Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Sunday, August 24, 2014

Margaret Thatcher, Một Nữ Chính Trị Gia, Một Cơ Đốc Nhân Yêu Chúa


Baroness Margaret Thatcher hưởng thọ 87 tuổi, từng là nhà lãnh đạo của những quan điểm mạnh mẽ và phần lớn những điều ấy bắt nguồn từ niềm tin Cơ Đốc. Bà là con gái của Alfred Roberts, một tôi tớ Chúa thuộc Hội Thánh Giám Lý, và quan điểm chính trị của bà được định hình cách đáng kể trong niềm tin Cơ Đốc. Hai yếu tố này hòa quyện vào nhau trong bài phát biểu đáng nhớ của bà vào năm 1988 tại Nhà thờ Scotland, những lời phát biểu đáng chú ý của vị chính trị gia giải thích tường tận sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nền tảng Cơ Đốc đối với quan điểm chính trị của bà. Bà đã bắt đầu bài diễn thuyết bằng việc nói với thính giả rằng, bà phát biểu “với tư cách là một Cơ Đốc Nhân cũng như là một chính trị gia” trước khi đi vào chia sẻ rằng Kinh Thánh đưa ra “cách nhìn của vụ trũ, quan điểm đúng đắn để làm việc và nguyên tắc để định hình đời sống kinh tế và xã hội”. “Chúng ta được nói phải làm việc và sử dụng khả năng của mình để tạo ra của cải vật chất.


 Sứ đồ Phao-lô cũng viết cho Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca rằng, ‘Nếu ai không muốn làm việc, thì cũng không nên ăn nữa’. Thật vậy, sự giàu có phong phú bắt nguồn từ chính bản chất của Đấng Tạo Hóa nghe có vẻ hợp lý hơn là sự nghèo nàn,” bà giải thích. Bà thêm vào: “Chúng ta tuyên xưng đức tin và đến nhà thờ không phải đơn giản vì những điều ích lợi, vì chúng ta muốn cải cách xã hội cùng các phúc lợi đi kèm, hay vì những tiêu chuẩn đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, mà bởi vì chúng ta tiếp nhận sự thiêng liêng trong cuộc sống Chúa ban tặng, trách nhiệm cùng sự tự do và sự hi sinh cao cả của Đức Chúa Jesus Christ. Trong bài phát biểu, bà tin chắc rằng trách nhiệm cá nhân là trung tâm của mọi hoạt động xã hội. “Bất kỳ thỏa thuận kinh tế, xã hội nào nếu không được thiết lập dựa trên trách nhiệm cá nhân đều chẳng làm được gì ngoài việc trở thành những mối nguy hại,” bà nói. Những ý tưởng trong bài diễn thuyết được phác thảo trước khi diễn ra sự kiện bầu cử Thủ Tướng Chính Phủ năm 1979. Viết trong tờ Daily Telegraph một năm trước kỳ bầu cử, bà đã nêu lên những hiểu biết của mình về mối quan hệ giữa cá nhân đối với cộng đồng. “Chúng ta hết thảy đều là các phần chi thể của nhau (và điều này) được thể hiện sống động nhất trong khái niệm Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ; từ đây chúng ta hiểu biết được tầm quan trọng của việc phụ thuộc lẫn nhau và phục vụ Chúa, phục vụ người khác của mỗi cá nhân,” bà viết. Baroness Thatcher death Baroness Margaret Thatcher là lãnh tụ Đảng Bảo thủ kiêm Thủ tướng Anh từ năm 1979 đến 1990 Bài phát biểu tại Nhà Thờ Scotland không những khẳng định lại sự soi dẫn của Chúa trong quan điểm chính trị của bà mà nó còn tỏ rõ niềm tin của bà rằng di sản đức tin của đất nước Anh đáng được bảo tồn. “Cơ Đốc Giáo cùng những nền tảng thuộc linh và chuẩn mực về đạo đức là một phần thiết yếu của di sản quốc gia,” bà nói trong đại hội. “Và tôi tin rằng đây cũng là ước nguyện đại đa số mọi người, muốn di sản này được giữ gìn và nuôi dưỡng. Niềm tin ấy chảy trong huyết quản chúng tôi qua hàng thế kỷ.” Một trong những câu nói nổi tiếng nhất dành cho các Cơ Đốc Nhân nói riêng cũng như cho mọi người nói chung mà bà phát biểu trên đường đi đến căn nhà số 10 phố Downing (dinh Thủ Tướng Anh) sau khi nhậm chức thủ tướng vào năm 1979 là câu nói dựa theo lời cầu nguyện của Thánh Francis: “Nơi nào có bất hòa, chúng ta có thể mang tới sự hòa hợp. Nơi nào có sai lầm, chúng ta có thể mang tới sự thật. Nơi nào có sự nghi ngờ, chúng ta có thể mang tới niềm tin. Và nơi nào có sự tuyệt vọng, chúng ta có thể mang tới hy vọng.” Thậm chí sau khi không còn đứng trên cương vị lãnh đạo, nền tảng Cơ Đốc trong quan điểm chính trị của bà vẫn không hề thay đổi.


