Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Wednesday, November 7, 2012

Từ Ma Thuật Đến Christ -1



 Đời sống ấu thơ

Tôi chào đời vào một buổi mai cuối thu, tháng 09 năm 1939, tại phía Đông thành phố Luân-đôn, nước Anh, ấy cũng là năm bắt đầu cuộc Đệ Nhị Thế Chiến.
Gia đình tôi sống trong một căn nhà èo ọp. Phòng ăn kê một cái bàn gỗ sơ sài với khăn trải bàn là những tờ báo cũ đầy tin tức chiến tranh. Thường ít khi chúng tôi được ăn trên bàn mà ngồi xếp bằng trên nền nhà. Mẹ tôi chia cho chị em chúng tôi những thức ăn đơn sơ mà bà kiếm được, hầu hết chỉ là bánh mì với mỡ nước. Tôi thắc mắc: “Tại sao chúng ta không có những thức ăn ngon, hở Mẹ?”. Mẹ bảo: “Mẹ cho gì ăn nấy, đừng phàn nàn chi cả”. Tôi thêm: “Mẹ ơi, Mẹ có cần tiền mua thức ăn không Mẹ, để Mẹ mua thịt, mua cá, mua bánh...” _ “Ừ, thì Mẹ cần, nhưng chúng ta không thể có được con à. Hãy bằng lòng với những gì con có đi, đừng đòi cái không có được”. Tôi không thể bằng lòng vì tôi đang thèm khát những thứ đó cơ mà. Sự ao ước trong tôi cứ tăng dần và một ngày nọ tôi quyết lòng tìm hiểu thêm.


Một buổi mai mùa xuân ấm áp, cây cối, hoa cỏ mơn mởn trông dễ thương, tôi quyết định trèo lên một nhánh cây cao. Bên kia bức tường là thế giới của những nhà giàu. Tôi, đứa con gái nhỏ bên này nhướng mắt lên, há hốc miệng, cố sức nhìn trộm vào nhà người khác qua ô cửa sổ trống. Ồ! Người ta đang sống trong một thế giới khác! Đồ đạc của họ bóng như gương. Tôi nghĩ: “Cuộc đời sẽ như thế nào nếu được sống trong một căn nhà như thế nhỉ?”. Tôi nhớ rõ nhỏ bạn của tôi, nhà ở một góc đường đằng kia, nó có riêng một cái giường trải “ra” trắng. Chẳng bì với cái giường của tôi, không phải là cái giường mà là một tấm bố nhớp nhúa trải trên nền nhà. Chỉ có một cái giường duy nhất dành cho Ba với Mẹ thôi.


Tôi là chị cả của bốn đứa em gái. Tôi phải trông nhà và giữ em trong những lúc Mẹ tôi đi vắng (dù tôi còn rất nhỏ dại). Ba tôi bị mất việc làm vì ông say sưa hoài, Mẹ tôi buồn rầu nên gầy đi. Bà thường ra đường tìm Ba tôi khi chiều tà. Mẹ tôi đổ lỗi cho chiến tranh nên Ba tôi sinh tật uống rượu. Với một cảm quan nhanh nhẹn và bén nhạy, tôi làm tròn nhiệm vụ của mình cách dễ dàng. Các em tôi yêu mến tôi, không cần ai nhắc nhở hết, tôi tự trông nom chúng. Các bà hàng xóm cũng thường nhờ tôi trông hộ con của họ. Những đức nhỏ hơn tôi, chúng thường nhìn tôi cách mến phục. Ba tôi có mấy con gà, nhưng chẳng bao giờ chúng tôi được ăn lấy một cái trứng. Ông thường đem bán để uống bia. Tôi thường nghĩ “Chỉ có Ba với bia của Ba thôi!”.


Tôi thường dẫn lũ trẻ trong xóm đi chơi đây đó. Vì chúng, tôi thường dùng đủ mọi mưu kế để có kẹo cho chúng ăn, có đồ chơi cho chúng chơi. Bằng cách này hay cách khác, tôi tìm được vài chục bạc, thường là xin khách đi đường. Tôi dẫn lũ nhỏ vào tiệm bán kẹo. Trong lúc tôi lăng xăng mặc cả với chủ tiệm, thì đàng kia, lũ nhỏ tự do lấy những gì chúng thiếu. Chúng tôi rất lẹ làng và khôn khéo, cũng có lần chúng tôi suýt bị bắt. Khi biết được hành động của tôi, Mẹ tôi giận lắm, nhưng thật ra nỗi buồn của bà quá lớn, thì giờ đâu bà nghĩ đến chuyện dạy dỗ con! Ở đời có nhiều điều đáng lưu ý hơn là đạo đức và Thượng Đế _Thượng Đế, đó chỉ là một trong những lời nguyền rủa của tôi. Trong gia đình, Ba tôi mỗi ngày một tệ hơn. Ông thường nổi giận một cách đáng sợ. Tôi thường thấy những vết bầm, những vết dao cắt trên môi, trên má Mẹ tôi. Có lần tôi chạy ra ngoài vườn nức nở: “Ôi, lạy Chúa, lạy Chúa, xin đừng cho những điều này xảy ra trong gia đình con nữa!”. Rồi cái gì sẽ xảy ra nếu tình trạng cứ kéo dài mãi. Tôi thường cố xua đuổi những hình ảnh này đi. Có lẽ mọi sự rồi sẽ ổn, có lẽ nó sẽ thay đổi vào ngày mai!


Đi Câu Cá

Mặc dầu Ba tôi say sưa cả ngày, tôi vẫn yêu ông ta với tất cả tấm lòng. Tôi thường ước ao phải chi Ba tôi bớt nhậu nhẹt đi để Mẹ được vui hơn. Mỗi một đồng ông kiếm được đều để dành cho rượu. Ông bán cả chiếc áo để nhậu, tuy nhiên, cũng có những lúc ông không say, đó là những thì giờ vàng ngọc cho tôi.
Vào một buổi sáng thứ bảy mùa thu khi trường nghỉ dạy, tôi thấy Ba vui vẻ hơn mọi ngày. Thình lình ông gọi lớn: 
_“Đo-rinh (Doreen), con dậy chưa”. 
_Vâng, thưa ba, con dậy rồi. 
_“Con muốn đi câu cá với Ba sáng nay không?”. 
Ồ, tôi luýnh quýnh mặc quần áo. Tai tôi lùng bùng tưởng mình nghe nhầm, nhưng chẳng bao lâu hai cha con sung sướng cắp tay nhau ra sông. Ba thật là một tay bắt cá giỏi. Ba bắt đầu dạy tôi cách bắt cá thế nào, tôi lắng tai nghe mặc dầu không hiểu hết. Nhưng điều ấy đâu quan trọng gì, miễn là tôi được ở gần Ba, một mình với Ba, không có tụi nhỏ khuấy rối. Bầu trời buổi mai trong như không một gợn mây, những tia nắng ấm áp hơn mọi ngày, không khí thơm lành, gió hiu hiu như hôn vào hai má tôi, luồn vào từng kẽ tóc tôi, tôi thấy cuộc đời đáng sống hơn bao giờ hết.... Cây cối xanh đẹp lạ lùng, bờ sông êm ái, dòng nước chảy lờ đờ cách bình thản, tất cả những ưu phiền trong quá khứ như tan biến hết theo ánh nắng vàng dịu, ngoài trừ tiếng chim hót đâu đó. Không ai có thể tin rằng ấy thế mà chiến tranh đang tiếp diễn. Mọi vật rất bình lặng như chỉ có hai cha con chúng tôi trên thế gian này. “Có lẽ Ba không đi uống rượu nữa... có lẽ Ba sẽ dẫn mình đi câu cá như hôm nay thay vì ra ngồi quán rượu”. Những ý nghĩ này cứ đầy ắp trí non dại của tôi. _“Đã đến giờ về rồi đó con”, Ba nói. Thời gian đi thật là nhanh. Khi về đến nhà, Ba bỏ những con cá mới bắt vào lu trong buồng tắm, cái buồng tắm chẳng bao giờ được dùng đúng vào việc chính của nó. Có lần, Ba bắt được một mớ lươn, tôi và mấy đứa em nhìn chúng một cách kinh sợ. Tôi còn nhớ cả mấy chị em chúng tôi cùng đứng trên một cái thùng gỗ chọc phá những con lươn với cái cây sào dài qua cửa sổ, vì Ba luôn đóng cửa chính lại.


