Một ngày nọ, có ba con kiến bàn bạc với nhau. Một con nói “Tôi nghe nói
có một loài gọi là người, sống trên đất, có thân thể to lớn và mạnh mẽ. Chỉ có
một cử động, họ có thể chà nát 10 triệu con kiến chúng ta. Chúng ta hãy đi tìm
xem loài người thật sự như thế nào?
Chẳng mấy chốc, chúng bò lên một người đang ngủ. Con thứ nhất trèo lên
bụng và đi vòng quanh. Con thứ hai thăm dò mái tóc. Con thứ ba trèo lên chân.
Khi ba con kiến trở lại, chúng bàn bạc với nhau. Con trèo lên bụng nói: “Con
người giống như cái bánh hấp lớn”. Con đã thăm dò mái tóc nói: “Sai rồi! Con
người giống như khu rừng”. Con thứ ba bò lên chân không đồng ý: “Hai bạn đều
sai! Con người giống như cá ướp muối nặng mùi!” Sự hiểu biết của chúng ta về
Đức Chúa Trời thường giống như sự hiểu biết của kiến đối với con người. Con
người xem chính mình khôn ngoan nhất trong các tạo vật. Nhưng so sánh với Đức
Chúa Trời là Đấng dựng nên muôn loài, con người thật quá tầm thường!. Con người
coi chính mình là loài có đầu óc khoa học, nhưng Đức Chúa Trời xem con người
chỉ có bộ não của kiến!
Nhiều người nói rằng: “Tôi không thể thấy Đức Chúa Trời hay chạm được
Đức Chúa Trời. Do đó, không có Đức Chúa Trời”. Nhưng quan điểm này có hợp lí
không? Cái la bàn chỉ hướng Bắc hoặc hướng Nam; mặc dù không thể thấy được lực
đã tạo ra điều đó, nhưng người ta biết rằng phải có một lực từ đã hút nó về một
hướng nào đó. Có ai đã từng thấy điện? Nhưng từ hiệu quả của điện, chúng ta
biết sự hiện hữu của nó. Không khí không màu, không mùi đã tồn tại trên trái
đất này rất lâu, nhưng con người chỉ khám phá ra điều đó cách đây 500 năm. Vi
khuẩn nhỏ nhất chỉ được nhìn thấy sau khi con người chế tạo ra kính hiển vi.
Cách đây 500 năm, con người đã phủ nhận sự tồn tại của không khí. Cách đây 200
năm, con người cũng phủ nhận sự hiện hữu của vi khuẩn, và cách đây một trăm
năm, con người không biết đến sự tồn tại của điện. Nếu sự tồn tại của một điều
gì đó mà chỉ được quyết định bởi giác quan con người, thì điều đó sẽ luôn luôn
sai lầm!
Một số người nghĩ rằng tin Đức Chúa Trời là mê tín và phải khoa học.
Ông Cairo đã tổ chức một cuộc khảo sát ba trăm khoa học gia lớn trong thế kỉ
trước để xem họ có tin Đức Chúa Trời không. Kết quả cho biết 38 người không
biết chắc, 20 người không tin và 242 người tin có Đức Chúa Trời. Điều này có
nghĩa là 92% các khoa học gia được khảo sát đã tin sự hiện diện của Đức Chúa
Trời. Người Đức nổi tiếng về khoa học. Giữa các trường đại học Đức, trung bình
cứ bốn khoa khác nhau thì có một khoa thần học. Anh và Mỹ là những nước khoa
học phát triển. Các vị vua và tổng thống của hai nước này đều đặt tay lên Kinh
Thánh để tuyên thệ với Đức Chúa Trời trong lễ nhậm chức. Do đó, chúng ta thấy
rằng khoa học và Đức Chúa Trời không đối kháng nhau. Thật ra, nhiều quốc gia hiện
đại và nhiều học giả đã tôn kính và thờ phượng Đức Chúa Trời.
Một số người hỏi: “Nếu có Đức Chúa Trời, sao Ngài không dùng cách đơn
giản để bày tỏ chính Ngài cho chúng ta thấy và tiếp nhận? Vâng, Đức Chúa Trời
khao khác con người biết Ngài, tin Ngài và giao tiếp với Ngài. Nhưng có hai
nguyên tắc trong sự giao tiếp; trước hết là sự tương đồng với nhau trong sự
sống; thứ hai là sự tương đồng trong bản chất. Sự sống khác nhau không thể có
sự giao tiếp, giống như con người không thể giao tiếp với gà. Khác nhau về bản
chất cũng không thể kết giao với một người thô lỗ, đần độn. Đức Chúa Trời có sự
sống thần thượng và bản chất thánh khiết, công chính, sự sáng và tình yêu.
Chúng ta có sự sống con người và bản chất ganh tị, tham lam, bẩn thỉu và tối
tăm. Vì Đức Chúa Trời và con người quá khác nhau, làm sao cả hai có được sự
giao tiếp? Ngay cả một người thánh khiết như Môi-se cũng không thể nhìn xem mặt
Đức Chúa Trời, huống chi là chúng ta! Đức Chúa Trời biết rằng con người sẽ chết
nếu thấy Ngài, nhưng Đức Chúa Trời muốn con người biết Ngài. Do đó, Ngài đã
dùng phương cách khác để hoàn thành điều đó. Những chủ đề tiếp theo sự đề cập
đến một số cách để chúng ta hiểu được là có Đức Chúa Trời. Thưa các độc giả quý
mến, tôi hi vọng rằng quý vị sẽ khiêm nhường tìm kiếm Ngài.