Ý Nghĩa của Ðời Sống
“Người sống như một đống vàng” là một trong những câu nói mà người Việt thường dùng để đề cao giá trị quý báu vô cùng của đời sống chúng ta, giàu cũng như nghèo. Chúng ta có thể sống đến trăm năm nhưng ngoảnh lại, nhiều người lại than “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy!” Có một câu chuyện khoa học giả tưởng nói đến một cuộc sống trong tương lai khi y học tiến bộ đến mức có thể ngăn ngừa tất cả các chứng bệnh và người ta có thể sống mãi mãi, không chết.
Có một câu chuyện khoa học giả tưởng nói đến một cuộc sống trong tương lai khi y học tiến bộ đến mức có thể ngăn ngừa tất cả các chứng bệnh và người ta có thể sống mãi mãi, không chết. Nhưng tác giả của chuyện này lại cho là con người lúc ấy không muốn sống đến muôn đời, nhiều người tự hủy mình đi vì chán nản.
Ðời sống của những cây cỏ, sinh vật chung quanh chúng ta dài hay ngắn tùy theo loài. Từ những cây cổ thụ sống hằng ngàn năm, đến các giống ruồi, ve sầu hay các vi sinh vật khác, chúng chỉ sống được vài tuần, vài ngày hoặc vài giờ mà thôi. Trong những giây phút quý giá và ngắn ngủi của cuộc sống đó, các sinh vật này cũng phải trải qua các giai đoạn tăng trưởng, sinh nở, già yếu và cuối cùng là sự chết như chúng ta. Khi nhìn vào một giọt nước hồ ao qua kính hiển vi, chúng ta có thể thấy những sinh vật li ti chạy qua chạy lại, lăng xăng đây đó dường như không có mục tiêu chi hết, tuy vậy các nhà sinh vật học cũng có thể chứng minh rằng những sinh vật này, dầu là đơn bào, nhỏ bé, cũng có khả năng di chuyển và chúng nó thường tìm đến những môi trường có nhiều thức ăn và lại lánh xa những nơi có hại cho đời sống. Có lẽ chúng nó cũng “vui” trong những hoàn cảnh thuận lợi và “buồn” hay “lo sợ” khi phải đương đầu với tình trạng khó khăn, nguy hiểm như chúng ta không chừng.
Trong cuộc sống, hầu hết chúng ta đều muốn tìm mọi cách để làm cho mình hưỡng được một đời sống dài hơn, tốt đẹp hơn bằng cách ăn ngủ điều độ, vận động, tập thể thao, đi khám bác sĩ để chữa bệnh, để ngừa bệnh... Hiện nay có nhiều người ký giao kèo với những công ty chuyên giữ xác chết nơi cực lạnh với hy vọng trong tương lai, khi khoa học tiến bộ đến mức có thể làm cho những “xác chết” này sống lại và chữa các bệnh tật hay nguyên nhân đã làm cho họ qua đời. Vì thế những người nầy có thể hưởng được thêm một đời sống nữa, trong xã hội văn minh gấp bội, giống như mơ ước của các vua chúa Ai Cập thuở xưa khi họ ướp xác mình với sự tin tưởng rằng họ sẽ sống lại trong tương lai. Thử hỏi nếu những người này được sống lại, họ sẽ nghĩ gì về xã hội mới? Vì chúng ta không biết được tương lai nên không thể tìm hiểu được phản ứng của người bây giờ về sự sống lại của họ vài chục năm sau hay vài trăm năm sau, nhưng chúng ta có thể đoán được tình trạng của những vua chúa Ai Cập nếu họ được sống lại trong xã hội ngày nay: Trước hết những “vì vua” này phải biết là họ không còn ngai vàng, kẻ hầu người hạ, quân binh kỵ mã như thuở trước nữa. Ngôn ngữ, tôn giáo cũng khác lạ, tiền bạc cũng không, vàng bạc ngọc ngà đã bị cướp mất hết... Chắc có lẽ là họ sẽ đổi ý và cho là chết đi thì tốt hơn!