Có lúc tôi không còn thấy yêu Ba tôi nữa vì những nỗi nhọc nhằn mà ông đã gán trên đầu Mẹ con chúng tôi, nhưng cũng có lần tôi muốn làm một cái gì đó cho Ba tôi như đánh đôi giày cho ông, những mong lúc trở về ông sẽ đỡ tôi ngồi trên đùi ông và nói với tôi những lời âu yếm như “Ba rất thương con”. Nhưng tôi chẳng bao giờ được nghe những lời mà tôi ao ước được nghe như thế. Ước gì có một người nào đó thật sự thương yêu tôi. Cuộc sống cứ mỗi ngày một tệ hơn. Nhiều đêm tôi kinh hoàng ôm mấy đứa em khi tiếng đại bác trên đồi khạc đạn trong lúc Mẹ vẫn còn lang thang tìm Ba ngoài đường. Tôi bắt đầu suy nghĩ: “Mẹ mình nói đúng, tại chiến tranh nên Ba mình uống rượu như thế đó”. Mấy đứa em kinh khiếp khóc la, tôi cố gắng xoa dịu chúng: “Không sao đâu, đừng sợ, đã có chị lo cho”. Chẳng bao lâu chúng say sưa trong giấc ngủ. Những giọt nước mắt bắt đầu lăn trên má tôi. Tôi cảm thấy cô đơn, bơ vơ, lạc lõng khi nhìn ra bầu trời đen kịt, từ trong căn phòng trống hoang, tôi đứng dậy nhìn qua cửa sổ, nhìn xuống đường, hy vọng thấy Ba Mẹ trở về nhà. Đôi khi tôi đứng đó cả hằng giờ rồi cố gắng cầu nguyện: “Ôi, lạy Chúa, xin Chúa giúp con, giúp các em con, con biết rằng con đã làm nhiều điều sai, nhưng con sẽ cố gắng sửa lại. Ôi, lạy Chúa, xin giúp cho Mẹ, cho Ba và tất cả mọi người.”. Sau khi cầu nguyện, tôi chẳng thấy có gì tốt đẹp hơn, vì thế cuối cùng tôi quyết định rằng không có Thượng Đế và sẽ không bao giờ cầu nguyện nữa. 


Năm chị em chúng tôi đi đến lớp Trường Chúa nhật mỗi tuần, nhưng chỉ là để tránh cái không khí ngột ngạt, khó thở ở trong gia đình. Mỗi chiều Chúa nhật, Ba tôi thường trở về nhà với những cơn giận dữ dọa nạt, vì thế chúng tôi rất vui khi được thoát khỏi tay ông. Nhiều lần tôi bị đuổi khỏi Trường Chúa nhật vì những chuyện nghịch ngợm của tôi. Tôi hát trại lời của Thánh ca đi, tôi thường cãi lộn, ném đá vào lớp học, đôi lúc có người rượt đuổi tôi, nhưng chẳng bao giờ họ bắt được tôi, vì tôi thật quá lẹ làng so với họ. Dầu vậy, cô giáo Trường Chúa nhật quá kiên nhẫn với tôi. Cô thường để ý đến tôi,. Đã bao nhiêu lần tôi thường nghịch ngợm phá phách, nhưng cửa Trường Chúa nhật vẫn mở rộng để tiếp đón tôi, có lẽ cô giáo lớp Trường Chúa nhật nghĩ rằng những lời cô ấy nói với tôi như nước đổ đầu vịt, nhưng thật ra thì không phải thế. Sau này tôi còn nhớ rất rõ những lời cô ấy nói, có những bản Thánh ca mà tôi không tài nào hát được như: “Có một Thành phố tuyệt đẹp, nhưng những kẻ nào có tội thì không được vào đó ”. Người có tội thì không được vào thiên đàng, tôi có tội vì tôi thường ăn cắp. Tôi dẹp những ý nghĩ về thiên đàng qua một bên, nhưng tôi vẫn thường đi Trường Chúa nhật để được uống nước chanh, ăn bánh và trái cây sau những lần nhóm Thờ phượng Chúa. Những buổi nhóm ngoài trời thì rất quan trọng cho chị em chúng tôi. Luôn luôn chị em chúng tôi đến sớm nhất, đôi khi đợi cả hằng giờ cửa mới bắt đầu mở.


Một ngày kia, cô giáo Trường Chúa nhật hỏi tôi có muốn đi cắm trại không? Muốn đi không à? Ồ! Tôi chẳng bao giờ được nghe nói như thế. Tôi chạy về nhà xin Mẹ. Mẹ bằng lòng. Tôi nóng lòng đợi đến ngày đi cắm trại. Trước ngày cắm trại một tuần, cô giáo gọi riêng tôi ra và cho tôi một số vật dụng cần thiết như: xà-phòng, khăn lông, lượt chảy đầu, kem, bàn chảy đánh răng, đôi vớ và một bộ áo ngủ. Tôi bàng hoàng xúc động nhìn những vật dụng này. Cô nói: “Đừng nói cho ai biết cô đã cho em những vật này nhé!”. Tôi cứ tưởng như mình nằm mơ.


Rồi ngày trọng đại cũng đến. Tôi thức dậy cùng lúc với con chim sơn ca. Hôm đó là thứ bảy nhưng dường như khác với những ngày thứ bảy trước đó. Tôi là trại viên đi sớm nhất, vì phải đợi một giờ sau xe mới đến. Chúng tôi bước lên một xe rất lớn. Tất cả đám con nít trong xóm, kể cả mấy đứa em tôi ra đứng vẫy tay tiễn tôi đi. Tôi lấy làm hãnh diện với chúng lắm. Địa điểm cắm trại dù không cách xa Ớt-xơ-bơ-rít (Uxbridge) là bao, nhưng đối với tôi là kẻ mới biết đi xe buýt lần đầu tiên thì kể như xa hàng vạn dặm. 

