Lời Kinh Thánh
Monday, October 16, 2017
Ngôn Ngữ của Người Câm
Tôi xin kể 3 trường hợp mà tôi biết: - Một người bạn đồng nghiệp của tôi bị stroke, liệt nửa người bên phải và không thể nói được. Anh không diễn tả được ý muốn của mình nên thường tức giận và la hét. - Một bệnh nhân cao niên nằm tại viện dưỡng lão. Ông bị bệnh gì đó mà không thể thốt nên lời. Ông thường ra dấu bằng tay do ông tự đặt ra. Mọi người cố tìm hiểu ý ông qua các động tác này. Một hôm, người ta nhận ra ông hay đập vào mông các cô y tá. Mấy ngày liền ai cũng nghĩ ông này trở chứng thành “già dịch”. Vị bác sĩ khi được báo cáo bèn khám ông và phát giác ông này bị bón từ nhiều ngày. Không nói được, ông mới vỗ vào mông người khác để báo cho biết ông cần giúp đại tiện.
- Hai vợ chồng già mà tôi quen đều bị lảng tai nên không hiểu hoặc hiểu lầm ý của người kia nói, vì vậy thường có cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” hay “ông nói gà, bà nói vịt”. Ba trường hợp trên làm tôi nghĩ rằng học ngôn ngữ của người câm là rất hữu ích. Đây là thứ ngôn ngữ dùng tay ra dấu (Sign Language) theo quy ước để người khác (có học môn này) biết ý tưởng của mình. Còn được gọi là “ngôn ngữ ký hiệu” (NNKH). Người Hoa gọi là “thủ ngữ” 手語. Http://vi.wikipedia.org/wiki/ ghi nhận theo lịch sử, Linh Mục người Pháp, Charles-Michel de l'Épée, được coi là người khai sinh ra hệ thống ngôn ngữ ký hiệu Pháp. Webpage này viết: Thực ra, NNKH chính là cuộc sống, vì nó bắt nguồn từ cuộc sống. Dù có hay không nhận thức ra, nhưng chúng ta vẫn đã và đang sử dụng NNKH rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Khoa học đã chứng minh chúng ta truyền tải ngôn ngữ 70% thông qua các biện pháp không lời, tức là cử chỉ, điệu bộ, nét mặt…
Một biện pháp đơn giản để nhận ra tầm quan trọng của ngôn ngữ không lời là bạn hãy thử nói chuyện mà nhắm mắt vàhoàn toàn không cử động thân thể. Chỉ 30 phút thôi, bạn sẽ ngạc nhiên nhận thấy hiệu quả câu chuyện rất thấp. Chúng ta hoàn toàn mất phương hướng và khả năng phán đoán nếu không có các cử chỉ, điệu bộ, nét mắt của người đối thoại “hướng dẫn”, cũng như nếu không dùng tay chân thì hiệu quả truyền đạt cũng giảm hẳn. Bạn làm thế nào để diễn đạt tính từ “to lớn”? Có phải dùng 2 tay khoát một vòng tròn lớn trong không khí? Thế nếu ai đó giả bộ cầm micro đung đưa nhún nhảy trước miệng thì bạn nghĩ đến động từ gì? Có phải “hát” không? Bạn làm thế nào để biểu hiện đang “gõ cửa”? Có phải giả bộ gõ gõ vào một cái cửa không khí trước mặt không? Diễn tả động từ “ngủ” thì sao? Có phải áp tay lên má và nhắm mắt lại không?
Như thế, NNKH tràn ngập trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta có thể không nhận thức, nhưng nó vẫn tồn tại, phát triển và giúp cho cuộc sống tiện lợi, thoải mái hơn. Nói cách khác, chính những người bình thường “phát minh” ra NNKH, người câm điếc làm một việc là mô phỏng và hệ thống hóa tất cả lại thành một thứ ngôn ngữ của riêng họ. Ngôn ngữ ký hiệu của từng quốc gia, thậm chí là từng khu vực trong một quốc gia rất khác nhau. Điều đó là do mỗi quốc gia, khu vực có lịch sử, văn hóa, tập quán khác nhau nên ký hiệu để biểu thị sự vật hiện tượng cũng khác nhau. Một website giúp ích trong việc học NNKH ở Hoa Kỳ là: www.Aslpro.com, thử click vào “ASL for babies” để học những dấu hiệu căn bản cần thiết.
Click vào “video dictionaries”, chúng ta có thể học hằng ngàn ký hiệu cho đời sống đa dạng. Nên học để cải thiện khả năng truyền tải thông tin của mình. Một lần trong hội trường, tôi chứng kiến vợ chồng người bạn, mỗi người ở một góc phòng vì ngồi cùng nhóm bạn riêng của mình, dùng NNKH để “nói chuyện” với nhau rất thú vị. Sau đó, anh giải thích cho tôi hiểu là chị cho biết rằng chị bị nhức đầu quá, nếu anh không ra về sớm được, thì chị nhờ chị bạn tên M. đưa chị về. Gần đây, nhiều người thấy hứng thú học NNKH sau khi xem cô sinh viên ĐHN vừa hát bài “Tớ Xin Lỗi” vừa làm dấu hiệu cho người câm điếc. Muốn xem, các bạn có thể click vào (hoặc copy + paste): www.youtube.com/watch?v=TeMIqLFfFCo