, cưng à. Con
không thể vẽ ảnh Đức Chúa Trời được. Không ai biết Đức Chúa Trời trông như thế
nào cả’. Em bé trả lời: ‘Mẹ à, khi nào con vẽ xong, người ta sẽ biết’. Chúa
Jêsus thật sự đã nói như vầy ‘Nếu các con muốn biết Đức Chúa Trời như thế nào,
hãy nhìn xem ta’.
Những lời xưng nhận gián tiếp
Chúa Jêsus đã tuyên bố một số điều, mà mặc dầu không trực tiếp xưng nhận Ngài
là Đức Chúa Trời, vẫn cho thấy rằng Ngài đã coi mình có cùng vị trí như Đức
Chúa Trời, chúng ta sẽ thấy điều đó trong các ví dụ sau đây:
Lời tuyên bố của Chúa Jêsus khẳng định Ngài có quyền tha tội là một lời xưng nhận
nổi tiếng. Ví dụ, trong một trường hợp Ngài đã phán cùng một người bại rằng: ‘Hỡi
con, tội lỗi con đã được tha’ (Mac 2:5). Phản ứng của những nhà lãnh đạo tôn giáo lúc ấy là ‘Sao người
nầy lại nói như vậy? Người nói phạm thượng đó! Ngoài một mình Đức Chúa Trời còn
có ai tha tội được chăng?’ Chúa Jêsus đã tiếp tục chứng minh rằng Ngài thật có
uy quyền để tha thứ tội lỗi bằng cách đã chữa lành cho người bại ấy. Lời xưng
nhận có quyền tha tội nầy thật sự là một lời tuyên bố gây sửng sốt.
C.S.Lewis đã làm rõ điều đó khi ông nói trong tác phẩm Mere Christianity của
mình:
Một phần của lời xưng nhận nầy có khuynh hướng vuột khỏi chúng
ta, không ai để ý bởi vì chúng ta đã nghe quá thường xuyên đến nỗi không còn thấy
được toàn bộ ý nghĩa của nó là gì. Tôi muốn nói về lời tuyên bố tha tội: tha bất
cứ tội gì. Bây giờ nếu ngươi tuyên phán không phải là Đức Chúa Trời thì lời
phán ấy thật là quá phi lý, có thể xem như khôi hài. Hết thảy chúng ta đều có
thể hiểu cách một người tha thứ cho những hành động vi phạm làm tổn hại chính
người ấy như thế nào. Bạn dẫm phải chân tôi thì tôi tha lỗi cho bạn, bạn cướp
tài sản tôi, tôi tha thứ cho bạn. Nhưng với một con người mà chính ông ta không
bị cướp tài sản và không bị dẫm phải chân mà lại tuyên bố rằng ông ta tha thứ bạn
vì tội dẫm lên chân người khác và tội cướp tiền bạc của những người khác, thì
chúng ta gọi ông ấy là gì? Lời mô tả tử tế nhất chúng ta nên dành cho cách cư xử
của ông ta là ngu như lừa. Nhưng nó chính là điều Chúa Jêsus đã làm. Ngài cho
con người biết rằng tội lỗi họ đã được tha, mà chẳng bao giờ đợi để hỏi ý kiến
tất cả những người kia, là những người chắc chắn đã bị tổn thương do tội lỗi những
người đó. Ngài không ngần ngại cư xử như thể Ngài là người có liên quan chính yếu,
là người đã bị tổn hại phần lớn trong tất cả những trường hợp vi phạm. Điều nầy
chỉ có ý nghĩa nếu như Ngài thực sự là Đức Chúa Trời, Đấng mà luật pháp của
Ngài đã bị con người vi phạm, và Đấng mà tình yêu của Ngài đã bị thương tổn bởi
mọi tội lỗi. Kẻ nào không phải là Đức Chúa Trời mà tuyên bố những lời đó thì
tôi chỉ có thể cho kẻ ấy là ngu ngốc và lừa dối, mà trong lịch sử không một ai
sánh bằng. 12
Một tuyên bố lạ lùng khác mà Chúa Jêsus đã từng phán đó là một
ngày kia Ngài sẽ đoán xét thế gian (Mat 25:31-32). Ngài phán rằng Ngài sẽ trở lại
và ‘ngồi trên ngôi vinh hiển Ngài’ (c. 31). Mọi quốc gia sẽ nhóm lại ở trước mặt
Ngài. Ngài sẽ rải sự đoán xét trên họ. Một số người sẽ nhận được một cơ nghiệp
và sự sống đời đời, là cơ nghiệp đã được chuẩn bị cho họ từ khi tạo dựng trời đất,
trong khi đó những người khác sẽ phải chịu hình phạt bị phân cách với Chúa đời
đời.
