Lời Kinh Thánh

Chúng nghe vậy, lòng như kim châm, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi?” Phi-e-rơ bảo rằng: “Hãy ăn năn, ai nấy phải nhơn danh Jêsus Christ chịu báp-têm, để tội mình được tha, rồi sẽ nhận lãnh sự ban tứ là Thánh Linh . Công vụ 2:37-38

Monday, March 12, 2012

Thượng Đế Vẫn Còn Làm Phép Lạ




Tôi và nhà tôi sinh trưởng tại Hải-Phòng. Mẹ tôi rất sùng kính thần thánh nên thường xuyên đi Chùa cúng bái. Dù sống trong một chế độ vô thần, tôi cũng tin rằng: “Có thờ thì có thiêng.”Năm 1988 chúng tôi vượt biên tới Hồng-Kông. Ngay ngày đầu tiên nhập trại, chúng tôi gặp bà Phú người thường theo mẹ tôi đi Chùa. Bà đưa chúng tôi một quyển Kinh-Thánh và nói đơn giản: “Tin Chúa đi cháu. Nếu Cháu tin Chúa, muốn gì được đó.” Tôi ngạc nhiên hết sức và cũng rất buồn cười. Song vì tò mò, tôi tìm đến nhà thờ để biết rõ tại sao bà lại tin chắc đến thế
.

 Thật ngạc nhiên hơn những gì chúng tôi suy nghĩ, qua những bài giảng của Mục Sư Ðoàn Ngọc Ẩn về Phúc Âm của Thượng Ðế và qua tinh thần yêu thương gắn bó của con cái Chúa, chúng tôi đã đi đến một quyết định thật quan trọng – chúng tôi bằng lòng tin nhận Chúa Giê-xu và nhận thánh lễ Báp-têm để cam kết đi theo Chúa.
 Sau một thời gian ngắn sinh hoạt với Hội Thánh tại trại, chúng tôi được tên đi định cư tại Winnipeg, Canada. Khi vừa đến Winnipeg, chúng tôi tìm được nhà thờ Tin-Lành và thường xuyên đến sinh hoạt với anh chị em trong Hội-Thánh.

 Vì nhu cầu cuộc sống, chúng tôi quyết định rời Winnipeg để đến Montréal sinh sống. Khi đặt chân đến Montréal, chúng tôi tìm đến nhà thờ Tin-Lành để sinh hoạt, nhưng vì những bạn bè lôi cuốn trong việc làm ăn, những thú vui cám dỗ, những nhu cầu trong cuộc sống, chúng tôi đến dược vài lần, sau đó dần dần bỏ bê và cuối cùng bỏ hẳn. Thậm chí tự trấn an bào chữa cho rằng: “Vì muốn làm bậy mà tới nhà thờ thì chắc có lẽ Chúa giận lắm, thôi thì trốn Chúa.”
 Với ý nghĩ đó, chúng tôi thấy an tâm và tiếp tục đi theo con đường mình chọn. Bắt đầu từ đó hạnh phúc gia đình chúng tôi rạn nứt, vợ chồng bất hòa, có những xung đột thường xuyên xảy ra. Thỉnh thoảng trong lòng tôi muốn quay trở lại nhà thờ, nhưng vì mặc cảm tội lỗi và ngại ngùng vì cớ bỏ quá lâu, rồi ngày tháng cứ trôi qua.

 Bất chợt một biến cố xảy ra cho chồng tôi. Ngày 10-10-1999 chồng tôi ngã bệnh và phải chở cấp cứu vào bệnh viện Jean Talon. Bác sĩ cho biết là chồng tôi bệnh xuất huyết dạ dày nặng và cần phải giải phẫu ngay. Tôi thật bối rối vì chưa bao giờ nghĩ chồng tôi có thể bệnh nặng đến thế. Chồng tôi rất khỏe, nặng 70 kg, từng làm những công việc nặng và ít khi thấy bệnh. Vì thế, nên lúc chồng tôi vào bệnh viện, tôi cứ nghĩ: “Có lẽ một vài ngày là anh sẽ trở lại bình thường.”

