Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Thursday, January 19, 2012

Anno Domini


Chúng ta đang ở trong những ngày cuối của năm 2011 và sẽ bước vào năm 2012. 2011 hay 2012 là những con số lấy sự giáng sinh của Chúa Giê-xu làm mốc.

Dù những người làm lịch tính sai một vài năm nhưng chủ yếu sự giáng sinh của Chúa Giê-xu vẫn là cái mốc. Trong tiếng Anh, người ta chẳng những viết con số năm nhưng thường thêm vào đó là hai chữ AD, viết tắt của tiếng La-tinh anno domini nghĩa là năm của Chúa chúng ta.


Dù là ai, thuộc tôn giáo nào, có niềm tin nào, mỗi khi sử dụng con số của một năm nào, tất cả đều dựa trên sự kiện Chúa Giê-xu giáng sinh. Chúa Giê-xu giáng sinh đã chia đôi dòng lịch sử nhân loại: thời kỳ trước Chúa và thời kỳ sau Chúa. Không phải từ nơi những nhà lãnh đạo tôn giáo hay những người tin Chúa, nhưng chính các bình luận gia và những người nhận định thời cuộc đều đồng ý rằng, Chúa Giê-xu thật sự là người đã ảnh hưởng trên dòng lịch sử của nhân loại nhiều hơn cả.


Một tác giả đã viết về Chúa Giê-xu như sau:

Người sinh ra trong một ngôi làng không ai biết đến, con của một người đàn bà nhà quê. Người lớn lên tại một ngôi làng tầm thường khác, làm người thợ mộc cho đến năm 30 tuổi. Rồi trong ba năm người là người giảng đạo lưu hành.

Người không có gia đình, không có một ngôi nhà để ở. Người chưa bao giờ bước chân đến một đô thị lớn, chưa bao giờ đi xa nơi sinh trưởng hơn 200 dặm. Người không hề viết một quyển sách, cũng không giữ một chức vụ gì. Người không làm một việc gì mà người ta cho là vĩ đại.

Sau đó người ta chống đối người. Bạn bè bỏ rơi người. Người bị đem xử trước tòa cách bất công. Người bị đóng đinh giữa hai tên trộm. Đang khi người hấp hối, những người xử tử người đánh bạc với nhau trên tài sản duy nhất mà người có là chiếc áo khoác ngoài. Lúc chết đi người được chôn trong một ngôi mộ mượn của người khác. 20 thế kỷ đã qua, người vẫn là khuôn mặt chính của dòng dõi nhân loại. Mọi quân đội viễn chinh, mọi hạm đội lướt sóng, mọi quốc hội đã ngồi xuống họp, mọi vị vua đã từng cai trị, chưa một ai đã ảnh hưởng trên đời sống của mọi người như con người đơn độc nầy.

Chúa Giê-xu là một con người đặc biệt vì Ngài là Con Đức Chúa Trời, nói đúng hơn, Ngài là Đức Chúa Trời trong thân xác con người. Chúa Giê-xu đã đến trần gian nầy chẳng những để cứu rỗi nhân loại nhưng cũng để đem nhân loại trở về với tình trạng nguyên thủy lúc con người mới được tạo dựng, đó là con người phản ánh hình ảnh của Thiên Chúa vì con người đã được tạo dựng trong hình ảnh của Thiên Chúa. Khổ đau và bất an của con người đến từ chỗ con người lìa bỏ Thiên Chúa và thiếu đi vinh quang của Chúa. Chúa Giê-xu có thể tạo ảnh hưởng rộng lớn trên đời sống con người vì Ngài giải quyết vấn đề tận gốc rễ. Đó là vấn đề tội lỗi, đó là sự phân cách giữa con người với Thiên Chúa. Chúa Giê-xu đã giáng sinh để bắc nhịp cầu giữa con người tội lỗi với Thiên Chúa công chính.

Chúa Giê-xu đã đến trần gian không phải để thiết lập một tôn giáo mới, thật ra tôn giáo không thể cứu con người vì tôn giáo là cố gắng của con người vươn lên Thiên Chúa. Chúa Giê-xu đến để làm một cuộc cách mạng, thay đổi con người tận gốc rễ và từ thay đổi đó, con người mới thật sự được thay đổi. Chúa Giê-xu chính là Phúc Âm và chúng tôi là những người loan báo Phúc Âm đó cho mọi người. Từ trước đến nay chúng ta đã nghe, đã biết và cũng đã thực hành nhiều điều liên quan đến tôn giáo và niềm tin. Điều quan trọng là những gì chúng ta nghe, biết và thực hành đó đã đưa chúng ta đến đâu. Chúa Giê-xu đã đến trần gian không phải để chỉ cho con người một con đường cứu rỗi nhưng chính Ngài là sự cứu rỗi. Chúa phán, "Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống, chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha" (Phúc Âm Giăng chương 14, câu 6).