Cũng có người muốn làm cho đời sống mình có nhiều ý nghĩa hơn bằng cách bõ công bõ của giúp những người khác trong cơn hoạn nạn đói khổ, cố gắng làm lành lánh dữ, diệt dục... để được lưu truyền tiếng tốt, để phước lại cho con cháu, để kiếp sau được hạnh phúc hơn hoặc được vào nước thiên đàng hay cõi niết bàng là nơi sẽ không có sự đau khổ, bất công, lo âu và bệnh tật.
Có người lại dửng dưng, không ham sống hay muốn tự hủy hoại đời mình, tự dấn thân vào con đường nghiện ngập, chơi bời làm hại sức khỏe. Khi nhà bác học Einstein được bác sĩ cho biết là ông bị bệnh phình mạch máu trên đầu và đề nghị ông nên chữa trị bằng cách giải phẫu, ông nhất định từ chối và cuối cùng đã qua đời vì bị vỡ mạch máu não, biến chứng của bệnh trên. Tại sao ông lại không muốn được sống thêm nữa? Chỉ ông mới có thể trả lời câu hỏi nầy. Có thể là ông cho rằng sống thêm vài năm nữa cũng chẳng mang ích lợi chi khi thành quả của ông trong quá khứ đã làm tên tuổi của ông lưu truyền mãi mãi và sau khi chết ông sẽ đến một nơi vĩnh cửu hơn thế gian tạm bợ này. Cùng một quan điểm như trên, một khoa học gia nổi tiếng khác đã nói: “con người chỉ là những hành khách trên quả địa cầu này”. Ðiều nầy có nghĩa là mỗi người, dầu muốn dầu không, đều có lúc phải từ giả cuộc sống trên dương trần để đi đến một nơi khác. Trái đất chúng ta đang ở cũng ví như một chuyến xe đò và thời gian vài tiếng đồng hồ trên xe đó là cả một cuộc sống của chúng ta. Ðến một lúc nào đó, mọi người phải rời xe ấy. Chỉ có một điều khác biệt là chúng ta mua vé về đâu? Về một quê hương có mái ấm gia đình hạnh phúc hay đến một nơi đầy khói lửa, chết chóc, tang thương? Cũng vậy, nếu có lúc chúng ta chào đời thì cũng có lúc chúng ta ra đi giã từ dương thế để chúng ta đến một nơi nào đó, một nơi không ai biết được sẽ như thế nào.
Trong chuyện Shogun vào thời loạn các sứ quân bên Nhật, có nhiều người bị bắt nhốt trong một nhà tù chật hẹp. Lúc ấy họ không biết mình bị tù vì lý do gì, sẽ bị giam giữ bao lâu. Cứ thỉnh thoảng có người bị gọi ra khỏi ngục mà không thấy trở về. Không hiểu họ được phóng thích hay bị bắt ra xử tử. Có người bị kêu ra để tra khảo, đánh đập mềm xương rồi được khiêng về. Tình trạng thê thảm đó diễn ra hằng ngày, tâm trạng những tù nhân này thật đáng thương, tương lai sẽ ra sao, không ai có thể tiên đoán được. Những tù nhân này mỗi ngày được phát cho một phần ăn, có lẽ đủ dùng cho một số người, nhưng lại thiếu thốn cho những người khác. Thay vì giúp đỡ cho nhau, đùm bọc lẫn nhau, họ lại tranh dành với nhau từ miếng ăn đến chỗ ở. Làm sao cho no ấm, không cần biết đến ngày mai. Làm sao cho các tù nhân khác nể mình, tôn mình lên làm đàng anh hay người lãnh đạo để được thỏa mãn về vật chất, tự ái tạm thời... Chắc có lẽ họ quen nếp sống như vậy, họ thích những vật chất tạm bợ mà quên đi là nơi ấy không phải chỗ ở vĩnh viễn của mình. Nếu ở trong hoàn cảnh đó, chúng ta chắc phải tìm mọi cách để tiếp xúc với bên ngoài, tìm mọi cách để mình được thả ra, mong có ngày được thoát khỏi cảnh tù tội để được về đoàn tụ vui vẻ với gia đình.