 Ðêm 15-10-1999 bác sĩ bảo tôi phải đến bệnh viện ngay, vì chồng tôi ngưng thở. Lập tức tôi chạy đến bệnh viện, bác sĩ cho biết rằng: “Hết cách chọn lựa, xin lỗi bà, chỉ còn một cách là phải mổ lại.” Tôi hết sức hoang mang và lo lắng, song vẫn tin rằng: “Bác sĩ giỏi lắm, chắc họ tìm ra được nguyên nhân.”
 Cuộc giải phẫu kéo dài hơn 4 tiếng, bác sĩ bước ra và cho biết: “Tôi đã mổ lại chồng bà, tôi không thấy gì sai cả, tôi cũng không biết vì sao chồng bà ở trong tình trạng nầy.” Tôi thất vọng vô cùng và rất giận ông bác sĩ, nhưng biết phải làm sao bây giờ. Lập tức một người bạn của chồng tôi đề nghị: “Xin phép bác sĩ chuyển anh Thủy đến bệnh viện khác.” Bác sĩ chấp thuận lời yêu cầu của chúng tôi và lập tức chuyển chồng tôi đến bệnh viện Notre Dame trong tình trạng hôn mê và nguy hiểm.

 Bắt đầu từ đó tôi sống trong tình trạng vô cùng lo lắngvà hoảng hốt. Luôn luôn câu hỏi trong tôi là: “Làm sao bây giờ?” Bất chợt có một ý nghĩ đến trong trí tôi là đi tìm đến thầy bói. Sau khi năn nỉ và nhờ ông coi giùm khẩn cấp (vì ông rất đông khách), ông nói: “Chị phải chấp nhận...thôi vì hạn của anh năm nay rất nặng, khó qua lắm. Năm nay là năm tuổi của chị xung khắc với anh, và đầu năm rồi chị không cúng giải hạn thì hết cách cứu rồi.” Nghe qua tôi buồn quá! Song tôi vẫn hy vọng ở một điều gì đó. Tôi lật đật chạy lên các Chùa như: Chùa Quan Âm, Thuyền Tôn, Huyền Không, Tam Bảo...ghi tên tuổi, đặt tiền và cúng làm hết mọi nghi lễ. Tôi xin bùa chú của các Chùa nầy, kể cả bùa của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma (vì cho rằng ông nầy linh hơn) đeo khắp trên tay chân của chồng tôi. Tuy nhiên, bệnh trạng của chồng tôi chẳng những không suy giảm, nhưng ngày càng nặng hơn.
 Không bỏ cuộc, tôi tìm tới một người làm nghề đồng cốt. Sau khi bỏ tiền cúng, rượu, trái cây...tôi được ông cho một chai nước lọc bỏ tàn nhang vào, và dặn dò kỹ lưỡng: “Bà bôi bảy lần vào môi của ông, ông sẽ tỉnh ngay vì các cô đã cho quẻ xong rồi.” Tôi tràn trề hy vọng và đi thẳng vào bệnh viện thi hành ngay. Lúc đầu tôi bôi trên môi 7 lần, nhưng không thấy giảm, tôi bôi thêm 7 đợt tổng cộng 49 lần.

 Tình trạng ngày càng nguy ngập hơn, bác sĩ gọi tôi vào bệnh viện gấp để làm thủ tục cấp cứu. Ðây là lần thứ tư, đại giải phẫu, mà tôi phải ký giấy. Lần nầy trầm trọng hơn vì những mạch máu nhỏ nhất ở bên ngực trái của chồng tôi đều vỡ. Bác sĩ phải quyết định mổ để làm sạch lồng ngực đồng thời ngăn chặn máu chảy ra.
 Tôi vô cùng lo sợ vì chồng tôi trong tình trạng hôn mê toàn thân không còn hoạt động – thở bằng máy, thận chạy bằng máy, ăn uống bằng một ống dẫn vào ngay cổ để cho thực phẩm vào, nói tóm lại, chồng tôi sống chỉ nhờ máy. Ðứng trước tình cảnh đó, tôi như rơi vào một hố sâu thăm thẳm. Tôi khóc ngất và kêu lên: “Trời ở đâu, xin thương xót chúng tôi, xin cho chúng tôi một cơ hội sửa chữa lại những lỗi lầm của mình, xin hãy thương xót gia đình tôi.”
 Một ý nghĩ nữa đến với tâm trí tôi là tại sao mình không lên nhà thờ để thử lần nữa. Không chần chờ, tôi chạy đến nhà thờ Oratoire St. Joseph. Ðến nơi, tôi mua nước thánh, để tên, xin bánh thánh và thắp nến cầu khẩn: “Thưa ông thánh André, ông làm ơn kêu lên Thiên Chúa giùm tôi vì tôi tội lỗi nhiều lắm. Xin ông thương xót kêu cầu giùm tôi...” Với ý nghĩ đó, tôi cầu khẩn nhiều lần.