Chúa Jêsus phán Ngài sẽ quyết định điều xảy đến cho mỗi một người trong chúng
ta vào lúc cuối cùng. Không những Ngài là Đấng Phán Xét, mà Ngài còn là tiêu
chuẩn của sự phán xét nữa. Điều xảy đến cho chúng ta trong Ngày Phán Xét tùy
thuộc vào cách chúng ta đáp ứng với Chúa Jêsus trong cuộc đời nầy (Mat 25:40, 45). Giả sử vị mục
sư trong hội thánh địa phương của bạn bước lên tòa giảng và nói rằng: ‘Đến Ngày
Phán xét quý vị hết thảy sẽ phải ứng hầu trước mặt tôi và tôi sẽ quyết định số
phận đời đời của quý vị. Điều xảy đến cho quý vị phụ thuộc hoàn toàn vào cách
quý vị đã đối đãi với tôi và các môn đồ của tôi.’ Đối với một con người chỉ là
người mà dám tuyên bố như vậy thì thật là quá vô lý. Ở đây chúng ta có một lời
xưng nhận gián tiếp khác mang chân tính của Đức Chúa Trời Toàn Năng.
Những lời xưng nhận trực tiếp
Khi người ta hỏi Ngài rằng: ‘Ngươi có phải là Đấng Christ Con Đức Chúa Trời
Đáng Ngợi Khen không?’ Chúa Jêsus đã phán rằng: ‘Ta chính phải đó, các ngươi sẽ
thấy Con Người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời và ngự giữa đám mây trên
trời mà đến’. Thầy cả thượng phẩm bèn xé áo mình mà rằng ‘Chúng ta có cần kiếm
chứng cớ khác nữa làm chi, các ngươi có nghe những lời lộng ngôn chăng? Các
ngươi nghĩ thế nào?’ (Mac 14:61-64). Theo lời tường thuật nầy, rõ ràng Chúa Jêsus đã bị kết
án tử hình vì lời xác nhận Ngài đã tuyên bố về chính mình, đối với người Do
thái, đó là một lời xưng nhận đáng chết vì xem mình bằng Đức Chúa Trời.
Vào một dịp nọ, khi người Giuđa định ném đá Chúa Jêsus, Ngài hỏi họ ‘Vì sao các
ngươi ném đá ta? Họ trả lời rằng họ phải ném đá Ngài vì tội phạm thượng: ‘Vì
ngươi là người, mà tự xưng là Đức Chúa Trời ’ (Giang 10:33). Rõ ràng những kẻ thù nghịch Ngài
hiểu đúng lời Ngài đã tuyên bố.
Khi Thôma, một trong các môn đồ, quỳ xuống trước mặt Chúa Jêsus và thưa rằng:
‘Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi’ (Giang 20:28). Chúa Jêsus đã không quay lại và bảo,
‘Không không, đừng nói thế, ta không phải là Đức Chúa Trời’. Nhưng Ngài đã phán
rằng: ‘Vì ngươi đã thấy Ta nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà
đã tin vậy!’ (Giang 20:29).
Ngài đã quở trách Thôma vì đã quá chậm tin.
Nếu có người nào tuyên bố những lời như vậy thì những lời tuyên bố đó cần phải
được nghiệm thử. Có đủ mọi loại người đưa ra mọi loại tuyên bố khác nhau. Chỉ
có điều là khi một người tự nhận mình là ai đó thì không có nghĩa là họ nói
đúng. Có nhiều người, một số ở trong các bệnh viện tâm thần, là những người họ
bị đánh lừa. Họ tưởng mình là Napôlêông hay là một Vị Giáo Hoàng, nhưng kỳ thực
không phải.
Vậy chúng ta làm cách nào để nghiệm thử những lời tự xưng nhận của người ta?
