Hình minh hoạ
Đời người khoảng bảy tám chục năm, không dài lắm để làm những điều phi thường, nhưng đủ dài để chọn lựa kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Chúa Cứu Thế Jesus Christ. Mặc dầu sống tới 120 tuổi, nhưng Môi-se nhìn thấy tuổi đời của ông thật là ngắn ngủi. Ông thưa với Chúa Hằng Hữu rằng: ''Tuổi tác của chúng con đến đưọc bảy mươi, còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi, song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm. Vì đời sống chóng qua, rồi chúng con bay mất đi'' (Thi Thiên 90:10).
Qua câu 12, Môi-se nói thêm: “Cầu xin Chúa dạy cho chúng con biết đếm các ngày của chúng con, hầu cho chúng con được lòng khôn ngoan.'' Môi-se ra đời trước đức Thích Ca, trước đức Khổng Tử hơn cả ngàn năm.
Lòng khôn ngoan trước hết là lòng kính sợ Chúa như thánh Gióp nói: ''Kính sợ Thượng Đế, ấy là sự khôn ngoan; tránh khỏi điều ác, ấy sự thông sáng'' (Gióp 28:28). Gióp ra đời trước vua Sa-lô-môn cả ngàn năm. Vua Sa-lô-môn ra đời trước thái tử Tất-Đạt-Đa khoảng 400 năm. Vua Sa-lô-môn cũng viết rằng ''Kính sợ Thượng Đế là khởi đầu mọi sự khôn ngoan; nhìn biết Đấng thánh đó là sự thông sáng'' (Châm ngôn 9:10).
Nhiều trăm năm sau đó tại Ấn độ, thái tử Tất-Đạt-Đa ra đời và lớn lên. Thái tử đã nhìn thấy hiện tượng sinh-lão-bịnh-tử mà thất vọng ê chề. Căn cứ vào điều mắt mình thấy, thái tử Tất-Đạt-Đa nghĩ rằng con người đau khổ bởi sinh-lão-bịnh-tử nên đã hy sinh tất cả để tìm đường giải thoát cho chính mình trước; sau đó mới có thể giúp nhân loại. Cuối cùng Ngài cho rằng mình đã thành Phật, và trao lại một kho giáo lý cho nhân loại để họ tự áp dụng lấy như những phương tiện diệt khổ. Tiếc thay lúc đó đức Cồ Đàm (Đức Thích Ca) chưa hiểu rằng con người chúng ta càng diệt khổ càng thêm khổ, càng diệt dục càng thêm dục. Vào thời đó, tại Ấn Độ, Đức Thích Ca chưa có Thánh Kinh Cựu Ước để biết rằng nguyên nhân của sự đau khổ nơi con người là do tội lỗi của con người, chứ không phải do sinh-lão-bịnh-tử như thái tử Tất-Đạt-Đa nghĩ. Sinh-lão-bịnh-tử là một phần kết quả của tội lỗi. Càng tìm cách tiêu diệt một phần kết quả của tội lỗi (sanh-lão-bịnh-tử), con người càng đi lạc ra khỏi sự giải quyết nguyên nhân của tội lỗi.
Có hai sự nhìn biết rất khác nhau giữa giáo lý Phật Giáo và Thánh Kinh: Đó là tội lỗi và nguồn gốc của tội lỗi cũng như cách giải quyết. Đạo Phật không dứt khoát nhìn nhận tội lỗi, nhưng chỉ nhìn nhận những bông trái của tội lỗi và những nét hậu quả của tội lỗi trong sanh-lão-bệnh-tử chứ chưa thấy rõ nguồn gốc và bản tính của tội lỗi cũng như hậu quả đời đời do tội lỗi gây ra. Thậm chí danh từ tội lỗi cũng không được các nhà phật học sử dụng một cách dứt khoát và thống nhất trong giáo lý của họ. Do đó giáo lý đạo Phật rất mâu thuẫn trong vấn đề giải quyết tội lỗi.
Nhiều tông phái của đạo Phật đề cao hàng trăm giới cấm. Nhưng giới cấm chỉ để ngăn ngừa hành vi tội lỗi bề ngoài mà thôi. Và giới cấm vừa là bất lực trong việc ngăn ngừa hành vì tội lỗi vừa gây thêm những tội lỗi lớn hơn, tinh vi hơn, khó nhận biết hơn! Đây là một thực tế thê thảm của tôn giáo nầy, nhưng sẽ được đề cập chi tiết và cụ thể hơn trong một nơi khác. Kinh Thánh cho biết rằng luật pháp chỉ cho ngƣời ta biết tội lỗi, nhưng luật pháp không giải phóng con người ra khỏi tội lỗi (Rô-ma 3:20).
Người nào đã thật tâm giữ giới tu hành thì ắt phải nhận biết rằng mình hoàn toàn thất bại với tội lỗi, sau đó quay về trong ơn cứu rỗi của Chúa Jesus Christ để được tha tội, được giải phóng ra khỏi tội tính, được tái sanh thành một con người mới; người đó mới công nhận Ơn Cứu Rỗi trong Chúa Giê-su là mầu nhiệm.
