Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Friday, November 25, 2011

Ý THỨC TÔN GIÁO BẨM SINH CỦA CON NGƯỜI




Một số nhận định của Giáo sư Yves Coppens, chuyên viên Cổ Nhân chủng học, về ý thức tôn giáo của con người

Ngày 15-11-2011, Giáo sư Yves Coppens, người Pháp, chuyên viên Cổ Nhân chủng học, đã đến Milano, bắc Italia, để tham dự cuộc hội họp tại Đại học Cơ đốc giáo, do Ngân khố “Julien Ries” tổ chức về đề tài “Gió, Thần Khí và Ma”. Giáo sư đã diễn thuyết về đề tài “Không có con người mà không biểu tượng”. Nhân dịp này, giáo sư cũng giới thiệu cuốn sách của ông tựa đề “Tiền lịch sử của con người”, do Nhà Xuất bản Jaca Books ấn hành.

Giáo sư Coppens sinh năm 1934 và là một trong các nhà Cổ Nhân chủng học nổi tiếng nhất thế giới. Là con của một khoa học gia về phóng xạ của các loại đá, ngay từ ngày còn bé, ông đã say mê ngành tiền sử và khảo cổ học. Ông Coppens đã từng theo học tại Đại học Rennes. Năm 22 tuổi, ông cộng tác với Giáo sư Jean Piveteau làm việc trong phòng thí nghiệm “cổ sinh vật học” thuộc phân khoa khoa học Đại học Paris, đồng thời là chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp về Cổ Sinh vật học thuộc thời đệ tứ kỷ và đệ tam kỷ. Năm 1959, ông làm việc trong phòng thí nghiệm của Học viện Cổ Sinh vật học của Viện Bảo tảng Quốc gia Pháp về Lịch sử Thiên nhiên. Ông được giao cho việc nghiên cứu các hiện tượng sinh học liên quan tới loài vật có vòi bên Phi châu. Giáo sư Coppens cũng từng là thành viên các toán nghiên cứu bên Algeria, Tunisia và Philippines.

Năm 1965 trong một cuộc đào bới khảo cổ tại Yaho bên nước Tchad, ông đã khám phá ra một cái sọ của một người đàn bà thời tiền sử được gọi là “vợ của người đứng thẳng Ciad” (Tchadanthropus uxoris). Người đàn bà này sống cách đây 1 triệu năm.

Tuy nhiên biến cố khiến cho giáo sư nổi tiếng là cuộc đào bới khảo cổ năm 1974 tại Hadar bên Etiopia. Cùng với chuyên viên Cổ Nhân chủng học Donald Johannon và nhà Địa chất học Maurice Taieb, Giáo sư Yves Coppens đã khám phá ra bộ xương của một người đàn bà sống cách đây 3,5 triệu năm. Người đàn bà khoảng 25 tuổi, bị chết trong vùng đầm lầy, chắc hẳn vì kiệt sức. Ba giáo sư đặt tên cho bà là Lucy, nhưng trong tiếng Aramây tên bà là “Dinquinesh” có nghĩa “Em tuyệt vời”.

Năm 1980, ông Coppens được chỉ định là giáo sư tại Bảo tàng viện Quốc gia Pháp về Khoa học Thiên nhiên, và được mời dạy môn Cổ Sinh vật học và Tiền sử tại Trường Pháp. Ông đã giữ ghế giáo sư này cho tới năm 2005. Giáo sư Yves Coppens đã viết rất nhiều sách về 2 lĩnh vực này cũng như cộng tác làm nhiều phim.

Giáo sư xác tín rằng ngành Cổ Sinh vật học và Cổ Nhân chủng học có các chứng cứ rõ ràng cho thấy con người phát xuất từ một sự biến hoá chậm nhưng không thể hãm lại được. Giáo sư Coppens không tin nơi thuyết “tình cờ”, mà cho rằng loài người đã có các đặc tính thủ đắc được từ môi trường sống chung quanh. Theo Giáo sư Coppens, con người sinh ra đã có cảm quan về sự thánh thiêng và rộng mở cho thiên linh, cũng như có khả năng cần đến biểu tượng.

Trong số mấy chục cuốn sách của giáo sư có các cuốn như: “Nguồn gốc con người - Từ vật chất đến ý thức” (2010); “Khỉ, Phi châu và con người” (1983); “Nguồn gốc của loài đi hai chân” (1992); “Lịch sử đẹp nhất của thế giới” (1996); “Cái đầu gối của bà Lucy: Lịch sử con người và lịch sử lịch sử của nó” (1999); “Chiếc nôi của loài người. Từ nguồn gốc cho tới Thời Đồng” (2003); “Lịch sử con người và các thay đổi khí hậu” (2006)...

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận định của giáo sư về ý thức tôn giáo và sự thánh thiêng của con người.

Hỏi: Thưa Giáo sư Coppens, con người sinh ra trước hay biểu tượng có trước?

Đáp: Con người và biểu tượng nảy sinh đồng thời với nhau. Không thể nghĩ rằng biểu tượng đến sau con người; đàng khác, con người từ ngay lập tức đã là sinh vật biểu tượng rồi.

Hỏi: Xin Giáo sư giải thích cho biết điều này đã xảy ra như thế nào?

