Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Saturday, November 26, 2011

Câu Chuyện đầy cảm động của người cha gốc Việt quyết chí tìm con


Cali Today News - Một người đàn ông VN sống ở thành phố Henrietta, tiểu bang New York, nhất định tin là đứa con trai khốn khổ của ông còn sống và nhờ sự kiên trì và lòng tốt của Thượng Nghị sĩ Chuck Schumer, cuối cùng ông đã đoàn tụ với con.


Vào tháng 12 năm 1977, ông Trương Hạo cùng với vợ và đứa con trai nhỏ và 4 người khác xuống tàu nhỏ vượt biên. Khi còn cách bờ Thái Lan có 40 dặm, ghe của họ bị cướp biển Thái Lan chận lại.
Ông kể: “Ngay đêm hôm đó, khoảng 9 giờ tối, chúng bắt từng người và tỉnh bơ ném xuống biển. Tôi ở trong nước biển và bơi suốt hơn 16 giờ. Chỉ có phép lạ tôi mới sống sót được”. Vợ của ông bị cướp giết và đứa con trai tên Samart cũng được cho là đã chết.

Ông Hạo nói: “Nhưng suốt 34 năm qua, không hiểu sao tôi tin chắc là con tôi còn sống”. Trong vòng 3 thập niên qua, ông đã 3 lần cố gắng truy tìm tông tích của Samart. Lần sau cùng là vào tháng 6 năm 2011, ông trở lại Thái Lan là nơi gia đình ông trên chiếc ghe nhỏ đã hướng đến.
Câu chuyện của ông Hạo muôn dặm tìm con “nổi sóng gió” trong giới truyền thông Thái Lan, cũng như trên các trang mạng xã hội. Ông còn hứa tặng bất cứ ai cung cấp thông tin về con của ông một số tiền.

Ông kể: “Ngày nào tôi cũng ra đường ở Thái Lan và trở về khách sạn rất khuya. Sáng hôm sau tôi lại đi, tối về ngủ và ngày nào tôi cũng đi tìm con”.

Như có phép màu, ngày hết hạn visa là 30 tháng 6, cũng là ngày sinh của bé Samart. Ngay buổi sáng hôm đó, ông tìm thấy con, giờ đây là một thanh niên làm việc trong ngành nhựa ở Tháí Lan. Ông nói: “Tôi sung sướng quá, như trúng số độc đắc vậy!”.
Thượng Nghị sĩ Chuck Schumer đã nói chuyện với Đại Sứ Mỹ ở Thái Lan để xin cho con trai ông Hạo một visa du lịch. Ông Hạo muốn mang con ngay về Mỹ để nó nhìn thấy ông nội giờ đây đang hấp hối ở New York. Ông cụ chưa bao giờ thấy mặt cháu nội của mình.

Anne Lithiluxa, người ký giả tường thuật câu chuyện thần tiên này, kết luận: “Chiến tranh đã xé nát gia đình họ ra, nhờ tình thương bao la và lòng kiên trì đến khó tin của người cha, giờ đây gia đình đã trùng phùng”.

Trường Giang (nguồn YNN Rochester)