Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Tuesday, August 28, 2012

Hôn Nhân Bền Lâu - Bài 7


Nhiều người trong chúng ta rất thích làm vườn, nhất là thích trồng hoa. Mỗi khi bắt đầu sang mùa xuân, thời tiết bớt lạnh là chúng ta đi mua hoa về trồng. Nếu muốn có một vườn hoa đẹp, dĩ nhiên chúng ta phải chăm sóc thường xuyên, phải tưới nước, bón phân, nhổ cỏ, v.v... Có người nói rằng hôn nhân cũng như một cái vườn hoa, chúng ta phải để nhiều thì giờ chăm sóc thì mới có những nụ hoa đẹp. Ngược lại, nếu chúng ta cứ bỏ mặc cho ngày tháng và cho mưa nắng bốn mùa thì chẳng bao lâu cỏ dại và gai gốc sẽ mọc đầy. Lúc đó chúng ta không còn tìm được những nụ hoa xinh đẹp nữa.
Sự so sánh này thật đúng. Chúng ta được Thiên Chúa ban cho tình yêu và hôn nhân. Hôn nhân đó cũng như một cái vườn hoa. Tuy nhiên, vườn hoa của chúng ta sẽ nở những nụ hoa xinh đẹp hay không là tùy ở chúng ta. Thường thường, lúc đầu chúng ta chăm sóc đời sống hôn nhân của mình khá kỹ lưỡng. Nhưng điều đáng tiếc là dần dần vì bận rộn với công việc hằng ngày, với những lo lắng trong đời sống, chúng ta không chăm sóc vườn hoa đó nữa, và cuối cùng cái “vườn hoa hôn nhân” của chúng ta chỉ còn đầy cỏ dại mà thôi.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường rất bận rộn với những nhu cầu vật chất. Chúng ta lo mua cái này, sắm cái kia để thỏa đáp cho một nhu cầu hầu như là vô tận. Sắm sửa rồi, chúng ta phải đi làm vất vả để trả những món nợ gây ra vì những sắm sửa đó. Cuối cùng, nhu cầu vật chất chiếm hết thì giờ và tâm trí chúng ta, khiến chúng ta không còn thì giờ chăm sóc đời sống gia đình và tình cảm vợ chồng nữa. Đây là con đường nguy hiểm nhiều người đang lao vào mà không biết. Xin Chúa thức tỉnh chúng ta để chúng ta sớm dừng lại và đổi hướng, hầu cứu vãn hạnh phúc gia đình.
Để có một hôn nhân hạnh phúc, chúng ta cần gây dựng hôn nhân đó trên một nền tảng vững chắc. Nền tảng đó không chỉ có những viên đá: yêu thương, tin cậy, chân thật, hy sinh, cam kết và quý trọng, nhưng cũng cần có lòng tha thứ nữa. Những “viên đá” này cả vợ lẫn chồng đều cần tìm kiếm, trau giồi và đem góp vào cuộc sống chung thì tòa nhà hôn nhân mới có thể đứng vững vàng.

