Từ Giê-su như một cái ngà voi hóc trong cổ tôi; dù có cố đến thế nào cũng không thể khạc ra nổi. Những người đã xưng nhận cái tên đó đáng bị tôi thương hại và giận dữ. Là giáo sư trong trường đại học, tôi đã chán ngấy những sinh viên tin rằng “biết Chúa Giê-su” có nghĩa là biết những điều khác ít đi. Cơ Đốc nhân nói riêng là những độc giả tồi, luôn cố tìm cơ hội để chèn một câu Kinh thánh vào một cuộc trò chuyện với mục đích như một dấu chấm câu: để kết thúc cuộc trò chuyện thay vì đi sâu hơn.
Ngu muội. Vô nghĩa. Hăm dọa. Đó là những gì tôi nghĩ về Cơ Đốc nhân và Chúa Giê-su của họ, người mà xuất hiện trong các bức tranh trông mạnh mẽ chẳng khác các cô người mẫu nữ trong các quảng cáo dầu gội đầu là mấy.
Là một giáo sư nghiên cứu về tiếng Anh và phụ nữ, đang trên đường trở thành một người cấp tiến trọn đời, tôi quan tâm về đạo đức, công lý và lòng trắc ẩn. Nhiệt huyết với các thế giới quan của Freud, Hê-ghen, Mác, cùng Đác-Uyn, tôi đấu tranh cho những người bị mất đi quyền lợi. Tôi coi trọng đạo đức. Lẽ ra tôi đã có thể chấp nhận Giê-su và đội chiến binh của ông ta nếu những nền văn hóa khác không chống đỡ cho Quyền Của Cơ Đốc nhân. Lời đả kích của Pat Robertson trong đại hội Toàn quốc của đảng Cộng hòa năm 1992 đã khiến tôi mất hết kiên nhẫn: “Phong trào đòi bình quyền cho đàn bà,” ông ta châm chọc, “khuyến khích đàn bà bỏ chồng, giết con, làm phép phù thủy, phá hoại chủ nghĩa tư bản và trở thành người đồng tính.” Giáo điều của Cơ Đốc nhân lẫn với quan điểm chính trị của đảng Cộng hòa khiến tôi phải để tâm đến.
Sau khi cho xuất bản nghiên cứu vào biên chế, tôi dùng bài viết của mình để thể hiện thêm lòng trung thành của một nữ giáo sư đồng tính. Tôi sống vui vẻ, ý nghĩa và đầy trọn. Tôi cùng người bạn đời quan tâm tới nhiều điều quan trọng: hoạt động xã hội về căn bệnh AIDS, quan tâm tới sức khỏe và học vấn của trẻ em, cứu nguy cho giống chó Golden Retriever, theo Nhất Thần Giáo* và còn nhiều điều khác nữa. Dù bạn có tin vào những câu chuyện ma của Robertson và những người như ông ta, bạn cũng phải thừa nhận rằng tôi và người bạn đời của mình là những công dân tốt và biết quan tâm tới người khác. Cộng đồng người đồng tính coi trọng lòng hiếu khách cùng với sự khéo léo, hy sinh và lòng thành thật.
Tôi bắt đầu nghiên cứu Quyền Tôn giáo và quan điểm chính trị đầy thù hằn này chống lại những người đồng tính như tôi. Để làm như vậy, tôi cần đọc một cuốn sách mà theo tôi ước tính là đã khiến nhiều người lạc lối: Kinh thánh. Khi đang tìm một số học giả Kinh thánh để hỗ trợ nghiên cứu của mình, tôi bắt đầu tấn công vào thuyết ba ngôi không thánh của Giê-su, quan điểm chính trị của Đảng Cộng hòa và chế độ phụ hệ dưới dạng một bài báo trên tờ báo địa phương, viết về Những Người Giữ Lời Hứa. Đó là hồi năm 1997.
Rất nhiều người phản kháng bài báo này, vì vậy, tôi đặt hai chiếc hộp ở hai bên bàn: một hộp đựng thư phản đối, một hộp đựng thư ủng hộ. Nhưng tôi đã nhận được một bức thư đặc biệt – không tuân theo hệ thống phân loại của tôi. Thư gửi từ mục sư của hội thánh Trưởng lão Cải Chánh Syracuse (Syracuse Reformed Presbyterian Church). Đó là một bức thư ân cần, hỏi han. Ken Smith khích lệ tôi khám phá loại câu hỏi mà tôi thấy rất ấn tượng: Làm sao chị lại nghĩ như thế? Làm sao chị biết được là mình đúng? Chị có tin vào Đức Chúa Trời không? Ken không tranh luận với bài báo của tôi; thay vào đó, anh yêu cầu tôi bảo vệ những phỏng đoán đã nâng đỡ nó. Không biết phải trả lời sao, tôi quẳng nó đi.