Tôi chẳng bao giờ quên được những ngày thần tiên nơi trại. Ban ngày chúng tôi được đi vô rừng leo trèo hái hoa. Buổi tối, chúng tôi ngồi quanh đống lửa trại, ca những điệp khúc..., kịch, trò chơi. Vâng, mọi sự đối với tôi đều tuyệt vời cả. Tim tôi luôn luôn rộn rã, những việc làm là những trò giải trí thích thú. Hơn nữa, được nằm ngủ trong bộ quần áo mới, dưới tấm lều sạch sẽ, cái mền thơm tho, tất cả đối với tôi quả thật tuyệt diệu. Những bữa ăn thì thật ngon và thật đầy đủ, lại còn biết đánh răng mỗi buổi, rửa tay với xà phòng thơm. Lau mặt bằng chiếc khăn mới. Chúng tôi được dẫn đi nhà thờ trong ngày Chúa nhật. Tôi còn nhớ hôm đó vị mục sư đã giảng về Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên cây thập tự, rồi ông khóc. Điều này làm cho tôi cảm thấy mình tội lỗi, tôi hối hận về những lỗi lầm đã qua. Tôi chẳng muốn chấm dứt cuộc cắm trại tí nào, nhưng rồi bảy ngày cắm trại cũng chấm dứt. Tất cả trại sinh dọn dẹp đồ đạc lên xe trở về nhà. Tôi buồn lắm. Chẳng bao lâu chúng tôi về đến Ớt-xơ-bơ-rít (Uxbridge). Vừa thấy tụi nhỏ đứng đón bên dưới, tôi nhảy ra khỏi xe, chạy lại với chúng.


Mẹ Tô


Sau cuộc cắm trại đầy thú vị, tôi lại đương đầu với những chuỗi ngày đầy cay đắng như trước. Sự cãi vả, la lối trong gia đình đi đến mức không còn chịu đựng được nữa. Tôi tự hỏi bao giờ thì tình trạng này sẽ chấm dứt? Cái gì sẽ xảy ra cho Ba tôi, Mẹ tôi, tôi và các em tôi? Chính những ý nghĩ này đã làm cho tôi không thể làm một học sinh ngoan ở trường được. Cô giáo, người chẳng bao giờ hiểu được nan đề của tôi. Cô thường đuổi tôi ra khỏi lớp học. Trường học như là một cơn ác mộng cho tôi, tôi thường đi học trễ mặc dù hết sức cố gắng. Mọi sự thì thật dễ dàng cho họ, họ cứ ngồi đó rồi bảo mình ra về! Hay có lẽ tại áo quần của mình? Tôi bắt đầu hiểu được sự khác biệt của tôi đối với các đứa trẻ khác. Tóc tôi ít khi được chải. Có lần cô y tá ở trường đuổi tôi về vì đầu tôi đầy chí. Tôi ghét cô ấy lắm. “Không công bình tí nào cả, tại sao họ cứ dằn vặt mình và mấy đứa em mình? Tại sao cô giáo không binh vực mình?”. Tôi thường là đề tài cho tụi con trai, con gái trong trường chế giễu. Tôi vốn có tình cảm bén nhạy, vì vậy, những điều này làm cho tôi khó chịu vô cùng. “Đồ bọ nẹt, đồ răng vàng”, đó là biệt danh tụi nó dành cho tôi cứ theo đuổi tôi bất cứ nơi nào tôi đi, nơi nào chúng thấy. Còn cô giáo thì cứ đổ quạu mỗi lần thấy tôi đến. Vì thế tôi thường chạy rong chơi trên công viên thay vì đến trường. Tôi nằm dài trên cỏ hay leo lên cây cao với những mơ mộng về một nơi xa xôi nào đó như Phi Châu, Ấn Độ mà tôi được học trong bài địa lý ở trường. Tôi bỏ học cũng do nhiều nguyên nhân khác như Mẹ bảo ở nhà trông chừng em cho bà hoặc tôi không có dép để mang. Tuy nhiên, tôi cũng được lũ bạn khâm phục nhờ những môn thể thao như bơi lội chạy nhảy. Tôi có thể lội qua như một con cá, nhảy như một con ếch, chạy như một con hươu.


Một ngày kia, tôi đi chơi ở một bãi hoang, trong lúc lang thang, tôi gặp một cái mộ con nít mới chôn, trên bảng có đề là “Hạ tím ”. Tôi bắt đầu nói chuyện với đứa trẻ chết đó, lòng tin tưởng rằng cô bé sẽ nghe và hiểu tôi. Trong sự cô đơn, tôi xây nhiều tưởng tượng qua ngôi mộ này. Tôi có cảm tưởng Hạ tím là tiêu biểu cho một người cha hiền từ, một cô giáo tử tế mà tôi chưa hề gặp. Trên đường từ trường về nhà tôi thường quỳ xuống bên mộ đó, mang theo bó hoa dại hái ven đường, tôi chia xẻ với người bạn mới tất cả những nỗi buồn phiền, lo lắng. Không một ai biết được sự liên lạc này và đứa trẻ chết như chỉ là bạn thuộc riêng của tôi thôi. Những thì giờ còn lại tôi chạy lên đồi, bứt những bông hoa kèn, gặp những người lính Mỹ tôi xin kẹo, họ rất tử tế, thường cho tôi những viên kẹo cao su hoặc sô-cô-la. Tôi chạy nhanh về nhà chia những viên kẹo đó cho các em tôi. Tình yêu giữa Ba Mẹ tôi như không còn nữa. Đánh lộn, cãi vã xảy ra hằng ngày. Nhưng lý do bây giờ lại khác, không phải vì tiền, hay vì rượu chè mà là vì sự xuất hiện của một người đàn bà lạ mặt. Người đàn bà này là ai vậy? Tôi rất ngạc nhiên nhưng rồi cũng hiểu. Ba tôi yêu một người đàn bà đã chết chồng. Lòng Mẹ tôi tan vỡ, bà khóc suốt ngày. Còn tôi thì lo sợ bị bơ vơ, lạc lỏng. Tôi an ủi Mẹ tôi “Đừng khóc nữa Mẹ, mọi việc rồi nó cũng sẽ qua, con sẽ giết bà ta cho Mẹ”. Cuộc sống càng tệ hơn trước, giông tố bủa giăng chúng tôi từng phút giây. Con chó Bét-xi (Bessie) cảm thấy khó ở trong mình, cặp mắt nâu to của nó buồn vời vợi. “Em Bét-xi (Bessie) , em có hiểu không em?”, tôi vò đầu nó. Hôm đó, ngày định mệnh, tôi hăng hái từ trường trở về nhưng tôi chẳng thấy Mẹ đâu cả, ngọn đèn sắp tắt vì cạn dầu. Căn nhà trông tẻ lạnh quá, tôi bận rộn cho mấy đứa em ăn vài miếng bánh mì rồi đưa chúng đi ngủ trên cái sạp gỗ. Chẳng bao lâu, chúng ngủ say cả chỉ còn lại mình tôi. Bên ngoài trời tối thẳm, ánh đèn bên trong tàn dần, tôi lo sợ Ba Mẹ tôi bỏ đi mất, hai tay tôi bưng mặt khóc. Thình lình tôi nghe tiếng nói của Ba tôi và có một đám đông người đang đi vào nhà tôi, tôi chạy tung ra, Mẹ tôi đang ngồi trên ghế. Bà quấn một chiếc mền chung quanh bộ đồ ướt đẫm, nhiều bà con xóm giềng với Ba tôi và người đàn bà lạ mặt bên cạnh ông. Mùi bùn xông lên mũi tôi. “Ba tàn nhẫn lắm, Ba không được làm cho Mẹ ra thế này nữa”, tôi quát lên vì nghĩ rằng Ba tôi đã xô Mẹ tôi xuống mương. “Con lừa ngu xuẩn đó tự xô nó xuống mương đó”, Ba tôi trả lời. Tôi để ý thấy áo quần ông cũng bị ướt. “À, đó là tất cả lỗi của ba, Ba và người yêu của Ba”, tôi quay lại người đàn bà ngồi bên ông. “Bà đi ra khỏi nhà tôi ngay lập tức”. Các bà con xóm giềng lần lượt dời gót và cuối cùng Ba tôi và người đàn bà lạ mặt cũng đi luôn. Sau đó tôi hiểu được tất cả câu chuyện buồn tủi này: Mẹ tôi thình lình thấy Ba tôi và tình nhân của ông ngoài đường, bà theo họ, bà la lối và xô xát với họ gần mương. Một cuộc cãi vã dữ dội theo sau và Mẹ tôi kết thúc cuộc cãi vã bằng cách nhảy xuống mương bên dưới, Ba biết Mẹ không biết bơi nên ông đã nhảy xuống vớt bà lên.


