Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Saturday, February 11, 2012

Nguồn gốc chữ Song Hỷ




Nhận các thiệp cưới, đôi khi có tấm thiệp viết một chữ Hán rất to. Đó là chữ Song Hỷ. Hai chữ Hỷ ghép bên nhau, thành một chữ Hỷ lớn. Hỷ có nghĩa là vui. Ngày cưới là ngày vui nhất của cô dâu chú rể. Hai niềm vui góp lại thành một. Ngày cưới cũng là ngày vui của cha mẹ, dòng tộc hai bên, bạn bè xa gần.

Song Hỷ xuất hiện từ đời nhà Tống (Trung Quốc) do một danh sĩ nổi tiếng sau trở thành tể tướng của vua Tống Thần Thân và Vương An Thạch đặt ra (ghép hai chữ hỷ lại) để nói về chuyện hai lần gặp may rất lớn lao của mình.
Vương An Thạch là người nước Lỗ cùng quê với Khổng Tử, học rất giỏi. Lần lên kinh đô cách quê chừng 200 dặm để dự thi, ông đi qua một vùng trù phú. Ở đó một nhà giàu tầm cỡ phú gia địch quốc, đang kén chồng cho con gái rất xinh đẹp. Phú ông là người có học nên kén rể bằng cách thách đố, y muốn tìm rễ giàu chữ làm hiền sĩ chứ không phải lắm của nhiều tiền. Nhân trong nhà có bộ đèn kéo quân lớn đẹp. Ông viết vế đối: Mã Tẩu đăng, đăng tẩu mã, đăng tức, mã đình bộ. Nghĩa là: Ngựa chạy theo đèn, đèn chạy theo ngựa, đèn tắt, ngựa dừng chân.

Vương An Thạch nghĩ mãi không đối được, tiếp tục lên kinh thi. Vào thi, ông trúng tuyển thám hoa. Khoa ấy không lấy trạng nguyên, bảng nhãn, nên ông được coi là đỗ thủ khoa. Nhà vua cho vời ông vào triều để biết mặt và thử tài thêm. Thấy ở sân rồng có một lá cờ lớn, trên có thêu một con hổ bay. Nhà vua ra cho ông một vế đối: Hổ phi kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển, hổ ẩn. Nghĩa là: Hổ bay theo cờ, cờ bay theo hổ, cờ cuốn, hổ ẩn mình. Nghe xong, Vương An Thạch nghĩ ngay đến vế của phú ông thấy đối rất chỉnh, bèn viết và dâng lên vua.

Vua thấy quan tân khoa ứng đối nhanh, vế đối rất chỉnh, chữ lại đẹp nên rất vui, khen và ban thưởng hậu cho ông.
Trên đường vinh qui bái tổ, qua nhà phú ông. Vương An Thạch xin vào ra mắt trình ra vế đối của nhà vua khi trước, đối lại.
Phú ông phục tài, gả con gái yêu cho quan tân khoa. Như vậy là Vương An Thạch vừa thi đỗ cao, lại vừa lấy được vợ đẹp. Chàng rể mới viết lại chử hỷ thành chữ Song Hỷ rất to trình lên nhạc gia và gửi về gia đình mỗi nhà một bản. Thông báo lại hai việc quá may mắn, tốt lành là đại đăng khoa (thi đỗ) và tiểu đăng khoa (lấy vợ).
Chữ Song Hỷ được dùng từ thuở ấy.

Hiện tại ở Việt Nam, các đám cưới thường được trang trí, dùng chữ Song Hỷ.

Câu chuyện Tình Bất Hủ

Lịch sử Trung Quốc luôn cung cấp những chuyện tình diễm lệ, được nhiều người dân ưa thích. Có những mối tình ngang trái sống mãi trong lòng dân chúng vì tình tiết éo le của nó.
Nhưng chuyện tình "hiện đại" của một cặp tình nhân sau đây sẽ làm sững sốt nhiều người, vì tình tiết ly kỳ của nó và tính "ngoại hạng" đáng được người đời suy ngẫm.
Năm lên 19 tuổi, chàng trai Liu Guojiang bị tiếng sét ái tình. Không phải là một thiếu nữ mơn mởn, mà là một thiếu phụ đã có chồng và có con, 29 tuổi, lớn hơn chàng trai đúng 10 tuổi. Tình yêu càng lớn khi người chồng của nàng qua đời.