Có người ví đời sống của chúng ta giống như một giòng sông, bắt đầu bằng những hạt sương, hạt tuyết, giọt mưa rơi trên lá cành. Từ những lượng nước nhỏ nhoi đó, các rạch nước, suối nước được thành hình trên những vùng cao nguyên. Các mạch nước nhỏ này sẽ hợp lại với nhau để tạo nên những thác nước, những khúc sông cuồng bạo nguy hiểm. Sau đó đến một giòng sông trầm lặng nhưng mãnh liệt, giòng sông có khả năng đổi hướng, chuyển đất nơi này bồi đắp chổ kia, biến vũng lầy thành đất phù sa, lấn chiếm cả đại dương và cuối cùng trở về biến mất vào lòng biển bao la, là nơi khởi thủy, là nơi mà hơi nước bắt nguồn để tạo thành các hạt tuyết, giọt mưa và chu kỳ cứ tiếp diễn.
Mỗi người trong chúng ta có một đời sống, một cá tính riêng. Khi còn nhỏ, chúng ta nhờ ơn cha mẹ dạy dỗ, rút lấy các kinh nghiệm chung quanh, lần lần tạo ra bản tính cá nhân của mình. Như dòng sông, khi còn trẻ, chúng ta có khuynh hướng tìm về những việc có tính cách táo bạo, mãnh liệt, nguy hiểm, tạm thời, lắm lúc thiếu suy nghĩ có thể đưa cuộc sống vào nơi bế tắc. Nhưng đến lúc trưởng thành, sau khi công thành danh toại, nhìn lại khoản thời gian qua, chúng ta tự hỏi mục tiêu và ý nghĩa của cuộc sống chúng ta là gì? Vì thế nhiều người bắt đầu hướng về tôn giáo, lo việc từ thiện và ước ao một quê hương tốt đẹp hơn. Tại sao chúng ta lại không nghĩ đến việc trên khi còn trẻ, hay ngay bây giờ? Một mai nếu có chi bất trắc xảy ra trong cuộc sống, chúng ta sẽ bị mất đi cơ hội độc nhất rất là quý báu này. Kinh Thánh có chép: “... nhưng anh em chẳng biết ngày mai sẽ ra thế nào! sự sống của anh em là chi? nó chẳng khác gì hơi nước, hiện ra trong chốc lát rồi lại tan mất” (theo Gia-cơ 4:14). Nếu cô đọng đời sống của chúng ta lại chỉ còn trong một vài ngày hay một vài giờ, chúng ta sẽ thấy cuộc sống ngắn ngủi này cũng tương tự như đời sống của các vi sinh vật đơn bào mà chúng ta đã nhìn thấy qua kính hiển vi “lăng xăng đây đó dường như không có mục tiêu gì!” Những sinh vật đơn bào này không chết hẳn, khi đến “tuổi già nua” thì chúng nó “chết” đi bằng cách chia đôi, thành hai tế bào con, mới và trẻ trung hơn. Trong khi đó thì con người sẽ về một thế giới khác. Bạn có chuẩn bị cho cuộc hành trình này chưa? Hay là bạn cũng giống như những tù nhân trong thời loạn các sứ quân bên nước Nhật ngày xưa, mặc kệ cho số phần đưa đẩy tới đâu cũng được. Như một khách lữ hành, bạn có biết là mình mua vé xe về đâu hay không? Hay bạn sẽ nói với ông tài xế xe đò rằng: “Ông ơi! ông cho tôi được ở trên xe ông càng lâu càng tốt”. Hay là: “Ông cho tôi xuống chỗ nào cũng được, vì tôi không biết mình sẽ đi về đâu, quê hương ấm cúng và gia đình hạnh phúc là những điều quá xa vời mà tôi không bao giờ mơ ước và đạt đến được”.