Tôi lo sợ Mẹ tôi sẽ tìm đủ cách để kết liễu đời bà nên tôi không dám rời bà nửa bước. Sáng hôm sau là ngày Chúa nhật, Mẹ nói rằng Mẹ sẽ bỏ nhà ra đi. “Mẹ ơi, xin Mẹ đừng rời con, Mẹ ơi, Mẹ đừng đi, con lạy Mẹ, Mẹ đi con sẽ chết mất”. Tôi khóc đến nỗi Mẹ tôi hứa rằng bà sẽ không đi, nhưng tôi không tin lắm. Hôm đó, cô giáo trường Chúa nhật đã nghe được câu chuyện thương tâm của gia đình tôi nên cô rất tử tế với chị em chúng tôi.
Ngày thứ hai tôi đi học, nhưng tâm trí tôi không thể tập trung về bài học được. Tôi trông cho tới giờ tan học buổi chiều để chạy thẳng về nhà, bên cạnh tôi là con chó Bét-xi (Bessie) . Căn nhà hoàn toàn trống rỗng, không một bóng người, cũng chẳng thấy các em tôi đâu cả. Tôi thấy một miếng giấy kẹp lủng lẳng vào bình trà trên bàn -“Đo-rinh (Doreen) con, Mẹ phải bỏ nhà ra đi, Mẹ sẽ không trở lại nữa, con cố gắng ngoan ngoãn và trông hộ mấy đứa em cho Mẹ, đừng khóc nữa, nghe con -Thương con -Mẹ ”. Tôi cảm thấy như cuộc sống của tôi không còn nữa. Tôi đọc kỹ lại tờ giấy. Phản ứng đầu tiên của tôi là không tin rằng đây là sự thật, không thể thật được. Tôi gọi lớn: “Mẹ ơi, Mẹ ơi!”. Tôi chỉ nghe âm vang dội lại mà không thấy tiếng của người Mẹ yêu quý. Tôi không còn nhớ rõ thời gian tôi đứng đó bao lâu cho đến khi tôi bắt đầu khóc. Tim tôi như vỡ ra từng mảnh.


Tôi rời căn nhà vắng, hy vọng sẽ tìm ra người Mẹ yêu quý của tôi, tôi tìm ra Sin-vi-a (Sylvia), em gái tôi, nhưng chẳng thấy Mẹ đâu cả, không một ai biết, họ cũng chẳng thèm để ý Mẹ tôi đi đâu hay là bà đã đi khi nào. Bồng em bé theo, tôi đi khắp nơi nào tôi có thể đến được để tìm Mẹ. Tôi đã hoài công, cuối cùng tôi phải lủi thủi quay về nhà. Căn nhà trống vắng, không còn một chút đồ ăn nào cả. Chị em chúng tôi vừa lạnh, vừa sợ, vừa đói. Rồi Ba tôi về nhà, khi biết được Mẹ tôi đã đi, ông không một chút hối hận. “Sao Ba chẳng nói chi hết vậy? Ba đã làm Mẹ phải bỏ nhà ra đi... Ba và người đàn bà lý tưởng của Ba”, tôi nói. Ông trấn an tôi: “Ngày mai con sẽ có Mẹ mới, đừng lo”. Tôi mếu máo: “Con không muốn Mẹ mới nào hết, con muốn Mẹ thật của con thôi”. Ước mong của tôi chẳng được Ba tôi để ý vì ông đã quyết định rồi. Sau khi dẫn tôi ra quán cho ăn vài miếng, tôi trở về nhà, còn ông đến với tình nhân của ông.
Sáng hôm sau, quả thật, theo lời ông, ông dắt người đàn bà lạ mặt về thế chỗ cho Mẹ tôi. Bà còn đem theo hai đứa con riêng của bà về cùng, làm tôi càng giận hơn nữa. Với con mắt sắc bén, tôi biết bà đang mang thai. Tôi quát lên: “Bà là đồ đĩ ngoài đường nên bà mới đánh bẫy Ba tôi. Tôi sẽ chẳng bao giờ gọi bà bằng Mẹ tôi đâu, bà không phải là Mẹ tôi và sẽ không làm Mẹ tôi được”.


Ba tôi nghĩ đứa con gái cau có của ông sẽ nguôi giận và nó sẽ ngoan ngoãn chấp nhận hoàn cảnh mới. Nhưng ông đã lầm. Mặc dầu mới mười một tuổi đầu, nhưng tôi đã có một ý chí cương quyết. Còn bà thì cố chinh phục tình cảm của tôi. Có lần bà đem kem táo cho tôi ăn nhưng tôi đã từ chối. Sự thù ghét giữa chúng tôi càng ngày càng nhiều. Tôi mơ ước trốn thoát như Mẹ tôi đã làm. Nhưng nếu tôi cũng đi như Mẹ thì ai săn sóc mấy đứa em tôi? Vì vậy, tôi chưa thể đi được.


Mũi tên đen


Người làm chủ trong nhà bây giờ còn trẻ hơn Mẹ tôi. Tôi tìm một tên riêng để đặt cho xứng hợp với con người bà ta và cuối cùng tôi bằng lòng với biệt danh “Mũi Tên Đen ”. Bà có một mái tóc đen huyền gợi cho tôi nghĩ bà như là một phù thủy, vì thế cái biệt danh Mũi Tên Đen rất xứng hợp cho bà. Điều này làm gây thêm rắc rối nhưng tôi không thể lựa một biệt danh nào khác. Ba tôi thuyết phục tôi chấp nhận bà, nhưng ông đã hoài công. Ông rất cần tôi chăm sóc cho lũ trẻ mỗi ngày để Mũi Tên Đen có thể luôn cặp Ba tôi đi ra quán rượu. Lúc này tôi càng nhớ sự chăm sóc của Mẹ tôi cho chúng tôi trước kia mà không một ai có thể thay thế Bà được. Tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm Mẹ, đôi khi tôi đi hằng dặm. Đây không phải là chuyện dễ vì mỗi lần ra đi, tôi phải dẫn theo lũ nhỏ và con chó Bét-xi (Bessie) . Tôi ghé tiệm tạp hóa, quán nước, nhà sách... những mong sẽ bắt gặp được khuôn mặt của Mẹ hiền từ yêu dấu, nhưng tôi chẳng gặp được Bà. Báo chí bấy giờ đầy dẫy những tin tức chiến tranh và Mẹ tôi có thể đi bất cứ nơi nào và gặp bất cứ ai mà không cần phải sợ ai để ý. Xóm giềng chẳng buồn trả lời những câu hỏi của tôi vì họ xem tôi là một đứa con nít tai hại trong một gia đình bê bối.

