Bệnh nhân nằm bất cứ tư thế nào cũng rất dễ gây ra loét ở những nơi mà xương nhô lên, có lớp cơ và da bao bọc quá ít.
Người cao tuổi thường mắc nhiều chứng bệnh phải nằm lâu, cùng với tình trạng tiêu tiểu không tự chủ rất dễ gây loét da nhất là vùng xương cụt. Trường hợp nặng có thể loét tới xương và nhiễm trùng máu rất nguy hiểm. Do vậy, sự quan tâm của gia đình giúp người già phòng ngừa loét là rất quan trọng.
Như chúng ta đều biết, cơ thể được một lớp da bao bọc bên ngoài để bảo vệ, giúp chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, nếu không được chăm sóc ngay từ đầu thì từ một vết loét nhỏ sẽ dẫn đến một vết thương có mủ, rất lâu lành gây thêm đau đớn cho bệnh nhân, nhất là đối với người cao tuổi khi sức đề kháng đã giảm khiến việc điều trị càng khó hơn.
Những dấu hiệu khi xuất hiện loét
Loét dễ xuất hiện vào mùa nóng, do tiết mồ hôi nhiều, sự ẩm ướt của việc tiểu tiện đối với những bệnh nhân tiểu tiện không tự chủ, hoặc nằm lâu trên một mặt phẳng cứng, hoặc không thể tự xoay trở được thường xuyên như bệnh nhân bị liệt, nhất là liệt hai chân, bệnh nhân hôn mê do chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não…
Vùng da thường tiếp xúc với mặt giường nhiều lúc đầu sẽ không đau hoặc đau ít, sau đó dần dần đỏ lên, vài ngày sau sẽ giống như một vết phỏng, có những mụn nước bao bọc, nếu không được chăm sóc cẩn thận rất dễ bị vỡ, có màu đỏ bầm và sau đó đen lại do hoại tử tổ chức phần mềm, khi sờ sẽ thấy lạnh. Do đó khi xuất hiện vết loét cần phải được chăm sóc để ngăn chặn sự lan rộng, vết loét càng sâu thì càng dễ nhiễm trùng dẫn đến việc điều trị lâu hơn, gây thêm đau đớn cho bệnh nhân.
Nên xoa bóp nhẹ nhàng vùng da đó để kích thích sự tuần hoàn máu, giữ vùng da đó luôn khô thoáng sạch sẽ. (Ảnh minh họa).
Vùng da nào dễ loét nhất?
Bệnh nhân nằm bất cứ tư thế nào cũng rất dễ gây ra loét ở những nơi mà xương nhô lên, có lớp cơ và da bao bọc quá ít.
Tư thế nằm ngửa: dễ loét là vùng sau ót, vùng xương cùng, hai bên xương bả vai, hai cùi chỏ, hai gót chân.
Tư thế nằm nghiêng: nghiêng về phía nào thì bên đó trực tiếp bị ảnh hưởng: vùng thái dương, phía ngoài và trong đầu gối, mắt cá ngoài.
Tư thế ngồi: ảnh hưởng đến phần xương nhô ra khi ngồi mà y học gọi là ụ ngồi xương chẩm.
Cơ thể của người cao tuổi do tiêu hoá kém, hấp thu dinh dưỡng chậm, sức đề kháng kém nên vết loét rất lâu lành. Vì vậy cho dù chỉ là một vết loét thật nhỏ, chúng ta cũng cần phải chăm sóc chu đáo, vì nếu để vết loét càng sâu rộng, sự xâm nhập của vi trùng ngày càng phát triển, sẽ xuất hiện nhiều tế bào hoại tử dẫn đến bội nhiễm phải cắt lọc loại bỏ tế bào chết, bệnh nhân càng đau đớn.
Chăm sóc và xử trí bệnh nhân bị loét
Ngay khi có sự xuất hiện một vùng da nào đó bị đỏ, nên xoa bóp nhẹ nhàng vùng da đó để kích thích sự tuần hoàn máu, giữ vùng da đó luôn khô thoáng sạch sẽ. Phải vệ sinh sạch sẽ sau khi bệnh nhân tiểu tiện, nếu bệnh nhân là nam nên gắn bịch nilông ở bộ phận sinh dục, nếu là nữ nên lót giấy thấm hoặc dùng quần lót bằng giấy. Ngoài ra vấn đề dinh dưỡng cũng rất quan trọng, cần dùng nhiều chất đạm, vitamin để tái tạo tế bào đã hoại tử, nâng thể trạng chống đỡ được bệnh tật đang mắc phải cùng với vết loét.
Điều trị vết loét cũng giống như điều trị một vết thương, cần thay băng và chăm sóc mỗi ngày, thường xuyên quan sát vết loét để tránh được hiện tượng lan rộng. Nếu muốn chăm sóc thay băng tại nhà, nên có một nhân viên y tế đến với dụng cụ đã được vô khuẩn; những vết loét có bề mặt lớn cần phải được bác sĩ thăm khám để có được các y lệnh điều trị đúng, giúp vết thương mau lành hơn trên một cơ thể đã suy nhược.
Ngoài ra, phơi nắng vùng da bị hoại tử vào buổi sáng có thể giúp vết thương mau lành.
Vài lưu ý để tránh bị loét da Khi chăm sóc cho người bệnh phải nằm lâu trên giường, nên thường xuyên thay đổi tư thế cách hai giờ/lần, tốt nhất nên làm thời khoá biểu để trên bàn hoặc nơi dễ chú ý, tự chia sẵn giờ trong ngày, tránh sự trùng hợp mà người sau không biết. Những vùng da bị đỏ không được để bị đè cấn thêm lên, nếu da vùng xương cùng bị đỏ thì phải thay đổi tư thế để bệnh nhân nằm nghiêng hoặc nằm sấp. Tuy nhiên, tư thế nằm nghiêng dễ làm cho bệnh nhân khó chịu, không nên nằm quá hai giờ. Tư thế nằm sấp nên chú ý dễ tắc nghẽn đường hô hấp của bệnh nhân, tư thế nằm phải được thông khí tốt, có thể cho đầu nằm nghiêng. Những vùng dễ bị đè cấn phải được chêm lót thêm: nếu nằm ngửa, chêm lót dưới mông, dùng gối kê cao chân không cọ xát vào giường để tránh bị đè cấn vùng gót; nằm nghiêng bên nào thì chêm lót vùng khuỷu tay, mắt cá chân bên đó; nếu nằm sấp thì chêm lót phần trước ngực, mắt cá chân phía trong nơi tiếp xúc trực tiếp drap giường. Nên thường xuyên giữ cho bệnh nhân được khô ráo, sạch sẽ nhất là sau khi ra nhiều mồ hôi, hay sau khi bệnh nhân tiểu tiện. Thường xuyên xoa bóp ở những nơi dễ bị đè cấn để giúp các mạch máu dễ dàng lưu thông. |