Ung thư phổi
Ung thư (UT) phổi cướp sinh mang nhiều người, nhưng UT phổi vẫn bị hiểu sai rất nhiều.
UT phổi gây tử vong nhiều hơn các loại UT khác
UT phổi là bệnh gây tử vong phổ biến nhất ở cả nam và nữ. Mỗi năm, UTP cướp đi nhiều sinh mạng hơn tổng số tử vong vì UT đại tràng, UT vú và UT tiền liệt tuyến. Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, ước tính tỷ lệ sống sót 5 năm của các bệnh nhân bị UT đại tràng là 63%, UT vú là 88%, và UT tiền liệt tuyến là 99%.
10%-15% số bệnh nhân UT phổi không hút thuốc
Mặc dù người hút thuốc dễ bị UT phổi hơn người không hút thuốc, nhưng vẫn có nhiều bệnh nhân UT phổi không hề hút thuốc. Các nguy cơ khác gồm hút thuốc gián tiếp (hít khói) hoặc tiếp xúc với các chất gây UT như a-mi-ăng, khí radon hoặc thạch tín. Các nghiên cứu cho thấy rằng gia đình có người bị UT phổi thì những người trong gia đình có nguy cơ tăng. Các thành viên gia đình có thể “chia sẻ” các thói quen như hút thuốc, họ có thể sống trong môi trường chung có những chất gây UT, hoặc có thể họ có di truyền nên dễ bị bệnh hơn. UT phổi ở người không hút thuốc phổ biến ở phụ nữ hơn so với nam giới.
UT phổi thường thấy ở các nước phát triển
Mặc dù UT phổi xuất hiện ở khắp thế giới, nhưng dân ở các nước phát triển lại dễ bị bệnh này. Nhiều nguyên nhân góp phần vào điều này, trong đó có mức độ ô nhiễm và lối sống thụ động.
Chủng tộc và UT phổi
Nghiên cứu cho thấy rằng trong số những người hút thuốc, UT phổi thường thấy ở một số sắc tộc nào đó. Theo nghiên cứu được công bố hồi tháng 1-2006 trên tạp chí New England Journal Of Medicine, tỷ lệ bị UT phổi ở người Mỹ gốc Phi và người bản xứ Hawaii cao hơn 55% so với người da trắng. Nguy cơ đối với người Latin và người Mỹ gốc Nhật thấp hơn khoảng 50% so với người da trắng.
Khó chẩn đoán sớm UT phổi
Tỷ lệ tử vong cao về UT phổi vì nhiều bệnh nhân không được chẩn đoán sớm, khi biết thì bệnh đã nặng. Các triệu chứng đầu tiên có thể là ho dai dẳng, tức ngực, khó thở hoặc nhiễm trùng đường hô hấp kéo dài như viêm phổi hoặc viêm phế quản. Tuy nhiên, thường thì không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu của UT phổi.
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ MSN Health & Fitness)
Ung thư phổi tăng gấp đôi ở phụ nữ
Tỷ lệ ung thư (UT) phổi ở phụ nữ lớn tuổi đã tăng gấp đôi từ 30 năm qua.
Các chuyên gia nói bệnh này xảy ra ở những người hút thuốc từ thập niên 1970 đến thập niên 1980, nhiều người không bỏ được thói quen có hại này.
Tỷ lệ phụ nữ Anh từ 60 tuổi trở lên tăng từ 88 phần 100.000 năm 1975 tới 190 phần 100.000 năm 2008, và bây giờ vẫn khoảng như năm 2008.
Phụ nữ trên 80 tuổi có tỷ lệ cao nhất với 273 phần 100.000 năm 2008, gấp ba năm 1975, khi có tỷ lệ 84 phần 100.000.
Những người bị bệnh hầu hết hút thuốc từ độ tuổi 20, 30 hoặc 40 vì lúc đó thói quen hút thuốc được xã hội chấp nhận.
Năm 1975 có khoảng 50% số người lớn hút thuốc, nhưng tỷ lệ giảm dần chỉ còn khoảng 1/5 trong xã hội ngày nay.