Như Einstein và khoa học gia nổi tiếng ở trên, Kinh Thánh có nói đến “Những người... xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất. Những kẻ nói như thế, tỏ rõ rằng mình đang đi tìm một quê hương. Ví thử họ đã tưởng đến nơi quê hương mà mình từ đó đi ra (nơi chôn nhao cắt rún), thì cũng có ngày trở lại, nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời...” (theo sách Hê-bơ-rơ 11:13-16).
Ðức Chúa Giê-xu phán rằng “Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở. Nếu không thì ta đã nói cho các con biết rồi. Ta đi để chuẩn bị chỗ ở cho các con. Sau khi ta đi và chuẩn bị chỗ ở cho các con rồi thì ta sẽ trở lại đón các con đi để hễ ta ở đâu thì các con cũng ở đó.” (Giăng 14:3). “Trời kêu ai nấy dạ”, sau tiếng dạ đó thì như thế nào? Có bao giờ bạn mơ ước đến một quê hương trên trời? một chỗ ở trong nhà của người Cha thiên thượng? Làm sao có thể đến nơi Đức Chúa Giê-xu sắm sẵn cho chúng ta như Ngài đã nói? Kinh Thánh chép Đức Chúa Giê-xu là con đường duy nhất để chúng ta có thể đến quê hương tốt đẹp ở trên trời, chỉ có Ngài mới nói rằng “Ta là đường đi, lẽ thật (chân lý) và sự sống, chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Đức Chúa Trời” theo sách Giăng 14:6. Thánh Giăng Báp-tít cũng đã quả quyết là: “Ai tin Ðức Chúa Giê-xu thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Ngài thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng hình phạt của Thượng Đế vẫn ở trên người đó” (theo Phúc Âm Giăng 3:36).
Mong bạn đặt niềm tin vào Ðức Chúa Giê-xu để lấy một vé xe về nơi mà Ngài đã dành sẵn cho, để được về quê hương tốt đẹp nhất trên trời. Chẳng những Ngài muốn chúng ta được lên thiên đàng sống đời đời với Ngài, mà Ngài còn chỉ cho chúng ta con đường để đến nơi ấy bằng cách hy sinh chính mạng sống của Ngài để cứu chuộc tội lỗi chúng ta, để tạo một nhịp cầu nối liền loài người với Thượng Ðế. Ngài như một người chăn chiên hiền lành không ngại hiểm nguy vượt suối, trèo non để tìm những chiên con lạc mất như chúng ta, chúng ta hãy nghe tiếng Ngài. Nếu bạn cảm thấy có sự thúc giục trong lòng, muốn tin nhận Chúa Giê-xu, muốn được sự sống trường cửu mà Ngài hứa sẽ ban cho, xin mời bạn lập lại những lời cầu nguyện sau đây:
“Kính lạy Ðức Chúa Trời là Ðấng yêu thương nhân loại, Ngài không muốn cho một người nào bị hư mất. Con xin Ngài tha thứ tội lỗi của con, ghi tên con vào sổ sự sống. Xin Ngài ngự vào lòng con, làm chủ cuộc đời của con và thay đổi tấm lòng con để cho con có một đời sống đầy ý nghĩa và được xứng đáng làm một công dân nước Trời. Con xin thành kính cám ơn Chúa và cầu nguyện trong Danh Cứu Chúa Giê-xu, A-men.” (A-men có nghĩa là muốn thật hết lòng) Nếu muốn tìm hiểu thêm hoặc muốn có các tài liệu khác về lẽ đạo, xin bạn liên lạc với các nhà thờ Tin Lành địa phương của bạn.
(Theo Bác Sỉ Phạm Quang Trọng ) |