 Trong cuốn sách Statecraft (Nghệ thuật quản lý nhà nước) xuất bản năm 2002 của mình, bà xác quyết niềm tin vào những giá trị Cơ Đốc: “Thực sự, tất cả triết lý chính trị của tôi đều đặt trên nền tảng ấy.” Phát biểu tại lễ tang của bà, giám đốc điều hành của Hiệp hội Cơ Đốc truyền thống, Colin Bloom nói, đức tin của Thatcher chiếu sáng qua đời sống của bà. Ông nói: “Người ta nói rằng, trong khi nhiều vị thủ tướng hoạt động như những cánh quạt của thời tiết, bà là tấm biển chỉ đường đáng tin cậy. Di sản bà để lại cho Vương Quốc Anh cùng cả thế giới nhiều không thể đếm được. Lịch sử sẽ cho thấy, trong vòng 60 năm qua, hơn bất kỳ một thủ tướng Anh nào khác, bà đã thay đổi thế giới trở nên tốt đẹp hơn.” “Bà ấy đặc biệt thích câu nói của John Wesley, người sáng lập Hội Thánh Giám Lý: ‘Kiếm được tất cả những gì bạn có thể, tiết kiệm tất cả những gì bạn có thể, ban cho tất cả những gì bạn có thể.’ Chúng tôi nghĩ đây có lẽ là câu nói thích hợp nên được ghi trên tấm bia kỷ niệm về bà. Nguyện những lời cầu nguyện và ao ước của chúng tôi ở cùng bạn bè và gia quyến của bà.”


Rất nhiều các giám mục, nhà lãnh đạo Cơ Đốc đã gửi đến Margaret Thatcher những lời tri ân; trong số đó có Chủ tịch Hội đồng Giám Lý, mục sư tiến sĩ Mark Wakelin. Ông nói: “Margaret Thatcher là một con người phức tạp, một nhân vật có tầm ảnh hưởng cực kỳ quan trọng và cũng gây nhiều tranh cãi trong thời kỳ hậu chiến tranh của nền chính trị Anh quốc. Bà đã đánh dấu một cột mốc quan trọng khi trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước Anh, và khoảng thời gian hoạt động của bà trên căn bản đã thay đổi bản chất của xã hội Anh, đặc biệt là mối quan hệ giữa mỗi cá nhân và nhà nước. Đối với nhiều người, bà là nhà lãnh đạo dũng cảm và đầy tâm huyết, một trong số những chính trị gia Anh quốc nổi tiếng nhất trên toàn thế giới - tinh thần trách nhiệm cá nhân trong niềm tin của bà khiến nhiều người phải khâm phục. Oneway.vn: Thật tạ ơn Chúa vì Chúa vẫn dùng nhiều người theo cách riêng của Ngài. Kinh thánh 1 Ti-mô-thê 2:1-3 có chép: “Vậy, trước hết mọi sự ta dặn rằng, phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, tạ ơn cho mọi người, cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền, để chúng ta được lấy điều nhân đức và thành thật mà ở đời cho bình tịnh yên ổn. Ấy là một sự lành và đẹp mắt Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa chúng ta.” Nguyện xin Chúa ban ơn, trí, sức để mỗi một chúng ta kết quả cho Chúa và sử dụng cuộc đời của mình làm Chúa vui lòng.

 Theo Christiantoday.com (Susie Turner) – Lêvi biên dịch
Nguônhttp:trungfg.blogspot.com