UT phổi là nguyên nhân thứ nhì phổ biến ở phụ nữ, chỉ sau UT vú. Mỗi năm có khoảng 41.000 trường hợp UT phổi được phát hiện.
Gần 90% UT phổi là do hút thuốc, số còn lại do hút thuốc thụ động (hít khói thuốc), hoá chất a-mi-ăng và ô nhiễm không khí.
UT phổi là một trong các loại UT có tỷ lệ sống sót thấp nhất, hầu như khoảng 2/3 trường hợp được phát hiện đã ở giai đoạn cuối, lúc mà bất khả trị. Mỗi năm ở Anh có 35.000 trường hợp tử vong vì UT phổi, nghĩa là cứ 15 phút lại có một người chết.
Jean King, trưởng Trung tâm Nghiên cứu UT ở Anh, nói: “Con số này cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát thuốc lá và giúp người ta bỏ hút thuốc lá”.
Nước Anh sẽ là quốc gia đầu tiên ở Âu châu cấm bán thuốc lá. Úc cũng sẽ có luật tương tự vào năm 2012 và Bỉ cũng sẽ theo đường lối này.
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ Daily Mail)
Bệnh tim và Phụ nữ
Bệnh tim nguy hiểm hơn ở phụ nữ (PN), cố gắng ngăn ngừa là điều rất quan trọng đối với PN ở mọi lứa tuổi.
Năm mươi năm trước, các bài báo viết về PN và bệnh tim chủ yếu tập trung vào cách chăm sóc của chồng sau cơn đau tim. Ngày nay, điều đó nên xem lại. PN tử vong vì bệnh tim nhiều hơn đàn ông, và đó là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở PN, nhiều hơn cả ung thư vú (UTV): 1 trong 2 PN chết vì bệnh tim, nhưng chỉ có 1 trong 12 PN chết vì UTV.
Bệnh tim và đột quỵ nguy hiểm hơn và làm suy yếu hơn ở PN so với nam giới. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy sự khác biệt giữa hai giới tính về cách điều trị, sống sót và sống chung với bệnh tim mạch. So với nam giới, PN có nguy cơ:
+ Dễ có thể tử vong vì bệnh tim, đột qụy hoặc bị một bệnh khác sau khi hồi phục.
+ Dễ có thể tử vong sau khi phẫu thuật tim, và ít có thể hồi phục sức khoẻ sau khi phẫu thuật.
+ Dễ có thể bị truỵ tim sau cơn đau tim.
+ Dễ có thể nguy hiểm vì đột qụy nhiều hơn.
+ Dễ có thể bị hạn chế vì chứng đau thắt ngực nhiều hơn.
Ngoài ra PN khó có thể “điều chỉnh” bệnh tim nếu đã bắt đầu phát bệnh, vì PN có thể bị nhiễm trùng hoặc tổn thương xương, cho nên PN cần biết tại sao việc ngăn ngừa quan trọng hơn ở PN so với nam giới.
May thay, có một số điều PN có thể làm để ngăn ngừa bệnh tim, đột qụy và nhiều bệnh khác có căn nguyên từ động mạch nhiễm trùng và tích tụ cholesterol. Hiệp hội Tim Hoa kỳ đã thu thập các chiến lược ngừa bệnh đối với PN có nguy cơ cao, trung bình và thấp.
Bệnh tim không phân biệt giới tính. Ai cũng có thể bị bệnh ở mọi độ tuổi. Mỗi năm có hơn 80.000 PN Mỹ dưới 65 tuổi bị bệnh tim, và có khoảng 35.000 người tử vong vì bệnh tim hoặc đột quỵ.
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ AOL.com)
Xạ trị Ung thư
Xạ trị là gì?
Xạ trị là dùng liều lượng tia bức xạ cao để triệt tiêu tế bào ung thư (UT). Bức xạ tác hại chất di truyền của tế bào ở vùng được điều trị, làm tế bào đó không thể tiếp tục phát triển. Mặc dù bức xạ tác hại cả tế bào bình thường lẫn tế bào UT, thường thì các tế bào bình thường có thể tự điều chỉnh chức năng, còn tế bào UT thì không thể. Xạ trị được dùng để điều trị nhiều loại UT – như UT bàng quang, UT tiền liệt tuyến và UT tử cung.
