Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Wednesday, August 24, 2011

Ngang trái những cuộc ly hôn tuổi xế chiều



Ngang trái những cuộc ly hôn tuổi xế chiều


Có những cặp vợ chồng sống với nhau hơn nửa đời người nhưng vẫn ra tòa ly hôn bởi những lý do thật oái oăm, ngang trái. Chỉ tiếc là sau bao năm cùng chèo lái con thuyền hôn nhân, tuổi già của họ lại dậy sóng.


Ở cái tuổi đã xế chiều, nhiều cụ ông cụ bà thường dành thời gian vui thú điền viên, dạy dỗ con cháu để hưởng hạnh phúc tuổi già. Thế nhưng, thực tế cuộc sống muôn hình vạn dạng, không phải lúc nào cũng diễn ra êm ả. Có những tình huống ly hôn ở tuổi xế chiều thật oái oăm, ngậm ngùi.

Ly hôn vì bồ trẻ, vì hết tiền

Ở tuổi ngoài 70 nhưng cụ Nam, Hà Tĩnh da dẻ vẫn hồng hào, dáng đi thoăn thoát, điện thoại xài hàng xịn, lúc nào cũng đi giày bóng lộn. Còn cụ bà thì thường xuyên đau ốm do tuổi đã già. Thời gian đầu cụ bà cứ nghĩ đó là thói quen của ông từ thời còn đương chức. Bởi ông luôn nổi tiếng là nghiêm túc, tác phong gọn gàng và bắt kịp… công nghệ. Vì thế bà rất yên tâm.

Thế mà đùng một cái ông tuyên bố muốn lấy vợ bé và đâm đơn ly hôn bà vợ già. Cả nhà được một phen choáng váng. Ai cũng không tin thì ngay sau đó ông đưa ngay cô bồ nhí về “ra mắt”. Con cháu ông lại thêm một cú sốc khi người ông đòi lấy còn ít tuổi hơn cậu con trai út. Lí do ông đưa ra rất… đơn giản: “Bà vợ suốt ngày ốm đau, đằng nào cũng chết trước tôi. Tôi ly dị tìm người khác trẻ hơn để họ chăm sóc khi tôi ốm đau thì có gì là sai đâu?”. Bà vợ ông khi nghe những lời ấy đã ngã quỵ.

Vì thể diện của gia đình và không chấp nhận một người mẹ kế còn ít tuổi hơn cả con út, gia đình ông phản đối kịch liệt. Nhưng có lẽ ông cụ bị “tình yêu” làm mù quáng nên nhất quyết đòi ra tòa và đòi tài sản là ngôi nhà để rước vợ bé về sống chung.

Không có bồ trẻ như ông Nam, nhưng gần đến cuối đời, ông Phạm Văn Hoàng (65 tuổi, Hà Nam)  lại muốn “ngả ra” với vợ  Nguyễn Thị Mai (62 tuổi) sau 40 năm chung sống. Ông Hoàng đã đơn phương nộp đơn ly hôn ra tòa với lý do “lối sống không phù hợp, hôn nhân không hạnh phúc”, khiến bà Mai choáng váng.

Ông Hoàng bức xúc vì ông đã phải chịu nhịn nhục để sống, đến tháng lĩnh lương là bà Mai hết và chỉ cho ông được vài đồng lẻ, ngoài ra bà không quan tâm hỏi han tới chồng làm việc có mệt không. Bà giữ tiền chặt vì sợ ông mang tiền đi cho gia đình bên nội, mỗi lần về quê nội ông cũng không được thoải mái. Ông thấy có sự phân biệt đối xử giữa bên nội và ngoại, ông còn chỉ trích bà là người nói nhiều và chỉ quan tâm đến tiền…

Ông Hoàng kiên quyết: “Gần 40 năm qua, tôi đã sống cho bà và cho con. Giờ tôi muốn được sống cho mình ở quãng đời còn lại”.

Ly hôn vì … không hợp

Ở cái tuổi gần đất xa trời, kề vai sát gối với nhau nhiều thập kỷ, nhưng nhiều cặp vợ chồng khi đưa ra lý do ly dị vẫn nói vì không hợp. Người không hiểu thì phì cười, còn người trong cuộc thì ngậm ngùi, chua xót.

Ông An đã 84 tuổi, bà Ngọc gần 80 nhưng hai ông bà vẫn đưa nhau ra tòa ly hôn chỉ vì một cái “bạt tai”.

Bà Ngọc và ông An chung sống với nhau hơn nửa đời người, ở cái tuổi 84, mái tóc của cả hai đã gần bạc trắng, tưởng như ở tuổi này thì hai người sẽ làm tròn bổn phận và trách nhiệm của những người cha, người mẹ, người ông, người bà… Thế nhưng, ông An và bà Ngọc lại cùng nhau ra tòa để ly dị.

Bà Ngọc cất giọng run run nói trước tòa: “Lần đầu tiên ông ấy đánh tôi một bạt tai, tôi không thể nào chịu đựng nổi, cho tôi được ly hôn.” Lý do xin được ly hôn của bà già hơn 80 tuổi quá đơn giản đến mức làm cho cả khán phòng phải bật cười.

Điều đau lòng ở đây không phải vì ông An, bà Ngọc ra tòa ly dị vì một cái “bạt tai”, mà vì chính những đứa con mà ông bà sinh ra. Con gái thì xúi mẹ ly dị và đòi quyền “bình đẳng” và hưởng thừa kế như những người con trai trong gia đình, đám con trai lại xúi bố rồi trách mẹ không giữ uy tín, ruộng đất chia rồi sao lại đòi phân lại…

Kết thúc phiên tòa và bước ra khuôn viên toà án TP.HCM, một trong những người con gái của ông An và bà Ngọc đã tuyên bố “sẽ tiếp tục đấu tranh tới cùng, chừng nào đạt được mục đích mới thôi!”.

Xã hội dân chủ, mọi người nhìn nhận việc ly hôn cởi mở hơn. Bất kì lý do, hay độ tuổi nào cũng có thể đưa nhau ra tòa. Ngay cả khi đã “gần đất xa trời” các cụ vẫn có thể đưa nhau ra tòa ly hôn. Nhưng khi nghe được và biết được sự thật đằng sau những vụ ly hôn đó, thì không chỉ có luật sư, gia đình mà bản thân người trong cuộc cũng không tránh khỏi những vết thương tâm lý khó lành, nhất là ở cái tuổi mong muốn và khát khao bình yên nhất.