Kính thưa quý thính giả,
Chúng ta đang bước vào mùa Giáng Sinh. Không khí khắp nơi đang trở nên tấp nập và rộn ràng hẳn lên. Trên đường phố và các tiệm buôn có treo dòng chữ “Chúc Mừng Giáng Sinh” hay “Merry Christmas”. Có tiệm trưng bày cây thông Giáng Sinh, với dây đèn lấp lánh, bên cạnh các đồ trang trí thật đẹp mắt, có hình trái thông, hình hoa tuyết, có cả thiên thần mặc áo trắng tinh với đôi cánh trên hai vai, hình cây gậy đầu vòng của người chăn chiên và các chiếc vớ nhỏ xíu. Có nơi chưng ông già Nô-ên với bộ râu bạc trắng xóa, đội áo và mặc áo nỉ đỏ có viền lông trắng, mang nịt đen, đi đôi giày ống cao, trên vai mang một túi quà nặng trĩu. Người người bận rộn đi mua sắm, mua quà và mua thiệp Giáng Sinh để tặng nhau.
Bên cạnh các hình ảnh đẹp mắt của mùa Giáng Sinh, bạn và tôi cũng được nghe những từ ngữ quen thuộc đặc trưng vào mùa lễ hội lớn nhất này mà cả thế giới long trọng đón mừng. Những từ ngữ này là gì và chúng mang ý nghĩa gì?
Từ ngữ đầu tiên chúng ta thường nghe nhất, dĩ nhiên là từ “Giáng Sinh”.
“Giáng Sinh” là một từ kép, với từ “Giáng” và từ “Sinh” được ghép lại với nhau.
Từ “giáng” nói lên một sự chuyển đổi vị trí, từ một nơi cao xuống một nơi thấp.
Từ “sinh” có nghĩa là “ra đời”, hay “được sinh ra”.
Từ “Giáng Sinh” được dùng để chỉ về sự kiện Thiên Chúa Ngôi Hai, đã tình nguyện từ bỏ chốn thiên đàng vinh hiển cao quý, để bước xuống thế giới loài người đầy dẫy tội lỗi muộn phiền. Ngài không những từ bỏ ngôi thiên đàng cao quý, những cũng tình nguyện từ bỏ luôn quyền hành tối linh thiêng của Đấng Tạo Hóa, để đến trong thế giới của loài người chúng ta, trong hình hài của một con người khiêm nhu, trong thân xác bằng xương bằng thịt, hoàn toàn rất “người”, cũng hữu hạn và yếu đuối như mỗi con người chúng ta.
Để bước vào dòng lịch sử nhân loại, Thiên Chúa Ngôi Hai đã chấp nhận để cho một nữ đồng trinh sinh ra.
Để trở nên một con người, Con Một của Thiên Chúa đã vào đời trong hình hài của một hài nhi mang tên Giê-xu, một hài nhi bé nhỏ, yếu ớt, phụ thuộc và cũng cần đến người mẹ nâng niu chăm sóc như bao hài nhi khác.
“Giáng Sinh” không phải là một huyền thoại, nhưng là một sự kiện lịch sử có thật, và đây là sự kiện siêu nhiên, với quyền năng của Đấng Tối Cao tác động.
Kinh Thánh đã ghi chép tất cả những chi tiết của sự kiện Giáng Sinh.
Lịch sử của con người được chuyển hướng bởi sự kiện Giáng Sinh.
Các nhà sử học đã chọn thời điểm Chúa Giê-xu giáng sinh để làm cột mốc quan trọng của lịch sử, để phân chia dòng lịch sử nhân loại thành hai giai đoạn “Trước Chúa Giáng Sinh” và “Sau Chúa Giáng Sinh”.
Chúng ta đang đón mừng mùa Giáng Sinh năm 2012; có nghĩa là Chúa Giê-xu giáng sinh cách đây 2012 năm.
Từ ngữ “Giáng Sinh” cũng tách biệt Chúa Giê-xu ra khỏi tất cả các giáo chủ, tất cả các triết gia, tất cả các nhà thông thái hay các bậc lãnh đạo tôn giáo; vì tất cả chỉ là con người, tất cả chỉ là loài thọ tạo, không có ai “giáng đến từ nơi cao”.
Tất cả chỉ bắt đầu sự hiện hữu của mình từ khi được sinh ra; nhưng chỉ duy Chúa Giê-xu là Đấng Tạo Hóa giáng đến từ thiên đàng cao quý, là Đấng vốn hiện hữu từ trước vô cùng, vốn đã hiện hữu trước khi Ngài đến với thế giới của chúng ta, vốn hiện hữu trước khi Ngài hóa thân nhập thế làm người, như Kinh Thánh, sách Giăng 1:1-3,10 có chép:
“Ban đầu có Chúa Cứu Thế, Chúa Cứu Thế ở với Thượng Đế từ nguyên thủy vì Ngài là Thượng Đế Ngôi Hai. Chúa Cứu Thế đã sáng tạo vạn vật; mọi loài trong vũ trụ đều do tay Chúa tạo nên... Chúa Cứu Thế đã đến thăm thế giới do chính Ngài sáng tạo”.