Có các loại xạ trị nào?
Có 2 loại: xạ trị nội (brachytherapy) và xạ trị ngoại (teletherapy).
1. Xạ trị nội là đưa tia bức xạ trực tiếp vào hoặc gần khối u. Bức xạ sau đó được dời đi hoặc còn đó. Nguồn bức xạ có thể dời đi được đưa vào bằng kim hoặc ống nhỏ. Đôi khi bức xạ vẫn còn trong cơ thể. Trường hợp này, những hạt nhỏ chứa bức xạ được đưa vào khối u. Các hạt đó phóng tia bức xạ ở chỗ khối u qua vài ngày hoặc vài tuần, sau đó chúng không còn là bức xạ nữa.
2. Xạ trị ngoại là bắn tia bức xạ trực tiếp vào khối u. Sau khi xác định vùng UT, một hình xăm mực nhỏ được đánh dấu trên da cho biết vùng UT để có thể định vị đúng mỗi khi xạ trị. Nếu cần thì tập trung tia bức xạ vào tế bào UT và tránh các mô khoẻ ở gần đó. Xạ trị ngoại thường được làm nhiều lần, có thể 1 lần/ngày hoặc 5-6 ngày/tuần, và xạ trị trong vài tuần.
Xạ trị có phản ứng phụ?
Có. Thường thấy nhất là: mỏi mệt, rụng lông gần vùng được điều trị, sẫm da ở vùng tiếp xúc tia bức xạ. Nếu UT được điều trị ở bụng hoặc vùng xương chậu, có thể phản ứng phụ là buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, ăn không ngon, khó chịu ở bàng quang và ruột, tiểu gắt, khô âm đạo ở nữ giới và rối loạn cương cứng ở nam giới.
Xạ trị ruột thường gây buồn nôn, ói mửa và tiêu chảy khi đang điều trị hoặc ngay sau khi tiếp tục điều trị. Điều này có thể gây viêm nhiễm đường ruột, khiến bị tiêu chảy lâu. Nếu UT được xạ trị ở ngực, phản ứng có thể là: viêm họng, đau khi nuốt, ho, khó thở.
Nếu UT được xạ trị ở đầu hoặc cổ, phản ứng có thể là: viêm họng, đau miệng, khô miệng, da dày lên ở chỗ bắn tia bức xạ, giảm chức năng tuyến giáp.
Phản ứng phụ kéo dài bao lâu?
Thường thì phản ứng phụ hết sau khi điều trị xong, nhưng có thể không tránh khỏi khi đang điều trị. Phản ứng phụ kéo dài do xạ trị ở vùng xương chậu hoặc bụng là: rối loạn đường ruột, đau thắt bụng, thường mắc đại tiện hoặc tiêu chảy, xơ hoá âm hộ (vaginal fibrosis), da biến đổi.
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ health.msn.com)
Bí quyết đối đầu với hoá trị
Tác giả Jessie Gruman
Các thuốc được dùng để điều trị ung thư (UT) có thể kết quả khác nhau ở từng người. Thuốc có thể là phép mầu – chữa khỏi bệnh Hodgkin (UT gan, lá lách) – hoặc không khỏi. Nhiều người đi hoá trị mà sợ hãi, nhưng một số ít có thể dám… đối đầu với hoá trị.
1. Biết phản ứng phụ. Một số người muốn biết các dạng phản ưng phụ của hoá trị. Một số khác chỉ muốn biết tổng quát để không quá sợ. Cả 2 cách đều hợp lý. Hãy nói với bác sĩ bạn muốn gì. Nếu bạn gặp phản ứng phụ, bác sĩ sẽ có lời khuyên hợp lý giúp bạn giảm bớt khó chịu.
2. Xử trí điều bất khả tiên báo. Phản ứng với hoá trị không thể đoán trước. Hôm nay có thể bạn khoẻ, nhưng hôm sau có thể bạn mệt mỏi. Cách điều trị tháng trước có vẻ như không hiệu quả. Hãy nhớ rằng bạn đang được y học can thiệp mạnh và điều đó hợp lý nếu bạn không thể làm gì hơn. Hãy nhắc nhở người khác rằng bạn không khỏe nhất vào lúc này.
