Anh kia có tật lo lắng rất thái quá, dần
dần thành bệnh. Chuyện gì không đáng cũng cứ lo. Ngày nọ cưới vợ, anh mừng
nhưng lo, không biết vợ có thai được chăng? Lo đến mất ăn mất ngủ. Năm sau, vợ
mang thai, anh lại lo hơn, không biết vợ có sanh được chăng? Lại một phen mất
ngủ. Rủi thay, vợ anh chuyển bụng lúc mới hơn tám tháng, đứa bé sanh non cân
nặng 1, 9 Kg. Anh lo lắng quá, sợ không nuôi được đứa bé. Gặp ai anh cũng hỏi:
“Sanh thiếu tháng như thế, liệu có nuôi được không?” Và dù ai cũng trấn an,
nhưng anh chẳng an tâm chút nào. Tình cờ gặp người bạn cũ, anh đem chuyện ra
hỏi. Người bạn biết tánh anh hay lo, vừa an ủi vừa dẫn chứng để anh yên lòng: -
“Có gì đâu mà lo với lắng! Bà nội tôi sanh ra cha tôi cũng là sanh non, mới hơn
bảy tháng đã sanh rồi!” Anh chàng lo lắng kia vội hỏi dồn một cách nghiêm trang
rằng: - “Thế à! Rồi có nuôi được đứa nhỏ không?” !!!
Nhiều người vì quá lo lắng mà
đời sống chỉ là một chuỗi ngày dài thiếu mất niềm vui. Như ai đó đã nói: “Lo
lắng là tiền lời trả trước khi nó đến hạn.” Thực chất sự lo lắng chẳng mang lại
ích lợi gì. Người ta nghiên cứu rằng, có đến quá nửa những điều chúng ta lo
lắng đã không trở thành sự thật. Chúa Jêsus đã từng nói: “Ấy vậy, các ngươi chớ
lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? Uống gì? Mặc gì? … Cha các ngươi ở trên
trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi.” Ma-thi-ơ 6:31, 32.
Sự lo lắng làm lu mờ tấm lòng tin cậy. Nó khiến chúng ta chăm chú vào những rắc
rối mà quên đi lời hứa của Đức Chúa Trời. Sự lo lắng làm suy giảm niềm tin,
cướp mất của chúng ta những kinh nghiệm quí báu mà chỉ có đời sống bằng đức tin
mới có thể mang lại. Trong đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên đã lo lắng về thức ăn, về
nước uống, lo lắng về kẻ thù, về con đường xa xôi phía trước. Những bài học của
họ chúng ta đã biết. Hãy xem sự cuối cùng của những người quá lo lắng và mất
niềm tin, sanh ra lằm bằm và phản loạn, họ phải nằm lại trong đồng vắng.
“Lại hãy
trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em.” I Phi-e-rơ
5:7.