Đáp: Trong lộ trình tiến hoá của con người, người ta thừa nhận 3 giai đoạn tiếp nối nhau. Giai đoạn đầu tiên cách đây 70 triệu năm đã xảy ra với cái nhìn trước trán, còn trước đó thì hai mắt ở hai bên cạnh. Cái nhìn trước trán này cống hiến cho con người chiều sâu của 3 chiều kích, và việc nhận ra màu sắc. Giai đoạn thứ hai cách đây 10 triệu năm: con người đứng thẳng, và lần đầu tiên có cái nhìn về chân trời và hướng lên trời. Giai đoạn thứ ba xảy ra cách đây 3 triệu năm theo sau một sự thay đổi khí hậu tàn bạo, khiến cho bộ mặt trái đất bị thay đổi một cách triệt để, trong nghĩa nó biến thành một môi trường khô ráo hơn rất nhiều; rừng già biến mất nhường chỗ cho cánh đồng cỏ và tranh. Để vượt thắng khó khăn vật chất này và có thể sống còn, thú vật đã khiến cho răng mọc ra để gặm cỏ một cách dễ dàng hơn, trong khi bộ óc của con người vượt qua ngưỡng cửa của sự phức tạp đưa nó tới một mức độ cao hơn về phẩm cũng như lượng. Tiền con người biến thành con người.

Hỏi: Thế còn biểu tượng thì sao, thưa giáo sư?

Đáp: Biểu tượng đến như hậu quả. Bà Lucy dùng đá như chúng là. Nhưng để vượt thắng sự thay đổi khí hậu, con người phát triển đầu óc của mình. Nó lấy hai hòn đá và với hòn thứ hai biến đổi hình dạng của hòn đá thứ nhất. Thế là ý tưởng nảy sinh. Có một dự án liên quan tới tương lai: và đây, vật dụng đầu tiên do con người chế ra đã là một biểu tượng thánh thiêng. Đàng khác, khi tôi thấy các dân tộc bản xứ, tôi nhận ra rằng các cử điệu của họ đều có ý nghĩa lễ nghi. Tôi không thể không nghĩ rằng điều này cũng đã xảy ra với người bán khai.

Hỏi: Như thế theo giáo sư, tư tưởng đầu tiên nảy sinh cùng một lần với ý thức về sự thánh thiêng? 

Đáp: Đúng thế. Trực giác về hình thể đã là sự hiểu biết cái gì đó thánh thiêng.

Hỏi: Trái lại, bà Lucy đã không thể có các biểu tượng, và như thế cũng không ý thức về sự thánh thiêng, có đúng thế không, thưa giáo sư?

Đáp: Không, tôi không tin như thế. Dọc dài thời gian sự thay đổi của vài dữ kiện đã cho phép con người tôn giáo nổi vượt lên.

Hỏi: Đây là một khẳng định có các hiệu quả đáng chú ý. Chẳng hạn tư tưởng có bắt buộc phải thánh thiêng hay không, thưa giáo sư?

Đáp: Chắc chắn rồi. Sự thay đổi tiệm tiến đã cho phép con người phát triển các tư tưởng, cũng như đã cống hiến cho nó khả năng nhận ra cái gì khác nữa như tương lai và quá khứ, một cái nhìn hướng về sự vô tận và đồng thời hướng về bên trong chính mình.

Hỏi: Thế thì các người tự cho mình là “đời” không muốn dính dáng gì tới tôn giáo chắc là không cảm thấy thoải mái, có đúng thế không, thưa giáo sư?

Đáp: Tôi không tin là có một tính cách đời thực sự, nếu không phải là một cách suy nghĩ khác về sự thánh thiêng. Con người ta là biểu tượng, một cách không thể nào sửa chữa được, ít nhất là trong giai đoạn biến chuyển; và trong giai đoạn biến chuyển này, tôi không thấy có sự khác biệt giữa con người đầu tiên và chúng ta, nếu không phải là trong sự tiến bộ và trong việc làm cho tư tưởng trở thành sắc sảo hơn.

Hỏi: Thưa giáo sư, chúng ta hãy liều lĩnh đi xa hơn hơn một chút: trong viễn tượng của sự tiến hoá theo tinh thần Kitô giáo, trong lúc chuyển tiếp từ con người đầu tiên sống cách đây mấy triệu năm sang con người ngày nay, có thể coi đó như là lúc của việc tạo dựng hay không?

Đáp: Đây là điều các thần học gia phải trả lời, chứ không phải là nghề của tôi. Tôi chỉ hạn hẹp vào việc quan sát các dữ kiện tại chỗ và nhận xét lúc chuyển tiếp qua một ngưỡng cửa. Chắc chắn là đã xảy ra điều gì đó trong thời điểm ấy khiến cho con người không còn là tiền con người như trước đó nữa. Tôi không biết nó có phải là giây phút của việc tạo dựng hay không. Nhưng tôi nhớ là có lần tôi đã khiến cho Đức Hồng y Jean Marie Lustiger kinh ngạc, khi khẳng định rằng “càng giải thích các sự vật một cách tự nhiên bao nhiêu, thì càng tốt cho siêu nhiên bấy nhiêu”...

Hỏi: Thưa Giáo sư Coppens, ngày nay khi giáo sư xem xét biểu tượng của gió, biểu tượng của tinh thần, từ bình diện Nhân chủng học: đây là một dấu chỉ rất quan trọng trong tất cả mọi tôn giáo. Giáo sư sẽ nói sao?

Đáp: Gió đối với con người tiền sử cũng giống như trời: nó là một hiện tượng diễn tả cái gì đến từ một thế giới khác. Ngoài ra gió còn nói, thổi và la hét... Nó là dấu chỉ của một sự hiện diện. Nó khiến cho con người sợ hãi, nhưng nó cũng là một người bạn đường. Nói cho cùng, trong các cách thức khác nhau, nó vừa là một sự hiện diện gây âu lo vừa là một sự hiện diện khích lệ, ủi an, là một sự đe doạ mà cũng là một sự mơn trớn, vuốt ve. Nó là hoả ngục và thiên đàng.

(Avvenire 15-11-2011)