3. Thích nghi. Một số người quyết tâm áp dụng chế độ ăn uống mới hoặc chế độ tập thể dục khi bắt đầu điều trị. Nhưng hoá trị có thể ảnh hưởng cả việc ăn uống và hoạt động thể lý: Có thể bạn ăn không ngon, thấy buồn nôn, hoặc không muốn ăn. Dù sao cũng phải cố gắng ăn uống cân bằng. Hãy ăn từng ít một và di chuyển từ từ, và cố gắng ngủ nhiều.
4. Đối đầu với nỗi buồn. Nhiều bệnh nhân vẫn bị “sốc” khi phải hoá trị. Nản chí và thất vọng làm lòng bạn nặng trĩu nhiều ngày. Có thể hữu ích nếu bạn viết ra những cảm xúc này hoặc nói chuyện với người khác. Nếu bạn sợ nỗi buồn của bạn làm người thân hoang mang, hãy tâm sự với người bạn tri kỷ hoặc một người bạn tin tưởng. Nhưng nếu bạn thấy nỗi buồn không nguôi, bạn có thể nói với bác sĩ có kinh nghiệm hoá trị cho người khác.
5. Tìm nguồn động viên. Gia đình và bạn bè có thể là nguồn động viên lớn. Nhưng đôi khi có thể bạn cảm thấy quá cô đơn khiến bạn không cần ai hiểu mình. May thay, có nhiều cách kết nối với những người khác đã có kinh nghiệm tương tự. Báo chí, đài phát thanh và truyền hình kể rất nhiều người bị UT nhưng đã vượt qua và bình thường. Các tổng đài tư vấn cũng là nguồn động viên cho những bệnh nhân. Trước tiên hãy cố gắng hết sức, dù thất vọng cũng đừng bao giờ tuyệt vọng. Tự giúp mình rồi trời sẽ giúp!
6. Kiên nhẫn. Hoá trị có thể ảnh hưởng cách suy nghĩ, cảm xúc và nghị lực của bạn. Đa số hiệu nghiệm cấp thời của thuốc sẽ qua mau trong vài giờ hoặc vài ngày, nhưng sự mệt mỏi và sự mơ hồ tâm thần thường xuất hiện, làm cho bạn khó lấy lại cách sinh hoạt bình thường. Điều này có thể làm bạn nản chí sờn lòng. Hãy kiên nhẫn. Đa số những người có các triệu chứng này đều giảm bớt theo thời gian.
7. Giải khuây. Khi hóa trị khiến bạn cảm thấy khó chịu trong người, hãy nghĩ lại: Trước đây, điều gì khiến tôi khuây khoả? Viết lách hay cầu nguyện? Đọc sách báo, nghe nhạc hay xem tivi? Hoá trị mới lạ đối với bạn, nhưng bạn có kinh nghiệm vượt qua hòan cảnh khó khăn. Bạn biết rõ điều gì tác dụng với mình. Hãy cố gắng tìm những khỏanh khắc bình an để thanh thản tâm hồn.