Trong nhà quả thật là ồn ào. Trước hết, tôi chẳng ưa gì hai đứa con của Mũi Tên Đen. Tôi càng giận hơn nữa khi thấy ông bà nội của nó đến thăm, đem theo bánh và quà cho hai đứa mà chẳng hề đá động gì đến chị em chúng tôi. Tôi đọc được sự thèm khát trên đôi mắt các em tôi. “Đưa cho mấy đứa kia với”. Tôi ra lệnh và giựt cái xách lấy kẹo chia đều cho mấy em tôi, chúng la lối phản đối nhưng cuối cùng chúng phải chịu vì tôi là chị cả mà.
Những lúc rảnh, khi được ở một mình, tôi đi thăm Hạ Tím và nói với nó tất cả những sự buồn phiền của tôi với hy vọng rằng Hạ Tím đang ở từng mây nào đó có thể thấy được Mẹ của tôi. Một ngày kia, sau khi tan trường, trở về nhà tôi thấy Mũi Tên Đen đang đánh một đứa em tôi, tôi giận dữ tột độ. Tôi lấy một con dao và rượt đuổi Mũi Tên Đen khắp nhà. “Tôi sẽ giết bà, đồ phù thủy già, nếu bà còn đánh em tôi nữa”. Mũi Tên Đen dọa “Tao sẽ nói cho Ba mầy biết hành động của mầy đối xử với tao khi ổng về”. “Cứ nói với ổng tất cả những gì bà muốn nói, tôi không sợ, nhưng tôi cảnh cáo cho bà biết tôi sẽ làm gì nếu bà còn đánh em tôi nữa”.


Cái sân khấu trong gia đình bây giờ càng lộn xộn hơn nữa. Ba tôi thường đánh tôi. Trí óc ông mụ mẫm bởi rượu nên chẳng có gì ngăn cản ông được.
Chẳng bao lâu sau khi Mẹ ra đi thì chiến tranh chấm dứt. Mọi người ca hát vui mừng, cờ bay phất phới ở mọi nơi, mọi nhà, tôi hy vọng rằng sự bình an rồi cũng sẽ đến với gia đình tôi. Mẹ tôi đã chẳng đổ lỗi cho chiến tranh nên Ba tôi mới đâm ra say sưa như thế sao? “Có lẽ Ba sẽ hết uống rượu và Mẹ sẽ trở về với gia đình”. Thế nhưng, mỗi ngày một tệ hơn, rượu như là nguồn sống của ông. Một bữa tiệc ăn mừng chấm dứt chiến tranh, tôi chưa bao giờ được ăn bữa tiệc như vậy. Chúng tôi còn được cho quà nữa. Đó cũng là năm có nhiều kỷ niệm cho tôi. Vì cớ tôi mau lớn quá, nên nhà trường cho tôi lên học trường trung học. Thật là một sự thay đổi lớn. Tôi rất hãnh diện, tuy nhiên, sự xuất hiện của tôi nơi trường mới cũng gây nhiều vấn đề rắc rối. Tôi ăn mặc rách rưới khiến các học sinh khác chế giễu. Tôi nghĩ “Có cái gì tốt hơn ở trường này chứ?”. Ba tôi và Mũi Tên Đen không có lo lắng giùm tí nào cho nan đề của tôi. Một lần nữa, tôi tự đương đầu với những khó khăn mà không một lời khuyến khích. Tuần lễ đầu tiên tại trường học mới, tôi chịu bao nhiêu lời chế giễu: “Đồ khố rách, đồ du mục nhớp nhúa!”. Tôi cố gắng xua đuổi những điều mà mấy đứa trẻ khác nói và nghĩ về tôi và tôi quyết định lấy lòng cô giáo bằng cách đem hoa tới tặng cô. Mặc dầu tôi không tệ lắm trong việc học hành, nhưng cứ bị cho là ngu đần. Tôi chẳng thấy những cố gắng của tôi có tác động ít nhiều gì cả. Tôi chẳng bao giờ thắng nếu tôi cố gắng chứng tỏ rằng tôi cũng biết đôi điều thì lũ trẻ ồ ồ lên “Mầy là con nhỏ lường gạt nhớp nhúa!”. Điều tốt nhất là cứ phớt tỉnh coi như không có gì cả được chừng nào hay chừng ấy. Tôi ghét trường học từ ngày tôi bước chân vào cổng cho đến ngày tôi từ giã nó.k một ai thèm để ý rằng bên dưới những cái xấu xí đó lại chứa đựng một con người có tài năng và rất nhạy cảm.


Trong vòng hai năm sau khi tôi vào trung học, Mũi Tên Đen đã có thêm hai em bé. Căn nhà chật như nêm, gánh nặng lại càng chồng chất trên đôi vai đứa trẻ này. Vừa năm sinh nhật thứ mười ba, tôi đã cao lớn như một cô gái. Lúc này nhà trường có giúp tôi chải những con chí trên đầu đi, họ cũng cho tôi kem, bàn chải đánh răng... Tôi có được hai món đồ sở hữu: Một là sợi dây chuyền của bạn tôi cho, thứ hai là cái hộp dựng nữ trang mà Ba tôi đã lượm nơi hố rác chỗ ông làm trong những lúc ông không say sưa. Tôi quyết định cất sợi dây chuyền vào hộp nữ trang đó và chỉ đeo vào ngày Chúa nhật. Có lúc tôi lấy chuỗi hột ra rồi treo lên trông chúng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Đây là những vật sở hữu của tôi. Nó không nhiều, nhưng nó là của tôi.
Đã đến lúc tôi bắt đầu suy nghĩ “Tại sao mình không bỏ nhà trốn đi?”. Tôi bắt đầu mở rộng cuộc du ngoạn hơn. Tôi nhìn con tàu từ từ đến rồi từ từ đi. Quang cảnh ở nhà ga đập về óc của đứa con gái mười ba tuổi này rất nhiều. Có cái gì thích thú ở phía chân trời kia nhỉ?. Tôi mơ mộng sẽ đi Luân-đôn tìm một việc làm, sau đó trở về và dẫn mấy đứa em theo, rồi chị em sẽ cùng nhau sống trong một căn nhà xinh xinh. Sau đó cuộc sống sẽ vui vô ngần. Tuy nhiên, ý nghĩa rời bỏ mấy đứa em làm tôi khó xử. Điều gì sẽ xảy ra cho tụi nó sau khi tôi đi vắng?