Mối quan hệ với Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Trời, Đấng đã dựng nên chúng ta là điều quan trọng hơn cả. Khi mối quan hệ đó được thiết lập, mọi mối quan hệ khác mới có ý nghĩa. Đời sống bao gồm những mối quan hệ và chỉ khi nào mối quan hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa được tốt đẹp, những mối quan hệ khác mới tốt đẹp theo, nếu không cuộc đời sẽ mãi mãi ở trong vòng lẩn quẩn.

Chúng ta bước vào một năm mới với những tiến bộ vượt bực của con người về mọi mặt. Chỉ trong vòng một thế kỷ qua mà con người đã tiến bộ bằng cả bao nhiêu thế kỷ khác cộng lại. Nhưng trong tư tưởng và đường lối, con người xa Tạo Hóa hơn bao giờ hết. Con người tiến bộ cho nên nghĩ rằng mình có thể gạt bỏ Thiên Chúa sang một bên nhưng đây là một sai lầm vô cùng lớn lao vì chính khi gạt bỏ Thiên Chúa, con người đã đưa mình đến chỗ diệt vong.

Chúng ta được đặc ân sống trong thế kỷ tiến bộ của nhân loại tại một đất nước ta có tất cả mọi sự, nhưng tâm hồn, con người và đời sống của chúng ta như thế nào? Chúng ta có hơn gì những con người ở những thời đại khác và ở những vùng đất khác không. Hay khắc khoải, đau thương, đổ vỡ, vô nghĩa vẫn là vấn đề của đời sống? Thời đại nào cũng vậy và vùng đất nào cũng vậy, con người sẽ tiếp tục trống vắng cho đến khi nào con người trở về với Thiên Chúa yêu thương. Pascal, nhà toán học nổi tiếng của Pháp đã nói, "Trong tâm tư của con người có một khoảng trống mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể lấp đầy." Mỗi người chúng ta sống trong một tâm trạng khác nhau và chỉ khi nào chúng ta trở về với Thiên Chúa hằng sống, đời sống mới có ý nghĩa thật sự như lời Chúa Giê-xu đã phán: "Ta đã đến hầu cho chiên được sống và được sống sung mãn" (Phúc Âm Giăng chương 10, câu 10).

Năm mới đến nhưng Bạn có gì mới trong năm mới nầy không? Để làm nền tảng cho mọi sinh hoạt của con người trong Năm Mới, điều mà Bạn và tôi cần có là một niềm tin vững vàng nơi Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã tạo dựng và cứu chuộc chúng ta. Tạo vật mà không trở về với Tạo Hóa là một nghịch lý. Trước thềm của Năm Mới, tôi mời Bạn đặt vấn đề cho chính mình. Thời gian sẽ vẫn tiếp tục trôi và sẽ đến lúc cuộc đời của chúng ta cũng sẽ chấm dứt. Nhưng cuộc đời của chúng ta sẽ chấm dứt như thế nào? Bạn có tin vào cõi vĩnh hằng, cõi đời đời không? Dù không tin thì sâu kín trong đáy lòng Bạn cũng biết là có cõi vĩnh hằng đó. Đến một ngày, mỗi chúng ta sẽ phải đối diện với Đấng đã ban cho chúng ta sự sống, hơi thở, linh hồn và nhất là đã ban cho chúng ta dịp tiện để biết về Chúa và đáp ứng lại tình yêu Ngài dành cho chúng ta.

Phúc Âm là tin mừng, là tin vui Thiên Chúa dành cho Bạn hôm nay. Hãy mở rộng tâm hồn tiếp nhận, Bạn sẽ không phải ân hận khi đối diện với cõi đời đời. Hơn thế nữa, niềm tin nơi Thiên Chúa chính là hơi thở, là sự sống, là nền tảng giữ cho đời sống của Bạn hôm nay. Đời sống cá nhân, đời sống gia đình, đời sống với người chung quanh. Trong Năm Mới nầy, hãy trở nên một con người mới để sẵn sàng nghênh đón Thiên Chúa trở lại một ngày không xa. Đừng đợi đến lúc quá muộn.