Hoá trị thường “co rút” thế giới đối với cơ thể, liệu pháp và nỗi đau. Nhưng mỗi chúng ta còn hơn cả bệnh tật. Cuộc đời chúng ta thay đổi nhiều, nhưng kinh nghiệm vẫn còn. Mục đích của chúng ta là áp dụng từng bước, dù dài hay ngắn, để bước đi từng ngày với những gì chúng ta cần – tình yêu thương, sự nâng đỡ, sự xứng đáng, tính nhân bản…
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ)
5 cách giúp bệnh nhân ung thư
Những người thích tôi đã làm cho mỗi lần chẩn đoán ung thư (UT) của tôi trở nên dễ chịu hơn. Họ giúp tôi hiểu thông tin y học phức tạp khi tôi quá lo lắng mà không nghĩ ra. Họ lắng nghe những băn khoăn của tôi, làm những việc vặt giúp tôi khi tôi quá mệt mỏi không di chuyển được, và làm cho tôi quên đau đớn bằng những câu chuyện khôi hài. Hằng trăm người kể tôi nghe về gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của họ đã giúp tôi vượt qua những thử thách do bệnh tật. Đây là vài cách mà bạn có thể thực hiện:
1. Nhận biết tình trạng. Khi bạn biết chúng tôi bị UT và không nói gì về bệnh, chúng tôi cảm thấy bị xa cách và cô độc. Một số người, ngay cả các thành viên gia đình, không thoải mái nói gì đó. Họ sợ nói ra những điều quá riêng tư hoặc sợ làm chúng tôi buồn tủi. Hãy tin điều tôi nói: Sự im lặng còn làm chúng tôi khổ hơn nhiều. Hãy nói: “Tôi nghe nói bạn có nỗi buồn. Tôi cũng buồn lắm. Tôi hy vọng mọi sự tốt đẹp cho bạn”. Như vậy rất có ý nghĩa.
2. Hãy giúp đỡ nếu có thể. Khi người ta nghe tin chúng tôi bị UT, nhiều người nói sẽ làm mọi thứ để giúp đỡ. Đó là một cách phản ứng, vì chúng tôi thực sự cần giúp đỡ thường xuyên, nhưng chúng tôi thấy ngại nhờ vả. Có thể là chúng tôi quá căng thẳng nên không biết mình cần gì. Một số người cần giúp đỡ ít lúc đầu nhưng cần giúp đỡ nhiều trong quá trình điều trị. Nếu muốn giúp đỡ, hãy nói: “Tôi đem cơm cho bạn vào thứ Sáu nhé” hoặc “Tôi đưa bạn đi hoá trị theo hẹn của bác sĩ nhé”. Chúng tôi lệ thuộc vào người khác. Đôi khi chỉ cần vừa uống trà vừa nói chuyện hoặc lặng lẽ nắm tay chúng tôi, đó là điều chúng tôi luôn cần. Hãy tế nhị và khéo léo, đừng phê phán và chỉ trích...
3. Lắng nghe. Cuộc sống không cho phép chúng ta tuyệt vọng, luôn phải tích cực và hy vọng. Nhưng nhiều người bị UT lưỡng lự giữa hy vọng và sợ hãi, giữa lạc quan và tuyệt vọng. Một đàn ông nói với tôi về việc gặp hai vợ chồng trên đường đi hoá trị cho người vợ bị UT vú. Người đàn ông kia hỏi họ thấy thế nào thì người chồng nói: “Cô ấy không sao, cô ấy sẽ khoẻ lại”. Người vợ quay sang nói với người chồng: “Anh luôn nói vậy, và đêm anh đi ngủ. Em nằm đó, rất lo sợ và buồn. Em không có ai để nói chuyện”. Chúng ta cần lắng nghe và chia sẻ với bệnh nhân.
4. Hy vọng là tặng vật. Chúng tôi không cảm thấy hy vọng dù vẫn biết rất cần hy vọng. Khi người ta khuyên hãy hy vọng, lạc quan và tích cực, chúng tôi vẫn cảm thấy thất vọng lắm. Hãy nâng đỡ chúng tôi với gánh nặng bệnh tật.
5. Xác định sự xứng đáng. Bị UT và việc điều trị thường làm chúng tôi cảm thấy yếu đuối vì thể bệnh và kéo theo tâm bệnh, cảm thấy không có gì chia sẻ với người thân. Hãy tỏ ra cho chúng tôi biết chúng tôi vẫn được yêu thương, vẫn hữu ích chứ không phải là “bỏ đi”, chúng tôi muốn biết mình vẫn xứng đáng.