Sự lui tới nhà ga với những ước mộng còn con sẽ còn tiếp tục nếu không có gì xảy ra. nhưng có một chuyện, chuyện này đối với tôi hết sức là quan trọng. Đó là con chó Bét-xi (Bessie) chết. Bét-xi (Bessie) là bạn đồng hành với tôi trong nhiều năm qua, bây giờ nó già rồi chết _tôi đã thật sự mấy nó. Mẹ đã đi, con chó cũng không còn, thật quá sức cho tôi. Không một ai chia xẻ nỗi buồn này của tôi. Các em tôi còn quá nhỏ đâu có thể hiểu được sự trống vắng trong lòng tôi. Tôi quyết định rời nhà khi nào thuận tiện. Lần đến ga kế tiếp cũng là lần chót. Ba tôi và Mũi Tên Đen luôn vắng nhà buổi tối nên tôi đi rất dễ dàng mà không sợ ai thấy. Điều khó khăn là làm sao vào bên trong nhà ga được khi tôi không có tiền mua vé. Tôi cẩn thận gói cái hộp đựng dây chuyền lại trong một tờ báo và ra khỏi nhà, đi thẳng đến ga... Sẵn kinh nghiệm của một đứa từng lam lũ làm việc, tôi lướt vào bên trong nhà ga cách dễ dàng. Con tàu chuyển bánh rồi chạy nhanh. Tôi hồi hộp vì vừa sung sướng vừa lo sợ. Đến Ham-mơ-xmít (Hammersmith), tôi quyết định không đi nữa. Nhà ga thật là náo nhiệt, đồng hồ vừa điểm 22 giờ đêm là lúc mà dân ở Ham-mơ-xmít (Hammersmith) đang vui vẻ. Tôi lướt qua một người soát vé mà chẳng bị ai để ý. Bên ngoài đường phố nhộn nhịp, đèn điện sáng choang như giữa ban ngày. Đường phố làm chói mắt tôi. Vừa lang thang trên hè phố, tôi vừa đi tìm một nơi ẩn nấp qua đêm; tôi cảm thấy trời bắt đầu lạnh hơn.
Một người đàn ông thấy tôi lang thang liền hỏi: “Cô bé đi đâu mà khuya thế này chưa về nhà?”. Tôi đáp “Em đã trốn nhà ra đi và mới vừa đến đây, ông có nơi nào cho em trú đỡ đêm nay không?”.


Tôi sực tỉnh lại thấy mình đói quá và người đàn ông trả lời “Mẹ tôi sẽ rất vui gặp em tại nhà”. Tôi yên lặng theo ông cho đến khi về tới nhà. Người đàn ông giới thiệu tôi cho Mẹ ông. bà vui vẻ chào tôi. Bà tiếp “Bữa ăn tối đã được dọn sẵn. Chúng ta hãy lại ăn và nói chuyện sáng mai”. Tôi được bà chủ nhà cho ngủ trên một cái giường nệm có trải khăn phủ. Lần đầu tiên tôi được nằm trên một cái giường như vậy. Tôi sung sướng quá và chẳng bao lâu tôi thiếp đi.
Sáng thức dậy, tôi bối rối quá nhưng chợt nhớ đến những may mắn đã gặp chiều hôm qua, tôi cũng yên lòng. Sau khi được dùng điểm tâm, tôi giúp vài việc cho người dbo tử tế ấy. _”Này em, để đó lát nữa bà làm, bây giờ em có thể nói cho bà biết tại sao em đến Ham-mơ-xmít (Hammersmith) khuya như vậy không?”. Tôi thuật lại tất cả mọi chuyện cho bà ấy nghe. Qua ánh mắt bà nhìn tôi, tôi thấy thật được khích lệ trong hoàn cảnh mới mẻ này. Khi tôi chấm dứt câu chuyện, bà lấy tay gạt nước mắt. _“Bà thấy đó, con đang đi tìm một việc làm kiếm tiền để trở về dẫn mấy đứa em đến ở với con”. Bà ấy nghẹn ngào: “Bà muốn con hưa với bà rằng con sẽ trở lại đây thăm bà, nhớ địa chỉ cho rõ, đừng quên nghe con”.


Tôi cẩn thận ghi số nhà của bà rồi ra đi. Trên đại lộ chính của Ham-mơ-xmít (Hammersmith), tôi để ý một quán cà-phê không lớn lắm, nhưng sạch sẽ và dễ thương. Tôi quyết định bước vào, một người đàn bà đang lau những miếng kính thật sạch.
_“Xin lỗi bà, bà có thể cho con làm việc ở đây không?”.
Người đàn bà này nhìn tôi từ đầu đến chân có vẻ ngạc nhiên “Em bao nhiêu tuổi?”. Tôi vội nói: “Dạ, mười bốn. Con biết con còn nhỏ tuổi, nhưng con làm được nhiều việc, thưa bà”. “Ồ, tôi đang cần người giúp việc”, bà chủ quán đáp. _“Xin bà làm ơn giúp con”, tôi thêm. _“Được, ngày mai em trở lại đây rồi sẽ tính”. Tôi vui mừng vô hạn. Tôi nhảy nhót ca hát luôn miệng trên đường trở về nhà người đã cho tôi trọ đêm qua. Tôi đang đi trên đường trở về với nhiều tin tức tốt đẹp. Thình lình, tôi thấy cha tôi đang đi về phía tôi, bên cạnh ông là một nữ cảnh sát. Tôi thoạt hiểu rằng tôi đang gặp rắc rối. Người đàn bà tốt bụng đêm qua, bây giờ cũng đang tiến đến trước mặt tôi; bà nói: “Xin lỗi em Đo-rinh (Doreen), vì em mới có mười ba tuổi, nên em phải trở về với Ba em”. Tôi òa lên khóc nức nở: “Con không muốn trở về với ông ấy nữa, con muốn ở lại đây”. Bà dỗ dành tôi: “Đừng khóc, Đo-rinh (Doreen),bà muốn con nói tất cả những gì con đã nói với bà sáng nay cho cô cảnh sát này nghe”. Tôi bắt đầu kể cho cô ấy nghe tại sao tôi đến Ham-mơ-xmít (Hammersmith), rằng tôi muốn tìm một việc làm để giúp các em tôi có một đời sống khả dĩ tốt hơn và tôi đã tìm được việc làm rồi, tôi sẽ bắt đầu nhận việc sáng mai, nếu cô cho tôi đi. Người cảnh sát đưa tôi vào một phòng riêng. Cô hỏi rất nhiều về gia đình tôi, cô chú ý nghe tất cả những gì tôi nói và tôi nói hết sức thành thật trong lời khai của tôi. Nghe xong, cô không nói gì cả. Màn diễn cuối cùng là tôi được trả về nhà trên một xe cảnh sát. Tới nhà, xóm giềng và lũ trẻ con chạy ra xem. Tôi được họ bàn tán như một nữ anh hùng đầy can đảm. Còn Ba tôi thì quất cho tôi một trận nên thân mà tôi chưa từng bị như thế bao giờ. _“Sao không đi kêu ai tới cứu mày đi”, Ba tôi sừng sộ, “hay mày muốn tao quật thêm?”.