Chúa Jêsus tự nhận Ngài là Con Độc Sanh của Đức Chúa Trời; là Đức Chúa Trời trở
thành người. Có ba khả năng hợp lô gích: Nếu những lời xưng nhận đó là sai lạc
hoặc người ấy biết những điều đó là sai lạc, thì trong trường hợp đó, người ấy
là một kẻ lừa đảo, và là một tay gian ác. Đó là khả năng thứ nhất. Hoặc nếu người
ấy không hề hay biết. Trong trường hợp ấy người ấy bị đánh lừa; hay nói cho
đúng, người ấy bị khùng. Đó là khả năng thứ hai. Khả năng thứ ba là những lời
xưng nhận đó là thực.
C.S.Lewis đã nói như vầy:
Một con người chỉ là người mà dám tuyên bố những điều như Chúa
Jêsus đã phán thì không thể là một vị giáo sư luân lý vĩ đại. Người ấy hoặc là
kẻ mất trí, ngang bằng với một người cho mình là quả trứng luộc, hoặc kẻ ấy là
Quỷ sứ của Địa ngục. Bạn phải có sự lựa chọn của mình. Hoặc con người xưa nay vẫn
là Con Đức Chúa TRời; hoặc người ấy là một kẻ mất trí hoặc là điều gì đó tồi tệ
hơn nữa...nhưng chúng ta chớ dựng lên bất cứ một lời nói vô nghĩa với thái độ kẻ
cả nào về hữu thể của Ngài như là một giáo sư vĩ đại. Ngài không hề mở lối cho
sự nhận xét ấy của chúng ta đâu. Ngài không có ý định đó. 13
Có bằng chứng gì để hậu thuẫn cho điều Ngài đã tuyên bố?
Để đánh giá xem điều nào trong ba điều được đưa ra ở trên là đúng, chúng ta cần
phải xem xét bằng chứng chúng ta có được về cuộc đời của Ngài.
Sự dạy dỗ của Ngài
Sự dạy dỗ của Chúa Jêsus được công nhận rộng rãi là sự dạy dỗ vĩ đại nhất chưa
hề được nói ra từ môi miệng của bất cứ người nào. Một số người không phải là Cơ
Đốc Nhân đã bảo rằng: ‘Tôi ưa thích Bài Giảng Trên Núi, tôi sống theo tiêu chuẩn
lời dạy dỗ đó’. (Nếu họ đọc bài giảng ấy họ sẽ nhận biết rằng nói dễ hơn là
làm, nhưng họ thừa nhận rằng Bài Giảng Trên Núi là sự dạy dỗ tuyệt vời).
Bernard Ramm, một giáo sư thần học, đã nói như sau về sự dạy dỗ của Chúa Jêsus:
Những lời dạy của Ngài càng được đọc nhiều hơn, được trưng dẫn
nhiều hơn, được yêu quý nhiều hơn, được tin cậy nhiều hơn, và được phiên dịch
nhiều hơn bởi vì đó là những lời tuyệt vời nhất mà chưa hề có con người nào nói
ra... Những lời dạy dỗ này mang một tầm vóc vĩ đãi là vì nó chứa đựng tính thuộc
linh thanh khiết minh bạch, rõ ràng, dứt khoát và có uy quyền trong việc giải
quyết những vấn đề lớn lao nhất đang hoạt động mãnh liệt trong tấm lòng con người...không
lời lẽ nào từ môi miệng những người khác có được sức hấp dẫn như những lời dạy
của Chúa Jêsus bởi vì không có một con người nào khác có thể giải đáp những nan
đề cơ bản của con người như Chúa Jêsus đã giải đáp. Những lời dạy đó là loại lời
phán truyền và lời giải đáp mà chúng ta mong đợi chính Đức Chúa Trời ban bố. 14
Sự dạy dỗ của Ngài là nền tảng của
toàn bộ nền văn minh phương Tây của chúng ta. Phần lớn các luật lệ trong đất nước
nầy có nguồn gốc cơ sở dựa trên những lời dạy của Chúa Jêsus. Chúng ta đang thu
được những tiến bộ hầu như trong mọi lãnh vực của khoa học và kỹ thuật. Phương
tiện di chuyển của chúng ta ngày càng nhanh hơn và chúng ta biết được nhiều điều
khác hơn, tuy nhiên trong gần 2000 năm qua, không một ai sửa đổi gì lời dạy dỗ
về mặt luân lý của Chúa Jêsus Christ. Liệu sự dạy dỗ ấy có thể nào thật sự đến
từ một con người lừa đảo hay có tâm trí bất bình thường không?