Quý thính giả thân mến,
Sứ mạng của Chúa Cứu Thế khi giáng sinh đến thế gian này là để cứu loài người ra khỏi xiềng xích của tội lỗi.
Tên của Chúa Cứu Thế là “Giê-xu”, có nghĩa là “cứu dân Ngài khỏi xiềng xích tội lỗi”. Do vậy, tên “Giê-xu” phản ánh sứ mạng của Ngài khi giáng thế làm người.
“Christmas” là từ chúng ta cũng thường nghe khi mùa Giáng Sinh về, là một từ kép trong tiếng Anh, do từ “Christ” và “mas” ghép lại với nhau.
Từ “Christ” thực ra không phải là tên của Chúa Giê-xu, nhưng là một “danh hiệu” của Ngài, cũng giống như danh hiệu “bác sĩ”, “tiến sĩ” hay “giáo sư”.
Danh hiệu “Đấng Christ” có nghĩa là “Đấng được xức dầu”.
Trong Kinh Thánh, khi Thiên Chúa bổ nhiệm một người trong tuyển dân của Ngài lên làm vua, hay chỉ định một người mang chức vụ tiên tri hay tấn phong một người đảm đương chức vụ thầy tế lễ, người đó phải được trải qua thủ tục “xức dầu” hay “được rưới dầu trên đầu”.
Đấng Christ là Đấng đã được Thiên Chúa xức dầu, là Đấng duy nhất được Thiên Chúa chỉ định để thực hiện sứ mạng đem con người trở lại trong mối liên hệ thuận hòa với Đấng Tạo Hóa, như chính Chúa Giê-xu Christ có khẳng định: “Ta là Con đường, Chân lý và Nguồn sống. Nếu không nhờ Ta, không ai được đến với Cha” (Giăng 14:6).
Thực vậy, không phải từ một giáo chủ nào, hay một triết gia nào, hay một bậc tu hành nào; mà cũng chẳng do một bậc thần linh nào khác, nhưng chỉ trong “Giê-xu Christ”, là Đấng duy nhất được Thiên Chúa xức dầu và bổ nhiệm, bạn và tôi mới nhận được sự cứu rỗi, như Kinh Thánh, sách Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12 có tuyên bố: “Ngoài Chúa Giê-xu, không ai có quyền năng cứu rỗi loài người, vì dưới bầu trời này, chúng ta không thể kêu cầu danh nào khác để được cứu rỗi.”
Chữ “mas” trong từ “Christmas” xuất phát từ tiếng Latin, có nghĩa là “buổi lễ”.
Như vậy “Christmas” có nghĩa là một buổi lễ để đón mừng sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu Christ.
Kính thưa quý thính giả,
Chúng ta cũng còn nghe từ “Noel” để chỉ về Giáng Sinh. Có nhiều cách giải thích khác nhau về từ “Noel”.
Có người giải thích rằng từ “Noel” xuất phát từ chữ “Noël” là một tiếng Pháp cổ, có nghĩa là “sự sinh ra”.
Người khác thì cho rằng, từ “Noel” đến từ một chữ Pháp khác là “nouvelles”, có nghĩa là “một tin thật tốt lành”.
Một số khác thì nghĩ rằng, từ “Noel” là tiếng Pháp, viết tắt của chữ “Emmanuel”, có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng với chúng ta”; vì khi hài nhi Giê-xu sanh ra, đó chính là Thiên Chúa Ngôi Hai giáng hạ, đến để sống giữa vòng nhân loại.
Còn tự điển Oxford English thì viết rằng “thoạt tiên, “Noel” là một âm thanh người ta la lên hay hát lên để diễn tả niềm vui ... khi kỷ niệm về sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu”.
Dù với cách giải thích nào, từ “Noel” cũng mang được một số ý nghĩa chính, trong vô số những ý nghĩa cao trọng của sự kiện Chúa Cứu Thế Giê-xu giáng sinh.
Từ “Noel” cũng được mọi người biết đến nhiều nhất, qua tên của một bài thánh ca không thể thiếu được trong mùa trọng đại này; đó là bài thánh ca mang tên “Noel Đầu Tiên”.
Quý thính giả thân mến,
Trong mùa Giáng Sinh, chúng ta cũng thường nghe đến cụm từ “nữ đồng trinh Ma-ri”.
Ma-ri là thiếu nữ đã sinh ra hài nhi Giê-xu. Thế nhưng tại sao gọi Ma-ri là “người nữ đồng trinh”?