Dĩ nhiên, giới hữu trách không ai tin rằng sự thật là như vậy đó, vì ngày hôm sau có một vị thanh tra đến nhà tôi, Mũi Tên Đen lựa bộ quần áo đẹp nhất ra mặc. Bà đổ lỗi rằng vì thiếu tiền nên không thể chăm sóc chúng tôi cách chu đáo. Ngày hôm sau, mền, mùng được gửi đến cho lũ trẻ. Còn tôi, tôi đã quyết định rồi, tôi chỉ chờ đợi một thời gian ngắn nữa thôi, tôi sẽ lại ra đi.
Lần này tôi sẽ đi thật xa để không ai tìm thấy tôi nữa. Tôi đang trông đợi cho đến ngày sinh nhật thứ mười bốn của tôi. Người bạn tốt của tôi, cô giáo Trường Chúa nhật, đã nghe tất cả câu chuyện thương tâm của tôi, cô an ủi tôi rất nhiều. Mọi người đều ngạc nhiên lắm, cả chính tôi nữa, rằng tôi đã gây được sự chú ý của rất nhiều người. Cô giáo Trường Chúa nhật luôn nói với tôi về Chúa Giê-xu: “Ngài là mục đích cho cuộc đời của em, Đo-rinh (Doreen) à!”. Để khỏi phụ lòng cô, tôi lẳng lặng nghe, nhưng mặc khác, tôi chẳng bao giờ chấp nhận Ngài. Cô tiếp: “Cô sẽ cầu nguyện cho em, cô không quên em đâu”. Cô tìm cho tôi một việc làm ấy là giúp việc cho một người giàu có ở Cao-lê (Cowley), không xa Ớt-xơ-bơ-rít (Uxbridge) lắm, tôi hứa sẽ bắt tay ngay sau khi học xong ở trường phổ thông. _“Mặc dầu lương ít, nhưng nếu em làm việc giỏi, họ sẽ trả tiền thêm”, cô giáo bảo thế. Một cuộc sống mới đang đợi tôi, tôi nhìn về tương lai, một ngày kia tôi sẽ bỏ nhà ra đi vĩnh viễn (Ở nước Anh, cưỡng bách giáo dục bắt buộc mọi người công dân phải học đến mười bốn tuổi mới được rời ghế nhà trường).


Thay Đổi


Hôm đó, đúng vào một buổi chiều Chúa nhật giữa mùa thu, tôi hơi buồn buồn khi nghĩ rằng đây là lần cuối cùng mình đến nhà thờ, vì đã đến ngày tôi có thể bỏ nhà ra đi, làm một người giúp việc. Tôi hy vọng gặp được người bạn tốt của tôi là cô giáo Trường Chúa nhật, nhưng hôm đó, cô không đi dự nhóm. Ngoài cô ra, ở nhà thờ chẳng có ai biết sự ra đi của tôi. Sau giờ Trường Chúa nhật tôi về nhà, Ba tôi và Mũi Tên Đen đi vắng. Canh chừng mấy đứa em, tôi bỏ vài món đồ vào một túi xách nhỏ. Tôi không có quần áo nào khác ngoài bộ quần áo đang mặc trên người. Hành lý của tôi chỉ gồm một hộp nữ trang, trong đó có sợi dây chuyền giả và một quyển Thánh ca. Tụi nhỏ trong xóm ra tiễn tôi đi. Mấy đứa em tôi trông chúng buồn lắm. Tôi nghẹn ngào “Đừng khóc mấy em! Chị sẽ về thăm mấy em mà. Đường từ Cao-lê (Cowley) về nhà không xa lắm đâu!”.



Chúng nó vẫy tay tiễn tôi đi, đứng nhìn theo cho đến khi tôi khuất bóng. Tôi buồn ghê gớm. Nhưng đây là một dịp thuận lợi không nên đánh mấy. Tôi cảm thấy lo sợ: nơi mình sắp đến sẽ như thế nào nhỉ? Có giống như lúc mình đến Ham-mơ-xmít (Hammersmith) không? Những ưu tư đầy ắp tâm trí tôi khiến tôi không còn suy nghĩ gì được nữa. Lại một lần nữa, tôi bước từng bước vào đời mà không có được một lời khuyến khích, hướng dẫn của một người nào cả. Trên đường đến Cao-lê (Cowley), tôi phải đi ngang qua ngôi trường cũ, nơi tôi đã từng vào ra mỗi ngày, nhưng giờ đây chỉ còn đọng lại trong tôi những hình ảnh sợ sệt lo lắng... Rồi chẳng bao lâu Cao-lê (Cowley) xuất hiện. Dưới mắt tôi, Cao-lê (Cowley) thật đẹp. Con đường không to lớn nhưng có cây lá hai bên, nhà cửa không nhiều nhưng rất sáng sủa. Coi lại địa chỉ, tôi đi tìm số nhà. Cuối cùng, tôi dừng lại trước một ngôi nhà to lớn, cái cổng sao mà to và đẹp thế! Nó giống như cổng thiên đàng, có lẽ chỉ khác là cổng này bằng sắt thay vì cổng thiên đàng bằng vàng thôi. Tôi do dự trước khi nhận chuông. Lát sau, một thiếu phụ đi ra, bà nhìn tôi rồi hỏi 



_“Em cần tôi giúp gì không?”. 
_“Dạ thưa, con đến đây để làm người giúp việc cho bà”. 
Thiếu phụ vội vàng mở cổng. Với dáng điệu rất lịch sự, bà nói “Mời em vào, tôi đang trông đợi em lắm đây.”. Bà dẫn tôi vào một phòng khá lớn, lên cầu thang. Tôi mở to mắt nhìn mà không thốt lên được một lời. 



_“Chắc em muốn thấy phòng của em lắm phải không?”, thiếu phụ quay lại hỏi tôi, “Xin em theo tôi! Đó, phòng của em ở trên đó, phía tay trái. Tôi tin rằng em sẽ thích nó”. Thích nó ư? Phải nói rằng tôi yêu nó mới đúng, vì tôi chưa bao giờ được nhìn thấy một căn phòng như thế. Tôi nghĩ có lẽ nó giống thiên đàng. Căn phòng có lót thảm rất vừa vặn. Một cái giường với khăn phủ màu hồng, tủ áo có gương soi, một tủ nhỏ chia từng ngăn, một cái bàn nhỏ kê cạnh giường, ở góc kia là một bồn rửa mặt. Tôi nhìn hết vật nọ đến vật kia. thiếu phụ lại nói: “Này, Đo-rinh (Doreen), tên của em đó phải không? Tôi là chủ của em. Phòng này dành riêng cho em, phòng tắm của em ở bên cạnh, gần cửa”. Phòng tắm của tôi nữa à? Thật khó lòng tin những gì tôi đang nghe và thấy. 
_“Bộ đồng phục của em trong ngăn đó, em để đồ đạc của em vào tủ có gương và tủ có ngăn kéo nhé”. 
_“Thưa bà, em không có hành lý nào hết”. 
_“Em nói rằng em không có gì cả sao!”. 
_“Dạ vâng,em chỉ có bấy nhiêu thôi”. 



