Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Tuesday, August 30, 2011

VỀ GIAI THOẠI “CÂY ĐÈN TREO NGƯỢC…”


VỀ GIAI THOẠI “CÂY ĐÈN TREO NGƯỢC…”



LCV - Trong lịch sử Việt Nam xuất hiện khá nhiều giai thoại có tính lịch sử. Đó là những tập truyền, là lời truyền khẩu về một câu chuyện đã xảy ra từ trước, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác rồi dần dần in sâu vào tâm trí mọi người, cuối cùng cũng được ai đó ghi lại bằng văn tự.

Điều đó làm cho tập truyền đáng tin hơn và khi đọc nó, người đọc không cần phải kiểm chứng xem điều đó có thật hay không. Ở đây chúng tôi muốn đề cập đến một giai thoại đã được lưu truyền theo kiểu như thế. Câu chuyện liên quan đến chuyến đi Pháp của sứ bộ của nhà Nguyễn vào năm 1863 do Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khách Đản dẫn đầu.

Cách đây 66 năm, trên tờ tap chí Trung Bắc Chủ Nhật, số ra ngày 17.10.1943, nhà văn Đào Trinh Nhất (1950-1951), người chuyên viết về lịch sử, ký sự, đã có bài báo đề cập đến đoàn Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ sau khi đi Pháp về đã kể những “chuyện lạ nước ngoài” như:
Đèn thắp không dầu, ngọn lửa chúc xuống (đèn điện), giếng nước vọt lên cao (nước phun trong công viên) v.v." Vua kinh dị giao cho đình thần bàn. Các quan bàn xong tâu:

“Quy luật tự nhiên là nước chẩy xuống, lửa bốc lên cao, trái lại là nghịch thường, không đúng sự thật. Bọn Phan Thanh Giản bị họ bầy trò quỷ thuật làm cho quáng mắt”. (theo Trung Bắc Chủ Nhật, 17.0.1943).

Để tìm hiểu về những điều nhà văn Đào Trinh Nhất đã thuật, mà còn đến hiện nay, nhiều người tin rằng nó có thật (vì có lý!), ta thủ đọc một phần nội dung tập Tây Hành Nhật Ký (Nhật ký đi Tây – NKĐT) do Phạm Phú Thứ viết, Phan Thanh Giản và Ngụy Khắc Đản duyệt lại.

Nội dung nhật ký ghi chép việc từng ngày trong chuyến công du sang châu Âu. Đoàn khởi hành ngày 27.6.1863 trên chiếc tàu Européen, đi qua Poulu Con-dor, Tân-ga-ba (Singapore), Sumatra, Tích-Lan, Aden, Ai-Cập, Jérusalem, La-Mã, Corse… Ngày 13.9.1863 đến Paris sau khi qua Toulon và Marseille. Ngày mồng 5.11.1863 phái đoàn vào triều kiến hoàng đế Napoléon III ở điện Tuileries.

Từ 10.11.1863 đến 22.11.1863 đi thăm Tây-Ban Nha rồi lên đường về, qua Ý-Đại-Lợi. Ngày 2.12.1863, Trương Vĩnh Ký (thông ngôn của sứ bộ) yết kiến Giáo hoàng ở Roma. Ngày 18.3.1864 phái đoàn về tớ Sài Gòn, 28.3 đến Huế, ba hôm sau Phạm Phú Thứ dâng Tây Hành Nhật Ký lên vua tự Đức.

Trong nhật ký này, tác giả ghi chép rất tỉ mỉ những điều mắt thấy tai nghe từng ngày từng giờ. Tuy chuyến du chỉ gần 9 tháng, nhưng tập sách cho ta một cái nhìn khá đầy đủ về cả địa lý, chính trị, kinh tế, tôn giáo, phong tục. Những nơi đoàn đã đi qua. Bản thân Phạm Phú Thứ không theo tây học, nhưng nhật ký của ông tường tận không khác gì một người theo Tây học. Có lẽ ông là người duy nhất đã thực hiện đúng ý muốn của Minh Mạng. Ngay từ năm 1823, nhà vua đã phán: “Các bản nhật về việc đi sứ chỉ thấy ghi tên đất và số dặm đường, còn tình hình dân, công việc nước không từng nới đến. Sắc cho Bộ Lễ từ nay truyền chỉ cho sứ thần phải hỏi han dân tình được sung sướng hay bị đau khổ, trong nước có tai biến hay có điềm lành thì ghi chép rõ ràng, có tên đất, số dặm đường đã có trong sách, có thể khảo cứu được” (Theo Minh Mạng chính yếu, sđd, tr 56)