Tối hôm đó, tôi lục lại thùng rác và đặt nó trở lại bàn. Nó cứ ở đó, nhìn chằm chằm vào tôi cả tuần, bắt tôi phải đối mặt với sự khác biệt trong thế giới quan và đòi tôi trả lời. Là một trí thức hậu hiện đại, tôi ở trong thế giới quan duy vật lịch sử, nhưng Cơ Đốc giáo lại là một thế giới quan siêu nhiên. Bức thư của Ken vô tình đã đâm thủng tính toàn vẹn của dự án nghiên cứu của tôi.
Làm bạn với kẻ thù
Từ bức thư đó, Ken bắt đầu chuyến hành trình hai năm mang hội thánh đến với tôi, một kẻ ngoại đạo. Ồ, tôi đã thấy những câu Kinh Thánh mà tôi sử dụng trong nghiên cứu xuất hiện trên các tranh cổ động trong các cuộc tuần hành của người đồng tính. Những Cơ Đốc nhân đã cười nhạo tôi trong Ngày hội đồng tính, rõ ràng là họ vui vì tôi cùng những người tôi yêu thương sẽ đi xuống địa ngục. Nhưng Ken không như vậy. Anh không cười nhạo. Anh cố gắng hiểu tôi. Vì vậy, khi anh gửi thư mời tôi đến dự bữa tối, tôi đã đồng ý. Lúc đó, động cơ khiến tôi đến rất đơn giản: Chắc chắn nó sẽ có lợi cho nghiên cứu của tôi.
Nhưng một điều khác đã diễn ra. Ken, vợ anh là Floy, và tôi trở thành bạn bè. Họ bước vào thế giới của tôi. Họ gặp gỡ bạn bè tôi. Chúng tôi trao đổi sách với nhau. Chúng tôi nói chuyện cởi mở về bản năng tình dục và quan điểm chính trị. Họ không sợ những cuộc trò chuyện này làm mình ô uế. Họ không đối xử với tôi như một tờ giấy trắng. Khi chúng tôi dùng bữa cùng nhau, Ken cầu nguyện – tôi chưa bao giờ nghe thấy người ta cầu nguyện theo cách như vậy. Lời cầu nguyện của anh rất gần gũi. Và mỏng manh. Anh ăn năn về tội lỗi mình ngay trước tôi. Anh cảm ơn Chúa về mọi điều. Chúa của Ken rất thánh khiết và không thay đổi, nhưng cũng đầy nhân từ. Và vì Ken cùng Floy không mời tôi đến hội thánh nên tôi thấy làm bạn với họ rất an toàn.
Tôi bắt đầu đọc Kinh thánh. Tôi đọc ngấu nghiến. Năm đầu tiên, tôi đọc rất nhiều lần, nhiều bản dịch khác nhau. Một lần tôi mời người bạn tình đến ăn tối, J, người bạn đồng tính của tôi dồn tôi vào góc tường. Cô ấy đặt bàn tay to bản của mình trên tay tôi, cảnh cáo “Việc đọc Kinh thánh đang khiến em thay đổi đấy, Rosaria.”
Tôi run rẩy thì thầm: “J, nếu đúng thì sao? Nếu Giê-su thật là Chúa và thật là Ngài sống lại thì sao? Nếu chúng ta đều đang gặp rắc rối thì sao?”
J thở dài: “Rosaria, chị từng phục vụ trong hội thánh Trưởng lão trong 15 năm. Chị cầu nguyện Chúa chữa lành chị nhưng ông ta không làm vậy. Nếu em muốn, chị sẽ cầu nguyện cho em.”
Tôi tiếp tục đọc Kinh thánh và luôn luôn tranh chiến với tư tưởng rằng Kinh thánh được thần cảm. Nhưng trong tôi, phần Kinh thánh bắt đầu lớn hơn cả chính tôi. Kinh thánh tràn vào thế giới của tôi. Tôi dùng hết sức để chống trả nó. Và rồi, một sáng Chúa Nhật nọ, tôi trỗi dậy khỏi giường của người nhân tình đồng tính, một tiếng sau lại ngồi ở hàng ghế Hội thánh Trưởng lão Cải Chánh Syracuse. Người ta chú ý ngay đến kiểu đầu nam tính của tôi, nhưng tôi tự nhắc mình rằng tôi đến để gặp Chúa, không phải để hòa hợp với họ. Trong một thoáng, hình ảnh tôi cùng mọi người tôi yêu phải chịu đau đớn trong địa ngục đến với tôi như những con sóng, ập vào nhận thức của tôi và kẹp chặt lấy tôi.
