Theo kết quả nghiên
cứu mới của các nhà khoa học Phần Lan, những người đã bước vào cuộc sống hôn
nhân ít bị nhồi máu cơ tim hơn so với những người sống độc thân, và họ cũng
nhanh hồi phục hơn nếu chẳng may đổ bệnh.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu đối với những người
trên 35 tuổi trong vòng 10 năm (1993 - 2002). Ghi nhận cho thấy, có
15.330 trường hợp có "sự cố" về tim mạch, trong đó 50% trường hợp
bị tử vong trong vòng 28 ngày.
Các nhà khoa học đã phát hiện được rằng đàn ông ở độ tuổi từ 58 - 66 tuổi
không kết hôn dễ bị nhồi máu cơ tim hơn so với những ai đã cưới vợ. Đối với
phái nữ, lợi ích từ việc kết hôn còn lớn hơn vì có tới 60-65% phụ nữ sống độc
thân rất dễ bị chứng tắc mạch vành cấp tính.
Thêm vào đó, người độc thân còn có tỷ lệ tử vong do bệnh tim trong vòng 28
ngày cao hơn người đã lập gia đình. Ở khảo sát này, đàn ông độc thân có khả
năng tử vong cao hơn người đã lập gia đình từ 60 - 168%, trong khi tỷ lệ đó ở
phụ nữ độc thân từ 71 - 175%. Lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này,
nhóm nghiên cứu cho rằng những người lập gia đình có tổng thu nhập cao hơn,
thói quen sinh hoạt lành mạnh hơn và thường nhận được sự ủng hộ trong công
việc nhiều hơn.
Mặt khác, nhóm nghiên cứu cũng không loại trừ trường hợp những người có sức
khỏe kém (do đó có thể mắc phải các biên chứng tim mạch) thường có nhiều khả
năng sống độc thân hoặc đã li dị.
Theo các nghiên cứu
trước đó, những người ở tuổi lao động, sống độc thân sẽ có nguy cơ bị bệnh
trầm cảm cao hơn những người có gia đình. Theo các nhà khoa học, khi
sống một mình, người ta có cảm giác bị cô lập và thiếu hội nhập xã hội, thiếu
sự tự tin – đó là những yếu tố nguy cơ cho sức khỏe tâm thần. Trái lại, nếu
sống với những người khác, họ được hỗ trợ về tình cảm, cảm xúc cũng như các
yếu tố khác để hòa nhập dễ dàng hơn với xã hội – nó sẽ tạo nên một trạng thái
tâm thần cân bằng, giúp tránh được bệnh trầm cảm.
Theo Phạm Minh/(theo Healthday)
|