Chúng tôi trích một vài đoạn có liên quan đến giai thoai lịch sử nói trên:
Trong thời gian ở Pháp, sứ bộ cư trú tại khách sạn Marseille, nhật ký mô tả: “Quán bảy tầng, gồm có trăm phòng, bàn ghế, màn trướng phần lớn đều dùng gấm, đoạn để trang trí. Ban đêm thắp đèn khí sáng hơn đèn dầu hoặc đèn nến (có nhà máy khí, lấy than đốt thành khí rồi chứa lại để bán khắp nơi); cây đèn ở các nhà đều trống ở giữa và thông ngầm với ống sắt; ống sắt dẫn khí phân phối cho các nơi để thắp đèn; ngọn đèn nhỏ, nhưng ánh sáng trắng nhơ ngọc). Người phục dịch trong quán có hơn sáu chục, chia nhau làm đủ mọi việc phục vụ cung cấp…” (NKĐT, sđ, tr 130)
Mô tả quan cảnh đèn đường có đoạn:
“Ngày mồng sáu… Đêm ấy, giờ Tuất, người ta lại mời ra đường xem đèn: hai bên vệ đường, trồng cách khoảng liên tiếp những cột sắt (cột cách nhau ba hoặc bốn tượng cao năm, sáu thước), trên cột mắc đèn pha lê thắp bằng khí đốt. Ở các cửa hàng buôn bán, mỗi gian đều có đèn treo thắp sáng; phía trong cửa kính, bày la liệt các thứ hàng. Có nơi ở ngoài sân, người ta làm những ống sắt cong và đặt lên trên giá gỗ. Người ta cũng bắt ống pha lê để làm những biển hiệu ngoài cổng, có khi người ta lại đặt ngang trên cổng những ông pha lê để hơi bốc cháy…” (NKĐT, sđd, tr 148)

Đề cập đến cảnh phun nước trong công viên, nhật ký viết:
“Đường sá bằng phẳng như đá mài (…) Nơi nào cũng có bồn hoa; trong thành cũng như ngoài thành điều có vườn hoa: cứ vài dãy phố thì chừa một khoảnh đất để trồng cỏ có hoa và đặt máy phun nước, bên cạnh bày ghế dựa và ghế dài, người ta nói ở những nơi đông người, phải có chỗ du ngoạn để cho nơi đó được thoáng khí…” (sđd, tr 142)
(Trong một đoạn khác, Phạm Phú Thứ cũng tỏ ra rất hiểu kỹ thuật chụp và rửa ảnh của người Pháp, mặc dù lúc đó lần đầu tiên họ được chụp hình!)

Qua những đoạn trích trên, ta thấy Phạm Phú Thứ là những người rất am hiểu những cảnh tượng mà ông đã trông thấy tại Pháp. Ông biết sở dĩ đèn chiếu sáng được là do khí đốt, một loại khí chế tạo từ than đá chỉ được phát minh từ cuối thế kỷ XVIII ở châu Âu, mà trong sách ông ghi lại bằng tên gọi “khí đăng”.

Về cảnh nước phun ngược tại các công viên, ông cũng chép lại rất rõ là họ đã đặt máy phun nước.
Cũng cần phải nói thêm, giai thoại trên kể rằng, phái đoàn đã thấy đã mô tả cây đèn treo ngược, tức là cây đèn bóng tròn phát sáng bằng sợi dây tóc, tiếc rằng tác giả “sáng tác” trong giai thoại trên đã quên một điều rất quan trọng: khi sứ bộ sang Pháp (1863-1864) thì nhà vật lý Thomas Edison (1947-1931) chỉ có 16 tuổi, phải đợi thêm 16 năm nữa (1879) Edison mới sáng chế ra bóng đèn điện!