Kinh thánh dạy rằng ''Tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong đức Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta'' (Rô-ma 6:23). Chính vì thế mà Thượng Đế đã rao báo chương trình cứu rỗi của Ngài trong Đấng Christ hàng ngàn năm trước khi Đấng Christ xuất hiện. Vì Thượng Đế biết rõ loài người cần được cứu ra khỏi chốn trầm luân do họ bị Satan xúi dục họ trong vườn địa đàng. Vì tội lỗi của loài người nên thế gian bị rủa sả và có đau khổ sanh-lão-bịnh-tử. Tuy nhiên Thượng Đế vẫn ban hồng ân và sự thương xót của Ngài cho loài người khi họ còn ở trong vòng sanh-lão-bịnh-tử, dưới sự tể trị của Ngài.
Một người muốn biết Ơn Trời là một người dễ nhận thấy hồng ân và phước hạnh của Đức Chúa Trời ngay khi đang sống giữa cõi đời tạm bợ sanh-lão-bịnh-tử nầy. Nghĩa là ngay trong sanh-lão-bịnh tử, chúng ta vẫn tìm thấy hồng ân của Thiên Chúa. Vì chưa biết điều nầy nên Phật Giáo hô hào tiêu diệt sanh-lão-bịnh-tử. Con người không bao giờ tiêu diệt được sanh-lão-bịnh-tử, nhưng con người có thể hưởng được hạnh phúc trong sanh-lão-bịnh-tử và được về nước trời đời đời (nơi không còn sanh lão bịnh tử) nếu họ bằng lòng trở về với Đấng đã dựng nên họ như Thánh Kinh đã dạy.
Sau khi đã trở về ăn năn để tiếp nhận ơn tha tội, tức là tiếp nhận ơn cứu rỗi trong Cứu Chúa Jesus Christ, con người mới có năng lực thiêng liêng để thắng điều ác và làm được điều lành đúng nghĩa. Và đó là bằng chứng về nước trời và sự sống đời đời sau khi lìa bỏ cõi tạm thế gian. Giáo lý của đạo Phật chưa nêu rõ điều căn bản nầy.
Từ khi đức Thích Ca nhập diệt cho đến nay chưa có một vị tu hành nào thành phật như giáo lý ấy đã nói. Chính đức Thích Ca tự xưng mình đã thành Phật, nhưng thân thể Ngài cũng phải chết như mọi người. Trái lại Chúa Giê-su chiến thắng sự chết và cả thân thể Ngài đã thăng thiên. Sự khác nhau về giáo lý và niềm tin của Đạo Phật và Đạo Chúa là rất rõ ràng. Dù con người học được bao nhiêu điều lành, nhưng khi họ chưa được cứu ra khỏi điều ác, thì họ cũng không thể làm điều lành đúng nghĩa được. Vì thế Chúa Giê-su dạy câu kinh cầu nguyện ''Xin chớ để chúng con bị cám dỗ mà cứu chúng con khỏi điều ác''(Ma-thi-ơ 6:13 a).
Thực tế là tôi có thể hiểu được một số lý thuyết để làm lành, nhưng trong khi tôi bị trói vào bản án của tội ác trong tôi, thì tôi vẫn chưa được tự do để làm lành, vì tội lỗi vẫn cai trị trên tôi. Giống như người tù hoan hô ủng hộ tự do, nhưng anh ta vẫn bị mất tự do cho đến khi nào được thả ra khỏi nhà tù. Bản án của anh phải được giải quyết theo luật pháp chứ không theo ý riêng của anh, là một tội nhân. Nghĩa là luật pháp đã kết án kẻ phạm tội thì luật pháp cũng sẽ mở cửa, mở xiềng cho y.
Tội nhân có thể tu hành và ngồi thiền trong nhà tù, nhưng ngồi thiền trong nhà tù là để bình tâm chịu đựng sự trừng phạt chứ không phải để làm cho ổ khóa nhà tù và cái xiềng biến mất đi. Nhưng khi luật pháp đã tuyên bố xóa bản án cho tội nhân, dù lúc đó hai tay anh ta còn bị còng, nhưng tư cách tự do của anh ta đã có đối với luật pháp và không ai có quyền còng anh ta hay là xem anh ta như một tội phạm như trước đó.
Ngày nay chúng ta đang sống trong thế gian nầy, dù tu hành và thiền định đến mấy mà chưa nhận được lời tuyên bố xóa bản án trong ân điển của Chúa Giê-su, chúng ta vẫn là tội nhân. Ngược lại, ai đến với Chúa Giê-su để nhận tờ khế Ân Điển Khoan Hồng, người đó được tự do khỏi tội lỗi mình dù đang còn bị ràng buộc tạm bợ giữa thế gian, giống như chiếc còng còn trên tay người được tha bổng mà chưa kịp mở sau khi bản án đã được pháp luật công bố: tha bổng, nói cách khác là có được địa vị người công bình.
Nguyễn Huệ Nhật
(Trích trong thư gởi Anh Bùi Giáng của Ẩn Ngữ Thiền Công)
Nguyễn Huệ Nhật
(Trích trong thư gởi Anh Bùi Giáng của Ẩn Ngữ Thiền Công)