Thiếu phụ bây giờ mới hoàn toàn hiểu ra rằng người giúp việc mới của bà thật là nghèo rớt mồng tơi. Bà nhã nhặn “Ồ, em, mọi việc rồi sẽ ổn thôi. Rửa tay đi, rồi xuống nhà nhé!”. Bà khuất sau cánh cửa màu hồng, tôi nghe bước chân bà nhỏ dần ở cầu thang. Tôi ngồi xuống giường cách cẩn thận. Tôi tự hỏi nếu tôi bị trả về một lần nữa thì sao? Tôi lấy những vật sở hữu ra để lên bàn gồm quyển Thánh ca, cái hộp và chuỗi hột. Tôi tò mò thử cái đèn bên cạnh, đèn bật sáng. Tôi mừng rỡ. Tôi cũng cẩn thận ướm thử bộ đồng phục, nhìn vào gương. Tôi sực nhớ phải rửa tay rồi đi xuống nhà dưới. Mùi xà-phòng thơm xông lên mũi tôi, vừa hít tôi vừa bước xuống cầu thang. Ở đây, cái bếp cũng là một cảnh tượng mới mẻ cho tôi nữa. Cái gì cũng bóng loáng, cũng đẹp như mình nằm mơ và tôi sợ mình phải thức dậy. Bà chủ của tôi đang ngồi đó đợi tôi: “Đây là phần ăn tối của em, Đo-rinh (Doreen), và đây cũng là nơi en sẽ ăn mỗi bữa”. Bà lại đi. Ngồi một mình trong căn phòng rộng rãi quá, tôi hơi rùng mình. Tôi ăn thật mau vì rất đói bụng.bà chủ tôi trở lại khi tôi ăn gần hết bữa. Bà đã được cho biết rằng đứa tớ gái của bà xuất thân từ một gia đình nghèo nhưng bà không thể hiểu được nó nghèo như thế này. Bà là con của một gia đình giàu có, kết hôn với một người chồng rất thành công trên thương trường. Vì thế, ít khi bà va chạm với hoàn cảnh thực tế bên ngoài. Bây giờ, trước mặt bà là đứa con gái mười bốn tuổi, ở trong một gia đình nghèo nhất. Chính vì vậy mà bà không biết cách nào dạy cho tôi làm xong nhiệm vụ. Bà tỏ ra rất thông cảm tôi, còn tôi thì rất thích bà chủ mới này. Bà lấy một chiếc ghế ngồi bên cạnh tôi và dịu dàng hỏi: “Chắc em muốn biết sơ qua công việc làm của em phải không? Này nhé, em phải gọi tôi bằng bà và chồng tôi bằng ông. Mỗi tuần tôi sẽ trả cho em 12 si-linh (đồng tiền của nước Anh). Mỗi tuần em có nửa ngày Thứ Ba để đi đâu tùy ý”. Bà thêm: “Em sẽ học việc được, Đo-rinh (Doreen), đừng có nản. Bây giờ em có quần áo ngủ đó không? Ừ, tôi sẽ biếu cho em một bộ mặc đỡ tối nay”. _“Ồ, cảm ơn bà, cảm ơn bà nhiều lắm”.



Tôi trải qua một đêm trên cái giường riêng của tôi, trong phòng của tôi, trong căn nhà đẹp đẽ này. Tất cả đều như giấc mộng. Sáng hôm sau, tôi bị đánh thức bởi tiếng gõ cửa của ai đó. Tôi định trở mình qua rồi ngủ lại, nhưng sực nhớ ra rằng hôm nay mình là một đứa tớ gái nên vùng dậy. Tôi suy nghĩ không biết có nên mặc bộ đồng phục không, cuối cùng, tôi mặc y bộ đồ nhàu nát của tôi rồi đi thẳng xuống nhà dưới nơi có một bữa điểm tâm ngon lành đang đợi tôi. Tôi ngồi xuống thuởng thức những món ăn đó thì bà chủ xuất hiện: “Chúng ta sẽ đi Luân-đôn khi nào em ăn xong, Đo-rinh (Doreen)”. Tôi vội vàng ăn thật mau, vừa nghe lén những câu đối thoại giữa bà với một người đàn bà khác (người giúp việc dọn dẹp trong nhà). Bà chủ nói: “nó xuất thân từ một gia đình rất nghèo, nó không có gì cả, tôi sẽ đem nó đi Luân-đôn để sắm quần áo cho”. Người đàn bà nọ bước vào, thấy tôi, bà mỉm cười: “Chào em Đo-rinh (Doreen), tôi là bà Hiếu (Hill), người giúp việc hằng ngày ở đây”. Tôi chớp mắt mà không biết phải đáp lại với bà làm sao nên đành đứng im nhìn bà.
Sau này tôi biết rằng bà Hiếu (Hill) là người giúp việc ở đây lâu lắm rồi. Bà có nhiệm vụ dọn dẹp, lau chùi ở phòng ngủ, còn công việc của tôi là lau chùi ở nhà dưới và hầu bàn. Trong nhà còn một bà bếp giúp việc nữa, khi tôi đến thì bà đang nghỉ cuối tuần. Tôi lo lắng không biết ở làm sao cho vừa lòng mọi người đây.



Sau khi điểm tâm, tôi được bà chủ đưa đi Luân-đôn trong một chiếc xe màu đen do chính bà lái. Dọc đường bà hỏi rất nhiều điều về chính tôi. Bà tỏ ra rất hài lòng về những câu trả lời của tôi. Thật ra, một người giúp việc thì cần sự thành thực hơn là học thức và tôi tỏ ra rất thành thực trong những câu trả lời của mình.
Chẳng bao lâu chúng tôi đến Luân-đôn. Xe đậu tại cửa hàng Ha-rốt (Harrod) vừa đúng lúc cửa hàng mở cửa. Tôi được dẫn vào một phòng bán đồ tân thời nhất. Bà chủ là người rất quen biết nơi đây và người ta cố gắng hết sức để chìu lòng bà. Bà giải thích hoàn cảnh của tôi, vì thế, người bán hàng dẫn bà và tôi đi từ gian hàng này đến gian hàng khác. Tôi hoàn toàn bỡ ngỡ trước quang cảnh này. Người chạy lên lấy thùng, người khác chạy xuống lấy xách, lấy hộp và lấy mọi thứ cho vừa với thân hình tôi. Ao vét, áo thường, áo khoác... đủ màu. Tôi không dám nói phải lựa màu gì cả. Cuối cùng, tôi có một mớ quần áo mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Bộ đồ cũ nhàu nát của tôi được vứt bỏ. Tôi mặc vài thứ trong những đồ mới đó của tôi và mang đôi giày bóng láng. Các món còn lại được mang ra xe. Tuy nhiên, vì việc sắm sửa cho tôi vẫn chưa xong, bà chủ lại dẫn tôi về chỗ uốn tóc. Người ta gội rồi cắt tóc cho tôi. Xong đâu đấy, họ mời tôi soi mình vào một cái gương lớn, tôi cảm động và khó lòng mà nhận ra con người sáng sủa, bảnh bao ở trong gương đó lại là chính tôi. ‘Thật là một sự thay đổi lớn”, bà chủ nói với vẻ rất hài lòng về công việc buổi sáng của bà. Về phần tôi, tôi cứ tưởng mình nằm mơ và e rằng khi tỉnh giấc sẽ thấy mình đang nằm trên cái sạp gỗ nhớp nhúa ở Ớt-xơ-bơ-rít (Uxbridge). Nhiều người trong cửa hàng vây quanh tôi. Họ rất bằng lòng với những việc họ đã làm. Xong đâu đấy, bà chủ và đứa đầy tớ gái từ giã cái cửa hàng danh tiếng đó. Trên đường về, tôi cảm ơn bà chủ không ngớt. Thỉnh thoảng, tôi ngó lại phía sau xe nhìn những thùng hộp của mình. Thật cuộc đời không có gì đáng chán cả!



Trở lại Cao-lê (Cowley), tôi gặp bà bếp. Vừa gặp bà, tôi đã có cảm tình ngay. Bà chủ và bà bếp giúp tôi mặc đồng phục. Lại một kinh nghiệm mới nữa đến với tôi.



Tác giả: Doreen Irvine (còn nữa)