 Bệnh tình không thấy giảm, bệnh khác lại đẻ ra thêm. Bác sĩ quyết định mổ lần thứ năm để cứu vãn đường ruột, vì các khúc ruột dính vào nhau làm cho sự tiêu hóa bế tắc. Hơn thế nữa, lá gan vẫn chưa hoạt động lại bình thường, ngược lại có dấu hiệu xơ gan.
 Ðột nhiên tôi nhớ đến một người bạn, Chị Nam, đã quen nhiều năm trước, người theo Ðạo Tin-Lành, có chồng bệnh xơ gan. Cố tìm lại số điện thoại của chị, nhưng không tìm được. Cuối cùng tôi tìm được số điện thoại của một Dì trong Hội-Thánh và gọi ngay, tôi hỏi: “Làm thế nào tôi có thể gặp chị Nam được?” Dì đáp: “Chúa Nhật đến nhà thờ.”
 Chúa Nhật tôi tìm đến nhà thờ vì sẵn đường đi tới Chùa Tam Bảo cúng bái. Tôi gặp một vài người, nhưng không thấy Chị Nam, sau đó tôi từ giã đi sang Chùa.

 Sáng Thứ Năm, tôi vào bệnh viện, thấy có vài người đứng trong phòng bên cạnh giường của chồng tôi. Sau khi hỏi han, tôi được biết đó là Mục sư Bình và ông Tài đến thăm và muốn cầu nguyện cho chồng tôi. Trước khi từ giã, Mục sư gọi riêng tôi và nhắn nhủ tôi việc gì trông có vẻ quan trọng lắm. Mục sư hỏi tôi: “Anh Thủy đang đeo cái gì trong tay vậy?” Tôi ngập ngừng trả lời: “Ðó là những lá bùa mà tôi xin ở nhiều nơi để chữa bệnh cho anh.” Ông nhìn tôi tỏ vẻ thông cảm và nói: “Tôi rất thông cảm hoàn cảnh của chị, nhưng có điều tôi phải thành thật thưa với chị để chị hiểu rõ nếu chị thật lòng muốn tôi cầu nguyện cho anh Thủy.” Ông mở quyển Kinh-Thánh ra đọc cho tôi nghe một đoạn trong Sách Phục-Truyền Luật-Lệ Ký 18: 10 “Ở giữa ngươi chớ nên có ai đem con trai hay con gái mình ngang qua lửa, chớ nên có thầy bói, hoặc kẻ hay xem sao mà bói, thầy phù thủy, thầy pháp, kẻ hay dùng ếm chú, người đi hỏi đồng cốt, kẻ thuật số, hay là kẻ đi cầu vong; vì Ðức Giê-hô-va lấy làm gớm ghiếc kẻ làm các việc ấy...” Ông giải thích cặn kẽ vì sao Ðức Chúa Trời không muốn con cái Chúa dự phần trong những sự mê tín dị đoan; và sau cùng ông kết thúc: “Tôi phải nói cho chị biết rõ điều nầy để chị chọn lựa. Nếu chị thật sự muốn lời cầu nguyện mình thấu đến tai Chúa, tôi khuyên chị hãy thành thật ăn năn tội lỗi và từ bỏ những việc làm không đẹp lòng Chúa. Nếu chị chưa sẵn sàng, vì tình yêu thương của Chúa, tôi vẫn tiếp tục đến thăm và cầu nguyện cho anh. Nhưng tôi quả quyết với chị, Chúa không thể nghe nếu chị chọn đi hàng hai như vậy.”
 Nghe những lời đó, tôi cảm thấy rất khó chịu và không muốn làm theo lời đề nghị của ông. Những lần sau ông đến thăm và cầu nguyện, tôi tìm cách tránh né và giấu tay chân chồng tôi trong chăn để ông không thấy bùa.

 Tôi cảm thấy xấu hổ quá! Lòng ngượng ngùng mỗi lần thấy ông mục sư và những người trong Hội-Thánh đến thăm và cầu nguyện cho chồng tôi. Nhưng có một điều rất lạ, chồng tôi có dấu hiệu tỉnh lại hơn. Khi tôi nắm lấy tay chồng tôi, thì anh siết tay tôi và đôi mắt thỉnh thoảng mở ra nhận diện vợ con. Tôi nửa mừng nửa sợ, không biết mình phải làm sao! Nếu tháo bỏ bùa, liệu có thần thánh nào quở phạt, giết chồng tôi hay không? Cuối cùng tôi quyết định tháo ra hết và đem giấu trong nhà. Buổi tối hôm đó, tôi không bao giờ quên, một cơn ác mộng đến với tôi (trước đây chưa từng có), có một tiếng nói bên tai tôi cho biết là chồng tôi đã bị giết chết rồi. Tôi vùng dậy, bỏ con ngủ ở nhà, vội chạy đến bệnh viện để xem thử có đúng không. Trên đường đi, lòng vô cùng hồi hộp và lo sợ không biết mình có làm gì sai không; nếu có, chắc ân hận cả đời.