Một số người nói rằng bị UT như người leo lên núi cao. Dù bạn yêu thương bệnh nhân thế nào thì bạn cũng không thể leo dùm. Nhưng bạn có thể chắc chắn rằng chúng tôi có thực phẩm bổ dưỡng. Bạn có thể giúp chúng tôi tìm ra dấu chỉ đường và giúp đỡ nếu chúng tôi nghiêng ngả. Khi chúng tôi sa sút tinh thần thì sự kiên nhẫn, tình thương và sự tôn trọng của bạn khả dĩ động viên chúng tôi cố gắng bước tiếp, bước tiếp…
Trầm Thiên Thu (Chuyển ngữ từ Tạp chí PARADE)
7 cách giảm nguy cơ ung thư
Không ai biết trước điều gì sẽ xảy đến, nhưng điều bạn khả dĩ biết là những thay đổi nhỏ trong cách sống có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư (UT). Hãy thực hiện ngay 7 điều này:
1. Không dùng thuốc hút, hít, nhai. Các loại thuốc lá có thể khiến bạn bị UT. Không hút, không nhai, không sử dụng thuốc, nếu đang sử dụng thì bỏ ngay. Đó là một quyết định quan trọng và là phần quan trọng trong việc ngăn ngừa UT.
+ Hút thuốc liên quan các loại UT: Bàng quang, cổ tử cung, thực quản, thận, môi, miệng, phổi, họng, tụy, thanh quản.
+ Nhai thuốc liên quan các loại UT: Thực quản, miệng, tụy, họng.
+ Hít thuốc liên quan các loại UT: Thực quản, miệng. Nếu bạn không hút thuốc, hãy tránh xa khói thuốc, vì người khác hút thuốc ở gần bạn thì bạn cũng tăng nguy cơ UT phổi.
2. Ăn thực phẩm lành mạnh. Dù chọn mua các thực phẩm tốt nhưng cũng không thể bảo đảm bạn không bị UT, nhưng có thể giúp giảm nguy cơ. Hội UT Hoa kỳ khuyên:
+ Ăn nhiều đồ thực vật. Mỗi ngày ăn 5 khẩu phần trái cây và rau, đồng thời ăn các thực phẩm làm từ thực vật như các loại hạt và đậu. Thay thế thực phẩm giàu calo bằng trái cây và rau đậu có thể giúp giảm cân và duy trì thể trọng hợp lý. Ăn nhiều trái cây và rau đậu có thể giúp giảm UT đại tràng, UT thực quản, UT phổi và UT dạ dày.
+ Hạn chế chất béo. Ăn các thực phẩm nhiều nạc và ít chất béo động vật. Ăn nhiều chất béo có thể tăng cân hoặc béo phì, nghĩa là nguy cơ UT cũng tăng.
+ Uống rượu vừa phải, không uống càng tốt. Rượu bia gây nguy cơ nhiều loại UT như miệng, họng, thực quản, thận, gan và vú. Nguy cơ tăng nếu bạn uống rượu bia nhiều hoặc uống thường xuyên. Dù chỉ uống mỗi ngày 1 hay 2 ly thì nguy cơ UT cũng tăng.
3. Sống tích cực và giữ thể trọng hợp lý. Duy trì thể trọng hợp lý và tập thể dục đều đặn là điều quan trọng trong việc ngăn ngừa UT. Thừa cân hoặc béo phì có thể tăng nguy cơ UT vú, đại tràng, thực quản, thận, dạ dày và tử cung. Vận động thể lý giúp tránh béo phì và giảm nguy cơ UT vú, đại tràng, tuyến tiền liệt và tử cung. Cố gắng vận động mỗi ngày 30 phút. Càng có thói quen vận động càng giảm nguy cơ UT. Tập thể dục là điều rất quan trọng.
4. Tránh ánh nắng. UT da là một trong các loại UT phổ biến nhất, và cũng là loại dễ ngăn ngừa nhất. Dù tiếp xúc nhiều với tia X hoặc các hóa chất nào đó có thể là tác nhân chính, việc tiếp xúc ánh nắng vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất gây UT da. UT da có thể ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể như mặt, tay, tai… Hầu như UT da có thể điều trị nếu được phát hiện sớm. Để ngăn ngừa UT da, hãy làm mấy điều này:
+ Tránh nắng gắt. Tia cực tím (UV) độc hại nhất trong khỏang 10 giờ đến 16 giờ. Hạn chế ra nắng vào thời gian này. Nếu phải ra ngoài, hãy che mát, hạn chế tiếp xúc ánh nắng.