Còn chuyện “ngược đời” nước phun lên từ đất thì như đã dẫn ở trên, Phạm Phú Thứ đã khẳng định là do có máy phun nước, hơn nữa ta cần lưu ý một điều là kể từ đời Khang Hy (1662-1729), nghĩa là gần 200 năm trước, Trung Quốc đã có những bể phun nước phun trong ngự viên do các giáo sĩ phương tây kiến tạo, và suốt từ cuối thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19, sứ thần nước ta vẫn thường đi sứ Trung Quốc, chẳng lẽ không một ai thấy nước phun, phải đợi phái đoàn Phan Thanh Giản sang Tây mới biết?!
Ai cũng biết Phạm Phú Thứ là một trong những nhân vật chủ trương cách tân dưới thời nhà Nguyễn, là người rất say mê khoa học kỹ thuật. Trong phần giới thiệu tiểu sử của ông, dịch giả Quang Uyển đã cho biết:
“Khoa hoc kỹ thuật đã trở thành nguồn cảm hứng dồi dào, tạo ra nét độc đáo trong thơ ông, thổi một luồng sinh khí mới vào văn chương nước nhà nửa sau thế kỷ XIX” (NKĐT, tr 38). Trong thời gian từ năm 1874 đến 1880, khi giữ chức Thự Tổng đốc Hải Yên kiêm Tổng lý Thương chính đại thần, ông đã thực hiện được một số cải cách như mở trường dạy chữ Tây cho Nha Thương chính Hải Thương chính Hải Dương, mỗi tháng cấp một quan tiền và một phương gạo cho cho những người đi học. Đồng thời, ông cho dựng lại nhà xuất bản Hải Học Đường (có từ đời Gia Long nhưng đã đóng cửa); cho in lại một số sách dịch sang chữ Hán về khoa học và kỹ thuật do các giáo sĩ phương Tây viết như: Bác vật tân biên (về khoa học); Khai môi yếu pháp(khai mỏ); Hàng hải kim châm(cách đi biển); Vạn quốc pháp (giao dịch với ngoại quốc)

Sách Đại Nam Thực Lực chép:
“Tháng 5 nhuận, 1876, Nha Thương chính Hải Dương dịch Phép diễn tập súng Tây dân lên”.
Tự ông đã dịch Từng chính di quy về kinh nghiệm quản lý hành chính và dự tính cho in những sách: Địa cầu thuyết lược; Cách vật nhập môn… Ngoài Tây Hành Nhật Ký có:  Giá Viên Toàn Tập (gồm 26 quyển, một nửa là thơ chữ Hán, phần còn lại là phú, biểu, luận, ký, minh… đề cập nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học, kỹ thuật, hành chính…) Tây Phù Thi Thảo, Liệt triều thông hệ nên phả toản yếu, Bắc quốc lịch triều thông hệ niên thứ, Bản triều liệt thánh sơ lược toát yếu.

Tất cả những điều đó cho thấy, không riêng gì Phạm Phú Thứ mà có lẽ đối với triều đình Huế lúc đó, việc người châu Âu sử dụng đèn khí đốt cũng như đặt máy phun nước tại các công viên không có gì là “ghê gớm” cả, thế nhưng triều đình (cũng gồm những vị quan đồng thời được đào tạo như ông) cho là phái đoàn đã bị người Pháp “bày trò quỷ thuật làm cho quáng mắt”!

Bàn về sự sai lạc của giai thoại, trong tập “Phương pháp sử” LM Nguyễn Phương đã viết như sau:
“Tập truyền thường sai lạc bằng những cách sau đây:
Hoặc vì phóng đại tô điểm một nhân vật cho thành một người siêu phàm, hay là vẽ vời một sự việc cho có màu sắc huyền bí;
Hoặc là vì tập trung những nét thâu thập được ở nhiều người để dồn vào trên một người, hay là ở nhiều chuyện để đúc lại thành một chuyện;
Hoặc là lẫn lộn, đem những nét của đời sống người này ghép vào đời sống người khác, hay là những chi tiết của chuyện này đặt vào nội dung chuyện khác;
Hoặc là vì trước không có mà sau thêm vào, như khi đã cho một người là anh hùng thì bất cứ gì cũng nghĩ rằng vị anh hùng đó có thể làm được tất cả;
Hoặc là vì giải thích cho có lý, như khi cắt nghĩa tên của chính vị anh hùng hay là các địa danh khác hiểu…” (Phương pháp sử, sđđ. Tr 137);

Đó là những lý do giải thích vì sao phần lớn nội dung của các giai thoại đều trở nên sai lạc.
Giai thoại lịch sử thường hay được kể lại để làm tăng thêm “sự hấp dẫn” liên quan đến một sự kiện lịch sử nào đó, nhưng khi sử dụng cũng cần cẩn thận, vì hầu hết được tạo ra không dựa trên một nền tảng hoặc một cơ sở khoa học nào…