Vua Thành Thái “ghét Tây xâm lược” và thương dân mà bị truất ngôi, lưu đày đến đảo Rê-uy-ni-ông ở châu Phi. Ở chốn lưu đày ông vẫn can trường giữ gìn văn hóa dân tộc, giữ phong tục thờ cúng tổ tiên, giữ cả việc ăn trầu, 9 người con sinh ra trên đảo đều được dạy tiếng Việt và trong nhà chỉ nói tiếng Việt.
Vua Thành Thái giữ nề nếp gia phong đến mức nghiêm khắc. Con cái trên 20 tuổi mới được tự do đi ra ngoài và thư từ hẹn hò yêu đương. Con của vua Thành Thái là vua Duy Tân cùng bị lưu đày nhưng sau đó tham gia quân đội Pháp đã bị vua Thành Thái không nhìn mặt.
Theo hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc” của ông Phạm Khắc Hòe, ông được Mệ Cưởi, em ruột vua Duy Tân có mặt trong đoàn lưu đày đến đảo Rê-uy-ni-ông, kể rằng: “Cha tôi (vua Thành Thái) không thèm gặp mặt anh tôi (vua Duy Tân) nữa”.
Ông Nguyễn Phước Vĩnh Giu kể, vua Thành Thái ở biệt thự Pháp cấp được 2 năm, không chịu sự bó buộc đã mướn một trang trại có căn nhà gỗ rộng lớn, đưa gia đình ra ở.
Cuộc sống khá vất vả và gia đình nhà vua đã phải làm nhiều nghề để sinh sống: Mộc, nề, sơn, điện… Vua, hoàng hậu, các hoàng tử, công chúa đều làm việc. Công chúa Lương Mỹ trở thành một thợ điện gia dụng có tiếng trên đảo, rồi bà mở tiệm chụp hình “Sài Gòn Photo”, mở tiệm bán rượu và đồ hộp đều đắt khách.
Cũng nhờ thế, sau này ông Vĩnh Giu vượt qua được nhiều thời kỳ khó khăn, như hồi mới giải phóng ngồi vá xe đạp ở lề đường và hiện nay hầu hết tủ, giường, bàn, ghế trong nhà do ông tự đóng lấy.
Ở đảo lưu đày, anh em ông Vĩnh Giu từng mua một chiếc ô tô cũ, bỏ hết phần trên, giữ cái gầm xe chế ra một chiếc xe nhẹ, đẹp và chạy nhanh khiến dân trên đảo thán phục. Trong nhiều nghề sinh sống, gia đình vua Thành Thái nổi tiếng nhất với nghề làm yên ngựa và điều này đã được viết trong một số sử sách.
Tôi hỏi ông Vĩnh Giu, ông còn nhớ bí quyết làm yên ngựa không? Ông trả lời, làm yên ngựa phải tùy thuộc vào từng con ngựa, thợ Tây làm đồng loạt nên không vừa với một số con, ngựa bị cấn xương sống không thể chạy nhanh.
Gặp những con ngựa như thế thợ Tây chịu và phải cậy đến anh em cựu hoàng tử. Yên ngựa do anh em ông làm lắp vào con ngựa nào cũng thít chặt, êm, ngựa chạy trở nên hay. Anh em ông còn đóng móng ngựa, may hia cưỡi ngựa.
Từ làm yên ngựa đi tới mua những con ngựa khỏe nhưng bị Tây chê vì không biết đóng yên vừa với nó, những con ngựa đó bán rẻ về tay anh em ông Vĩnh Giu đã thành ngựa đắt tiền và gia đình vua Thành Thái có chuồng nuôi ngựa đua. Ông Vĩnh Giu kể, anh của ông là hoàng tử Vĩnh Chương đã sống bằng nghề đua ngựa.
“Trong một gia đình nghiêm khắc và tự chủ như vậy, nguyên nhân nào để anh em ông theo đạo Thiên Chúa?”- Tôi hỏi. Ông Vĩnh Giu trả lời, mười mấy anh chị em chỉ có ông Vĩnh Quỳnh và ông theo đạo Thiên Chúa mà thôi.
Ông Vĩnh Quỳnh làm linh mục và ông Vĩnh Giu theo anh trai học chữ ở trường dòng thuở nhỏ. Tuy nhiên, để ông Vĩnh Giu tin vào Chúa phải kể đến một tai nạn hút chết.
Lúc 15 tuổi, ông Vĩnh Giu theo bạn bè tập bơi ở một con sông nước chảy xiết, lòng sông có nhiều đá. Bơi ra giữa sông thì ông đuối sức, chìm dần, đám bạn thấy thế chạy đi gọi người lớn. Bất giác ông kêu “Chúa ơi” thì trước mặt xuất hiện một cái nón làm bằng bần, ông ôm lấy và nước đẩy đi.
Tỉnh dậy, ông thấy mình nằm bên bờ sông đang ôm một cục đá. Ông nghĩ Chúa đã nghe lời ông kêu mà cứu ông. Tôi chỉ hỏi, từ đó ông theo đạo Thiên Chúa? Chưa, ông trả lời, về nước năm 1947, năm 1954 vua cha Thành Thái mất thì năm 1955 ông mới làm lễ rửa tội.
Ông Vĩnh Giu lại nói, tôi theo mọi đạo răn dạy làm người, trong nhà cũng có thờ cúng tổ tiên lạy ông lạy bà chứ không cũ quá theo một tôn giáo. Rồi ông cười thật vui vẻ, thanh thản ở tuổi 84.
Tôi nhận ra một cách sống linh hoạt của người Việt Nam, gia đình nhà vua nhưng trong hoàn cảnh ngặt nghèo cũng tìm được cách thoát ra để tồn tại và phát triển.
Theo Vietbao.vn