+ Kem chống nắng. Dùng kem chống nắng có độ SPF tối thiểu là 15. Không dùng loại mỹ phẩm làm sạm da vì nó có thể làm hư da.
5. Giữ miễn nhiễm. Một số loại UT liên quan nhiễm trùng mà bạn có thể ngăn ngừa. Hãy tham vấn bác sĩ về việc chủng ngừa 2 loại này:
+ Siêu vi B. Viêm gan siêu vi B có thể làm tăng nguy cơ phát triển UT gan. Tại Hoa Kỳ, việc tiêm phòng vắcxin được khuyến khích đối với các trẻ sơ sinh. Một số người lớn có nguy cơ mắc bệnh cao cũng cần được tiêm phòng.
+ Human papillomavirus (HPV). HPV là một loại virút lây qua đường tình dục có thể dẫn đến UT cổ tử cung. Thuốc phòng ngừa để bảo vệ chống lại 2 loại virút HPV gây UT được khuyến khích tiêm phòng cho các bé gái tuổi từ 12-14. Ngoài ra, các Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa bệnh khuyên nên tiêm phòng ngừa HPV cho các bé gái và phụ nữ tuổi từ 13-26, những người chưa hoàn tất đầy đủ loạt tiêm phòng. Hãy nói với bác sĩ việc bạn muốn chủng ngừa để giảm nguy cơ UT.
6. Tránh nguy cơ. Làm giảm nguy cơ vài loại UT nào đó bằng cách tránh các động thái gây nhiễm trùng mà có thể bị UT. Virus lây nhiễm qua đường tình dục hoặc kim tiêm gồm:
+ HPV. HPV dễ gây UT cổ tử cung nhất. Nhưng HPV cũng có thể làm tăng nguy cơ UT hậu môn, dương vật, âm hộ, âm đạo và họng. Tình dục bừa bãi dễ bị HPV nhất.
+ HIV. Người nhiễm HIV hoặc AIDS có nguy cơ cao bị UT hậu môn, cổ tử cung, gan, bạch cầu và bướu thịt Kaposi. Người mại dâm và chích ma túy dễ nhiễm HIV.
+ Siêu vi B và C. Nhiễm siêu vi B và C mãn tính có thể tăng nguy cơ UT gan. Cả 2 loại đều có thể lây qua đường tình dục và tiêm chích. Hãy tránh các động thái gây nguy cơ để ngăn ngừa.
7. Chụp phim. Chụp phim và tự khám đối với một số UT cũng không thể ngăn ngừa UT, nhưng có thể phát hiện sớm để điều trị hiệu quả. Nếu là nam, nên xét nghiệm tuyến tiền liệt và tinh hoàn. Nếu là nữ, nên xét nghiệm ngực và cổ tử cung. Hãy lưu ý những biến đổi khác thường của cơ thể, nhờ đó mà khả dĩ phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Trầm Thiên Thu (Chuyển ngữ từ MayoClinic.com)
Cholestrrol làm giảm nguy cơ ung thư
Nghiên cứu cho thấy việc làm tăng mức cholesterol “tốt” (HDL cholesterol) có thể làm giảm nguy cơ ung thư (UT) ruột. Các nhà nghiên cứu tổng hợp các dữ liệu của 520.000 người từ chương trình Nghiên cứu Tương lai Âu châu về UT và Dinh dưỡng (EPIC, European Prospective Investigation into Cancer and Nutrition) trong 10 năm. Các mẫu máu lấy của 1.200 người bị UT ruột và 1.200 khoẻ mạnh.
Họ thấy các mẫu máu có mức cholesterol “tốt” cao nhất và chất béo trong máu gọi là apolipoprotein A (apoA) thì mức nguy cơ UT ruột thấp nhất. Mỗi mức tăng 16,6 mg/dl về cholesterol “tốt” làm giảm 22% nguy cơ, và 32 mg/dl về apoA làm giảm 18% nguy cơ.
Bỏ hút thuốc, giảm cân và tập thể dục cũng làm tăng mức cholesterol “tốt”.
Viễn Đông (chuyển ngữ từ Express.co.uk)