Ngày xưa người Việt chia một
ngày làm 12 giờ, và gọi theo tên 12 con giáp là giờ Tý, giờ Ngọ, giờ Mùi, giờ
Dần, …. Ngày nay, như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam chia ngày
thành 24 giờ, mỗi giờ có 60 phút và mỗi phút có 60 giây. Dầu chia
giờ theo cách nào, đa số đều nhìn nhận rằng thời gian trôi rất nhanh. Ca
dao Việt Nam
có câu: “Thì giờ ngựa chạy, tên bay.” Các nhà văn thì viết “bóng
câu qua cửa.” Người Tây phương nhận định rằng “thời gian bay,”
“thời gian có cánh,” hay như Lamartine, một thi sĩ lãng mạn Pháp
đã viết: “Ôi thời gian! Hãy ngừng cánh bay.”
Khi nhìn vào đồng hồ, chúng ta
thấy kim giây chạy rất nhanh, kim phút chạy thong thả, kim giờ chạy rất chậm;
cả ba cây kim đều cùng chạy tới. Đối với một số người có tâm trạng u hoài, một
ngày, một tháng, một năm, hay cả đời người dường như rất dài; nhưng đa số chúng
ta khi nhìn lại thời gian thấy rằng thời gian trôi rất nhanh. Một thiếu
nữ, một thanh niên trong lúc thanh xuân thường cho rằng đời mình còn dài lắm,
nhưng một thời gian sau, cô cậu này giật mình thấy tóc đã lên màu muối tiêu.
Thời gian, như chiếc đồng
hồ không kim, cứ lặng lẽ trôi. Con người sinh ra trải qua thời thơ ấu,
tuổi thiếu niên, thanh niên, tráng niên, trung niên, cao niên và cuối cùng là
giờ phút xuôi tay nhắm mắt. Không ít người đã “đốt giai đoạn”
chuyển từ thời niên thiếu hoặc thanh xuân vào giai đoạn cuối cùng.
Có người so sánh cuộc đời của
mỗi người như một chuyến tàu. Tàu rời ga A là lúc mới sinh, tuần tự qua
các ga B, C, D, … của các lứa tuổi, đến nhà ga Z là lúc qua đời.
Trong khi đoàn tàu phải chạy tuần tự từ ga này sang ga khác, từ điểm khởi hành
cho đến điểm kết thúc; cuộc sống một người có thể chấm dứt bất kỳ lúc
nào. Vì thế, người xưa đã có câu: “sinh hữu hạn, tử vô kỳ” – thời
gian chào đời có thể biết, nhưng không mấy ai biết ngày nào sẽ chết.
Viễn ảnh về cái chết làm nhiều
người lo sợ, khiến họ không muốn đối diện với thời gian; hoặc có người, như
Lamartine, mong muốn thời gian hãy ngừng lại.
Người tin Chúa, ngược lại,
không lo lắng về cái chết. Thời gian đối với người tin Chúa cũng là một
con tàu, nhưng không phải con tàu đưa họ vào cõi chết, nhưng là con tàu giúp họ
trên hành trình về thiên quốc. Sứ đồ Phao Lô cho biết ông bâng khuâng giữa hai
sự chọn lựa, không biết điều nào tốt hơn: chết – được về sớm với Chúa trên
thiên đàng, hay sống – tiếp tục làm những công việc của Chúa trên đất.
Đối với người tin Chúa, ga cuối
cùng chỉ là trạm trung chuyển. Thánh Kinh ghi lại lời Đức Chúa Jesus phán
về cuộc đời của một người tin Chúa như sau: “Quả thật, quả thật, ta nói
cùng các ngươi, ai nghe lời Ta mà tin Đấng đã sai Ta, thì được sự sống đời đời,
và không bị phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống” (Giăng
5:24). Cái chết kết thúc cuộc sống hữu hạn để người tin Chúa bước vào
cuộc sống vô hạn phước hạnh với Chúa trên thiên đàng.
Sứ đồ Phao Lô chú thích thêm về
ngày vui đó như sau: “Vì sẽ có một tiếng hô lớn, với tiếng của vị thiên sứ
trưởng, và với tiếng kèn của Ðức Chúa Trời trỗi lên, thì chính Chúa sẽ từ trời
giáng lâm, và những người đã chết trong Ðấng Christ sẽ sống lại trước hết. Kế
đó chúng ta, những người đang sống, những người còn lại, sẽ được cất lên cùng
những người ấy vào trong đám mây để gặp Chúa trên không trung, và như thế chúng
ta sẽ ở với Chúa luôn luôn” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17).
Thời gian vẫn trôi. Bạn không
thể làm gì để ngăn chặn thời gian nhưng bạn có thể chọn một kết thúc tốt đẹp
cho cuộc đời mình. Thay vì để con tàu thời gian đưa bạn vào cái chết
trong hư mất đời đời, mời bạn tin nhận Chúa Jesus để bước vào chuyến tàu đưa
bạn trên hành trình về thiên quốc.