"Thiểu số phục tùng đa số" là điều tự nhiên nhưng cũng có những trường hợp đa số nên phục tùng thiểu số, câu chuyện Phúc Âm hôm nay sẽ cho chúng ta thấy điều đó. Câu chuyện được ghi trong Phúc Âm Lu-ca như sau:
Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Ðức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri-a và Ga-li-lê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi! Thấy vậy, Ðức Giê-su bảo họ: Hãy đi trình diện với các tư tế. Ðang khi đi thì họ đã được sạch. Một người trong bọn, thấy mặt được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Ðức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Ðức Giê-su mới nói: Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? Rồi Người nói với anh ta: Ðứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh (Phúc Âm Lu-ca 17:11-19).
Ðó là câu chuyện Ða Số Phục Tùng Thiểu Số. Ða số là 9 người được chữa lành nhưng đã không quay lại tạ ơn, còn thiểu số là người Sa-ma-ri khi biết đã được lành thì quay lại tạ ơn. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn xem chân dung của một người biết ơn trước khi xem tại sao đa số lại phải phục tùng thiểu số. Câu chuyện nầy cho thấy người biết ơn trước hết là một người cần ơn Chúa. Câu chuyện nói đến 10 người phung hủi cần Chúa chữa lành. Phung hủi hay Hansen là một chứng bệnh ghê sợ, người mắc bệnh bị mọi người xa lánh. Trong khung cảnh của xã hội Do-thái, người mắc chứng phung hủi chẳng những là một người bệnh nhưng cũng bị coi là người bất khiết, không được sống trong cộng đồng. Ði đâu người đó cũng phải la lớn: Ô uế để mọi người biết mà tránh. Những người trong hoàn cảnh đó chỉ có thể sống bằng sự thương hại của người khác và chính vì vậy họ kêu đến Chúa với câu: Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi! Chữ Thầy trong trường hợp nầy mô tả một người ở trong tư thế và thẩm quyền có thể cứu giúp người khác.
Phung hủi xưa nay thường tượng trưng cho tội lỗi. Tội lỗi gậm nhấm con người cũng như bệnh phung hủi. Có khi nó làm cho con người không còn cảm giác khi làm điều tội lỗi. Nhân vật trong câu chuyện nầy chẳng những là người phung hủi nhưng cũng là người Sa-ma-ri. Sa-ma-ri là dòng giống bị pha trộn, bị người Do-thái cho là lai căng, không bao giờ tiếp xúc. Nói về số phận hẩm hiu thì có thể nói đây là người hẩm hiu nhất trên đời vì sinh ra đã bị coi thường rồi còn mang trong mình chứng nan y, không phương cứu chữa. Người phung hủi đã khổ, lại là người Sa-ma-ri mắc chứng phung hủi thì cuộc đời không còn gì nữa, vô hy vọng.
Chính trong hoàn cảnh cùng cực đó người nầy đã đến với Chúa Giê-xu, cầu xin ơn thương xót của Chúa. Người nầy chỉ xin Chúa một điều và chỉ một điều mà thôi: xin Ngài thương xót. Cùng đường, tuyệt vọng, người nầy chỉ còn chờ ơn thương xót của Chúa.
Chúa Giê-xu đã chữa lành cho người nầy cùng với 9 người kia. Người biết ơn vì vậy chẳng những là người cần ơn Chúa nhưng cũng là người nhận ơn Chúa. Họ đã nhận ơn Chúa bằng đức tin của mình vì Chúa không đụng gì đến họ, Chúa chỉ bảo họ đi gặp vị tư tế. Vâng lời ra đi, chứng tỏ họ có đức tin. Và khi tin như vậy họ đã được chữa lành. Ðức tin của những người nầy đã thể hiện trong việc họ vâng lời. Có những người gặp hoàn cảnh khó khăn hoặc mắc chứng nan y, có người chỉ vẽ đường lối hay mách thuốc nhưng nếu người đó không tin, không làm theo thì dĩ nhiên sẽ không được giải thoát, không được chữa lành. Ðức tin của chúng ta phải thể hiện trong hành động cụ thể và cụ thể nhất là vâng lời Chúa. Ðức tin của những người nầy đã thể hiện trong việc họ vâng lời Chúa và họ đã thật sự được chữa lành.
Cả 10 người đều vâng lời, cả 10 người đều được chữa lành nhưng chỉ có một người quay lại tạ ơn. Người đó tôn vinh Thiên Chúa vì biết rằng chỉ có Thiên Chúa mới có thể chữa lành cho mình và người đó sấp mình dưới chân Chúa bày tỏ thái độ khiêm cung, tôn thờ.
Ðây là bức tranh mô tả xã hội con người chúng ta. Chúng ta đều là những người cần ơn Thiên Chúa. Nếu không ý thức mình cần ơn Chúa, chúng ta sẽ chẳng bao giờ tạ ơn Ngài. Chúng ta cần biết rằng mỗi khía cạnh của đời sống, chúng ta đều mang ơn Thiên Chúa, từ hơi thở đến trí khôn, từ sức khoẻ đến công ăn việc làm, từ bản thân đến những người trong gia đình Mỗi một điều chúng ta đều mang ơn Thiên Chúa, đều cần ơn Thiên Chúa, nhưng bao nhiêu người trong chúng ta ý thức điều đó? Chúng ta cũng là những con người tội lỗi, chúng ta không mắc chứng phung cùi nhưng tội lỗi cũng giống như chứng bệnh kinh khủng đó, từ từ gậm nhấm con người chúng ta. Chúng ta mang bản tính tội lỗi từ bên trong, rồi với ảnh hưởng của tội lỗi chung quanh, tư tưởng, lời nói, hành động của chúng ta mang tính cách phản loạn, chống lại Thiên Chúa là Ðấng đã ban tất cả mọi điều cho chúng ta. Chúng ta là những con người bất khiết, cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ cần vâng lời Chúa, đến với Ngài để kinh nghiệm ơn tha thứ và chữa lành của Ngài. Chúa luôn luôn kêu gọi con người trở về với Chúa để kinh nghiệm ơn tha thứ và chữa lành đó.
Khi đã quay trở lại với Chúa, kinh nghiệm ơn tha thứ của Ngài, chúng ta sẽ không thể làm gì khác hơn là tạ ơn Chúa. Ða số những người được chữa lành đã không quay lại tạ ơn có lẽ vì họ không cho đó là quan trọng. Thật ra, tạ ơn phải là phản ứng tự nhiên khi thọ ơn một người nào. Thiên Chúa đã ban ơn mà nếu không nhận ơn, chúng ta sẽ không tạ ơn. Còn nếu đã nhận ơn mà không tạ ơn thì lạ càng đáng trách hơn nữa. Quý vị có cần ơn của Chúa không? Có nhận ơn của Chúa chưa và có tạ ơn Ngài không? Câu hỏi của Chúa Giê-xu cũng là câu hỏi cho chúng ta hôm nay: Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa? Chín người kia ở đâu? Quý vị thuộc vào đa số vô ơn hay thiểu số biết ơn? Ðây là lúc đa số vô ơn cần bắt chước thiểu số biết ơn để tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban ơn cho tất cả, còn ta sao cứ tiếp tục quay lưng mà không trở lại tạ ơn Thiên Chúa? Nếu hôm nay Chúa hỏi: Còn chín người kia ở đâu? Quý vị sẽ trả lời như thế nào?