 Ðến bệnh viện, tôi chạy thẳng vào phòng. Vừa bước vào cửa phòng, thấy anh nằm, mắt mở ra, miệng tươi cười vì thấy tôi đến thăm. Ôi! Niềm vui không tả xiết, lần đầu tiên thấy chồng tôi tỉnh lại, tôi cảm tạ Chúa vô cùng.
 Tôi bắt đầu đi nhà thờ hằng tuần dẫn theo tôi hai đứa con gái. Thể xác tôi ở nhà thờ, nhưng tâm trí lại hướng về bệnh viện. Tuy chưa thấy chồng tôi tỉnh hẳn, tinh thần tôi được nhiều khích lệ vì thấy cả Hội-Thánh hiệp lại cầu nguyện trong giờ thờ phượng, các con cái Chúa đến yên ủi tôi, mục sư và Ban Chấp Hành thường đến bệnh viện để cầu nguyện cho chồng tôi.
 Cuối tháng 4, chồng tôi được chuyển lên lầu 5 nằm chờ bác sĩ cho biết kết quả. Sau khi chụp hình, thử máu, các bác sĩ họp lại và cuối cùng mời tôi vào để cho tôi biết quyết định. Trong căn phòng bên cạnh, gồm có bác sĩ, tôi, mục sư và một người bạn. Bác sĩ với giọng nhỏ nhẹ nói: “Xin lỗi bà, chúng tôi đã tận hết khả năng, nhưng rất tiếc, chúng tôi không thể làm gì hơn. Loại nấm Fungus phát triển khắp cả người và không có loại thuốc gì để ngăn chặn. Gan của chồng bà đang trong tình trạng hư nặng (cancer de foie). Theo tôi đoán, chồng bà có thể sống thêm 1 tuần nữa. Nếu bà bằng lòng hiến xác cho bệnh viện, thì cứ để chồng bà ở đây.”

 Tôi không thể cầm được nước mắt, lòng rụng rời khi nghe lời tuyên bố của bác sĩ. Khi bác sĩ rời phòng, mục sư yên ủi tôi rằng: “Chị đừng nản lòng, khi con người tuyên bố bất lực thì chính là cánh cửa mở ra cho Ðức Chúa Trời, vì không có gì khó cho Ðức Chúa Trời cả. Hãy hết lòng tin cậy nơi Ngài.”
 Sau đó nhân viên bệnh viện cho người đến yên ủi tôi và giúp tôi làm thủ tục nhà quàn. Nhiều người quen khi nghe tin nầy, điện thoại, viết thư, hoặc đến thăm chia buồn cùng tôi.
 Tôi hỏi ý kiến chồng tôi: “Anh có muốn về nhà nằm chết bên cạnh em không?” Chồng tôi nhỏ nhẹ đáp lại: “Cho anh về, hãy cho anh về, anh muốn về, anh nhớ nhà, nhớ các con.”

 Ngày 3-5-2000, sau hơn 6 tháng ở bệnh viện, chồng tôi về nhà, mệt, đau khắp cả người, song vui mừng vì đã thoát khỏi cảnh bệnh viện, 12 giờ đêm hôm đó, bỗng dưng chồng tôi nổi cơn đau kinh khiếp. Anh lăn xuống nền nhà, run rẩy, nước mắt trào ra, tay ôm bụng đang sưng to lên không thể tưởng tượng. Tôi lúng túng không biết phải làm gì trong lúc đó. Kêu 911 trở vào bệnh viện thì cũng bằng thừa, vì bác sĩ đã tuyên bố rồi, gọi mục sư thì không biết có kịp không. Tôi nhớ lại lời của cô truyền đạo Ngọc Sương trong Hội-Thánh có lần dạy: “Mình có Chúa, Chúa ở khắp mọi nơi, thấy mọi sự...” Tại sao mình không kêu cầu Chúa? Tôi lập tức giữ chồng tôi lại và bắt đầu cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban phép lạ cứu chồng con, cho chúng con có cơ hội làm chứng nhân sống cho Ngài.” Chồng tôi rên rỉ không chịu nổi cơn đau, nên nói: “Thôi đi, không có Chúa gì hết, chết là hết!” Tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện suốt nửa giờ đến khi chồng tôi ngủ thiếp đi. Tôi cũng quá mệt và ngủ gục bên cạnh chồng tôi khi nào không biết.
 Chừng 2 giờ sáng, tôi nghe tiếng động và có tiếng nói bên tai: “Dậy em ơi! Coi nầy!” Chồng tôi kéo áo lên chỉ cho tôi coi bụng mình. Tôi kêu lên: “Hả. Chúa ơi...Chúa đã làm phép lạ rồi, cám ơn Chúa.” Quả thật là phép lạ, bụng chồng tôi xẹp xuống như bình thường (suốt 7 tháng bụng sưng lên như cái gối bông). Tôi nhìn chung quanh giường không rõ nước ở bụng, ở chân ra lối nào. Chồng tôi cảm thấy đói và đi xuống bếp tìm thức ăn. Vợ chồng tôi thức đến sáng tạ ơn Chúa và trò chuyện với nhau về phép lạ Chúa vừa làm.