Tôi tranh chiến với mọi thứ mình có.
Tôi không muốn điều này.
Tôi không cầu xin điều này.
Tôi tính trả cái giá phải trả. Và tôi không thích phép toán ở phía bên kia dấu bằng.
Nhưng những lời hứa của Chúa cuộn sống trong thế giới của tôi. Vào một ngày của Chúa, Ken giảng về Giăng 7:17: “Nếu ai sẵn lòng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì sẽ biết lời Ta dạy đến từ Đức Chúa Trời hay Ta tự nói theo ý mình.” Câu Kinh thánh này phơi bày đống bùn lầy mà chân tôi vướng phải. Tôi là một nhà tư tưởng. Tôi được trả lương để đọc sách và viết về chúng. Tôi trông đợi rằng trong mọi khía cạnh của đời sống, sự hiểu biết sẽ đến trước sự vâng lời. Và tôi muốn Chúa bày tỏ cho tôi bằng những điều khoản của tôi, rằng tại sao đồng tính luyến ái lại là tội lỗi. Tôi muốn là quan tòa, không phải là người bị phán xét.
Nhưng câu này này hứa rằng sẽ ban sự hiểu biết sau khi vâng lời. Tôi vật lộn với câu hỏi: Liệu tôi có thực sự muốn hiểu về đồng tính luyến ái trên quan điểm của Chúa không, hay tôi chỉ muốn tranh luận với Ngài mà thôi? Đêm đó, tôi đã cầu nguyện rằng Chúa cho tôi vui lòng vâng lời trước khi hiểu biết. Tôi cầu nguyện cho tới tận bình minh. Khi nhìn vào gương, tôi thấy mình vẫn vậy. Nhưng khi tôi nhìn vào lòng mình qua thấu kính Kinh thánh, tôi tự hỏi: Liệu tôi là một người nữ đồng tính, hay tất cả điều này chỉ là do tôi nhầm lẫn về nhân dạng của mình? Nếu Chúa Giê-su có thể chia thế giới thành từng phần, có thể phân hồn linh với cốt tủy thì Ngài có thể làm cho nhân dạng thật của tôi thắng thế được không? Tôi là ai? Chúa sẽ muốn tôi là ai?
Và rồi, vào một ngày như mọi ngày, tôi đến với Chúa Giê-su với bàn tay rộng mở và trần trụi. Trong cuộc chiến thế giới quan này, Ken ở đó. Floy ở đó. Hội thánh đã cầu nguyện cho tôi nhiều năm nay – ở đó. Chúa Giê-su chiến thắng. Còn tôi là một mớ hỗn độn. Việc cải đạo là một tai nạn xe lửa. Tôi không muốn mất mọi điều mà tôi yêu thương. Nhưng giọng nói của đức Chúa Trời đã hát lên bài hát tình yêu đầy hy vọng trong thế giới đổ nát của tôi. Tôi yếu ớt tin rằng nếu Chúa Giê-su có thể chiến thắng sự chết thì Ngài có thể sửa đổi thế giới của tôi.
Tôi uống sự ủi an của Đức Thánh Linh – lúc đầu còn rụt rè, sau lại rất say mê. Tôi an nghỉ trong sự bình an riêng tư, sau đó trong cộng đồng, bây giờ là trong gia đình giao ước – nơi có một người nam gọi tôi là “vợ” và nhiều người gọi tôi là “mẹ”.
Tôi không quên đi huyết Chúa Giê-su đã đổ ra cho cuộc đời mình.
Và cuộc đời cũ của tôi ẩn nấp trong lòng tôi, sáng rực tựa một con dao sắc.
*Nhất thần giáo: Một thuyết tin rằng mỗi người được tự do tìm kiếm chân lý cá nhân của chính mình trong nhiều vấn đề như sự tồn tại, tự nhiên, ý nghĩa cuộc sống, Thượng Đế, sự sáng tạo và sự sống đời sau. Những người theo Nhất thần giáo có thể xuất thân từ nhiều tôn giáo khác nhau, giữ niềm tin và trung thành với đạo đức của nhiều nền văn hóa và tôn giáo. (Nguồn: Wikipedia)
– Tác giả: Rosaria Champagne Butterfield –
(Trích từ Nhóm: Đức Chúa Trời Ba Ngôi
Của Bạn Phuong Tran