Người
kia có tật hay khoe khoang về khả năng của mình trong lãnh vực bình luận tranh.
Vì thế nơi nào có những cuộc triển lãm tranh ông đều đến xem và phê bình. Thoạt
đầu những điều ông góp ý cũng xác đáng, nhưng dần dần ông chỉ trích các họa sĩ,
và huênh hoang trong những lời bình phẩm của mình. Một hôm, ông đi xem cuộc
triển lãm tranh trong thành phố. Lúc ấy trời đã nhá nhem tối, trong phòng triển
lãm đèn lại bố trí ánh sáng mờ mờ, còn ông thì quên mang theo kính mắt dù bị
cận thị rất nặng.
Đã lỡ đến, ông vẫn thao thao chỉ trích hết bức tranh này đến bức
tranh khác. Tại một góc tường trong phòng triển lãm, ông dừng lại trước một
khung hình, và nói lớn để mọi người chú ý: “Tranh như thế nầy mà cũng đem triển
lãm! Sao cái bối cảnh màu sắc lại tương phản đến thế. Mà nhất là nhân vật trong
tranh, nom thật là dị hợm không cân đối chút nào!” Giữa lúc ông đang say sưa
phê phán, thì một thiếu nữ bối rối chạy vội đến vỗ nhẹ vào vai ông và nói nhỏ:
“Bố ơi, đây chỉ là tấm gương soi, và con người mà bố đang chỉ trích ấy chính là
bố chứ có phải bức tranh đâu!”
Tục
ngữ dân gian Việt Nam
có câu: “Chuyện của người thì sáng, chuyện của mình thì tối.” Âu cũng là đúc
kết từ kinh nghiệm sống thực tế tự bao đời. Ta dễ dàng nhận thấy khuyết điểm
của người khác, nhưng một bức màn chắn nào đó đã làm ta mù mờ trước lỗi lầm của
chính mình. Đã bao giờ bạn mải mê phê phán thói xấu của người khác, rồi bất
chợt nhìn lại để nhận ra chính mình cũng đang mắc phải những thói xấu ấy chăng?
Hãy tu chỉnh bản thân, hãy nhìn về mình bằng một cái nhìn trung thực. Hãy nhớ
rằng kết tội người khác không phải là công việc của chúng ta. Hãy nhường sự xét
đoán cho Đức Chúa Trời, là Đấng duy nhất có quyền ấy. Phần ta, hãy cầu xin sự
tha thứ của Chúa, hãy cậy nhờ ân điển Ngài, hãy sống với nhau bằng tình thương
và sự thông cảm.
“Sao ngươi
dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình?” Ma-thi-ơ
7:3