 Tới ngày hẹn trở lại gặp bác sĩ Polyquin (nếu còn sống) tại bệnh viện để khám lại, sau khi khám toàn thân, sờ nắn bụng, ông hết sức kinh ngạc và thốt lên lời: “Không thể tưởng tượng được! Không thể...” Tạm biệt bác sĩ, chúng tôi về; ra tới cửa bệnh viện gặp bà Nadeau, người đã giúp tôi làm giấy nhà quàn để thiêu xác. Bà sửng sốt ôm lấy chúng tôi và cũng nói giống như lời bác sĩ Polyquin: “Không thể tưởng tượng!...Không thể...”
 Ðến bây giờ chồng tôi đã gần như hoàn toàn bình phục; ăn uống bình thường, đi lại dễ dàng, lái xe, đi chợ và tham gia các buổi sinh hoạt trong Hội-Thánh hàng tuần.

 Tôi biết nói gì hơn ngoài sự dâng lên Chúa lời cảm tạ và ngợi khen, vì Ngài đã ban cho chúng tôi một món quà vô giá, đó là sự sống lại của chồng tôi. Giờ đây chúng tôi trở về nhà Chúa, đại gia đình gồm có những anh chị em thân yêu hằng cầu nguyện cho gia đình tôi.
 Qua kinh nghiệm ít oi nầy, chúng tôi khám phá ra một điều, đó là “Ðức Chúa Trời là sự yêu thương.” Chúng tôi nhận biết mình chẳng xứng đáng gì cả, vì đã phạm nhiều tội lỗi. Chúa đã bày tỏ lòng nhân từ của Ngài, cho chúng tôi có cơ hội ăn năn những lỗi lầm của mình để quay trở lại với Ngài. Kinh-Thánh chép: “Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3: 16). Vì tình yêu của Ngài, Chúa Giê-xu đến thế gian để tìm và cứu những người đang lầm lạc. (Luca 19: 10).

 Chúng tôi là những con chiên lạc mất trong xã hội vô thần, một xã hội văn minh đầy đủ tiện nghi vật chất. Không có Chúa, cuộc đời chúng tôi thật vô nghĩa, trống trải, gia đình không hạnh phúc, bệnh tật “tiền mất tật mang,” như con thuyền không định hướng. Ngày nay có Chúa, chúng tôi có tất cả: có sự sống, mái ấm gia đình, sự bình an, niềm vui sức sống mới, và có tình thương của Hội-Thánh.
 Nguyện ước của chúng tôi là muốn dâng cuộc đời còn lại để phục vụ Chúa. Ước mong qua Bài Làm Chứng nầy, cho phép chúng tôi thuật lại chút kinh nghiệm những gì Chúa đã làm trong cuộc đời chúng tôi. Ðức Chúa Trời đã làm phép lạ trong đời sống chúng tôi, chắc chắn Ngài sẽ làm trong đời sống của quý vị. Hãy nghe tiếng Chúa gọi: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Mathiơ 11: 28). Chúa đang kêu gọi quý vị đến trao những gánh nặng của mình cho Ngài, vì Ngài là Ðấng vẫn còn làm phép lạ.

 Nếu quý vị vừa đọc Bài Làm Chứng nầy và muốn đến với Chúa, hay muốn tìm hiểu thêm về Tin-Lành, xin đừng ngần ngại liên lạc với Hội-Thánh Việt-Nam tại địa phương hoặc trực tiếp với chúng tôi qua địa chỉ dưới đây. Chúng tôi rất lấy làm hân hạnh để chia sẻ với quý vị những ơn phước Chúa ban. Nguyện xin Chúa ban phước cho quý vị. Thân ái.

 Lê-Văn-Thủy

  Montréal, Québec, Canada