Tên của người trong mộng là Xu Chaoqin. Chuyện tình xảy ra cách đây hơn 50 năm. Y hệt như Romeo và Juliet, bạn bè và người thân chỉ trích họ tưng bừng. Không những tuổi tác chênh lệch mà Xu đã từng có gia đình và còn có con nữa.
Xã hội Trung Hoa lúc đó rất khó khăn. Để tránh lời ra tiếng vào của mọi người, đôi uyên ương quyết định bỏ trốn vào rừng sâu và sống trong một hang động ở quận hạt Jiangjin, phía nam ChonQing. Cuộc sống hết sức gian khổ cho cặp tình nhân lúc đầu vì họ không có gì cả, không nhà, điện hay thực phẩm. Họ phải ăn cỏ và rễ cây tìm thấy trong rừng sâu.
Liu tìm cách chế một cái đèn kerosene thắp ban đêm trong hang. Xu có cảm giác đã làm hại Liu và nhiều lần nàng hỏi: "Anh có ân hận không?". Lần nào Liu cũng trả lời: "Nếu chúng ta siêng năng, cuộc sống sẽ dần dần đỡ hơn".

Bắt đầu từ năm thứ nhì và liên tiếp sau đó trong 50 năm, Liu hì hục dùng tay không đắp các bậc thang dẫn lên hang động để người yêu đi đứng cho dễ dàng, mỗi lần nàng xuống núi.
Khoảng vào năm 2001, một nhóm du khảo trong rừng sâu rất đỗi ngạc nhiên khi khám phá ra cặp tình nhân, giờ đây đã có 7 người con. Liu Mingsheng, một trong số người con, nói: "Cha mẹ chúng tôi yêu thương nhau dữ lắm, họ sống trong rừng sâu núi thẳm trong hơn 50 năm và chưa bao giờ rời nhau một ngày. Cha tôi đã khắc 6,000 bực thang trong ngần ấy thời gian cho mẹ tôi đi cho dễ, nhưng bà ít khi xuống núi lắm."

Cho đến tuần trước, Liu, giờ đây đã là cụ ông 79 tuổi, khi đi làm rẫy về, trợt chân ngã. Ông qua đời trong vòng tay yêu thương của người vợ tóc sương. Ông yêu vợ nhiều đến nỗi sau khi đã tắt hơi rồi mà mãi thật lâu người ta mới thấy nắm tay ông nắm chặt tay vợ từ từ nời lỏng ra. Những lời than khóc của bà Xu làm mũi lòng nhiều người: "Anh hứa sẽ chăm sóc em, anh hứa sẽ ở mãi bên cạnh em, cho đến khi em lìa đời. Bây giờ anh bỏ đi trước, làm sao em có thể sống hết quãng đời còn lại cô đơn không có anh.."
Suốt nhiều ngày, bà lão Xu cứ lảm nhảm những câu đau lòng đó và cứ vịn tay vào quan tài chồng khóc mãi...

Năm 2006, câu chuyện tình của họ là một trong 10 chuyện tình lâm ly nhất của Trung Quốc, do báo chí bình chọn. Cái hay mà chính quyền địa phương làm được là duy trì cái thang và 6,000 bực thang làm bằng tay của ông Liu, như một nhà bảo tàng. Chuyện tình đó xứng đáng được hậu thế nhớ mãi, nhờ tấm lòng chung thủy và yêu thương kỳ lạ của một người đàn ông Trung Hoa...
Chúng ta từng nghe chuyện, ca khúc Một Túp Lều Tranh Hai Quả Tim Vàng, và cảm phục cho những cuộc tình phi vật chất. Và câu chuyện này còn làm cho chúng ta cảm phục bội phần hơn, vì chúng ta thấy và chiêm ngưỡng hai quả tim kim cương, trong một hang đá ở thâm sơn cùng cốc...
Giữa thế giới tình yêu trong vật chất, câu chuyện trên nghe sao giống như chuyện tình huyền thoại... (Hồng Quang).