Trong cuộc sống chung, vợ chồng không thể nào tránh được những lời nói hay hành động làm buồn lòng nhau. Có khi là cố ý nhưng thường chỉ là vô ý hay vô tình mà thôi. Vì thế chúng ta cần sống với nhau trong tinh thần tha thứ, sẵn sàng bỏ qua lỗi lầm của nhau. Có như thế không khí trong gia đình mới vui vẻ và nhẹ nhàng. Nhiều khi vợ chồng giận nhau vì những chuyện nhỏ nhặt, không đáng; nhưng khi giận chúng ta thường nói ra những lời không đẹp. Nếu chúng ta cứ ghi nhớ những lầm lỗi đó và không tha thứ cho nhau, chuyện nhỏ sẽ thành chuyện lớn. Và nếu tiếp tục không tha thứ nhau, những chuyện đó sẽ đưa đến những bất hòa lớn hơn, và có thể đưa đến những đổ vỡ không sao hàn gắn lại được.
Thánh Kinh ghi lại rằng một ngày kia, sứ đồ Phi-e-rơ hỏi Chúa Cứu Thế: “Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng?” Ngài đáp rằng: Ta không nói cùng ngươi rằng đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy” (Ma-thi-ơ 18:21-22). Chúng ta thường nói “sự bất quá tam”, nghĩa là điều gì cũng chỉ ba lần là quá rồi, không thể hơn nữa. Ví dụ, nếu ai nhờ vả hoặc làm phiền chúng ta thì chỉ đến ba lần là phải chấm dứt. Về sự tha thứ cũng vậy, nếu chúng ta tha thứ cho ai ba lần là quá lắm rồi.
Khi sứ đồ Phi-e-rơ hỏi Chúa: “Thưa Chúa, con phải tha thứ cho anh em con đến bảy lần phải không?” Có lẽ ông nghĩ như thế là quá tốt và rất là đáng khen. Nhưng Chúa cho biết chúng ta phải tha thứ nhau đến bảy mươi lần bảy. Nếu làm toán nhân thì con số đó là 490. Ai có thể tha thứ cho một người đến 490 lần! Khi trả lời như thế, Chúa không có ý rằng chúng ta phải ghi sổ xem đã tha thứ bao nhiêu lần và tính cho đến lần thứ 490 thì thôi. Nhưng Chúa hàm ý rằng chúng ta phải sống với nhau trong tinh thần tha thứ và luôn luôn sẵn sàng tha thứ cho nhau.
Có lẽ chúng ta nghĩ: Tha thứ mãi như thế thì làm sao sống nổi, mình sẽ bị lợi dụng và thiệt thòi suốt đời thôi! Nhất là nếu không may gặp phải ông chồng hay bà vợ không biết điều! Tuy nhiên, theo Lời Kinh Thánh dạy, Chúa không bao giờ để chúng ta phải chịu đựng điều gì quá sức mình. Sứ đồ Phao-lô cho biết:
Những sự cám dỗ (thử thách) đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ (thử thách) quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đường cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được (I Cô-rinh-tô 10:13)
Khi chúng ta sẵn sàng tha thứ cho vợ hay chồng mình, Chúa sẽ làm việc trong lòng người đó, khiến người đó được cảm hóa, tự nhận biết lỗi lầm và sửa đổi. Trái lại, nếu vợ chồng không tha thứ cho nhau, những buồn phiền nhỏ nhặt sẽ chồng chất lại, khiến đời sống mất vui, không khí gia đình trở nên nặng nề, căng thẳng. Bình thường, đời sống đã có quá nhiều lo lắng, khiến tinh thần chúng ta lúc nào cũng căng thẳng. Căng thẳng ở sở, ở trường, trong mối quan hệ với người chung quanh. Nếu khi về với gia đình, chúng ta không dễ dãi và không tha thứ cho nhau, sự căng thẳng đó sẽ gia tăng và có thể khiến chúng ta buồn lo mà sinh ra đau ốm.
Có biết bao nhiêu gia đình, vì vợ chồng không tha thứ cho nhau mà phải tan vỡ hoặc phải sống trong buồn phiền suốt đời. Khi vợ chồng không tha thứ nhưng cứ nhắc lại lỗi lầm của nhau, sẽ làm khổ nhau mãi. Dần dần, giữa hai người sẽ có một bức tường vô hình, khiến hai người không thể xích lại gần nhau và yêu thương nhau như lúc ban đầu nữa.
Có hai vợ chồng kia, ngay trong tháng đầu tiên chung sống bà vợ lỡ nói một câu phê bình về cách ăn uống của chồng, khiến ông chồng bị chạm tự ái nên giận lắm. Khi bà vợ biết điều đó thì hối hận và xin lỗi, nhưng ông chồng không tha thứ hoàn toàn. Cứ lâu lâu, nhất là khi bà vợ làm một lỗi lầm tương tự là ông nhắc lại lời nói của vợ, khiến người vợ buồn và từ đó đâm ra dè dặt với chồng. Đây thật là điều đáng tiếc.
Tha thứ nghĩa là gì? Để định nghĩa tha thứ, có lẽ chúng ta nên nói đến những điều không hẳn là tha thứ mà nhiều người vẫn nghĩ đó là tha thứ. Ông Norman Wright là một giáo sư Tin Lành, chuyên về những vấn đề trong đời sống gia đình. Trong quyển sách tựa đề The Pillars of Marriage ông chia sẻ những điều sau đây.
Tha thứ không phải là cố gắng quên những điều đau buồn người khác đã gây ra cho mình
Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một bộ óc rất là đặc biệt. Khi một điều gì xảy ra, nhất là những điều làm chúng ta đau buồn, trí óc chúng ta sẽ ghi nhớ, nhớ lâu và nhớ rõ. Vì thế chúng ta không thể nói rằng mình thật sự quên những điều đã xảy ra.
Tuy nhiên, chúng ta có thể nhớ chuyện cũ với một trong hai thái độ khác nhau. Thái độ thứ nhất là mỗi lần nhớ chuyện cũ, chúng ta lại cảm thấy đau đớn và tiếp tục buồn giận người đã gây tổn thương cho ta. Thái độ thứ hai là dù còn nhớ những chuyện đau buồn xảy ra trong quá khứ, nhưng điều đó không còn ảnh hưởng gì đối với chúng ta nữa. Và đó chính là tha thứ. Ví dụ, chúng ta vẫn còn nhớ một lần nào đó mình bị người phối ngẫu nói vu hoặc chê trách nặng lời, nhưng vì đã tha thứ cho người ấy rồi nên tuy còn nhớ, chúng ta không buồn giận nữa. Có lẽ một số quý vị vẫn còn nhớ những điều không hay, không đẹp mà người phối ngẫu đã có lần nói hay làm, cũng nhớ phản ứng của mình lúc đó, nhưng vì đã tha thứ rồi, chúng ta không còn buồn hay giận nữa.
Tha thứ không phải là kể như điều đó đã không bao giờ xảy ra
Có người bị vợ hay chồng làm cho đau buồn, nhưng cố gắng chịu đựng và tự nhủ rằng hãy kể như chuyện đó không bao giờ xảy ra. Đây cũng không phải là tha thứ. Có một ông chồng kia gian díu với một người đàn bà làm chung sở. Khi vợ biết được, ông năn nỉ vợ, bảo bà hãy tha thứ cho ông và xem như chuyện đó đã không xảy ra. Đây là điều không ai có thể làm được, và cũng không phải là tha thứ.
Khi một việc vui hay buồn xảy ra, chúng ta không thể kể như việc đó đã không bao giờ có, vì chính trong lòng chúng ta biết điều đó đã thật sự xảy ra. Chúng ta không thể lừa dối lòng mình. Nếu khi một người có lỗi với chúng ta, người đó không ăn năn, xin lỗi mà chúng ta tự nhủ: “Thôi mình bỏ qua đi, kể như chuyện đó không có!” Đó chưa phải là tha thứ. Hơn nữa, nếu không dám đối diện với sự thật và không giải quyết vấn đề nhưng làm ngơ hay che lấp nó đi, chúng ta có thể cho người kia cơ hội để lầm lỗi nữa (còn tiếp).
Minh Nguyên