Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Friday, March 16, 2012

Bệnh lo âu ở phụ nữ


Lo lắng sợ hãi là một trong những tình cảm thông thường của mọi người. Một mức độ lo lắng nhiều khi lại có lợi; người hay lo là người chu đáo, cẩn thận, quan tâm đến gia đình và việc làm do đó gia đình của họ tốt đẹp hơn, họ làm việc tốt hơn, được tín nhiệm và dễ thành công hơn.



Đứng trước một nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, chúng ta ai cũng sợ và tìm cách đối phó để bảo vệ mạng sống của mình. Đó là sự lo sợ chính đáng, cần thiết và bình thường.
Có một số người lo sợ khi không có lý do hoặc không có lý do cần thiết, lo sợ quá đáng đến mức làm đảo lộn cuộc sống, gây rối loạn trong quan hệ gia đình, bạn bè cản trở công ăn việc làm, những người đó được coi là bị bệnh lo âu.
Bệnh lo âu là một bệnh về tinh thần, nhưng cũng là một bệnh như các bênh khác giống như tiểu đường, cao áp huyết...Ta cần gạt bỏ thành kiến cho rằng những người có vấn đề về sức khoẻ tinh thần là xấu hoặc những đối tượng phi vật chất là không có thực. Bệnh lo âu là bệnh chữa đuợc và khi được chữa thì kết quả rất khích lệ do đó gia đình và bạn bè của người bệnh cần hiểu biết để giúp đỡ họ.

Triệu chứng
Bệnh lo âu thường xảy ra ở phụ nữ hơn ở nam giới. Bệnh nhân thường có những triệu chứng sau đây:
- Lo lắng sợ hãi vô cớ, sợ mà không hiểu vì sao lại sợ
- Cảm thấy nghẹn ở cổ
- Mệt mỏi
- Khó ngủ
- Không tập trung suy nghĩ được
- Hồi hộp
- Đổ mồ hôi
- Khó thở
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Nhức đầu
Có người tả rằng họ sợ giống như có cảm giác đứng trên tòa nhà cao nhìn xuống. Có người sợ không dám ngủ trong phòng của mình, mỗi tối phải đi ngủ nhờ nhà người khác khiến bà vợ cũng phải đi theo, để lại các con nhỏ ở nhà, đến nỗi muốn bán nhà vì không dám ở.
Có người làm dịch vụ nhưng khi thấy có nhiều thân chủ thì lo sợ, chân tay run rẩy, đau bụng đi tiêu chảy không thể làm việc được, chỉ uống một viên thuốc an thần là hết tiêu chảy!
Có người cảm thấy mệt, ngộp thở, tim đập nhanh, tê chân tay, tưởng rằng mình bị đau tim, sợ bị nhồi máu cơ tim, sợ bị đứt gân máu, sợ có thể chết được, họ thường kêu cấp cứu.
Tại cấp cứu sau khi được làm các xét nghiệm đắt tiền như thử máu đo tim chụp hình cắt lớp não bộ, nhiều khi họ được cho về, được cho biết là “không có bệnh gì”. Tình trạng này có thể tái diễn nhiều lần, gây hoang mang và rối loạn trong cuộc sống và cho gia đình. Ngày nay bác sĩ cấp cứu quen chẩn đoán bệnh lo âu hơn, bệnh nhân được cho thuốc an thần và dặn trở lại theo dõi tại bác sĩ gia đình

Nguyên nhân

Những chấn động tinh thần nhẹ từ lúc nhỏ tuổi có thể góp phần gây ra tình trạng lo âu. Có thể có sự rối loạn vận hành của các trung tâm thần kinh phát sinh ra cảm giác “sợ”. Cảm giác sợ lại tác động trên các trung tâm của hệ thần kinh thực vật, gây các triêụ chứng cơ thể như làm cho tim đập nhanh, hồi hộp, thở nhanh, đổ mồ hôi, đau bụng, tiêu chảy....

Chẩn đoán

Chẩn đoán dựa vào thăm khám tinh thần, loại bỏ các bệnh cơ thể như cường giáp, thiếu máu, bệnh tim mạch. Cần loại bỏ khả năng lạm dụng thuốc kích thích như lạm dụng cocaine, amphetamine...vì cũng gây triệu chứng tương tự. Cũng cần tìm các bệnh kết hợp như nghiện rượu, các bệnh tâm thần như trầm cảm, hội chứng hậu chấn động tâm lý...

Điều trị

Điều trị bằng thuốc như:
- Thuốc an thần loại benzodiazepines, có tác dụng nhanh và kết quả khích lệ nhưng có khả năng gây tùy thuộc ở thuốc tức là nghiện,
- Buspirone có tác dụng chậm, nhưng không gây nghiện,
- Các thuốc chống trầm cảm loại cũ như tricyclic antidepressants, loại mới như SSRI (ức chế chuyên biệt tái hấp thu serotonin), SNRI (ức chế chuyên biệt tái hấp thu serotonin va norepinephrine). Các thuốc này có hiệu quả không gây nhiện nhưng tác dụng chậm và có thể có tác dụng phụ, khiến một số người không tiếp tục dùng thuốc.
Điều trị tâm lý cũng có kết quả bằng sự điều trị bằng thuốc tuy chậm hơn sau 4-8 tuần. Điều trị tâm lý bằng cách tích cực can thiệp để thay đổi hệ thống tin tưởng của bệnh nhân, loại bỏ những kỷ niệm hãi hùng, củng cố nhận thức mới.
Các báo cáo cho thấy rằng điều trị bằng thuốc kết hợp với điều trị hỗ trợ tinh thần hướng vào giải quyết vấn đề thực tế của bệnh nhân trong các buổi thăm khám tại phòng mạch do bác sĩ gia đình có kết quả có kết quả tốt.

Bệnh nhân cần sự thông cảm và giúp đỡ của gia đình để tiếp tục hợp tác điều trị.