Loài Cá Rồng Lá - Leafy Seadragon (Phycodurus eques) là một trong những động vật đẹp lộng lẫy và quý hiếm. Rồng Phycodurus eques là một trong những loại cá có mầu sắc tuyệt đẹp và cũng có nhiều bí ẩn vào bậc nhất của thế giới đại dương.
Nhìn Rồng Lá thật là thích mắt. Nó trông giống như một thân cây có những cái lá thật lạ. Những lá đó chính là những phiến da, treo khắp đầu, thân, đuôi, và nom hệt như lá thật.
Những chiếc lá đó không giúp Rồng Lá chuyển động. Thực tế, cơ thể Rồng Lá cũng hiếm khi có vẻ là đang di chuyển đi. Nếu quan sát kỹ mới thấy Rồng Lá chuyển động bắt chước theo kiểu chuyển động đu đưa của tảo bẹ dưới biển, chỉ có nhìn thật gần mới thấy được những cái vây nhỏ lờ mờ giúp cho chúng chuyển động.
Vì không có những bộ phận chuyên bơi lội như những loại cá khác nên dù mang tiếng là "rồng", con vật này lại là những kẻ bơi hết sức yếu ớt. Tuy nhiên đuôi của chúng lại không thể nắm bắt được như Cá Ngựa (Hải Mã), suốt đời Rồng Lá phải liên tục vận động dù là không bơi đi đâu xa.
Cuộc sống của Rồng Lá gắn liền với những khu rừng tảo bẹ dưới nước, điều này cũng có lý do chính đáng. Với kiểu ngụy trang hình lá như vậy chúng được an toàn giữa cây lá. Nhưng khi bị tách khỏi thế giới thực vật, chúng lại trở nên hấp dẫn hơn những con mồi bình thường vì hình dáng lạ mắt của chúng và sẽ nhanh chóng trở thành mồi ngon cho nhiều loại cá lớn.
Ngoài hình dáng đầy lá, rồng Phycodurus eques có cái mõm dài và nhỏ, chỉ dùng chủ yếu để hút con mồi vào trong miệng nhỏ. Thức ăn khoái khẩu của Rồng Lá là các loài không xương sống nhỏ, sống quanh quẩn trong rừng tảo bẹ.
Khi tự vệ cũng như khi tấn công, Rồng Lá biết co người lại, chĩa những cái gai ra - gai là một thứ vũ khí quan trọng nhất của Rồng Lá, tuy nhiên trong thiên nhiên ít có kẻ thù nào dùng Rồng Lá như một loại thức ăn chính.
Cách thức sinh sản của Rồng Lá cũng không kém phần lạ lẫm. Rồng cái đẻ mỗi năm một lần, mỗi lần đẻ khoảng 250 trứng. Con cái gửi trứng của mình lên bộ phận ấp trứng nằm ở trên đuôi của con đực. Bộ phận ấp trứng này chứa phần xốp có nhiều chỗ lõm - mỗi chỗ lõm đó dùng để chứa một cái trứng (trứng được thụ tinh trong quá trình con cái chuyển giao trứng cho con đực). Trứng được Rồng đực mang theo bên mình mãi cho đến khi nở. Sau khoảng 8 tuần, trứng nở, nhưng trong thiên nhiên chỉ có chừng 5% trứng là phát triển được đến tuổi trưởng thành (khoảng 2 năm).
Rồng Lá thường sống ở độ sâu từ 5-35m, và đặt biệt chỉ có ở vùng nước ôn đới (nhiệt độ quanh năm từ 14-19 độ C), dọc theo duyên hải miền Nam Australia trong khu rừng tảo bẹ dưới biển quanh Kangaroo Island và Lancelim.
Bình thường Rồng Lá phát triển đến chiều dài xấp xỉ 35cm, nhưng đôi lúc chúng cũng có thể đạt đến chiều dài 45cm.