Vì khi sinh hài nhi Giê-xu, Ma-ri vẫn chưa ăn nằm với vị hôn phu được hứa gả cho mình là Giô-sép. Bào thai Giê-xu trong bụng Ma-ri không phải là do tình ý của con người, nhưng do bởi quyền năng siêu nhiên của Thiên Chúa.
Khi vị thiên sứ đến báo tin cho Ma-ri rằng, “cô sẽ thụ thai và sinh một trai, và đặt tên là Giê-xu”, thì chính Ma-ri cũng ngạc nhiên và thắc mắc, như sách Lu-ca 1:34-35, 37 có ký thuật:
“Ma-ri hỏi: “Tôi còn là trinh nữ, làm sao có việc đó?”
Thiên sứ đáp: “Thánh Linh sẽ giáng trên cô, quyền năng của Đấng Chí Cao sẽ bao phủ cô, cho nên Con Thánh sinh ra sẽ được xưng là Con Đức Chúa Trời... Vì không có điều Đức Chúa Trời không làm được!”
Giô-sép là vị hôn phu của Ma-ri, khi nghe tin nàng có thai, lòng cũng đầy thắc mắc hoài nghi và đang âm thầm dự định từ hôn. Một vị thiên sứ cũng hiện đến trong giấc mộng của Giô-sép để giải thích về sự kiện siêu nhiên này, như sách Ma-thi-ơ 1:20, 24, 25 có ghi:
“Một thiên sứ của Chúa hiện đến trong giấc mộng và bảo:
“Này Giô-sép, con cháu Đa-vít, đừng ngại cưới Ma-ri làm vợ vì thai nàng đang mang là bởi Đức Thánh Linh”.
Giô-sép thức dậy, làm theo lời thiên sứ của Chúa đã dặn bảo, cưới Ma-ri về làm vợ, nhưng hai người không ăn ở với nhau cho đến khi nàng sinh một con trai thì đặt tên là Giê-xu”.
Lý do tại sao trong biết bao nhiêu người con gái khác, Thiên Chúa đã chọn Ma-ri để hài nhi Giê-xu chào đời, là điều chúng ta không biết được; nhưng một điều chúng ta biết thật rõ là, Ma-ri là một người con gái biết tôn kính Đấng Tối Cao, vâng phục trọn vẹn, tin cậy là và làm y như lời thiên sứ căn dặn, để rồi Chúa Cứu Thế đã giáng sinh thành người qua cô.
Như chúng ta vừa nghe, trong các lời tường thuật về sự kiện Giáng Sinh, cũng vài lần nhắc đế sự xuất hiện của thiên sứ.
Thiên sứ là ai và đóng góp những vai trò quan trọng nào trong sự kiện Giáng Sinh?
Thiên sứ là tạo vật của Thiên Chúa. Con người chúng ta là những tạo vật trong thế giới vật chất hữu hình, thì thiên sứ là những tạo vật trong thế giới thần linh vô hình.
Thiên sứ thực hiện các công việc quan trọng khẩn cấp của Thiên Chúa và một trong các công việc đó là “đưa tin”.
Trong sự kiện Giáng Sinh, thiên sứ Gáp-ri-ên đã xuất hiện trước trinh nữ Ma-ri để báo trước cho cô về sự giáng hạ của Con Một Thiên Chúa.
Thiên sứ cũng hiện đến trong giấc mộng của Giô-sép để giải thích tại sao Ma-ri đã mang thai.
Thiên sứ cũng hiện ra với những người chăn chiên ngoài đồng để báo tin Giáng Sinh cho những người đang thức đêm chăn chiên ngoài đồng và hướng dẫn họ tìm đến hài nhi Giê-xu để ra mắt và thờ lạy.
Có ba nhà thông thái lặn lội từ phương Đông đến ra mắt hài nhi Giê-xu. Thiên sứ đã báo mộng cho họ, hướng dẫn họ đường đi khác để về quê hương, để tránh gặp lại vua Hê-rốt đang tìm kiếm hài nhi Giê-xu để giết.
Cũng chính thiên sứ báo mộng cho Giô-sép để tìm cách đưa hài nhi Giê-xu và Ma-ri qua Ai-cập để lánh nạn vì vua Hê-rốt đang săn kiếm.
Quý thính giả thân mến,
Trong tuần tới, chúng ta sẽ tiếp tục khám phá ý nghĩa của những từ ngữ quen thuộc khác của mùa Giáng Sinh; như “tiểu thôn Bết-lê-hêm”, “chuồng chiên máng cỏ”, “các gã chăn chiên”, “ba nhà thông thái”, “ngôi sao Giáng Sinh” vv., cùng nguồn gốc của phong tục tặng quà, tặng thiệp vào mùa Giáng Sinh.
Merry Christmas!
Thân chào quý vị và các bạn.
Tùng Tri